Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Tô Thuỳ Yên (kỳ 2)

Năm năm ngày mất Tô Thuỳ Yên (20/10/1938 - 21/5/2019)

Bùi Vĩnh Phúc

clip_image002

Tô Thùy Yên, sơn dầu trên vải bố 40 x 40. Tranh Đinh Cường

.2.

Tình yêu, cô đơn và đau khổ trong thơ Tô Thùy Yên
Trong thơ Tô Thùy Yên, Tình yêu, Cô đơnĐau khổ là một hợp chất sống và sáng tạo của nhà thơ. Chúng gắn bó vào nhau khó có thể tách rời. Tình yêu là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc, nếu được cảm nhận với một ý thức quá sắc bén, sẽ đưa đến cô đơn. Cô đơn, vì những giới hạn của cuộc sống đã không cho phép con người đi đến tận cùng tình yêu của mình. Một cách vật lý, hay trên bình diện triết lý, siêu hình. Tô Thùy Yên viết: Tình yêu là khuôn mặt dịu dàng nhất của cô đơn (“Ba dấu chân trên một quãng sầu”). Khuôn mặt dịu dàng nhất? Có thật vậy chăng? Hay thật ra, người ta chỉ cần nói: Tình yêu là khuôn mặt bên kia của cô đơn. Khi ta hạnh phúc, đầm ấm với người mình yêu trên phố nắng chiều phai, thì cô đơn đã nằm đợi ta trên giường vắng. Khi nụ cười của em soi sáng đời ta những buổi sớm mai chim ca ánh ỏi, thì những giọt lệ của buổi chia tay đã nằm chờ sẵn trong một đêm dài sâu thẳm bóng đêm. Và lúc ấy, nỗi cô đơn sẽ đẩy ta vào đau khổ, vào hiu quạnh của riêng mình. Cô đơn và đau khổ không nhất thiết phải xuất hiện cùng lúc với tình yêu, nhưng chúng thấp thoáng ở đâu đó trên khuôn mặt của nỗi dịu dàng kia.
Dù sao, trước hết, chúng ta hãy thử nhìn ngắm khuôn mặt của tình yêu trong thơ Tô Thùy Yên. 

Với thân thể lân tinh, em sáng lên trong bóng tối, hạt kim cương
rạng ngời trong mỏ than đêm, anh trông thấy em không nhầm lẫn được.
Với thịt da gỗ quí, giọt mật tinh khôi nằm giữa đài hoa thơm nức,
em dâng hương anh, gã du mục lạc loài trong nhớp nhúa. (...)
Em là chiếc thuyền đời thượng cổ chở đến anh hoa trái tốt tươi ngọt ngào của miền đất anh biết qua thần thoại.
Em là dòng suối trong veo nhí nhảnh chảy mang theo nhan sắc của bầu trời, dòng suối đưa chân anh vào hứa địa.
Đêm đông phương, đêm xanh xao, thơm tho và ấm áp (...) Cả khu vườn tráng men tráng bạc và trên trời tinh tú xum xuê.
Hồn anh cũng tráng men buồn thiu và âm u chất sáng. (...)
Tháp đôi thân thể vào nhau, anh nhân lên với em thành vô vàn khoái cảm.
Với linh hồn xao xuyến của rừng thu, anh trút sạch lá vàng đau khổ cũ.
(“Lễ tấn phong tình yêu’’)

Có thể nói đây là những câu thơ đẹp nhất được trích trong bài thơ có tên ở trên. Bài thơ này được làm trong giai đoạn 56-60. Ngôn ngữ và hình ảnh trong thơ của Tô Thùy Yên đã có những nét khác lạ so với hình ảnh và ngôn ngữ của những nhà thơ cùng thời. Nhưng, cho dù có thế đi nữa, hình ảnh thơ của Tô Thùy Yên trong giai đoạn này vẫn còn tính chất nạm bạc, đặc biệt nếu ta đọc toàn bài. Chẳng hạn trong bài vừa nói, vẫn còn một số hình ảnh cliché mà tôi đã không trích ra. Chúng nằm trong những nhóm từ như sự can trường của hiện hữu, thám hiểm tương lai, băng qua thiếu thời với đôi giày vạn dặm, trong nghĩa địa lãng quên, cây đàn lãng tử, thanh kiếm giang hồ... Dù sao, nói chung, những bài thơ trong giai đoạn này của Tô Thùy Yên đã thấp thoáng cho thấy một tài thơ hùng vĩ về sau, khoảng giai đoạn từ 1970 trở đi.
Hãy đọc thêm một vài đoạn thơ nữa của giai đoạn 56-60 này. 

Giữa mùa hạ khô tôi bốc cháy
Đời vốn ngăn chia tôi bốc cháy một mình
Bầy tiếng thất thanh cuống cuồng bay tán loạn
Cánh chạm vào tường trong suốt của cô đơn
Nhưng em đến kịp thời khỏa thân xin cứu lửa
Tôi vốc đầy tay đôi vú áp lên môi
Em xõa mái tóc rừng trầm hương mê trùm lấp kín
(...)
Như cây nến cháy ngày đêm trên quan tài quá khứ
Đời tôi em thắp buổi âm u
Mòn rã lần lần ra nước mắt

Chảy đọng thành một vũng lãng quên xanh
Có phải tôi đi qua rồi mất dạng
Như tấm gương em không giữ lại hình tôi
(“Tình yêu và cô đơn’’)

Đọc kỹ, chúng ta thấy Tô Thùy Yên đã có nỗ lực làm mới hình ảnh, làm mới cách nhìn trong thơ mình. Trong nỗ lực đó, ông viết được những câu thơ có một vóc dáng lạ. Nhưng, dù sao, như đã nói, đó vẫn là một sự dát vàng cẩn bạc của Tô Thùy Yên trong giai đoạn này. Đó vẫn là những nỗ lực, những cố gắng. Hình ảnh và ngôn ngữ thơ vẫn chưa hoàn toàn đạt được sự ung dung, tự tại. Có thể nói, đa số những bài thơ tự do của Tô Thùy Yên trong giai đoạn đầu tay thời 1956-60 này đều ở trong hướng nỗ lực, tìm tòi, và tìm cách thử định hình ấy. Trừ những bài thơ bảy chữ, tám chữ, và lục bát.
Hãy thử đọc bài “Tội nghiệp’’, được viết năm 1958:

Hai đứa kéo nhau chạy vào mộng mị
Giờ tắt thở nằm trên bãi hư vô
Bầy ngựa chứng hàng thùy dương vó bão
Biển đưa trăng lăn vào đá tiếng ru.

