Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Vài cảm nghĩ về “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc

Trần Hữu Thục

 

 

Tác phẩm mới của nhà nghiên cứu và phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương”, 440 trang, đẹp trang nhã, gồm hơn 20 bài viết, tất cả đã được công bố trên các tạp chí giấy và mạng trong mấy chục năm qua, bây giờ được “viết lại, viết thêm, được triển khai mở rộng, hoặc được kết hợp với những bài viết mới, cái nhìn mới,” theo tác giả, trong Lời Vào Sách. Hầu hết trong số những tiểu luận này, cá nhân tôi đã từng đọc qua, có bài đọc nhiều lần, đọc kỹ, vừa để hiểu thêm những khía cạnh đặc thù của mỗi tác giả anh viết về, mà cũng vừa để cập nhật kiến thức trong giai đoạn đầu (1993-1995) khi tôi mới ra hải ngoại, chập chững bước chân trở lại vào văn học sau gần hai thập niên “đui mù” ở trong nước. Tôi cũng đã nhiều dịp trích dẫn ý kiến của Bùi Vĩnh Phúc trong các bài viết riêng của tôi.

Bùi Vĩnh Phúc cho biết, tuy tất cả thuộc về văn học Miền Nam, nhưng chín khuôn mặt này đều xuất thân từ cả ba miền đất nước, Trung, Nam, Bắc đều có đủ. Mặt khác, họ thuộc những “nhóm” khác nhau, tuỳ theo tạp chí văn học mà họ cộng tác: Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên từ “Sáng Tạo”, Vũ Khắc Khoan từ “Vấn Đề”, Võ Phiến từ “Bách Khoa”, Phạm Công Thiện từ “Giữ Thơm Quê Mẹ”; riêng Bùi Giáng, Nguyễn Xuân Hoàng, và Nguyễn Mộng Giác từ những “phong thổ” khác nhau, xem như độc lập. Tóm lại, đa dạng.

Về phương pháp nghiên cứu và phân tích, Bùi Vĩnh Phúc cho biết anh dựa trên hai hướng:

- Nhìn tác giả “qua những mốc thời gian khác nhau, với những dạng thể khác nhau, và từ những góc độ, tâm thế, những hoàn cảnh, tâm cảnh khác nhau.

- Nhìn tác giả “như một khối đá quý, rồi đập vỡ nó ra làm nhiều mảnh để thấy những “sắc diện”, những mặt sáng, mặt cắt khác nhau.

Từ đó, “tất cả và mỗi tác giả được nhìn ngắm, phân tích từ những giác độ khác biệt, được nắm bắt, chiếu sáng từ những góc hình, góc quay đặc thù,” theo Bùi Vĩnh Phúc (Lời Vào Sách).

Quả vậy, qua tất cả các bài viết, tôi nhận thấy anh đã cố gắng soi rọi từng tác giả và tác phẩm của họ bằng nhiều góc độ khác nhau: từ bối cảnh lịch sử và xã hội, tâm cảnh cá nhân, cho đến thân phận con người, thế giới chữ nghĩa và xu hướng nghệ thuật. Thử nêu một điểm trong bài viết khá dài của Bùi Vĩnh Phúc về Mai Thảo.

Theo Bùi Vĩnh Phúc, khi nói đến Mai Thảo, người ta có hai thái độ: một là, cho rằng văn chương Mai Thảo đúng là văn chương, là “làm cho đời sống với những góc cạnh bình thường của nó trở nên đẹp đẽ, lấp lánh và lãng mạn hơn, và, như thế, giúp cho người ta quên đi những nỗi đau đời, quên đi những thực tại đắng cay của xã hội” ; hai là, cho rằng “văn chương Mai Thảo quá cầu kỳ, đi đến chỗ làm dáng ngôn ngữ”, thậm chí “buộc tội” Mai Thảo là đã đứng ngoài đời sống, không quan tâm đến hiện thực đất nước đang trong hoàn cảnh chiến tranh. Bùi Vĩnh Phúc quả quyết cả hai lối nhìn này đều có tính cách cực đoan. Để làm sáng tỏ, anh phân tích văn chương Mai Thảo theo hai trục: trục ngang là các giai đoạn sáng tác của Mai Thảo qua các thời kỳ lịch sử, mỗi giai đoạn phản ảnh một thế giới riêng, nhằm mục đích giúp người đọc có một cái nhìn về tính chuyển động trong ý thức sáng tạo của một nhà văn”; và trục dọc, qua đó,cảm xúc và cái đẹp (…) là hai nét quán xuyến và nổi bật trong tất cả các tác phẩm của Mai Thảo.”

