Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Những bí mật Nguyễn Kim

Nguyễn Quang Lập

 

Nguyễn Phúc Tộc thế phảTiên nguyên toát yếu phổ tiền biên đều chép là Nguyễn Cam. Nguyễn Phúc Tộc thế phả tr. 7 chú rằng: “Theo phát âm của Khang Hy từ điển đọc là Cam, về sau đọc trại là Kim từ đó mọi người đọc là Kim”; đến tr. 97 lại chú một lần nữa: “Theo phát âm của Khang Hy tự điển, 淦 phải đọc là Cam. Từ trước đến nay quen đọc là Kim, nay sửa lại cho đúng”. Nhưng tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba trong bài Triệu tổ Nhà Nguyễn húy Kim hay Cam? (Tập san Văn hoá Phật giáo số 283 ngày 15.10.2017) thì cho rằng không phải và không nên gọi Nguyễn Kim là Nguyễn Cam.

 

clip_image002

Gia Miêu ngoại trang, nơi có tộc Nguyễn 15 đời nối tiếp nhau làm quan trong triều, đời nào cũng có người lập nên chiến tích. Riêng thời Lê Thánh Tông – thời thịnh nhất của cả Lê sơ lẫn Lê trung hưng, thời mà Nguyễn Thị Ngọc Hằng con gái Nguyễn Đức Trung là quí phi nhà vua –, tộc Nguyễn trang Gia Miêu có tới 200 quan trong triều. Ảnh Internet.

Nguyễn Kim sinh năm Mậu Tý 1468, con trai cả Trừng quốc công Nguyễn Hoằng Dụ (hoặc Trừng quốc công Nguyễn Văn Lựu). Mẹ họ Mai, tên huý không rõ. Tộc Nguyễn này có 5 đời nối tiếp nhau lấy vợ họ Mai, đó là Nguyễn Chiếm, Nguyễn Sừ (Quốc sử di biên chép là Nguyễn Trừ), Nguyễn Công Duẫn, Nguyễn Như Trác, Nguyễn Văn Lựu. Đến đời Nguyễn Kim mẹ vẫn họ Mai.

Nguyễn Kim có một tiểu sử “Tam vô”: Một: Không biết ông nội là ai, Nguyễn Như Trác hay Nguyễn Đức Trung? Hai: Không biết bố là ai, Nguyễn Văn Lựu (Lưu) hay Nguyễn Hoằng Dụ? Ba: Không biết vợ đầu là ai, thậm chí họ gì cũng không biết. Vợ hai, vợ ba đều có tên tuổi gốc tích, riêng vợ đầu hoàn toàn không. Đến mộ bà cũng không biết ở đâu, phả tộc chỉ ghi: “Đời truyền là táng chung vào lăng (Nguyễn Kim).” Đứa con cả là Nguyễn Uông làm quan đến chức Lãng quận công mà không biết sinh, mất năm nào. Riêng cái chết của Nguyễn Uông là một câu hỏi lớn.

Sử không chép gì về người khôi phục triều Lê trước, năm ông 60 tuổi, 1527. Nguyễn Phúc Tộc thế phả - Gia phả tộc Nguyễn ở Huế, chép: “Thời trai trẻ, ngài kiêm tài văn võ. Ban đầu ấm thụ làm quan coi lính. Đến đời vua Lê Chiêu Tông (1516-1524) giữ chức Tả vệ Điện tiền Tướng quân, tước An Hầu, trông coi tỉnh Thanh Hoa (tức Thanh Hoá)”. Nam Triều công nghiệp diễn chí chép đúng một câu: “An Tĩnh hầu Nguyễn Kim quê ở Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa, vì lúc trước ở Thăng Long từng có lần ngăn trở việc (Mạc) Đăng Dung xin quân nên Đăng Dung không vừa ý, bèn tức giận giải tán bộ thuộc, lui về quê quán.”

Thời Nguyễn Kim là thời loạn, vua quỷ Uy Mục (1486-1509), vua lợn Tương Dực (1493-1516), hết loạn Trần Cảo tới loạn Mạc Đăng Dung. Ông nội, cha và Nguyễn Kim đều gồng lên bảo vệ các triều nhà Lê. Có lẽ đó là lý do mà Bảo Trâm trong Ai là thân phụ Nguyễn Kim?, đã suy đoán có lý: “Biết đâu vì sợ sẽ bị truy sát mà tất cả hậu duệ của họ Nguyễn Tống Sơn [tức họ Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang] đã viết ra như thế, phải đưa ra một lý lịch khác [xoá bỏ và làm sai lệch] để bảo vệ ngài Nguyễn Kim.”