Chỉ có bốn câu. Hình ảnh sắc nét và bạo liệt, dịu dàng và thơ mộng, và, cùng lúc, lại thoáng tính chất siêu hình. Những hình ảnh mộng mị, tắt thở, bãi hư vô, bầy ngựa chứng, hàng thùy dương, vó, bão, vó bão, biển, trăng, đưa, lăn, đá, tiếng ru là những hình ảnh được xếp cạnh nhau và chồng lên nhau. Chúng như những hình ảnh của một cuộn phim quay chậm và vô thanh. Những hình ảnh đi sau cứ tiếp tục được đẩy vào võng mô và chồng lên nhau trước khi cái hình ảnh đi trước kịp thời tan biến. Tiếng thở hổn hển của hai kẻ kéo nhau chạy vào mộng mị, tiếng bầy thùy dương tung vó như bầy ngựa chứng trong lũ cuồng phong, tiếng biển như ru đưa sóng vào đá (đưa như đưa võng)... làm nền cho những hình ảnh kia. Nhưng đây là cái nền âm thanh bùng vỡ, dội đập ì ầm trong trí tưởng ta, lắng sâu dưới cái tầng vô thanh của hiện thực. Tính chất đối chọi của sự bùng vỡ, cuồng loạn ở tầng vô thức và cái vô thanh ở tầng ý thức, trong cảm nhận của riêng tôi về bài thơ này, đã làm cho bài thơ trở thành đặc biệt. Bài thơ đánh vào cảm xúc tôi như một đợt sóng òa lên, phủ lấp và luồn vào tất cả những ngõ ngách của tâm hồn. Chỉ với bốn câu thơ, thi tài của Tô Thùy Yên đã hiện rõ.
Trong bài “Chiều trên phá Tam Giang’’, làm năm 1972, một bài thơ thiết tha và chín nục cảm xúc chiến tranh, tình yêu của người thơ thuở này đã chín. Nó tự nhiên, mọc lên giữa đời sống của một người lính trận giữa một ngày buồn bã đứng trên bờ sông mép nước. Cái tình yêu ấy mạnh mẽ, cháy bỏng, nhưng vẫn mềm như một cành mai ngả xuống tay đời: 

Chiếc trực thăng bay là mặt nước
Như cơn mộng nhanh
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi
(...)
Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận (...)
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Thấy trong lòng nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ (...)

Những chuyến đi xa tiếp tục đẩy ta vào đời sống. Đó là niềm chung thủy với đời sống của ta, với nỗi cô đơn ôm ấp trái tim đầm đìa gai nhọn của ta.
Và để ta cứ còn mãi mãi yêu em. 

Anh đã yêu những chuyến đi đêm đời sống chẳng nghỉ ngơi, những
bến bắc như em không giấc ngủ suông trổ sai oằn mộng mị. Anh nhớ mãi những thị trấn anh chỉ ngủ đỗ lại một lần, sáng tinh sương sau chia tay không hề rõ mặt. Nào anh có biết vì sao anh nhận chịu thân một phiến nam châm dính những đau buồn lân cận (...) Đau khổ như biển khơi trên mặt cuồng điên mà dưới đáy im lìm (...) Anh mời em ngày đám cưới anh đến dự cùng chồng và cháu bé, về sau kết nghĩa sui gia, đau khổ nhân lên. Cuộc đời, cuộc đời, bis, bis. Khóc đi em.
(“Phương”)

Khổ đau và cô đơn, trong thời tuổi trẻ, thường gắn liền với tình yêu. Thật sự, đó là những khuôn mặt khác nhau của một huyền nhiệm cuộc đời. Những yếu tố ấy trình hiện trước con người, chen kẽ nhau, xoắn xít lấy nhau, nhân nhau lên, và làm cho chúng ta cảm nhận cũng như thức nhận rõ sức mạnh và niềm thắm tươi của đời sống. Hay là sự lôi cuốn của cái chết. Có những người đã bị đẩy đến sự chọn lựa giữa hai sức hút ấy. 

Tôi vùi mình xuống cô đơn như quả mìn nổ chậm...
(“Đêm hè“)

Nhưng khi con người đã chín với với kinh nghiệm đời, đã chín với những năm tháng chồng chất trên vai, bây giờ, cô đơn và đau khổ vẫn hiện diện trong đời sống nó, nhưng chúng không còn là hệ quả của tình yêu nữa. Mà chúng là hệ quả của một sự hiểu biết lớn, một sự nhìn ngắm thiết thân và cẩn trọng đối với cuộc đời. Có khi, chúng là kết quả của một sự lang thang đi tìm linh hồn vũ trụ: 

Sống trên đời, chuyện ghê gớm quá
Vậy mà ta sống có kỳ không?
Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới
Những người đã chết, chết như rơm... (...)
Ta ngắm gốc cây nứt nở vỏ
Gốc cây to đến mấy người ôm
Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn
Trí ta không đủ lực đo lường (...)
Hề, ta trở lại căn nhà cỏ
Tử tội mừng ơn lịch sử tha
Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ
Ngày qua ngày, cho hết đời ta.
(“Hề, ta trở lại gian nhà cỏ”)

Đó là nỗi cô đơn qua một sự thức nhận lớn. Một nỗi cô đơn giữa dòng sử lịch.
Cũng với nỗi cô đơn và khổ đau vì lẽ hợp tan, vì nỗi phù du đó của đời sống, trong “Em nhỏ, làm chi chim biển bắc“, Tô Thùy Yên viết: 

Đồi lộng đưa nhau xuống cuối ngày
Thấy âu sầu hiện mỗi thân cây
Cỏ cao quấn quít chân chùng bước
Ghim xót xa đầy vạt áo bay
Làm sao đi hết những con đường
Gió với cây cùng khóc hợp tan
Mỗi đóa hoa trên đồng chói lọi
Cũng xui phù thế ngậm ngùi thân (...)

