Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (10)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phạm Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

從地圖開疆到人工造島:百年南海紛爭史

黎蝸藤

CÔNG TY SÁCH NGŨ NAM

ĐÀI BẮC-2017

III.7. Trung Quốc rút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa

Tháng 8/1947, Hội Viện vụ thuộc Viện Hành chính thông qua nghị quyết đổi Quỳnh Nhai thành Đặc khu hành chính Hải Nam, trực thuộc Viện Hành chính. Tháng 4/1949, Đặc khu hành chính Hải Nam chính thức thành lập. Ngày 6/6 công bố “Điều lệ tổ chức văn phòng trưởng quan hành chính đặc khu Hải Nam”, và quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa được sáp nhập vào đặc khu Hải Nam, nhưng vẫn do Bộ Hải quân quản lí thay.[378] Tuy nhiên, không lâu sau đó, tình hình đã thay đổi hoàn toàn.

Bắt đầu từ năm 1946, nội chiến Trung Quốc đã ngày càng ác liệt. Năm 1948, tình thế Quốc Dân Đảng chuyển biến ngược, cuối năm xuất hiện các cuộc tháo chạy đổ vỡ. Tưởng Giới Thạch không thể không bố trí lại, lấy Đài Loan làm căn cứ cuối cùng. Tháng 4/1949, quân đội cộng sản đánh chiếm Nam Kinh, chính phủ Quốc Dân phải chuyển đến Quảng Châu, sau mấy tháng lại chuyển đến Trùng Khánh. Năm 1950 Trùng Khánh cũng không còn cách nào cố thủ nên buộc phải dời thủ đô đến Đài Bắc. Quốc Dân Đảng mất toàn bộ Đại lục, chỉ sót lại các đảo ven biển. Tháng 2/1950 quân đội cộng sản đánh chiếm đảo Hải Nam, các đảo biển Đông cũng nguy khốn. Để tập trung binh lực, Tưởng Giới Thạch quyết định từ bỏ Tây Sa và Nam Sa về mặt quân sự. Ngày 2/5, Bộ Tổng tư lệnh Hải quân ra lệnh quân đóng trên các đảo ở Nam Sa rút lui trước. Ngày 8/5, tất cả nhân viên và vật tư đều đã rời khỏi đảo Ba Bình ở Trường Sa, chỉ có quốc kì vẫn treo cao. Quân Quốc Dân Đảng ở Hoàng Sa cũng rút về Đài Loan cùng lúc. Tức là không bố trí phòng thủ lại ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Tin Cộng sản Trung Quốc đánh chiếm đảo Hải Nam khiến Pháp, Việt Nam và Philippines vô cùng lo lắng. Theo một báo cáo nghiên cứu của Đài Loan, ngày 5/5 Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã tuyên bố rằng sau khi CSTQ chiếm Hải Nam thì mục tiêu tiếp theo sẽ là Philippines. Ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận về tác động đối với an ninh của Philippines nếu CSTQ chiếm được quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa, truyền thông thì kêu gọi Philippines và Mĩ bằng mọi giá phải chiếm Hoàng Sa và Trường Sa để bảo vệ an ninh lãnh thổ. Pháp thì nâng cao mức phòng bị ở quần đảo Hoàng Sa để phòng CSTQ xâm chiếm, nhưng không chiếm đảo Phú Lâm vì sợ chọc giận CSTQ. Đồng thời, tuy Pháp trinh sát biết quân Quốc dân Đảng đã rút khỏi Trường Sa nhưng cũng không lợi dụng lúc Trường Sa trống không để tới chiếm. Còn Việt Nam thì tái khẳng định có chủ quyền với Hoàng Sa ngày 12/5.[379]

Lúc này, Đài Loan lo lắng liệu Philippines, Việt Nam, Pháp… có lấy cớ ngăn chặn cộng sản để cưỡng chiếm các đảo ở biển Đông hay không. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng nếu quân cộng sản kiểm soát các đảo ở biển Đông, thì không chỉ kiểm soát tuyến giao thông ở đây, mà còn làm căn cứ để xâm nhập Đông Nam Á, đồng thời tạo điều kiện cho lực lượng tàu ngầm Liên Xô vươn tới biển Đông, uy hiếp trực tiếp các căn cứ chiến lược của Anh, Mĩ ở nhiều khu vực Đông Nam Á và các tuyến giao thông. Do đó, Đài Loan có xu hướng sớm hợp tác với Philippines, Pháp, Việt Nam … cùng bàn bạc kế sách chống cộng sản.[380]

Có thể thấy sau năm 1950 vai trò của Đài Loan rất khó xử. Một mặt, họ mong muốn bảo vệ lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa không bị nước ngoài chiếm lấy, nhưng mặt khác, nhu cầu chống cộng lại buộc họ không thể không thỏa hiệp với các nước Philippines, Việt Nam... Kiểu tâm trạng phức tạp này thậm chí còn biểu lộ rõ ràng hơn trong vấn đề Hoàng Sa vào cuối những năm 1950.

Thực ra, thực lực Cộng sản Trung Quốc khi đó bị khuếch đại. Cộng sản Trung Quốc mạnh về lục quân mà yếu về hải quân. Sở dĩ họ có thể đám chiếm được đảo Hải Nam hoàn toàn là nhờ đảo này nằm gần Đại lục, và cũng nhờ có nội ứng trên đảo. Chiến dịch Ninh Cổ Đầu năm 1950, quân cộng sản đổ bộ lên đảo Kim Môn bị quân Quốc Dân Đảng tiêu diệt hoàn toàn, đủ để chứng minh rằng năng lực hải chiến của Cộng sản Trung Quốc rất yếu kém. Đây cũng là nguyên nhân khiến ngay cả Hoàng Sa khi đó, Cộng sản Trung Quốc cũng không có cách nào chiếm được, nói gì đến Trường Sa. Nhưng đúng như truyền thông Philippines chỉ ra, sự uy hiếp của cộng sản đối với thế giới tự do không chỉ ở vũ lực mà còn ở phá hoại và thâm nhập nội bộ. Sự cảnh giác của họ đối với cộng sản hiển nhiên không phải không có lí do.

