Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

Tản văn của Thái Hạo: Về không gian sống

Tập sách Hơi thở trong bàn tay của Thái Hạo (NXB Đà Nẵng, in lần đầu tháng 5.2024) dày 227 trang, gồm 46 bài viết.

Văn Việt xin trích đăng một số bài trong tập sách, là cách để tăng thêm nối kết giữa tác giả - độc giả.

Cụm bài này viết về không gian sống của tác giả, những nối kết giữa con người - vạn vật, gồm các bài: Con cóc, Tiếng cuốc, Nửa ngày, Nửa đêm.

 

Con cóc

 

Chiếc lu nhỏ này là một ngôi nhà, ngôi nhà của con cóc cô độc. Tôi nói cô độc vì luôn thấy nó một mình. Thường thì lũ cóc sẽ ở cùng nhau, trong góc nhà hay một cái xó tối nào đó. Chen chúc, chậm rãi, lim dim…

Không biết hắn đã ở trong chiếc lu này từ ngày nào. Ngồi chù ụ, bất động. Hắn to tới nỗi nếu tôi xòe bàn tay ra, đặt lên lưng hắn, có lẽ không thể che kín tấm lưng vĩ đại ấy.

Cứ mỗi ngày lúc trời nhá nhem là hắn nhảy ra đi kiếm ăn, bằng một cú nhảy rất gọn. Không phải cú nhảy dữ dội của con ếch, cũng không giống một mũi tên vút gió trong dáng lao của con chẫu chàng; cóc nhảy từng bước, chậm rãi, khoai thai mà vững chãi. Trong cái bước nhảy ấy có phong độ của bậc đại nhân, thong dong mà dũng mãnh, tự tại…

Bằng một cú nhảy, con cóc đáp mình ra đất, chớp mắt nhìn trời. Thi thoảng nó nhảy lên thềm, đứng nhìn vào chỗ tôi đang ngồi trên sofa. Nó đứng như thế hồi lâu, nhìn, rồi có khi thì quay ra vườn, khi thì đi tắt qua phòng khách để ra sân.

Tôi thường dậy muộn nên không khi nào chứng kiến con cóc trở về, nhưng sáng nào cũng thấy nó đã yên vị ở đó, trong chiếc lu này. Chiếc lu có chút nước chỉ đủ làm ướt bụng nó. Nó ngồi bất động, uy nghi. Một hôm ra nhìn, có cảm giác như chiếc lu đã chật, vì con cóc đã to đến nỗi làm người giật mình.

Tôi ở đây, trong ngọn núi nhỏ này cùng với một con vẹt, một con bồ câu, một con gà và con cóc hiền. Tất cả đều một mình. Chúng nó được tự do đi lại, có thể vào phòng khách hay đi tha thẩn vào trong bếp. Con gà con thì bạ đâu ngủ đó, có hôm nó ngủ ngay dưới tấm thảm chỗ tôi ngồi. Có lẽ chúng nó nghĩ, “Thôi, cho thằng người kia ở đây cho vui, không cần đuổi hắn đi”.

Mùa thu rồi. Những cơn mưa đầu mùa như trút. Cái không khí này làm người ta lười, và quên. Hôm chợt nhớ, mấy ngày không thấy con cóc đâu, vội ra ngó chiếc lu. Nước ngập đầy, sóng sánh trên miệng lu. Nước trong nhìn thấy đáy. Con cóc không còn ở đó, chỉ có những viên kẹo bọc giấy màu lóng lánh trong đáy lu, chắc là do một đứa trẻ con nào bỏ vào.

Nó đã ở đây trong chiếc lu này gần 2 năm. Trước đây, cứ mỗi lần mưa tạnh là thằng người lại ra đổ nước lu, chỉ chừa lại một chút cho con cóc về ngồi. Mùa thu này thì quên, nước ngập chắc đã nhiều ngày. Con cóc đã đi đâu, nó có bao giờ thương nhớ căn nhà xưa…

Tôi cũng nhiều lần dọn nhà, mỗi chuyến di cư là một cuộc đoạn trường. Nhưng con cóc thì có lẽ nhẹ nhõm hơn tôi chăng, nó không cần tiện nghi, sách vở, áo quần. Nó điềm nhiên bước vào một chiếc lu, vô sự mà ở đó. Rồi nước ngập thì nhón chân mà bước ra. Có lẽ bây giờ nó đang ở đâu đó dưới một gốc cây, một cái hang của lũ chuột bỏ lại, hay một hốc đá nào.

