Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

Dựa lưng nỗi chết – tiểu thuyết của Phan Nhật Nam

Liễu Trương

Trong những năm 1960, ở miền Nam, giữa lúc chiến tranh lan tràn khắp nơi, thình lình xuất hiện bút ký Dấu binh lửa của một tác giả chưa từng nghe nói đến: Phan Nhật Nam. Dấu binh lửa là trải nghiệm của một người lính trẻ đi vào binh nghiệp không vì “đến tuổi đi lính” mà vì lý tưởng, người lính trẻ muốn đem đời mình hiến dâng cho Đất Nước.

Dấu binh lửa tác phẩm đầu tay của Phan Nhật Nam ra năm 1969, cũng là khởi điểm của một văn phong khảng khái không ngừng tự khẳng định qua những tác phẩm lần lượt đến sau: Dọc đường số 1 (1970), Ải trần gian (1970), Dựa lưng nỗi chết (1971), Mùa hè đỏ lửa (1972), Tù binh và hòa bình (1974). Với bốn tập bút ký: Dấu binh lửa, Dọc đường số 1, Mùa hè đỏ lửaTù binh và hòa bình, Phan Nhật Nam đã đóng góp nhiều vào thể loại ký rất thịnh ở miền Nam, trước 1975. Bên cạnh những bút ký trên đây Dựa lưng nỗi chết là một tiểu thuyết.

Từ ký qua tiểu thuyết đương nhiên Phan Nhật Nam đổi kỹ thuật viết, ký đòi hỏi những sự kiện có thật, tiểu thuyết là thế giới của tưởng tượng. Tác giả có thể dùng những chất liệu có sẵn trong đời sống, dùng kinh nghiệm bản thân để viết tiểu thuyết, nhưng tất cả đều được trí tưởng tượng biến hóa và được văn phong của tác giả nhào nặn để tạo nên một thế giới hư cấu.

Dựa lưng nỗi chết gồm bảy chương và một đoạn kết, làm sống lại bầu không khí chiến tranh ở miền Nam. Thế giới truyện là thế giới của đàn ông, với những nhân vật như: người lính, người trí thức trong thời chiến, người thanh niên bất mãn, nhà tu hành. Cái chết bi thảm của những người bị hệ tư tưởng chia rẽ đưa đến những câu hỏi về khái niệm kẻ thù và người anh hùng. Và trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, đâu là chỗ đứng của một nhà chân tu? Truyện của Phan Nhật Nam được dựng lên trong một không gian gắn liền với tâm trạng của mỗi nhân vật. Sau cùng, thế giới cảm tính của tác giả đã được biểu lộ qua Dựa lưng nỗi chết.

I Nội dung của Dựa lưng nỗi chết

Đây là chuyện của ba người lính nhảy dù: Thuấn, Đại úy, 26 tuổi, người Bắc di cư, Lạc, Trung úy, 36 tuổi, đi lính từ thời Pháp, cũng sinh trưởng ở miền Bắc, Minh, Trung úy, 25 tuổi, người gốc Huế. Cả ba đi hành quân ở miền Trung đã 78 ngày. Vào những ngày cuối năm, họ có mặt ở Huế và không ngờ biến cố Tết Mậu Thân sắp xảy đến. Minh và Lạc được nghỉ phép hai ngày. Minh về thăm nhà và dự lễ hỏi người chị họ tên Quỳnh Như, Minh mời Thuấn lúc đó ở trong trại cùng đến dự lễ hỏi. Quỳnh Như đính hôn với Bằng, nhưng khi gặp Thuấn, cô mê ngay anh đại úy. Biết rằng rồi đây sẽ không còn gặp lại nhau nữa, Thuấn và Quỳnh Như sống những giờ phút tột đỉnh của tình yêu. Sau đó Thuấn trở về trại, trong khi Minh đến khách sạn, nơi Lạc đón vợ con từ Sài Gòn ra ăn Tết, Minh đem đồ ăn đến để cùng ăn Tết với Lạc. Nhưng đang vui giao thừa thì quân lính miền Bắc tràn vào thành phố Huế. Minh giúp gia đình Lạc trốn thoát và đến xin trú tại nhà Quỳnh Như. Trong khi đó Bằng thấy rõ tình cảm của Quỳnh Như đối với Thuấn nên nổi cơn ghen. Bằng vừa sống với nghề dạy học vừa theo học các chứng chỉ triết ở đại học, tại đây Bằng quen với Đại đức Trí Không cũng ghi tên học triết. Bằng theo Mặt trận Giải phóng miền Nam, vừa gây áp lực vừa đe dọa Đại đức Trí Không để buộc nhà sư nhận điều hành đoàn sinh viên Phật giáo và sử dụng vũ khí. Trong những ngày Tết Mậu Thân, Bằng để ý sự hiện diện của Minh và Lạc trong nhà Quỳnh Như. Thấy Bằng thù ghét lính, Đại đức Trí Không linh cảm Bằng sẽ đi tố cáo hai người lính nhảy dù nên tìm cách khuyên can, cuối cùng nhận thấy Bằng quyết tâm thực hiện việc mưu hại, nhà sư đành giết Bằng và đến giúp Minh và gia đình Lạc trốn thoát. Phần Thuấn đem đại đội chạy về phi trường Tây Lộc, ở đấy Thuấn cố cầm cự với binh lính, trong một cảnh tượng chết chóc kinh hoàng. Khi Lạc và Minh về lại tiểu đoàn, Minh bị thương và Lạc kiệt sức. Vào phần cuối truyện, ba người bạn gặp lại nhau trong một bệnh viện ở Sài Gòn, nơi Minh và Lạc điều dưỡng.

