Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2024

Mùi trần gian và hương hoa huệ trắng trong thơ Lê Đình Bảng

Bùi Vĩnh Phúc 
 (Tựa, cho tập thơ Và Em, Lễ khấn dòng) clip_image002  

Và Em, Lễ khấn dòng, thơ tình hay thơ đạo, của Lê Đình Bảng là một tập thơ có một nét đẹp khó tìm thấy, trong dáng nét và thể loại riêng của nó.

Cái đẹp lạ lùng ấy của tập thơ này là ở chỗ nó đi thong dong giữa hai bờ, hai cõi. Cõi trần, cõi bụi, và cõi đạo, cõi bát ngát hương hoa.  Có nhiều lúc, dòng thơ ấy lại bay lên. Như hương thơm, như ánh sáng. Thơ nói về tình yêu con người trong không gian của đạo, với mùi hương của lòng tin, của tín tâm; thế nhưng cái tình của thơ cứ lẽo đẽo thiết tha bám vào cõi bụi của thế gian.  Dù sao, cái mùi vị, hình sắc, âm điệu và ánh sáng của dòng thơ này rất rõ. Đó là cái điệu, cái mùi vương vất ca dao, đặc biệt những khúc điệu về tình yêu, pha với mùi của hoa huệ trắng. Và mùi, và nét, của các loài hoa khác nữa. Như hoa sứ, hoa quỳ, hoa ngọc lan, hoa bưởi, hoa hương nhu, hoa mẫu đơn, hoa khế, hoa xoan, hoa cối xay, hoa quế, hoa hồi, v.v.  Những mùi thơm, những đường nét và màu sắc của đồng nội, của làng xóm quê nhà. Chúng thoảng nhẹ qua giác quan, và được lưu giữ trong ký ức người. Chúng sáng, và thơm, vương vấn trong trí nhớ của người làm thơ. Của kẻ đa tình.

Trong vườn

 đôi nhánh hương nhu
Khẽ rung

Mưa đã tạnh

từ nghìn năm
Sao còn vẳng tiếng chuông ngân
Tôi nghe

con sóng vẫn thầm thì

Em.


(Hương nhu, trích)

 

Thơ thả mấy nhánh đong đưa. Vần và nhịp đánh võng thật đẹp. Sao còn vẳng tiếng chuông ngân / Tôi nghe con sóng vẫn thầm thì / Em. Nhịp bỏ điệu lẻ, không phải cái nhịp chẵn mà người ta, kẻ đọc thơ, vẫn hằng quen thuộc. Cái nhịp chẵn thiết tha, mềm mại của lục bát. Ở đây lại là nhịp lẻ. Thế nhưng điệu đẩy đưa của câu vẫn cứ mềm và đẹp. Có phải là vì nhờ có Em đứng đợi ở cuối câu thơ?

Mấy nhánh hương nhu đang rung nhẹ trong nắng, trong gió kia thì liên quan thế nào với cơn mưa đã đi qua từ nghìn năm trước? Những sắc tướng của đời, như những ảnh ảo xa bay hun hút từ nghìn năm cũ, tưởng như lại đang cùng đồng hiện trong thời gian và cả không gian. Cành hoa và cơn mưa. Lúc này và nghìn năm trước. Có vẻ như cái mưa của nghìn năm đã qua, tưởng đã khuất lặng, và cái mềm, cái thơm của đôi nhánh hương nhu lả lay của hiện tại, đang giao hoà, hạnh phúc bên nhau.

Ấy là về chuyện sắc tướng. 

Còn cái âm thanh của tiếng chuông ngân cùng với tiếng thầm thì của con sóng cũ? Chúng đã ở đâu, trong những mùa khuất sử nào, sao ta vẫn còn nghe chừng đồng vọng? Có phải tất cả lại đã trở về, đã có mặt, lúc này, ở đây, chỉ vì Em? Chỉ cần nghĩ tưởng đến Em, tất cả mọi âm thanh, hình tướng, mùi vị, hạnh phúc, và nỗi thiết tha kia lại mở tung những cánh cửa cũ, tưởng đã đóng lại tự nghìn năm, để bồi hồi cùng nhau trở về hạnh ngộ. Tất cả đều nằm trong nỗi-tưởng-Tôi.

