Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 302):

Tuyển Tập Nhạc – Nhạc Tiền Chiến – Giáo Đường Im Bóng – Nguyễn Thiện Tơ

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2024)

 Giáo Đường Im Bóng – Nhạc: Nguyễn Thiện Tơ; Lời: Phi Tâm Yến

Ca sĩ trình bày: Tâm Vấn

Tiếng Hát Dĩ Vãng: Anh Ngọc hát Giáo Đường Im Bóng của Nguyễn Thiện Tơ - Phi Tâm Yến. (youtube.com)

Đọc Thêm:

Chuyện tình nơi giáo đường im bóng

Ca khúc “Giáo đường im bóng” của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ vẫn được hát lên vào mùa Giáng sinh, như tâm sự ấm áp tình nhân gửi cho tình nhân. Thế nhưng, ca khúc này không chỉ tồn tại bằng giá trị nghệ thuật, còn có ý nghĩa chứng minh vẻ đẹp của mối tình xuyên thế kỷ giữa nhạc sĩ Nguyễn Thiện Thơ và mỹ nhân đất Nam Định.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sinh năm 1921, là nhạc sĩ tiền chiến duy nhất còn tại thế. Nhạc sĩ gắn bó trọn đời ở ngôi nhà 22 Mai Hắc Đế, Hà Nội. Từ nhỏ Nguyễn Thiện Tơ đã được học nhạc với thầy Trần Đình Khuê. Nhờ năng khiếu bẩm sinh, Nguyễn Thiện Tơ nhanh chóng chơi được cả guitar (Tây Ban cầm) và guitar Hawaii (Hạ Uy cầm). Ở tuổi thiếu niên, Nguyễn Thiện Tơ đã cùng Dương Thiệu Tước và Thẩm Oánh lập ban nhạc Myosotis trình diễn ở các tụ điểm văn hóa. Và trong phong trào Hướng đạo sinh ở Trường Thăng Long, Nguyễn Thiện Tơ cũng là gương mặt nổi bật, thường xuyên được mời đi giao lưu khắp nơi.

Trong một đêm văn nghệ từ thiện tại Nam Định vào tháng 5-1938, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã gặp được bóng hồng định mệnh cho cuộc đời mình. Thiếu nữ 16 tuổi Vũ Hà Tiên cũng nổi tiếng tài sắc ở mảnh đất này, không hiểu vô tình hay hữu ý đã đến bên cạnh nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ để nhờ chỉnh dây đàn. Và khi nàng ôm đàn bước ra sân khấu, trái tim chàng cũng lơ lửng bay theo. Mang theo đôi mắt và nụ cười của Vũ Hà Tiên về lại Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đêm ngày không dứt tương tư. Thư đi tin lại vẫn không đủ nguôi ngoai, nhạc sĩ nhiều phen lặn lội cả chặng đường dài để mong nhìn thấy bóng dáng mỹ nhân. Khi biết gia đình Vũ Hà Tiên theo đạo Công giáo, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ thoáng chút bẽ bàng, như ông thổ lộ “ngày ấy, lương – giáo còn thiếu thông cảm lắm”.

Tưởng chừng không có cơ hội đến với nhau, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ gửi gắm tâm tư vào ca khúc đầu tay “Giáo đường im bóng” với không ít khắc khoải “Thánh giá xa vời lắm với chuông chiều ngân/ Hồn thánh thót mưa dầm buồn tới âm thầm/ Nơi giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng/ Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ…”. Ca khúc được người bạn thân của nhạc sĩ là thi si Phi Tâm Yến trau chuốt thêm phần lời ca, vừa công bố đã gây xao xuyến cho công chúng. Dĩ nhiên, người đẹp thường xuyên đi nhà thờ Vũ Hà Tiên không thể không biết đến ca khúc “Giáo đường im bóng”. Bối cảnh xã hội không mấy thuận tiện cho các cô gái được tự do yêu đương, nhưng Vũ Hà Tiên vẫn âm thầm giữ liên lạc với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ. Năm 1944, sau 6 năm vun đắp, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và mỹ nhân Vũ Hà Tiên được làm đám cưới ở xóm đạo Mỹ Dụ – Vinh, chấm dứt chuỗi u hoài “Sóng rung rinh hồ xưa đây, hồn tôi nhớ nàng mê say, ngày xa ấy u trầm quá…”.