II Hình ảnh người lính miền Nam

Trong ba người bạn đồng đội, Trung úy Nguyễn Khoa Minh là Đại đội trưởng trẻ nhất của tiểu đoàn 19 Nhảy dù, là cây toán học trường Võ bị Đà Lạt, đã từng nổi tiếng là tay vô địch bóng bàn học sinh miền Trung. Người lớn tuổi nhất là Trung úy Vũ văn Lạc, 18 năm lính, có vợ bốn con, ít khi hưởng được thú vui của đời sống gia đình. Trần Nguyên Thuấn là nhân vật rất đậm nét, bên cạnh hai người bạn Minh và Lạc. Khi hai người này trò chuyện với nhau trong đêm giao thừa ở khách sạn, trước giờ nổ súng, họ nhắc đến Thuấn với nhiều cảm mến. Là nhân vật chính, Thuấn có đủ tầm vóc để tiêu biểu cho người lính miền Nam. Chân dung của Thuấn được gợi qua cái nhìn của Quỳnh Như, khi hai người mới quen nhau: “Quỳnh Như nhìn người lính đang đi về phía mình, đầu tóc hớt ngắn, vẻ mặt khắc khổ, có được nụ cười trẻ thơ nhưng vội vã che giấu.” (tr. 136)

Thuấn che giấu dưới một bộ mặt lầm lì, khinh mạn, dưới những câu nói thô tục và tiếng cười nồng nặc hơi rượu, một tâm hồn đa cảm. Thuấn di cư vào Nam khi còn bé, vào trường Võ bị Quốc gia năm hai mươi tuổi. Trong truyện, có nhiều lúc Thuấn nhớ về tuổi thơ và quê hương ngoài Bắc, nhưng quê hương là “một chốn không còn”, những cuộc hành quân đưa Thuấn đi qua trên phần đất nước còn lại, giữa hai cực điểm của “một đau đớn vô hình”. Thuấn nhạy cảm với cái tên của một dòng sông, Thuấn nói với người lính gác cầu: “Ở Quảng Trị có con sông nghe đến lạnh người, sông Thạch Hãn, anh biết sông Thạch Hãn là gì không, là mồ hôi của đá… Trời ơi! Đặt tên gì mà bi thảm đến quá vậy.” (tr. 171)

Vì giàu lòng thương người, Thuấn không chịu nổi tiếng than khóc của vợ con của những người lính tử trận, và Thuấn có cái nhìn đầy nhân ái với người dân nghèo khổ: “[…] Thuấn đi qua những căn nhà kỳ quái, nhà không vách, không cột, không nền […]. Người dân ngồi cong lưng, đầu kẹp giữa hai đầu gối, người dân ngồi im lìm, trẻ con cũng không khóc […] Không còn tiếng khóc trẻ thơ trong xóm làng Thuấn đi qua. Đi qua để thấy người dân vùng Thừa Thiên đâu đâu cũng chừng đó thế ngồi, cũng chừng đó lối bò, cũng những âm thanh rít lên khó nhọc, hiu hắt phiền phiền xô đẩy nhau trả lời khi người lính hỏi đến… Dạ, dạ… những tiếng dạ liên hồi…, nghe nhức nhối như vết thương nung mủ…” (tr. 11-12)

Tình đồng đội của Thuấn sâu đậm, ngoài Minh và Lạc, hai người bạn thân mà Thuấn cùng chia sẻ những hiểm nguy, những kỷ niệm và những ly rượu, Thuấn còn có tình thương và lòng biết ơn đối với anh binh nhất Hồ Thiên, người lính thân tín của Thuấn.

Vốn đa cảm Thuấn sợ cô đơn, nên có lần suýt tự tử ở hồ Đà Lạt. Dù bao phen gần kề với cái chết, dù cuộc đời không có ngày mai, người con trai vẫn khao khát tình yêu, nhưng mối tình đầu với Bích Trân đã tan vỡ, làm thành một vết thương khó lành. Sau đó tình yêu của Quỳnh Như đến bất ngờ, như cơn vũ bão, Thuấn đón nhận mối tình nồng nhiệt và ngắn ngủi này như một món quà của định mệnh, với nhiều sáng suốt. Thuấn nói với Quỳnh Như: “Trước mười hai giờ này em biết anh là ai? …Ngày mai anh về chỗ đóng quân, mốt chết, em làm gì được, em khóc, đòi ngã xuống huyệt anh, đâu được, em có chồng, người ta lại đưa anh vào nghĩa trang quân đội trong Sài Gòn, em sẽ làm sao? …Em đừng trách anh thô bạo, hãy trách đời sống, đời độc địa kinh khủng vây bọc tấn công và biến đổi anh.” (tr. 168)

Trong đời lính, Thuấn có ba đặc tính: thích uống rượu, ăn nói dung tục và kể chuyện ba hoa thiên địa. Rượu là nhu cầu của người lính có cuộc đời gian khổ. Ngay từ chương đầu, có cảnh ba người bạn uống rượu nơi lăng Khải Định. Nhưng cuối cùng, rượu cũng không làm quên được thân phận người lính: “…Uống, động tác si mê tội nghiệp, cách hành lễ tưởng chừng tha thiết nhưng cuối đáy thấp thoáng chút bệ rạc lang thang.” (tr.25) Thuấn bắt đầu uống rượu sau cái sốc của trận Đồng Xoài, năm 1965, và xem rượu như “đường suối thênh thang đoản mệnh bọt bèo, thuốc độc của thời đại mới uống vào để bay là đà trên mặt đất lận đận.” (tr. 154)

Rượu là cái thú của người lính, nhưng cũng là dấu hiệu của tình người, là một phương tiện để Thuấn đến với kẻ khác, như khi Thuấn mời ông già quê mùa vừa có ngôi nhà bị cháy uống rượu là một cách để ông quên trong giây lát cái tai họa vừa xảy đến, hay khi Thuấn mời Đại đức Trí Không uống bia, vừa uống vừa nói chuyện thân mật về đời tu, đời lính. Về sau, Thuấn tinh nghịch kể cho các bạn nghe: “…tôi có ý muốn làm cho ông ta say, nhưng mặt ông ấy nghiêm trang và hiền quá làm tôi không nỡ, cứ tưởng tượng ông thầy chùa say là vui rồi, tôi khoái ông Lỗ Trí Thâm nhất trong Thủy Hử.” (tr. 123) Thuốc lá cũng như rượu, cho phép Thuấn thân thiện với kẻ khác: trong đêm lạnh Thuấn dừng lại ở một cây cầu, mời người lính gác cầu điếu thuốc, trò chuyện về xứ Huế nghèo, và ân cần hỏi người lính: “Có buồn không?”.

