Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

Trịnh Công Sơn – Một người ca thơ

 NP Phan

Một nhận định có lẽ được nhiều người chấp nhận: Trịnh Công Sơn là một tài năng âm nhạc, là một trong ba cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đương đại. Đó là Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.

Tuổi trẻ chúng tôi sinh ra và lớn lên giữa lúc cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt. Ngay từ tuổi thiếu niên – tuổi học sinh trung học, lẫn lộn giữa tiếng đạn bom, chúng tôi đã nghe những bài hát, hoà cùng cuộc chiến có, chống lại cuộc chiến có. Trong những bài hát phản đối chiến cuộc, có những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Trong dòng nhạc phản chiến lúc bấy giờ của các nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, Miên Đức Thắng… thì nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn đã thực sự đi vào lòng người.

Mặc dù chúng tôi còn nhỏ, chỉ là lứa tuổi học sinh trung học nhưng chúng tôi đã sớm tiếp nhận những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn. Chúng tôi đã nghe, đã nhập tâm và hát theo đến độ thuộc lòng:

“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu

Một trăm năm đô hộ giặc Tây

Hai mươi năm nội chiến từng ngày...”

(Gia tài của mẹ)

“Ta đã thấy gì trong đêm nay

Cờ bay trăm ngọn cờ bay...”

(Ta đã thấy gì trong đêm nay)

“Chiều đi lên đồi cao

Hát trên những xác người

Tôi đã thấy, tôi đã thấy...”

(Hát trên những xác người)

Lớn lên một chút thì chúng tôi có dịp tiếp xúc với những bản tình ca của Trịnh Công Sơn. Chúng tôi bắt đầu làm quen với Ướt mi, Hạ trắng, Diễm xưa, Tình xa...

Chúng tôi đã thuộc lòng những câu hát, mà nhiều lúc chẳng hiểu gì mấy:

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ

Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao...”

(Diễm xưa)

Hay:

“Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ

Ôi, những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa...”

(Tình xa)

Chúng tôi chuyền tay những bản nhạc của Trịnh Công Sơn, chúng tôi chép những bài hát của Trịnh Công Sơn trong lưu bút, trong những lá thư gửi cho bạn bè. Thực sự chúng tôi xem Trịnh Công Sơn như là một thần tượng, thậm chí chúng tôi bắt chước chữ viết của Trịnh Công Sơn lúc bấy giờ mà người ta gọi là chữ fantaisie tức là kiểu chữ viết bay bướm.

Đầu những năm bảy mươi của thế kỷ 20. Lúc đó chúng tôi đang học lớp 9, cô giáo dạy tiếng Anh (cô đã mất) đã tập cho chúng tôi một bài hát, là bài “Để gió cuốn đi”, một bài hát của Trịnh Công Sơn. Bài hát được bắt đầu bằng:

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Để làm gì, em biết không?

Để gió cuốn đi...”

Trong lúc tập hát, cô giáo có hỏi:

“Các em có hiểu bài hát nói gì không?”

Chúng tôi trả lời:

“Dạ, không hiểu gì lắm”.

Cô lại hỏi:

“Nhưng mà có hay không?”

Chúng tôi đồng thanh:

“Rất hay cô ơi!”

Vậy đó. Không hiểu gì cả, nhưng mà rất hay!

Thực sự ca từ trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn không phải ai cũng có thể hiểu được. Tất nhiên chúng tôi, những đứa trẻ lứa tuổi mười lăm, mười sáu hầu như cũng không hiểu gì lắm. Chúng tôi chỉ mang máng cảm nhận cái hay của ca từ và giai điệu mà thôi.

Tôi rất cảm ơn hoạ sĩ, nhà văn Tạ Tỵ, tác giả của hai bộ sách biên khảo “Mười khuôn mặt văn nghệ” và “Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay”. Ông là một họa sĩ rất nổi tiếng, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đồng thời ông cũng là một nhà văn, một nhà biên khảo rất có uy tín. Trong bộ sách “Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay” có một bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tôi đã có dịp đọc, tìm hiểu về Trịnh Công Sơn qua bài viết này, đặc biệt là về ca từ trong các bản nhạc của Trịnh Công Sơn. Tôi đã coi Tạ Tỵ như một người vỡ lòng cho tôi về ý nghĩa của những lời ca trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nhờ ông mà tôi tập tễnh những bước chân đầu tiên để tìm hiểu về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Sau năm 1975, lứa tuổi chúng tôi bước vào trường cao đẳng, đại học. Sau đó ra trường lăn lộn với đời. Áo cơm cuộc sống đã níu kéo chúng tôi, làm cho chúng tôi không còn đặt tâm trí nhiều cho niềm đam mê âm nhạc. Giai đoạn 1975 - 1985 là giai đoạn đất nước gặp muôn vàn khó khăn: thời kinh tế bao cấp, ngăn sông cấm chợ, rồi chiến tranh phía Bắc, phía Nam. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn nuôi trong tâm hồn tình yêu đối với âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ 20, tôi cùng với bạn bè, những người yêu âm nhạc đã lập thành một nhóm, khoảng năm bảy người. Vào những đêm trăng sáng, hay có khi nhờ vào chiếc đèn dầu, chúng tôi nghe nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên... qua chiếc máy cassette. Giai đoạn đó âm nhạc của Trịnh Công Sơn không được phép lưu hành. Bằng chiếc guitar gỗ, bạn bè chúng tôi đã hát cho nhau nghe những bản tình ca, trong đó phần nhiều là những bản tình ca của Trịnh Công Sơn.

