Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (11)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phan Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

從地圖開疆到人工造島:百年南海紛爭史

黎蝸藤

CÔNG TY SÁCH NGŨ NAM

ĐÀI BẮC-2017

CHƯƠNG IV

CUỘC CHIẾN TRANH GIÀNH CÁC ĐẢO BIỂN ĐÔNG (1953-1989)

IV.1. Vương quốc Nhân đạo

Tháng 5/1950, Quốc Dân Đảng thua trận rút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa, Đảng Cộng sản Trung Quốc không lắp ngay vào chỗ trống do Quốc Dân Đảng để lại ở quần đảo Trường Sa khiến cho tình hình biển Đông có sự thay đổi. Hội nghị San Francisco xác định Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Nhật Bản từ bỏ, nhưng không định rõ sự quy thuộc của chúng, dẫn đến tình trạng pháp lí của các đảo biển Đông mơ hồ thêm. Thời gian này, một cảnh mới trong lịch sử biển Đông đã được mở ra, đó lại là một nhóm nhà mạo hiểm bị ám ảnh về quốc gia tư nhân (micronation).

Cái gọi là quốc gia tư nhân dùng để chỉ một số thực thể nhỏ bé tự xưng, chiếm hữu trên danh nghĩa tư nhân. Họ tự coi mình là quốc gia độc lập, in và cấp hộ chiếu, thành lập bộ ngoại giao, thậm chí phát hành tem, tiền tệ... Nhưng những “quốc gia” này không được bất cứ quốc gia nào khác công nhận, người ta xem chúng là trò đùa, trò chơi khăm, thậm chí hoang tưởng, ...

Nổi tiếng nhất trong số này là Công quốc Tây Lan (Principality of Sealand) nằm ngoài khơi bờ biển phía Đông nước Anh, “nguyên thủ” của nó đã chiếm một giàn khoan 500 mét vuông bị bỏ hoang rồi tự lập thành quốc gia. Thật ra trước khi có Công quốc Sealand rất lâu, đã có một “Vương quốc Nhân đạo” (Kingdom of Humanity) tuyên bố thành lập ở quần đảo Trường Sa (Hình 24), có thể coi đó là vương quốc đầu tiên thuộc loại này trong các quốc gia tư nhân hiện đại.

Ngày 5/6/1954, Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc nhận được một thư kì lạ, trong đó Victor Anderson, tự xưng là Bộ trưởng Ngoại giao chính phủ Vương quốc Nhân đạo, tuyên bố thành lập “Vương quốc Nhân đạo”, nói rằng lãnh thổ của nó nằm ở giữa quần đảo Đông Ấn và bán đảo Đông Dương. Theo ý trời, nước này nguyện giúp Đài Loan quan phục Đại lục,nhưng yêu cầu Đài Loan nhượng lại quần đảo Hoàng Sa để trả ơn v.v... Địa chỉ giao dịch là hộp thư 1094, Manila, Philippines. Phía Đài Loan không biết xử trí thế nào với việc này nhưng cũng không dám xem thường, chỉ thị cho Đại sứ quán ở Philippines điều tra nhưng không thu được kết quả gì. Ngày 7/7, Đài Loan lại nhận được thư, lần này là thư của Bộ trưởng Hành chính Vương quốc Nhân đạo Paul Williord, bức thư thậm chí còn đề cập đến việc mua đảo Hải Nam của Đài Loan.

Lúc này, trên thị trường ở thành phố Manila xuất hiện số lượng lớn tem in phi pháp có chữ “Vương quốc Nhân đạo”, gây sự chú ý của cảnh sát Philippines. Sau khi cảnh sát Philippines điều tra không có kết quả bèn giao cho Cục Điều tra quốc gia tiếp nhận. Cuối cùng Cục Điều tra quốc gia đã lần theo dấu vết một lô bưu phẩm, đã bắt được một người tên là Morton F. Meads vào tháng 6/1955, và tìm thấy lượng lớn giấy chứng nhận, tem và bản đồ trong nhà ông ta. Trên bản đồ vẽ biên giới quốc gia của “Vương quốc Nhân đạo” có phạm vi chính là quần đảo Trường Sa.

Hóa ra Meads vốn là một mục sư người Mĩ từng tham gia quân đội, sau khi giải ngũ năm 1946 ở lại Manila. Ông ta nói rằng năm 1945 ông đi biển thám hiểm, khi đi biển Nam Trung Quốc phát hiện một loạt “đảo mới” không người, đặt tên chúng là Manity Island. Trong đó có một đảo lớn nhất được ông gọi là Amity Island. Ông còn nói trên những đảo này từng có một vị vua và bộ trưởng hành chính theo chính thể quân chủ lập hiến, mà ông ta chính là lãnh sự kiêm chuyên viên thương vụ do vua Willis Ryant bổ nhiệm, phụ trách giao thiệp với chính phủ nước ngoài, thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời in ấn phát hành tem và tiền giấy... Một tường thuật khác của ông ta là ông cố nội của ông, James George Meads, một thuyền trưởng người Anh, trong những năm 1870 khi đi biển ở biển Đông đã “phát hiện” ra đảo không người ở đây và đã thành lập quốc gia. Ông là người thừa kế, nhưng do không đủ tuổi để quản trị, vì thế đã giao cho Ryant thế chỗ...[399]

This image has an empty alt attribute; its file name is image-3.png

Hình 24: Quốc kì của Vương quốc Nhân đạo (trái) và Lãnh thổ Tự do

Một sự kiện chưa từng có như vậy ngay lập tức trở thành tin nóng ở Manila. Để điều tra rõ về sự tồn tại của Vương quốc Nhân đạo này, vào tháng 6/1955 Philippines đã điều một toán không quân, dưới sự chỉ huy của thiếu tá Godofredo Hernandez tiến hành trinh sát trên không 3 tuần ở quần đảo Trường Sa. Kết quả cho thấy toàn bộ quần đảo Trường Sa đều là các đảo không người, chỉ có trên đảo Ba Bình có bến thuyền, chỗ ở và công trình quân sự còn sót lại. Do đó, Philippines đi đến kết luận không hề có “Vương quốc Nhân đạo”.

Meads lập tức bị Philippines khởi tố các tội danh gây rối loạn trật tự xã hội, phát tán ấn phẩm tạp nham và tranh chấp tài sản... Nhưng do tại tòa án Meads nói nhiều điều vô nghĩa, bị nhận định là tinh thần không bình thường, hoang tưởng, nên mọi cáo buộc đều không bị bác bỏ. Vương quốc Nhân đạo của Meads được xác nhận chỉ là một trò bịp bợm hoặc hoang tưởng, nhưng một lần nữa gây ra sự quan tâm của Philippines đối với quần đảo Trường Sa. Sau khi phái máy bay quân sự trinh sát dò tìm Trường Sa và xác nhận Trường Sa không có người, chính phủ Philippines tổ chức hội nghị bí mật. Có ý kiến cho rằng phải lập tức chiếm lấy, vì doanh trại trên đảo có thể sẽ bị những phần tử buôn lậu hay cộng sản dùng làm căn cứ. Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Philippines Carlos P. Garcia đề nghị với Tổng thống Ramon del Fierro Magsaysay nhắc lại yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Lúc này, Trung Hoa Dân Quốc đã nhận biết “lãnh thổ” của Vương quốc Nhân đạo trên thực tế là quần đảo Trường Sa, nên đã gửi công hàm cho Philippines, nhắc lại Trung Quốc có chủ quyền đối với “lãnh thổ” mà “Vương quốc Nhân đạo” chỉ ra. Vì thế Philippines không dám khinh suất hành động hấp tấp. Tháng 7/1955, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố “Philippines thấy rằng Trung Quốc tuyên bố cái gọi là Vương quốc Nhân đạo là lãnh thổ Trung Quốc, chính phủ Philippines sẽ không cho phép hải quân Philippines đổ bộ lên những đảo này để thám hiểm nữa”.[400] Đài Loan cho rằng quần đảo Trường Sa “về mặt quân sự không có giá trị đối với việc phòng thủ Đài Loan và Bành Hồ” “tạm thời không phái quân đến chiếm đóng”, kiên trì giải quyết bằng phương thức ngoại giao.[401] Vì vậy, sự việc này tạm thời kết thúc một giai đoạn.