Pháp và Việt Nam khi đó đều đã lún sâu vào chiến tranh, Philippines lại trở thành nước tiên phong. Chính phủ Philippines lại thảo luận việc cần phải nhanh chóng chiếm lấy quần đảo Trường Sa.

Ngày 17/5, Quirino tuyên bố “quần đảo Trường Sa thuộc Philippines”. Nhưng đồng thời lại cũng chỉ ra rằng Philippines tạm thời sẽ không thúc đẩy yêu sách đó vào lúc này vì Trung Hoa Dân Quốc là nước bạn, hiện nay kiểm soát Trường Sa, nhưng nếu như sau này Trường Sa có nguy cơ bị cộng sản kiểm soát, lúc đó Philippines sẽ nhắc lại quyền lợi của mình.[381] Không biết vì sao trong điện văn của Đại sứ quán Trung Hoa Dân Quốc tại Philippines gửi Bộ Ngoại giao, ý này bị viết thành “Tổng thống Philippines nói với các nhà báo ngày hôm nay rằng quần đảo này tuy ảnh hưởng tới an ninh của Philippines, nhưng chủ quyền thuộc Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, Philippines và Chính phủ Quốc Dân Đảng có quan hệ hữu nghị, không tiện áp dụng bất cứ hành động nào”.[382] Viết sai ở vấn đề quan trọng nhất (chủ quyền thuộc ai).

Vì vậy, ngày 18/8 Bộ Ngoại giao đã gửi Đại sứ quán ở Philippines lệnh mật: “Tổng thống Philippines đã bày tỏ quan ngại vì quần đảo này gần với Philippines. Chính phủ Philippines nếu vì an ninh của nước mình, muốn phái quân đến phòng vệ quần đảo Nam Sa, thì dựa trên lập trường cùng chống cộng của Trung Hoa Dân Quốc và Philippines chính phủ ta sẽ không có ý kiến phản đối, tuy nhiên trước hết chính phủ Philippines phải đồng ý rằng sau này khi chính phủ ta muốn tự phòng thủ thì sẽ rút quân chiếm đóng. Hy vọng có thể bàn bạc bí mật với chính phủ Philippines và thông báo khi cần thiết”.[383] Hai ngày sau, hai bộ Ngoại giao và Nội chính trình lên Viện Hành chính, ngoài thái độ trình bày ở trên ra (trở thành phương án A), lại thêm vào phương án B: hiện không thực hiện bất cứ hành động nào, khi Philippines đổ bộ lên đảo thì mới đưa ra phản đối, và nói rõ chủ trương của Trung Hoa Dân Quốc. Nhưng hai bộ vẫn cho rằng phương án A là tốt hơn.[384]

Nhưng lúc này, Philippines vẫn không có hành động gì thêm. Philippines một mặt có thể đã nhận ra mối đe dọa của quân cộng sản không quá nguy cấp, mặt khác cũng lo ngại phản ứng của Quốc Dân Đảng, xét cho cùng hai bên còn có chung lập trường chống cộng. Philippines còn muốn giải quyết sự việc một cách hòa bình, Quirino thậm chí từng xem xét việc mua quần đảo Trường Sa từ Tưởng Giới Thạch.[385]

III.8. “Hiệp ước hòa bình San Francisco” và “Hòa ước Trung-Nhật”

Sau Thế chiến II, Đồng minh và Nhật Bản tiến hành đàm phán hòa bình. Trong quá trình đàm phán, ở Trung Quốc xuất hiện biến động lớn. Quốc Dân Đảng bại trận, rút về giữ Đài Loan, Đảng Cộng sản xây dựng chế độ mới ở Đại lục, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vì vậy, trên thực tế đã xuất hiện hai chính phủ Trung Quốc, hai bên đều tuyên bố mình là đại diện duy nhất của Trung Quốc. Ban đầu Mĩ đã chuẩn bị bỏ rơi chính quyền Quốc Dân Đảng, chuyển sang thử nghiệm thiết lập quan hệ với Cộng sản Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc ngay trước khi tuyên bố thành lập nước đã quyết định thực hành chính sách “nhất biên đảo” (ngã về một phía) về Liên Xô đồng thời công bố bài báo nổi tiếng “Tạm biệt John Leighton Stuart”, trục xuất các nhà truyền giáo người Mĩ, từ chối đề nghị thiết lập quan hệ của Mĩ. Đến năm 1950, Bắc Triều Tiên xâm lược Nam Triều Tiên, Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, cục diện thế giới từ Chiến tranh lạnh biến thành chiến tranh nóng cục bộ. Với sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc, Mĩ triệu tập liên quân nhiều nước cứu viện Nam Triều Tiên. Để ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản, Mĩ quyết tâm ủng hộ một lần nữa chính phủ Quốc Dân Đảng từng bị bỏ rơi, khiến chính phủ Quốc Dân Đảng lại có được cơ hội sống sót. Khi Cộng sản Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên, đối địch với quân Liên Hợp Quốc, quan hệ giữa Mĩ và Cộng sản Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất.

Do thời kì này đã xuất hiện tình trạng một nước Trung Quốc với hai chính phủ, vì vậy nảy sinh ra tranh cãi về việc nên để chính phủ nào đại diện Trung Quốc tham dự đàm phán Hòa ước San Francisco. Hội nghị hòa bình với Nhật năm 1951 ở San Francisco do Mĩ và Anh chủ trì. Mĩ ủng hộ chính phủ Quốc Dân Đảng, nhưng Anh đã công nhận chính phủ Bắc Kinh sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập để duy trì quyền cai trị của mình tại Hồng Kông. Do đó, hai nước chính không có cách nào đạt được đồng thuận trong vấn đề ai sẽ đại diện cho Trung Quốc. Cuối cùng, hai bên quyết định rằng hai chính phủ này đều không được mời tham dự hội nghị. Hòa ước giữa Trung Quốc và Nhật Bản sau này sẽ do Nhật Bản “tự mình” lựa chọn một chính phủ Trung Quốc để cùng kí kết.