Ngôn ngữ dung tục của người lính là một hiện tượng thường thấy. Người lính biết mình có thể chết bất cứ lúc nào, chiến tranh tàn nhẫn có thể cướp tuổi trẻ của mình, nên không có cách nào hơn là dùng ngôn ngữ dung tục để chống lại định mệnh khắt khe. Trong Dựa lưng nỗi chết, ba người bạn đều dùng thứ ngôn ngữ đó. Khi nhắc đến những kỷ niệm thời Pháp, Lạc nói:“Tiên sư, tôi đá đít Tây chạy có cờ.” Minh kể chuyện Thuấn nói phịa với các anh nhà báo: “…một tụi ngồi đực mặt ra ghi chép phỏng vấn. Đ.m. Tôi ngồi bên cạnh cười đến vãi đái…”

Nói về Huế, Thuấn kêu lên: “Xứ gì buồn thấy mẹ, mưa hoài.”

Binh nhất Thiên hỏi Thuấn: “Sao Đại úy không có bồ có vợ gì cả?” Thuấn trả lời: “Mày coi có bà già nào chỉ tao tới, lấy liền, còn mục học sinh con nhà lành “tìm bạn bốn phương” tao không ham, lẩm cẩm và nhà quê bỏ mẹ…”

Và khi nghĩ đến những đòi hỏi dục tình của mình, Thuấn độc thoại nội tâm như sau: “…Kỳ thật, càng cực khổ, nguy hiểm, càng thèm đàn bà, cứ như khoảng da thịt bí ẩn đó có khả năng chôn hết khốn cùng vào chiều sâu hun hút của nó […] Lại bắt chước ý nghĩ của anh Henri Miller rồi? Thằng cha loạn tình Tây phương đâu so sánh với mình được. Nó già cằn cỗi, hết lực, nhão nhẹt nhưng lòng ngùn ngụt dâm đãng bệnh hoạn, không thỏa mãn nổi nó mới nổi loạn, vùng vẫy la hét, lập thuyết trên cái phần thịt đen u thẫm sống động đó… Nó là thằng liệt dương tinh thần nên diễn cơn bạo dâm bằng ngôn ngữ và văn chương. Thằng cha già dịch, thứ tuổi già suy sụp của Âu châu hư hỏng. Mình khác, mình sống gần cái chết nên yêu đời sống, thấy đạn nổ thì nhớ cái.” (tr. 112-113)

Trên bình diện tâm lý, lối nói ngang tàng, thô tục, coi thường tất cả, có thể được hiểu là một cách giải tỏa những dồn nén, và là một hình thức chống đối những ràng buộc, kìm hãm trong đời lính. Phải chăng ý nghĩ nay mai có thể mất mạng sống khiến người lính trở nên bất cần đời, không còn giữ ý tứ gì nữa? Tuy thế, lời nói dung tục vẫn có khả năng diễn tả tình cảm và sự xúc động. Thấy Thiên má hóp, mắt thâm quần sau bao ngày gian khổ, Thuấn kêu lên: “Đ.m… mày ốm nhom Thiên ơi!”.

Ngoài thói quen thích uống rượu và ăn nói dung tục, Thuấn còn có một đặc tính khác, đó là tài nói ba hoa, khiến Minh rất phục: “Thì cũng phải có tài chứ, tài dựng chuyện và tưởng tượng rồi ráp những sự kiện rời rạc nhưng có thực xung quanh một cái trục bịa đặt, thế là thiên hạ tin như chết.” (tr. 203)

Lạc cũng nhắc đến cái tài bịa chuyện của Thuấn:“Tôi không hiểu thằng cha ấy nhặt những chuyện khỉ gió kia ở đâu, chuyện gì hắn cũng luận đều đều dài dài… Thiên hạ lần đầu tiên nghe Thuấn nói cứ tưởng thằng cha thông kim bác cổ.” (tr. 203)

Nói ba hoa là một nhu cầu của Thuấn. Thuấn kể chuyện tượng đồng ngồi ở nghĩa trang hóa thành ma xin đi quá giang xe, xin thuốc hút, lại nói tiếng Quảng Trị. Có thể nói rượu và lối nói phịa của Thuấn là những phương tiện để thoát ly thực tế đen tối, rượu đưa vào quên lãng, chuyện ba hoa thiên địa đưa vào cõi mơ, để xa lánh mọi buồn khổ.

Người lính miền Nam, qua nhân vật Thuấn, có một tuổi trẻ u buồn – tuổi trẻ của Thuấn được ví với lớp tro tàn của ngôi nhà bị cháy – có một cuộc sống và một tình yêu không ngày mai. Người lính đã bị lịch sử cướp mất tuổi thanh xuân.

III Một hạng người trí thức trong thời chiến

Giữa lúc quê hương ngập chìm trong khói lửa thì ở Huế xảy ra một hiện tượng trong giới trí thức: sự xuất hiện của giáo sư Văn với thuyết hiện sinh.

