Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

“Trong vô vàn” của Dạ Ngân, tôi chọn một

Mai Quỳnh

image  

Trong vô vàn là tập tản văn thứ bảy của nhà văn Dạ Ngân (NXB Hội Nhà văn + Tao Đàn). Tác giả đã cẩn trọng lựa chọn 50/268 bài báo trong vòng 5 năm rưỡi trước đây đưa vào tập này. Vì thế, hơn 200 trang tản văn đã hội tụ những chủ đề rõ nét.

Tác giả nói với chúng ta: Tình yêu quê hương đất nước và con người; hoài niệm về nỗi đau và người thân trong cuộc chiến đã xa; lắng nghe từng mảnh đời trong đời sống xô bồ ngoài khung cửa; day dứt băn khoăn những đứt gãy văn hóa truyền thống; mở lòng tâm tình câu chuyện tình yêu, hôn nhân, gia đình.

Một mô-típ tản văn mang sắc thái Dạ Ngân đang định hình: chuyện nay, nhớ chuyện xưa, triết luận, suy tư về hồn cốt sâu xa của câu chuyện đó, những nan vấn đặt ra và câu trả lời đích thực hay còn bỏ ngỏ.

Văn phong đậm chất Nam Bộ nhưng đã tiếp nhận khéo léo tố chất hiện đạị, câu văn đa nghĩa, nhịp điệu uyển chuyển. Tính chất phóng khoáng của tản văn cho phép người viết chen vào dòng văn những trích dẫn đúng chỗ câu thơ, ca từ đã từng “đi cùng năm tháng” của thi sĩ, nhạc sĩ tài danh. Trong vô vàn đa sắc, đa thanh!

Những nét đẹp quê hương trải ra đây đó, còn lưu nơi ký ức hoặc chỉ là trong giấc mơ: từng bậc thang đá nguyên sơ lên dốc núi Yên Tử, con thuyền mỏng manh lướt nhẹ trên dòng suối Yến - chùa Hương, thảm cỏ tươi non, hàng cây me thẳng tắp hai bên Đường sách Sài Gòn, cây me già trước căn hộ chung cư, khúc cua tay áo trên con đèo dựng đứng Hà Giang - Lũng Cú, phố cổ Hà Nội, ngõ hẻm Sài Gòn, dòng sông, nhà vườn, cây trái, nếp sống thanh bình miền Tây…, tất thảy đã đánh thức trí nhớ trong tôi bài tùy bút Lòng yêu nước học trong nhà trường thời Kháng chiến 9 năm của nhà văn Nga-Xô viết nổi tiếng Ilya Erenbourg. Quên sao được câu mở đầu: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu thương những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh.[1] Bài báo đã từng góp phần thúc giục tuổi trẻ chúng tôi “xếp bút nghiên” lên đường tranh đấu! (Xem: Trong lại dòng xanh, Cỏ thường tươi, Già me, Củi đi, Cương thổ trong mơ…).

Tác giả mượn vẻ đẹp bên ngoài dẫn ta vào hồn cốt bên trong, trăn trở, suy tư. Lấy một khúc nhỏ nơi Trong lại dòng xanh. Nhà văn cùng chồng nâng dắt nhau dăm bước trên hàng nghìn bậc đá rêu phong Yên Tử, qua rừng Trúc, đường Tùng lên tận nơi xá lỵ của Giác Hoàng Điều Ngự (vua Trần Nhân Tông)[2]. Để trong không gian u trầm nơi ấy cảm nhận tận đáy lòng mình cái cốt cách vua hiền trị nước ngày xưa.

Trên đường đi loáng thoáng nghe mấy vị chức sắc bàn tính sẽ làm cáp treo Yên Tử để lên chùa Đồng cho dễ, con người say mê lịch sử từ trong máu huyết, nhà văn Nguyễn Quang Thân, chồng chị nổi giận đùng đùng. Nguyễn Quang Thân đã mất. Cáp treo hoạt động mấy năm rồi. Tôi hiểu cơn giận dữ của anh. Vì, tiếng vọng đôi giày cỏ từ bước chân của đức Vua anh minh khi xa khi gần trên khắp núi non hùng vĩ này sẽ bị tiếng ồn cáp treo, tiếng khách thập phương gọi nhau ầm ĩ, cả tiếng đếm tiền xoàn xoạt… đẩy vào tận cùng nơi núi thẳm rừng sâu. Lúc ấy, còn mấy ai nhớ tới Người!