Tất cả đều đã xảy ra, đã khởi phát từ cái tâm, cái rung động của nhà thơ.

Rồi là không gian của những cánh đồng làng, với người người trẩy hội. Như không gian của vùng Kinh Bắc những ngày quan họ, với tiếng hát trai gái đẩy đưa như những tiếng sóng tình vỗ nhẹ vào lòng người. Nhưng ở đây lại là một không gian xóm đạo. Không gian riêng của Lê Đình Bảng. Thế sao ta lại nghe ra những điệu Hoàng Cầm, Nguyễn Bính ở đây.  Có phải tất cả những không gian đẹp đẽ và man mác trữ tình ấy đều đã được nuôi nấng, ôm ấp, bồng bế trong lòng người thơ. Để khi xuất hiện dưới ngòi bút của Lê Đình Bảng, chúng đã tìm về gặp gỡ. Hạnh ngộ. Vui vầy. Tha thiết.

[…] 

Hôm ấy, lễ Truyền Tin Đức Mẹ
Lúa mùa con gái mới đơm bông
Xôn xao, những trống giong, cờ mở
Đường đất liên thôn, qua cánh đồng

Lâu lắm, làng quê vui lễ hội
Tháng 3, vừa chớm vụ chiêm Xuân
Hoa xoan đã thấy nồng trong ngõ
Năm ngoái lễ xa, nay lễ gần
 

[…]

Tôi đứng mãi đàng xa, tít tắp
Chờ bầy chim trắng thoáng bay qua
Chúa ôi, ai nấy đều tăm tắp
Như suối, như sông chảy thật thà

[…]

(Ngày mai, Lễ khấn dòng, trích)

 

Như thế, có người đứng ở mãi đàng xa, xa tít, nhìn về hướng dấu yêu. Giống như một người nữ nào đó trong thơ của Tagore, ngóng đợi người tình.  Trong bóng chiều đã ngả vào đêm. Nhưng, ở đây, ánh mắt nhìn trông ngóng đó lại từ một người nam.  Một người con trai thiết tha, chờ ngóng.  Ừ, khi người ta đã yêu, cứ gì phải phân biệt là nam hay nữ. Yêu là cái dòng chảy miệt mài, miên man, âu yếm của con tim. Nó không tự hỏi mình thuộc phái tính nào.

Nhưng, cái yêu không phải bao giờ cũng được đền đáp bằng một hạnh ngộ. Có khi, buồn lắm, ở cuối đoạn đường yêu kia, cái còn lại chỉ là một cõi “mù sa mưa”.

Sầu kia đã rụng thành hoa
Đã nên quan họ, đã à ơi ru

Ngàn vạn năm, mãi thiên thu
Đã xanh rêu lá, đã mù sa mưa

Từ  Em bằn bặt, đôi bờ
Và ta về với lau thưa, rừng già

Thôi, đành rượu tiễn chia xa
Từ Em kín cổng và ta biệt hành

Kìa, kìa những núi cây xanh
Lá rung, lá khép, nửa vành trăng khuya

(Nghìn trùng, trích)

 

Hay cái còn lại chỉ là mấy giọt mưa. Bay trong bóng núi. Cùng một chút hương đưa ngày cũ:

Từ Em quảy gánh phân ly
Nẻo về, mây khuất. Nẻo đi, nguyệt tà
Chốn này, thuở trước, Em qua

Đã xanh rêu lá, đã nhoà nhạt hương

Từ Em đầu hạt mưa tuôn
Từ ta, ra mấy ngọn nguồn. Vời trông
Người về, bóng núi mênh mông
[…]

 

(Đôi bờ, trích)

 

