Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

Sự nghiệp học thuật của Trương Vĩnh Ký qua nhận xét của Nguyễn Văn Tố(*)

Trần Thanh Ái

 

Có lẽ không có một tác giả nào trên thế giới gây ra nhiều tranh luận dai dẳng như Trương Vĩnh Ký. Những tưởng sự ra đời của quyển sách dày Petrus Ký Nỗi oan thế kỷ do Nguyễn Đình Đầu chủ biên năm 2016 sẽ làm sáng tỏ những nỗi oan ức của Trương Vĩnh Ký như tên gọi của tài liệu, nhưng thình lình có lệnh ngưng việc phát hành sách, khiến độc giả không biết cuộc giải oan đã được tiến hành ra sao, và nhất là họ mất cơ hội đọc nhiều tài liệu thú vị. Một trong số đó là bản dịch bài biên khảo công phu bằng tiếng Pháp của học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố có tựa là “Petrus Ký (1837-1898)” phân tích và đánh giá những đóng góp học thuật trên nhiều lĩnh vực của Trương Vĩnh Ký. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu nhận xét của Nguyễn Văn Tố về công việc san định các văn bản cổ của nền văn học Việt Nam ra chữ quốc ngữ, và các công trình sử học của ông, còn những mảng khác thì xin hẹn lại trong một dịp khác.

I . Bên lề bài biên khảo

1.1. Từ một ghi nhận của Nguyễn Văn Trung

Trong công trình Hồ sơ về Lục châu học (2015), Nguyễn Văn Trung có một ghi nhận vừa bất ngờ lại vừa thú vị:

“Không phải những học giả khác ở Bắc Hà đều đánh giá Trương Vĩnh Ký như Phạm Quỳnh. Không kể Lê Thanh đã vào Saigon để tìm tài liệu biên soạn một cuốn sách về Trương Vĩnh Ký (Phổ thông chuyên san, Tân Dân xuất bản, Hà Nội, 1943), chỉ cần nhắc tới bài biên khảo dài, rất nghiêm túc và khách quan khoa học của Nguyễn Văn Tố mà cho đến nay rất ít người biết đến, đăng trong Bulletin de la Société de l’enseignement mutuel au Tonkin, tome XVII, 1937. Chỉ những người cỡ như cụ Nguyễn Văn Tố mới có khả năng phê bình Trương Vĩnh Ký về Nho học, văn học cổ Việt Nam (chữ nho, chữ nôm, chữ quốc ngữ), về mặt chú thích, hiệu đính văn bản, về ngôn ngữ học… Bây giờ chúng ta có làm, mỗi người có thể chỉ làm được một mặt, và có lẽ không hơn gì cụ Tố” (Nguyễn Văn Trung, 2015, tr. 42-43).

Đoạn trích trên đây nằm trong chú thích (3) trong chương mở đầu nói về “Một mảng văn học bị bỏ quên, bị bỏ qua” của công trình nói trên. “Bài biên khảo dài, rất nghiêm túc và khách quan khoa học” mà Nguyễn Văn Trung nói đến mang cái tựa rất đơn giản: “Petrus Ký (1837-1898)” dài 43 trang (tr. 25 – tr. 67). Đó là bài viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trương Vĩnh Ký, mà ngày nay ai ai cũng có thể dễ dàng tìm được trong cơ sở dữ liệu trực tuyến Gallica của Pháp và tại nhiều địa chỉ khác. Chúng tôi bất ngờ vì lời nhận xét “rất ít người biết đến bài báo” này, và nhất là bị thu hút bởi câu “chỉ những người cỡ như cụ Nguyễn Văn Tố mới có khả năng phê bình Trương Vĩnh Ký”. Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng nhận thấy rằng từ khi bài báo được công bố đến nay chẳng có mấy nhà nghiên cứu Trương Vĩnh Ký tham khảo và trích dẫn(1). Họa hoằn lắm mới có năm ba người chỉ nhắc đến câu kết luận của bài báo: cuộc đời ấy có thể tóm gọn lại trong ba từ “Bác học, Tâm thuật, Khiêm tốn” mà ai đó đã dịch từ nguyên văn tiếng Pháp “Science, Conscience et Modestie”. Tất cả những cây bút lên án ông không ai nhắc đến bài báo; một số người chỉ dựa vào đánh giá vội vàng của Phạm Quỳnh năm 1918 lúc ông mới trở về Hà Nội sau chuyến đi “Một tháng ở Nam kỳ”: “Ông Trương chẳng qua là một nhà làm sách giáo khoa thường cho con nít học mà thôi, đã có công nghiệp gì với tổ quốc, đã từng bao giờ đem cái xác La tinh mà đựng hồn Nam Việt? Chẳng dám khinh người trước, nhưng những bậc danh sĩ nước Nam cứ như ông Trương cả thì cũng không lấy gì mà vẻ vang cho nước lắm” (Phạm Quỳnh 1918, tr.199). Nhận xét này có lẽ không phải là do một phút bốc đồng “ăn miếng trả miếng” với một độc giả của báo Nam Phong (lúc ấy Phạm Quỳnh được 26 tuổi), mà có thể đó là kết quả của sự tìm hiểu chưa cặn kẽ của Phạm Quỳnh, được ông bộc bạch sau khi đã “rào trước” bằng mấy chữ “Chẳng dám khinh người trước”. Từ đó, một số cây bút dùng nhận xét này để dè bỉu Trương Vĩnh Ký, hoặc hấp tấp cho rằng “chưa ai thực sự kiểm kê và lượng giá toàn bộ công trình của ông”, vì họ không biết đến những đánh giá “rất nghiêm túc và khách quan khoa học” trong bài viết của Nguyễn Văn Tố.