Thời loạn thật lắm bi hài. 1522 Mạc Đăng Dung phế Lê Y (Lê Chiêu Tông), lập Lê Xuân (Lê Cung Hoàng). 1527 Dung sai Phạm Kim Bảng giết Lê Y rồi về nghỉ ngơi ở quê nhà Cổ Trai. Vua Lê Xuân tưởng được yên thân, làm thơ Chu Công giúp Thành Vương ca ngợi Dung, sai mang đến Cổ Trai dâng lên Dung. Việt sử cương mục tiết yếu chép: “Hoàng đệ Xuân sai Tùng Dương, Phan Đình Tá cầm cờ tiết, mang kim sách, mũ ô lộng, trang phục, đai ngọc, kiệu tía, quạt hoa, tán tía đến Cổ Trai để tiến phong.” Chẳng dè mấy hôm sau Xuân bị Dung ép “nhường ngôi”.

Đại Việt sử ký toàn thư (viết tắt Toàn thư) chép: ”Ngày 15 tháng 5 Đinh Hợi 1527, các quan đã đứng ban chầu vẫn chưa có chiếu nhường ngôi. Các quan báo Lại bộ thượng thư Trương Phu Duyệt khởi thảo. Phu Duyệt trừng mắt mắng rằng: “Thế nghĩa là gì?”. Lại báo Đông các đại học sĩ Đạo Nguyện bá Nguyễn Văn Thái. Thái cầm bút thảo theo tờ chiếu….”

Trong đám quan đứng chầu hôm ấy có Nguyễn Kim. Ngài vừa lên kinh chầu. Kim núp sau lưng Đô ngự sử Nguyễn Thái Bạt, Bạt núp sau lưng Lễ bộ Thượng thư Đàm Thận Huy, Huy núp sau lưng Tham chính sứ Nguyễn Duy Tường, Tường núp sau lưng Quan sát sứ Nguyễn Tự Cường… Điện Cần Chánh hôm ấy lạnh như một nấm mồ.

Hôm sau người ta đem xác phế đế Lê Xuân về, cả triều xúm lại khóc than. Có đủ quan lại trong triều nhưng vắng Nguyễn Kim. Ngài đã lẻn về Thanh Hoá. Kỷ Sửu 1529 Nguyễn Kim 61 tuổi đem thuộc hạ con em chạy sang Ai Lao, cậy nhờ vua P’ot’isarat (Phật vương tương lai), người Việt gọi là Sạ Đẩu, nuôi chí phục nhà Lê, dựng cờ “Phù Lê diệt Mạc.”

Quí Tỵ 1533 Nguyễn Kim tìm được con trai Lê Chiêu Tông tên Lê Ninh, lập làm vua Trang Tông. Sử ký nước An Nam chép: “Vua Lê nghĩ công ơn Nguyễn Kim thì phong lên chúa”. Mới biết danh xưng “chúa” có từ đời Lê Trang Tông, khi Nguyễn Kim còn sống. Vì sao vua vội vàng tôn xưng công thần là chúa? Đó là một câu hỏi hay.

Toàn thư chép: “Vua là con Chiêu Tông”, lại chép “ở ngôi 16 năm thọ 34 tuổi.” Từ năm vua mất 1548 suy ra năm sinh vua Trang Tông là 1515. Lê Chiêu Tông, vẫn theo Toàn thư, sinh 4.10.1506. Nghĩa là vua Chiêu Tông đẻ vua Trang Tông năm 9 tuổi! Bật cười luôn. Nhưng dò xuống đoạn dưới thấy chép: “Vua là con Chiêu Tông, cháu xa đời của Thánh Tông, mẹ là Phạm Thị, huý là Ngọc Quỳnh, người sách Cao Trĩ, huyện Thụy Nguyên. Khi Đăng Dung cướp ngôi, vua tránh về Thanh Hóa”. Ý đoạn này nói thời gian Chiêu Tông lánh Đặng Dung ở Thanh Hoá có gần gũi ngự nữ Ngọc Quỳnh, rồi như vầy như vầy… mà sinh ra vua Trang Tông.