Tổng cộng có 51 nước tham dự đàm phán hòa bình San Francisco, trong đó có Mĩ, Anh, Liên Xô, Pháp, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines… Cuối cùng, trừ Liên Xô, Tiệp Khắc và Ba Lan ra, 48 nước đã kí Hiệp ước, ngày kí là ngày 8/9/1951, ngày có hiệu lực là ngày 28/4/1952. “Hiệp ước hòa bình San Francisco” do tuyệt đại đa số nước Đồng Minh tham dự, kí kết và phê chuẩn trong Thế chiến thứ hai, còn là hiệp ước hòa bình chính thức cuối cùng sau Thế chiến II, có đầy đủ tính hợp pháp. So với “Tuyên bố Cairo” và “Tuyên cáo Potsdam” chỉ có ba bốn nước lớn tham dự, không có nguyên thủ kí kết và cũng không được phê chuẩn, thì tính hợp pháp, tính phổ biến và tính quyền uy của “Hiệp ước hòa bình San Francisco” hiển nhiên cao hơn rất nhiều.

Chương II của “Hiệp ước hòa bình San Francisco” quy định vấn đề quy thuộc lãnh thổ. Điều 2 quy định lãnh thổ Nhật Bản phải từ bỏ. Bản dịch tiếng Trung của điều này là:

1. Nhật Bản công nhận nền độc lập của Triều Tiên đồng thời từ bỏ tất cả quyền lợi, danh nghĩa quyền lợi và yêu sách đối với Triều Tiên, bao gồm đảo Quelpart (Jeju / Tế Châu), đảo Port Hamilton (Geomun / Cự Văn) và đảo Dagelet (Ulleung / Uất Lăng).

2. Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền lợi, danh nghĩa quyền lợi và đòi hỏi đối với các đảo Đài Loan (Formosa), Bành Hồ (Pescadores).

3. Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền lợi, danh nghĩa quyền lợi và yêu sách đối với quần đảo Kuril, phần đảo Sakhalin cũng như các đảo lân cận giành được ngày 5/9/1905 [qua hiệp ước Portsmouth - ND].

4. Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền lợi, danh nghĩa quyền lợi và yêu sách liên quan tới chế độ uỷ trị của Hội Quốc liên, đồng thời chấp nhận sắp xếp của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ngày 2/4/1947 về việc mở rộng chế độ tín thác (Trusteeship) tới các đảo Thái Bình Dương trước đây dưới quyền uỷ trị của Nhật Bản.

5. Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền lợi, danh nghĩa quyền lợi và yêu sách ở vùng Nam Cực có được do hoạt động của nhà nước hoặc công dân Nhật Bản.

6. Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền lợi, danh nghĩa quyền lợi và yêu sách đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.[386]

Khoản 1 có nghĩa là công nhận nền độc lập của Triều Tiên và giao 3 đảo phụ cận cho nước này (không có nước nào tranh chấp 3 đảo này với Triều Tiên). Khoản 3 đề cập tới các lãnh thổ đã quy định rõ trong Hội nghị Yalta, tranh chấp tương đối nhỏ (nhưng có tranh cãi về phạm vi quần đảo Kuril, dẫn đến tranh chấp lãnh thổ giữa Liên Xô và Nhật Bản sau này). Khoản 4 về từ bỏ đất uỷ trị, sự quy thuộc của chúng có văn kiện riêng quy định. Khoản 5 quy định từ bỏ quyền lợi ở Nam Cực, lãnh thổ Nam Cực được quy định bởi các điều ước khác.

Khoản 2 và Khoản 6 đều không chỉ ra rõ sự quy thuộc đối với lãnh thổ từ bỏ, điều này sẽ tạo thành tranh cãi sau này.

Do Trung Quốc và Triều Tiên đều không tham dự hội nghị hòa bình, nên Điều 21 trong Hiệp ước hòa bình đã quy định các quyền lợi mà Trung Quốc và Triều Tiên được hưởng trong “Hiệp ước hòa bình San Francisco”. Trong đó Triều Tiên có quyền lợi được quy định trong Điều 2, 4, 9 và 12, Trung Quốc có quyền lợi được quy định trong Điều 10 và Điều 14. Cần lưu ý là Trung Quốc không được hưởng các quyền lợi trong Điều 2. Điều này cũng có nghĩa là mặc dù Nhật Bản từ bỏ những lãnh thổ này, nhưng không hề có quy định nào cho phép trả lại những lãnh thổ này cho Trung Quốc. Đây là nguyên nhân gốc rễ của “vấn đề Đài Loan chưa định luận” và của vấn đề về tình trạng chưa được xác định của Hoàng Sa và Trường Sa sau này.

Tình trạng của Hoàng Sa và Trường Sa trong “Hiệp ước hòa bình San Francisco” không được phân bổ rõ ràng cho bất cứ nước nào, nhưng bất kể từ hàm ý pháp lí hay là từ các thảo luận thực tế khi đó có thể thấy rằng quyết định về chúng là khá rõ, đó là “chưa quyết định”. Nếu như nói việc Hoàng Sa và Trường Sa không được nhắc tới trong “Tuyên bố Cairo” có thể do sơ suất nhất thời hoặc bị độ dài [văn kiện] hạn chế, thế thì phần về Hoàng Sa và Trường Sa trong “Hiệp ước hòa bình San Francisco” được thảo luận tỉ mỉ, tranh cãi gay gắt, cuối cùng mỗi một chữ đều được lựa chọn kĩ càng, chỉ có thể nói đây là kết quả của việc làm có chủ ý. Có thể có người bày tỏ sự nghi hoặc đối với kết quả này, nhưng từ quan điểm lịch sử thì đó lại là điều rất tự nhiên.

Trên thực tế, ngay từ đầu khi soạn thảo bản dự thảo “Hiệp ước hòa bình San Francisco”, thì đã xác định sẵn cụm từ “Nhật Bản từ bỏ” cho phần về Hoàng Sa và Trường Sa. Bản dự thảo tháng 3/1947 viết: “Qua tuyên bố này Nhật Bản từ bỏ chủ quyền đối với đảo Đông Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như tất cả các đảo khác ở biển Đông”.[387] Tuy nhiên, trong phiên bản này, từ “từ bỏ” không hề được dùng đến cho các lãnh thổ khác được đề cập đến. Ví dụ Đài Loan trong Khoản 2 được nêu là sẽ trả lại cho Trung Quốc. Sở dĩ sau này nó trở thành lãnh thổ Nhật Bản “từ bỏ” là vì Trung Quốc bị Đảng Cộng sản soán lấy chính quyền. Nếu như quy định trả lại Đài Loan cho Trung Quốc thì sẽ nẩy thêm vấn đề là trả lại cho chính quyền nào. Hơn nữa, về mặt pháp lí việc Mĩ giúp Đài Loan phòng thủ sẽ bị nghi ngờ là xâm lược, dẫn đến sự bất tiện về mặt pháp luật. Do đó, theo kiến nghị của Anh từ “từ bỏ” đã được sử dụng còn sự quy thuộc thì không xác định.

