Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Hồ Xuân Hương “quẩy gánh càn khôn...”

(Đọc tiểu thuyết “Hồ Xuân Hương” của Nguyễn Thế Quang, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2024)

Đặng Văn Sinh

image  

Hồ Xuân Hương là trường hợp khá đặc biệt, vừa là nhân vật có thật vừa là nhân vật giai thoại, thậm chí cả huyền thoại, từng chứng kiến cảnh hưng phế của ba vương triều phong kiến trong lịch sử cận đại Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX. Trước hết, Hồ Xuân Hương là một nhân cách văn hóa hay cụ thể hơn, là giá trị tinh thần, của một thời kỳ lịch sử. Là chủ soái tao đàn Thăng Long, những vần thơ trào phúng của bà chẳng những phản ánh khát vọng sống của chị em phụ nữ mà còn nói lên sự bất mãn của cộng đồng bởi sự thối nát của nền chính trị đương thời.

Từ cách nhìn biện chứng lịch sử mà nhận xét, Hồ Xuân Hương là một nữ nhân đồng thời cũng là nhà nho tài tử giống như sản phẩm bị lỗi của nền quân chủ chuyên chế trọng nam khinh nữ vốn bắt nguồn từ học thuyết Khổng Mạnh với vô số khuyết tật. Có thể nói, trong hàng vạn “nhà nho chính thống” cũng như phi chính thống đương thời, nữ sĩ họ Hồ “là một, là riêng, là thứ nhất” như Xuân Diệu từng tuyên ngôn trong bài thơ “Hy Mã Lạp Sơn”. Hai trăm năm sau khi nữ sĩ qua đời, đã có một số cây bút viết về bà, trong đó “Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực” của học giả Đỗ Lai Thúy là công trình khảo cứu chuyên sâu có giá trị học thuật nhất. Tuy nhiên, cuộc đời thực Hồ Xuân Hương và sự nghiệp sáng tác của bà còn tồn tại những mâu thuẫn chưa được lý giải thỏa đáng. Hơn thế nữa, bà là một nhân cách lớn, một nhà nho cấp tiến đi trước thời đại. Đấy cũng là nguyên nhân xưa nay ít người dám viết về bà với tư cách nhân vật văn chương bằng cảm quan lịch sử.

Nguyễn Thế Quang dám làm điều đó và ông đã thành công khi đem đến cho người đọc một “Bà Chúa Thơ Nôm”[1] qua thân phận lạc loài “bảy nổi ba chìm” nhưng “vẫn giữ tấm lòng son” giữa cuộc “dâu bể bể dâu”.

Khác với các công trình biên khảo, Nguyễn Thế Quang viết “Hồ Xuân Hương” dưới con mắt của một nhà tiểu thuyết. Ông “tái cấu trúc” hình tượng chủ nhân Cổ Nguyệt Đường qua lăng kính lịch sử và đặt nhân vật của mình trong mối tương quan với những nhân vật khác sau khi phục hiện nền chính trị đương thời làm mẫu số chung cho mọi hoạt động của hệ thống nhân vật ấy. Như vậy, đương nhiên, Hồ Xuân Hương là hình tượng trung tâm của “tấn trò đời” mà những “vệ tinh” xoay quanh tương tác với bà bằng nhiều quỹ đạo khác nhau tùy vào nhân cách và trình độ học vấn. Tạm thời gác sang một bên tuổi vị thành niên về Quỳnh Đôi làm thơ “Thiếu nữ ngủ ngày” suýt nữa bị làng phạt vạ, chỉ tính từ thời điểm trưởng thành sống ở Cổ Nguyệt Đường, Hồ Xuân Hương mới tạo dựng được mối quan hệ xã hội. Những mối quan hệ ấy, trước hết là với học trò của cha mình.