Từ các lần bày tỏ thái độ của Philippines, có thể thấy rằng các tuyên bố của họ đều mang tính ngoại giao cao, nhiều nhất chỉ nói rằng “được biết” Trung Quốc có đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Trường Sa, nhưng chưa bao giờ thừa nhận đòi hỏi này. Còn việc không đưa ra hành động cũng chỉ có thể lí giải là cử chỉ tạm thời. Phong cách ngoại giao của Philippines rất mềm dẻo, địch tiến ta lùi, địch lui ta tiến, điều này thể hiện rõ trong vấn đề biển Đông. Vì Philippines đã hứa sẽ không phái hải quân đổ bộ nên chỉ có thể tìm cách khác. Thế là Tomas Cloma thừa dịp xuất hiện.[402]

Sau khi được Philippines thả ra, Meads vẫn tiếp tục hoạt động. Được biết năm 1963, Vương quốc Nhân đạo cùng với một quốc gia tư nhân yêu sách quần đảo Trường Sa khác là Republic of Morac-Songhrati-Meads (nước Cộng hòa MSM) hợp lại làm một (cũng có thuyết là Vương quốc Nhân đạo chuyển đổi thành nước Cộng hòa MSM),[403] tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa. Cho đến đầu những năm 1970, Meads vẫn thay mặt nước Cộng hòa MSM liên tục gửi thư cho Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia thậm chí Liên Hợp Quốc, không ngừng tuyên bố chủ quyền của mình đối với Trường Sa, nhưng những tuyên bố này vẫn chỉ nằm trên giấy. Thư ông ta gửi cho Malaysia đã gây sự chú ý của nước này, dẫn đến cuộc tranh chấp khác (xem IV.11). Cuối cùng, có tin cho rằng tất cả thành viên quan trọng của nước Cộng hòa MSM, ngoại trừ Meads, đều đã chết vào năm 1972 trên đường đi đến Manila do gặp bão làm đắm thuyền.[404] Nước Cộng hòa MSM lúc này mới đi vào im lặng.

IV.2. Quốc gia Tự do (Freedomland) của Tomás Cloma và tranh chấp quần đảo Trường Sa giữa Đài Loan và Philippines

Cloma sinh năm 1904, khi trưởng thành ông vừa làm biên tập ở một tạp chí hải quân tại Manila vừa học luật. Cuối cùng vào năm 1941, ông lấy được giấy chứng nhận luật sư. Nhưng khi đó Nhật Bản đã tấn công chiếm đóng Philippines, nên kế hoạch ban đầu muốn trở thành luật sư của ông ta đã bị cắt ngang. Sau khi kinh doanh thành công một số vụ làm ăn nhỏ và tích lũy được một số vốn, ông ta bắt đầu đầu tư vốn vào ước mơ lúc thiếu thời của mình là thám hiểm biển. Sau chiến tranh, Philippines trăm thứ đều bị hư hại cần được sửa sang xây dựng lại.

Năm 1948, Cloma thành lập Học viện Hải dương Philippines (Philippines Maritime Institution, PMI), tự làm hiệu trưởng, chuyên đào tạo nhân viên hàng hải. Sau đó, học viện này trở thành cơ sở đào tạo nhân viên hàng hải lớn nhất của Philippines.

Bắt đầu từ năm 1947, Cloma phái em trai là Filemon Cloma dẫn thuỷ thủ đi đánh cá ở khu vực phía Bắc Palawan. Sau khi sản lượng ở ngư trường lân cận giảm sút, Filemon Cloma tiếp tục đi về phía Tây tìm kiếm, và phát hiện một vùng biển lớn mà trước đó ông không biết đến, dày đặc đảo, đá, và có tài nguyên ngư nghiệp phong phú.

Cloma rất thích thú đối với phát hiện này nên đã tự mình ra biển điều tra thăm dò, và phát hiện những đảo, đá này không có người ở, chỉ có công trình kiến trúc của quân Nhật để lại. Sau khi trở về Manila, Cloma rà soát bản đồ, phát hiện trên các bản đồ mà ông ta có thể tìm thấy đều không có đánh dấu khu vực này, liền cho rằng mình đã phát hiện ra quần đảo mới. Thật ra, đó chính là quần đảo Trường Sa. Sau đó, Cloma đi đến đó lần thứ hai, lần này ông ta mang theo máy quay phim, chụp ảnh và quay phim lại. Ông ta đã đổ bộ lên một số đảo ở đó, và cắm cờ của PMI trên đảo. Đồng thời ông cũng đặt tên những hòn đảo này là Vùng đất Tự do (Freedomland), theo phát âm trong tiếng Philippines (Karajaan) có thể dịch thành quần đảo Kalayaan.

Theo ông, đây đều là những việc xảy ra năm 1947-49, khi đó ông ta còn để di dân lại trên đảo…. Nhưng thời gian và câu chuyện cụ thể thì rất khó để kiểm chứng.

Cloma từ đầu đến cuối đều tuyên bố mình đã phát hiện ra Vùng đất Tự do. Là một người có nhiều kinh nghiệm biên tập tạp chí ngành hàng hải và là hiệu trưởng của trường hàng hải, quả thực khó tưởng tượng ông ta lại không tìm ra những đảo này trên bản đồ, hơn nữa đã có công trình kiến trúc trên đảo thì chứng tỏ trước đó đã có người ở, lấy đâu ra chuyện “phát hiện mới”? Bất kể như thế nào, từ quá trình anh em Cloma tuyên bố “phát hiện” ngư trường mới này, có thể thấy rằng trước thời điểm đó, dù có người Philippines đánh cá ở đây, số lượng của họ cũng chắc chắn rất ít. Theo lời kể của ngư dân Trung Quốc, sau năm 1949 mới thấy có người Philippines đến Trường Sa đánh cá.[405] Do đó, có thể suy đoán rằng cho đến thời kì đầu sau chiến tranh không có nhiều người Philippines biết đến nơi này.

Lúc đầu, Cloma chỉ làm việc đánh cá ở Trường Sa, nhưng sau đó lại có ý nghĩ lớn lao hơn. Ở Manila, Cloma đã quen biết Garcia khi đó còn là nghị viên. Hai người là gốc cùng tỉnh, sau đó duy trì lâu dài sự đồng thuận ngầm trong vấn đề Trường Sa. Nhưng khi ông nói cho Garcia về “phát hiện” này và hỏi ý kiến của Garcia thì không nhận được nhiều sự khích lệ. Mãi đến năm 1953, sau khi trúng cử Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Garcia mới liên kết việc Cloma phát hiện ra Kalayaan với việc yêu sách lãnh thổ của Philippines đối với Trường Sa. Chính phủ không tiện ra mặt, sao không để Cloma lấy danh nghĩa “tư nhân” chiếm trước ? Sự kiện Vương quốc Nhân đạo chính là một sự khởi đầu.

Ngày 1/3/1956, Cloma chỉ huy một đội thám hiểm gồm 40 người đến thám hiểm quần đảo Trường Sa. Trước khi xuất phát, Garcia và một nhóm nghị viên phát biểu huênh hoang về việc này. Trong hành trình 38 ngày của Cloma sau đó, họ đã đổ bộ lên 9 đảo chính trong đó có đảo Ba Bình, đảo Trường Sa Lớn và đảo Thị Tứ, phá bỏ các cột mốc, dấu hiệu các công trình có trên đảo. Ngày 15/5, Cloma chính thức gửi thư cho Garcia, tuyên bố mình đã phát hiện một vùng đất ngoài lãnh hải Philippines, không thuộc lãnh thổ bất cứ nước nào. Đồng thời, ông ta còn gửi thư cho truyền thông, tuyên bố chủ quyền đối với vùng này: “This claim is based on the right of discovery and/or occupation open, public and adverse as against the Whole World.” (Tuyên bố này dựa trên quyền phát hiện và / hoặc chiếm đóng để mở, công khai và đối lập đối với toàn thế giới.)[406] Sáu ngày sau, ông ta còn tổ chức Hội nghị thông báo lần thứ hai, tuyên bố tên nước là “Lãnh thổ Tự do Freedomland” (The Free Territory Freedomland).