Sáng nay, chợt nhớ cái dáng hắn ngồi, nhớ cái chớp mắt thiên thu, nhớt bước nhảy vô sự tiêu dao. Làm một con cóc, há chẳng sướng lắm sao?

Có khi nào ta để tâm đến cuộc sống của một con cóc, con gà hay cuộc sống của lũ thạch sùng, tò vò, chuột nhắt; có khi nào ta để tâm đến cuộc sống của những người quanh ta. Mỗi cuộc đời đều đau khổ nhưng diệu kỳ, mỗi cuộc đời lướt qua trước mắt, tầm thường mà thiêng liêng, vô nghĩa mà lạ lùng…

Con cóc ra đi, bỏ lại chiếc lu một mình dưới mái hiên, bỏ lại bầu trời và khu vườn. Chắc bây giờ nó đang ngồi điềm nhiên mà nhìn một khung trời khác. Không biết có khi nào nó chợt nhớ về một chiếc lu và những xôn xao bên bậc cửa của người, rồi khẽ chớp mắt nhìn cơn dông đang tới bên kia trời…

 

Tiếng cuốc

 

Đêm trong núi lạnh, tôi ngồi trò chuyện với anh Hoàng Tuấn Công*. Về những cánh rừng đã mất.

Anh Công hỏi tôi, ở đây giờ còn chim cuốc không. Tôi nói còn, thi thoảng có thấy chúng lủi nhanh qua những bờ bụi. Có nghe thấy tiếng chúng kêu không? Không.

- Ừ, cuốc giờ không còn kêu nữa.

Bỗng giật mình, đúng rồi, đã bao lâu tôi không nghe tiếng cuốc dù thi thoảng vẫn thấy chúng đây đó nơi chân đồi đồng bãi… Chúng lủi đi và sống trong im lặng. Rừng đã hết, con người có mặt khắp nơi cùng súng hơi và bẫy rập.

Cuốc phải ngậm chặt miệng để giữ lấy sinh mạng, vì tiếng kêu là lời mời gọi tử thần. Đó là bước "tiến hóa" oan nghiệt của một loài chim. Chúng nén tiếng gọi bạn tình trong lồng ngực, và lao vụt qua những bụi cây, qua đường đê, qua gốc dứa, qua lau sậy... Như những ảo ảnh.

Bỗng rùng mình. Đang ngồi bên đống lửa hừng hực cháy mà nổi da gà khắp trên thân. Không phải là sự tuyệt chủng, cái im lặng kia của một loài chim còn thảm khốc hơn cái chết.

Anh Công kể, một lần nọ, nơi xóm bãi, trong đêm thinh lặng bỗng òa lên tiếng cuốc, kêu như tiếng khóc nức nở, thảm thiết và vọng cuồng. Giây lát sau lại đột ngột nén thành tiếng thút thít, nhỏ dần rồi im bặt, như chưa từng. Tịnh, không còn một thanh âm.

Con cuốc thuở xưa “năm canh máu chảy đêm hè vắng”, kêu từ tối đến sáng, kêu tìm nhau đến rạc mình. Nay, cuốc nén chặt tiếng lòng mình trong vòm ngực nhỏ, để một ngày bỗng vỡ ra như một tiếng nổ, rồi tan biến vào hư vô. Một đời cuốc, còn bao nhiêu lần kêu thét lên như thế nữa? Hay chẳng bao giờ?

Có một khởi sinh đã chết cùng những âm thanh nén chặt nơi cuống lưỡi của một loài chim. Có một dòng sử lịch sẽ chết theo tiếng chim ấy, và cả một dòng văn học sẽ thành thần bí với hậu thế không xa? Mai kia, những đứa trẻ sẽ cười mà bảo rằng cha ông chúng đã bịa ra tiếng cuốc để làm thơ…

Chim cuốc còn đó mà tiếng cuốc đã chôn vào u tịch mang mang. Không có cái chết nào đáng sợ hơn thế, không sự hủy diệt nào thảm khốc hơn thế, khi một giống loài đã phải từ bỏ tiếng gọi đồng loại và tiếng gọi tình tìm nhau trong lau lách mù tăm.