Thơ của Lê Đình Bảng đẹp. Và không sáo. Thường đong đưa, hay cất cánh bay lên, ở lục bát; có những lúc lại thiết tha, sầu lắng, bềnh bồng trong con thuyền của dòng thơ 7 hay 8 chữ. Có thể, đâu đó, ta nghe ra một chút phong vị của Nguyễn Bính (1918–1966), hay của Hoàng Cầm (1922–2010), như đã nói. Và cũng có thể có một chút thoáng Trần Huyền Trân (Đi, mà chẳng biết đi đâu / Cá rô đồng rạch rủ nhau lên bờ / Có người đứng dưới hiên mưa / Ngó bằng lăng rụng cuối mùa xác xơ.)  Hay, thậm chí, của Phạm Thiên Thư (Người về, phương ấy, xa xôi / Trông theo khói ngất, non phơi bóng tà / Mượn lời giải mộng, đêm qua / Khi không, nở một chùm hoa trắng ngần?). Nhưng, nếu nhìn theo phong cách liên văn bản (intertextual), trong bối cảnh của dòng thơ Việt trên dưới một trăm năm trở lại đây, điều ấy không có gì lạ. Văn chương, hay thi ca, chính là sự ám ảnh, vay mượn, hoặc viết lại, làm mới, làm lạ những cái đã có từ trước. Cái đáng nói là, trong khi nhận chịu những ấn tượng, những ảnh hưởng từ cái đã có trước đó, kẻ đến sau có sáng tạo ra được những cái mới mẻ từ chính mình không. Hắn có ghi được những ấn tượng mới, đặc thù nơi tâm trí người đọc? Tóm lại, tác giả có ghi lại được dấu vân tay của mình trong chữ viết? Có để lại khuôn mặt mình, trái tim mình trong ánh lửa của ngòi bút?

Thơ Lê Đình Bảng, như đã nói, phản ánh cái “chập chờn” nửa đời nửa đạo. Cái nửa bụi nửa trong. Có lúc, nó làm tôi nghĩ đến Phạm Thiên Thư trong nỗ lực thi hoá kinh Phật, như kinh Kim Cương (Kinh Ngọc/Qua Suối Mây Hồng), kinh Pháp Cú (Kinh Thơ), kinh Hiền Ngu (Kinh Hiền), v.v.  Nhưng, ngoài những nỗ lực đó, Phạm Thiên Thư còn có Động Hoa Vàng, Ngày Xưa Người Tình.  Tất cả đã tạo nên, ở Phạm Thiên Thư, một thi sĩ đưa đời vào đạo, hay đưa đạo vào đởi. Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư, dù sao, có vẻ tách biệt giữa Đạo và Đời. Các bản kinh được thi hoá của Phạm Thiên Thư đẹp. Nhưng Kinh vẫn là Kinh. Chỉ có thơ của thi sĩ họ Phạm mới thật  là “mơ màng”. Tình rất trong lành, ngây thơ, bâng khuâng sương khói, mà phù du ảo diệu thiết tha. Cái tình ấy dường như nằm ở hoa, ở sương, ở trăng, ở cảnh. Nó được giấu trong tiếng chuông chùa và trong nét chim bay. Thơ mang nhiều thiền vị. Mà vẫn là thơ tình yêu.

Thơ Lê Đình Bảng cho thấy cái “chênh chao” của một con người hướng về cái đẹp tôn giáo, với lòng sốt mến, nhiệt thành, mà vẫn rất tự nhiên, rất “đời thường” khi để cho con tim cất lên tiếng nói của nó. Cái chủ-thể-yêu ấy, trong thơ ông, là một người trai, với tình yêu thuần khiết của mình, hướng về một người con gái, người đã dâng, đã hướng đời mình cho Tình Yêu Rất Thánh. Cho Thượng Đế. Người con gái, có lẽ đã là cả một tuổi thơ, và tuổi trẻ, của chàng trai. Bây giờ, nàng đã chọn đặt cuộc đời và sự sống mình trong nhà Chúa. Nhà thơ tả lại những cảnh hội hè tôn giáo trong làng. Cái náo nức của người người trong họ đạo. Cái hân hoan, nhộn nhịp, thanh bình của những cuộc rước, những cuộc lễ. Ông hiểu là mình không thể đòi hỏi phần mình trong tình yêu lành thánh kia của người có lẽ đã cùng ông lớn lên, và đã cùng ông sẻ chia nhiều kỷ niệm. Ông hiểu “phận” mình. Nhưng vẫn không thể không hoài nhớ “tình yêu”. Với sự chấp nhận, nhưng cũng với khá nhiều buồn đau, tưởng tiếc. Cái buồn, cái đau nằm trong cái hạnh, cái vui. Cái ước mong cho người mình yêu được bình an, hạnh phúc trên con đường đã chọn của người ấy.