Khi đó quân đội Quốc Dân Đảng đã rút khỏi quần đảo Trường Sa, nên không hề biết rõ tình hình việc Cloma đến Trường Sa. Mãi đến sau khi Cloma trở lại Philippines và tổ chức Hội nghị thông báo lần thứ nhất thì Đại sứ quán Đài Loan tại Philippines mới đề cao cảnh giác, báo cáo với Bộ Ngoại giao về việc này. Điện trả lời của Bộ Ngoại giao chỉ thị phải tỏ rõ lập trường với báo chí Philippines.[407]

Ngày 22/5, Cloma gửi công hàm cho Đại sứ Đài Loan tại Philippines Trần Chi Mại để thông báo việc này. Ngay hôm đó, Bộ trưởng Bộ Nội chính Đài Loan Vương Đức Truyền ra tuyên bố: quần đảo này là “một bộ phận của Trung Hoa Dân Quốc”, liệt kê các lí do của phía Trung Quốc: (1) Ngư dân Hải Nam đã đến cư trú và đánh cá từ lâu; (2) Trong hành trình đi phương Tây, Trịnh Hòa từng đến các đảo này; (3) Trong Thế chiến thứ hai Nhật Bản đã sáp nhập chúng vào Đài Loan, và sau Thế chiến thứ hai Trung Quốc đã phái người đến thu hồi; (4) Năm 1949, Đặc Khu hành chính Hải Nam được thành lập, những đảo này được đặt dưới quyền quản lí của Hải Nam; (5) Năm 1950, do tiếp tế khó khăn nên quân lính đóng giữ đã rút đi, nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc từ bỏ những đảo này, quân lính đóng giữ đã treo cờ trên đảo trước khi rời đi. Vì vậy, những đảo này “bất kể về lịch sử, về địa lí, về pháp lí hay về thực tế, đều là một phần lãnh thổ vốn của nước chúng tôi”, yêu cầu Philippines phải tôn trọng chủ quyền Trung Quốc.[408]

Cùng ngày, Đại sứ quán Đài Loan tại Philippines ra thông báo, nhắc lại chủ quyền của Đài Loan đối với Nam Sa (Trường Sa).[409] Ngày 23, Đại sứ quán Đài Loan tại Philippines chính thức kháng nghị Philippines và viện dẫn thêm một số lí do: (1) Thư tịch hàng hải của Anh năm 1912 có nói đến di dân Trung Quốc trên đảo, năm 1918 người Nhật cũng nói đến người Trung Quốc cư trú trên đảo; (2) Hiệp ước Trung-Pháp năm 1887 phân định Nam Sa thuộc Trung Quốc; (3) Sau Thế chiến thứ hai Trung Quốc thu hồi quần đảo Nam Sa; (4) Hòa ước San Francisco và Hòa ước Trung-Nhật đều đã phân định Nam Sa thuộc Trung Quốc. Do đó, Nam Sa không phải đảo vô chủ cũng không phải đảo chưa từng được phát hiện. Giống như trong lãnh thổ Philippines có rất nhiều đảo không có người cư trú, hiện nay ở Nam Sa không có người cư trú không đồng nghĩa với Trung Quốc không có chủ quyền.[410] Lúc này, giống như trước đây Philippines vẫn như múa thái cực quyền về phạm vi địa lí của “quần đảo Trường Sa”. Garcia nói: “quan sát sơ bộ, các đảo Cloma đề cập đến dường như không trong phạm vi Trường Sa”, yêu cầu Đài Loan cho xem bản đồ và so sánh với bản đồ của Philippines, đồng thời đề nghị Đài Loạn có thể phái người cùng Cloma đến đó kiểm chứng.[411]

Trong một tuần sau đó, hai nước Đài Loan và Philippines tiếp tục trao đổi, Đài Loan yêu cầu nhân viên Philippines rút khỏi Trường Sa. Ngày 28/5, Ngoại trưởng Đài Loan Diệp Công Chiêu triệu tập Đại sứ Philippines tại Đài Loan Remus, báo cho ông ta biết Bộ Quốc phòng Đài Loan có kế hoạch phái hải quân tuần tra đóng giữ ở đó, nhưng Bộ Ngoại giao cho rằng để tránh tranh chấp vô nghĩa giữa Đài Loan và Philippines, vẫn hi vọng vào cách giải quyết hòa bình, đồng thời để cho Trịnh Tư Ước giải thích ngay trước mặt ông ta vị trí của quần đảo Trường Sa trên bản đồ Trung Quốc. Remus lập luận rằng Cloma chỉ là hiệu trưởng của trường hàng hải thương mại tư nhân, mục đích của ông ấy chỉ là tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thực tập kĩ thuật hàng hải cũng như các hành vi thu hút của nhà mạo hiểm. Bản thân ông cũng không tán thành thái độ của Ngoại trưởng Garcia, và sẽ báo cáo việc này với Tổng thống Magsaysay...[412] Nhưng phía Philippines không đưa ra câu trả lời rõ ràng, và một số báo Philippines đưa tin Filemon Cloma vẫn chỉ huy 29 người trú đóng ở đảo Ba Bình. Ngày 30/5, Bắc Kinh ra tuyên bố về việc này, khẳng định quần đảo Nam Sa thuộc Bắc Kinh. Thế là ngày 31/5, Diệp Công Chiêu lại triệu tập Remus lần thứ hai, yêu cầu Philippines: (1) Công khai thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Nam Sa; (2) Ra lệnh cho đám người Cloma phải lập tức rời khỏi Nam Sa, trừ phi được chính phủ Trung Quốc cho phép; (3) Nếu đám người Cloma không rút lui, chính phủ Philippines phải tuyên bố công khai rằng nếu sau này xảy ra hậu quả nghiêm trọng, chính phủ Philippines không dành cho bất cứ sự bảo vệ nào. Ông cũng nói với phía Philippines rằng sau khi Cộng sản Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Nam Sa, tàu chiến Đài Loan không thể không lên đường đi đến Nam Sa, hơn nữa Đài Loan còn uỷ thác Trung tướng hải quân Mĩ Brooke Ingersoll sắp đến thăm Philippines trực tiếp giải thích tình hình với Tổng thống Magsaysay.[413]

Nhưng sau khi hai bộ Quốc phòng và Ngoại giao họp, phía Philippines có kết luận ngược lại: các đảo của Lãnh thổ Tự do Freedomland không thuộc bất cứ nước nào, cũng không thuộc quần đảo Trường Sa, dự định kiến nghị chính phủ Philippines đưa vào bản đồ; vả lại hành vi của Cloma là hành vi tư nhân, không đại diện cho chính phủ Philippines; Philippines không có ý tranh đoạt lãnh thổ với Đài Loan, nay chỉ có thể tạm thời ngăn không cho người tiếp tục đến đó, đối với những người đã ở đó thì hi vọng Mĩ sẽ đứng ra hòa giải dùm...[414] Ở đây Philippines tiếp tục chơi trò mập mờ với nghĩa của phạm vi địa lí, dùng Spratly Island (đảo Trường Sa) chứ không phải là Spratly Islands (quần đảo Trường Sa). Tên trước chỉ để chỉ đảo Trường Sa Lớn ở phía Tây, không nằm trong quần đảo Kalayaan. Còn tên Spratly Islands mà Đài Loan nói đến chỉ là các đảo nhỏ phụ cận đảo Trường Sa Lớn chứ không phải là toàn bộ quần đảo Trường Sa. Philippines không chịu đưa ra bất cứ tuyên bố nào theo yêu cầu của Đài Loan.[415] Ngày 31/5, sau hơn 2 giờ hội đàm giữa Trần Chi Mại và Garcia, cuối cùng Garcia đã hiểu rõ và thừa nhận yêu sách quần đảo Trường Sa của Đài Loan không giới hạn ở đảo Nam Uy (Trường Sa Lớn) mà bao gồm Lãnh thổ Tự do của Cloma. Nhưng Garcia cho rằng sau khi Cộng sản Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa, vấn đề trở nên phức tạp, cần phải giải quyết nhanh chóng.

Ông ta đề nghị mời Mĩ và các nước bạn bè làm trung gian hòa giải, để ngăn các nước cộng sản lợi dụng. Cả hai bên đều cố gắng giữ im lặng. Còn Cloma thì cử nhân viên ở lại trên đảo Ba Bình, nhưng ra lệnh cho họ không được thực hiện hành vi xâm chiếm thêm nữa.[416] Điều này tương đương với việc để cho sự chiếm đóng của Croma giữ nguyên hiện trạng, Đài Loan hiển nhiên khó đáp ứng yêu cầu này.

Còn Cloma thì chủ trương có thể từ bỏ Spratly Island (đảo Trường Sa Lớn) trước tuyên bố chủ quyền của chính phủ Trung Quốc. Đại biện Mĩ tại Philippines thì bày tỏ với Đại sứ Đài Loan tại Philippines rằng “Mĩ chưa bao giờ thừa nhận chủ quyền của bất cứ nước nào đối với quần đảo Trường Sa”.[417] Thủ đoạn khác được Philippines sử dụng là tuyên bố đã phát hiện quân cộng sản ở quần đảo Trường Sa, để đề phòng “cộng phỉ lén chiếm”, Philippines không thể không để ý nhiều đến Trường Sa.