Như André của Léon Tolstoi trong Chiến Tranh và Hòa Bình, trong tịch lặng bình yên, ngắm nhìn những thân cây nứt nẻ vỏ, thấy được cả cái đau khổ lẫn cái hùng vĩ, kỳ bí của kiếp người, hay giữa bãi chiến trường, trong những giây phút cuối cùng trước khi nhắm mắt, nhìn những bè mây trôi lang thang muôn đời giữa bầu trời cao rộng, thấy được cái bao la của tâm hồn vũ trụ, cái vĩnh hằng đẹp đẽ của đời sống con người, Tô Thùy Yên cũng bắt gặp và nhìn ra những ý nghĩa đó trong đời sống mình.
Đêm, nằm ngắm trời sao bát ngát, nghe tiếng triều dập dồn xô đẩy, thấy ngày tháng là những bóng nắng cuối chiều, ông nhận ra được cái bao la của vũ trụ. Và cái cô đơn, khắc khoải của lòng mình: 

Nằm đây phủ sáng hằng hà sao
Nghe thủy triều lui bậc bậc sầu
Nghe tiếng mõ chùa khô khốc khóc
U minh ngày tháng bóng lao đao
(“Vườn hạ”)

Nhìn một hiện tượng thiên nhiên, trái tim ông cũng chạm nỗi đau đời: 

Con đường đi mỏi mà không tận
Lượn sóng trên ghềnh nhọn rách tơi (...)
Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Đóa hoa buông cánh khi tàn hương
Tiếng rụng tuyệt âm rền tịch mịch
Dòng sông tới biển nức tuôn, tuôn...
Các mùa chuyển động trong trời trống
Di điểu qua sông xẻ luống sầu
Ly biệt chẳng từ hạt cát ngọc
Tuần hoàn đến cả giọt sương châu (...)
Tàu chuối xác xơ reo ngất ngất
Nỗi đời bi thiết xé lưa tưa (...)
(“Tưởng tượng ta về nơi bản trạch”)

Nhưng cái cô đơn thấm thía nhất, là cái cô đơn vây bủa cùng một lúc bằng tấm lưới đan kín khít vừa của thế giới vật lý bên ngoài vừa của thế giới tâm lý bên trong. Nỗi cô đơn ấy quấn chặt lấy trái tim ta bằng những ngón tay dịu dàng và thân thiết của nó. Nó đẩy ta vào một góc tối, ẩm, và lạnh lẽo của đời; ở đấy, nó đánh bẫy tâm hồn ta. Và ta để cho mình rơi mềm vào chiếc bẫy của cô đơn ấy. Nỗi cô đơn da diết của Tô Thùy Yên có cái mùi ẩm mốc của một đêm mưa. 

Ga dầm mưa chịu co ro
Cưu mang tàu thấm rét chờ sáng đi
Khoác rừng dầy núi ngồi lì
Vân vi đường sắt phân ly mấy cành
Vài thân súc gỗ tênh hênh
Cỏ ôm ấp hẳn lãng quên tay người
Đèn le lói vết thương tươi
Trời da thi thể mưa ngùi chấm than
Hiên ga nhỏ giọt cường toan
Xuống tim quằn quại hàng hàng ưu tư
Trong cơ thể máu chần chừ
Ngoài trời khói thuốc vật vờ ngại bay
Làm gì đây để giải khuây
Ngắm tay mới biết mình gầy hơn xưa
Ngồi chờ tàu góc ga thưa
Nghe hồn ẩm mốc một mùa lạnh căm.
(“Trời mưa đêm xa nhà”)

Bài lục bát này là một bài thơ thật đẹp để diễn tả nỗi cô đơn của con người. Những hình ảnh rất mới. Giống như những đồng tiền mới đúc, chúng có trong chúng cái chất thơm và sáng trong cảm nhận ta, cái tiếng vang tinh khôi mới mẻ của chúng trong tâm trí ta. Bài thơ mang trong nó cái hơi thở mênh mang của thời gian, ngút ngàn, thăm thẳm, đồng thời cũng mở ra từ nó cái buồn hắt hiu của không gian vừa co bé lại, vừa dàn trải ra cùng với đêm mưa sùi sụt ngoài kia. Giọng thơ có thể còn ẩn chứa một chút không gian thiết tha của Huy Cận; nhưng hồn thơ, ý thơ, sức sống của thơ thì hoàn toàn mới. Nó mang trong nó cái phong vị của thời đại vẫn hằng ngun ngún như một ngọn lửa cháy mềm trong lòng nhà thơ. Tô Thùy Yên đã làm mới thơ lục bát của chúng ta, qua bài thơ này, không hẳn bằng những nhịp điệu mới – cho dù có những câu thơ buông nhịp lẻ (đặc biệt là ba câu đầu bài) –, nhưng là bằng những cảm xúc mới được thể hiện qua những hình ảnh chưa hề mòn. Đóng góp của Tô Thùy Yên, ở đây, thuộc về chất chứ không thuộc về thể.

.3.

Thời gian trong thơ Tô Thùy Yên
Thời gian trong thơ của Tô Thùy Yên không phải là thời gian của Salvador Dali, thời gian với đặc trưng nổi bật là lững lờ trôi chảy, lỏng ra, nhão ra, và chùng lại với thiên thu. Thời gian ấy cũng không phải là thời gian của Giorgio de Chirico, kỳ dị một cách âm u, khiến cho người đối diện với nó có một cảm giác hoảng hốt và mất lối. Nếu có thể làm một so sánh nào đó về tính thời gian trong thơ Tô Thùy Yên với thời gian được biểu hiện trong hội họa hiện đại, thì thời gian trong thơ Tô Thùy Yên đã chia sẻ nhiều nét với thời gian của René Magritte. Cũng là siêu thực, nhưng Magritte đã đi theo một con đường khác với Dali và Chirico. Thời gian của Dali là một thời gian ám ảnh, tàn rữa, và chứa đầy chất ảo. Thời gian của Chirico đóng vào những khung cảnh vật lý thê lương và kỳ bí, giam nhốt người ta trong cái siêu hình của những giấc mơ nghiêng về những chiều kích của vực thẳm. Thời gian của René Magritte là một thời gian bám sát vào thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên trong tranh ông là một thứ thiên nhiên thật mà ảo, với những yếu tố cấu thành đổi chỗ lẫn cho nhau, dan díu vào nhau, khiến cho người thưởng ngoạn dễ mất định hướng khi nhìn vào tác phẩm của Magritte.
Thời gian của Tô Thùy Yên có những lúc đã chia sẻ những nét siêu thực của Magritte như thế. Ngoài ra, nó còn mang chứa trong nó những ấn tượng kỳ dị khác, mới, lạ, và đặc biệt Tô Thùy Yên. Cái thời gian ấy gần như luôn luôn tìm cách gắn bó, dan díu với thế giới vật chất của thiên nhiên bên ngoài (Vậy thì thời gian là một cái gì trôi chảy bên trong chăng? Bên trong cái gì? Đây là những câu hỏi rất siêu hình mà may ra chỉ có thơ và hội họa là thỉnh thoảng mới có thể đến gần để trả lời một cách huyền bí và thơ mộng.)
Thời gian trong thơ Tô Thùy Yên gắn bó, dan díu với thiên nhiên. Nhưng đó là một thiên nhiên đứt rễ. Một thiên nhiên nhiều lúc hình như không còn gắn bó, ràng buộc vào nhau theo một trật tự vật lý thông thường. Những cấu tố của nó như bị tách ra để bám vào những mảnh thời gian khác biệt trong tâm thức nhà thơ. 

