Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Chữ nghĩa, vũ khí còn có thể ở trong bụng thì sách cũng có thể chứa trong bụng được chứ

 Phan Nam Sinh

Trong một câu đối viết về cha tôi là nhà báo - nhà văn Phan Khôi, đăng trên Facebook ngày 16-1-2025, đúng 66 năm ngày cha tôi qua đời, tôi viết: Dẫu tự học, chỉ tự rèn cũng đầy bụng báng nhau trăm bộ sách; Lo dân sinh, vì dân chủ mà còng lưng thồ nặng chín triều vua. Trong đó, Đầy bụng báng nhau trăm bộ sách, Còng lưng thồ nặng chín triều vua là lấy từ hai câu luật Đường trong chùm thơ hai bài, tên là Bảy mươi tự thọ, ông viết năm 1957 mà vì sơ ý tôi đã không ghi xuất xứ như một hai lần đăng báo trước.

Vài giờ sau, nhà nghiên cứu - phê bình Lại Nguyên Ân bình luận dưới bài của tôi: Thiết nghĩ, trăm bộ sách là ở trong đầu, không ở trong bụng! Chúng không báng nhau mà bổ sung cho nhau thành kiến thức, vốn tri thức của con người Phan Khôi.

Tôi tuy chẳng đọc nhiều bằng ai, chứ cũng biết rằng lúc sinh thời Cao Bá Quát (1809-1855) từng nói: Chữ trong thiên hạ nhét vào bốn bồ. Mình Quát chiếm hai bồ. Anh của Quát là Bá Đạt và bạn của Quát là Văn Siêu chung nhau một bồ. Bồ còn lại chia cho khắp kẻ sĩ.

(https://vusta.vn/mot-so-giai-thoai-ve-cao-ba-quat-p68850.html).

Đọc bài hát nói có tên là Kẻ sĩ của Công Trứ (1778-1858) còn thấy thêm câu Kinh luân khởi tâm thượng; binh giáp tàng hung trung (經 綸 起 心 上; 兵 甲 藏 胸 中) nghĩa là việc trị nước có ở trong lòng; vũ khí giấu ở trong bụng.

Sau Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ hơn 150 năm, tôi còn đọc được một bài có đầu đề là Cái bụng chứa... tinh thần đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 26-1-2010 của Giáo sư - Tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân, trong đấy Giáo sư viết rằng Những người lắm chữ nghĩa được coi là đầy một bụng sách!

(https://tuoitre.vn/cai-bung-chua-tinh-than-360580.htm).

Vậy nên tôi tưởng, Cao Bá Quát nói nhét chữ vào bồ được; Nguyễn Công Trứ nói từ việc trị nước cho tới binh lính, áo giáp đều có thể giấu trong lòng, trong bụng được; Giáo sư - Tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân thừa nhận những người lắm chữ nghĩa được coi là đầy một bụng sách thì Phan Khôi không thích nhét chữ vào trong đầu như ông Lại Nguyên Ân đòi hỏi mà thích nhét chữ vào bụng đầy bụng báng nhau trăm bộ sách thì cũng được chứ sao lại không?

Còn như sách không báng nhau mà bổ sung cho nhau thành kiến thức, vốn tri thức của con người Phan Khôi như nhà nghiên cứu - phê bình Lại Nguyên Ân nói thì sao?

Bổ sung cho nhau thành kiến thức, vốn tri thức của con người Phan Khôi. Đồng ý! Vì rằng, sách không báng nhau hay có báng nhau, với một người đọc có sở kiến như Phan Khôi, đủ trình độ tiếp nhận những điều hay, bài trừ những điều dở thì đều có ích cả. Còn nói như nhà phê binh là những sách đó không báng nhau và cũng không báng nhau trong đầu hay trong bụng Phan Khôi thì tôi... không chịu! Tôi cho là vẫn có... báng nhau!

Chỉ một thứ Nho giáo là Khổng giáo với Tống nho mà đã báng nhau ầm ầm, ào ào đó thôi, ai mà chẳng biết, người nào mà chẳng thấy? Phan Khôi lại là người chịu đọc và đọc nhiều: Ta có, Tàu có, Tây có; văn chương có, triết học có; tư bản có, phong kiến có, cộng sản có; mỗi sách, mỗi người nói mỗi khác, thì sao lại không báng nhau trong đầu, trong bụng Phan Khôi được nhỉ?

Chỉ mỗi cái chuyện nhỏ nhặt tôi đang nói đây: sách có chứa được trong bụng không, chúng chỉ bổ sung cho nhau hay còn báng nhau mà ông Ân nói theo đằng ông Ân, tôi nói theo đằng tôi, như nước với lửa, nào có khác gì mấy ông trâu chọi nhau trong hội chọi trâu Đồ Sơn đâu! Vậy thì lẽ nào hàng trăm bộ sách, đủ cả đông, tây, kim, cổ cùng chứa trong bụng một con người mà lại bảo rằng nó không báng nhau trong đầu, trong bụng Phan Khôi? Phan Khôi cũng chỉ là người như bao người khác, chứ có phải là thần là thánh, là tiên là phật, ở lên trên tất thảy mà bỏ qua mọi chuyện được? Vì thế, cái câu mà Phan Khôi viết đầy bụng báng nhau trăm bộ sách trong Bảy mươi tự thọ chẳng phải là rất có lý hay sao?

Thế nên, tôi cho rằng Phan Khôi chả có gì sai cả! Tôi là con Phan Khôi, trình độ tuy còn non yếu nhưng chỉ là người chép lại lời cha, lẽ nào tôi lại sai?

17-1-2025