 

image

Chân dung Nguyễn Văn Tố và bài viết của ông trên tập san Bulletin de la Société de l’enseignement mutuel au Tonkin, tome XVII, 1937 (tr. 25-67).

 

1.2. Đến một bản dịch còn nhiều sạn

Có lẽ nguyên nhân khiến cho bài khảo cứu rất công phu của Nguyễn Văn Tố không được nhiều nhà nghiên cứu tham khảo là vì bài báo được viết bằng tiếng Pháp, một ngoại ngữ ngày càng ít thông dụng tại Việt Nam. Gần đây, trên trang web Quỹ Phan Chu Trinh, trong mục Ngôi đền tinh hoa văn hóa(2) có công bố bản dịch của Nguyên Ngọc (không ghi ngày) với tựa là “Đôi nét về danh nhân văn hóa Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Có lẽ đây là bản dịch trọn vẹn đầu tiên bài viết của Nguyễn Văn Tố, nhưng tiếc là nó chưa được chăm chút cẩn thận, vì còn khá nhiều lỗi đánh máy và cả những đoạn dịch tối nghĩa, thậm chí lỗi dịch sai. Bản dịch này sau đó được Ban Tổ chức Triển lãm và hội thảo Trương Vĩnh Ký năm 2018 ở California đưa vào Kỷ yếu (tr. 193-234) mà không biên tập lại. Trước đó không lâu, Nguyễn Đình Đầu đã tổ chức hiệu đính và sửa chữa bản dịch này và cho in trong quyển Petrus Ký Nỗi oan thế kỷ (tr. 371-tr. 410), tuy nhiên vẫn không tránh khỏi một số hạt sạn còn rơi rớt lại. Tuy chỉ là những lỗi không quá quan trọng, nhưng chẳng những nó có thể làm mờ nhạt ít nhiều giá trị mà Nguyễn Văn Tố đã chỉ ra về các hoạt động học thuật của Trương Vĩnh Ký, mà còn khiến người đọc không nhận ra được sự tinh tường và uyên bác của Nguyễn Văn Tố trong những nhận xét và phê bình của ông. Vì thế, thiết tưởng rất cần có một bản dịch với ít sai sót hơn để độc giả tiếp cận đầy đủ những đánh giá của Nguyễn Văn Tố về sự đóng góp của Trương Vĩnh Ký vào nền học thuật thời kỳ đầu của chữ quốc ngữ ở Nam kỳ. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi sẽ cố gắng giới thiệu nhiều đoạn trong bài viết của Nguyễn Văn Tố, để độc giả có thể cảm nhận được sự uyên bác và tinh tế của cả hai nhà thông thái sống ở hai miền đất nước, vào hai giai đoạn lịch sử khác nhau.