Về mặt nào đó ta có thể xem hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Xuân Hương cũng là một mô hình động dưới dạng cấu trúc mở kết hợp giữa nhân vật lịch sử, giai thoại và sự hư cấu tưởng tượng. Những Nguyễn Du, Mai Sơn Phủ, Trần Ngọc Quán, Trần Phúc Hiền, Tốn Phong Thị, Phạm Quý Thích..., là có thật không chỉ hiển hiện như những kẻ sĩ mà còn được miêu tả ở khía cạnh đời thường với thân phận con người đầy đủ tình cảm ái ố hỷ nộ. Về hiện tượng này, ta không thể phủ nhận, Nguyễn Thế Quang chọn được điểm nhìn nghệ thuật hợp lý, và từ điểm nhìn ấy, ông thấy rõ mọi hoạt động của các thành phần cư dân trong cấu trúc xã hội phong kiến chuyên chế ở vào thời kỳ nền kinh tế thị trường bắt đầu manh nha ở một số đô thị nhất là kinh thành Thăng Long thời Lê Mạt và Bắc Thành thời Nguyễn Sơ. Kinh tế thị trường là điều kiện cần thiết cho sự ra đời tầng lớp thị dân trong lòng xã hội phong kiến. Và hệ quả của nó là các giá trị mới thuộc phạm trù văn hóa thị dân hình thành ít nhiều tác động đến tâm lý giới nhà nho trong đó có cả Nguyễn Du, Mai Sơn Phủ, Cự Đình, Tốn Phong và nhất là Hồ Xuân Hương. Sự phá cách của Hồ Xuân Hương trước hết bắt đầu từ tư tưởng thị dân về quyền sống, quyền làm người cũng như sự bình đẳng giới tính.

Vì thế, chi tiết Hồ Xuân Hương yêu Nguyễn Du, yêu Mai Sơn Phủ rồi sẵn sàng trao thân cho bạn tình dưới đêm trăng huyền ảo Cổ Nguyệt Đường cũng không có gì lạ khi Nguyễn Thế Quang dám vượt lằn ranh đỏ trong khi các tác giả khác coi đó là điều cấm kỵ cho dù nội dung tiểu thuyết của ông vẫn tuân thủ nghiêm ngặt những quy ước truyền thống. Có thể nói, dàn nhân vật trong “Hồ Xuân Hương” đều là những tài tử giai nhân được đào luyện trong trường học Khổng Mạnh nhưng chịu ảnh hưởng của văn hóa đô thị nên đã có bước chuyển cơ bản về nhận thức. Chính vì thế, Nguyễn Du, Mai Sơn Phủ, Trần Ngọc Quán, Trần Phúc Hiền và cả Cự Đình, Tốn Phong đều khác hẳn với đám hủ nho bao gồm cả các hoàng đế Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị độc đoán, cố chấp luôn muốn duy trì một xã hội lạc hậu, đói nghèo để dễ bề cai trị.

Đặt Hồ Xuân Hương trong hoàn cảnh xã hội đầy những nghịch lý thời Nguyễn sơ, dù vô tình hay hữu ý, Nguyễn Thế Quang đã tạo ra sự tương phản, trước hết về tư tưởng giữa tầng lớp quan lại và thành phần thị dân bị trị. Ở điểm này, hầu hết các nhà tiểu thuyết lịch sử Việt Nam cũng đã từng đề cập đến, thậm chí, có tác giả còn xem đó là tư tưởng chủ đạo tác phẩm. Nhưng với “Hồ Xuân Hương”, tác giả đã tiến thêm một bước làm thay đổi hẳn bản chất “phản ánh hiện thực” mâu thuẫn ấy. Đó là vấn đề văn hóa. Thật ra, “Nguyễn Du” và “Thông reo Ngàn Hống” cũng đã là những tiểu thuyết viết về danh nhân văn hóa khá đậm đặc, nhưng đến “Hồ Xuân Hương” thì hàm lượng văn hóa phong phú hơn nhiều bởi lẽ bà là một kỳ nữ, một ngôi sao văn học sáng chói không thua kém chút nào nếu so với Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ.