Thời gian sau đó, đất nước đổi mới, cuộc sống đã khá hơn rất nhiều so với những năm trước, chúng tôi lại đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Chúng tôi có dịp sưu tầm tất cả các bản nhạc của Trịnh Công Sơn và chúng tôi nghe nhạc Trịnh bằng nhiều nhiều bản phối, bằng nhiều phương tiện nghe nhạc hiện đại hơn, nhưng có một điều mà chúng tôi vẫn luyến tiếc đó là tiếng ca mộc mạc và tiếng guitar thùng của bạn bè chúng tôi dạo trước, và đặc biệt là giọng hát của Khánh Ly, Lệ Thu qua những cuốn băng catsette.

Có một hôm trên lớp, trong khi giảng bài, tôi có đề cập đến âm nhạc Trịnh Công Sơn, tôi có hỏi các em sinh viên:

“Các em có thích nhạc Trịnh Công Sơn không ?”

Nhiều em trả lời:

“Dạ, cũng thích.”

“Vậy các em có hiểu gì về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn không?”

“Dạ, không hiểu gì lắm.”

Chúng ta biết một điều là giới trẻ hiện nay, đa số không thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Phải chăng nhạc Trịnh bi lụy quá, buồn quá hay là ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn khó hiểu quá. Tôi nghĩ âm nhạc buồn thì vẫn có nhiều người muốn nghe, nhưng hát một bài hát mà không hiểu gì về ca từ trong bài hát thì không gì chán bằng.

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn, theo đánh giá của nhiều chuyên gia âm nhạc thì rất đơn giản. Chính ca từ mới làm nên cái hồn của âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ Văn Cao, khi đề tựa cho một ấn phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Trịnh Công Sơn là một người ca thơ”. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn là một sự phối hợp rất tài tình giữa nhạc và thơ. Nhiều khi ta không biết giữa nhạc và thơ trong Trịnh Công Sơn đâu là chính, đâu là phụ. Hầu như tất cả các bản nhạc của Trịnh Công Sơn, nếu bỏ đi phần nhạc thì đó là những bài thơ độc lập. Hoàng Ngọc Hiến có viết rằng nếu chọn ra một bài thơ hay nhất cho nền thơ Việt Nam trong một thế kỷ thì ông sẽ chọn bài “Đêm thấy ta là thác đổ”.

Hãy thử đọc:

“Một đêm bước chân về gác nhỏ

Chợt nhớ đóa hoa tường vi

Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ

Giờ đây đã quên vườn xưa...”

... “Lòng tôi có đôi lần khép cửa

Rồi bên vết thương tôi quì

Vì em đã mang lời khấn nhỏ

Bỏ tôi đứng bên đời kia...”

Ca từ của bản nhạc còn thơ hơn cả một bài thơ.

Ca từ của nhiều bản nhạc của Trịnh thực sự là một bài thơ, có tứ thơ rất đẹp, rất giàu hình ảnh và lấp lánh vẻ đẹp của ngôn từ mới mẻ. Và, có lẽ, không ai dám nhận mình hiểu hết về ca từ của Trịnh Công Sơn.

Nếu ai đó hỏi rằng bạn muốn nghe nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng ca của ca sĩ nào thì ta sẽ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Nhưng riêng tôi thì chỉ có một câu trả lời duy nhất. Những bài hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn hầu như chỉ viết cho ca sĩ Khánh Ly hát. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn và giọng hát của ca sĩ Khánh Ly có thể nói như trời sinh một cặp. Trịnh Công Sơn viết và Khánh Ly hát. Khánh Ly từng thổ lộ “Mình thành danh hôm nay là nhờ có âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Nếu không có Trịnh Công Sơn thì sẽ không có Khánh Ly”.

Giai đoạn sau này thì cũng đã có nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn. Trong nước có, hải ngoại có. Nhưng đối với tôi và nhiều người trong bạn bè tôi, hầu như chỉ thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát của người tri kỷ của đời ông: ca sĩ Khánh Ly.

Người ta tôn vinh ông bằng nhiều danh xưng khác nhau. Còn tôi, tôi vẫn thích gọi ông bằng cái tên mà cố nhạc sĩ Văn Cao đã đặt: Trịnh Công Sơn – Một người ca thơ.