Dẫn thêm, câu kết trong Cỏ thường tươi: “Dân là nước mà Dân cũng là Đất Nước. Dân vạn đại, cũng như cỏ, phận người phận cỏ, cỏ mà thiêng. Không dưng mà người đời có câu “hoa thường héo, cỏ thường tươi”. Một trận mưa dông, cỏ nguyên vẹn và thản nhiên xanh. Không ai tận diệt được cỏ, vì cỏ ở khắp nơi, vững bền, vĩnh cửu”.

Như thế đó, ai bảo tản văn nhẹ ký? Khúc nào Trong vô vàn cũng hàm chứa những suy ngẫm nặng sâu!

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Là nhân chứng trong hai cuộc chiến ở Miền Nam, có dịp là nhà văn lại đụng đậy cây viết ghi những dòng chiêu tuyết cho hy sinh, mất mát, khổ đau của người thân trong gia đình, bà con họ hàng, đồng bào ở cả hai bên chiến cuộc. Chị kể lại, rất tiết chế một vài trong vô vàn di chứng để lại thời hậu chiến. Kể lại như để nhắc nhở câu thơ của Nguyễn Duy mà chị tâm đắc: “…Nghĩ cho cùng/ Mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…” (Đá ơi)[3]. Đã đành như thế, nhân dân đều thiệt. Nhưng Dạ Ngân không quy kết, không lên án. Từ tấm lòng nhân hậu, chị chỉ trình bày chuyện đời chi biết mà thôi (Trong vô vàn, Đàn ông bánh đúc có xương, Thức đêm mới biết). Riêng trong Hiếu sát, chị tỉnh táo lên án hành vi bạo lực. Suy cho cùng bạo lực cũng là di chứng của súng đạn liên miên…

Nhà văn đang sống trong lòng xã hội. Lương tâm nhắc nhở người cầm bút mở tung cửa nhà mình, lắng nghe âm thanh xô bồ ồn ã ngoài kia. Dạ Ngân là thế. Chị quan sát xung quanh trên từng bước đi, soi xét mọi ngõ ngách, lật đi lật lại từng nan vấn phơi bày. Bạn đọc bắt gặp ở đây thực trạng dường như đã quen mà ta không để ý. Dân trí thấp (Đi từ xứ xở kỳ lạ, Hai sự thật), thói xấu tràn lan (Tự bao giờ, Vì đâu nên nỗi), đố kỵ, kiêu ngạo vô lối (Đằng sau có ai không?), những đứt gãy văn hóa (Người sang đâu hết, Đang rơi, Ba người trên một chuyến xe…), những thói quen, đặc điểm riêng cần sửa của đa số dân mình (Ăn nhanh, đi chậm, nói lớn, hay cười), những nan vấn, nghịch cảnh (Chết cười với những cái khóa, Kỳ thị râm ran…). Nhiều lắm. Song, chúng ta hãy xem nhà văn nhìn nhận từng hiện tượng cụ thể ấy ra sao? Có khi để nguyên câu hỏi không có lời đáp, nhiều khi phân vân, chê trách, nhưng phần thấu hiểu và lòng tin ở cái đẹp, cái tốt còn ẩn giấu vẫn nhiều hơn (Tự bao giờ, Sài Gòn vậy đó…).

Xin điểm một ví dụ nhỏ. Từ đầu thế kỷ trước, các cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Trọng Thuật đã viết trên Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí và du ký… chê trách những “thói hư tật xấu” của dân mình: Gì cũng cười, Nói năng lộn xộn, Hời hợt trong sự học (dẫn theo Vương Trí Nhàn[4]). Về tật hay cười, cụ Nguyễn Văn Vĩnh viết: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang…” (Gì cũng cười, Đông Dương tạp chí số 6 năm 1913). Cụ nêu hiện tượng mà không chỉ ra nguyên nhân. Cũng chạm tới thói quen này, nhà văn hậu duệ của các cụ có cái nhìn thấu đáo độ lượng. Dạ Ngân gọi đó là đặc điểm cần sửa mà tránh từ thói hư tật xấu. Đặc điểm ấy có căn do. Dạ Ngân bảo: “Người mình hay cười. Đặc điểm này phổ biến từ Bắc chí Nam. Văn hóa Nho giáo bén trong máu, chào nhau nụ cười… Trẻ không biết tươi cười khi chào hỏi là đứa trẻ thiếu văn hóa, thậm chí là trẻ hư. Nụ cười vì vậy thường trực trong văn hóa sống và giao tiếp… Và chiến tranh liên miên bất tận, cười cho qua, vừa thoát chết đã bật cười… Cười mãi như cây sầu đâu trong héo ngoài tươi…”. Ngoài đặc điểm hay cười, đọc chị lý giải xung quanh cái nết “Ăn nhanh, đi chậm, nói lớn”, tôi vừa mỉm cười thú vị vừa gật gù tán thưởng: thấu lý, đạt tình!