Tuy nhiên, với Hoàng Sa và Trường Sa ngay từ đầu đã được viết là “từ bỏ”, dễ thấy rõ là khác với tình trạng của Đài Loan. Trong các phiên bản sau đó, từ ngữ nói về việc Nhật Bản từ bỏ Hoàng Sa và Trường Sa vẫn không thay đổi, nhưng có một số sửa đổi về phạm vi. Ví dụ trong phiên bản áp chót, dùng ‘Spratly Island’ để chỉ quần đảo Trường Sa, nhưng Pháp kiến nghị dùng ở số nhiều là ‘Spratly Islands’ để xác định rõ hơn phạm vi.[388] Vì vậy, so với Đài Loan, tình trạng các đảo biển Đông ngay từ đầu vẫn “chưa xác định”.

Sở dĩ trong hiệp ước hòa bình không đề cập đến sự quy thuộc của chúng, nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề chủ quyền rất khó xác định, nguyên nhân khác là do chúng quá nhỏ nên không được coi là quá quan trọng, thậm chí có ý kiến vào lúc đó rằng nói chung chúng không đáng được nhắc đến trong hòa ước.[389]

Khi đó, Pháp tham dự toàn bộ quá trình thảo luận các phiên bản dự thảo, nhưng không hề đề xuất viết rõ rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc nước Pháp trong hòa ước. Điều này có hai nguyên nhân:

thứ nhất, trong các khoản khác của Điều 2 của hiệp ước đều chỉ viết rằng Nhật Bản từ bỏ lãnh thổ, và chỉ riêng Hoàng Sa và Trường Sa ngoại lệ thì tỏ ra không thích hợp;

thứ hai, khi đó điều mà Pháp quan tâm nhất là Liên bang 3 nước Việt, Miêên, Lào (Associated States of Vietnam, Laos and Cambodia) do họ thành lập có được quốc tế cộng nhận nhằm duy trì sự thống trị của họ ở Đông Dương hay không. Vì vậy trong hội nghị, Pháp muốn tìm kiếm sự đồng ý của Mĩ để 3 quốc gia độc lập này tham gia Hội nghị San Francisco. Ngoài ra, Pháp còn muốn ngăn ngừa Việt Minh tham gia hội nghị, vì vậy cũng không muốn gây thêm rắc rối;[390]

thứ ba, việc Pháp và Việt Nam tranh luận bên nào sở hữu quần đảo Trường Sa cũng ảnh hưởng đến tiến trình. Khi đó Pháp vẫn có ý muốn giữ lại Trường Sa, cho rằng mình chiếm Trường Sa trước, khác với Hoàng Sa vốn thuộc lãnh thổ Việt Nam. Nhưng lúc này Quốc gia Việt Nam (chính quyền Bảo Đại) cũng tham dự hội nghị, và chính quyền Bảo Đại một mực cho rằng Trường Sa cũng thuộc Việt Nam. Nếu như Pháp khăng khăng nói Trường Sa thuộc về mình thì sẽ xung đột trực tiếp với Việt Nam tại hội nghị, không có lợi cho việc kí kết hòa ước.

Khi đó còn có một ý kiến khác cho rằng vì lí do chiến lược nên biến Trường Sa thành một lãnh thổ uỷ trị. Úc lo sợ Trung Quốc bành trướng ở biển Đông, nên đã kiến nghị với Anh: để đề phòng cộng sản Trung Quốc giành được Trường Sa, phương án tốt nhất là biến nó thành một lãnh thổ uỷ trị, và cũng kiến nghị Anh tận dụng ưu thế hải quân hiện thời để kiểm soát trước khu vực này. Nhưng Anh sợ làm mất lòng Bắc Kinh, gây bất lợi cho sự thống trị của họ ở Hồng Kông nên từ chối.[391] Ngược lại, về nguyên tắc Anh ủng hộ chủ quyền của Pháp đối với Trường Sa, nhưng cũng cho rằng mình có một số quyền lợi nhất định đối với Trường Sa, do đó trong hội nghị chỉ ủng hộ lập trường của Pháp dùng cách diễn đạt ‘từ bỏ’. Trong một tài liệu nội bộ năm 1949, quan chức ngoại giao Millward nói tới việc Nhật Bản phải dứt khoát từ bỏ quần đảo Trường Sa trong hòa ước, nhưng hiệp ước không nên xử lí vấn đề chủ quyền của nó mà tạm gác lại để Anh, Pháp và nước khác giải quyết sau này, chỉ đến khi các khoảng trống được lấp đầy, và một số nước yêu sách có thể chứng minh chủ quyền của họ một cách thực chất và lâu dài hơn, thì câu hỏi này mới có thể được giải quyết.[392]

Mặc dù Mĩ thiên về việc giao trả quần đảo này cho Trung Hoa Dân Quốc, nhưng vì vào thời điểm đó không có chính phủ Trung Quốc nào được công nhận hợp pháp và họ cũng hiểu rõ mâu thuẫn giữa các nước trong vấn đề này, nên chuyển sang đồng ý để tình trạng của Hoàng Sa và Trường Sa là chưa xác định. Vì vậy, các nước đều thiên về không giải quyết vấn đề này ở hội nghị, việc dùng cụm từ “Nhật Bản từ bỏ” đã trở thành sự đồng thuận của tất cả các bên.[393]

Trung Hoa Dân Quốc, dù không tham gia hội nghị nhưng đã tham gia thảo luận một loạt dự thảo. Tuy nhiên, trong loạt thảo luận về vấn đề lãnh thổ trong hòa ước giữa Dulles và Cố Duy Quân từ 1950 đến 1951, Trung Hoa Dân Quốc chưa bày tỏ bất kì ý kiến ​​nào về Hoàng Sa và Trường Sa. Hai bên đã thảo luận về Đài Loan, Lưu Cầu (Ryukyu), Nam đảo Sakhalin và 4 đảo phía Bắc.[394]