Thời gian đứt quãng dài vô định
Như sợi dây diều băng mất tăm
Lòng anh thảng thốt, sông chao sóng
Kỷ niệm buông tay rú ngất chìm (...)
Mùa hè đi khuất kêu không lại
Bãi mía điêu tàn gốc cháy thui (...)
Trời cao mỏi mắt chòm mây bạc
Thăm thẳm trưa, thời gian chết xanh
Ngoài cõi chói chang hư ảo múa
Dường như ai réo ấu danh anh (...)
Ai cúi soi mương rong khỏa mặt
Thấy hồn mùa cũ đọng xanh xao (...)
(“Vườn hạ”)

Thời gian trong thơ Tô Thùy Yên cũng trôi chảy. Một dòng. Bên trong hay bên ngoài của tâm thức con người. Làm sao biết. Nó bám vào trí nhớ như một chất keo, một chất keo đủng đỉnh. Nó không cột con người nhà thơ vào một ghềnh đá nào của quá khứ, mà cũng không hẳn là nó buông thả con người ra. 

Quên quên, nhớ nhớ tiền sinh kiếp
Thiên cổ mang mang, thế sự nhòa (...)
Mùa hạ tàn trôi trôi đóm lửa
Dòng ngày tháng trắng chảy lơ mơ
(“Hề, ta trở lại gian nhà cỏ”)

Trong tâm thức của Tô Thùy Yên, thời gian cũng thường có đặc tính thụ động. Nó là chốn để nhà thơ trú thân sau những cơn xiêu tán với đời: 

Ta gắng về sâu lòng quá vãng
Truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên (...)
Trăm năm, rồi lại trăm năm khác
Tên đóa hoa này, ngươi nhớ chăng?
(“Mòn gót chân sương nắng tháng năm”)
Nên ta phó mặc cho trời đất
Trời đất vô ngôn lại bất nhân
Nên ta lẳng lặng đi đi khuất
Trong lãng quên xanh hút thời gian
(“Hề, ta trở lại căn nhà nhỏ”)

Nhưng thời gian không hẳn đã là nơi nhà thơ có thể yên tâm trở về để dò dẫm, nghe ngóng lại đời. Khi trí nhớ của thời gian cũng đã trôi tuột ra ngoài thiên cổ, thời gian chỉ còn là nỗi thất vọng của nhà thơ khi, bây giờ, nhìn thấy mình không còn gì để bám víu, hắn đành trở lại với đời sống và lang thang đi tìm một lẽ cảm thông: 

Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
(“Ta về”)
Biển Bắc tuyệt mù con nhạn lạc
Thời gian mất trí trắng vô âm
Hỡi người cố cựu trong trời đất
Khi nước tràn sông, có nén tâm?
(“Mòn gót chân sương nắng tháng năm”)

Như thế, trong thơ Tô Thùy Yên, thời gian có thể có những đặc tính như đọng, lỏng, chảy, cháy, mất trí, đứt, đi khuất, và chết. Nó vừa có tính vật thể, vừa có tính con người. Vật thể, khi nhà thơ nhìn nó như một “chất thể” mang tính ngoại giới. Nhà thơ dùng nó như một tấm gương, một ngọn đèn để săm soi hay chong sáng cái linh hồn khắc khoải của mình. Con người, khi nhà thơ nhìn thấy chính mình qua nó. Thời gian, ở đây, có cùng xương thịt với con người. Khi thời gian mất trí trắng vô âm, thì đó chính là hệ quả của việc con người đi lạc ra ngoài trí nhớ. Khi mùa hè đi khuất kêu không lại thì đó chính là tuổi trẻ của ta đã ra đi một ngày biệt mù tăm tích. Còn thời gian chết xanh thì chính là sự đứng dừng lại của tâm thức, một sự cột giữ thời gian lại của vô thức để ý thức nhà thơ có thể trở về thăm viếng lại thơ ấu mình.
Thời gian trong thơ Tô Thùy Yên vừa có tính nội giới, vừa có tính ngoại giới một cách mơ mơ hồ hồ trong sự đuổi bắt nhau của hữu thức và vô thức. Nó đầy tính cách siêu thực mà nhiều lúc lại mặc một tấm áo may cắt trên tấm vải của hiện thực. Bởi thế, thời gian của Tô Thùy Yên có những lúc nghiêng về chiều sâu siêu hình. Một thứ siêu hình trắng, buồn, và lặng lẽ: 

Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
Thắp trắng thời gian mái tóc em
(“Góa phụ”)
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người
(“Trường Sa hành’’)

clip_image002

.4.
Thiên nhiên trong thơ Tô Thùy Yên
Thiên nhiên trong thơ của Tô Thùy Yên không yên ả như thiên nhiên của Nguyễn Khuyến mùa thu. Nó cũng không u tịch một niềm hoài nhớ mang mang như thiên nhiên trong thơ của Thanh Quan. Thời đại khác. Bầu khí lịch sử, xã hội, và cả văn học cũng khác. Thiên nhiên trong thơ Việt của những thập niên ‘60 và ‘70 không thể không chuyển mình.
Dù sao, trong thơ của Tô Thùy Yên, đó là một sự chuyển mình dữ dội.
Thiên nhiên trong thơ của ông hòa nhập với con người, là một với con người. Đó là một thiên nhiên bị lay chuyển tận gốc rễ. Như con người bị quay cuồng trong cuộc chiến, trong một tâm cảm đứt rễ, vỡ toang về mặt tinh thần, thiên nhiên trong thơ Tô Thùy Yên cũng bị nung cháy, đốt nóng đến nỗi rạn ra, nứt ra, rách ra, vỡ ra. 