Dạ Ngân đã dành số trang đáng kể cho lĩnh vực tâm huyết lâu nay: chủ đề tình yêu, hôn nhân, gia đình. Chị đã tạo dựng được một thương hiệu riêng chăng? Bạn đọc đã từng tìm chuyên mục tư vấn của nhà báo Dạ Ngân, nay chăm chú dõi theo trang văn của chị. Dễ dàng nhận ra bút pháp của cây bút già dặn này thay đổi theo từng phân khúc chủ đề. Mang hàm ý tư vấn, tâm lý, chị dẫn giải rạch ròi (Ba lần hai mươi, Tương kính như tân, Thận trọng với con, Yêu mình…). Chị giãi bày tâm sự những trải nghiệm riêng tư (Vườn hồng ngày xưa, Tròng trành mũi lái, Mùi da thịt…). Quan sát tinh tế (Đơn cử bốn đôi, Từ một vụ ly hôn…). Sự tin cậy nơi bạn đọc là hiệu ứng bất kỳ nhà văn nào cũng mong muốn. Ở đây, Dạ Ngân đã có. Bởi những chi tiết, bởi sự từng trải hiểu đời, bởi tấm lòng nhân hậu. Còn một lẽ đáng kể nữa, nhiều nhân vật chính là người thân của chị, bản thân chị. Và, thấp thoáng trong toàn bộ tập văn, khi đậm, khi nhạt, khi xa, khi gần là người yêu, người bạn văn, bạn đời, người chồng đã “cho chị cả một tâm tình… suốt 11 năm chờ đợi và 24 năm vợ chồng” – nhà văn quá cố Nguyễn Quang Thân. Tản văn thứ 50 chị dành riêng cho anh, khắc họa cô đọng một phong cách sống, một tư chất CON NGƯỜI đúng nghĩa (Hào sảng trong vỏ trứng).

Bất ngờ, giữa dòng văn trữ tình bật lên vài trang mang hơi hướng chính luận (Chiến binh của mỗi nhà Tổ chức đội quân). Chị biện giải về vai trò có một không hai của phụ nữ Việt Nam so phụ nữ các nước; chị kể rành rẽ về đội quân xuồng đặc sắc ở miền sông nước. Không biết, trong Từ điển Quân sự đã có thuật ngữ “đội quân xuồng” hay chưa?

Trong vô vàn đa thanh. Vừa đọc sách vừa khe khẽ nhẩm theo từng ca từ, lời thơ:

trong Chiến binh của mỗi nhà:

Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về, Bao nhiêu phen thời gian xóa phai lời thề, Người tung hoành bên núi xa xăm, Người mong chồng còn đứng muôn năm

(Hòn vọng phu – Lê Thương)

trong Già me:

Em đi đâu về/ Mà tóc đầy me/ Em ngồi em chải/ Nghĩ gì vui thế/ Mà cười một mình. Là lá lá lá là la… (Thành phố trẻ – Trần Tiến).

Câu thơ chêm vào Hào sảng trong vỏ trứng làm bật lên cả một đoạn thơ hào hùng:

Người đi! Ừ nhỉ người đi thực.

Mẹ! thà coi như chiếc lá bay.

Chị! thà coi như là hạt bụi.

Em! thà coi như hơi rượu say.

Dường như.câu thơ này dành tặng riêng Nguyễn Quang Thân, con người hào sảng đã đi thực về miền Cực Lạc.

Bút lực Dạ Ngân đang sung sức. Chị vẫn đang sống trong dân, chan hòa cùng dân nơi căn hộ chung cư Thanh Đa - Sài Gòn, lắng nghe… thấu hiểu và viết.

Nếu được chọn, Trong vô vàn tôi chọn một: Nhà thơ bên đường. Chọn xong, bâng khuâng thầm hỏi: Cổ Nguyệt Đường – Tây Hồ giờ ở nơi đâu?[5]

 

Sài Gòn, mùa mưa tháng 7-2024


[1] http://redsvn.net/doc-lai-long-yeu-nuoc-cua-ilya-ehrenburg2 [2] https://giacngo.vn/coi-phat-cua-dieu-ngu-giac-hoang-tran-nhan-tong-post37399.html [3] https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Duy/%C4%90%C3%A1-%C6%A1i/poem-TQEqf3jyIJfDSQz4jJifrg [4] https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/vuong_tri_nhan-thoi_hu_tat_xau_nguoi_viet_48.html [5] https://nguoidothi.net.vn/nho-co-nguyet-duong-cua-ho-xuan-huong-ven-ho-tay-19782.html