Khi thấy Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và giao thiệp với Philippines khó đạt hiệu quả, Đài Loan cũng thay đổi chính sách, tiến hành chuẩn bị về hai mặt ngoại giao và quân sự. Đài Loan tiếp tục giao thiệp với Philippines, kiên trì quan điểm quần đảo Nam Sa thuộc Dân Quốc, từ chối đề nghị của Philippines nhờ Mĩ hòa giải; đồng thời nói rõ với Đại sứ Mĩ tại Đài Loan Karl L. Rankin (Lam Khâm), sẽ kiên trì yêu sách của Dân Quốc đối với quần đảo Nam Sa, không bao giờ xem xét đến bất cứ sự hòa giải hay nhượng bộ nào, nhưng hi vọng Mĩ tiến hành hòa giải. Đại sứ Rankin bày tỏ: (1) Mĩ cho rằng chủ quyền quần đảo Trường Sa chưa rõ ràng; (2) Mĩ không có ý định can dự vào trong cuộc tranh chấp này trong bất cứ tình huống nào, kể cả tiến hành hòa giải về ngoại giao. Ông cũng nói rằng theo phán đoán của Mĩ, tạm thời không có dấu vết của quân cộng sản ở Trường Sa.[418] Sau khi có được sự bảo đảm của Mĩ, Diệp Công Chiêu hẹn gặp Remus lần nữa, ngoài việc bày tỏ một lần nữa rằng chủ quyền Trường Sa thuộc Trung Quốc, ông còn đưa ra kiến nghị mới: thứ nhất, không yêu cầu Philippines thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa, chỉ yêu cầu Philippines nói rõ với bên ngoài rằng các tuyên bố về ý đồ của Philippines đều bị truyền đạt sai; thứ hai, có thể tiến hành thương lượng việc khai thác kinh tế trên quần đảo này và đề phòng cộng phỉ lén chiếm. Remus không hề có biểu thị mang tính thực chất nào, ngoài việc bày tỏ rằng đã phản ánh yêu cầu của Trung Hoa trước đó với cấp trên và nhắc lại ý kiến cá nhân mình rằng Cloma là kẻ liều lĩnh.[419]

Điều Mĩ quan tâm là sự thâm nhập của cộng sản ở biển Đông, và giữ thái độ “ trung lập tiêu cực” đối với các tranh chấp lãnh thổ giữa mấy nước đồng minh này. Trong một tài liệu ngày 26/6/1956 đã giải mật cho thấy khi đó máy bay trinh sát của Mĩ thường xuyên tuần tra trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa mỗi tuần một lần, biết rõ động tĩnh của hai quần đảo này như lòng bàn tay. Báo cáo này miêu tả trong cuộc tuần tra ngày 21/6 thấy có cờ của “Lãnh thổ Tự do” trên đảo Ba Bình, nhưng không thấy có người. Mĩ cũng được biết Đài Loan muốn thực hiện hành động đổ bộ nhưng không ngăn cản, chỉ lo xung đột sẽ nảy sinh giữa Việt Nam, Philippines và Đài Loan, ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị giữa các bên.[420]

Thái độ này khiến Đài Loan hạ quyết tâm xua quân xuống biển Đông, chiếm đóng lại Trường Sa, suy cho cùng việc đóng quân là bằng chứng tốt nhất cho thấy chính phủ Trung Hoa Dân Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất ở Trung Quốc cũng như có quyền quản lí và về chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Từ 1/6 đến 24/9, Đài Loan lần lượt phái 3 đơn vị bộ đội đặc nhiệm đến Trường Sa. Đơn vị thứ nhất do Trung tướng Lê Ngọc Tỉ chỉ huy với hai chiếc tàu chiến “Thái Bình” và “Thái Thương” ngày 1/6 tổ hợp thành đội Lập Uy, ngày 5/6 đến đảo Ba Bình, do sóng to gió lớn, mãi đến ngày 7/6 mới đổ bộ lên đảo treo cờ. Trên đảo Ba Bình, sĩ quan và binh lính cũng phát hiện trong thời gian từ 1950 đến 1956 có nhiều đội tàu nước ngoài đến đảo này có để lại dấu tích, cụ thể có Lưu Cầu (20 lần), Philippines (4 lần), các nước khác (10 lần). Ngày 9/6, đội tàu đến đảo Trường Sa Lớn dựng bia, treo cờ, ngày 11 đến đảo Bến Lạc/Dừa (Tây Nguyệt), ngày 14 trở về Đài Loan. Trên đường đi, đội tàu còn qua một số đảo, đá khác, nhưng không phát hiện người của Cloma, mà phát hiện phần lớn bia đá của Trung Quốc dựng trước đó đã bị phá hoại, và thấy có các tiêu vật đánh dấu của người Philippines để lại, họ đã xóa bỏ hết các tiêu vật này. Trong toàn bộ hành trình, đội tàu Trung Quốc nhiều lần gặp tàu và máy bay Mĩ tuần tra ở khu vực Trường Sa thậm chí trên bầu trời đảo Ba Bình.[421]

Thời gian này, việc xử trí quần đảo Trường Sa của Đài Loan đã kiên quyết không còn tùy tiện như năm 1946. Ngày 1/6, một “nước bạn bè” khác là Việt Nam Cộng hòa cũng tuyên bố có chủ quyền đối với Trường Sa, tình hình diễn biến phức tạp. Đài Loan phải chú ý đến quan hệ giữa Đài Loan, Philippines, Việt Nam và Mĩ. Vì vậy, ngay cả đến Trường Sa “tuần tra”, họ cũng phải tìm một cái cớ khác. Ví dụ Diệp Công Chiêu giải thích với Remus rằng hai tàu chiến Đài Loan ban đầu định đến Đông Sa, nhưng được biết Cloma không ở đảo Thái Bình mới “ra lệnh riêng cho hai tàu thuận đường đi xuống phía Nam, tiến hành tuần tra bình thường ở quần đảo Nam Sa”.[422] Đài Loan muốn thiết lập lại căn cứ trên đảo Ba Bình, cũng phải đề nghị trước với Đại sứ Mĩ tại Đài Loan, nói rằng “đã phát hiện công trình kiến trúc trên đảo Thái Bình có biểu ngữ của cộng sản, chứng tỏ đám cộng phỉ Trung Quốc hoặc nhân viên cộng sản Philippines từng lén đến đảo này”, đồng thời cho rằng “nếu cộng phỉ lén chiếm hoặc kiểm soát Nam Sa, điều đó ảnh hưởng đến tự do của vùng biển quốc tế khu vực này, cũng như an ninh của Philippines và Việt Nam”; tháng 11/1955 Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế đề nghị Đài Loan xây dựng trạm đo đạc khí tượng trên đảo Thái Bình... (xem IV.13) Đài Loan cũng dùng đó làm như một cái cớ để nhờ hải quân Mĩ giúp đỡ.[423]

Vào lúc Đài Loan tuần tra Trường Sa lần thứ nhất, ba bên Đài Loan, Mĩ, Philippines đang hòa giải ngoại giao, Cloma lại có hành động mới. Ngày 10/6, Cloma chỉ huy một số người xuất phát từ Manila, tiến hành chuyến đi thứ hai tới Trường Sa. đã đến các đảo chính của Trường Sa, trừ đảo Trường Sa Lớn. Đoàn của ông ta không gặp đội đặc phái của Đài Loan. Họ đã đổ bộ lên đảo Ba Bình, hạ cờ Trung Hoa Dân Quốc mà quân Đài Loan mới treo.

Ngày 22/6, sau khi quay về Philippines, ông gửi thư cho Đại sứ Đài Loan tại Philippines Trần Chi Mại thông báo hành động này và tuyên bố đã đổi tên quần đảo Trường Sa thành “Quần đảo Lãnh thổ Tự do”, đồng thời cử người tới trú đóng trên đảo Ba Bình, lập trạm vô tuyến.[424]

Trong ngoài phối hợp, Garcia nhận cơ hội đề nghị Tổng thống Magsaysay thúc giục chính phủ Philippines ủng hộ yêu cầu của Cloma. Cố vấn pháp luật của Bộ Ngoại giao Philippines đề xuất: “Quần đảo Lãnh thổ Tự do” trước đây chưa từng được khảo sát, không thuộc bất cứ nước nào, chính phủ Philippines có quyền yêu sách chủ quyền với chúng.[425] Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thì đề xuất: “Quần đảo Lãnh thổ Tự do” nên đặt dưới sự uỷ trị của Liên Hợp Quốc, và Philippines nên là nước được uỷ trị.[426] Tổng thống Magsaysay bày tỏ thái độ không rõ ràng, cho rằng trước hết cần phải nghiên cứu hết sức tỉ mỉ rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng.[427] Nhưng ông cũng không can thiệp vào hành động của Garcia và Cloma. Rõ ràng, Magsaysay dù không ủng hộ mạnh mẽ việc này, ít nhất cũng ngầm đồng ý, việc ông ta không bày tỏ thái độ rõ ràng chỉ là một nhu cầu về ngoại giao mà thôi.

