Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Xương hai nước giấy hai gang

Dạ Ngân

Sáng trưa chiều tối. Đánh răng sáng trưa chiều tối. Mẹ nhớ cho thằng Lâm đánh răng sau tất cả các bữa ăn sáng trưa chiều tối, nghen!

Mẹ im lặng chờ con đóng máy trước. Mẹ thuộc cái điệp khúc ấy nhưng mẹ không quen được. Vì vậy mà mẹ bần thần, rất lâu. Con thường chọn giác nửa đêm, bên ấy đang trưa, con đang được nghỉ trưa tại chỗ trong khuôn viên trường, mẹ hình dung được. Mẹ biết vẻ bao la choáng ngợp của khu trường ấy. Nhưng bên này đang khuya, mưa dầm rả rích và triều cường bủa vây. Mẹ biết mùa mưa năm nay không có giới hạn và nước tai nước hại lúc nào cũng mấp mé bậc thềm. Con người nhỏ bé quá con ơi.

Thằng Lâm càng nhỏ bé hơn. Thôi thì để ba nó đi cao học cho có tấm bằng tử tế của xứ người, bà nội ôm thằng Lâm về nuôi giúp, vợ của con chỉ phải gánh một đứa nhỏ còn tuổi mẫu giáo mà thôi. Cuộc gọi nào con cũng kết thúc bằng giọng điệu đó, mỗi khi gắn webcam để hai bên thấy nhau, con còn bắt thằng Lâm nhe răng ra cho con xem xét. Chao ơi, con trai của mẹ. Con đang làm sao vậy hở con?

Lần về nước giữa kỳ mới đây con hay có thói quen nhe răng ra ngắm nghía trước gương. Con còn dùng chanh hay dùng góc khăn thấm nước để làm sáng men răng mình. Con lục lọi từng cái bàn chải trên lavabô để phán xét nó và cố ý để lại chỗ mẹ những chiếc bàn chải mới dính nhau từng đôi một cùng những tuýp Colgate chính hiệu Mỹ. Riêng thằng Lâm thì cả một lố bàn chải cho cả năm đây nha. Mới có nửa khóa học mà con đã quyết thoát ra, nặng nhọc như trước đây con là con ốc mượn hồn. Con hay nhìn dán vào hàm răng của người này người kia để khen ngợi hay là để cau mày. Làm như hàm răng là cửa sổ tâm hồn, là năng lực cá nhân, hơn thế, với con, có khi nó còn là trí tuệ và kỹ năng sống nữa chứ.

Mẹ nhớ một buổi tối ở phòng khám của một nha sĩ gần nhà. Mẹ đi lấy cao răng còn thằng Lâm thì đang chờ để xem sẽ niềng hàm ra làm sao. Con nhất định muốn con trai của con phải được niềng hàm. Con bảo con sẽ cố gắng làm thêm để chi phí cho khoản đó. Giá niềng răng cho trẻ con bên nhà dù sao cũng rẻ, chỉ bằng một phần mười bên kia tính bằng đô la. Khi thằng Lâm du học thì đã quá muộn, “cực trước sướng sau mẹ hiểu không?” Mẹ hiểu chứ, mẹ từng thấy những thầy giáo đại học người Việt được làm trợ giảng bên đó đã phải ngượng nghịu trên bục với bộ răng chỉnh hình của mình trước những sinh viên có hàm răng lý tưởng từ hồi thơ bé. Mẹ hiểu chứ. Niềng răng là thủ tục bất thành văn cho những ai sẽ được nhìn khác đi nếu sở hữu một hàm răng trắng sáng. Mẹ hiểu chứ, đi làm thêm nếu không được là thu ngân, ngồi quầy hay phụ bếp thì là trực cầu thang máy cho người ta lên xuống tháp tham quan mỗi ngày trong không khí oi ngột của một cái hộp. Tư thế của một ngôi trường danh tiếng, không ai biết ai nhưng hàm răng của con người thì rất hay bị đánh giá. Con là một hạt cát, nói theo ngôn ngữ xứ mình, nhưng con có thể là hạt bụi mặc cảm mà mẹ đang lờ mờ nhận thấy.