Dulles nhiều lần giải thích cho Cố Duy Quân lí do vì sao Đài Loan bị cho vào danh sách lãnh thổ bị Nhật Bản từ bỏ thay vì được trả lại cho Trung Quốc, điều đó là để ngăn ngừa Cộng sản Trung Quốc lấy cớ cướp đoạt Đài Loan cũng như tránh việc Mĩ không có cách nào phù hợp theo luật quốc tế để giúp Đài Loan phòng thủ. Có lẽ Đài Loan cho rằng Mĩ cũng đã cân nhắc điều này khi đưa ra quyết định cuối cùng về vụ Hoàng Sa và Trường Sa. Đây có thể là nguyên nhân Đài Loan không thảo luận vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại Hội nghị, đã diễn ra các tranh luận về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko đã đề xuất trong bài phát biểu của mình vào ngày 5/9 rằng Điều 2 nên được sửa đổi như sau:

Nhật Bản thừa nhận chủ quyền hoàn toàn của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Mãn Châu, Đài Loan và tất cả đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ (quần đảo Pescadores), quần đảo Đông Sa (quần đảo Pratas) cũng như quần đảo Tây Sa và quần đảo Trung Sa (quần đảo Paracel, quần đảo Amphitrite, bãi Macclesfield) và quần đảo Nam Sa (bao gồm đảo Nam Uy trong đó) và từ bỏ tất cả quyền, cơ sở của quyền và yêu sách đối với các lãnh thổ kể trên....

Nhưng đề nghị này bị các nước tham dự hội nghị bác bỏ với tỉ số lớn. Sở dĩ Liên Xô đưa ra đề nghị này là vì mục đích quan trọng hơn, đó là nhằm giúp Cộng sản Trung Quốc giành được vị trí đại diện Trung Quốc, mà ngoài Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc ra, các nước tham dự hội nghị sớm đã đạt được đồng thuận, kiên quyết phủ quyết ý đồ này của Liên Xô.[395]

Sau đó trong phiên họp cùng ngày, đại biểu Việt Nam (chính quyền Bảo Đại) là Thủ tướng Trần Văn Hữu khẳng định rõ hai quần đảo này lãnh thổ này là lãnh thổ Việt Nam: “Chúng tôi khẳng định quyền của chúng tôi đối với quần đảo Trướng Sa và quần đảo Hoàng Sa, chúng luôn thuộc về Việt Nam”.[396] Trong hội nghị không có ai đưa ra ý kiến phản đối. Việt Nam coi việc không có người phản đối khi đó là một trong những chứng cứ rằng cộng đồng quốc tế ủng hộ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam. Chứng lí của cách diễn giải này không đủ: thứ nhất nước có liên quan là Trung Quốc không có đại biểu ở đó; thứ hai, đại biểu của ba nước ban đầu đề xuất rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Hoa Cộng sản đều không có mặt, nếu không họ có thể đã đưa ra phản đối; cuối cùng, phần này của hội nghị không yêu cầu các nước bày tỏ thái độ.

Có người cho rằng những điều khoản không rõ ràng này trong “Hiệp ước hòa bình San Francisco” ít ra là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á sau này. Nhưng thực ra, các tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á mới là nguyên nhân làm nẩy sinh những điều khoản không rõ ràng đó. “Hiệp ước hòa bình San Francisco” không hề tạo ra tranh chấp mới, nó chỉ không giải quyết các tranh chấp có từ lâu mà thôi. Phía Trung Quốc (cộng sản) còn cho rằng Mĩ cố ý dùng thuật ngữ “từ bỏ” trong “Hiệp ước hòa bình San Francisco” chỉ nhằm “ngáng chân” Trung Quốc. Từ thảo luận phía trên có thể thấy rằng cách lí giải này không có căn cứ.

Sau hội nghị San Francisco, Nhật Bản chọn kí hòa ước với chính phủ Dân Quốc. Khi đàm phán hòa ước, chính phủ Dân Quốc trước hết yêu cầu Nhật Bản đưa vào hòa ước cụm từ “trả lại Đài Loan và Tây Sa, Nam Sa cho Trung Quốc”, nhưng bị Nhật Bản từ chối. Nhật Bản cho rằng nếu viết như vậy trong hòa ước Trung-Nhật thì Nhật sẽ vi phạm cam kết với các nước Đồng minh khác. Ý của Nhật Bản là phạm vi trong hòa ước Trung Nhật không thể vượt quá “Hiệp ước hòa bình San Francisco”. Mẫu số chung mà hai bên có thể tìm ra là Nhật Bản sẽ viết tách rời hai địa điểm này (Đài Loan cùng Hoàng Sa, Trường Sa) trong hòa ước. Theo đó, Điều 2 trong “Hòa ước Trung -Nhật” kí kết giữa Nhật Bản và chính phủ Quốc Dân đảng ngày 28/4/1952 quy định:

Điều 2: Hai bên thừa nhận rằng theo Điều 2 của Hiệp ước San Francisco ngày 8/9/1951, Nhật từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa chủ quyền cũng như mọi yêu sách về đảo Đài Loan (Formosa), Bành Hồ (Pescadores) cũng như quần đảo Nam Sa và quần đảo Tây Sa.

Hòa ước này thừa nhận Điều 2 “Hiệp ước San Francisco”, đồng thời xác định một lần nữa việc Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền đối với Đài Loan, quần đảo Bành Hồ, Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng cũng không chỉ ra rõ sự quy thuộc của những đảo này. Chính phủ Dân Quốc giải thích rằng vì hiệp ước do hai nước Trung Quốc và Nhật kí kết, do đó lãnh thổ Nhật từ bỏ sẽ đồng nghĩa với ngầm trả lại Trung Quốc.

Nước Pháp cũng có lo ngại như vậy, nên đã vặn hỏi Nhật Bản. Cuối cùng, ngày 23/5 cùng năm Nhật và Pháp đạt được thỏa thuận, dùng hình thức công hàm ngoại giao để xác nhận rằng lập trường của Nhật Bản trong “Hòa ước Trung-Nhật” là thống nhất với “Hòa ước San Francisco”.