Vẫn theo Toàn thư, đó là năm 1522 và ở Sơn Tây (chứ không phải Thanh Hoá): “Ngày 27.7.1522 vua chạy ra huyện Minh Nghĩa ở Sơn Tây. Khi ấy Mạc Đăng Dung uy quyền ngày một lớn, lòng người đều hướng theo. Đăng Dung đem con gái nuôi vào hầu vua […]”. Không biết Ngọc Quỳnh có phải là con gái nuôi của Đăng Dung hay không, nhưng chắc chắn con của họ, tức vua Trang Tông, phải sinh sau 1522. Lúc đó Chiêu Tông đã 16 tuổi, làm bố được rồi.

Tuy nhiên người ta vẫn có quyền nghi ngờ Trang Tông không phải con Chiêu Tông. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (viết tắt Cương mục) chép: Đăng Doanh được tin quân Minh sang đánh, cả sợ, liền sai đồ đảng là bọn Nguyễn Văn Thái đem tờ biểu đầu hàng sang Minh nói dối trá rằng: “[…] Đến như người nhận là dòng dõi họ Lê bây giờ chỉ là con của kẻ khác, chứ không phải là con của Chiêu Tông". Sử nhà Nguyễn đã chép nhẹ đi, Minh Thực lục chép khác : “Phương Doanh sợ, bèn sai Đầu mục bọn Phạm Chính Nghị dâng biểu xin hàng […] Nhân kể rằng Lê Ninh là con cháu dòng họ Nguyễn, mang ấn giả, không đủ làm bằng”. Còn dân gian thì nói trắng phớ: Nguyễn Kim dựng con mình lên ngôi, nói dối là con của Chiêu Tông.

Từ tiểu sử mẹ con Nguyễn Uông hết sức mù mờ, hầu như không rõ tung tích, người ta có thể đặt câu hỏi: Liệu nhà Mạc có dâng biểu vu khống hay không?

Đây là việc trọng, Nguyễn Kim lập tức cử Trịnh Duy Liêu (Cương mục chép là Liễu) đi sứ nhà Minh trình cho rõ lai lịch Lê Ninh (tức Trang Tông). Cương mục chép: “Duy Liễu trần tình hàng vài nghìn từ. Lời trung nghĩa mà đầy giọng căm hờn, hăng hái mà sục sôi tức bực, khiến người đọc phải xót xa.”

Minh Thế Tông cũng cẩn thận, cử Mao Bá Ôn sang điều tra, làm rõ việc này. Toàn thư chép: “Tháng 10 ngày 20-1541- Bọn Mao Bá Ôn nhà Minh dâng biểu tâu về Yên Kinh nói rằng: “[…] Còn như Lê Ninh tuy tự xưng là con cháu họ Lê, nhưng cứ theo các ty tra xét, thì ngọn ngành tung tích khó biết rõ ràng. Trịnh Duy Liêu có lén lút tới các động trại ở châu Thạch Lâm nước ta, sát vùng thổ quan Quảng Tây, nhưng mặt mũi Lê Ninh ra sao cũng không biết, cho nên khi thì gọi là Lê Ninh, khi thì gọi là Lê Hiến, lúc thì gọi là Quang Hòa, có lúc lại bảo họ Trịnh trá xưng. Còn Trịnh Viễn thì khai rằng ở động Tất Mã Giang có Lê Ninh thật, nhưng lai lịch tông phái không biết được rõ; những điều trình bày về tuổi tác, nét mặt, lại khác với lời khai cũ của Trịnh Duy Liêu, đều khó dựa vào đó mà nghe được.”

Biểu tâu Mao Bá Ôn bất lợi như thế mà sử nhà Nguyễn là Cương mục vẫn chép nguyên xi của Toàn thư, đủ biết “sự tích Lê Ninh” có vấn đề. Từ đây thuyết âm mưu có thể dựng ngay câu chuyện: Năm 1529 Nguyễn Kim sang Lào, ông gửi Nguyễn Hoàng hai tuổi cho anh vợ Nguyễn Ư Dĩ ở quê, rồi cho mẹ con Nguyễn Uông lặng lẽ lên thượng lưu Sông Mã trú ở động Tất Mã Giang. Uông lấy tên Ninh. Hai năm sau, 1533, Nguyễn Kim mật sai hai anh em Trịnh Duy Liêu, Trịnh Duy Tuấn lên Tất Mã Giang đón “Lê Ninh” về Sầm Nưa, phao lên chuyện mà Việt sử cương mục tiết yếu đã chép: “Trịnh Duy Tuấn trấn giữ Thanh Hóa, Chiêu Tông ra Lạc Thổ đánh Mạc Đăng Dung, để hoàng tử Ninh ở lại Tây Đô, sai Duy Tuấn bảo vệ. Chiêu Tông thua trận bị cướp đi. Duy Tuấn sai Lê Quan bế Ninh chạy sang Ai Lao ẩn trốn.”