Căn cứ vào cách xây dựng hình tượng trung tâm tiểu thuyết và những chuyển động của nhân vật chính qua các vùng không gian khác nhau, người đọc tinh ý sẽ nhận ra không ít ký hiệu được tác giả cài cắm vào văn bản như những mã văn hóa. Mỗi một mã văn hóa đó đều mang trong nó những tín hiệu thẩm mỹ có chức năng tạo ra trường cảm xúc với cường độ mạnh khai mở tầng vô thức, từ đó hình thành những câu thơ xuất thần như một thứ năng lượng trời cho.

Căn cứ vào bố cục, chúng ta có thể nhận ra, ba vùng không gian trong tiểu thuyết “Hồ Xuân Hương”. Trước hết là không gian Tây Hồ, nơi bà sinh ra, lớn lên, đi học và định hình nhân cách. Tiếp đến là không gian xứ Nghệ mà hạt nhân của nó là làng Quỳnh Đôi, nơi còn lưu giữa nhiều hủ tục trong đó có những lệ làng (luật tục) dã man với các thành viên cộng đồng. Đây là vùng không gian khá rộng được định hình sau chuyến đi của Xuân Hương và Quế Hương về quê Mai Sơn Phủ và Nguyễn Du. Cuối cùng là không gian biển Yên Quảng - Hạ Long, nơi Trần Phúc Hiền giữ chức hiệp trấn.

Ba vùng không gian này với ba tiểu vùng văn hóa được nữ sĩ thâu nhận trong những chuyến du ngoạn đã tạo cảm hứng cho bà có những suy ngẫm về nhân tình thế thái. Những trải nghiệm có ý thức từ mỗi vùng văn hóa chính là điều kiện cần thiết để hình thành nhân cách Hồ Xuân Hương như một tác gia lớn lúc giao thời của hai thế kỷ cận đại. Không gian Tây Hồ thực chất là địa bàn văn hóa Thăng Long, nơi Hồ Xuân Hương sinh ra trong cõi nhân gian và làng hoa Nghi Tàm cùng với sen Hồ Tây luôn luôn là bối cảnh tạo nên dáng vẻ yêu kiều của những thiếu nữ Hà Thành. Nếu coi Tây Hồ là không gian văn hóa thì Cổ Nguyệt Đường chính là “phòng trà” hay “salon văn chương” của những văn nhân tài tử Cố Đô do Hồ Xuân Hương làm “nguyên súy”.

Phải thừa nhận, Nguyễn Thế Quang có kiến văn đáng nể về lịch sử văn hóa. Ông am hiểu bối cảnh xã hội, phong tục tập quán cũng như lời ăn tiếng nói của các thành phần cư dân cuối Lê đầu Nguyễn, vì thế đã dựng lại được không gian văn hóa như nó vốn có. Điều này được chứng minh khá rõ qua các cuộc hội ngộ làm thơ xướng họa giữa Nguyễn Du với Hồ Xuân Hương hay Hồ Xuân Hương với Trần Ngọc Quán, Tốn Phong, Cự Đình, Phạm Quý Thích và Trần Phúc Hiền. Nói rằng đây là một “tao đàn” Thăng Long cũng chẳng sai. Có một điều thú vị là, số lượng thơ, nhất là thơ nôm Hồ Xuân Hương được Nguyễn Thế Quang tuyển chọn đưa vào tiểu thuyết đều phong phú, đa dạng và nhất là luôn phù hợp với từng hoàn cảnh khiến người đọc cứ nghĩ mình đang hiện hữu trong môi trường sống cách ngày nay hơn hai thế kỷ.

Tuy nhiên, nếu xét về sự hấp dẫn thì vùng không gian văn hóa miền Trung trong chuyến chu du của hai chị em Hồ Xuân Hương được tác giả miêu tả chi tiết hơn, kỹ lưỡng hơn. Với Hồ Xuân Hương, những thắng cảnh núi non, sông hồ, đền miếu hay cổ tự đều là đối tượng thi ca. Sự tương tác giữa nữ sĩ với thiên nhiên và con người chẳng những là trải nghiệm mà còn như chiều kích văn hóa để bà nhận diện về gương mặt cuộc đời dưới những dạng thức khác nhau. “Đèo Ba Dội”, “Hang Cắc Cớ”, “Đá Ông Bà Chồng”..., chính là kết quả của chuyến hành hương đầy cảm hứng nhưng cũng khá mạo hiểm này.