Có sự ủng hộ của Garcia, Cloma gây hấn thêm một bước. Ngày 27/6, ông ta tuyên bố gửi trả quốc kì Đài Loan cho phía Philippines hoặc Đại sứ Đài Loan tại Philippines. Đại sứ Trần Chi Mại sau khi biết chuyện đã rất tức giận, yêu cầu chính phủ Philippines thu lấy quốc kì từ tay Cloma rồi trịnh trọng giao trả cho Đài Loan. Garcia trả lời rằng sự kiện quốc kì là sự kiện ngoài ý muốn và chưa được sự đồng ý của chính phủ Philippines, trước đó chính phủ Philippines cũng không biết, cho nên không có dính dáng gì với chính phủ Philippines; và phía Philippines đã cảnh cáo Cloma không được thực hiện hành động mang tính chính trị. Vì vậy, Bộ Ngoại giao Philippines đã có thái độ không can thiệp.[428] Qua nhiều trắc trở, cuối cùng Trần Chi Mại có thể trực tiếp hội kiến Tổng thống Magsaysay. Magasaysay nói đùa rằng Cloma đáng bị xử bắn vì quậy phá, nếu như Đài Loan cần người thì có thể tặng cho. Trần Chi Mại yêu cầu Magsaysay ra một bản tuyên bố công khai về việc này, Magsaysay thì đùn đẩy rằng đã giao cho cố vấn Bộ Ngoại giao là Neri khởi thảo, yêu cầu Trần Chi Mại đợi.[429]

Ngày hôm sau, Trần Chi Mại hẹn gặp Neri nhưng Neri bảo ông ta rằng phần lớn người trong chính phủ Philippines đều không ủng hộ Garcia, nhưng hiện tại Garcia lại ủng hộ Cloma, ngay cả Magsaysay cũng không thể làm Garcia quá mất mặt. Ông ta kiến nghị Đài Loan nên nhượng bộ Philippines một số về mặt ngoại giao để quy công cho Garcia, như vậy mới không khiến Garcia hoàn toàn mất thể diện. Ví dụ, nếu Đài Loan có thể chấp nhận vụ “du khách quá hạn”, thì đó cũng coi như là một biện pháp. Cái gọi là “du khách quá hạn” là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ Đài Loan và Philippines khi đó. Trong nội chiến ở Trung Quốc, một số lượng lớn người Trung Quốc chạy ra nước ngoài qua ngã Hồng Kông và Ma Cao. Có khoảng 3000 nạn dân đến Philippines, được Philippines cho nhập cảnh với thân phận “du khách tạm thời”. Năm 1950, Philippines đã cấm họ xin gia hạn. Nhưng nếu họ muốn hồi hương thì không có nơi nào nhận. Hồng Kông cho rằng họ chỉ lấy Hồng Kông làm điểm trung chuyển, không phải người Hồng Kông. Nhưng Philippines và Trung Quốc Đại lục không có quan hệ ngoại giao, cho nên chỉ có thể yêu cầu Đài Loan tiếp nhận. Tuy nhiên, vì số lượng người quá lớn nên Đài Loan cũng không muốn tiếp nhận, cho rằng nên để toàn bộ bọn họ ở lại Philippines. Hai bên liên tục đàm phán về vấn đề này.[430] Đối với Đài Loan, việc này quan trọng hơn việc ở Trường Sa nhiều, không thể nhân nhượng ngay. Vì vậy, đề nghị này cũng không thể chấp nhận được.

Cuối cùng, Philippines chỉ sắp xếp để Cloma đến Đại sứ quán Đài Loan trả lại quốc kì ngày 7/7, quan chức Philippines đều không có mặt. Cloma biện bạch rằng khi đó ông ta thấy quốc kì rơi nằm trên mặt đất, sợ tổn hại sự tôn nghiêm của Trung Quốc, do đó đã nhặt mang về trả lại cho Trung Quốc.[431] Trong khi một ngày trước đó, Cloma đã chính thức tuyên bố thành lập một chính phủ dân chủ ở Lãnh thổ Tự do, và đã bổ nhiệm một loạt “bộ trưởng”. Đồng thời tuyên bố pháp luật của nó nếu không có quy định gì thêm, sẽ giống với pháp luật của Philippines, và khẩn thiết yêu cầu Philippines giữ vai trò nước bảo hộ của Lãnh thổ Tự do. Ngày 20/7, Cloma tuyên bố chuyển “thủ đô” đến Manila. Đối với việc này, Chính phủ Philippines không ủng hộ cũng không phản đối. Tuyên bố mà Magsaysay đã hứa sẽ có cũng không hề thấy đưa ra.

Sau đó, Cloma bắt đầu triển khai chuyến đi khắp thế giới, tuyên truyền về Lãnh thổ Tự do của ông ta tại Hồng Kông, New York… Ngoài việc gửi thư cho chính phủ các nước, ông còn nộp đơn cho Liên Hợp Quốc, yêu cầu đưa Lãnh thổ Tự do vào hồ sơ Liên Hợp Quốc, đồng thời tuyên bố muốn phát triển thành nơi an trí cho nạn nhân của các nước cộng sản. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc không nhận đơn của ông ta.

Thời gian này, đội đặc phái đơn vị thứ hai do Thượng tá Tạ Quán Niên chỉ huy, với 3 tàu chiến là Thái Khang, Thái Chiêu và Trung Triệu hợp thành đội Uy Viễn, ngày 29/6 rời Đài Loan, ngày 11/7 đến đảo Thái Bình. Trên đảo Thái Bình họ dựng quốc kì, lại phát hiện một số vật phẩm mới do người của Cloma để lại. Đội đặc phái này để lại một bộ phận nhân viên trú đóng trên đảo. Những nhân viên còn lại tiếp tục tuần tra và đã đổ bộ lên đảo Bến Lạc (Tây Nguyệt), đảo Sơn Ca (bãi Đôn Khiêm), đảo Nam Yết (Hồng Hưu), đảo Trường Sa Lớn ( Nam Uy), đảo Loại Ta (Nam Thược), đảo Song Tử Tây (đá Nam Tử) và đảo Song Tử Đông (đá Bắc Tử). Điều kì lạ là lần tuần tra này phát hiện 7 biểu ngữ của “cộng phỉ” (bao gồm “Mao chủ tịch muôn năm”, “Giải phóng Đài Loan đánh đổ năm đại gia tộc”...)[432] Còn có 6 biểu ngữ tiếng Pháp, không biết do ai để lại. Cuối cùng, ngày 29/7 đội quay về Đài Loan. Quân đóng trên đảo Ba Bình thành lập Bộ Chỉ huy phòng thủ Trường Sa,[433] từ đó Đài Loan tiếp tục đóng quân trên đảo Ba Bình trì đến nay.

Đội đặc phái đơn vị thứ ba là “đội Ninh Viễn”, ngày 24/9 xuất phát, tuần tra lần lượt các đảo nói trên theo hai tiền lệ trước đó. Thành quả lớn nhất của lần này là phát hiện tàu của Filemon Cloma (PMI IV) ở gần đảo Song Tử Đông, đó trở thành cuộc chạm trán đầu tiên giữa Dân Quốc và Philippines ở biển Đông. Thượng tá Hồ Gia Hằng lập tức chặn tàu của Philippines lại và mời Filemon Cloma lên tàu của mình. Cuộc “thẩm vấn” diễn ra trong “bầu không khí cực kì thân thiện”. Filemon Cloma thừa nhận hoạt động của mình ở quần đảo Trường Sa là hành vi tư nhân, bọn họ liên tục đánh cá ở Trường Sa, vì trục trặc máy móc mà dừng lại gần đảo Song Tử Đông. Cuối cùng, quan quân Đài Loan mời họ cơm tối, sau khi kiểm tra tàu và tịch thu vũ khí, buộc Filemon Cloma kí giấy cam kết không xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc nữa mới để tàu rời đi.[434]

Sau khi biết được việc này, Cloma kháng nghị sứ quán Dân Quốc rằng: “Chúng tôi khó tin Trung Hoa Dân Quốc sẽ áp dụng chính sách đối phó cứng rắn tương tự trong cuộc chiến tranh mà họ tự gọi là chống cộng”.[435] Ông ta còn tuyên bố Lãnh thổ Tự do bước vào tình trạng khẩn cấp. Đài Loan thì vẫn theo kênh ngoại giao, thông qua Philippines trả lại vũ khí thu được.

