Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (22)

Đông Ngàn Đỗ Đức

 

LẪN GIỮA ĐỜI THƯỜNG

(Viết về họa sĩ Anh Thường – bài viết 11 năm trước)

 

Ông tên là Anh Thường.

Vâng, tên Thường, nhưng nghề thì không thường tí nào. Thuộc hàng soái ca ẩn mình trong giới Mỹ thuật.

Ông nằm trong bộ ba chơi thân với nhau: Lưu Yên - Anh Thường - Hoàng Công Luận tai tiếng, được ưu ái tiễn ra trường sớm, khi mới học đến năm thứ 3 Cao đẳng Mỹ thuật Yết Kiêu mà không có bằng tốt nghiệp. Lí do: tìm tòi quá sớm, vẽ quá mới, không theo đúng quy thức giáo án trường sở.

Láng máng hình như các ông cũng dính dấp tí chút vào cái vụ án không hồi kết là Nhân văn Giai phẩm gì đó. Chả biết thực hư thế nào. Có chăng chắc dính đến minh họa báo chí, chứ các ông ấy không hề viết lách.

Ba ông thuộc lứa tuổi với hoạ sĩ Trần Lưu Hậu. Năm nay đã ngoại 90.

Thời gian ấy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội là cố họa sĩ giáo sư Trần Đình Thọ rất nghiêm khắc.

Tôi nghe nói dưới thời Giáo sư, chừng 20 sinh viên đã được tiễn ra khỏi trường vì sớm bộc lộ cá tính, trong đó tôi biết có họa sĩ Thành Chương. Tại họ đã sớm “dậy thì” tìm tòi, đi chệch ra ngoài đường biên giáo án. Hình như các ông đã được “đi đày” với cái tên khá mỹ miều: đi “thực tế” ở Quảng Ninh, về với than, với giai cấp công nhân để cải tạo tư tưởng.

Các ông không bao giờ nói gì về những chuyện đó. Tất cả chỉ là dư luận nên đúng sai chả biết thế nào. Khi tôi biết thì các ông đã đang làm việc tại Hà Nội cả: Lưu Yên - nhà xuất bản Phổ Thông, ông Luận làm tạp chí Mỹ Thuật của Hội Mỹ thuật, còn Anh Thường là hoạ sĩ của xưởng phim Đèn chiếu.

Tôi biết ông nhiều hơn khi ông trở thành cộng tác viên vẽ tranh truyện cho Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc.

Trong các họa sĩ vẽ tranh truyện, ông là người hoạt bút nhất.

Dưới tay ông, cây bút lông trở nên linh hoạt lạ thường. Cuốn truyện tranh 36 trang ông vẽ chỉ mất chừng một tuần vào những giờ tranh thủ.

Những năm sau ngày thống nhất đất nước đời sống họa sĩ khổ hơn thợ cày, được mời vẽ tranh truyện đó là niềm hạnh phúc nhất, được có tiền nhuận bút vá vào tấm áo lương bổng rách rưới. Lương cơ bản của họa sĩ có bằng đại học chắt chiu cũng chỉ tiêu hơn tuần là hết.

Cùng thời với ông, các họa sĩ Nguyễn Bích, Đỗ Xuân Doãn, Anh Thường, Đặng Đức Sinh, Phạm Công Thành, Thanh Liêm, Nguyễn Thụ, Huy Óanh, Huy Toàn, Trọng Kiệm, Nguyễn Mỹ, Hoàng Hào, Nguyễn Văn Bổng, Thanh Liêm, Lê Anh Vân,… đều là những cây bút tranh truyện lão luyện. Lúc đó được vẽ tranh truyện là coi như có thêm hũ gạo dự phòng trong nhà. Lúc ấy có ai nghĩ đến ngày có tranh bán cho Tây. Các họa sĩ đều giống anh công chức, đói lử cò bợ. Làm gì giàu có như một số họa sĩ đàn em lứa sau! Lúc ấy, tranh vẽ xong là bỏ đấy, có người mượn treo là hạnh phúc lắm rồi.

Anh Thường vẽ tranh truyện nhanh như đóng gạch.

Ở nước ta không ai coi trọng tranh truyện. Tranh truyện luôn bị coi là sách cho trẻ con, trong khi Manga ở Nhật có doanh số chỉ kém mặt hàng điện tử, xếp doanh thu thứ hai hoặc thứ ba trong nền kinh tế. Ở họ, manga cho nhi đồng, thiếu niên, người lớn, người già, tranh hướng dẫn khoa học kĩ thuật… bao nhiêu là loại khác nhau. Đến bây giờ quan niệm ở ta truyện tranh là cho trẻ con ấy vẫn không thay đổi. Bây giờ làm truyện tranh chỉ duy nhất có Nhà xuất bản Kim Đồng.

Các họa sĩ vẽ tranh truyện cũng bị tâm lí coi thường truyện tranh chi phối. Lại thêm nhuận bút giá bèo nên họa sĩ cũng không cố công tìm tòi làm gì, miễn Nhà xuất bản chấp nhận duyệt in là xong. Trường hợp Nguyễn Bích với tác phẩm Sát Thát được trao huy chương bạc tại hội chợ sách Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức có thể coi là đặc biệt về sự sáng tạo và kĩ càng trong thể hiện tác phẩm. Còn lại có khá nhiều cuốn truyện tranh vẽ như minh họa nhạt nhèo. Mà có thay đổi cũng chưa chắc được chấp nhận. Người ta thường quen chấp nhận với những giá trị đã được khẳng định, sợ sự thay đổi và không ưa sự phản biện. Tuy vậy lại có thể chấp nhận rất nhanh sự ăn theo, hoặc theo đuôi thế giới, nên ông Doremon mới có thời làm nên núi tiền cho nhà xuất bản Kim Đồng để nó vượt qua lúc khó khăn khi được đem từ Nhật về biên dịch lại để phát hành. Bây giờ thái độ đó với xã hội vẫn không thay đổi.

