Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

Áo bà không mặc

Lê Minh Hà Bà cái Hà có một niềm hãnh diện không giấu diếm trước các bà ở làng. Không bà nào tậu được cỗ áo quan như bà ở tuổi ấy, lúc tuổi mới chạm sáu mươi. Bốn tấm dài hai tấm ngắn, bào phẳng lì, gỗ vàng tâm nổi vân nâu sáng, nhìn như soi gương được, sờ tay vào thì mát rười rượi.Nhà bà cháu cái Hà khác nhiều nhà, gian giữa không có bàn thờ xây bệ vệ, rỗng gầm, để đồ hay đựng thóc, quét vôi trắng lốp. Đi sơ tán dọc ngang làng trên xóm dưới về, bà nhờ người đan một tấm vạt đóng đinh cố định vào bức tường hậu, giữa hai cây cột xây to vật hình tròn mà nó vòng tay cũng không ôm hết. Lúc còn bé, Hà rất thích đứng trên giường bám cột nhà để với mấy cuốn sách đặt ngay đầu bàn thờ. Sách không biết của ai ở nhờ nhà lúc bà cháu dạt đi để quên lại. Có sách Bình dân học vụ. Có cả truyện. Cái Hà lần mò tập đọc khi còn chưa được đi học bằng những kiến thức võ vẽ thu lượm được lúc bám cửa lớp học ở chùa làng Khảm Lâm và bằng mấy cuốn sách này. Nó biết chuyện Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Hoàng Trìu, Quan m Thị Kính, Nhị độ mai và vô khối chuyện khác đầu tiên là do bà kể, sau đó là tự đọc rồi kể lại cho bà cũng bắt đầu từ mấy cuốn sách bà không đọc được đặt trang trọng ở góc bàn thờ. Ngoài mấy cuốn sách, bàn thờ chả có gì ngoài bát hương và bằng Tổ Quốc Ghi Công. Tên ông nó trên cái bằng đó ghi sai, thiếu dấu huyền, nhưng bà bảo thôi, ông chịu mất tên để con cháu được là con cháu liệt sĩ, chứ bới ra lần nữa thì không biết đến bao giờ mới được trên giải quyết, mà chắc gì đã xong, chưa xong thì có khi lại bị tiếp tục coi là nhà việt gian, thì chết, thì chết. Cái Hà đã nhiều lần đứng dưới ngửa cổ lần đọc từng chữ trên tấm bằng bùa hộ mệnh cho cả nhà đó, tự thắc mắc một mình ở dưới đất thì người ta gọi ông nó là gì, theo tên cụ đặt cho ông hay theo tên trên bàn thờ? Bát hương và tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công không thể nào với tới được lúc nào cũng bồng bềnh, cao vời trong trí nó. Dưới bàn thờ, kê trên hai cái chân mễ là bộ quan tài chưa ghép mộng của bà, sáu tấm, bốn tấm dài, hai tấm ngắn, gỗ vàng tâm, kể có thêm cái bàn uống nước kê luôn đó thì ngồi sẽ rất tiện. Nhưng đến sờ vào đó thì chị em nó cũng phải rất rón rén, sợ bà mắng. Vài ba hôm bà lại cầm cái phất trần phẩy ngang phẩy dọc trên mặt gỗ, vừa phẩy bà vừa bảo có cỗ áo này rồi bà có chết đi thì bố mẹ cô chú chúng mày cũng không phải lo gì, còn giỗ bà thì cũng không phải bày vẽ gì, chỉ cần một bát nước chè xanh, quả dứa với lại mấy củ khoai lang. Bà nói, vừa tư lự vừa say mê, làm cái Hà lo lo. Tại có những ngày tháng hơi hơi yên hàn, như cái hồi mẹ nó cho nó bỏ học, đưa phắt nó về bà, chị nó với lũ em con bà cô ông chú chưa phải đi sơ tán lại, nhà chỉ có hai bà cháu nó. Bà là chỗ dựa duy nhất của nó ở làng, nơi lúc nào cũng làm nó hơi