Dưới ngòi bút Nguyễn Thế Quang, cặp mắt nhìn đời của Hồ Xuân Hương đầy vẻ hoài nghi và giễu cợt. Hoài nghi bởi sự bất an của thân phận con người trong một xã hội phân chia đẳng cấp, trọng nam khinh nữ. Còn giễu cợt chính là tâm lý phản ứng của người có trí tuệ sắc sảo phê phán những hành vi trái tai gai mắt bằng tiếng cười dân gian với nhiều sắc thái khác nhau. Nhân cách văn hóa Hồ Xuân Hương lớn, vượt khỏi khung khổ thời đại cũng bởi tiếng cười độc đáo ấy. Là phản ứng của dân gian một cách đặc thù nên từ đám nha sai đến giới quan lại Lê - Trịnh và cả Nguyễn triều nữa đều nhảy cẫng lên như bị ong châm mỗi khi nghe “Lỡm học trò”, “Không chồng mà chửa”, “Miếu Sầm thái thú”, “Quan Hậu sợ vợ”... Là bởi thiết chế xã hội phong kiến dùng học thuyết khổng Mạnh làm nền tảng giáo dục, lấy “Tam cương”, “Ngũ thường” chi phối bản tính tự nhiên con người, biến nhà nho thành những kẻ đạo đức giả. Hồ Xuân Hương biết tỏng chuyện này, chính vì thế bà mới trêu ngươi đám ngụy quân tử ấy bằng “Vịnh nằm ngủ”, “Vịnh cái quạt”, “Lỡm học trò”, “Quả mít”, “Ốc nhồi”...

Như phần trước chúng tôi đã nói, Hồ Xuân Hương là nhà nho tài tử, một thứ “Nho phi Nho” như giáo sư Trần Đình Hượu từng nhận xét trong công trình khảo cứu về tư tưởng phương Đông. Bà là hiện tượng đột biến, một nho sĩ “nổi loạn” ngay trong lòng xã hội phong kiến chuyên chế mạt kỳ với cách hành xử vượt qua thời đại mình hàng thế kỷ.

Thơ Nôm Hồ Xuân Hương là hiện tượng độc đáo phản ánh sự trưởng thành của ngôn ngữ Việt. Bà tận dụng tối đa ưu thế tiếng Việt để tạo nên những bài thơ lấp lửng hai mặt, mở đầu là “tín ngưỡng phồn thực”, tiếp đến “triết lý phồn thực” và cuối cùng là “mỹ học phồn thực”[2]. Sự lấp lửng hai mặt trong thơ Hồ Xuân Hương phần nào giống như loại hình văn học dân gian “đố thanh giảng tục”. Dưới nhãn quan “phồn thực” của Hồ Xuân Hương, mọi vật thể hiện hữu trong thế gian này đều được quy vào linga và yoni vốn là thuộc tính Âm, Dương là bản thể vũ trụ. Nguyễn Thế Quang đã rất tinh tế khi ông dẫn ra những bài thơ trào phúng lấp lửng hai mặt “dính dán” đến các biểu tượng này.

Sự thất bại trong hôn nhân và tình duyên trắc trở của Hồ Xuân Hương không hẳn chỉ là giai thoại được Nguyễn Thế Quang đưa vào tác phẩm. Ở trường hợp của bà, người đời hay nói đến số phận trong sự đối lập giữa hai thái cực như chính Nguyễn Du đã từng cảm thán thay cho nàng Kiều “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Với người phương Đông, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, câu thành ngữ “Tài mệnh tương đố” mang tính phổ quát. Huống hồ, một nữ nhân tài sắc vẹn toàn như Hồ Xuân Hương làm sao thoát khỏi quy luật ấy.