Như vậy đấy, vì những quan niệm nhợt nhạt ấu trĩ về một loại hình có sức lan tỏa như thế nên nghề vẽ truyện tranh ở ta không thể phát triển. Vẽ tranh truyện không mấy hấp dẫn họa sĩ.

Anh Thường là người tài hoa. Giá như ở các nước Âu châu tôi chắc ông sẽ là họa sĩ lớn về tranh truyện, nhưng ở ta vẽ tranh truyện là nghề còi cọc trên mảnh đất cằn cỗi nên mãi không lớn lên được. Khi có cơ hội kiếm tiền khá hơn là họa sĩ sẵn sàng bỏ vẽ tranh truyện ngay.

Ba họa sĩ trong lứa xuất chuồng sớm không biết đến mảnh bằng Đại học nhưng các ông đều là những tay bút cự phách, có cá tính, mỗi người mỗi kiểu. Sau này tôi mới hiểu ra các ông đều là những người chịu đọc sách, kiến văn rộng. Lứa các ông đều có tiếng Pháp nên sách về nghệ thuật Á Âu các ông đều có thể đọc tham khảo, các trường phái hội họa qua các giai đoạn các ông đều nắm được nên khi cầm bút sáng tác mỗi nhát bút đặt lên toan lên giấy đều có đủ tự tin vào nghề mình theo đuổi.

Từ lâu tôi vẫn coi Anh Thường như một người Thầy dù không thụ giáo một ngày nào.

Một lần vào nhà xem tranh giấy dó tôi vẽ, ông ngắm hồi lâu rồi bảo: “Cậu vẽ được lắm”. Tôi hỏi: “Được là sao?”. Ông cười ruồi: “Không biết thật sao?”. Tôi gật đầu. Thấy thế ông bảo: “Cậu nắm rất chắc cặp phạm trù triết học về “sự thống nhất giữa hai mặt đối lập” và thể hiện thành công trên tranh. Đây này, giữa cái thật và cái ảo của cậu gắn bó khăng khít, quyện vào nhau tôn vinh nhau, khiến cho tranh có sức sống, truyền được cảm xúc được cho người xem. Cái ảo làm cho cái thật lung linh sinh động, cái thật làm cho cái ảo trở nên có tiếng nói. Nghề vẽ cần nhớ rằng thật quá là mị đời; ảo quá là dối đời đều phải tránh”.

Rồi ông ví von: “Cánh tay rắn chắc bởi có xương ở trong làm “cốt” và bọc bên ngoài là da thịt mềm mại… Thử tưởng tượng nếu như không có xương thì còn là cánh tay không. Lúc ấy tay chỉ là đống thịt bèo nhèo. Không thịt thì xương chỉ là khúc gỗ cứng nhắc…”.

Tôi mơ màng nghe ông phân tích về cặp phạm trù quan trọng trong sáng tác và hiểu ra rằng đó là âm và dương, dù là màu hay hình hoặc khoảng trống trong tranh thì cũng vậy. Quy luật này làm cho thuận mắt người xem. Sau này tôi vẽ dần trở nên dễ dàng vì hiểu được bản chất của tạo hình là như vậy. Cái đó đâu đã biết được ở trong nhà trường dù đã học triết học mĩ học đầy đủ cả.

Lứa ông, thì ông là người kì tài nhất trong sử dụng mực nho trên giấy dó. Chỉ vài ba nhát bút là thấy ngay thuyền bè bập bềnh trên sông nước, lẩn trong khói sương mờ ảo đẹp đến mê hồn. Tuy vậy ông vẫn coi nghề vẽ như là trò chơi. Ông thích ngao du với bạn bè, thích chia sẻ. Đôi lúc ông cũng tìm tòi cho mình những cách thể hiện mới. Ông thường bảo: “Vẽ nhẵn, vẽ sốp, vẽ đắp, thế giới người ta làm hết cả rồi. Kĩ thuật nào mà không đưa người xem tiếp cận và đối thoại được với người xem đều là thất bại!”. Ông đã ngộ ra điều gì đó như một qui luật trong nghề nên mới tìm được sự bình yên như thế.

Trong các họa sĩ thuộc lứa đàn anh, với tôi, ông là người có cặp mắt xanh trong năng lực cảm nhận và đánh giá tác phẩm tinh tường chuẩn xác nhất. Nhìn tranh, ông có thể chỉ ngay ra những khiếm khuyết hoặc tôn vinh các giá trị với sự phân tích bằng vài lời ngắn gọn mà đầy sức thuyết phục.

Vậy mà đời ông chưa bao giờ được mời ngồi vào Ban Giám khảo hay Hội đồng Nghệ thuật lần nào.

Lâu nay ít gặp ông. Vẫn biết ông đi mây về gió sống thoát tục, không tham gia vào chuyện chính trị, không ham hố bất kì cái gì và hay cười vui. Ông đã tìm được sự yên bình sau những sóng gió đầu cuộc đời. Như con chim bị tên, ông lặng lẽ giữa đời như một thuật sĩ của nghề. Không để lại tác phẩm lớn nào. Ông đã chọn cách hòa lẫn vào đời thường. Nếu đúng là thế thì cũng là cách lựa chọn không tồi trong cái thế giới đầy cạm bẫy trên mỗi bước đi.

27/9/2013