Thỏa thuận dùng hình thức công hàm chứ không ra tuyên bố thực tế là để không làm tổn hại quan hệ giữa họ với Trung Hoa Dân Quốc. Trong công hàm của Nhật Bản viết:

I concur with your understanding that Article 2 of the Peace Treaty between Japan and the Republic of China signed on April 28, 1952, should not be construed as having any special significance or meaning other than that implied by Article 2, paragraph (f), of the Treaty of San Francisco.[397]

(Tôi đồng tình với cách hiểu của ông rằng Điều 2 của Hiệp ước Hòa bình giữa Nhật và THDQ được kí kết vào ngày 28/4/1952, không nên được hiểu là có bất kì ý nghĩa hoặc nghĩa đặc biệt nào khác với ý nghĩa mà Điều 2, đoạn (f), của Hiệp ước San Francisco hàm chứa.)

Ngày 15/8/1951, chính phủ Bắc Kinh ra tuyên bố không thừa nhận “Hiệp ước San Francisco”. Đồng thời họ cũng khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa:

Đồng thời, bản dự thảo cũng cố ý quy định Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền lợi đối với đảo Nam Uy (Trường Sa Lớn) và quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) mà cũng không nhắc đến vấn đề trả lại chủ quyền. Trên thực tế, quần đảo Tây Sa và đảo Nam Uy cũng như toàn bộ quần đảo Nam Sa và quần đảo Trung Sa, quần đảo Tây Sa đều là lãnh thổ Trung Quốc, tuy từng bị đế quốc Nhật Bản chiếm đóng khi phát động chiến tranh xâm lược, nhưng sau khi Nhật Bản đầu hàng đã được chính phủ Trung Quốc lúc đó tiếp thu toàn bộ. Chính phủ nhân dân trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo đây tuyên bố rằng: chủ quyền không thể xâm phạm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở đảo Nam Uy và quần đảo Tây Sa sẽ không bị ảnh hưởng dưới bất kì hình thức nào, bất kể chúng có được Mĩ, Anh quy định hay không và quy định như thế nào trong bản dự thảo hòa ước với Nhật.

Tuy nhiên, trong những năm 1970, “Tuyên bố chung Trung - Nhật” (1972) và “Hiệp ước hòa bình hữu nghị Trung Nhật” (1978) được kí kết khi Trung Quốc và Nhật thiết lập quan hệ ngoại giao cũng không nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. Thậm chí trong các thảo luận khi đó cả hai quần đảo này cũng không được nhắc đến.

Do trong hiệp ước sự quy thuộc của Hoàng Sa và Trường Sa không được nêu ra, các bên đều giải thích theo hướng có lợi cho mình. Ví dụ Chemilier Gendreau giải thích rằng “Hòa ước Trung-Nhật” quy định Nhật Bản từ bỏ lãnh thổ, nhưng lại không quy định giao lãnh thổ cho Trung Quốc, sự thực chính là quy định không giao cho Trung Quốc.[398] Kiểu diễn giải này có phần quá mức. Điều duy nhất mà Hiệp ước Hòa bình San Francisco làm được là tái khẳng định tình trạng tranh chấp của những quần đảo này.

III.9. Kết luận: Di sản của thời đại Nhật Bản

Thế chiến thứ hai kết thúc và việc kí kết hòa ước với Nhật đánh dấu sự kết thúc thời đại Nhật Bản ở biển Đông. Mặc dù trong hòa ước, Nhật Bản đã từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa nhưng vấn đề nó để lại vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay.

Trong Thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã chiếm đóng Đông Sa (Pratas), Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thời kì Nhật Bản chiếm đóng, tình trạng pháp lí của mấy quần đảo này là rất khác nhau, điều này đã trực tiếp ảnh hưởng vấn đề pháp lí sau này. Đối với Đông Sa, Nhật Bản coi đó là lãnh thổ của Trung Quốc, Nhật Bản ở trong tình trạng chiếm đóng, sau chiến tranh Trung Quốc thu hồi, và không có sự phản đối nào từ bất kì bên nào.

Ở Hoàng Sa, năm 1938 Pháp chiếm quần đảo này dưới sự đồng ý ngầm của Trung Quốc, và lúc này Nhật Bản đã có sự hiện diện quân sự ở Hoàng Sa. Nhật Bản một mặt tuyên bố Hoàng Sa là lãnh thổ Trung Quốc mà nước này chiếm đóng, điều này hiển nhiên là để ngăn cản Pháp chiếm Hoàng Sa. Nhưng sau khi việc chiếm đóng của Pháp trở thành sự thực, Nhật Bản lại ngầm thừa nhận sự kiểm soát của Pháp ở Hoàng Sa. Cho nên trước tháng 3/1945, Pháp và Nhật chung sống hòa bình ở Hoàng Sa, trên danh nghĩa Pháp kiểm soát Hoàng Sa. Tình trạng này kéo dài đến tháng 3/1945 sau khi Nhật Pháp xung đột. Quân Nhật đã đánh bại Pháp, chiếm đóng Hoàng Sa cho đến khi Nhật Bản đầu hàng.

Ở Trường Sa, Nhật Bản phớt lờ quân Pháp đóng trên đảo, sau khi chiếm được, họ sáp nhập Trường Sa đã vào thành phố Cao Hùng với tên gọi quần đảo Tân Nam. Quân Pháp mặc dù vẫn ở trên đảo nhưng lại ngầm thừa nhận sự kiểm soát của Nhật Bản. Cho đến sau khi Nhật và Pháp trở thành thù địch, Pháp bị quân Nhật trục xuất. Như vậy, trong thời chiến, theo quan điểm của Nhật Bản, tình trạng của Trường Sa là lãnh thổ của Nhật Bản chứ không phải là lãnh thổ của Trung Quốc hay của Pháp.