Minh được nghỉ phép, đi cùng mẹ đến mừng tuổi ông ngoại, ngày 30 Tết. Dọc đường Minh nhớ lại thời kỳ còn đi học, có ông giáo sư tên Văn với cặp kính trắng và những ngón tay gầy, dạy thuyết hiện sinh một cách hùng hồn: “Như vậy người đàn bà, cái thân phận bi đát rõ rệt nhất.” Minh đã nếm cuộc đời gian khổ của lính, chỉ biết những hiểm nguy, đe dọa cụ thể trước mắt, nên không mấy tin tưởng ở những lý thuyết xa vời, với những ngôn ngữ lạ lùng, mà cuối cùng chỉ nhằm vào sự hưởng thụ cá nhân, Minh có cái nhìn khinh bỉ đối với ông giáo sư: “Giáo sư Văn, thứ thầy tu xuất đầm đìa tình dục trên mỗi giòng trong toàn thể các tác phẩm đi tìm một chỗ đứng cho thân xác.” (tr. 188)

Minh mỉa mai cách giảng dạy thuyết hiện sinh của giáo sư Văn: “…phút hiện sinh làm sáng rực định mệnh bi thảm và dũng cảm của con người!!!” (tr. 189)

Lối giảng dạy đó đã đưa đến một chuyện tình làm xôn xao cả thành phố Huế: “…cơn ân ái giữa anh giáo sư thầy tu xuất và một chị sinh viên… là kết hợp vĩ đại giữa tư tưởng và tuổi trẻ để biến thành hiện sinh dũng mãnh chống đối lại tảng đá luân lý đóng rêu để lại từ đời Đồng Khánh, Thiệu Trị.” (tr. 189). Và Minh gọi ông giáo sư là “giống đực trí thức làm rung rinh dãy trường thành rêu thâm, hòn bia đá Phu Văn Lâu…

Hiện tượng trí thức đó làm nảy sinh một hiện tượng khác: sự xuất hiện của một lớp người trẻ tuổi thời thượng, phản chiến ở Huế. Khi Thuấn và Minh đến dự lễ hỏi của Quỳnh Như, dưới mắt họ hiện ra những khuôn mặt trẻ hoàn toàn xa lạ đối với những người lính trẻ như họ: “…những khuôn mặt tuổi trẻ xứ Huế đẹp đẽ, mơ mộng và chút suy tư. Suy tư ở những sợi tóc dài lười biếng vuốt sang bên phải rơi lãng mạn một vòng tròn trước vầng trán, vầng trán bao giờ cũng nhăn lại để vạch rõ những nét phong trần.” (tr. 126)

Giữa đám đông thanh niên thời thượng đó, Thuấn và Minh là “hai khuôn mặt… không vẻ suy tư đau đớn, trên đó những vết nhăn tự nhiên của đêm không ngủ, chiếc má hóp vào của những ngày thiếu ăn và trong mắt những sợi gân máu như muốn nứt nẻ, vỡ tan…” (tr. 126-127)

Huế không có những chốn ăn chơi nhộn nhịp như Sài Gòn, những người trẻ tuổi của xứ Huế uống cà phê, chải tóc kiểu Rimbaud và đọc những tờ tuần san “Ý thức”, “Máu Việt”, họ có một ngôn ngữ đầy suy tư: “người anh em, máu Việt Nam, niềm đau nhược tiểu mới, vòng tay tuổi trẻ da vàng…” Cũng như những người bạn trẻ muốn có khuôn mặt lãng mạn của nhà thơ Rimbaud, Ngu Cương, một họa sĩ mới ra trường, cố ý ăn mặc lôi thôi cho có vẻ nghệ sĩ, có bộ râu quai nón và ống điếu chạm trổ để giống các họa sĩ nổi tiếng như Van Gogh hay Buffet.

Khi một câu hỏi vang lên về hướng Thuấn: “Anh nghĩ thế nào là người Cộng sản?”, Thuấn đốt điếu thuốc, cười. Sự im lặng của Thuấn nói lên nỗi chua chát của người con trai đã từng đấu tranh gian khổ, nay lạc giữa đám người trẻ tuổi sống bên lề chiến tranh, thời thượng từ cách ăn mặc tóc tai đến ngôn ngữ, trong cách sống đó có cái gì phản bội sự hy sinh của người lính.

IV Người thanh niên bất mãn

Như đám bạn trẻ và như Ngu Cương muốn bắt chước cái bề ngoài của giới văn nghệ sĩ Tây phương, Bằng cũng thích có những nét hao hao giống họa sĩ Modigliani, cũng cầm cọ và tự hỏi mình có thiên tài không. Nhưng Bằng đã ba mươi tuổi, làm nghề dạy học, cuộc sống có vẻ ổn định. Tuy nhiên người thanh niên này không chấp nhận một cuộc đời phẵng lặng, buồn tẻ như thế, vì Bằng mang nhiều hoài bão, nhiều khát vọng, nhưng không có đủ nghị lực để tiến xa. Bằng tổng kết đời mình với Quỳnh Như như sau: “Ba mươi năm ở thành phố này không chuyển dịch, không mới mẻ, anh từ nhà đến trường qua phố […] anh mang nhiều hoài bão, anh xây nhiều dự định, nhưng anh đã làm được việc gì ngoài một vài bài thơ đăng báo ở Sài Gòn, mấy chứng chỉ triết học, anh làm một tháng được mười một ngàn sáu trăm đồng, có tiền mua bao thuốc, uống ly cà phê… Đâu phải đời anh chỉ có thế, nhưng anh yếu sức rồi, anh kiệt lực, anh vùng vẫy lấy đẹp…” (tr. 144)