Ngày. Ngày trắng chói chang như dũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên
(“Trường Sa hành’’)
Cây rách sâu thân chắt giọt lòng
Nghiệp hờn trả nghĩa đất bao dung
Mùa hè cháy hực cơn cuồng nộ
Ồ, máu thơm còn ứa chẳng ngưng
(“Em nhỏ, làm chi chim biển bắc’’)
Mùa hè cọ xát điên kim loại
Con quạ kêu ran giữa quãng không
(“Tưởng tượng ta về nơi bản trạch’’)
Chiều dòn tan, nắng động nứt ran ran
(“Chiều trên phá Tam Giang’’)

Rạn, nứt, rách, vỡ, những hình ảnh tan nát và rách vỡ một cách tiệm tiến ấy là những lưu ảnh còn để lại trong tâm trí ta về cái thiên nhiên và không gian khốn khổ trong thơ Tô Thùy Yên. Dĩ nhiên, mặc dù có những nét bi quan đến độ gần như khắc kỷ một cách đau đớn, Tô Thùy Yên cũng có những lúc nhìn ra cái sáng sủa, lóng lánh, rực rỡ của thiên nhiên chung quanh. Thường thì những lúc ấy là lúc ông còn tuổi trẻ, hoặc là lúc tình yêu đang dát vàng thiên nhiên trong ông. Cũng có khi nó là sự phựt lên của một không gian, một thiên nhiên mong ước khi ông đã đi đến cuối hành trình đau khổ của mình. Những lúc ấy, thiên nhiên trong thơ ông thoát được cái hình ảnh của một hữu thể đau khổ và bị giằng xé: 

Mùa thu xẻ ngõ lầy vết xe thổ mộ
Hoa cúc mở toang những cánh cửa vàng
Từng giọt u hoài gõ xuống pha lê thánh thót ngày mưa
(“Ba dấu chân trên một quãng sầu’’)
Tôi vốn nặng đầu như chiếc nấm. Chiếc nấm ấy, sáng hôm nào trời rất bình minh, trông thấy một con sơn ca buồn rầu lẻ bạn. Thế là chiếc nấm đột nhiên biến thành một con sơn ca nhẹ nhàng cất cánh liệng bay theo (...)
Mạch gió nhảy phập phồng trong những cánh tay cành cây rực hồng ánh sáng.
Em có thấy, tình yêu anh làm xúc động cả thiên nhiên (...)
Cho đến xế chiều khi anh khép cửa phòng trở vào giấc ngủ thì vựa kho anh đã chất đầy những cọng nắng no.
(“Lễ tấn phong tình yêu’’)

Có thể nói, trong bài thơ vừa trích (và nó đã được trích dài hơn trong đoạn nói về Tình yêu trong thơ Tô Thùy Yên ở một đoạn trên), tất cả thiên nhiên đã trở nên rực rỡ, dát vàng dát bạc như thiên nhiên của những ngày đầu nhân loại. Thiên nhiên của một vườn địa đàng. Tình yêu đã tặng cho con người một khúc diệu ca và một trái tim thánh khiết để nhìn vào thiên nhiên như thế. Thật sự, tất cả những hiện tượng thiên nhiên chỉ thuần túy là những hiện tượng khách quan của ngoại giới. Khi con người đem cái tâm mình nhìn vào thiên nhiên, thì thiên nhiên, lúc bấy giờ, thay đổi, và trở thành một cái gì đồng chất với khung cảnh nội giới của con người. Thiên nhiên trở nên nội giới hóa.
Khi hạnh phúc, nhà thơ nhìn vào thiên nhiên và thấy được, nghe được những hình ảnh, những âm thanh bát ngát, dịu dàng: 

Ve kêu như biển lâng lâng dậy
Xô giạt hồn anh mộng chập chờn (...)
Mương nước rì rào sao sáng thở
Đài hoa sương nạm hạt lân tinh (...)
(“Vườn hạ’’)
Dòng sông u hiển trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như sư phụ
Mà ta thân thiết tựa tri âm (...)
Gặp buổi trời mưa bay phới phới
Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân
Ta nhìn ngọn cỏ, lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân (...)
Gặp buổi trời trong dàn bát ngát
Ngọn cây ô! đã giát hoàng hôn(...)
(“Hề, ta trở lại gian nhà cỏ’’)
Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Áo phơi xanh phới nhánh đào hồng
Mùa xuân bay múa bên trời biếc
Ta búng văng tàn thuốc xuống sông.
(“Tưởng tượng ta về nơi bản trạch’’)

Đó là những khi tâm ta phơi phới, là những khi ta thấy được cái “hiền triết” và “u hiển” của đất trời. Nhưng khi đời sống con người bị xé nát vì những điều đau khổ lớn, trái tim chúng ta chẳng còn được đập theo một nhịp điệu yên ả, thiết tha nữa. Bây giờ, nó chỉ còn là một phiến gương loang lổ, phản ánh một không gian, một thiên nhiên bất toàn và và đầy những đớn đau.
Trước hết, có thể đó chỉ là một cái nhìn chia sẻ với thiên nhiên. Một thiên nhiên đang trải qua những đớn đau, những lâm lụy của đời:

Bình minh như một làn da phỏng
(“Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai’’)
Ta ngồi trước ngõ nghe xao động
Trời đất bào thai cựa cựa nhanh
(“Hề, ta trở lại gian nhà cỏ’’)

Sau đó, sự đồng cảm với nỗi vò xé, đớn đau kia bắt đầu chuyển dần thành một nỗi hoài nhớ. Một hoài cảm về những bóng dáng xa xưa. 