Cả cuộc đời, Hồ Xuân Hương luôn đi tìm trái tim đồng điệu. Tình quân của nữ sĩ phải là người đầu đội trời chân đạp đất, một tri kỷ, tri âm đúng nghĩa. Với bà, người tình trọn đời vừa yêu thương vừa kính trọng chỉ có Nguyễn Du. Trần Ngọc Quán, Tốn Phong và ngay cả Trần Phúc Hiền tuy cũng là những nhân tài, nhân cách đáng trọng nhưng vẫn bị mờ đi dưới ánh hào quang của bà. Cho nên, cuộc trăm năm với hiệp trấn Trần Phúc Hiền cũng chỉ là dư âm sau những cuộc tình ngắn ngủi với Nguyễn Du và Mai Sơn Phủ.

Nói vậy, nhưng ở phần thứ tám mang tên “Hoạn hải ba đào” với bốn chương, Nguyễn Thế Quang đã dành những trang viết vô cùng ấn tượng về cuộc sống của Hồ Xuân Hương sau khi bà lên thuyền hoa về xứ Yên Quảng làm vợ hiệp trấn Trần Phúc Hiển. Tuy niềm hạnh phúc ngắn ngủi chỉ có mấy năm nhưng đây là thời kỳ đắc ý nhất của bà. Và cũng tại không gian văn hóa này, Hồ Xuân Hương đã giúp chồng nhiều việc trong vai trò tham hiệp trấn. Yên Quảng được xem là vùng văn hóa biển với sông Bạch Đằng huyền thoại, vịnh Hạ Long thơ mộng và những đảo xa miền biên viễn, nơi các thế lực ngoại bang luôn tìm cách lấn chiếm bằng nhiều thủ đoạn tinh vi mà một trong âm mưu cổ điển nhất là cài cắm nội gián. Án thủ Lê Văn Dung là một trong số đó. Vụ án “cặp ngà voi, ẩn lậu đinh tráng và đòi hối lộ” mà tổng trấn Bắc Thành Lê Chất câu kết với Lê Văn Dung vu oan cho Trần Phúc Hiển, xét đến cùng đều là những toan tính của người Tàu nhằm triệt hạ một viên hiệp trấn thủ sắc sảo có nguy cơ làm tổn hại đến quyền lợi của chúng. Nguyễn Gia Long vì đa nghi, thiển cận đã mắc bẫy thiên triều sát hại trung thần.

Thực ra đây cũng là cách hành xử phổ biến của triều đình phong kiến chuyên chế, nơi mà đám sủng thần chiếm ngôi cao nhưng thiểu năng trí tuệ luôn ghen ghét người có tài trị nước giỏi hơn mình. Hơn nữa, trong vụ án Trần Phúc Hiền lại thêm “tình tiết tăng nặng” vì có bóng dáng phụ nữ “tham chính”: “Thế nhưng từ ngày có Hồ Xuân Hương về ở cùng, nhất là khi Phúc Hiền để người thiếp cùng can dự việc ở công đường thì Dung tỏ thái độ phản kháng ra mặt. Tiến hỏi vài người thân cận thì đều được trả lời ‘Án thủ vốn rất ghét phụ nữ, nhất là phụ nữ có học’. Họ cho Tiến biết, anh ta từng mê một cô gái đẹp, con nhà gia thế nhưng bố mẹ cô ấy không cho lấy vì chê Dung vô học, là hạng du thủ du thực” (tr. 457). Đó cũng chính là lý do khi Hồ Xuân Hương về Bắc Thành kêu oan cho Trần Phúc Hiển thì viên tổng trấn võ biền phán một câu xanh rờn: “Chính ngươi làm hại chồng người đấy”. Từ vụ án Trần Phúc Hiền, nếu xâu chuỗi ba cuốn tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thế Quang viết về Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ và Hồ Xuân Hương, chúng ta có thể rút ra kết luận, triều đại nhà Nguyễn vốn mặc cảm với kẻ sĩ Bắc Hà nên bất cứ ông vua nào ngồi trên ngai vàng cũng đề phòng họ như một phản ứng tự nhiên. Ba nhà nho tài tử, ba nhân cách văn hóa lỗi lạc, tuy mỗi người một cảnh ngộ, đều là nguyên khí quốc gia bị những kẻ cầm quyền dốt nát nhưng thừa kiêu ngạo vô hiệu hóa. Về đề tài này, trong truyện ngắn “Vàng lửa”, Nguyễn Huy Thiệp đã để cho nhân vật Phăng kể lại nhận định của vua Gia Long về Nguyễn Du những lời lẽ có vẻ khó nghe, nhưng buồn thay, nó lại không sai: “Nhà vua nghe tôi một cách lơ đãng. Tôi có cảm giác ông bị nặng tai nhưng không phải. Ông không coi Nguyễn Du ra gì, hoặc có thể ông coi Nguyễn Du là con ngựa giống tốt trong cả đàn ngựa, lợn, bò, gà mà ông chăn dắt”. Với Nguyễn Du còn vậy thì Nguyễn Phúc Hiền chẳng đáng giá một đồng xu trước con mắt của nhà độc tài sẵn tính đa nghi lúc nào cũng nơm nớp sợ bị đám văn thần nhiều chữ nghĩa “cướp chính quyền”.

