Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

Đóng góp vào việc liệt kê thư mục Cao Huy Thuần

Nguyễn Ngọc Giao

 

Cũng như anh chị em Ban biên tập Diễn Đàn, tôi được gia đình anh Cao Huy Thuần và thầy Thích Thiện Niệm thông báo về diễn biến bệnh tình của anh. Lo mừng xen kẽ nhau nhiều ngày, cho đến nửa đêm chủ nhật 7.7 khi được chị Mỹ Lộc (California) và thầy Thiện Niệm (Paris) báo tin anh tạ thế. Vốn là người trong ban biên tập phải viết bài về bạn bè từ trần, lại được chị Thúy Nga thúc giục viết bài cho kịp số Tuổi Trẻ Cuối Tuần (ra ngày 14.7), tôi đã bắt đầu viết được mấy đoạn. Nhưng rồi tinh thần không một phút yên tịnh, công việc dồn dập, viết tiếp không nổi. May thay, ngay từ ngày thứ hai 8.7 báo chí trong nước đã đưa tin, đăng tiểu sử, rồi những bài tưởng niệm rất cảm động của bạn bè khắp nơi, trong nước và ngoài nước, xuất hiện trên báo chí và nhất là các mạng xã hội. Diễn Đàn đã đăng trên trang chính, liệt kê trên mục ZOOM, và giới thiệu khá nhiều bài trong mục Thấy Trên Mạng.

Hầu hết các bài đều tập trung nói về những tác phẩm và bài viết tiếng Việt của anh về Phật giáo, văn hóa và đời sống Việt Nam, trích dẫn những đoạn văn trong sáng, sâu sắc, ý vị của Cao Huy Thuần. Một số bài gợi lại những kỷ niệm cá nhân với anh. Riêng tôi được gặp anh từ khoảng năm 1966-67 ở Paris, nhưng phải từ năm 2000, mới thường xuyên làm việc với anh trong việc tổ chức các cuộc Hội thảo mùa Hè (bắt đầu ở Đại học New York 1998, lần đó anh chưa tham gia). Sau cuộc Hội thảo Porto 2019, anh nói chắc sẽ không còn tham gia được nữa. Lời tiên tri nghiệm đúng, vì năm sau, đại dịch Covid19 bùng nổ, rồi các anh Ngô Vĩnh Long, Trần Hữu Dũng theo nhau ra đi, Hội thảo mùa Hè coi như đã, không kèn không trống, “hoàn thành nhiệm vụ”. Hai mươi hai năm trời, 21 cuộc hội thảo được tổ chức vào mùa hè ở các trường đại học Tây Âu, Bắc Mỹ, Việt Nam, Singapore, Trung Âu... trong tinh thần khoa học, tranh luận rạch ròi, không khoan nhượng mà vẫn giữ được hòa khí giữa các thành viên, trong nước và ngoài nước (đến từ các châu lục đông, tây, nam, bắc). Nguyên nhân, tất nhiên phải kể đến tinh thần khoa học, ý muốn tìm hiểu về thực trạng đất nước, về bối cảnh quốc tế. Nhưng quan trọng nhất, đối với mọi người, là anh chị em bốn phương được gặp nhau, trong hội thảo, và (nhất là) ngoài hội thảo, trong các cuộc du ngoạn, những giờ phút giải lao, ăn uống chung. Sự gắn bó giữa hàng trăm người trong một phần tư thế kỷ vừa qua, mỗi người còn ghi nhớ theo trải nghiệm của riêng mình. Tôi chỉ cần minh họa bằng tấm ảnh, mà Trần Bằng vừa gửi từ Thụy Điển, chụp ở hội thảo Warsaw (2018): anh Vũ Quang Việt (New York) than đau lưng, được ông già hơn anh đúng mười tuổi – anh Thuần của chúng ta – “tẩm quất” miễn phí:

 

image Hội thảo Mùa hè 2018, Warsaw (2018), ảnh TB

 

Bốn năm qua, ở Paris – chắc các nơi khác cũng thế – bạn bè thế hệ chúng tôi thường chỉ có dịp gặp nhau ở những đám tang. Con cái đã lớn, không còn những đám cưới – thậm chí nhiều cặp trẻ chỉ ký khế ước sống chung, có kết hôn chính thức cũng không tổ chức tiệc cưới linh đình. Tôi có may mắn còn những dịp gặp anh Thuần chị Liên ngoài bối cảnh ấy (tất nhiên anh chị đã tới dự đám tang và lễ cầu siêu của Thanh Thiện, nhà tôi). Số là từ ngày anh chị dọn lên Saint-Ouen, ngoại ô bắc, để gần hai con, đa số chúng tôi vẫn ở ngoại ô nam, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn mời anh chị tham dự những bữa cơm tái ngộ ở ngoại ô nam hay trong thành phố Paris. Vì chúng tôi đã dọn về nội ô Paris, nên tôi kiếm thêm được công việc tài xế uber (ở trong nước là grab) đưa anh chị về Saint-Ouen mỗi lần. Đường về càng kẹt xe, chúng tôi càng có thêm thời giờ trò chuyện.