Mẹ và thằng Lâm ngồi chờ đến lượt. Vị nha sĩ già liên tục cáu cẳn bên chiếc ghế chuyên dụng: “Cậu muốn vạt hàm sao? Cậu bị người yêu đòi bỏ sao? Hay cậu chuẩn bị đi thi cười, hay là sắp làm ứng viên thủ tướng? Lần thứ mấy tôi nói bó tay rồi, cậu không hiểu sao? Hề hấn gì, cha mẹ mình hô chẳng lẽ mình móm mà được hả?” Chiếc ghế dựng lên, nha sĩ xoay cậu ta để những người chờ nhìn thấy gã trai đã nài ép ông ta chỉnh răng cho. Mẹ băn khoăn nhìn, một gương mặt dễ ưa và nếu không cười thì cậu ta không hô răng gì mấy. Nán lại, săm soi bằng chiếc gương tay của nha sĩ, cậu ta làm cho không khí phòng răng bức bối. Một người mặc cảm thái quá, hay đui mù với chung quanh, hay quyết liệt thay đổi số phận bằng việc chỉnh răng? Nha sĩ nhắc khéo lần nữa cậu ta mới bước xuống, trả ghế cho người tiếp theo. Không, đáng lẽ cậu ta phải lầm lũi ra về vì đã mấy lần bị từ chối. Nhưng cậu chàng đã nán lại, tình cờ ngồi sát bên mẹ, cúi đầu tuyệt vọng. “Cậu đi làm chưa, việc là gì?” – mẹ bắt chuyện. “Cháu đang làm ở Quận đoàn”. Thảo nào! Mẹ những muốn kêu lên, cậu ta có một con đường để cất cánh, theo lập trình của thời thế. Hô hào, nói năng, diễn thuyết, ứng cử và... Đó có phải là cách duy nhất để tiến thân không? Dù cậu ta có gương mặt hiền lành nhưng mẹ vẫn không thể làm trôi ác cảm của mình.

“Hồi con còn nhỏ, xứ mình ít nha sĩ lắm sao?” Đôi lần con hỏi dò như vậy với đôi mắt mở to. Cách hỏi vòng, giọng nói không vô phép, thái độ giữ gìn. Nhưng mẹ vẫn nghe thấy những lời trách cứ sâu sắc. Thời ấy quả thực nha sĩ lác đác và phải làm chui, hay là phải lót tay ở cấp nào đó để được hành nghề kín đáo. Con đang tuổi thay răng, những chiếc chân răng đen đen trong hàm. Chưa kịp đem đến nha sĩ nào thì những cái chân răng ấy lần lượt bật khỏi nướu, khi thì con té sấp do chạy nhảy, khi thì những cái răng mới đẩy chúng ra. Đứa trẻ nào của thời đó mà đủ can-xi hở con? Mẹ trẻ nhưng cái đói kêu gào, gạo mốc và đọt rau muống xén phần của heo và những hộp sữa quá đát. Những tuýp thuốc đánh răng thì đặc biệt giả dối. Nó được làm bằng bột tẩm mùi. Sự giả dối ấy quá nhỏ bé so với những thứ giả dối trầm trọng hơn. Mà mẹ nhắc làm gì cái điều không đáng giữa triền miên kỷ niệm buồn về thời đó. Giống như những người đi qua sa mạc, ai đâu quan tâm mình có đánh răng không và đánh răng bằng gì giữa ranh giới sống và chết, đói và khát.

“Cậu về nhà đi, tôi thấy răng cỏ của cậu đâu đến nỗi nào”, mẹ nói thật lòng với chàng trai không quen biết. Cậu ta mạnh dạn chỉ vào bốn chiếc răng cửa: “Chỉnh hàm thì tốn kém lắm phải không bác?” Mẹ gạt đi: “Điên rồ! Xứ mình có giàu cỡ Brad Pitt mới dám làm kiểu implant đó!” “Implant là sao bác?” “Là nhổ nguyên cây rồi khoan hàm cấy lại, biết không?” “Tốn khoảng bao nhiêu hả bác?” “Là bằng cả một gia tài, đừng có mơ!” “Nhưng làm sao cạo sạch những vết đen đen dọc hai bên răng để không giống như linh cẩu đây bác?” Mẹ thực sự bất bình: “Cậu biết gì về linh cẩu mà ví? Cách sống của bọn linh cẩu làm cho chúng bị khinh rẻ chứ đâu phải vì bộ răng!” Đến đây thì cậu ta bật lên, ra về. Thế là thoát một gã tự kỷ ám thị linh cẩu! Mẹ bỗng thấy hoang mang, không hẳn vì ai hay vì cái gì, chỉ thấy mình bất lực và như đang sa xuống đáy. Chẳng lẽ con trai mình cũng bị xem là linh cẩu bởi hàm răng của nó không được như Brad Pitt ở cái nơi đẳng cấp con người hay được phán xét từ bộ răng?