chờn chợn vì chẳng biết ai với ai, lại còn không có bạn. Nó lo bà chết. Còn con em họ nó thì lại sợ bà chết mà giỗ bà như bà bảo thì chán, chả được ăn giỗ to. Ăn giỗ to là to thế nào? Mấy chị em đều nhất trí là to như giỗ ông. Bà chẳng mời ai, chỉ có mẹ con bà cháu. Mãi sau này cái Hà mới biết ngày đó nhà nào cũng ăn cỗ, không có giỗ vẫn có cỗ. Vì đó là ngày rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân, ngày chiêu hồn những người không được chết ở nhà, không được người nhà chôn cất. Nó hỏi bà nó sao không giỗ ông theo ngày ông hi sinh ghi trên bằng Tổ Quốc Ghi Công. Bà cái Hà chả bảo gì, chỉ thở dài. Hàng xóm bảo bác giỗ bác trai thế này thì coi như mất giỗ, bà vẫn lẳng lặng làm thế. Tận khi bác Mạch gái sang nhà khóc với bà vì nhận tin bác Mạch trai đã hi sinh, hi sinh nhưng chưa báo tử, chẳng biết phải cúng giỗ thế nào, bà mới nhỏ nhẹ bảo thương nhớ để trong lòng, cúng giỗ thì hương hoa cũng là cúng giỗ, anh ấy thật sống khôn chết thiêng thì sẽ về với mấy mẹ con từng ngày chứ chờ gì mâm cao cỗ đầy cháu biện. Đến khi đó cái Hà mới biết ngày ông nó hi sinh ghi trên bằng Tổ Quốc Ghi Công không thể là ngày giỗ ông được. Bà chỉ biết ang áng ông hi sinh đận chiến dịch Thu Đông năm một chín bốn bảy, trên Việt Bắc. Vậy là bà làm giỗ ông vào rằm tháng bảy. Bà rì rầm với bác Mạch hi sinh cũng là chết, chết vì gì thì cũng là chết, báu gì cái chuyện được công nhận nọ kia, chẳng qua chú nhà thím chết đi mang cái danh Việt gian thì con cháu không ngẩng đầu lên mà sống được nên là cứ phải đòi, cứ phải kiện đòi minh oan đến cùng để chú được công nhận là liệt sĩ. Hy sinh đời bố thì phải củng cố được đời con. May mà nhà thím bố mẹ bọn trẻ con là người nhà nước, còn biết đường kêu. Thím giỗ chú ngày này là để chú với anh em đồng chí tiếp tục bầu bạn dưới kia được ấm áp cùng nhau. Cùng cảnh ra đi, mất xương mất cốt, sông núi thì mênh mông mà mả riêng chưa chắc có, khấn vái riêng một người thì tội với nhiều người. Bác Mạch gái nghẹn ngào: “Hay là cháu về bảo với ông nhà cháu cứ làm như thím?!” Cái Hà nghe hóng, tự gật gù à biết rồi, biết vì sao trên bàn thờ chỉ có nải chuối bát hương mà mâm cỗ giỗ đầy phè kia bà lại đặt trên cái giường không ai nằm, không trải chiếu, kê sát khung cửa sổ mở ra vườn. Đấy là hai lần giỗ, giỗ ông mình với lại giỗ nhiều người làm ma ở ngoài đường ở chiến chường - Cái Hà ti toe giảng giải cho bà chị bé và mấy đứa em nhưng lớn hơn mình, thích chí vì mắt đứa nào cũng trố ra khi nghe. Bà sợ cảnh người chết chỉ có tấm chiếu hay mùng màn đậy điệm khi chôn làm người sống áy náy hay gì mà tự tậu cỗ quan tài sớm thế chị em cái Hà không biết. Cỗ quan tài chưa ghép mộng oai vệ dưới bàn thờ ông một hôm bị hạ xuống. Máy bay Mỹ đánh phá ác liệt hơn. Có đêm bà phải đánh thức bầy cháu nằm đầy hai cái giường ở hai gian, giục chạy ra vườn, xuống hầm. Tối om, bọn trẻ lồm cồm lần mấy bậc đất tụt