Chiều chiều lớp lớp mây tiền sử
Quần tụ bên trời gọi nhớ nhung
(“Mòn gót chân sương nắng tháng năm’’)

Sự hoài cảm ấy xâm chiếm cái nhìn, ảnh hưởng lên nó, và biến cái nhìn trở thành chiếc gương u sầu của nội giới. Lúc bấy giờ, sự vật đổi màu; không gian và thiên nhiên đổi những tọa độ thẩm mỹ. Tất cả rủ nhau đi chéo xuống những chiều kích sầu muộn của trái tim:

Làm sao đi hết những con đường
Gió với cây cùng khóc hợp tan
Mỗi đóa hoa trên đồng chói lọi
Cũng xui phù thế ngậm ngùi thân
(“Em nhỏ, làm chi chim biển bắc’’)
Mùa Đông Bắc gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa (...)
Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời (...)
Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo...
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân (...)
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi (...)
Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê (...)
(“Trường Sa hành’’)

Khi trái tim đã bị xé rách, nhìn đi đâu, ngó đi đâu, con người cũng chỉ thấy một nỗi bất an xâu xé. Thiên nhiên đã không còn là một nơi chốn cư trú cho tâm hồn như nó đã là như thế những ngày xưa. Bây giờ, thiên nhiên cũng giống như trái tim ta. Chúng đồng chất và đồng cảnh: 

Ta ngó thấy ghe thuyền quần tụ
Từng đàn như trẻ nhỏ ghê ma
Ta ngó thấy thùy dương gẫy rủ
Từng cây như nỗi bất an già
Ta ngó thấy rào chà cản nước
Từng hàng như nỗ lực lao đao
Ta ngó thấy nhà cửa trốc nóc
Từng ngôi như miệng đất đang gào (...)
(“Chiều trên phá Tam Giang”)

Trong cái thiên nhiên lâm lụy ấy, nhà thơ không còn nhìn ra những dịu dàng, ngọt ngào, trong sáng cũ. Bây giờ, tấm gương loang lổ tâm hồn mệt mỏi của ông chỉ phản chiếu những hình ảnh của cát hôn mê, nước miệt mài trôi. Và chiều, đó không còn là một khoảng không gian giát bạc ngày xưa khi mùa hạ đốt bừng lên những hàng đuốc phượng nữa. Bây giờ, chiều dòn tan, nắng động nứt ran ran. Những hàng phượng xưa đã đi ra ngoài trí nhớ.
Con sông, trong thơ Tô Thùy Yên, là một biểu tượng phản chiếu thiên nhiên và nội giới của nhà thơ một cách khá rõ nét. Dù buồn hay vui, hạnh phúc hay đau khổ, yên ả hay bạo liệt, thiên nhiên ấy cũng phản chiếu rõ cái lịch sử của đời sống và của con người.
Chúng ta hãy thử so sánh hình ảnh của những dòng sông qua mấy bài thơ khác nhau của Tô Thùy Yên dưới đây để thấy được điều ấy.
Trước hết, đây là con sông thơm hương tình yêu của một thời tuổi trẻ: 

(...) Con sông căng nước nằm im như con thú no kềnh. Ngày chảy lan như một dòng mật ngọt. Không khí nồng hương rượu nồng mới cất làm say. Anh sống, sống để yêu và yêu để sống. Với nhẫn nại nông dân, anh lái đẩy tim anh cày xẻ đời em (...)
(“Lễ tấn phong tình yêu”)

Còn đây là con sông thần bí như ánh sáng của hừng đông chớm nở chút đau thương tội nghiệp: 

(...) Anh đã qua bến bắc ấy nhiều lần nửa khuya mắt vói tỉnh quê em vũng ánh sáng thần bí trên sông như hừng đông e dè chớm hé. Anh đã yêu những chuyến đi đêm đời sống chẳng nghỉ ngơi, những bến bắc như em không giấc ngủ suông trổ sai oằn mộng mị (...)
(“Phương”)

Và đây là con sông tàn bạo trong mùa mưa châu thổ giữa cuộc chiến tranh khốc liệt: 

Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện
Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa (...)
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên (...)
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình mặt nát lạch mương tanh...
Sông cái nước men bờ sóng sánh (...)
Xuống đò, đời đã bỏ quên
Một sông nước lớn trào lên mắt ngời.
(“Qua sông”)

Và con sông chảy mê mải hình ảnh giang hồ của người lính trận: 

Đây ngã ba sông làng sát nước
Xuồng ba lá đậu kế chân bàn (...)
Phía phía rừng tràm xanh mịt mịt
Sông không bờ, trời cũng không chân (...)
(“Anh hùng tận”)

Và chắc những người quen biết với thơ Tô Thùy Yên cũng chẳng thể quên được hình ảnh sông nước mênh mang, hôn mê, miệt mài trong chiều dòn tan, nắng động nứt ran ran của phá Tam Giang. Giữa bối cảnh sông nước mênh mang đó, với tâm cảm của một người lính thú thời đại, nhìn vào thiên nhiên, nhà thơ chỉ còn thấy được những gì bất an và gẫy đổ như đoạn thơ tôi đã trích trong bài Chiều trên phá Tam giang ở một đoạn trên.
Để tóm kết phần viết về thiên nhiên trong thơ của Tô Thùy Yên này, ta có thể nói rằng, trong những bài thơ thời tuổi trẻ còn thơm mát tình yêu trai gái – cái tình cảm thơm tho, ngọt dịu và đằm thắm ấy của con người đã khiến cho nhà thơ nhìn thấy thiên nhiên như là một sự dàn trải, mở rộng của chính nỗi hạnh phúc trong trái tim mình – thiên nhiên là một hòa âm dịu dàng trước mắt nhìn và trong tâm hồn nhà thơ. Nhưng khi bắt đầu bị đẩy xấp mặt vào đời để đối diện với một cuộc chiến tranh không lối thoát, nhìn thấy tuổi trẻ của mình rạn vỡ, thấy cả một thế hệ thanh niên mình bị nung cháy và tan biến trong bom đạn, cả một xã hội, một đất nước quằn quại và đổ nát, nhà thơ không còn những cảm giác hạnh phúc cũ khi nhìn vào thiên nhiên. Bây giờ, cũng như con người, thiên nhiên bị xé nát, bị xâm phạm, bị làm chủ bởi một sức mạnh kỳ bí. Nó bị vò xé, chặt khúc, bóp vặn. Như con người, nó thẩm thấu khổ đau. 

Thảm thiết dây leo quấn quít cây (...)
Lượn sóng trên ghềnh nhọn rách tơi (...)
Tàu chuối xác xơ reo ngất ngất
Nỗi đời bi thiết xé lưa tưa (...)
(“Tưởng tượng ta về nơi bản trạch”)

Đó là một thiên nhiên đau khổ, trong một mắt nhìn nào đó. Nhưng nó vẫn tiếp tục tồn tại và dạy cho con người những bài học lớn. Cũng giống như con người – chính sự đau khổ làm cho con người lớn lao, cao cả, khi nó vượt qua được những khổ đau ấy để vươn lên – thiên nhiên sẽ trở nên kỳ bí và sâu thẳm thiết tha hơn nữa khi ta thức nhận được những ý nghĩa mà trời đất chứa đựng trong nó. Thiên nhiên, thật ra, chỉ là lá thư của siêu hình gửi cho con người. Giải mã được nội dung của lá thư đó, con người sẽ hiểu được ý nghĩa của cuộc nhân sinh

.5.