Trong lúc thành phố Huế trải qua những giờ phút kinh hoàng của Tết Mậu Thân, trước những câu hỏi dồn dập của Đại đức Trí Không để thuyết phục Bằng đừng phạm tội ác, Bằng thổ lộ sự thật về con người mình: “Tôi ghét lính. Lính làm tôi xấu hổ. Tôi đứng trong lớp học làm điệu làm bộ, giả vờ nghiêm trang, đóng kịch trí thức phản chiến, ghét bạo động, thấy sáng tỏ được nỗi phi lý của đời sống nhưng tựu trung tôi là thằng trốn lính, tôi sợ đi Thủ Đức […] tôi không chịu nổi cảnh khổ thê lương của người lính, tôi sợ nên tôi trốn, sợ nên tôi ghét, sợ nên tôi nói láo. Với chính tôi, tôi biện luận bào chữa để được yên ổn.” (tr. 270) “…phải nói tôi chết dần từ phần bên trong chết ra, chết chắc chắn, chết đến như cổ bị nghẹt từ từ.” (tr. 269) Để thoát khỏi đời sống ngột ngạt đó, Bằng cần một hoạt động tương xứng với tham vọng của mình, đó là gia nhập cách mạng, vì cách mạng là cơ hội để Bằng thỏa mãn sự hận thù của mình. Bằng nhất quyết đi tố cáo Minh và Lạc. Nhưng qua những trăn trở siêu hình, những bực tức, mặc cảm, căm thù, cuối cùng Bằng đối diện với chính mình, phải tự thanh toán với chính mình.

V Lòng từ bi trước bạo tàn

Nhân vật Đại đức Trí Không xuất hiện trong truyện cùng một lúc với nhân vật Bằng, ở chương 3. Chân dung của Đại đức như thế nào? Hãy nghe Thuấn tinh nghịch tả nhà sư: “… ông này trẻ lắm, khoảng tuổi tôi, sư đợt sóng mới, đẹp trai, học giỏi.” (tr. 123)

Đại đức Trí Không, người gốc Huế, tu ở chùa Từ Nghiêm, học môn triết như Bằng. Thầy Thượng tọa trụ trì thường dạy Đại đức Trí Không rằng điều quan trọng đối với người tu hành là giữ cái tâm cho tĩnh. Nhưng Đại đức còn trẻ, chiến tranh gây nhiều thảm họa và trong lòng nhà sư nổi lên nhiều cơn dông tố. Trong khung cảnh tĩnh mặc của ngôi chùa, Đại đức Trí Không ngồi trên bực tam cấp nhìn ra khoảng sân, trầm ngâm suy nghĩ về thân phận những người lính đã đến tạm trú ở chùa và vừa ra đi. Nhà sư thầm nghĩ: “Mai người ta đi bằng trực thăng vào nơi đánh nhau, tội nghiệp, trong đám người tươi trẻ ồn ào kia, thế nào ngày mai cũng có người chết.” (tr. 56) Nhà sư ý thức sự trầm tĩnh trong tâm hồn mình sẽ sớm bị cơn cuồng phong của bạo tàn cuốn đi. Đại đức nhớ đến Trung sĩ Tròn với cái lưng nhăn nheo còm cõi, vết sẹo dài dọc xương sống, đôi tay lẩy bẩy, và tự hỏi nét hung bạo ở đâu trong con người này. Khi người Trung sĩ than khổ vì đói lạnh và nói đến người lính “bên kia” không chút hận thù, nhà sư thấy nét mặt người Trung sĩ như một “vị Bồ tát của đau đớn và chịu đựng”. Đại đức cũng nhớ đến Chuẩn úy Ánh, mới ra trường được hai mươi ngày thì chết. Chuẩn úy Ánh, người con trai thích thú nhìn các pho tượng trong chùa, rờ rẫm chiếc khánh và lắng nghe âm thanh tiếng Huế. Đầu tóc hớt ngắn của Chuẩn úy Ánh khiến Đại đức Trí Không nhớ đến chiếc gáy phủ tóc dài của Bằng và tự hỏi Chuẩn úy Ánh và Trung sĩ Tròn có biết danh từ “Mẹ Việt Nam” mà sinh viên ở Huế hay tung ra trong các buổi sinh hoạt không. Khi trò chuyện với Thuấn, Đại đức có thái độ thông cảm, bao dung đối với người lính, và ông quan niệm đời lính khổ cực cũng là một lối tu. Trước câu hỏi đường đột của Thuấn: “Thầy giết người được không?”, nhà sư kinh hãi và cho rằng giới sát là giới nặng nhất. Nhà sư lánh xa bạo động, nhưng rồi đây cơn lốc chiến tranh sẽ buộc nhà tu hành phải lựa chọn, phải dấn thân. Trước sự áp đặt của Bằng, Đại đức âm thầm chống đối, và khi không còn cách nào để tránh bạo tàn, Đại đức Trí Không đã phải giết Bằng để cứu kẻ khác.

VI Khái niệm kẻ thù và người anh hùng

Ở chương 2, xảy ra một trận đánh nhau giữa đôi bên. Đại đội của Minh được lệnh tiến về một ngôi làng. Trong làng, những áo đen đang chờ trong giao thông hào. Những người lính đôi bên như những con cờ bị tung lên bàn cờ quốc tế:

Nòng súng thượng liên Trung cộng, tiểu liên Tiệp khắc, súng báng đỏ của Nga, những cây súng ngoại quốc bắt đầu… nhắm vào đám lính mang giày Nhật, nón sắt Mỹ, M16. Những ngón tay Việt Nam chờ đợi trái tim Việt Nam đến gần hơn chút nữa.” (tr. 33)

Người gục ngã đầu tiên là Hạ sĩ Nguyễn Thế Hùng, người con trai có đôi mắt đẹp, đeo thánh giá bằng vải, đọc kinh mỗi tối trước khi đi ngủ.