Tiếng khóc. Hình như nhân loại chưa bao giờ có một tiếng khóc nào bi thương ghê rợn đến thế?

........................................

*Hoàng Tuấn Công, nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa, cũng là một cán bộ công tác trong ngành nông nghiệp, là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Từ điển của GS. Nguyễn Lân – phê bình và khảo cứu.

Nửa đêm

 

Đã là mùa hè, vậy là về quê năm thứ 3 rồi. Nửa đêm chợt thèm nhìn ngọn núi thân quen dưới trăng mờ, bèn đẩy cửa bước ra. Bỗng dội vào tai tiếng chim lạ. Thanh và buốt, như một đường chỉ kéo thẳng, xuyên đi trong đêm tối. “Bắt cô trói cột, bắt cô trói cột”…

Nhớ ra rồi, chim bắt cô trói cột, loài chim của đói nghèo ngàn xưa trong sự tích về một chàng trai oan uổng đã ra sức thanh minh suốt những đêm trường. Không biết từ bao giờ đã không còn nghe “bắt cô trói cột” nữa, nay bỗng từ đâu tìm về, đột ngột như một chuyến hồi hương không báo trước.

Hồi chúng tôi còn bé, suốt mùa hè sống cùng lũ chim trời. Rồi không biết từ lúc nào, tiếng chim thưa vắng dần. Những con chào mào, chích chòe, cu gáy cho đến lũ sẻ đồng lích rích trên xà nhà bỗng biến mất, phải hai mươi mấy năm rồi, hay lâu hơn nữa... Ngày xưa, cứ mỗi cuối Xuân đầu Hạ, hòa lẫn trong tiếng bìm bịp, tiếng chim cuốc là “bắt cô trói cột, bắt cô trói cột”…, văng vẳng dưới trăng trắng.

Tưởng mình đã quên. Đêm nay, tiếng chim gọi về cả một vùng trung du đồng bãi, gọi về cả tuổi thơ dằng dặc… Còn nhớ, ngày xưa chim chóc nhiều và dạn dĩ lắm, những con chim sâu làm tổ ngay trong bụi rau ngót cạnh bờ sân, cứ thản nhiên đi - về như thể đó là vương quốc riêng của chúng.

Thế rồi núi trọc, những khu cồn rậm biến mất, cây cối trong làng cũng ra đi theo những bờ tường gạch lầm lũi mọc lên. Thủa đầu còn nhắc nhớ tiếng chim, rồi cũng dần quen, và quên.

Trở về. Đầu tiên là những con bìm bịp, kêu lênh láng từ chiều sang đêm với giọng trầm buồn u uất của chúng. Bây giờ là bắt cô trói cột… Ngước nhìn lên ngọn núi Tào Sơn, màu xanh phủ kín, một sự hồi sinh thầm lặng mà mạnh mẽ. Những dương xỉ, sim, và mua tím đã tái sinh trên sỏi đá, dây leo và cây rừng mọc dày dưới tán thông cao.

Chợt hiểu, cái chết đến thật mau mà sự sống cũng thật gần, ở đâu có bàn tay con người gìn giữ, ở đó phục sinh âm thầm mà quyết liệt. Ba năm nay khi không cho ai bước chân vào núi để đặt bẫy, giăng lưới, chim chóc lần về, mỗi lúc một đông. Cứ mỗi sáng mai là bắt đầu mở hội, huyên náo bên hiên nhà.

Chúng ta đã đánh mất màu xanh, đánh mất tiếng chim và dáng hình muông thú. Có lúc tưởng như đánh mất cả thôn quê và sự sống bình yên, chỉ còn bầu trời mờ đục và mặt đất xám. Nhưng niềm vui âm ỉ đã len về khi gặp lại những âm thanh quen thuộc từ cổ những loài chim.

Nhưng còn thương nhớ, mỗi sáng thức dậy vẫn lắng tai để nghe một tiếng “chích chòe” thơ bé. Vẫn tiếc vì có lẽ trong hành trình trốn chạy, loài chích chòe đã đi quá xa, nên ngày trở về sẽ muộn hơn lũ liếu điếu, bìm bịp và bắt cô trói cột đôi chút chăng. Lòng người vẫn chờ đợi một tiếng chim vỡ giữa trời quen…

“Bắt cô trói cột, bắt cô trói cột”… Tiếng chim mỗi lúc một sâu, phải lắng tai nghe thật kỹ như một người khát đang uống từng giọt nước của cơn mưa mùa hạ nắng chang.