Mẹ nhớ những lúc con thập thò bên cửa buồng mỗi khi nhà có khách. Bóng tối chưa qua nhưng ánh sáng đã le lói ở cuối đường. Mẹ đi từ chiến tranh ra nên kỳ thực mẹ không quá nhiều nhu cầu sống cho cá nhân. Ăn cháo cũng được, chính mẹ từng nói như vậy khi là một chiến binh bải hoải vì cuộc chiến sắp lấy đi hết tuổi trẻ của mình. Hậu chiến không đến nỗi ăn cháo nhưng gạo mốc thì mọi bữa. Dạo ấy con đã thay răng đủ, những chiếc răng ngắn tăm tắp làm cho nụ cười đã bớt ngộ nghĩnh. May mà con không đau nặng lần nào để chịu đựng thứ kháng sinh làm vàng hết men răng con trẻ. Mắt đen mướt, răng lấp lánh tươi, con cho mẹ một hình dung mãnh liệt. Sẽ khôi ngô đĩnh ngộ, sẽ cao vọt lên khi thoát khỏi đói nghèo, sẽ giá trị và cống hiến, sẽ và sẽ… Người mẹ nào cũng nhiều giấc mơ về con trai của mình. Sự thật, chưa bao giờ mẹ dám mơ con đi xa như hôm nay để rồi luôn bị chất vấn vì sao hàm răng của con không mỹ mãn. Mỗi lần nói chuyện răng miệng là vị trí mẹ con mình bị hoán đổi. Mẹ ngồi ghế bị cáo còn con là quan tòa. Mẹ bị dồn đuổi, chỉ trích, chất vấn và buộc tội. Như thể mẹ lơ đễnh, như thể mẹ chây lười, như thể mẹ dốt nát. Tệ hơn, như thể mẹ không xứng đáng.

Chuyện những tuýp thuốc đánh răng toàn bột không đáng để lên án. Nhưng mà phải có ai là vật hy sinh cho cái thời khốn khổ ấy chứ. Đã có cái gã bao cấp đi vào lịch sử kia rồi. Chuyện thiếu can-xi còn mơ hồ hơn. Nhưng những chi tiết khác trong nhà ta thì cụ thể. Như những bức ảnh dù không được treo lên. Nó làm nên con, cái cách con vào đời, ngọn lửa để con nung nấu đổi thay và bước chân khiến con dám đi vào một thế giới khác xa xôi và choáng ngợp.

Một lần con đưa lên cho mẹ thấy cuộn giấy vệ sinh trong toilet. Những vị khách ngồi quay lưng vào buồng, mẹ ngồi đối diện nên mẹ thấy hết bộ dạng rất tức cười của con khi đó. Chao ơi, từ giã thời giấy báo cắt thành từng miếng nhỏ ghim sẵn trong cây đinh nhưng những cuộn giấy tái chế xanh xanh đỏ đỏ ấy còn là món xa xỉ với giai tầng của mẹ và hàng triệu người khác. Giấy tự tan trong nước, ngộ há, giỏi há, ai nghĩ ra mà siêu việt vậy? Thành quả của chủ nghĩa tư bản đó, đừng có khen lớn mà đắc tội! Toilet nhà mình như thể đổi đời, một cuộn giấy màu trắng đục móc thẳng lên đinh. Con chưa thạo, con tiết kiệm quen tính, vì vậy mà con giơ cuộn giấy lên rồi lấy gang tay ra dấu với mẹ. Một gang hả, không, hai gang là vừa hả? Con sung sướng chạy đi, cuộn giấy ôm trong lòng, nó là đẳng cấp để con bắt đầu khác con của dì Hai hay dì Út ở thôn quê. Nơi ấy toilet là cầu tõm, vệ sinh bằng lá chuối khô và “sang” lắm mới là giấy báo cũ đẫm mực in.