Không thể phủ nhận, “Hồ Xuân Hương” vẫn là tiểu thuyết sử thi thuộc hệ hình thẩm mỹ cổ điển. Cấu trúc văn bản tác phẩm vẫn là kiểu tuyến tính với trục thời gian hai chiều quá khứ và hiện tại, nhưng thật ra, về diễn ngôn, Nguyễn Thế Quang đã có những thay đổi đáng kể, mà một trong số đó là sự hoán chuyển từ ngôn ngữ trần thuật sang độc thoại nội tâm và bình luận ngoại đề cùng với những đoạn tả cảnh giống mỗi scene của một vở kịch hay bộ phim truyện qua sự điều chỉnh của trục ngữ đoạn. Với Nguyễn Thế Quang, văn bản của ông là một thể thống nhất hữu cơ, vì thế không có chi tiết thừa. Điều thú vị nữa là, trong “Hồ Xuân Hương” có khá nhiều trường đoạn tả cảnh núi non, sông nước, biển cả và hang động rất nên thơ tạo nguồn cảm hứng và sự liên tưởng thẩm mỹ với người đọc. Đây cũng là thế mạnh của nhà tiểu thuyết kiến văn rộng, dòng cảm xúc mãnh liệt và cẩn trọng trong từng trang viết.

Mô hình câu văn của Nguyễn Thế Quang, không chỉ ở “Nguyễn Du” hay “Thông reo Ngàn Hống” mà ngay cả với “Hồ Xuân Hương” cũng rất cổ điển. Ông không có ý định thay đổi hình thức diễn ngôn mà chú trọng vào thao tác tạo ra sự đa thanh ở nội hàm diễn ngôn. Có lẽ vì thế, đọc văn của ông ta có thể tiếp nhận ngay được lượng thông tin cơ bản ở cấp độ thứ nhất, nhưng tiếp nhận chiều sâu thì lại tùy thuộc vào trình độ học vấn, sự trải nghiệm và nhất là năng lực thẩm mỹ.