Câu chuyện của thuyết âm mưu khó nghe nhưng không khó tin. Nó đủ để cho biết vì sao Nguyễn Uông không biết sinh tử năm nào, không biết cả việc sau Nguyễn Kim mất năm 1548 Uông mấy tuổi, con nít hay người lớn, mà sử nhà Nguyễn lại biết ngài “lập được nhiều chiến công”, làm đến chức tả tướng tước Lãng quận công, và “bị Kiểm làm hại”. Hèn gì vừa lên ngôi Uông đã gọi Kim là chúa, chúa còn hơn cha.

Nguyễn Kim nhiều bí mật đến nỗi cả cái chết cũng là một bí mật. Chuyện viên tướng nổi tiếng nhà Mạc là Trung hậu hầu Dương Chấp Nhất trá hàng được vua Lê tin dùng ngay, dâng dưa hấu tẩm thuốc độc giết chết Nguyễn Kim lại có thể thoát được dễ dàng “trốn về được nhà Mạc”, thôi thì cứ tin thế đi. Nhưng nấm mộ của Chiêu Huân Tĩnh Công không cánh mà bay là sao đây? Nguyễn Phúc Tộc thế phả chép: “Linh cữu ngài được đưa về Bái Trang, huyện Tống Sơn (Thanh Hoá), táng tại núi Thiên Tôn. Khi táng, trời nổi mưa gió sấm chớp, ai cũng sợ hãi bỏ chạy. Lúc trời trở tạnh trở lại đá núi, cây cỏ tươi tốt, không biết huyệt táng nơi nào nữa.”

 

image

Miếu Triệu Tổ thờ Nguyễn Kim trong Kinh thành Huế. Ảnh Internet.

Tạ Chí Đại Trường trong Bài sử khác cho Việt Nam (tr. 250), đã phải ngậm ngùi than: “Cái mả của ông tổ một dòng họ vinh hiển tột cùng mà cho đến nay chỉ được đánh dấu bằng mấy tấm đá giữa rừng sâu, dưới chân núi Thiên Tôn, vì ngay cả khi con cháu lên làm vua cũng không tìm ra đích xác nơi chôn cất, chỉ dựa vào nơi đó làm điểm cúng tế, gọi trang trọng là Phương Cơ / Nền Vuông […]. Việc mất dấu vết chỉ được hiểu là đương thời người ta đã theo một táng thức khác ngày nay, dưới cái tên tốt đẹp là “thiên táng,” nói nôm na là bỏ mặc ngoài rừng!”

Sự này muốn tin cũng rất khó.

Củ Chi, 2.2024

………………

Tham khảo:

1. Bảo Trâm, Ai là thân phụ Nguyễn Kim?, https://nghiencuulichsu.com/2018/01/04/ai-la-than-phu-ngai-nguyen-kim/

2. Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, Hoàng Văn Lâu dịch. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.

3. E. Quyển, Sử ký nước An Nam kể tắt (in lần thứ sáu). Imprimerie de Quinhon, 1930.

4. Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Nguyễn Phúc Tộc thế phả. Thuận Hóa, Huế, 1995.

5. Minh thực lục (ba tập), Hồ Bạch Thảo dịch và chú thích, Phạm Hoàng Quân hiệu đính và bổ chú. Nhà xuất bản Hà Nội, Hà Nội, 2010.

6. Nguyễn Khoa Chiêm, Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch, chú và giới thiệu. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2017.

7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Viện Sử học dịch. Giáo Dục, Hà Nội, 1998.

8. Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên, Đỗ Mộng Khương dịch. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2009.

9. Sử quán triều Hậu Lê, Đại Việt sử ký toàn thư. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

10. Tạ Chí Đại Trường, Bài sử khác cho Việt Nam. Văn Mới, 2009.

11. Tôn Thất Hân, Tiên nguyên toát yếu phổ tiền biên, Ưng Bình và Ưng Tôn dịch. Tiếng Dân, Huế, 1935.