Bên kia, người lính Việt cộng có cây thượng liên gây nhiều thiệt hại cho đại đội của Minh là anh thợ may Lê Hoạt, 38 tuổi, 7 tuổi đảng, anh hùng lao động, gốc Quảng Bình. Từ giao thông hào, Hoạt bắn xả vào những bóng người đang tiến tới. Nhưng một quả lựu đạn ném vào giao thông hào chấm dứt hoạt động diệt ngụy của người lính miền Bắc.

Trong cảnh tương tàn này, kẻ thù là ai? Có một sự ngỡ ngàng khi đôi bên giáp mặt nhau. Mối hoài nghi bắt đầu len lỏi trong lòng để làm lung lay cái hình ảnh ghê gớm mang tên là kẻ thù. Trước khi bị quả lựu đạn gây thương tích trầm trọng, Lê Hoạt nhìn thấy những người lính ngụy đến gần và hoa mắt, vì đó chỉ là những người lính Việt Nam thân gầy, vác ba lô nặng, chạy vất vả. Về phía Minh, khi Lê Hoạt được kéo ra khỏi giao thông hào, Minh nhìn cái thân xác đang hấp hối và tự hỏi: “Gã nhà quê nầy là kẻ thù của mình?”. Thuấn cũng ngỡ ngàng khi nhìn tận mắt người của đối phương: “Tên Việt cộng khoảng 15 tuổi, xanh mét, run rẩy dưới cơn sợ không gợi cho Thuấn cảm giác về vóc dáng kẻ thù đúng cỡ.” (tr. 244)

Đôi bên đều bỏ mình vì nước, vậy anh hùng trong trận chiến là ai? Quan niệm về người anh hùng trong Dựa lưng nỗi chết có thể được nhìn từ hai góc độ: góc độ hệ tư tưởng và góc độ nhân đạo. Từ góc độ hệ tư tưởng, anh hùng của miền Bắc là Lê Hoạt, anh hùng của miền Nam là Chuẩn úy Ánh và Hạ sĩ Nguyễn Thế Hùng, bởi vì hy sinh mạng sống của mình cho một lý tưởng là một hình thức anh hùng cao cả nhất. Người anh hùng được nhìn từ góc độ thứ hai, góc độ nhân đạo, là Đại đức Trí Không. Lê Hoạt, Chuẩn úy Ánh và Hạ sĩ Nguyễn Thế Hùng là nạn nhân của chiến tranh hệ tư tưởng, nạn nhân của sự thù ghét. Đại đức Trí Không đã vượt khỏi mọi hận thù để nhìn con người toàn diện với lòng từ bi. Nếu người anh hùng là kẻ ở trong thế khó, bị bắt buộc lựa chọn một hành động vượt quá sức mình, và nhân danh tình nhân loại đã chấp nhận sự lựa chọn đầy thử thách đó, thì nhà sư là người anh hùng.

VII Không gian của Dựa lưng nỗi chết

Bất cứ truyện nào cũng cần có không gian. Ngay trong một câu ngắn như: “Họ nghe tiếng chân chạy”, cũng đủ để gợi lên ý niệm không gian của hành động chạy. Không gian xuất hiện nhờ sự miêu tả. Đối với nhà lý luận văn học Gérard Genette, miêu tả cần thiết hơn kể truyện, bởi vì miêu tả mà không kể truyện dễ hơn kể truyện mà không miêu tả. Theo ông, điều đó cho thấy cái bản chất của mối quan hệ giữa hai chức năng trong đa số các văn bản: miêu tả có thể được tách rời khỏi truyện, nhưng thật ra miêu tả không bao giờ biệt lập; truyện không thể thành hình được nếu không có miêu tả, nhưng mặc dù tình trạng lệ thuộc đó truyện vẫn luôn luôn đóng vai trò chính.[1]

Thành phố Huế, nơi diễn ra truyện Dựa lưng nỗi chết, là một không gian được miêu tả về hai khía cạnh: khách quan và chủ quan. Nói một cách khác, có hai thành phố Huế: Huế của lịch sử và Huế qua tâm trạng của mỗi nhân vật.

Ở chương 1, người đọc đi vào không gian khách quan: Huế của quá khứ. Ba người bạn Thuấn, Minh, Lạc vào lăng Khải Định uống bia và tán gẫu cho qua thì giờ. Họ bày trò chơi bắn chai bia không đặt trên tượng ngựa đá. Trong một khung cảnh lịch sử như thế, họ không khỏi nghĩ đến thời xưa, đến vua Khải Định, Thuấn bị chiến tranh ám ảnh, liền nghĩ đến những người ra trận khi xưa: “…Hà hà mấy anh tướng xưa sướng thấy mẹ, cứ ngồi yên trên ngựa hoặc voi rồi tà tà ra trận. Tụi mình bây giờ vẫn lội bộ.” (tr. 28) Và khi vào chơi trong Thành Nội với Quỳnh Như, trước những tượng đá ở sân chầu, một lần nữa Thuấn có cái nhìn về quá khứ: “hai hàng tượng văn võ đứng chầu lặng lẽ, nét điêu khắc tuy không tinh xảo nhưng thể hiện đủ cá tính u trầm bề thế của một lớp quan phong kiến trong thời đại điêu tàn. Thằng cha tạc tượng biết thế nào cũng hết vua nên tượng nào cũng có vẻ buồn.” (tr. 135)

Không gian khách quan cũng là những ngôi nhà đổ nát Thuấn đi qua (ở đây Huế được lan rộng ra vùng phụ cận), là ngôi chùa Từ Nghiêm với tiếng khánh, tiếng tụng kinh, là phòng triển lãm của họa sĩ Ngu Cương, khách sạn nơi Minh và Lạc hưởng những giờ phút giao thừa cuối cùng trước khi có tiếng nổ của biến cố Mậu Thân, và trong không gian đó có hình bóng người con gái Huế Tôn Nữ Quỳnh Như tóc dài. Nhưng qua cái nhìn của Thuấn, Lạc, Đại đức Trí Không và Bằng, Huế biến đổi theo tâm trạng của mỗi người.