Phải công nhận, trong “Hồ Xuân Hương” Nguyễn Thế Quang có những trang tả cảnh vật thiên nhiên sông nước, mây trời rất nên thơ. Đó là cảnh Tây Hồ, nơi gia đình thầy đồ Hồ Phi Diễn cư ngụ trong một đêm thu: “Trăng rằm vành vạnh đã vượt qua lũy tre đằng ngà ở góc vườn, tỏa vàng mảnh sân rộng của Cổ Nguyệt Đường. Cạnh hòn non bộ nửa sáng nửa tối, mấy ngọn nến lung linh, cảnh sắc vừa thực vừa ảo. Trên bàn, mâm hoa quả đủ màu, đủ vẻ. Xung quanh chiếc bánh tròn là cam, bưởi, là những đóa hoa sen, hoa hồng, hoa bạch hạc đủ màu được Xuân Hương cắt tỉa từ những quả bí, quả đu đủ. Thoáng nhìn vào ai cũng khen bàn tay khéo léo của nữ chủ nhân...” (tr. 45). Vẫn là Thăng Long, nhưng vào cữ cuối xuân, trong không khí náo nhiệt của mùa lễ hội thì không gian Tây Hồ vẫn trang nghiêm, tĩnh lặng: “Gió se lạnh nhưng bầu trời trong trẻo. Nắng tháng ba vàng ửng trên những rặng cây ven hồ. Xuân Hương dắt tay Quế Hương bước vào đền Trấn Vũ. Góc bên phải, dưới bóng cây bồ đề xanh um, trên tấm chiếu màu điều, một thầy đồ bận áo dài thâm, khăn đóng đang ngồi viết chữ” (tr. 69). Còn đây là không gian biển thơ mộng khi vợ chồng Phúc Hiền - Xuân Hương chơi thuyền trên vịnh Hạ Long: “Thuyền đi vào vùng biển xanh ngời, sắc xanh của trời, của nước có lúc như hòa vào nhau. Ba bề là những ngọn núi đá nhấp nhô muôn hình vạn trạng. Nhìn phía trước mặt, núi giăng giăng ngang hình răng cưa trập trùng. Khi đến gần, những ngọn đá như từ đáy biển vọt lên, cái nhọn hoắt, cái bằng, cái lệch – xám ngắt, bạc phếch, điểm xuyết những cây tùng, cây bách hình thế lạ kỳ xen giữa vách đá. Ngỡ rằng đá chặn mất lối... đến gần, bỗng mở ra những khoảng trống, nước xanh ngời. Mỏm đá lúc này hình đầu người hay hình mũi mác lại thấy như đóa hoa đá, như ngọn bút in giữa trời xanh... biến hóa lạ lùng” (tr. 432). Và đây nữa, vẫn là cảnh đẹp đêm trăng biển mông lung, huyền ảo: “Nàng giơ tay chỉ một vòng tròn. Phúc Hiền nhìn theo. Không gian đầy trăng. Những núi đá như măng, như trụ ngọc in lên nền trời châu đầu về phía con thuyền. Trăng ngời ngợi. Muôn vì sao nhấp nhánh. Gió mơn man. Giọng Xuân hương mơ màng: Đó mới là tòa thiên nhiên. Chúng ta...” (tr. 437).

Không chỉ tả cảnh sinh động, Nguyễn Thế Quang còn có những đoạn độc thoại nội tâm nhân vật hay bình luận ngoại đề khá sinh động mà một trong số đó là tâm trạng của Xuân Hương trong đêm trăng Tố Như đến thăm Cổ Nguyệt Đường: “Nàng chợt nhận ra. Chàng sợ xúc phạm mình. Nàng càng yêu Nguyễn bội phần. Ngoài kia trăng vàng dãi mênh mông. Nàng thấy nóng phầng phầng, chạy ra giếng múc nước dội lên người. Mát rượi. Trăng vàng tắm đầy tấm thân ngọc ngà (...) Không! Sao lại phải nén khi lòng đang yêu? Khi cả hai người cùng yêu. Ta phải đến với chàng. Sao con gái bao đời nay không dám bộc lộ tình cảm với người mình yêu? Sợ người đời chê cười? Không! Chàng rất quý ta. Hiểu ta. Con người tài hoa khao khát tự do ấy rất quý ta. Ta phải đến với chàng. Kìa! Ngoài kia bầu trời lồng lộng, trăng vàng rười rượi như vẫy gọi. Xuân Hương ôm chiếu, ôm gối ra sau vườn trải lên thảm cỏ xanh” (tr. 183).