Sau đó, Cloma tiếp tục bôn ba cho Lãnh thổ Tự do. Lúc này, do có tin Đài Loan chuẩn bị khai thác quần đảo Trường Sa (xem IV.6), Cloma cũng gấp rút hành động. Ông ta gửi thư cho Lãnh sự quán Đài Loan tại Philippines, tuyên bố rằng mình đã khai thác tài nguyên phốt phát ở Trường Sa, cũng đã nộp đơn xin phép chính phủ Philippines và đang đàm phán với các chủ mua Nhật Bản, New Zealand... các việc sau trên thực tế đều là kế hoạch xa vời.[436]

Tháng 2/1957, sau khi trải qua một thời gian yên tĩnh, Garcia lấy tư cách Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng, gửi cho Cloma một bức công hàm, trả lời tường tận đơn khai thác phốt phát ở Lãnh thổ Tự do của Cloma. Công hàm đã cho thấy cách nhìn của chính phủ Philippines đối với Trường Sa:

Đã nhận được thư của ông đề ngày 14/12/1956 gửi cho Tổng thống Magsaysay liên quan đến hoạt động khai khoáng của ông ở Lãnh thổ Tự do bao gồm một số đảo của cái gọi là quần đảo Spratly. Theo Bộ Ngoại giao, Bộ coi những đảo, đảo nhỏ, bãi cạn và bãi cát này, bao gồm “Lãnh thổ Tự do” mà ông nói đến, ngoài 7 đảo thuộc “quần đảo Trường Sa”, đều là đảo vô chủ, trong đó có một số mới nổi lên mặt nước, ngoài một số trong bản đồ thế giới đánh dấu là chưa đưa vào hải đồ và sự tồn tại của chúng còn nghi vấn, chúng đều chưa bị chiếm, không có người cư trú, nói cách khác, điều đó tương đương với việc nói rằng chúng đều có thể được người dân Philippines khai thác kinh tế và di cư đến. Trước khi có bất kì quốc gia nào thiết lập chủ quyền độc quyền đối với các đảo này theo các nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận, và chưa có được sự công nhận của quốc tế, thì công dân Philippines có quyền tiến hành các hoạt động như vậy như bất kì quốc gia nào khác theo luật pháp quốc tế.

Đối với 7 hòn đảo được quốc tế gọi là quần đảo Trường Sa, theo Hòa ước San Francisco kí kết với Nhật ngày 8/9/1951, chính phủ Philippines cho rằng những đảo này là nằm dưới sự uỷ trị trên thực tế của Đồng minh chiến thắng trong Thế chiến thứ hai, bởi vì trong hòa ước này, Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền lợi và yêu sách đối với các đảo này, mà cho đến nay, Đồng minh chưa có đưa ra cách xử lí lãnh thổ nào liên quan đến chúng. Vì vậy, chỉ cần quần đảo này vẫn ở trong trạng thái này thì công dân của bất cứ nước Đồng minh nào, dựa trên sự bình đẳng về cơ hội và đối xử liên quan đến kinh tế xã hội và thương mại, đều có thể tiến hành khai thác kinh tế và di dân đến ở các đảo này.

Philippines là nước Đồng minh đánh bại Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, và cũng là một trong những nước kí kết Hòa ước với Nhật Bản.

Xét về vị trí địa lí của những đảo và đảo nhỏ bao gồm trong Lãnh thổ Tự do, nằm gần sát biên giới phía Tây Philippines, chúng có quan hệ về lịch sử và địa lí với các đảo của Philippines, và có giá trị chiến lược to lớn đối với quốc phòng và an ninh nước ta, chưa nói đến giá trị kinh tế tiềm tàng trong các lĩnh vực khai thác ngư nghiệp, san hô và hải sản cũng như phốt phát, chỉ cần công dân Philippines tiến hành theo đuổi công việc của họ hợp pháp thì chính phủ Philippines sẽ không thờ ơ đối với việc nhân dân Philippines tiến hành khai thác kinh tế và di dân ở những hòn đảo không có người ở và chiếm đóng này.[437]

Đài Loan nhanh chóng phản đối và bác bỏ thuyết về uỷ trị và đảo vô chủ. Lúc này Garcia lại diễn lại trò cũ, đầu tiên cho rằng đây là nội dung trong báo cáo gửi cho tổng thống của Bộ Ngoại giao hồi tháng 6 năm trước, và trước đó đã liên lạc với Đài Loan và tuyên bố nhiều lần rằng nội dung này không thể hiện thái độ của chính phủ Philippines, và thái độ cuối cùng vẫn là do tổng thống quyết định. Trần Chi Mại truy hỏi và nói bức thư này là đại diện sự trả lời của Tổng thống, vì vậy có khác với trước đây. Garcia giải thích rằng dù sự việc tuy như vậy nhưng tuyệt đối không đại diện cho ý kiến của Tổng thống. Cần phải cố hết sức tránh xung đột Đài Loan và Philippines, chính phủ Philippines có thể hỏi ý kiến Cloma về việc có thể hợp tác với Đài Loan để khai thác tài nguyên ở Trường Sa hay không...[438] Đài Loan tuyên bố rằng chỉ sau khi thừa nhận chủ quyền của Đài Loan đối với Trường Sa thì mới có thể bàn bạc vấn đề hợp tác. Tuy nhiên, Garcia lại một lần thể hiện thủ đoạn ngoại giao khéo léo, nhanh chóng tổ chức họp báo vào ngày 23/2, tuyên bố quần đảo Trường Sa không thuộc sở hữu của bất cứ quốc gia nào, bất cứ nước Đồng minh chiến thắng Nhật Bản nào cũng đều có quyền tiến hành khai thác.

Garcia cũng rất có thủ đoạn trong giao thiệp với người Trung Quốc, ví dụ ông ta từng chủ động tiết lộ với quan chức ngoại giao Đài Loan rằng trong sự kiện này việc ông ủng hộ Cloma là bất đắc dĩ, vì ông và Cloma là đồng hương, ban đầu cũng đã đầu tư vốn cho công ti Trường Sa của Cloma, nếu như từ chối Cloma, bản thân cũng sẽ mất vốn... Những lời nói thiếu cân phân này, về mặt ngoại giao có thể coi là trò cười, nhưng lại chiếm được cảm tình của nhân viên ngoại giao Đài Loan, trong điện văn của họ không thiếu lời biện hộ cho Garcia.

Garcia cũng rất khéo léo khi chọn thời điểm này để ra tuyên bố vừa chính thức vừa phi chính thức Khi đó Magsaysay vẫn còn tại vị, Garcia có thể chối rằng đó không phải là quyết định cuối cùng của chính phủ. Một tháng sau, Tổng thống Magsaysay mất vì tai nạn máy bay. Garcia trong tư cách Phó Tổng thống lên thay thế. Khi lên làm Tổng thống, ông ta ngược lại không mạnh dạn tích cực như vậy. Rõ ràng là ông ta biết rằng nếu lên tiếng với tư cách Tổng thống thì khó có thể rút lại về mặt ngoại giao. Mặc dù trong vấn đề Trường Sa, Garcia liên tục có vướng mắc với Đài Loan, nhưng sau khi Garcia trúng cử Tổng thống lại có quan hệ tốt đẹp với Đài Loan. Năm 1960, Garcia đến thăm Đài Loan, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Đài Loan với tư cách quốc khách quý báu. Điều này, với Đài Loan đang cần sự thừa nhận của quốc tế, đương nhiên là một sự kiện lớn vô cùng “hãnh diện”. Đài Loan dành sự khoản đãi với nghi thức rất long trọng, động viên số người xếp hàng hai bên đường đón tiếp lên đến cả chục ngàn người, các bên khen ngợi hết lời.

Có thể thấy, con người Garcia này thực sự giỏi chờ thời cơ để hành động, giỏi ra quyết định, thủ đoạn ngoại giao cực kì thông minh.

Mặt khác, Cloma vẫn tiếp tục hoạt động ở Trường Sa. Vào ngày 5/7/1965, Cloma chỉ huy người đổ bộ lên đảo Song Tử Tây, Đài Loan sau khi biết được qua tin tình báo, đã tiến hành phản đối, nhưng chẳng ích gì. Trường Sa quá lớn để có thể phòng chống, Đài Loan cơ bản không thể ngăn chặn được hoạt động của Cloma. Cloma còn liên hệ với Hội xã thương mại Đông Dương của Nhật Bản để chuẩn bị cùng khai thác tài nguyên phốt phát ở Trường Sa. Ông cũng kêu gọi cần phải đặt quần đảo Trường Sa dưới sự uỷ trị của Liên Hợp Quốc, và Mĩ cần phải can dự, thậm chí còn phản đối với truyền thông rằng tàu chiến Đài Loan “Trường Giang Luân” “xâm nhập” Lãnh thổ Tự do. Tóm lại, Cloma luôn có thể tìm đến “điểm nóng” của truyền thông, khiến cơ quan ngoại giao Đài Loan mệt mỏi trong ứng phó.