Ca khúc “Giáo đường im bóng” chứa đựng dự báo đôi lứa chia lìa, mà lại thành nguyên nhân long phụng sum vầy. Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ nói về kỳ tích đáng ngưỡng mộ của ca khúc quan trọng nhất đời mình này: “Tôi viết bài hát này vì tưởng chúng tôi không đến được với nhau. Chắc hẳn Chúa Trời cũng chiều lòng, đã cho chúng tôi kết thúc đẹp, một tình yêu có hậu”. Xưa nay, những ca khúc réo rắt tình yêu mãn nguyện cũng khó níu giữ hạnh phúc của người trong cuộc. Thế nhưng, trường hợp nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và ca khúc “Giáo đường im bóng” hoàn toàn ngược lại. Hơn nữa, hạnh phúc của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ còn khiến thiên hạ cảm thấy đáng ngưỡng mộ hơn, nếu biết thêm rằng người đẹp Vũ Hà Tiên từng ẩn hiện trong giấc mộng của 2 bậc tài danh là nhạc sĩ Lê Thương và nhạc sĩ Phạm Duy.

Cũng cần nói thêm, đây không phải giai thoại được hậu bối thêu dệt, mà có bằng chứng hẳn hoi. Nhạc sĩ Lê Thương lấy tên người đẹp Nam Định để viết ca khúc “Nàng Hà Tiên”, còn nhạc sĩ Phạm Duy tường thuật khá tỉ mỉ trong hồi ký: “Tại thành phố Vinh tôi được làm quen – một cách không trực tiếp với người tôi rất phục tài là nhạc sĩ Lê Thương, qua người con gái tên Hà Tiên… Bây giờ tôi biết chắc chắn rằng khi soạn ra bài hát nhan đề “Nàng Hà Tiên”, quả thực nhạc sĩ Lê Thương yêu người con gái tên Hà Tiên có gương mặt tròn như trăng, đôi mắt sáng như sao, đôi môi như chùm hoa chín, đôi má lúm như quả táo ngon, tính tình nhanh nhẹn, cởi mở. “Nàng Hà Tiên” là truyện ca huyền ảo. Tôi vẫn cho rằng, trong làng tân nhạc, vẫn chưa có ai kể chuyện hay bằng nhạc sĩ Lê Thương. Truyện ca bé bỏng “Nàng Hà Tiên” đã báo trước cái vĩ đại của bộ ba “Hòn vọng phu”…

Rước người đẹp Vũ Hà Tiên về ngôi nhà 22 Mai Hắc Đế, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ tiếp tục mưu sinh bằng nghề chơi nhạc và dạy nhạc. Trong số học trò của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, không thể không nhắc đến hai tên tuổi Đoàn Chuẩn và Doãn Mẫn. Sau năm 1954, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Đến năm 1959, ông chuyển sang dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch. Năm 1965, ông chuyển về Hãng Phim truyện Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu. Gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ chỉ có hơn chục ca khúc, tiêu biểu có thể kể đến “Cung đàn xuân xưa”, “Đêm trăng xưa”, “Khúc nhạc canh tàn”, “Mộng giang hồ”, “Nắng xuân”, “Nhắn gió chiều”… Một điều nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ không nói ra, nhưng những người yêu nhạc đều dễ dàng phát hiện, là hầu hết ca khúc tâm đắc của ông đều được sáng tác trong giai đoạn hẹn hò với người đẹp Vũ Hà Tiên.

Sau khi đã kết hôn, vì sao nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ không tiếp tục viết ca khúc? Câu hỏi rất khó trả lời, nhưng lại không khó chia sẻ: nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã có tác phẩm vĩ đại là người vợ kiều diễm Vũ Hà Tiên nâng khăn sửa túi, cần gì vài ba khúc thức ngắn dài hoặc dăm bảy giai điệu trầm bổng nữa. Bà Vũ Hà Tiên sinh cho nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ tất thảy 8 người con, 5 trai và 3 gái. Ngày 4-10-2013, bà Vũ Hà Tiên qua đời ở tuổi 95, để lại cho nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ niềm nhung nhớ khôn nguôi: “Bà ấy mất đi là cú sốc tinh thần lớn với tôi. Đó là người tôi yêu thương nhất, là người hiểu tôi nhất, là người vợ hiền và cũng là mối tình đầu của tôi”.

Ca khúc “Giáo đường im bóng” đã mở ra một chuyện tình lãng mạn giữa nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và người đẹp Vũ Hà Tiên. Ca khúc này cũng song hành quãng đời 70 năm vợ chồng của họ. Và mỗi mùa Giáng sinh ca khúc “Giáo đường im bóng” lại vang lên rộn ràng và tha thiết. Hàng trăm ca sĩ đã hát “Giáo đường im bóng” nhưng theo nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đánh giá: “Tôi thấy có 2 ca sĩ hát thành công nhất là Khánh Ly và Nga My. Khánh Ly hát như một bài hát trữ tình đượm thánh ca, còn Nga My lại hát như một bài thánh ca đượm chất trữ tình”.

Tuy Hòa

(Nguồn: Báo Đầu Tư Tài Chính)