Cái tình cảnh và tình cảm ấy, rất riêng, trong một không gian nhuốm chút ánh sắc không nghiêng nhiều về phía trần gian, tưởng sẽ khó mà đưa lời thơ và tâm tình người thơ đến chỗ làm người đọc đồng cảm, chia sẻ và tạo ấn tượng nơi họ. Vì đấy là một kinh nghiệm không thường gặp. Nhất là trong thơ ca. Nhưng tác giả, trong cái nhìn của tôi, đã tạo được những ấn tượng đẹp, với những rung động, tình cảm và những hình ảnh, chữ nghĩa riêng biệt của mình.

Hôm qua, đi lễ khấn dòng
Nhìn Em đăm đắm tựa bông hoa quỳ
Ta về, đọc truyện Trương Chi
Thì ra, người ấy cũng y như mình

Cũng buồn, cũng nhớ mông mênh
Cũng tương tư cả giờ kinh sớm chiều
Thì ra, từ buổi Em yêu
Nụ tầm xuân đã thành điều thiêng liêng

Bây giờ, ngày tháng ra Giêng
Em là của Chúa, của riêng nhà dòng
Mỗi lần ra đứng, trông mong
Gửi hương cho gió vào trong tường rào

Gửi thêm một chút chênh chao
Nhỡ mai, cách trở, ba đào, dặm khơi
Sông nào rẽ khúc, ngăn đôi
Em như thánh nữ, ta người trần gian


Cũng là bụi đất, tro than
Sao ta nguội lạnh? Em nhân đức đầy?
Cũng là đầu ngọn heo may
Ta, đêm bóng tối. Em, ngày trời trong

 

Hai con đường thẳng song song
Chia nhau nỗi nhớ,
nửa trong, nửa ngoài
Thể rồi,
chiều nắng, mưa mai
Cách ngăn,
đâu phải dặm dài, đường xa?
Em về bên ấy,
hương hoa
Buồn.
Ta ra đứng ngã ba,
trông vời.

(Và Em. Lễ khấn dòng, trọn bài)

 

Cái buồn đau được pha với cái rất thánh. Nụ tầm xuân, bông hoa quỳ, giờ đã là cành hoa huệ trắng.  Mát thơm. Và tinh khiết. Người thơ chỉ còn lại lời chào chúc, cùng với những nhắn gửi. Thiết tha. Chấp nhận.

Thôi nhé, Em về bên ấy, nhé
Như thuyền rời bến, mãi xa khơi
Từ nay, trong cõi thiêng liêng ấy
Em sống đời Em. Tôi với tôi
  

(Một đời con dâng hiến, trích)

 

Có ai thấy người con trai ấy không?  Một người con trai với hương ngọc lan.

Lệ mùa rơi đoá Thu phong ấy
Hương ngọc lan ủ dưới gối nằm
Chợt nửa khuya, mơ hồ tỉnh giấc
Đêm thơm như là đoá từ tâm

(Ngọc lan hương, trọn bài)

 

Đừng nghĩ đó là sự yếu đuối. Nhất là đối với một người con trai, một người đàn ông. Bởi lẽ, khi đến với tình yêu, cũng như khi sống với tình cảm của riêng mình, chúng ta đừng tự chia cắt, phân biệt những cách hành xử. Để khu biệt con người, khu biệt những tình cảm con người. Hãy cứ sống thật với trái tim. Và hãy tiếp tục giữ cho trái tim mình còn đập. Những nhịp đập cần thiết và tự nhiên của nó.