Tàu cá Philippines đánh cá ở Trường Sa cũng trở thành trạng thái bình thường.[439] Hơn nữa, dưới sự thúc đẩy của Garcia, quan hệ Đài Loan và Philippines bước vào thời kì trăng mật, Đài Loan cũng không muốn rắc rối với Philippines trong vấn đề Trường Sa. Vì vậy, trong những năm 1960, các hoạt động của người Philippines ở Trường Sa dần trở thành "trạng thái bình thường mới".

IV.3. Anh từ bỏ Trường Sa

Khi Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra, tình hình ở Đông Á ngày càng trở nên căng thẳng. Pháp liên tiếp bị thất bại ở Đông Dương, đặc biệt là thất bại lớn ở Điện Biên Phủ, vì vậy phụ thuộc nghiêm trọng vào viện trợ của Mĩ. Còn Anh thậm chí còn có kế hoạch sử dụng Hoàng Sa do Pháp kiểm soát làm căn cứ rút lui nếu Trung Quốc xâm lược Hồng Kông.[440] Vì vậy, Anh, Mĩ và Pháp ngày càng cần một chính sách chung về châu Á. Hoa Kì cũng đã bắt đầu can dự sâu hơn vào các vấn đề biển Đông. Nhưng đến năm 1954, tình hình có xu hướng hòa dịu, Triều Tiên kí kết hiệp định đình chiến; Việt Nam kí “Hiệp định Geneva”. Pháp cuối cùng muốn rút khỏi Việt Nam, Mĩ bắt đầu chấn chỉnh lại sự bố trí ở biển Đông. Tháng 9/1954, Mĩ và các nước Đông Nam Á kí “Hiệp ước Manila” (Manila Act), thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Các nước kí Hiệp ước gồm có: Úc, Pháp, New Zealand, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Anh và Mĩ. Hiệp ước quy định nghĩa vụ phòng thủ tập thể giữa các nước kí Hiệp ước. Vì vậy, Mĩ cho rằng các bên (Trung Hoa Dân Quốc[441], Pháp, Việt Nam, Anh và Philippines) ở biển Đông cần phải xác định rõ lập trường và yêu sách. Tháng 8/1955, Mĩ gửi công hàm cho Anh hỏi về lập trường của nước này đối với Trường Sa. Tháng 10 phía Anh trả lời: Anh có chủ quyền truyền thống ở đảo Trường Sa và bãi An Bang, và từ trước đến nay chưa hề thừa nhận chủ quyền của nước khác tại quần đảo Trường Sa.[442]

Khi đó, Anh có 5 thuộc địa hay nước bảo hộ ở Đông Nam Á: Malaysia, Singapore, Sarawak, Bắc Borneo (Sabah) và Brunei. Một số khu vực gần Nam Sa không có cơ quan ngoại giao riêng và Toàn quyền Đông Nam Á của Anh tại Singapore (British Commission General for Southeast Asia) xử lí các vấn đề ngoại giao. Sau chiến tranh, Anh chuẩn bị chấn chỉnh lại thuộc địa ở Đông Nam Á. Sau sự kiện Cloma, Toàn quyền Đông Nam Á yêu cầu Văn phòng Ngoại giao (Foreign Office) điều tra quan hệ giữa Borneo và Trường Sa. Sau một số lượt đào bới hồ sơ, vẫn không có gì khác hơn việc phê chuẩn quyền khai thác đảo Trường Sa Lớn và bãi An Bang vào năm 1877.

Mặc dù báo cáo đưa ra những ý kiến ​​tích cực, nhưng phía Anh cho rằng quần đảo Trường Sa “phân tán, không người cư trú, thiếu lợi ích kinh tế, cũng không tiện đóng quân”, hơn nữa tạm thời thấy rằng cộng sản Trung Quốc vẫn chưa có lực lượng chiếm đóng các đảo này, vì vậy không tạo thành mối đe dọa với Anh; và trong cái nhìn của Anh, bằng chứng chủ quyền của Bắc Borneo đối với Trường Sa là không đầy đủ. Vì vậy, Bộ Ngoại giao kết luận rằng Anh vẫn nên giữ nguyên thái độ ban đầu.

Một sự kiện khác lúc đó cũng đáng được nhắc đến. Tháng 7/1955, một công ti đăng kí tại Hồng Kông- Công ti hữu hạn Thái Bình Dương Borneo (Borneo Pacific Company Limited) xin phép Anh được khai thác phốt phát ở Trường Sa. Bộ Ngoại giao Anh cho rằng điều này sẽ khiến Anh bị lôi cuốn vào tranh chấp Trường Sa, do đó đã khuyên công ti này không nộp đơn. Nhưng ý đồ khai thác thực tế của công ti này bị nghi ngờ là có liên quan đến dầu mỏ. Brunei phát hiện ra dầu mỏ vào năm 1897 và kể từ đó trở thành một khu vực khai thác dầu mỏ quan trọng. Sau Thế chiến thứ hai, dầu mỏ ở thềm lục địa bắt đầu thu hút sự chú ý. Công ti dầu khí Hoàng gia Shell (Shell) nhạy bén chú ý đến nguồn tài nguyên dầu khí gần Trường Sa, nên sau sự kiện Cloma họ đã liên hệ với chính quyền Singapore, yêu cầu cho phép hải quân phái tàu bảo vệ một chuyên gia địa chất của công ti này đến khảo sát địa chất ở khu vực đó. Quân đội Anh đã chuẩn bị phái tàu chiến Dampier thi hành nhiệm vụ này, nhưng Bộ Ngoại giao đã soạn ra điện văn (ngày 12/6/1956) chuẩn bị từ chối: một là, Bộ Ngoại giao cho rằng việc hải quân Hoàng gia Anh tham gia vào các hoạt động như vậy cho một công ti thương mại là không phù hợp; hai là, các đảo này đang bị Trung Quốc hoặc Philippines chiếm đóng, nước Anh không tiện ra mặt.[443]

Theo lí thuyết, điện văn phải được Thủ tướng Anthony Eden kí tên xác nhận mới có thể gửi đi, nhưng thực tế không đúng như vậy, vào lúc được trình cho Eden thì điện văn đã được Bộ Ngoại giao gửi đi rồi. Không ngờ, Eden biết rõ tính quan trọng của dầu mỏ, sau khi đọc đã phê vào điện văn “muốn từ bỏ dầu mỏ sao?”, và trả về Bộ Ngoại giao. Nhân viên Bộ Ngoại giao lập luận rằng việc khai thác dầu khí ở khu vực đó là không thực tế, nhưng cảm thấy không có cách nào thuyết phục Eden, cuối cùng quyết định trì hoãn việc này, dù sao thì điện văn cũng đã gửi đi rồi.[444] Cuối cùng, kế hoạch của Công ti dầu khí Hoàng gia Shell không thể thành hiện thực, chính quyền Singapore gác lại việc này.

Như vậy, thái độ của Anh giống như trước đó, vẫn chỉ là duy trì [chủ quyền] trên giấy. Thái độ của Anh đã trực tiếp ảnh hưởng đến chứng lí của Malaysia và Brunei (thuộc địa của nước này lúc đó nhưng độc lập sau này) trong vấn đề chủ quyền Trường Sa. Anh mặc dù không công khai tuyên bố từ bỏ đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Trường Sa, nhưng đã bị xem là một trường hợp từ bỏ yêu sách lãnh thổ trong luật quốc tế.[445]

Ngoài ra, trong sự kiện Cloma, Hà Lan cũng thông qua Đại sứ nước này tại Philippines tuyên bố với Bộ Ngoại giao Philippines: Hà Lan tuyên bố chủ quyền đối với một phần của quần đảo Trường Sa, đồng thời cho rằng yêu sách này được Anh ủng hộ.[446] Vào lúc đó, Hà Lan mặc dù đã rút khỏi Indonesia nhưng vẫn sở hữu phần phía Tây của đảo New Guinea, cũng thuộc Đông Nam Á. Vì tuyên bố này chỉ được Philippines đề cập trong giao thiệp với Đài Loan,[447] hiện nay không rõ phạm vi cụ thể và bằng chứng mà Hà Lan đưa ra năm đó cho yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa là gì. Trong những năm 1960 New Guinea bị Indonesia thôn tính, kể từ đó Hà Lan cũng không có cơ sở pháp lí và thực tế để thiết lập sự kiểm soát ở Trường Sa. Về việc liệu chủ quyền đối với Trường Sa mà nước này tuyên bố trong những năm 1950 có thể nhờ đó mà chuyển giao cho Indonesia hay không, về mặt lí luận cũng có thể thảo luận. Tuy nhiên, hiện nay Indonesia không đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với Trường Sa, do đó thảo luận này ít có ý nghĩa thực tế.


