Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

Liên hoan phim Cannes năm nay – những tác phẩm điện ảnh Trung Quốc và Việt Nam

Lê Hồng Lâm

 

Trong suốt hơn ba thập niên qua, điện ảnh châu Á chưa bao giờ thiếu vắng tại Cannes (cũng như Venice, Berlin và nhiều Liên hoan phim quốc tế lớn khác trên thế giới). Nhiều giải thưởng quan trọng đã được trao cho điện ảnh châu Á (tôi nhớ không nhầm thì có 6 giải Cành cọ vàng và 5 giải Đạo diễn xuất sắc đã được trao cho các bộ phim và đạo diễn châu Á, chưa tính các giải thưởng khác trong khoảng ba thập niên qua).

Cuối thập niên 80 kéo dài sang hết thập niên 90 là làn sóng mới của điện ảnh Hoa ngữ và Iran, bên cạnh Nhật Bản vốn đã được Cannes tôn vinh từ nhiều thập niên trước.

Từ đầu 2000 đến giờ là sự tỏa sáng của điện ảnh Hàn Quốc.

Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Singapore cũng xuất hiện một số tên tuổi được chú ý và mang về một số giải thưởng.

Liên hoan phim Cannes năm nay (lần thứ 77) có vẻ là sự trở lại của điện ảnh Hoa ngữ, với Caught by the Tides của đạo diễn Giả Chương Kha tranh giải Cành cọ vàng. Đây là bộ phim thứ 6 tranh giải Cành cọ vàng của đạo diễn nổi bật nhất Thế hệ thứ 6 của điện ảnh Trung Quốc. Bộ phim này được bấm máy từ năm 2001 và Giả Chương Kha mất tới 23 năm để hoàn thành nó. Đó cũng là thời gian được phản ánh trong bộ phim, kể về sự thay đổi chóng mặt của Trung Quốc trong hơn hai thập niên qua đã tác động lên thân phận của một người phụ nữ (vẫn là Zhao Tao, bạn đời của đạo diễn đóng) và cuộc tình của cô như thế nào. Có vẻ như thời gian là một chủ đề mà Giả Chương Kha luôn quan tâm trong các bộ phim của mình để nắm bắt một hiện thực ít được nói đến trong sự phát triển của quốc gia này và cũng khác biệt với phim của thế hệ thứ 5 (Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca).

Caught by the Tides đã trình chiếu ở Cannes hai hôm trước với điểm số tích cực (điểm phê bình cao thứ hai trong các phim đã trình chiếu). Tờ Times Out và The Guardian đều chấm 4 sao, nhận xét bộ phim rất ít thoại và thậm chí còn dễ tưởng nhầm là một bộ phim câm. Tôi nghĩ phim này sẽ có giải năm nay, không lớn thì nhỏ.

Quản Hổ (Hu Guan), một đạo diễn thế hệ thứ 6 khác, từng thành công với những bộ phim bom tấn như Lão Pháo Nhi hay The Eight Hundred lần đầu tiên có phim tranh giải tại Cannes ở hạng mục Un Certain Regard với Black Dog do Bành Vu Yến đóng chính, kể về mối quan hệ giữa một tay cựu tù nhân bí ẩn trở về vùng quê hương hoang vắng của mình và kết bạn với một chú chó hoang mà trước đó anh ta được lệnh phải giết vì cho rằng nó bị dại. Phim cũng ra mắt tại Cannes, Bành Vu Yến dắt cả chú chó diễn viên lên thảm đỏ. Giả Chương Kha cũng xuất hiện trong phim này với một vai nhỏ. Phim có vẻ là một ngụ ngôn chính trị, cũng nhận nhiều phản hồi tích cực.

Vào ngày cuối của Liên hoan phim (24/5) sẽ là cuộc đổ bộ rầm rộ của dàn sao Hoa ngữ, dẫn đầu bởi Chương Tử Di, nữ diễn viên chính trong bộ phim She's Got No Name của đạo diễn kỳ cựu người Hongkong Trần Khả Tân (Điềm Mật Mật). Nghe nói cả một nửa dàn sao nổi tiếng nhất của Trung Quốc xuất hiện trong bộ phim này, kể về một vụ án mạng có thật ở nước này hồi thập niên 40 về một người phụ nữ giết chồng dã man (chặt xác) nhưng ẩn đằng sau đó là một câu chuyện ngụ ngôn về nữ quyền. Chắc phải hơn 10 năm rồi kể từ The Grandmaster của Vương Gia Vệ, Chương Tử Di mới xuất hiện trở lại Cannes với một bộ phim lớn. Phim này chỉ trình chiếu, không dự thi.

Còn khá nhiều tác phẩm khác của điện ảnh châu Á xuất hiện tại Cannes năm nay (Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc), nhưng bộ phim cuối cùng mà tôi chờ đợi và hi vọng có giải là Viet & Nam (tên tiếng Việt là Trong Lòng Đất) của đạo diễn Trương Minh Quý – tranh giải ở hạng mục Un Certain Regard và Queer Palm. Phim ra mắt ngày hôm nay và ê kíp của bộ phim mới xuất hiện trên thảm đỏ của Liên hoan phim Cannes vài tiếng trước. Đáng tiếc, bộ phim này đã bị cấm phát hành tại Việt Nam do một vài lý do "nhạy cảm" từ cơ quan kiểm duyệt.

Một câu chuyện không còn mới nữa nhưng chưa bao giờ cũ của điện ảnh Việt, khi hiếm hoi lắm mới có được một tác phẩm được các Liên hoan phim quốc tế hàng đầu ghi nhận, thì trong nước lại... không công nhận. Liệu chúng ta có một giải pháp "khôn ngoan và khoan dung" (chữ của đạo diễn Phan Đăng Di) cho những tác phẩm điện ảnh được các Liên hoan phim quốc tế hàng đầu thế giới ghi nhận không? Bởi cơ hội để những bộ phim Việt Nam xuất hiện và tranh giải ở các Liên hoan phim quốc tế hàng đầu trên thế giới như thế này rất hiếm và mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Về trường hợp của Viet & Nam (Trong Lòng Đất) và câu chuyện kiểm duyệt ở Việt Nam với các tác phẩm điện ảnh "nhạy cảm" tôi sẽ viết một bài kỹ hơn (cho báo chí) sau.

 

clip_image002

Viet & Nam (Trong Lòng Đất) của đạo diễn Trương Minh Quý vừa ra mắt tại LHP Cannes hôm nay. Phim tranh giải tại hạng mục Un Certain Regard và Queer Palm.

  clip_image004

Bành Vu Yến và chú chó bạn diễn trong bộ phim Black Dog của đạo diễn Quản Hổ, một tên tuổi của Thế hệ thứ 6 điện ảnh Trung Quốc. Phim này cũng tranh giải ở hạng mục Un Certain Regard.

  clip_image006

Chương Tử Di tái xuất tại Cannes sau hơn 10 năm với She's Got No Name của đạo diễn Trần Khả Tân.

  clip_image008

Một cảnh trong Caught by the Tides của đạo diễn Giả Chương Kha, một trong hai phim châu Á tranh giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm nay. Phim này quay từ năm 2001 đến 2023, theo chiều dài của thời gian trong phim.

  clip_image010

Những gương mặt đạo diễn châu Á nổi bật được New York Asian Film Festival điểm danh tại Cannes năm nay. Trương Minh Quý (Việt Nam, hình giữa, hàng 2) xuất hiện bên cạnh những tên tuổi như Giả Chương Kha, Quản Hổ, Rithy Panh (đạo diễn tên tuổi người Pháp gốc Campuchia)...