Sau chiến tranh, Nhật Bản đã từ bỏ các đảo ở biển Đông. Pháp và Trung Quốc đều lần lượt quay trở lại Hoàng Sa và Trường Sa. Điều trùng hợp là đối với Pháp, Hoàng Sa và Trường Sa cũng có cách hiểu pháp lí khác nhau: Hoàng Sa vốn là lãnh thổ truyền thống của Việt Nam, hiện tại là đất của An Nam, vì vậy trong các hành động ở Hoàng Sa, Pháp đều để người Việt Nam tham gia; còn Trường Sa là đất vô chủ do người Pháp khai phá, không có quan hệ gì với An Nam, trong hành động ở Trường Sa không có người Việt Nam tham gia. Đương nhiên đối với phía Pháp, điều quan trọng nhất sau chiến tranh vẫn là quay trở lại Đông Dương, Hoàng Sa và Trường Sa đều chỉ có thể đặt ở vị trí phía sau, khi Việt Nam vẫn còn phải chịu sự cản trở của Trung Quốc. Đây chính là lí do vì sao Pháp giành trước việc tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa nhưng không để lại quân trú đóng. Khi người Pháp biết Trung Quốc phái quân đến Hoàng Sa, họ phái quân đến để đuổi đi, nhưng chỉ có thể chiếm một nửa quần đảo.

Đối với Trung Quốc, đất đai bị mất quan trọng nhất phải thu hồi sau chiến tranh là Đài Loan (đương nhiên còn có vùng Đông Bắc), các đảo biển Đông cũng bị xếp ở phía sau. Nếu không có Đài Loan nhắc nhở, Trung Quốc sẽ không lưu ý đến chúng. Trung Quốc tiến vào chiếm giữ Đông Sa và Hoàng Sa là rõ ràng thẳng thắn, nhưng đối với việc “thu hồi” Trường Sa lại có vẻ không thật quang minh chính đại. Lúc này Trung Quốc có quân chiếm đóng ở cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa, điều này sẽ giúp họ chiếm được ưu thế trong tranh chấp hai quần đảo sau này. Ý định ban đầu của việc mở rộng biên giới trên bản đồ lần thứ hai của Trung Quốc chỉ là để phân định phạm vi thu hồi nhưng sau đó lại bị diễn dịch thành ý nghĩa khác, việc này để nói sau. Đáng tiếc là sau nội chiến Trung Quốc, mọi việc thay đổi hoàn toàn, Quốc Dân Đảng chạy ra Đài Loan, rút quân khỏi Hoàng Sa và Trường Sa, phe Cộng sản không có thực lực lắp vào chỗ trống, thế là một lần nữa Trường Sa xuất hiện khoảng trống trong kiểm soát các đảo.

Ở biển Đông, Philippines mới độc lập, là một kẻ đến sau. Trong thời thuộc Mĩ, người Mĩ không quan tâm đến Trường Sa, ngay cả có ý kiến đề xuất sáp nhập của Philippines cũng không đồng ý. Sau khi được độc lập, Philippines nhanh chóng đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với Trường Sa, việc này thậm chí còn sớm hơn yêu sách công khai của Trung Quốc đối với Trường Sa. Kể từ đó, họ luôn là một bên tranh chấp chủ yếu. Lợi ích chủ yếu của Philippines đối với Trường Sa vào lúc đó vẫn là lợi ích địa chiến lược.

Về phương diện luật quốc tế, thời kì này có hai văn kiện rất quan trọng, một là “Tuyên bố Cairo”, hai là “Hiệp ước hòa bình San Francisco”. Có một số quan điểm sai lầm cần phải làm sáng tỏ.

Thứ nhất, trong “Tuyên bố Cairo” sự quy thuộc của Hoàng Sa và Trường Sa không hề được đề cập đến, tại hội nghị Potsdam cũng không được đề cập đến; trong “Tuyên bố Cairo”, theo quan điểm của Mĩ, Trường Sa thuộc về các đảo Thái Bình Dương bị xâm chiếm sau năm 1941 mà Nhật Bản phải từ bỏ chứ không phải là lãnh thổ phải trả lại cho Trung Quốc. Còn quần đảo Hoàng Sa thì họ thừa nhận Trung Quốc và Pháp có tranh chấp, và muốn họ tự xử lí.

Thứ hai, có người cho rằng trong thế chiến thứ hai, Nhật Bản sáp nhập quần đảo Trường Sa vào Đài Loan, cho nên sẽ phải trả lại cho Trung Quốc cùng với Đài Loan theo “Tuyên bố Cairo”. Loại quan điểm này cũng sai lầm. Một là lãnh thổ mà Nhật Bản xâm chiếm vào thời chiến, đương nhiên phải khôi phục tình trạng trước chiến tranh rồi mới xem xét sự quy thuộc của chúng, nếu không chẳng hạn nếu như Nhật Bản cũng giao đảo Luzon cho Đài Loan quản lí, thì đảo Luzon cũng sẽ phải bị Trung Quốc thu hồi sao? Hai là như trình bày ở trên, Mĩ đã xem nó thuộc “các đảo ở Thái Bình Dương bị xâm chiếm sau năm 1941”, đương nhiên không thể thuộc về một bộ phận của Đài Loan được liệt kê ra như trong “Tuyên bố Cairo”.

Thứ ba, theo “Hiệp ước hòa bình San Francisco”, Trường Sa và Hoàng Sa đều là lãnh thổ mà Nhật Bản từ bỏ, đây không phải là âm mưu của Mĩ cố ý nhằm vào Trung Quốc mà là quyết định được đưa ra dựa trên thực tế khách quan và tình hình khi đó. Một là từ thời chiến đến giai đoạn soạn thảo hòa ước, phía Mĩ từ đầu đến cuối đều hiểu tính phức tạp của các tranh chấp chủ quyền này; hai là ngay từ bản dự thảo thứ nhất chúng đã được xác định là lãnh thổ “từ bỏ” chứ không giống như Đài Loan được đưa vào diện “trả lại Trung Quốc”, nếu nói rằng cách xử lí cuối cùng đã sửa Đài Loan thành [lãnh thổ] từ bỏ là nhằm vào tình hình đặc thù của Trung Quốc, vậy thì đối với Hoàng Sa và Trường Sa, những cân nhắc về mặt này là rất ít, nếu không muốn nói là hoàn toàn không có.