Rồi bỗng văng vẳng những âm thanh lạ từ cánh đồng dội lên. Tiếng kêu mỗi lúc một rõ, mỗi lúc một dồn dập. Tôi quay qua hỏi đứa em, là tiếng chim gì thế. “Tiếng chim máy, họ đang bẫy dưới đồng…”.

Thế ra cái vương quốc này của tôi và lũ chim chóc thật nhỏ bé, mong manh, “thập diện mai phục”, những loài chim chỉ an toàn khi cố thủ ở khu vườn này, ra khỏi chừng vài trăm mét là bẫy rập lưới giăng.

Tôi ra cổng và nhìn xuống cánh đồng. Tiếng chim phát ra từ những chiếc máy vẫn vang lên giữa những đốm sáng của đèn soi loang loáng. “Người ta đi kích cá” - em tôi nói. “Không ai cấm hay bắt phạt sao?” “Không”.

Buổi sáng, trên cánh đồng đã nặng trĩu những bông lúa sắp vào mùa gặt, dọc bờ ruộng thi thoảng lại gặp những hàng lưới trắng xóa giăng ngang trời. Hỏi một bác nông dân đi thăm đồng, ông hồn nhiên trả lời, “Gặt xong thì giăng kín, bây giờ mới có vài đoạn lưới, ăn thua chi”. Lòng bỗng thấy thương những tiếng chim mòn mỏi giữa đêm khuya.

Một ông thầy tôi đang dạy ở Mỹ có lần kể, bên này mà chim chóc vô vườn ăn trái, nếu không ưng thì đuổi chúng đi, chớ có mang súng hay bẫy ra mà bắt, đi tù như chơi đó. Nhưng đó là “bên Tây”, chẳng ngạc nhiên gì. Khó tin nhất vẫn là bọn thanh niên làng đi làm bên vùng Quảng Đông (Trung Quốc) mỗi lần về cứ xuýt xoa rằng, bên ấy chim đầy trời, mùa đông lạnh chúng tràn cả vào nhà máy đứng trú, dạn như chim nuôi mà chẳng ai bắt cả, trừ mấy người Việt Nam ham nhậu.

Ừ, nhưng người còn tha hương kiếm ăn nơi đất khách, nói gì đến chim chóc cho buồn lòng. Nhìn số phận những loài chim, lại nhìn thân người lận đận mà ái ngại. Bao giờ đất mới lành, đất quê hương…

Nửa ngày

 

Hơn 4 giờ sáng, đang ngồi bên bàn thì mẹ lên, giọng hớt hải “Con mèo ăn phải thuốc rồi”. Tôi bỏ máy tính xuống chạy vội ra nhà kho tìm bình oxy già và thuốc điện giải. Hai mẹ con đi nhanh xuống nhà, con mèo đang nằm trên sàn, chân quơ cào, miệng gào rú thất thanh. Tôi cắt miệng bình oxy và đưa cho mẹ cùng với bao tay, nói mẹ cho nó uống đi. Trong nhà, nó chỉ thân với mẹ. Đêm nào cũng len vào nằm cùng, rúc vào lòng hay gối lên gối mẹ. Trừ mẹ, nhà chẳng ai rờ được nó.

Mẹ cho uống hết nửa bình oxy già, nó nôn ra nhưng chỉ được một chút, hai mắt đã dại đi, chân không ngừng giãy dụa, sùi bọt trắng vương vãi khắp nhà. Mẹ dỗ nó và cho uống thêm điện giải rồi đưa vào bếp cho nằm.

Sáng, tôi xuống chợ mua than hoạt tính, về nghiền nát và hòa với nước. Mẹ nói nó chỉ uống được một ít, cơ miệng cứng rồi không nuốt vô được, người bất động rồi, kêu không ra tiếng nữa.

Trưa tôi xuống, vừa tới sân, mẹ nói, “con mèo chết rồi”. Tôi vào nhìn nó, rồi quay ra. Hút xong điếu thuốc thì đi tìm cây cuốc. Tôi đào chiếc hố dưới gốc cây đào, cắt một tàu lá chuối, chia làm hai rồi lót xuống một nửa, bế con mèo ra, đặt nó vào, đậy lên trên nửa tàu lá còn lại, bỏ lên cho nó nắm đất, vun lên thành ngôi mộ nhỏ. Mẹ đã tránh đi chỗ khác từ khi nào...