[399] CFSCS, p.168-172.

[400] “Nam Hải phong vân”, tr.160.

[401] “Về thư trả lời tình hình quá trình xử lí đối với sự kiện quần đảo Nam Sa xin tra rõ”, ngày 15/8 năm Dân Quốc 44 (1955), Thư Bộ Quốc phòng gửi Bộ Ngoại giao, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.417.

[402] Về Cloma, tư liệu tham khảo chủ yếu là José Veloso Abueva et.al., Admiral Tomas Cloma, Father Of Maritime Education And Discoverer of Freedomland Kalayaan Islands: A Biography, University of the Philippines Diliman, 1999.

[403] www.angelfire.com/ri/songhrati/history.html.

[404] CFSCS, p.168-172.

[405] “Sử liệu vị biên”, tr. 412.

[406] Admiral Tomas Cloma, p.38.

[407] “Người Philippines Cloma mưu đồ chiếm quần đảo Nam Sa”, ngày 18/5 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.825.

[408]Bộ trưởng Bộ Nội chính Vương Đức Truyền ra Tuyên bố nghiêm chỉnh về việc chủ quyền của ta đối với quần đảo Trường Sa”, ngày 22/5 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.829.

[409]Tuyên bố của Đại sứ quán ta tại Philippines về Trường Sa”, ngày 22/5 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.976-978.

[410] “Công hàm Đại sứ tại Philippines Trần Chi Mại gửi Ngoại trưởng Philippines Garcia”, ngày 23/5 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.978-980.

[411] “Đại sứ tại Philippines phỏng vấn Ngoại trưởng Philippines”, ngày 24/5 năm Dân Quốc 45 (1956), chuyên hiệu điện đến, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.832.

[412] “Ghi chép đàm thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao Diệp Công Chiêu với Đại sứ Philippines tại Trung Hoa Dân Quốc Remus” ngày 28/5 năm Dân Quốc 45 (1956), chuyên hiệu điện đến, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.835.

[413]Ghi chép đàm thoại lần hai giữa Bộ trưởng Ngoại giao Diệp Công Chiêu với Đại sứ Philippines tại Trung Hoa Dân Quốc Remus” ngày 31/5 năm Dân Quốc 45 (1956), chuyên hiệu điện đến, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.839.

[414]Mưu đồ bí mật của Philippines với quần đảo Nam Sa”, ngày 31/5 năm Dân Quốc 45 (1956), Điện Đại sứ tại Philippines gửi Bộ Ngoại giao, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.841-842.

[415] “Thái độ của Philippines chưa xác định”, ngày 31/5 năm Dân Quốc 45 (1956), Điện Đại sứ tại Philippines gửi Bộ Ngoại giao, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.899.

[416]Điện Đại sứ tại Philippines Trần Chi Mại gửi Bộ Ngoại giao”, ngày 31/5 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.985.

[417]Thái độ của Philippines chưa xác định”, ngày 1/6 năm Dân Quốc 45 (1956), Điện Đại sứ tại Philippines gửi Bộ Ngoại giao, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.849.

[418]Biên bản trích nội dung chính việc Bộ trưởng Ngoại giao Diệp Công Chiêu mời Đại sứ Mĩ tại Đài Loan Lam Khâm hội đàm”, ngày 5/6 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.858.

[419]Biên bản trích nội dung chính việc Bộ trưởng Ngoại giao Diệp Công Chiêu hẹn gặp Đại sứ Philippines tại Đài Loan Remus hội đàm”, ngày 5/6 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.861-864.

[420] Memorandum for Chairman Joint Chiefs of Staff, Latest developments in the Paracel and Spratly islands, 26 June 1956.

[421] “Quá trình hải quân tuần tra biên giới biển Nam Sa”, Tuyển tập hồ sơ các quần đảo Nam Hải Trung Quốc 9, Đài Loan Học sinh thư cục, 1975, tr.93-127.

[422] “Biên bản trích nội dung chính việc Bộ trưởng Ngoại giao Diệp Công Chiêu hẹn gặp Đại sứ Philippines tại Đài Loan Remus hội đàm”, ngày 5/6 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.861-864.

[423] “Biên bản trích nội dung chính việc Bộ trưởng Ngoại giao Diệp Công Chiêu mời Đại sứ Mĩ tại Đài Loan Lam Khâm hội đàm”, ngày 12/6 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.874-876.

[424] “Cloma gửi thư Đại sứ Trần Chi Mại”, Hãng Thông tấn Trung ương, ngày 22/6 năm Dân Quốc 45 (1956), số 679 Trung mật thám (45), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.876-877.

[425] “Chính quyền Philippines thiên về ủng hộ chủ trương của Cloma”, Hãng Thông tấn Trung ương, ngày 15/6 năm Dân Quốc 45 (1956), số 661 Trung mật thám (45), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.884-887.

[426] Hãng Thông tấn Trung ương, chuyên điện ngày 18/6 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.877.

[427] “Truyền đạt kiến nghị của Garcia Magsaysay ủng hộ yêu cầu của Cloma”, Hãng Thông tấn Trung ương, ngày 25/6 năm Dân Quốc 45 (1956), số 689 Trung mật thám (45), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.877.

[428] “Kết thúc sự kiện quốc kì”, Hãng Thông tấn Trung ương, ngày 2/7 năm Dân Quốc 45 (1956), số 708 Trung mật thám (45), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.877.

[429] “Gặp Tổng thống Philippines”, ngày 29/6 năm Dân Quốc 45 (1956), số 793, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.992-993.

[430] Tiêu Hi Thanh, “Lịch sử quan hệ ngoại giao Trung Quốc Philippines”, Chính Trung thư cục, 1995, tr. 601-670.

[431]Cloma dẫn 3 người đến Đại sứ quán ta trao trả quốc kì nước ta”, ngày 7/7 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.995.

[432]Tục hàm sao khẩu hiệu Cộng ngụy phát hiện ở quần đảo Nam Sa”, Thư Bộ Quốc phòng gửi Bộ Ngoại giao, ngày 30/8 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1036-1037.

[433]Sử liệu vị biên”, tr.85.

[434]Quá trình hải quân tuần tra biên giới biển Trường Sa”, Tuyển tập hồ sơ các quần đảo biển Đông Trung Quốc 9, Đài Loan Học sinh thư cục, 1975, tr.163-173. “Sử liệu vị biên”, tr.90-93.

[435]Đồ đảng Cloma vẫn đưa ra kháng nghị”, ngày 4/10 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1045-1048.

[436] “Cloma tuyên bố khai thác quặng phốt pho ở Trường Sa”, Thư Đại sứ quán tại Philippines gửi Bộ Ngoại giao, ngày 19/12 năm Dân Quốc 45 (1956), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.938.

[437]Toàn văn thư Garcia gửi Cloma”, ngày 15/2 năm Dân Quốc 46 (1957), số 0160 Trung mật thám (46), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.939-941.

[438]Gặp Ngoại trưởng Philippines thảo luận về vụ việc Nam Sa”, ngày 16/2 năm Dân Quốc 46 (1957), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.941-942.

[439] Ví dụ ngày 7/5/1958, quân đồn trú ở đảo Thái Bình bắt được tàu cá Philippines MB Don Arturo, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 1051-1053. Ngày 22/3/1960 lại bắt được tàu cá San Jose IMIV, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 1056-1060. Chúng đều có quan hệ với Cloma.

[440] SCSAED, p.45

[441] Ngày 7/9/1955, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Mĩ tại Đài Loan Webster giao cho phía Trung Hoa Dân Quốc một danh mục gồm 22 đảo, đá của Trường Sa, hỏi lập trường của Trung Quốc. Xem “Sử liệu vị biên”, tr.127.

[442] SCSAED, p.48. Also refers to http://www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIARDP08C01297R0003001800192.pdf

[443] SCSAED, p. 55.

[444] SCSAED, p. 55.

[445] Geofrey Marston, Abandonment of Territorial Claims: The case of Bouvet and Spratly Islands, British yearbook of international law, Vol.57, tr.337-356.

[446] Bob Catley & Makmure Keliat, Spratlys: The Dispute in the South China Sea, Ashagate, 1997, p.29.

[447] Ibid, p.41, note 28.