image

Bài viết của Nguyễn Văn Tố (Nguyên Ngọc dịch) trong Kỷ yếu Triển lãm và hội thảo Trương Vĩnh Ký (2018, tr. 193-234)

image

Bài viết của Nguyễn Văn Tố (Nguyên Ngọc dịch) trong quyển Petrus Ký Nỗi oan thế kỷ (Nguyễn Đình Đầu chủ biên, 2016)

 

Cũng cần nói thêm là trong quyển Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký (tái bản năm 2013), những người chủ biên đã công bố một tài liệu được ghi là “Trích bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trương Vĩnh Ký” được Nguyễn Văn Tố trình bày năm 1936. Rất tiếc là họ không cung cấp thêm thông tin về bài phát biểu này; nhưng dựa vào chi tiết ít ỏi nói trên, chúng ta có thể giả định rằng đó là bản phác thảo mà sau đó ông đã triển khai đầy đủ thành bài viết công bố năm 1937.

II Nội dung đánh giá của Nguyễn Văn Tố

Bài viết của Nguyễn Văn Tố trình bày những đánh giá khá toàn diện về sự nghiệp học thuật của Trương Vĩnh Ký. Đặc biệt nhất là nó đã cho người đọc thấy được những giá trị mà chỉ có những người am tường nhiều lĩnh vực khác nhau mới hiểu rõ được những khó nhọc cũng như những giá trị của sản phẩm. Nguyễn Văn Tố đã đưa người đọc từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi chỉ ra những tinh túy ẩn sau các công trình của Trương Vĩnh Ký, từ việc phiên chuyển các tài liệu chữ Hán Nôm ra chữ quốc ngữ, đến việc ghi ra chữ quốc ngữ những truyện dân gian mà một số người cho là “chuyện tầm phào”, hoặc các tài liệu dùng trong dạy học, các công trình biên khảo về lịch sử, ngôn ngữ, về từ điển, v.v. Tất cả đều được Nguyễn Văn Tố chỉ ra các giá trị độc đáo của nó khi thì ẩn dưới cái vỏ bọc ngây ngô của chữ quốc ngữ vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, nhưng có lúc lại hiện ra trong các công trình viết bằng tiếng Pháp chuẩn mực, khách quan.

Mở đầu bài viết, Nguyễn Văn Tố đã tổng hợp những tài liệu viết về Trương Vĩnh Ký cho đến năm 1937, là năm ông viết bài biên khảo này. Trong một câu ngắn, ông đã khái quát được đặc điểm của các tài liệu ấy:

“[Những tác giả ấy] đã không xác định được tính chất và sự độc đáo của những công trình đã tạo nên danh tiếng của Petrus Ký và đã đem lại cho ông lúc tuổi già niềm vinh dự được xem là người đứng đầu tôn kính của nhóm những nhà An Nam học, gồm những nhà nho tinh thông và những nhà bác học uyên thâm, những người đang chiếm giữ một vị trí rất quan trọng trong các hội nghiên cứu Đông Dương” (Nguyễn Văn Tố 1937, tr. 27)(3).

Về số lượng và sự đa dạng của các thể loại ấn phẩm, Nguyễn Văn Tố không liệt kê dài dòng như nhiều tác giả khác đã làm, mà ông chỉ tóm tắt sơ lược trong mấy dòng súc tích nhưng lại có thể nêu bật giá trị của tài năng của Trương Vĩnh Ký trên nhiều lĩnh vực học thuật:

“Người đọc phải bối rối khi đọc danh sách các tài liệu [do Trương Vĩnh Ký biên soạn], chúng làm cho ta gần như hoảng sợ bởi số lượng và sự đa dạng của chúng. Trong số những tập sách nhỏ đôi khi rất ngắn, trong số những tài liệu chưa được khai thác đầy đủ và được liệt kê tựa đề trong danh mục do chính tay ông viết ra, có những cuốn nói về ngôn ngữ và văn học An Nam, về các ngôn ngữ Ấn Độ và Đông Dương, về các tác giả kinh điển Trung Hoa. Những cuốn liên quan đến văn học dân gian không hiếm; nhưng trong danh mục đồ sộ này đó chỉ là những ngoại lệ cho chúng ta thấy trí tò mò của nhà bác học họ Trương rất là mãnh liệt, và tri thức mà ông lĩnh hội đã được trang bị rất hùng hậu để có thể đi tìm kiếm những điểm đối sánh và những thông tin bổ sung trên những vùng đất bên ngoài lĩnh vực riêng của mình” (Nguyễn Văn Tố 1937, tr. 28-29).