Đối với Thuấn, Huế là “thành phố của lãng mạn và bi phẫn”. Khi nhỏ, có lần nhìn một bức ảnh về Huế có hai người đàn bà gánh củi, Thuấn tuy chưa biết Huế đã có cảm tưởng đó là nơi “u uất thê thảm”. Giờ đây, ngồi với hai người bạn ở lăng Khải Định, Thuấn nhìn chiếc thuyền trên sông và buột miệng: “Này Minh, sao người Huế mày hò buồn đến như thế? […] Tiếng hò buồn thật, tao nhớ cách đây hai buổi trưa, đang nằm trên võng thiu thiu ngủ nghe bà già ở gần nơi đóng quân hò ru thằng cháu, người tao cứ mềm đi.” (tr. 18-19)

Khi trò chuyện với người lính gác cầu, Thuấn nói: “Xứ này buồn và nghèo đến nỗi không ngờ được […] Thuấn nhìn quanh núi sau lưng xanh mờ lớp lớp, trước mặt và đằng xa những thôn xóm nằm dọc bờ sông còm cõi hiu hắt tiếp giáp đến phá Tam Giang, dải cát xám biền biệt thứ cỏ tím mỏng manh ngút ngàn bất tận.” (tr. 170)

Không gian qua cái nhìn của Lạc cũng không vui gì hơn. Lạc quá quen thuộc với miền Trung và biết mưa ở xứ này như thế nào: “Mưa thối đất thối đai, mưa thảm sầu thê thiết…”. Lạc còn biết những nơi gọi là “trầm”, là những khoảng cát trũng xuống có nước đọng, đối với Lạc trầm lạnh lẽo, thiếu sự sống và có vẻ ma quái. Lạc nghĩ: “Trầm, tên gọi nghe thật buồn. Người Huế quả thật nhạy cảm để đặt tên cho nỗi buồn giấu kín.” (tr. 120)

Không gian của Đại đức Trí Không là cảnh chùa. Trong bóng chiều, nhà sư nhìn ra thung lũng im lặng, mờ sương. Tiếng khánh vang lên như lời than thở của núi. Nhà sư cảm thấy một nỗi buồn dâng lên.

Huế dưới mắt của Bằng là cầu Trường Tiền và cầu Gia Hội, ngày ngày Bằng đi qua đó, nhìn xuống nước và nhớ về tuổi thơ. Khi còn nhỏ, Bằng cũng đi qua hai cây cầu này, đứng trên cầu Bằng đã mơ ước sau này sẽ đi xa, nhưng cuối cùng Bằng vẫn sống ở Huế. Cầu Trường Tiền biểu tượng cuộc đời đơn điệu của Bằng, trong khi thời gian trôi mau như con sông chảy dưới cầu. Khi Bằng đi xe lên chùa trong đêm khuya để gặp Đại đức Trí Không và buộc nhà sư giữ một cây súng, Bằng đi qua một nghĩa địa dưới chân núi Ngự Bình và nghĩ đến bao nhiêu người đã từ giã cõi trần. Trong không gian đó, kỷ niệm những người đã chết báo hiệu cái chết sắp đến của Bằng.

Tác giả cũng dùng không gian làm ẩn dụ cho sự nảy sinh của tình yêu giữa Thuấn và Bích Trân: “Bỗng chốc họ như khám phá được lối đi trong rừng, họ gõ được cánh cửa trong đêm, gõ tuyệt vọng, nhưng cánh cửa đã mở và thấy được ánh sáng giữa bóng tối.” (tr. 138)

Không gian là nơi con người hiện hữu và ý thức thân phận cô đơn của mình, không gian cũng là nơi chiến tranh đe dọa sự sống.

VIII Thế giới cảm tính của Phan Nhật Nam

Dựa lưng nỗi chết làm sống lại một thời chiến tranh khốc liệt với sự hy sinh xương máu của một thế hệ trẻ, Dựa lưng nỗi chết cũng là một văn bản biểu lộ thế giới cảm tính của tác giả. Trong tác phẩm văn học bao giờ cũng có sự hiện diện của vô thức, đi tìm vô thức trong tác phẩm là tìm hiểu một phần nào mối tương quan của tác giả với ngoại giới, và tìm hiểu tri giác của tác giả về thế giới.

Khi nghiên cứu về tri giác và về việc tạo hình tượng thế giới, Jean-Pierre Richard, nhà lý luận phê bình văn học Pháp đã dùng hiện tượng luận và phân tâm học trong phương pháp phê bình, ông cho thấy văn bản được tạo dựng từ những ám ảnh (obsession), xung năng (pulsion), chứng sợ (phobie) và ảo mộng (phantasme). Do đó việc giải thích một văn bản, một diễn ngôn trở thành việc lắng nghe vô thức. Nhận thức và đồng thời nói lên trải nghiệm của mình chính là tự tỏ bày và nói những điều mà mình không thể trình bày trực tiếp. Mọi trải nghiệm là diễn ngôn về câu chuyện thầm kín của chủ thể, và việc phân tích văn bản cho phép nêu lên những nét của một chuyện thầm kín bị đánh lạc hướng đó. Jean-Pierre Richard nghiên cứu cái tâm thức tự tỏ bày, tự nhận dạng trong thế giới qua cảm giác, vì cảm giác là ý thức sự hiện hữu của mình. Cuối cùng, đọc văn bản là tìm cách tiếp cận sự im lặng về cái “đã có trước” và về cái “không nói ra được”[2].