Tính chất siêu hình trong thơ Tô Thùy Yên
Trong thơ Tô Thùy Yên, người ta có thể thấy tính chất siêu hình bàng bạc, cùng khắp. Cái tính chất ấy đã có từ những bài thơ đầu của ông những năm 1956-60. Rồi bẵng đi có đến khoảng chục năm, người ta hình như không thấy thơ ông đăng báo. Rồi, đột nhiên, từ khoảng năm 1970-71 trở đi cho đến 1975, thơ ông bắt đầu lại thấy đăng trở lại trên báo chí. Và trong giai đoạn này, phong thái của Tô Thùy Yên chững chạc, phong độ hẳn. Những vấn đề ông đặt ra trong thơ là những vấn đề lớn của con người, đặc biệt của con người Việt Nam trong cái bối cảnh giằng xé của hai miền đất nước.
Nhưng vượt lên trên cái tiếng nói của một con người Việt Nam, trong cái bối cảnh đặc thù của lịch sử ấy, trong thơ của Tô Thùy Yên, người ta thấy vang lên cái tiếng nói của con người muôn thuở và muôn nơi, đối mặt với cái mang mang, bao la rợn ngợp của đất trời, của vũ trụ. Những câu hỏi được đặt ra trước những phi lý của đời sống, hay để xác định lại những giá trị của cuộc đời, của bao nhà văn, nhà thơ, của những triết gia phương Đông, phương Tây, đã đưa đến những trào lưu triết học một thời làm tuổi trẻ say mê. Tất cả những điều ấy chắc chắn đã có những ảnh hưởng không nhỏ trên suy nghĩ và trong tiến trình sáng tạo của Tô Thùy Yên. Dù sao, là một nhà thơ, đặc biệt một nhà thơ Việt Nam với những điều kiện sống vật lý và tinh thần hết sức Việt Nam, tiếng nói thơ của Tô Thùy Yên có những nét đặc thù riêng của nó.
Ngay vào tháng 4 năm 1956 trên Sáng Tạo, bài “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” của Tô Thùy Yên đã mang trong nó một ám ảnh siêu hình. Đó là một ám ảnh về thời gian. Hay là về không gian? 

Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
Cỏ cây cỏ cây lùi chóng mặt
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu
Ngựa thở hào hển thở hào hển
Tàu chạy mau vẫn mau vẫn mau
Mặt trời mọc xong mặt trời lặn
Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu
Cánh đồng a! cánh đồng sắp hết
Tàu chạy mau càng mau càng mau
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ
Như giữa nền nhung một vết nâu.

(“Cánh đồng con ngựa chuyến tàu”)

Bài thơ, với những hình ảnh rất thực, rất cụ thể, lại có vẻ như một bức tranh siêu thực. Nó như được phóng chiếu vào tâm thức người đọc từ một giấc mơ miên man nào đó của con người. Con ngựa và chuyến tàu, và cả cánh đồng nữa, tất cả như những biểu tượng và ám ảnh về một thời gian vụt gấp, về một không gian mở rộng mãi như muốn nuốt chửng lấy con người. Con tàu, một khối không gian co chặt, nén ép, đâm sầm vào tâm trí và vào giấc mơ của con người với cái cận ảnh của nó được phóng lớn lên cùng với tiếng sầm sập của thời gian. Trên một hệ trục tọa độ không-thời, con tàu là một chất điểm. Trong nó, có cả thời gian và không gian đang lao đi vùn vụt. Cánh đồng là trang giấy trắng, biểu diễn sự đi về của thiên cổ, của vũ trụ, càn khôn. Nó có thể cứ còn được kéo dài, lắp dài ra mãi. Con ngựa là biểu tượng cho những ước mơ của con người, và cuộc sống hữu hạn của nó. Nếu nhìn vào bài thơ theo cách nhìn phân tâm của Carl Jung, bài thơ này, với những biểu tượng của ám ảnh, của giấc mơ xâm thực vào đời sống như thế, đã nói trước về hướng tới và cuộc lữ của Tô Thùy Yên. Ông không thể nào thoát khỏi cái định mệnh con ngựa-chuyến tàu của mình.
[Hình ảnh con ngựa, trong những phân tích tiếp theo dưới đây, sẽ cho thấy còn tiếp tục theo đuổi Tô Thùy Yên trong nhiều năm nữa. Còn con tàu, hai mươi ba năm sau, vào năm 1979, Tô Thùy Yên đã nhìn lại mặt nó. Hơn thế nữa, từ trong cái cõi không gian chật hẹp tù mù lửa tóe và cứng cộm thể tích kia, ông đã ghé mắt nhìn ra ngoài đời. Phải, đó chính là con tàu chở tù từ Nam ra Bắc. Và, bây giờ, đối mặt với định mệnh mình, ông ngồi im nghe tiếng ầm ầm của sắt thép chuyển di theo dòng sử lịch. 

Tàu đi lúc đó đêm vừa mỏi
Lúc đó sao trời đã ngủ mê (...)
Thức dậy những ai còn sống đó
Nhìn ra nhớ lấy phút giây này
Tàu đi như một cơn giông lửa
Cuồn cuộn sao từ ống khói bay (...)
Toa nêm lúc nhúc hồn oan khốc
Đèn bão mờ soi chẳng rõ ai
Ta gọi bàng hoàng ta thất lạc
Đất lạ ơi đừng hất hủi ta (...)
Tàu đi những chấn động hung hãn
Sắt thép kinh hoàng va đập nhau
Ta tưởng chừng như thời đại động
Xô đi ầm ĩ một cơn đau
Ta nghe rêm nhức thân tàn lạc
Các thỏi xương lìa đụng chạm nhau
Nghe cả hồn ta bị cán nghiến
Trên đường lịch sử sắt tuôn mau (...)
(“Tàu đêm”)

Con tàu hung hãn lao đi như một cơn điên đảo. Nó giống như là chiếc troika ba ngựa của lịch sử Nga những năm đầu mùa cách mạng, lao đi, lao mãi vào đêm đen thảm thiết. Con tàu sắt, ở đây, cũng lao đi vào đêm đen như thế. Nó bóc đi từng mảng lớn của thời đại và ném chúng mất hút vào đêm tối. Đêm vực dậy những khốn khổ, tan tác, và hoang mang sầu.]
Khởi từ cái định mệnh ấy, Tô Thùy Yên tiếp tục cuộc lên đường của mình vào đời sống. Hãy chú ý đến kinh nghiệm của nhà thơ: 

Cũng kiếp ngựa nhưng là ngựa rằn nên không để cưỡi, tôi mở con
đường máu cho tâm khảm thoát thân. Khỏi bề mặt của cuộc đời
bình lặng.