xuống, có hôm ngã chồng đống cá khê lên nhau, có hôm ướt như chuột lột vì ngập nước mưa chưa nhờ bên nhà ông Lúa tát đi được. Thế là bà gọi mấy chú hàng xóm tới nhờ đào hầm dưới gầm giường. Bốn tấm dài của cỗ quan tài chia đôi, kê lên làm nắp hầm, thò một đầu ra khỏi cái gầm giường thước sáu và thành nơi bà đặt âu trầu. Cái Hà rất thích ngồi ở đó lục lọi âu trầu của bà, gạ xin têm giầu cho bà. Nó cũng biết tiện miếng vỏ quạch bằng con dao bài nhỏ, bổ quả cau tươi hay chẻ hạt cau khô, xé lá giầu không quệt vôi, nhúm tí thuốc lào rồi cuộn lại đưa lên miệng bà. Nó không dám thử món đó bao giờ vì tận mắt thấy bà chị bé say trầu, lử lả ngã vật ra thềm vào phiên chợ trước đó lúc bà đi vắng, chỉ vì dám thử ăn trầu, lại còn nuốt cả nước cốt. Đánh đu chơi nhởn với lũ trẻ con trong xóm cả buổi mồ hôi mồ kê, về nhà, cái Hà thích khoanh chân chân ngồi ở đầu mấy tấm gỗ của cỗ áo quan chưa dùng nhìn ra vườn chuối. Cứ ngửi mùi trầu bà vừa nhai dập là không hiểu sao con bé rất yên tâm. Rồi cũng hết chiến tranh. Bà theo chân mấy đứa cháu trở ra Hà Nội. Ở lại làng chỉ còn bà cô ruột cái Hà cùng mấy đứa con. Ngày ông đi kháng chiến, cô nó theo mẹ đưa em về làng tản cư, rồi thì làng bị Pháp chiếm, thành làng tề. Con gái thị thành da trắng tóc xanh mới mười sáu tuổi bị Tây bắt đi phu xây lô cốt ở đầu cầu, bà hoảng, đánh tiếng gả cô để cô được yên thân. Thế là kháng chiến thành công cô nó không thể trở ra Hà Nội được nữa, thành người nhà quê từ ấy. Cô chở bộ quan tài của bà về trên nhà, ngả ra thành bộ phản cho bầy con lăn lóc. Mấy tấm ván gỗ vàng tâm đã được bào bóng loáng, giờ càng bóng nhờ mồ hôi và đít trẻ con. Khi nào bà nằm xuống thì cả nhà sẽ đem mấy tấm ván ghép mộng lại, thế là thành cỗ áo để bà nằm. Rất oách. Cái Hà biết vậy từ lúc bé tí, biết, bà nó rất hãnh diện vì tậu được bộ quan tài để có chết đi thì bố mẹ cô chú nó sẽ không phải lo toan gì. Hơn hai mươi năm sau bà cái Hà đi theo ông nó. Không biết tại sao mà rồi cỗ áo quan của bà không thấy chở ra Hà Nội. Bà về lại làng trong bộ ván mua theo tiêu chuẩn dành cho người chết tại cửa hàng làm quan tài ở phố 305, gần phố Lò Đúc nhà nó. Áo quan mậu dịch làm bằng gỗ tạp, sơn đỏ loét, không ghép mộng mà đóng đinh, chỗ hở chỗ vênh, phải nhờ vả chọn mãi mới được một cỗ tàm tạm cho bà. Cỗ áo bà cái Hà dành dụm tự tậu cho mình lúc còn chưa tới tuổi sáu mươi vẫn là cái phản lên nước bóng ngời ở trên nhà bà cô nó. Đám chắt của bà không đứa nào biết thực ra đó là bốn tấm ván của một cỗ quan tài được tậu từ sáu mươi năm về trước, được cụ của chúng tự chuẩn bị, để con cháu không phải khổ, lúc cụ sắp bước qua tuổi sáu mươi. Cái Hà cứ thắc mắc một mình mãi suốt bao năm, còn hai tấm ván ngắn của cỗ áo mà bà tậu sớm thế nhưng vẫn không được nằm, cũng bằng gỗ vàng tâm, hai tấm gỗ ấy phiêu dạt nơi đâu không biết nữa. Berlin, 24. 07.2022 - 07. 03. 2024 Rút từ SÔNG CÒN CHƯA CẠN