Từ đó, Bùi Vĩnh Phúc, trong lúc không bài bác cái nhìn tiêu cực của những người phê phán Mai Thảo, lại tìm thấy trong văn chương Mai Thảo những điều tích cực. Anh cho rằng, mặc dù hình ảnh của những quán rượu, những sàn nhảy, những cơn say, những canh bạc hay tình yêu trong truyện dài của Mai Thảo “lý tưởng quá, và nó có vẻ không thật”, nhưng chúng giúp con người một niềm tin như một cứu rỗi trước bao nhiêu phũ phàng do chiến tranh gây ra. Cho nên, “ở một góc cạnh nào đó, việc Mai Thảo ca ngợi tình yêu, lãng mạn và lý tưởng hóa một nụ hôn, một ánh mắt… cũng có thể đã có tác dụng cứu chữa, hàn gắn…”

 

image

 

Từ trái: Trần Doãn Nho, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Hoàng Nam, chị Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Đức Tùng, Phạm Phú Minh, Phùng Nguyễn (Hội Thảo Văn Học Miền Nam, Little Saigon)

(Hình: TDN)

Nói chung, đó là cung cách nhất quán của anh khi phân tích tác phẩm của các tác giả, mỗi người dưới những bối cảnh riêng biệt, không ai giống ai. Với một công trình nghiêm túc, dài hơi như thế, việc đưa ra một nhận định cụ thể và chính xác (về toàn bộ tác phẩm hay chỉ là một điểm như vừa đề cập trên) không thể vội vã và võ đoán, mà đòi hỏi thời gian cũng như nỗ lực làm việc cẩn trọng.

Riêng tôi, đọc lại các bài viết của Bùi Vĩnh Phúc – trước tản mác đây đó, bây giờ, tập trung hẳn vào trong một cuốn sách –, tôi tìm thấy một vài điểm lý thú khác, vốn trước đây tôi không mấy lưu ý, đó là cách viết. Trước hết, thỉnh thoảng tôi bắt gặp một số từ ngữ khá lạ xuất hiện rải rác đâu đó trong toàn tập sách, đơn lẻ, có vẻ như bất chợt thoát ra từ tiềm thức. Chúng, theo ức đoán của tôi, hoặc do anh tạo ra như nhiệt thú, nội-dung-anh, sơ thủy, “điệu” văn chương, triều nước (lý trí), bùng thức, chuốt lọc, nhiệt hứng, triển sinh, khứ thực (khác với hiện thực)…; hoặc do anh sử dụng những từ ngữ vốn hiếm khi được dùng như: roi rói, phong khí, cương ngạnh, tưởng khúc, khuôn âm, nhãn trường, thời văn, nhạc tố, phong nhiêu…Lạ, nhưng không bí hiểm. Riêng hai từ ngữ này tôi gặp lần đầu: nghịch dị (tr. 378) và khiết bạch (tr. 372). Tò mò tra cứu, được biết, nghịch dị là “một trong những thủ pháp tiếp cận thẩm mĩ đối với hiện thực, trong đó hiện thực được cấu tạo bằng sự  xâm nhập lẫn nhau của cái chủ thể và cái khách thể…” (theo Trần Đình Sử)[1]; khiết bạch (潔白) tiếng Hán-Việt, có nghĩa là sạch sẽ, trắng đẹp.[2]

Tôi đoán là vẫn có thể còn nhiều từ ngữ lạ khác như thế nằm khuất lấp đâu đó.

Ngoài ra, cách diễn đạt của anh qua các câu văn có nét riêng.

Hoặc do sự lặp lại chữ hay ý:

- Trong những sẻ chia, gắn bó về đất nước, về con người, về tự do, về hiện hữu. Và về cái chết.

- Cái nhộn nhịp và cái mệt mỏi. Cái khổ đau và cái hân hoan. Cái êm đềm và cái hỗn loạn.