Đọc kỹ tập thơ, ta sẽ thấy ra đây không hẳn là một tập thơ tôn giáo, mà, nếu có những nét tôn giáo, nó cũng không nhất thiết là nằm hẳn trong một tôn giáo nào, vì người đọc nhận thấy có cả những bài viết vào dịp Vu Lan, hay một bài có tên “Em Lễ Chùa Nào?”. Cái yêu cái nhớ cái thương ở đây được gắn vào những nét thơ và đẹp nói chung. Của con người. Của tuổi trẻ. Của cuộc đời. Hình như Lê Đình Bảng là một con người đã tự để mình sống tràn ngập và “tham lam” như thế. Ông bị cuốn hút vào những cái đẹp và cái thơ của Trần gian. Nhưng vẫn để lòng mình gắn bó, hiểu biết và chấp nhận cái Thiêng Liêng.

Hãy thử đọc một bài nữa trong tập thơ, theo điệu dân dã, thiết tha làm mềm lòng, như của Nguyễn Bính:

 

MÙA TRĂNG VU LAN

Năm ấy, Em lên mười mấy tuổi
Tôi từ phố huyện về thăm quê
Trời mưa, mưa mấy ngày, không ngớt
Con nước lên sâm sấp bậc hè

Nghe thoáng, ở bên bờ giếng, đợi
Đầu vườn, cây khế mới ra hoa
Hình như, cơn gió nồm nam gọi
Đôi sáo nâu về, đậu trước nhà

Chúng cũng như mình thôi, vất vả
Nhịn ăn, đâu nhịn được tình yêu
Trời ơi, cái tháng ba, năm đói
Mong bếp nhà ai lên khói chiều

Có phải vì Em mau nước mắt
Khi không, ra đứng ngóng đầu thôn
Em buồn, tôi cũng buồn lây, nhỉ
Nom cứ như hai đứa mất hồn

Em biết, tôi mồ côi bố mẹ
Những thèm yêu, thèm nhớ người dưng
Giờ, Em ở phía nơi chân sóng
Tôi, đốm sao khuya lạc cuối rừng
Chả biết đến bao giờ gặp lại
Mà thời gian đằng đẵng, vô chừng

 

Cứ mỗi mùa Vu Lan, cúng quả
Chùa làng bên mở huệ, tuần chay
Dọc đường, ra nghĩa trang, Em bảo:
“Mẹ ngủ trong gò đất cỏ may
Thành bụi, thành tro than lãng đãng
Vầng trăng tơ mọc giữa ban ngày.”

Bài thơ, như đã gợi, có thể có ít nhiều chất giọng Nguyễn Bính.  Nhưng, cũng giống như một số bài thơ khác của ông, chúng có thể làm ta hồi tưởng đến một chất giọng thơ nào đó, như đã nói, trong quá vãng.  Dù sao, những hình ảnh, tâm tình, cái không khí, và cụ thể hơn, cái không gian thơ là của ông; cũng thế là các ẩn dụ, các biện pháp tu từ trong thơ. Và, đặc biệt, cung cách ngắt nhịp, chấm câu, đưa đẩy trong các bài thơ của Và Em, Lễ Khấn Dòng là của riêng Lê Đình Bảng.

Tập thơ buồn, đẹp, mênh mang, ấm áp, và đầy thiết tha vẫy gọi.

Nó chứa trong nó những nét nguyệt bạch, suối sông, cái yêu, cái tưởng, cái buồn, cái đau, nhưng cũng có trong nó hình dáng của những cành huệ trắng, của cái dâng hương, cái thiêng liêng. Nó cho thấy hình ảnh con người nói chung trong những dịp lễ hội, nhưng nó cũng tô đậm nét dáng của một người, với cái buồn đau, cô đơn và cái thơ, đẹp, thiết tha trong lòng người ấy.

Hãy chúc lành cho tất cả những điều đó khi chúng còn tìm được chỗ trú ngụ trong lòng con người. Nhất là cái buồn, đau và cái thơ, đẹp. Những cái đó, nhiều khi, trộn lẫn vào nhau.

Để, hiểu rằng, cuộc sống còn được tôn vinh.

 

Bùi Vĩnh Phúc

Tustin Ranch, Calif.

Tháng Năm, 2024