Với nhà tiểu thuyết Nguyễn Thế Quang, thiên tài không phải thần thánh ngồi tít trên cao để chúng sinh thờ phụng, mà thiên tài, tầm cỡ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương cũng cần có tình yêu. Bởi tình yêu là nguồn năng lượng vô tận khiến các thiên tài tạo ra không ít tác phẩm nghệ thuật để đời. “Đoạn trường tân thanh”, “Văn tế thập loại chúng sinh”, “Lấy chồng chung”, “Không chồng mà chửa”, “Vịnh cái quạt”, “Thiếu nữ ngủ ngày”, “Bánh trôi”, “Mời trầu”, “Lỡm học trò”..., là minh chứng không thể phủ nhận. Cũng bởi là thiên tài đi trước thời đại nên Hồ Xuân Hương dám thách đố lễ giáo phong kiến: “Không. Tất cả giờ là của hai ta. Muội không ràng buộc huynh điều gì. Chỉ mong huynh dành trọn đêm nay cho muội” (tr. 185). Và rồi, trong đêm trăng lãng mạn ấy, Nguyễn Thế Quang để cho Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương đến với nhau như một cặp tình nhân trên cõi thiên thai: “Nàng ngả vào lòng Nguyễn. Chàng ôm chặt nàng vào lòng. Xuân Hương đưa cách tay trần trắng nõn ôm ghì lấy cổ Nguyễn” (tr. 185).

Về diễn biến cốt truyện, phần kết của tiểu thuyết “Hồ Xuân Hương” được Nguyễn Thế Quang xử lý một cách sáng tạo. Nếu ta nhìn nhận vụ án oan của Trần Phúc Hiền như là nguyên nhân thì sự mất tích bí ẩn của Hồ Xuân Hương là kết quả đã được tính toán từ trước. Trần Phúc Hiền là người thông minh, yêu thương vợ rất mực tất nhiên không thể để nàng chịu cảnh tôi đòi nên đã tự tử trong ngục trước khi thọ hình. Hơn thế nữa, ông cũng tìm ngôi chùa vắng gửi gắm Xuân Hương để tránh hậu họa. Mặt khác, Hồ Xuân Hương là văn nhân, một nhà nho tài tử có nhãn quan thấu thị. Bà thích du sơn ngoạn thủy, lại ham sống, vui với những thú vui trần tục, ghét cay ghét đắng thứ luật lệ hà khắc “tam tòng tứ đức”, không thể gieo mình xuống sông chết một cách vô ích. Cái kết lửng lơ, nữ sĩ “quẩy gánh càn khôn” thoắt ẩn thoắt hiện trong cõi nhân gian châm chọc đám sư sãi “Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm/ Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà” hay nơi chân trời góc bể tự thán cho thân phận mỏng manh như chiếc bách giữa dòng “Nghĩ cùng thế sự lòng như đốt/ Trông suốt nhân tình dạ muốn say/ Muôn kiếp biết đà duyên trọn vẹn/ Một đời riêng mấy tiếng chua cay” là phù hợp cả tình lẫn lý.

“Hồ Xuân Hương” là cuốn sách rất đáng đọc. Đáng đọc là bởi lần đầu tiên chủ nhân Cổ Nguyệt Đường xuất hiện với tư cách nhân vật văn chương giàu cá tính dưới ngòi bút tài hoa của nhà tiểu thuyết Nguyễn Thế Quang. Chúng ta hãy đọc và cùng suy ngẫm...

Giáp Thìn, mộ xuân, ngày lành (16/4/2024)

Đ.V.S.


[1] Tên “Bà chúa thơ Nôm” do Lê Tâm dùng đầu tiên trong sách “Thân thế và sự nghiệp Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương", Nxb Cây Thông, 88 phố Lò Đúc, Hà Nội, in năm 1950 (dẫn theo Kiều Thu Hoạch trong cuốn “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, tr. 15, Nxb Khoa học xã hội, 2022).

[2] Dẫn theo ý của PGS.TS Đỗ Lai Thúy trong cuốn “Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực”, Nxb Văn học 2010, tr. 63, 154, 177.