- Với văn chương, ông đã phơi bày tấm lòng mình, tâm sự mình, thiết tha mình, và những ấp ủ mình

Hoặc sử dụng những danh từ, tính từ hay/và động từ nối tiếp, chen lẫn nhau, đồng thời với sự lặp lại:

- biến thành những câu thơ dài ngắn, khuất khúc, đứt gãy, kỳ lạ, long lanh và chảy máu.

- Những câu thơ như những mạch máu chạy dọc ngang, đứt nối, rồi lại nối kết và rượt đuổi nhau, băng qua trái tim, băng qua trí não, như những sân ga, làm thành những núi, sông, chia biệt

- Như một giọng hát, một nét nhạc, một tiếng kèn rách, người con gái, áo đen, quá khứ trên da trống, mặt trời mù, mưa, sình lầy, nhát búa, tương lai, lửa, thổ máu, bốc hơi, đập vỡ…

- Để hiểu được thế giới thơ của Tô Thùy Yên, có lẽ trước hết ta phải nói về cái tính chất độc đáo và kỳ lạ, ẩn chứa sôi sục như chỉ muốn lớn lên, tràn ra, trào ra, thoát ra

- Bây giờ, cũng như con người, thiên nhiên bị xé nát, bị xâm phạm, bị làm chủ bởi một sức mạnh kỳ bí. Nó bị vò xé, chặt khúc, bóp vặn

- Ði cho rách những đêm hoang, những đêm hoang rách rưới nhưng thơ mộng như những bài thơ rách nát rút ra từ đời sống.

Đấy: khuất khúc, đứt gãy, kỳ lạ, long lanh, chảy máu - mặt trời mù, mưa, sình lầy, nhát búa, tương lai, lửa, thổ máu, bốc hơi, đập vỡ…- vò xé, chặt khúc, bóp vặn… Hầu hết đều là những từ ngữ tượng hình. Cách sử dụng chữ như thế này tác động vào, và đánh thức, cảm quan người đọc. Nếu lưu ý, tuy sử dụng liên tiếp nhiều tính từ, động từ hay danh từ trong câu, nhưng chúng không trùng lặp ý nghĩa, do đó, không tạo nên cảm giác rườm rà; ngược lại, gây ấn tượng cụ thể.

Có lẽ nhờ thế mà câu văn vừa mang tính phân tích lại vừa phản ảnh tâm cảm “ở đây và lúc này” (hic and nunc) của người viết. Cũng từ đó, văn phong của anh, nói chung, nghiêm túc nhưng không khô khan, chặt chẽ nhưng không thắt buộc. Anh phân tích tác phẩm từ bên trong mối liên hệ tác giả-tác phẩm và tác phẩm-chữ nghĩa, chứ không phải là một áp đặt lý luận từ bên ngoài vào. Là một người lâu năm “ăn nằm” với các lý thuyết phê bình văn học mới của Tây phương, anh sử dụng chúng như là một trong nhiều phương tiện – chứ không phải là phương tiện duy nhất –, khi khảo sát các tác phẩm văn chương. Dấu vết của chúng có thể tìm thấy trong nhiều lập luận, nhưng xem ra, anh không để chúng chi phối hướng đi đã chọn của mình. Chính vì thế, rất nhiều nơi trong toàn bộ tác phẩm, hơi văn anh toát lên nét mềm mại, uyển chuyển khiến người đọc có cảm giác như đang “thưởng thức” văn chương hơn là “căng óc” suy nghĩ chuyện đúng, sai, hay, dở.

Phân tích bài thơ “Thành phố” của Thanh Tâm Tuyền, Bùi Vĩnh Phúc mở rộng khung cảnh và cảm quan của nhà thơ:

Thanh Tâm Tuyền đi giữa những biểu tượng của phố xá, và tâm hồn ông đầy những bước sóng vang âm cái thế giới bên ngoài. Cái nhộn nhịp và cái mệt mỏi. Cái khổ đau và cái hân hoan. Cái êm đềm và cái hỗn loạn. Bao nhiêu hình ảnh của cuộc đời ánh xạ vào tâm hồn nhà thơ. Cái nhịp sống ấy đi vào và mở tung những cửa ngõ của hồn, biến thành những câu thơ dài ngắn, khuất khúc, đứt gãy, kỳ lạ, long lanh và chảy máu. Những câu thơ có vẻ mất kết nối, lộ ra những khoảng trống ở nhiều chỗ trên bề mặt văn bản, nhưng chúng sẽ được liên kết, gắn bó lại trong cái nhịp điệu chung của ý tưởng và hình ảnh của toàn bài. Những câu thơ như những mạch máu chạy dọc ngang, đứt nối, rồi lại nối kết và rượt đuổi nhau, băng qua trái tim, băng qua trí não, như những sân ga, làm thành những núi, sông, chia biệt.” (tr. 24)