2.1. Về các công trình chuyển từ chữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ

Dưới con mắt người đọc bình thường như chúng ta, rất ít người thấy được những dụng công và tài năng của người chuyển ngữ và chú giải các văn bản cổ nói chung, và các văn bản Hán Nôm sang chữ quốc ngữ nói riêng. Nhưng dưới mắt của người nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực này, Nguyễn Văn Tố đã chỉ cho chúng ta thấy được những cống hiến to lớn của Trương Vĩnh Ký, ngoài những nỗ lực vượt qua khó khăn của người tiên phong, mà còn về phương pháp làm việc mà ông đã lĩnh hội từ giới tinh hoa phương Tây, cũng như tình yêu của ông đối với văn học cổ Việt Nam khiến ông đã dành phần lớn tâm trí để ghi lại bằng chữ quốc ngữ:

“Chính với tư cách người san định các văn bản(4) [từ chữ Hán Nôm ra chữ quốc ngữ] mà Petrus Ký bắt đầu nổi danh là nhà nho. Trong quá trình nghiên cứu chữ Hán và chữ Nôm, ông quan tâm rất ít đến vấn đề phương pháp và sự táo bạo của cách khảo sát từng chữ(5), như một số nhà nghiên cứu cổ ngữ Hy Lạp ở châu Âu đã làm lúc bấy giờ; tuy nhiên những phương pháp của họ đã để lại dấu vết trong tâm trí ông. Càng chú tâm đọc các văn bản bằng chữ Nôm từ năm này qua năm khác, ông càng nhận ra ích lợi mà cách phê bình sáng suốt còn có thể mang lại cho các tác giả: văn bản của họ được lập nên từ các nguyên cảo còn hàm chứa nhiều cách hiểu(6) nhưng không có nghĩa đối với họ, hoặc chỉ có một nghĩa nhưng không thỏa mãn được người đọc. Từ đó ông muốn thử sức trong công việc nhuận sắc và hoàn thiện các văn bản cổ; nhưng điều khiến ông quyết định dồn hết sức lực vào công việc này, là khi ông đọc một bản chữ Nôm của tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du” (Nguyễn Văn Tố 1937, tr. 29).

image

Poème Kim-Vân-Kiều truyện, in lần thứ nhất (1875)

 

image

Đại-Nam cuốc Sử kí diễn ca, in lần thứ nhất (1875)

 

Ngay trong lời nói đầu của Kim-Vân-Kiều truyện, Trương Vĩnh Ký đã khiêm tốn cho biết cách làm việc của ông như sau:

“Chúng tôi đã rất thận trọng để làm ra một bản phiên chuyển sát sao, và chúng tôi hy vọng quy tắc chính tả rõ ràng mà chúng tôi đã áp dụng trong việc ghi các thanh cũng như các âm cuối của từ có thể có ích cho những ai theo đuổi việc học và hiểu biết chữ quốc ngữ, là hình thức ngôn ngữ viết còn mới mẻ, mặc dù đã tồn tại từ hơn hai thế kỷ rưỡi, nó giúp cho những ai kiên trì học hỏi tiến nhanh trên con đường tri thức nhân loại.” (Trương Vĩnh Ký P. J. B. 1875, tr. 6).

Nhưng với con mắt tinh tường của người có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu văn học cổ viết bằng Hán Nôm, chẳng những Nguyễn Văn Tố đã nhận ra công sức, tài năng của Trương Vĩnh Ký mà ông còn thấy cả những cạm bẫy mà người đi tiên phong luôn vướng phải:

“Công việc san định Truyện Kiều của Nguyễn Du là một công trình mà ông thực hiện lúc còn trẻ, điều đó giải thích những ưu điểm và khiếm khuyết của nó. Khi bắt đầu những công việc của một người san định văn bản cổ, Trương Vĩnh Ký đã chịu ảnh hưởng của một số nhà Hy Lạp học châu Âu nhiều hơn là ông tự nhận ra. Ông vẫn còn một lòng tin không giới hạn vào quyền được sửa chữa những cách hiểu của các nguyên cảo ngay cả khi mà các nguyên cảo này đã thuận với những cách hiểu ấy, quyền được sửa chữa những cách hiểu mỗi khi chúng có vẻ sai trái và phản cảm, cái quyền mà mọi đầu óc chính trực và tinh tế đều có thể có được” (Nguyễn Văn Tố 1937, tr. 31).