Một lần khác khách đang ngồi chung bàn với mẹ con mình. Bữa ăn sơ sài, khách chỗ thân tình, dù vậy để có nồi xương hầm ấy mẹ cũng đã phải phóng xe đạp ra chợ trời tống tháo đi một chiếc áo còn khá mới. Con không biết tình cảnh đó, nhưng con thuộc một bài: xương cạp xong phải để gọn trong mâm, lát sau mẹ rửa lại rồi ninh lên lần nữa cho thật nhừ để không phí can-xi, bảo đảm hôm sau sẽ có một món canh như ý! Con còn quá bé, con chưa biết khi nào thì nên gói kín những “bí mật” ấy. Con thả những cục xương xuống mâm lỏn lẻn hỏi: “Bữa nay mẹ có lấy lại xương để hầm nước hai không?” Khách sững người, ngạc nhiên rồi hiểu ra, không gì lấn cấn cả. Chắc nhà ai cũng có những bí mật về cái nghèo như vậy.

Mẹ vừa thương con vừa nhớ lâu nụ cười của con khi ấy. Nó thông báo với mẹ những phẩm chất mà mẹ mong chờ. Con hồn nhiên, rất ngoan, dễ dạy và biết thích nghi hoàn cảnh. Mẹ không nhớ hàm răng con khi con cười những nụ cười ấy. Bộ răng nói lên thời của người đó sống. Nhưng tinh thần của một con người còn quan trọng hơn. Tinh thần thu vén cuộc sống từ không đến có. Tinh thần thoát ra bằng sự học. Đừng hoảng loạn vì một bộ răng không sáng trắng như tài tử xi-nê. Con đâu phải là một con số dưới trung bình ở xứ người.

Cách con gào trên điện thoại với mẹ về chuyện sáng trưa chiều tối cho thằng Lâm khiến mẹ nhớ một chuyện không liên quan gì đến răng miệng cả. Trên chuyến bay sang Đức hôm ấy mẹ nhìn thấy hai người phụ nữ đồng bào của mình níu tay nhau đi vào toilet máy bay. Nhiều người ngoại quốc nhìn họ khó hiểu, ái ngại, và cả coi thường. Chỉ có những người đồng tính mới kéo nhau vào cùng toilet để… Mẹ biết vì sao hai người ấy đi có đôi một cách rón rén vậy. Là vì họ không biết thao tác, họ sẽ chờ nhau cho xong việc để cùng mắc kẹt hoặc là cùng xoay xở, nói chung họ sợ kỹ thuật, họ nhát đám đông và chắc chắn họ thấy mất tự tin trầm trọng. Khi họ níu tay nhón chân đi ra, mẹ đứng lên và thay chỗ của họ liền. Quả như mẹ linh cảm, họ vứt giấy thành đống dưới nền sàn, họ không biết bỏ giấy vào đâu và không biết cả giật nước. Lập tức mẹ xắn tay lên, mẹ không muốn mẹ cũng bị coi thường vì cũng mũi tẹt da vàng, mẹ thấy mình phải có trách nhiệm, mẹ ví mình như một ma xơ với những bệnh nhân phong cùi! Nhưng rồi mẹ nghĩ, mẹ sẽ dọn được mấy lần trên chuyến bay đầy những nam nữ thanh niên thôn quê Việt Nam đi tìm đất sống đang ngồi rải trong chiếc máy bay có tới ba toilet? Mẹ thấy hoang mang, cay đắng và bất lực. Gần giồng như khi con dồn đuổi mẹ về chuyện bộ răng không trắng sáng của con.

Con không lóng ngóng, con có đủ tiếng Anh để dùng, con đã yếm thế như hai phụ nữ khiến mẹ phải thu dọn hôm đó chưa? Hội chứng ư con? Đáng gì, chuyện nhỏ! Phải nói rằng mẹ đã quen với điệp khúc sáng trưa chiều tối của con cho thằng Lâm. Mẹ không tranh cãi. Mẹ sẽ im lặng nhẫn nhịn như một bị cáo hàm oan. Nhưng mẹ cũng sẽ có cách để cháu nội của mẹ vào đời. Hồn nhiên, tự tin, tốt bụng và gan góc. Không cần phải sợ gì cả.

Thanh Đa tháng 10/2012