Ở một bài khác, “Tình cờ”, cũng của Thanh Tâm Tuyền, anh hình dung khá rõ nét bối cảnh của bài thơ:

Những mạch máu như những đường ray, chia cắt, ráp nối chằng chịt. Chạy vào đêm. Như một giọng hát, một nét nhạc, một tiếng kèn rách, người con gái, áo đen, quá khứ trên da trống, mặt trời mù, mưa, sình lầy, nhát búa, tương lai, lửa, thổ máu, bốc hơi, đập vỡ… Như những ấn tượng, vụt hiện, ráp nối, và biến động. Những ráp nối chồng lấp chằng chịt của đêm, kết nối và mất kết nối, trong đường ray mù tối của tâm hồn người.” (tr. 25)

Giữa những chặt chẽ của lý luận, ta thấy tiềm ẩn dòng chảy của tùy bút. Điều đó cho thấy Bùi Vĩnh Phúc đọc bằng cái tâm của người thưởng thức, không phải bằng cái soi mói của nhà phê bình. Nói cho đúng, đó là một tổng hợp giữa phân tích và cảm xúc, giữa hàn lâm và sáng tạo.

Nhận định về tuỳ bút “Nha Trang, những hang động tuổi thơ” của Nguyễn Xuân Hoàng, Bùi Vĩnh Phúc viết như thể viết cho, và viết về, chính mình, miên man:

Mà không phải chỉ có Nha Trang, tất cả quê hương là một nơi chốn để nhớ về. Quê hương là một căn nhà lớn. Nó cất giữ cho ta bao nhiêu hạnh phúc và đắng cay và ngọt ngào và nước mắt. (…) Nó là tiếng cười ta thuở chân sáo vào đời, là nỗi rộn ràng ta lần đầu nhìn em áo ngoan hài tím tóc thả gió thu, là mộng mơ ta bên em nhìn dòng sông mà mầu chiều bơ vơ đổ bóng. Nó là nụ hôn trong vườn đêm thơm mùi ngọc lan thao thiết, bờ môi em dịu dàng hé mở như một cánh hoa. Là chất sữa của nhung trên da thịt em dịu dàng trinh trắng. Là em run rẩy trong tay ta như một ánh trăng xanh chỉ chờ rạn vỡ. Quê hương là những ngày mà gió nắng vẽ trên vầng trán ta biết bao điều lý tưởng, là trái tim ta cháy lên bao tha thiết cuồng say. Và quê hương cũng là những ngày loạn lạc, khói lửa mịt mù, là đắng cay của những người vợ trẻ, là xót xa của những người mẹ già tóc trắng như sương. Quê hương là gió bão, là lời chúc dữ, và là giọt nước mắt ta chảy ra một đêm tối khi chân bước xuống thuyền, là nỗi quặn đau ta mỗi khi nhìn lại, nỗi quặn đau mà ta hằng chắt chiu chẳng nỡ rời bỏ, chối từ. Quê hương. Giọt nước mắt ta chảy ra hóa thành một đêm tối bơ vơ.” (tr. 263-264)

Xuyên qua hơn hai chục tiểu tuận, tôi nhận thấy chất tùy bút khi thì len lỏi, khi thì phảng phất, có lúc lại chan hòa trong không khí viết của anh. Nhất là khi anh tìm thấy sự đồng cảm sâu xa với tác giả ở một tác phẩm nào đó. Đoạn mở đầu một trong mấy “tưởng khúc” về Phạm Công Thiện, “Đọc và nhìn lại Phạm Công Thiện qua “Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”, Bùi Vĩnh Phúc diễn tả:

Trước hết là màu đen. Màu đen của khu vườn đêm trĩu những hoa và trái kỳ lạ. Hương thơm của chúng chín như mật ong làm choáng những bước chân. Những bước chân thả hoang vào thiên điạ đắm hoang mang. Ði. Ði như một con tàu say. Con tàu hụ vào đêm sương những bước đi chuếnh choáng của giông gió cuộc đời. Ði. Ði hút vào đêm đen theo một tiếng gọi kỳ lạ như Céline đã đi. Voyage au bout de la nuit. Ði vào một mùa Xuân đen, một printemps noir (black spring) tàn bạo và ngây ngất thần trí như Henry Miller. Ði cho rách những đêm hoang, những đêm hoang rách rưới nhưng thơ mộng như những bài thơ rách nát rút ra từ đời sống. Những bài thơ như những cánh chim thả vào đêm tối những hải đảo hoang vu của Xuân Hạ Thu Ðông. Những cánh chim bỗng lóe hồng theo một dòng mặt trời vừa mọc. Ánh sáng đã ra đời.” (tr. 296)

Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất” là một tùy bút. Bùi Vĩnh Phúc viết về tùy bút bằng tùy bút. Một thứ tùy bút trong tùy bút.

Nhận định về Bùi Giáng, giọng văn của Bùi Vĩnh Phúc nghe còn thiết tha hơn nữa:

Hay người muốn tìm lại những ngày tháng ngao du cũ, những sương bình nguyên, một màu hoa trên ngàn, và những đêm sâu đầy màu sử lịch của một khúc sa mạc trường ca? Người đã sống điên dại giữa đời, hay đúng hơn, người đã chọn một cuộc chơi vĩ đại, trầm thống với tất cả “thân thể máu me và da xương” của chính mình mà mẹ cha cũng như trời đất đã ban cho. Chẳng mấy kẻ trên đời này đã dám xông vào trận như thế. Người làm ta nghĩ đến Paul Gauguin, kẻ đã dám từ bỏ thế giới văn minh của con người để đi tìm một sắc màu thơ mộng mới cho chính cuộc tồn sinh mình. Gauguin, cũng như người, đã suốt đời lang thang để đi tìm một màu hoa sơ thủy. Người cũng đã làm ta nghĩ đến Van Gogh, kẻ đã tự ý đánh mất cái khôn ngoan của những con người sống giữa đời thường, để có thề đi sâu vào trong ánh sáng điên cuồng chói lọi của những starry nights, của những đêm sao lồng lộng và nhìn ra ở đó những chính bản của cuộc đời. Cuộc đời như chúng ta đang sống chỉ là những phó bản với thật lắm điều sai lệch.” (tr. 327)

*

Đọc những đoạn văn như thế trong một tuyển tập tiểu luận văn chương, trong phút chốc, tôi quên mất Bùi Vĩnh Phúc là một nhà lý luận và phê bình văn học. Mà nghĩ đến một nhà thơ:

(…)

Những con chim bay vùi trong kỷ niệm

Tiếng hát em thơ dại một mùi hương

Mùi thơm của tóc ấm, của cỏ mềm

Và mùi thơm một đường môi ướt nắng

Mùa Hạ lẫn mùa Xuân ủ say trong cánh tay anh

Biển và sóng và mùi hạnh phúc

Tràn lấp đầy trong cảm giác anh

Trong trái tim anh một lũ ong vo ve làm mật

Để rụng trên môi ai những giọt hạ vàng. (Ấn tượng)

(…)

Vâng, những khổ thơ trên là của một nhà thơ. Bùi Vĩnh Phúc!

Thơ mà như tùy bút. Tùy bút mà như thơ.

Nghĩ thế, tôi gọi tác phẩm mới của Bùi Vĩnh Phúc, “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương”, ở một khía cạnh nào đó, là tùy-bút-luận.

THT

Dallas, xuân phân Giáp Thìn (20/3/2024)


[1] Từ nguyên: Grotta, nghĩa là cái hang, động. Một trong những thủ pháp tiếp cận thẩm mĩ đối với hiện thực, trong đó hiện thực được cấu tạo bằng sự  xâm nhập lẫn nhau của cái chủ thể và cái khách thể trong nghĩa rộng nhất của hai yếu tố đó (tích cực và tiêu cực, con người và tự nhiên, tưởng tượng và kì ảo…)

https://trandinhsu.wordpress.com/2017/03/03/nghich-di/

[2] Từ điển Hán-Nôm

Xem: https://hvdic.thivien.net/hv/khi%E1%BA%BFt%20b%E1%BA%A1ch