Và tiếp sau đó, Nguyễn Văn Tố cũng đã chỉ cho chúng ta thấy rằng Trương Vĩnh Ký đã nhận ra vấn đề rồi tìm cách khắc phục để hoàn thiện hơn: “Sau này, khi thời gian làm việc lâu dài với các văn bản đã giúp ông khôn ngoan hơn, ông đã tỉnh ngộ về thái độ xem nhẹ các nguyên cảo ấy” (Nguyễn Văn Tố 1937, tr. 31). Đó chính là trường hợp cuốn Đại-Nam cuốc sử kí diễn ca mà Nguyễn Văn Tố đã nhận ra sự thay đổi của ông trong cách san định văn bản:

“Tuy nhiên cuốn Đại-Nam quốc sử-kí diễn-ca (1875) mà Petrus Ký xuất bản cùng năm đã là một thể nghiệm khảo sát văn bản khá tốt. Đương nhiên trên nhiều điểm kết quả chỉ có thể có tính chất giả định. Nhưng các giả thuyết của Petrus Ký không phải là vu vơ: chúng dựa trên những nghiên cứu văn bản rất tỉ mỉ và rất chăm chú, trên sự phân tích và mối quan hệ giữa các sự kiện, trên tiết tấu nhịp nhàng của các đoạn câu. Tác giả không lạm dụng tiêu chí này, mà bằng kết quả đạt được, ông cho thấy ích lợi có thể rút ra được từ đó, khi ta không áp đặt cho văn bản một hệ thống định trước, mà chỉ quan sát cấu trúc một cách thông minh” (Nguyễn Văn Tố 1937, tr. 31).

Trong đoạn trích này người đọc có thêm dịp làm quen với khái niệm “khảo sát văn bản” (nguyên văn: critique textuelle) mà Nguyễn Văn Tố đã nhận ra trong phương pháp san định Đại-Nam cuốc sử kí diễn ca của Trương Vĩnh Ký. Đó là phương pháp đối lập với phương pháp “khảo sát từng chữ” (critique verbale) đã nói bên trên, được Jan Joosten định nghĩa là “theo cách hiểu truyền thống, khảo sát văn bản có mục tiêu xác định các sai sót và chỉnh sửa các sai sót đó” (Joosten, J. 2008, tr.13).

Nhận xét về các công trình mà Trương Vĩnh Ký đã phiên chuyển sang chữ quốc ngữ trong khoảng thời gian từ năm 1881 đến khi lìa đời, từ các sáng tác của Trần Hy Tăng, Lê Văn Hớn, Đặng Huỳnh Trung, Ngô Nhân Tịnh, Nguyễn Đình Chiểu…, Nguyễn Văn Tố đã phát hiện ra sự hoàn thiện từng bước của ông trong thể loại này:

“Chính trong những bài thơ này Petrus Ký đã thể hiện sự điều độ của người san định văn bản cổ tốt hơn, đã biết kết hợp tốt nhất giữa sự tôn trọng các nguyên cảo với sự khéo léo của người hiệu đính, với sự phán đoán cần có khi bản thảo chỉ trưng ra một nghĩa không hiểu được. Trong tất cả những thành quả của ông thuộc thể loại này, đó là công trình khiến ông hài lòng hơn cả” (Nguyễn Văn Tố 1937, tr. 32).

Cũng cần lưu ý rằng chỉ có Nguyễn Văn Tố mới cho chúng ta thấy mục đích cao cả của Trương Vĩnh Ký khi ông chọn san định và chuyển ngữ những tác phẩm Hán Nôm nói trên, thay vì làm công việc nhẹ nhàng là dịch truyện Tàu để giải khuây cho độc giả như nhiều cây bút khác:

“Như có thể thấy qua tên của các tác phẩm vừa được ghi ra bên trên(7), điểm nổi bật của Petrus Ký với tư cách một người san định [văn bản cổ], đó là ông chọn văn bản của các nhà văn lớn để nghiên cứu, và ông kiên trì với quyết định ấy. Trong công việc này ông đã thể hiện tất cả các phẩm chất mà người ta có quyền đòi hỏi ở tác giả của một công trình san định tiên khởi. Ông đã xuất sắc trong việc bổ khuyết và phỏng đoán. Lẽ ra ông đã có thể hài lòng với thành công này đến độ không theo đuổi tham vọng khác nữa; nhưng ông có lý khi tin rằng ông có thể phục vụ tốt hơn lợi ích của việc học tập của chúng ta bằng cách giúp những ai muốn tìm hiểu và thưởng thức tốt hơn các tác phẩm Nữ tắc, Gia huấn ca, Phan Trần, hay Lục Văn Tiên. Khi đảm nhận vai trò này, ông đã sử dụng năng lực phê bình và kiến thức của mình tốt hơn là nếu ông dùng năng lực và kiến thức ấy để dịch những cuốn tiểu thuyết Trung Hoa cổ, như một tác giả nào đó mà chúng ta có thể dễ dàng nêu tên, mà một số cuốn đó có lẽ đã nằm im trong bóng tối của các thư viện chúng ta.” (Nguyễn Văn Tố 1937, tr. 32)

Với đôi mắt của người am tường trong lĩnh vực này, Nguyễn Văn Tố cho chúng ta thấy giá trị của các công trình phiên chuyển ra chữ quốc ngữ đầu tiên của Trương Vĩnh Ký: trong lời đề tựa quyển Trương Vĩnh Ký – biên khảo của Lê Thanh (1943), ông viết:

“Những truyện nôm như truyện Kiều, truyện Phan Trần, mà ông dịch ra quốc ngữ đầu tiên, tất cũng có chữ sai, nhưng không nên vin vào đấy mà phê bình, vì chữ nôm của ta là một thứ chữ không có tự điển, mỗi người viết một cách, khó lòng đọc cho đúng ngay: thử lấy một quyển nôm nào chưa ai dịch ra quốc ngữ mà đọc xem, có lắm chữ không tài nào đọc nổi, thế mới biết cái tài học của Trương Vĩnh Ký đáng tôn trọng, đáng kính phục biết bao nhiêu” (Lê Thanh, 1943, Tựa).

Tóm lại, Nguyễn Văn Tố đã cho độc giả thấy Trương Vĩnh Ký đã nhìn nhận văn học cổ Việt Nam như thế nào, đã dụng công như thế nào để phiên chuyển từ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ, cũng như đã truyền nhiệt huyết của mình sang các thế hệ học trò của ông:

“Ông là một giáo sư ngoại hạng, đó là bởi vì ông đã cho học trò của ông thấy được trong các tác giả An Nam những người đầu tiên biết cách áp dụng suy nghĩ trong phân tích các hiện tượng đạo đức và xã hội, rồi trình bày một cách có phương pháp những ý tưởng được gợi lên từ những cảnh đời. Ông chỉ ra cho học trò thấy một số nhà thơ diễn đạt cảm động và trung thành những tình cảm giản dị nhất và sâu lắng nhất của tâm hồn con người, những tình cảm tạo nên nền tảng của tâm hồn và vẫn tồn tại qua mọi thay đổi chế độ. Đối với Petrus Ký, văn học cổ An Nam mãi mãi là một người thầy mà chúng ta còn nhận được nhiều bài học, một người thầy của tư tưởng tự do và trong sáng, của xúc cảm chân chất và ngay thẳng” (Nguyễn Văn Tố 1937, tr. 33).

2.2. Về truyện dân gian

Đối với nhiều độc giả, các truyện dân gian mà Trương Vĩnh Ký đã sưu tầm và ghi ra bằng chữ quốc ngữ chỉ là những chuyện giải sầu, như chính cái tựa mà văn hào đã đặt bằng tiếng Pháp passe-temps (trò tiêu khiển để giết thời gian), nhưng Nguyễn Văn Tố lại nhìn thấy trong sâu thẳm của tư tưởng Trương Vĩnh Ký thông qua việc phổ biến thể loại này một tinh thần dân chủ và bình đẳng trong hoạt động tinh thần của mọi tầng lớp xã hội. Nó hướng tầm nhìn về phía quảng đại quần chúng để khai thác kho tàng văn học bình dân mà trước đó các nhà nho không mấy quan tâm đến:

“Là đại diện của truyền thống xem việc nghiên cứu tiếng An Nam văn học gói gọn vào việc hiểu biết chữ Hán, ông đã rất sáng suốt để không bị bất ngờ về nguồn tài nguyên của một lĩnh vực đang không ngừng phát triển; ông hiểu tầm quan trọng của những nghiên cứu mà ông không hề xa lạ. Vả lại các tập truyện dân gian của ông (Chuyện đời xưa… 1866, Chuyện khôi hài… 1882) có cái đặc sắc của sự chân thành, và khi đọc thì người ta tin dễ dàng: đây đúng là truyện dân gian lấy từ ngọn nguồn tinh khiết nhất, mà người sưu tập chỉ để lại dấu vết của mình rất ít. Nhưng đó vẫn là kết quả của sự lựa chọn, bởi vì, qua những chuyến đi khắp nước An Nam, Petrus Ký còn được nghe kể nhiều chuyện ngụ ngôn mà ông thấy không cần xuất bản. Do sức hấp dẫn kép ấy, cộng thêm sức hấp dẫn của hình thức, các tập truyện của Petrus Ký đáng nhận được sự chú ý của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nào quan tâm đến các truyện kể về súc vật hoặc truyện Tiếu lâm mà một số người coi là quả tạc đạn châm biếm của tinh thần An Nam.” (Nguyễn Văn Tố 1937, tr. 34)

Việc làm này vừa có ý nghĩa tôn vinh kho tàng kiến thức bình dân và cũng đồng thời quảng bá chữ quốc ngữ như là một công cụ hữu hiệu để mọi tầng lớp nhân dân có thể sử dụng dễ dàng. Trong lời nói đầu của quyển sách giáo khoa Manuel des écoles primaires (1876-1877), ông đã khẳng định vai trò của chữ quốc ngữ đối với sự phát triển đất nước, và trong suốt cuộc đời mình ông đã dùng mọi cách để phổ biến rộng rãi ra công chúng: “Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước. Cần phải thế để đem lại điều tốt lành và tiến bộ. Vì vậy chúng ta phải tìm cách phổ biến lối chữ viết này bằng mọi phương tiện, và chỉ cần bắt chước Hội Truyền giáo với nhà in hoạt động có thể nói là không biết mệt mỏi, mỗi ngày cung cấp nhiều sản phẩm mới” (Nguyễn Văn Tố 1937, tr. 44).

(còn tiếp)


(Bài đã đăng trên tạp chí Xưa&Nay, số tháng 5 năm 2024)  

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

Bằng Giang, 1994. Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký. Hà Nội: Nxb Văn học.

Bonnet, M. 1911. La critique verbale. Trong tạp chí Journal des savants, Năm thứ 9, tháng 11 năm 1911.

Joosten J. 2008. La critique textuelle. Trong Michaela Bauks et Christophe Nihan, dir., Manuel d’Exégèse de l’Ancien Testament. Genève: Labor & Fides.

Lê Đình Bảng 2010. Văn học công giáo Việt Nam Những chặng đường. Hà Nội: Nxb Từ điển Bách khoa.

Lê Thanh 1943. Trương Vĩnh Ký – biên khảo. Hà Nội: Nxb Tân Dân.

Nguyễn Đình Đầu 2016. Petrus Ký Nỗi oan thế kỷ. Hà Nội: Nxb Tri Thức.

Nguyên Hương 1965. Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Trong Văn hóa nguyệt san, năm thứ XIV quyển 12 (tháng 12 năm 1965).

Nguyễn Văn Tố 1937. Petrus Ký (1837-1898). Trong tạp chí Bulletin de la Société de l’enseignement mutuel au Tonkin, số XVII (1937).

Nguyễn Văn Trung, 2015. Hồ sơ về Lục Châu học. TP Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ.

Nhiều tác giả, 2013. Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký. TP. Hồ Chí Minh: Hồng Đức, Xưa & Nay.

Phạm Phú Minh 2019 (biên tập). Kỷ yếu triển lãm và hội thảo Trương Vĩnh Ký. California: Ban Tổ chức Hội thảo.

Phạm Quỳnh 1918. Thư ngỏ cho chủ bút Nam Phong (phần chú thích). Trong báo Nam Phong Tạp Chí, Quyển 3, Số 16 (1918).

Phạm Thế Ngũ 1965. Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Tập 3. Sài Gòn: Nxb Quốc học toàn thư.

Trần Thạnh 2018. Hành trình nhận thức về một nhân vật lịch sử: Petrus Trương Vĩnh Ký. Trong tập san Nghiên cứu văn hóa Đồng Nai và Cửu Long, số 12.