Tôi trang bị hoài nghi mà thám hiểm tương lai, ngày một lạc sâu thêm vào hoang địa, nỗi chán chường cứ trải rộng ra.
Và vòm trời như nắp áo quan bằng cẩm thạch.
(...)
Đêm khuya, tôi mở cửa sổ ra, ngưỡng mộ dự thính cuộc hòa tấu âm thầm của các tinh cầu trong khoảng không.
Và quên đi những điều đã nghe thấy ban ngày dưới phố.
(“Lễ tấn phong tình yêu”)

Vòm trời như nóc áo quan bằng cẩm thạch. Cuộc hòa tấu âm thầm của các tinh cầu. Đó là cái nhìn trong cuộc sống của đời thường, hay đó là sự xâm thực của những giấc mơ vào đời sống?
Và con ngựa vẫn lại tiếp tục phóng tới. Hệ trục không gian-thời gian mở rộng. Những giấc mơ tan tác rụng rời. Và con ngựa có lẽ lại sắp sửa để lại “giữa nền nhung” của hệ tọa độ kia “một vết nâu” chóng mặt.

Trăm năm, rồi lại trăm năm khác
Tên đóa hoa này, ngươi nhớ chăng?
Con ngựa bất kham cuồng bão táp
Cõi hồng trần lôi nỗi kinh tâm
Tiếng kêu réo đuối trong thăm thẳm
Mòn gót chân sương nắng tháng năm...
(“Mòn gót chân sương nắng tháng năm”)

Trong một cái nhìn liên văn bản (inter-textual), xét trong giới hạn thi sử qua những bài thơ của Tô Thuỳ Yên chảy suốt cuộc đời ông, ta thấy ám ảnh con ngựa-thời gian-ước mơ là một ám ảnh dài lâu trong cuộc lữ của Tô Thùy Yên. Bài “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” làm vào năm 1956, bài “Lễ tấn phong tình yêu” làm vào khoảng vài năm sau đó, có thể 58 hay 59, và bài “Mòn gót chân sương nắng tháng năm” làm vào năm 72. Con ngựa của ông rồi sẽ ngã gục trong một hình ảnh rõ nét hoặc hàm ẩn ở đâu đó trong bài. Thế nhưng, nó lại được sống lại trong một bài thơ khác. Những ước mơ của con người, tha thiết là thế, nên cho dù cuộc sống nó có hữu hạn, con ngựa kia vẫn tiếp tục dong dả phóng tới để rượt đuổi định mệnh của mình. Những giấc mơ, một khi đã lên đường, sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
Nỗi ám ảnh siêu hình tiếp tục theo đuổi nhà thơ. Nhìn đi đâu, ông cũng chạm mặt nó. Những tiếng động trong trời đất cũng kéo ông về gần với nỗi ám ảnh muôn đời của mình:

Em chạy tìm anh ngoài cõi gió
Lửa oan khốc giỡn cười ghê hồn
Tiếng kêu đá lở long thiên cổ
Cát loạn muôn trùng xóa dấu chân
Em độc thoại lời kinh ánh xanh
Trăng lu khuya mỏi nén hương tàn
Chó tru thăm thẳm ngây thiên địa
Mái ngói nghiêng triền trái rụng lăn
(“Góa phụ”)
Con chim lạc bạn kêu trời rộng
Hồn chết trôi miền dạ lý hương
(“Vườn hạ”)
Các mùa chuyển động trong trời trống
Di điểu qua sông xẻ luống sầu
Ly biệt chẳng từ hạt cát ngọc
Tuần hoàn đến cả giọt sương châu
(“Tưởng tượng ta về nơi bản Trạch”)
Ở đây, ta có dăm pho sách
Và một dòng sông, mấy cụm mây...
Dòng sông u hiển trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm (...)
Trên dốc thời gian hòn đá tuột
Lăn dài kinh động cả hư vô (...)
(“Hề, ta trở lại gian nhà cỏ”)

Hình ảnh hòn đá lăn trên dốc của Tô Thùy Yên làm ta chạnh nhớ đến tảng đá lăn của huyền thoại Sisyphe. Camus đã cho thấy ý nghĩa của cuộc sống con người giữa đời trong liên hệ với nỗi đau khổ nhục nhằn của hình phạt kia. Sisyphe cứ phải tiếp tục đẩy tảng đá lên chót núi, cho dù là, sau đó, nó lại lăn xuống. Chính cái thái độ tiếp tục đi tiếp, và đi cho hết, cái bổn phận và định mệnh của mình kia của Sisyphe, đã làm cho “cuộc hiện sinh” của Sisyphe có ý nghĩa. Và có hạnh phúc. Đó cũng chính là ý nghĩa và hạnh phúc của kiếp người. [7]
Bài “Trường Sa hành” là một bài thơ thể hiện rõ tính siêu hình và những ám ảnh về thời gian, không gian, và ý nghĩa của cuộc sống giữa đời của con người trong thi giới của Tô Thùy Yên. Tôi sẽ phân tích nó riêng trong phần cuối của tiểu luận này để giới thiệu một cách nhìn và một hướng phân tích thơ.
Để kết cho phần bàn về những ám ảnh siêu hình của Tô Thùy Yên, tôi xin đóng nó lại bằng hướng nhìn tích cực của nhà thơ về định mệnh và cuộc lữ của chính ông – hay đó chính là định mệnh và cuộc lữ của bất cứ một con người nào có ý thức về cuộc hiện sinh của mình giữa đời: 

Hoàng hôn xô bóng ta trên cát
Ta lớn lao và ta cô đơn
Ngưỡng mộ cây xương rồng gắng gượng
Thân trần đứng lẻ giữa đồng trơn (...)
Biểu dương – hãy biểu dương cùng tận
Vinh dự lầm than của kiếp người
Hi hữu một lần trên trái đất
Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.
(“Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai’’)


[7] Xem Albert Camus, Le Mythe de Sisyphe / Essai sur L’Absurde, Collection Idées, Éditions Gallimard, 1942.