Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

Hai bộ phim mang nặng vị muối của đời

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

18 bộ phim truyện điện ảnh tham dự tranh giải Cánh Diều Vàng năm nay có thể nói đã đánh dấu một sự khởi sắc hết sức đáng phấn khởi của một nền điện ảnh dân tộc trên con đường chinh phục số đông khán giả; và có hai bộ phim gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi – một khán giả đang làm nghề – hai bộ phim mang “vị muối” đích thực của Đời có khả năng chạm vào đáy sâu cảm xúc của hàng triệu khán giả, đó là HAI MUỐI và SÁNG ĐÈN!

Những ai từng làm cha làm mẹ và trải qua những đận mưu sinh gian khó để nuôi dạy và bảo vệ con mình đều có thể tìm thấy trong phim Hai Muối sự đồng cảm sâu sắc, cùng sự động viên chân thành cảm động… Có điều, sự đồng cảm và động viên đó đã được gửi gắm qua những số phận gần gũi mà các nghệ sĩ điện ảnh đã tái tạo một cách hết sức chân thực, sinh động trên màn ảnh, chân thực và sinh động tới độ có nhiều cảnh phim khiến người xem như hòa nhập hồn mình vào buồn vui của nhân vật, phải khóc cùng nhân vật… Hai nhân vật chính: người cha làm muối và cô con gái tên Muối chắc chắn sẽ có sức sống lâu dài trong lòng khán giả Việt, chỉ bởi cái nguyên cớ sâu xa và làm nên cội nguồn của nghệ thuật, là các nghệ sĩ điện ảnh – từ tác giả kịch bản, đạo diễn, quay phim, diễn viên, họa sĩ thiết kế, âm thanh… đến ánh sáng, hóa trang… – đã lặn rất sâu vào đời sống cần lao để chắt lọc ra cái “vị mặn” dính mồ hôi, và dính máu nữa, từ đó nêu ra những vấn đề thiết yếu nhất của hôm nay trên các lĩnh vực quan hệ gia đình, hàng xóm láng giềng, tình yêu, bạn đồng học, chuyện hướng nghiệp… Phim Hai Muối chưa ra rạp chính thức nhưng đã nhận được biết bao sự ngợi khen trong giới chuyên môn – đặc biệt là của TS. nghệ thuật học, Chủ tịch Hội Điện ảnh Đỗ Lệnh Hùng Tú, vì vậy tôi không dám lạm bàn thêm, để xin chuyển sang bộ phim cuối cùng của đợt chiếu thẩm định này là Sáng Đèn

Xem Sáng Đèn, ngoài những ấn tượng chung cho cả hai phim tôi đã nói ở trên, thì có điều đặc biệt này nữa: Cấu trúc truyện phim khá phức tạp song được xử lý cực kỳ "ngọt"! Phim về đề tài nghệ thuật cải lương, xoay quanh câu chuyện vui buồn của một gánh hát miền Tây Nam bộ, nhưng chất “cải lương” như một yếu tố câu khách lại rất ít mà để dành “lãnh địa“ cho nghệ thuật điện ảnh – trong một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa! Câu hát vọng cổ của người cha vốn chuyên đệm đàn đã hát thay cho con trai ở buổi phục vụ đám cưới khiến người xem rung động không phải bởi bản thân câu hát, mà là bởi cái cảnh ngộ của hai cha con – người của đoàn Hát Viễn Phương đã tan rã; tình tiết nghệ thuật này nằm trong hệ thống tình tiết kể lại những thăng trầm bi hài của gánh hát, đan xen với số phận của các kép chính kép phụ và “ông bầu” cùng quan hệ cha và con, sư phụ và trò nghề của họ được miêu tả một cách duyên dáng, tự nhiên, có chiều dày nội tâm và sự phát triển tâm lý không hề có chút gượng ép!

Tôi thiển nghĩ: Sự phức tạp cần tiết của hệ thống tình tiết phim dẫn tới bề dày của tính cách nhân vật, chính là điểm Yếu Kém nhất của phim truyện nước nhà, là cái gốc của sự non kém, sơ lược hóa về kịch bản lâu nay! Nhưng phim Sáng Đèn đã tránh được điều này. Và có thể nói đây là phim đề tài âm nhạc cải lương - đàn ca Tài tử Nam Bộ có tầm quy mô nhất trước nay về cấu trúc truyện phim, về xây dựng hệ thống nhân vật và gợi ra được một cách thấm thía những vấn đề khá nóng bỏng về sự tồn tại cũng như sự phát triển bộ môn nghệ thuật quần chúng rất thân thiết này tại chính quê hương của nó vào thời kinh tế thị trường và bị các nghệ thuật hiện đại lấn át!

Một người làm nghề tưởng chừng đã “chai sạn” với đủ loại phim nội - ngoại như tôi đã phải chảy nước mắt trước nỗi đau lòng tuyệt vọng của ông Bầu gánh hát khi phải tuyên bố “rã gánh” với các nghệ sĩ thân yêu của mình; đã phải se lòng không kém nhân vật kép chính Lâm buộc rời cô gái anh yêu để chấp nhận cưới người đàn bà giàu nhưng anh không hề yêu để cứu tính mạng người mình yêu và cứu gánh hát… Có đến hai motif "bán thân" để cứu gánh hát – một kép một đào –, song không hề tạo cảm giác lặp lại, nhàm chán, mà mỗi lần một tình huống bất khả kháng, được đặt ra và giải quyết hợp lý một cách tàn nhẫn! Bởi các sự kiện phim diễn ra, dù ngẫu nhiên hay tất yếu, bởi các tâm trạng nhân vật trong sự kiện… – tất cả đã được nhà làm phim chắt lọc từ chính "Vị muối" của Đời – đều thực mặn mòi, cay đắng, chua xót, và hết sức chân thực theo quy luật tâm lý đời thường ở tại vùng quê ấy, và như quy luật điện ảnh đòi hỏi!

Phim dài hơn hai giờ, có những chỗ nhẩn nha, song khán giả không hề thấy sốt ruột và khi chữ phim hiện lên người xem vẫn cảm thấy tiếc nuối… Và trên hết, với hệ thống cấu trúc truyện phim khá chặt chẽ hợp lý, với hệ thống nhân vật được chăm chút kỹ lưỡng tới từng chi tiết tâm lý, các bối cảnh chân thực (và lúc cần bối cảnh quy mô hoành tráng cũng có!), phim Sáng Đèn đã dựng lên trước người xem những hình tượng thật hấp dẫn về người nghệ nhân Cải lương - Đàn ca Tài tử Nam Bộ yêu nghề say đắm, tính cách kiên nghị song giàu lòng nhân hậu, có khả năng không những truyền lại tình yêu nghề, lòng ngưỡng vọng Tổ nghề mà còn đem tới cho người xem khát vọng yêu thương, trân trọng, quý hóa đối với bạn nghề, đối với bà con làng xóm, đối với quê hương đất nước…

Tôi hy vọng phim Sáng Đèn sẽ là phim đoạt giải cao nhất vào đầu tháng tới tại Nhà hát Đó Nha Trang - thành phố Điện ảnh tương lai…