Trương Vĩnh Ký P.J.B. 1875, Poème Kim-Vân-Kiều truyện. Sài Gòn: Bản in Nhà nước.

Vũ Ngọc Phan, 1960. Nhà văn hiện đại, Quyển 2. Sài Gòn: Nxb Thăng Long.

(*) Phần đầu của bài viết này đã được gởi tham dự Hội thảo Văn hóa – Văn học Nam bộ ngày 30 tháng 3 năm 2024 tại Đại học Tây Đô (Cần Thơ), và được chọn báo cáo (nhưng vào giờ chót vì lý do sức khỏe, tác giả không báo cáo được).

(1) Ngoài Nguyễn Văn Trung ra, chúng tôi thấy chỉ có một số cây bút hiếm hoi đã nhắc đến bài viết của Nguyễn Văn Tố, như: Vũ Ngọc Phan (1942), Phạm Thế Ngũ (1965), Nguyên Hương (1965), Bằng Giang (1994), Lê Đình Bảng (2010), Trần Thạnh (2018).

(2) Tại địa chỉ: https://www.quyphanchautrinh.org/ngoi-den-tinh-hoa-van-hoa/ChiTiet/713/danh-nhan-van-hoa-truong-vinh-ky

(3) Các đoạn trích trong bài viết này đều do chúng tôi dịch từ bản tiếng Pháp bài viết của Nguyễn Văn Tố.

(4) Nguyên văn tiếng Pháp là “éditeur de textes”. Ban đầu Nguyên Ngọc dịch sát nghĩa là “người xuất bản các văn bản”, nhưng khi xuất hiện trong quyển Petrus Ky Nỗi oan thế kỷ, nó trở thành “công việc xuất bản sách vở” (tr. 374). Cả hai cách dịch này khiến người đọc hiểu sai ý của Nguyễn Văn Tố. Ngoài nghĩa “xuất bản” ra, động từ “éditer” còn có nghĩa “biên tập, hiệu đính, phê bình, chú giải một văn bản…” (Larousse). Vì đoạn này liên quan đến việc chuyển ngữ các văn bản Hán Nôm ra chữ quốc ngữ, nên phải hiểu theo nghĩa thứ hai.

(5) Nguyên văn là “critique verbale”. Ban đầu Nguyên Ngọc dịch là “phê bình ngôn từ”, và sau đó được hiệu chỉnh lại là “phê bình miệng” (Nguyễn Đình Đầu 2016, tr. 374). Hai cách dịch này đều sai. Theo từ điển Larousse, thuật ngữ “critique verbale” được dùng trong ngành nghiên cứu cổ ngữ, là một đối tượng nghiên cứu của ngành bác ngữ học (philologie), được định nghĩa là “khảo sát mà nhà bác ngữ học dùng để nghiên cứu các từ ngữ mà ông ta nghi ngờ về hình thức hay là về ngữ nghĩa của nó để hiệu chỉnh lại khi phục hồi các văn bản [cổ]”. Còn M. Bonnet thì giải thích đó là “phép phê bình có mục đích thẩm định tính xác thực của từng từ hay từng nhóm từ trong một văn bản nào đó, ngược với phép phê bình nhằm xác thực toàn bộ một văn bản” (Bonnet M. 1911, tr. 502).

(6) Nguyên văn là “leҫon”, nghĩa thông dụng là “bài học”. Tuy nhiên trong lĩnh vực san định văn bản cổ, từ này lại có nghĩa là “cách hiểu do các dị bản mang lại, hoặc do các nhà san định khác nhau đề nghị” (Larousse). Nguyên Ngọc chọn cách hiểu “bài học” để dịch từ này nên câu văn rất tối nghĩa.

(7) Trong đoạn trước, ở trang 31 và 32, Nguyễn Văn Tố đã liệt kê các tác phẩm Gia huấn ca của Trần Hi Tăng, Huấn nữ ca của Đặng Huinh Trung, Cổ Gia Định phong cảnh vịnh của Ngô Nhân Tịnh, Lục Vân Tiên truyện của Nguyễn Đình Chiểu, v.v.

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2024/05/31/su-nghiep-hoc-thuat-cua-truong-vinh-ky-qua-nhan-xet-cua-nguyen-van-to/