Trong Dựa lưng nỗi chết, những giác quan tiếp nhận thế giới bên ngoài để tạo nên cảm giác là thị giác và xúc giác. Thị giác tiếp nhận màu đỏ, hình khối, xúc giác tiếp nhận cái cứng, cái ướt và cái lạnh. Những cảm giác đó được lặp lại rất nhiều lần, do đó có thể được xem như những ám ảnh, những dấu hiệu của vô thức.

Cảm giác màu đỏ: “… những tia nắng đỏ hiu hắt”, “con đường đỏ ướt sương”, “chiếc áo len cao cổ màu đỏ sậm”, “chiếc giường có tấm nệm đỏ”, “Ở trên chùa khi trời mưa tôi đứng trên đồi cao nhìn về thành phố, chỉ thấy từng khối nâu đỏ trong màn mưa”, v.v.

Cảm giác cứng: “những âm thanh ngúc ngắc nghẹt cứng”, “cơm đỏ lạnh tanh cứng ngắc”, “không khí đọng cứng lại”, “câu hỏi nham nhở đầy âm thanh khô cứng làm Bằng choáng váng”, v.v.

Cảm giác ướt: “giáo sư Văn, thứ thầy tu xuất đầm đìa tình dục”, “cây cỏ sau khi đã bị đốt vàng cháy biến thành lớp tro tàn ươn ướt mùi chết chóc”, v.v. Cụm từ “đẫm ướt tình dục” được lặp lại nhiều lần.

Cảm giác lạnh được các nhân vật nhắc nhở thường xuyên.

Cảm giác hình khối xuất hiện trên mười lần. Có thể nói cảm giác này lạ lùng nhất và là một nét đặc thù của Phan Nhật Nam: “những lo âu có hình khối”, “những buồn phiền có hình khối”, “em là thiên đường mơ ước có kích thước, có hình khối”, “Thuấn thấy nỗi thê lương có hình khối nặng nề hơn bóng đêm”, v.v. Ngoài ra, từ “khối” cũng được tác giả dùng nhiều: “Từ trong khối đen [tóc của Quỳnh Như] xôn xao đó Thuấn nghe tiếng nói và nhịp đập của quả tim”, “mùi thịt da Quỳnh Như như khối không khí được nén lại nặng trĩu kích thích.”

Những cảm giác trên đây vẽ lên thế giới cảm tính của Phan Nhật Nam. Tác giả bị màu đỏ ám ảnh, màu đỏ là màu của chiến tranh, màu của mũ lính nhảy dù, và là màu máu tức màu của chết chóc. Cảm giác ướt thường gắn liền với tình dục, nhưng cũng gắn liền với sự chết chóc. Khi Đại đức Trí Không đi theo Bằng trong bóng tối ẩm ướt, ông đi đến sự lựa chọn giữa hai cái chết: cái chết của Bằng và cái chết của Minh và Lạc.

Cảm giác cứng xuất hiện nhiều nhất trong truyện, thể hiện một ám ảnh dai dẳng. Cứng gợi lên ý tưởng không thuận lợi, ý tưởng của một ngăn trở, một trở ngại: cơm cứng khó ăn, giọng nói lạnh lẽo khô cứng làm rợn người, Thuấn bị vây bọc trong khoảng sương đặc cứng. Trong khi Quỳnh Như và Thuấn yêu nhau nồng nhiệt thì “đêm yên lặng, mặt đá cứng” đáp lại sự nồng nhiệt đó và nhắc nhở cho đôi trai gái sự bất lực của họ trong việc đi tìm hạnh phúc. Cảm giác cứng và cảm giác lạnh được ghép với nhau để gợi lên hình tượng xác chết: “Chết, một sự chết toàn thể có kích thước ở tay chân lạnh giá cứng đơ.” (tr. 220). Ở Phan Nhật Nam giác quan có chức năng tiếp nhận cái chết: “Trong giây phút ngắn ngủi vừa đủ để thấy rõ cái chết, chết cụ thể, chết có thể đếm bằng thời gian, xa bằng khoảng cách, chết sờ được, ngửi được, mê man và sát mặt.” (tr. 149-150)

Hình khối là một hình tượng và là một cảm giác, rất đặc biệt trong truyện của Phan Nhật Nam. Đây là cao điểm trong thế giới cảm tính của tác giả. Hình khối gợi lên cho chúng ta cái gì to lớn, nặng nề, có thể trông thấy được. Cứng ghép với hình khối tạo nên những ý tưởng khó khăn, bất lực. Điều đáng chú ý là hình khối có “kích thước”, “khuôn thước”, tính chất hình học và đo lường đó có tác dụng gây ấn tượng về không gian. Như đã nói ở trên, không gian là yếu tố thiết yếu của Dựa lưng nỗi chết, đã được tác giả miêu tả dưới nhiều khía cạnh, là nơi diễn tiến của truyện và cũng là nơi biểu lộ tâm trạng của mỗi nhân vật.

Trong thế giới cảm tính của Phan Nhật Nam, sự bất lực của con người và cái chết là những ám ảnh lớn qua những cảm giác màu đỏ, ướt, cứng, lạnh và hình khối.

Phan Nhật Nam đã từng nổi tiếng với các tập bút ký về chiến tranh, tiểu thuyết Dựa lưng nỗi chết cũng được xây dựng chung quanh chủ đề chiến tranh, với một thành phố Huế đìu hiu và bóng dáng một người lính trẻ không có tương lai, chỉ có cái chết đang rình rập đâu đó. Ngòi bút nhạy cảm của Phan Nhật Nam nói lên nỗi đau của thế hệ trẻ trong thời chiến.


[1] Gérard Genette, Frontières du récit, Figures II, Seuil, 1969. [2] Jean-Pierre Richard, Littérature et sensation, Seuil, 1954.