Thứ tư, hòa ước giữa Nhật Bản và Đài Loan không thể được hiểu là phải trả Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Thứ nhất, không có điều khoản nào nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa phải được trả lại cho Trung Quốc; thứ hai, việc Đài Loan cũng như Hoàng Sa và Trường Sa đã được đề cập trong hiệp ước hòa bình này chỉ cho thấy rằng hai khu vực này có liên quan đến Trung Quốc, điều này là phù hợp với thực tế, nhưng không có chuyện đề xuất trả hai nơi này cho Trung Quốc, thứ ba, trong công hàm gửi cho Pháp có nêu rõ rằng trong hòa ước này Nhật Bản không vượt quá phạm vi của Hiệp ước hòa bình San Francisco.

Thứ năm, tuyên bố của Cộng sản Trung Quốc chỉ giải thích thái độ đơn phương của Trung Quốc có lập trường gì, điều này không thể lí giải là đã giành được hai quần đảo này một cách hợp pháp..

Thứ sáu, đề xuất của Liên Xô trong hội nghị hòa bình rằng hai quần đảo này thuộc về nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bị bác bỏ, không thể coi đó là bác bỏ việc hai quần đảo này thuộc Trung Quốc. Vì khi đó có hai chính phủ Trung Quốc, phủ quyết này chỉ là phủ quyết việc giao chúng cho chính phủ Bắc Kinh, hơn nữa dự tính ban đầu của đề xuất này cũng không ở chỗ hai quần đảo này thuộc về ai mà là ở chỗ ai mới có thể đại diện cho Trung Quốc.

Thứ bảy, tại hội nghị hòa bình Việt Nam tuyên bố rằng hai quần đảo thuộc về Việt Nam, không ai phản đối, điều này cũng chỉ thể hiện lập trường đơn phương của Việt Nam, không nên mở rộng thái quá thành các nước có mặt đều đồng ý với lập trường của Việt Nam.

Thứ tám, theo tuyên truyền của Trung Quốc, Philippines chỉ mới tham gia tranh chấp biển Đông từ những năm 1970 vì quyền lợi dầu mỏ. Điều này hoàn toàn không khớp với sự thực, trên thực tế Philippines đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa sớm hơn Trung Quốc.

Thứ chín, việc mở rộng biên giới trên bản đồ lần thứ hai của Trung Quốc chỉ có thể được hiểu đó là yêu sách chủ quyền đối với các đảo trong đường chữ U.

Thứ mười, Trung Quốc dùng tàu Mĩ tặng đi “tiếp thu” Hoàng Sa và Trường Sa, việc này không thể coi là Mĩ đồng ý, thậm chí ủng hộ Trung Quốc làm như vậy. Ngoài ra, Trung Quốc dùng từ “tiếp thu” có thể gây hiểu nhầm rằng cộng đồng quốc tế trả hai quần đảo cho Trung Quốc, trên thực tế, hành vi của Trung Quốc và hành vi của Pháp không khác nhau về tính chất. Trung Quốc có lúc còn dùng từ “tiếp nhận đầu hàng”, trên thực tế, nghi thức tiếp nhận đầu hàng ở Trường Sa đã được người Anh hoàn thành sớm trước đó, việc xử lí quân Nhật ở đảo Ba Bình cũng do Mĩ hoàn thành, còn ở Hoàng Sa sau chiến tranh quân Nhật đã rút lui nên về căn bản không có chuyện gọi là “tiếp nhận đầu hàng”.


[378] “Tuyển tập sử liệu”, tr. 81.

[379] “Sao phát điện của Tổng thống tình báo phản ứng và động thái của Pháp và Philippines sau khi Cộng phỉ xâm chiếm đảo Hải Nam”, ngày 9/6 năm Dân Quốc 39 (1950), Đài ngoại tự số 4821, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 644-647.

[380] Như trên.

[381] SCSAED.

[382] “Phản ứng của Philippines đối với việc ta rút quân khỏi Nam Sa”, ngày 18/5 năm Dân Quốc 39 (1950), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.804.

[383] Mật “Về việc rút quân khỏi quần đảo Nam Sa”, ngày 18/5 năm Dân Quốc 39 (1950), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.803-804.

[384] Mật “Ý kiến xử lí vấn đề sau khi rút quân khỏi Nam Sa”, ngày 20/5 năm Dân Quốc 39 (1950), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.805-808.

[385] SCSAED.

[386] Tuyển tập sử liệu ngoại giao Trung-Nhật 8, “Quan hệ giữa Hiệp ước hòa bình San Francisco và Hòa ước Trung-Nhật”, Uỷ ban nghiên cứu vấn đề ngoại giao Trung Hoa Dân quốc, 1966, tr.94.

[387] Kimie Hara, Cold war frontiers in the Asia-Pacific, Routledge, 2007, p.148. Original Text: “Japan hereby renounce all claims to Pratas Island, to the Spratly and Paracel Islands, or to any other islands in the South China Sea.”

[388] Cold war frontiers in the Asia-Pacific, p.152.

[389] .Updated Memorandum by Mr.Robert A.Fearery of the Office of Northeast Asian

Affairs, FRUS, 1950, Vol.VI, p.138.

[390] Cold war frontiers in the Asia-Pacific, p.153.

[391] SCSAED, p.34-35.

[392] SCSAED, p.42

[393] Cold war frontiers in the Asia-Pacific, p.151-152.

[394] Tuyển tập sử liệu ngoại giao Trung-Nhật 8, “Quan hệ giữa Hiệp ước hòa bình San Francisco và Hòa ước Trung-Nhật”, Uỷ ban nghiên cứu vấn đề ngoại giao Trung Hoa Dân quốc, 1966, tr.40-118.

[395] Tuyển tập sử liệu ngoại giao Trung-Nhật 8, “Quan hệ giữa Hiệp ước hòa bình San Francisco và Hòa ước Trung-Nhật”, Uỷ ban nghiên cứu vấn đề ngoại giao Trung Hoa Dân quốc, 1966, tr.86-87.

[396] Cold war frontiers in the Asia-Pacific, p.154. Original text: “Vietnam will enthusiastically subscribe in advance to such a work of peace. And as we must frankly from all the opportunities offered to us to stifle the germs of discord, we affirm our right to the Spratly and Paracel Islands, which have always belonged to Vietnam”. Also see Vietnam Dossier II, p.27.

[397] SCSEAD, p.43.

[398] SOPSI, p.121.