Nhưng viết về Cao Huy Thuần thật khó đối với tôi. Và có lẽ không gấp, vì trong một tuần qua, có biết bao nhiêu bài tâm huyết đã được công bố, kể cả từ một hai tác giả mới lần đầu tìm đọc một tác phẩm của Cao Huy Thuần. Vì hầu hết các tác giả đều chỉ đọc những cuốn sách và bài viết tiếng Việt đã được công bố trong nước những năm gần đây, nên trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin đóng góp một việc nhỏ: bổ sung thư mục Cao Huy Thuần.

Đầu tiên là những công trình nghiên cứu của anh đã xuất bản ở Pháp, viết bằng Pháp ngữ. Sau đó là danh mục những bài tham luận của anh tại các cuộc Hội thảo Mùa Hè.

Giáo sư trường đại học Picardie (Amiens), Cao Huy Thuần là tác giả hay đồng tác giả những công trình nghiên cứu chính trị, chiến lược địa - chính trị:

- Multinationales et droits de l'homme [Tập đoàn đa quốc gia và quyền con người], PUF, 1984.

- Guerre, éthique et pensée stratégique à l'ère thermonucléaire [Chiến tranh, đạo lý và tư tưởng chiến lược trong kỷ nguyên nhiệt nhân hạch] (viết chung với Raphaël Draï), L’Harmattan, 1988

- Regards sur le changement en Union soviétique [Những cái nhìn về thay đổi ở Liên Xô], PUF 1990, Publi. de l’Université de Picardie, 1992.

- Instabilités européennes, recomposition ou décomposition? [Bất ổn định ở Châu Âu, tái chấn chỉnh hay tan rã?] (viết chung với Raphaël Drai), L’Harmattan, Coll. Politiques  et Stratégies Internationales, 1992.

- Pobladores / Luttes sociales et démocratie au Chili [Pobladores / Đấu tranh xã hội và dân chủ ở Chilê], (viết chung với Raphaël Draï), L’Harmattan, 2000.

- (luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1969, chưa xuất bản, chỉ có bản dịch tiếng Việt được xuất bản ở trong nước) Christianisme et colonialisme au Vietnam (1857-1914) [Truyền giáo Kitô và chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam (1857-1914)]

Tại các cuộc Hội thảo Mùa Hè, anh đã có nhiều tham luận đã được đăng toàn văn trên các số của tạp chí Thời Đại Mới (có thể đọc trên mục Nối kết của tạp chí Diễn Đàn hay Thư viện của trường Đại học Harvard):

- Định chế, cái “đã” và cái “đang” (Liège, 1999)

- Can thiệp về Nhân quyền (Aix-en-Provence, 2001)

- Quan hệ Mỹ-Trung-Nhật-ASEAN sau khủng hoảng Á Châu (Maine, 2002)

- Nước Mỹ chúa tể (Muenchen, 2003)

- Xã hội dân sự (New York, 2004)

- Vạn đại dung thân (Đà Nẵng, 2005)

- Thế giới sau Bush (Nantes, 2007)

- Trách nhiệm xã hội của đại học (Nha Trang, 2008)

- An ninh (Paris, 2009)

- Từ bao giờ và bằng cách nào người Nhật thoát ra khỏi quỹ đạo tư tưởng của Trung Quốc? (Philadelphia, 2010)

- Trung Quốc muốn gì? (Toulouse, 2014)

- Dân chủ? Vẫn chỉ là mơ thôi? (Berlin, 2015)

- Bạn, thù và đam mê (Praha, 2016)

- “ Dân” và “ Bịp dân chủ nghĩa” (Peuple et Populisme) (Budapest, 2017)

- Trật tự? Trật tự gì? (Warsaw, 2018)

- Chừng mực (Porto, 2019)

Với tư cách thành viên Ban tổ chức, anh làm chủ tọa những phiên họp của hội thảo. Những năm cuối, anh nhìn khó khăn (sau một cuộc phẫu thuật mắt không thành), nhưng anh em không muốn mất đi một chủ toạ lão luyện, nên đã cử chị Đỗ Tuyết Khanh làm trợ tá. Nhà phiên dịch tài hoa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có đôi mắt tinh anh – chẳng thế còn kiêm nhiệm chức trách sửa lỗi chính tả (và ngữ pháp, từ vựng) của tạp chí Diễn Đàn – nhưng chẳng may nặng tai từ nhỏ. Trong mấy năm liền, bên cạnh anh Thuần, Khanh chỉ định người phát biểu trong cử tọa, mà anh Thuần lắng nghe rồi điều phối cuộc thảo luận. Ít có một hội thảo khoa học nào có một cặp chủ tọa kỳ thú và hiệu quả như vậy.

Hôm nay, ngày tiễn đưa anh về cõi Phật, tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ấy. Để tự an ủi rằng anh đã ra đi, an nhiên, như người vừa làm xong việc, trong vòng tay gia đình đông đủ, trong tiếng tụng kinh ngâm kệ ấm áp của Thầy Thiện Niệm.

15.7.2024

Nguồn: https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/dong-gop-vao-viec-liet-ke-thu-muc-cao-huy-thuan