Tôi vào bàn thờ tìm nhang, đốt cho nó một cây. Đang châm lửa vào đầu que thì thằng cháu chạy ra. “Bác ơi, bác thắp nhang cho con mèo lên thiên đàng phải không”. “Ừ, cháu A Di Đà Phật cho con mèo nghe đi”. “A Di Đà Phật”. “Bác Tuấn ơi, con mèo của bà nội, nó siêng bắt chuột lắm, không cho chuột cắn lúa, nó được lên thiên đàng phải không bác Tuấn?”. “Ừ, nó được lên thiên đàng”.

Mùi nhang và mùi hoa bưởi tháng Ba lẩn khuất trong vườn.

Hôm nay gió mùa, trời âm u trở lại, hơi lạnh chờn vờn trên cành lá. Trưa, ngồi nhìn hoa bưởi trắng lấm tấm trong lá xanh, mẹ hỏi “bận chi không, chở mẹ ra đồng dặm lúa”. Hai mẹ con đi. Tiết trời này là trời lang thang, thèm qua những cánh đồng và làng mạc xa, đi mãi không muốn về.

Mới ra tới đê, đến chỗ cống Hai Cửa thì gặp mấy người đàn ông đang ngồi bệt bên đường “Các bác mời cơm với chúng em”. Mẹ con tôi cười và nói một câu bâng quơ để chào lại rồi đi qua. Mẹ bảo họ đập bê tông để lấy sắt. Ra đến đồng, mẹ chỉ tay “Chuột ăn quang hết rồi”. Nhà này, nhà này nữa, quang hết cả đồng rồi...

Tôi quay về, lại đi qua chỗ mấy người đàn ông đang ngồi ăn cơm. Lại có tiếng chào lớn “Ăn cơm với chúng tôi này”. Tôi dừng xe bên đống xà bần đang đổ ngổn ngang trên vệ đê. Không biết ai đã đổ chúng ở đây. “Các bác đập bê tông này để lấy sắt ạ?”. “Vâng, lấy sắt”. “Chừng này được khoảng bao nhiêu cân rồi?”. “Chắc khoảng hơn hai mươi cân”. “Bốn người mà nửa ngày được có hơn 20 cân... Sắt vụn bán bao nhiêu tiền một cân hả bác?”. “Mười nghìn, 12 nghìn”. “Từ sáng tới giờ 4 bác mới kiếm được khoảng hơn 200 nghìn thôi nhỉ”. “Vâng, già rồi, không ai thuê nữa, nhưng khổ, còn ăn được, uống được, thì phải làm thôi anh ạ”.

Tôi nhìn bốn người đàn ông, người trẻ nhất cũng phải bằng tuổi bố tôi, người già nhất có lẽ phải ngoài 70 hay gần 80, không biết chắc. Trên tàu lá chuối trải bên đường là ít đồ ăn với rau sống, có cả bia nữa, bên cạnh là mớ sắt 6, sắt 8 nằm lộn xộn. “Uống với chúng tôi một ly”. “Cảm ơn bác, cháu không biết uống. Các bác quê đâu?”. “Chúng tôi Hải An”. “Hải An, cách đây chắc 15 cây nhỉ...”.

Nhìn trời đất này chỉ muốn quay xe mà lang thang qua làng bên, nhưng việc đang đợi ở nhà. Vào tới sân, bố tôi bảo, con chó nhà chú tôi cũng mới ăn phải thuốc chết rồi. Mấy hôm trước là chó và mèo nhà cậu tôi.

Loa thôn bên Nông Cống vọng lên núi, “Alo, alo, xin thông báo, bà con chuẩn bị kế hoạch đánh thuốc chuột...”.

Thằng bé đang chơi một mình trên hiên. “Bác Tuấn ơi, giờ con mèo đã lên thiên đàng chưa”. “Bác không biết”. “Bác Tuấn nhìn này, cháu đang làm đôi dép này cho con mèo đấy...”.

Cuối Xuân, cây nhang trên mộ con mèo dưới gốc đào đã sắp cháy hết, tàn gục đầu xuống chân nhang. Hoa bưởi đang căng lên trong gió, như sắp vỡ ra...