Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

Ngày đọc sách đầu tiên của Thư viện Ẩn Ngọc

Nguyễn Khánh Duy

 

Thứ Bảy tuần trước, ngày 02/03/2024, khu vườn chúng tôi đã mở cửa đón chào các em nhỏ đến tham gia buổi sinh hoạt cuối tuần đầu tiên trong chương trình hoạt động của Thư viện Ẩn Ngọc.

Chúng tôi chưa ấn định ngày khai trương chính thức của thư viện, bởi vì kỳ thực số lượng sách nơi đây mới sơ khai vài chục cuốn cùng với mỗi một gã nông dân kiêm thủ thư là tôi. Phần nhiều nhất thuộc về sự đóng góp của các bạn bè của tôi trong nhóm The Hidden Gems - Ẩn Ngọc ở khắp mọi nơi.

Thế nhưng ngay sau khi nghe ý tưởng của tôi về việc tổ chức hai ngày sinh hoạt cuối tuần trong vườn cho các em nhỏ quanh vùng, các phụ huynh liền không chần chừ mà đưa các bé đến ngay khi cơ sở vật chất còn chưa có gì tươm tất. Các bạn bè cũng rất hào phóng gửi từng cuốn sách cũ mới về nơi đây để chúng tôi thực hiện dự định của mình.

Có thật nhiều điều để kể lại về ngày đầu tiên của chúng tôi. Nhưng có lẽ tôi sẽ cần "khoảng lùi lịch sử" nhất định để có thể thực sự thấm và kể về nó. Tôi chỉ định ghi chép nhanh vài dòng về những nét ấn tượng nhất đối với tôi mà thôi.

Điều mà tôi nhớ nhất đó chính là trải nghiệm đọc sách cùng các em bé từ 4-8 tuổi, độ tuổi vừa làm quen với con chữ. Khác hoàn toàn nỗi khủng hoảng mang tên kiểm tra bài trên lớp, vào đây, các em đã đọc sách say sưa đến nỗi mọi người lớn chứng kiến đều phải ngạc nhiên. Đối với tất cả các em bé hôm đó, những cuốn sách tôi mời các em đọc đều là những cuốn đầu tiên ngoài sách giáo khoa các em từng đọc trên đời.

Tôi ngắm nhìn các em và tìm cách thấu cảm với những gì diễn ra trong đôi mắt và khối não nhỏ nhắn đáng yêu kia. Tôi thầm nghĩ, có lẽ nào đọc chữ vốn đã là một trò chơi cực kỳ lý thú? Đọc không vì bất cứ mục đích nào ngoài việc giải mã những hình thù trên giấy, biến chúng trở thành âm thanh, rồi gợi mở thành những hình ảnh, ý tưởng, câu chuyện bay lượn trong đầu.

Và tôi cứ để các em chơi như thế. Tôi không cần dạy các bé về lợi ích của sách hay nỗ lực hình thành thói quen đọc sách gì cả. Tôi chỉ cần đưa cho các em những trang giấy đầy chữ rồi im lặng lắng nghe, quan sát các em đắm mình trong trò chơi giải mã thú vị đó thôi.

Tôi chợt nhớ lại lần đầu tiên tôi biết đọc chữ. Đó là một buổi chiều hè khi tôi sắp vào lớp 1. Tôi đang nằm sấp một mình trên gác. Trên gối tôi là cuốn truyện Doraemon tập 1. Tôi vẫn thường lật giở nó mỗi ngày để xem tranh vẽ. Nhưng buổi chiều hôm đó, bỗng có một sự bùng nổ trong nhận thức của tôi: TÔI ĐÃ GIẢI MÃ ĐƯỢC NHỮNG TỪ NGỮ ĐẦU TIÊN! TÔI BIẾT ĐỌC RỒI! “Con biết đọc rồi mẹ ơi!” Tôi đã hét toáng lên gọi mẹ tôi để thông báo cho bà sự kiện quan trọng bậc nhất đời mình. Tôi có cảm giác hàng tỷ dữ liệu rời rạc trong bộ nhớ của tôi bằng một cách nào đó đã liên kết với nhau thành công để tôi có thể giải mã được văn tự. Tôi cảm thấy ánh sáng tràn ngập vào tâm trí tôi. Muôn triệu đoá hoa như bừng nở trong não tôi vào ngay khoảnh khắc đó. Một cánh cửa vừa bật mở cho phép tôi bước vào một thế giới khác — thế giới của trí tưởng tượng.

Sau sự kiện đó, tôi đã đọc ngấu nghiến nhiều ngày tháng liên tục suốt tuổi ấu thơ. Mẹ tôi và những bạn bè của mẹ đã biết được món quà mà tôi thích nhất, đó chính là sách. Mọi người tặng sách cho tôi mọi dịp đặc biệt và không đặc biệt. Hồi bé, nhà tôi rất nghèo, nhưng tôi luôn tự hào về tủ sách nhà mình, và có thể “vênh váo” với đội trẻ con trong xóm vì nhà mình luôn có nhiều sách nhất trong khu phố. Có một thời gian, nhà tôi được tặng nhiều sách quá đến nỗi mẹ tôi còn mở cửa cho mọi người đến thuê sách về đọc. Quả thực đó là một phần ký ức tôi đã quên biệt, mãi cho đến khi viết những dòng này tôi mới có dịp hồi tưởng lại.

Ấy vậy mà không biết tự bao giờ tôi bắt đầu ngán chữ, không còn thèm đọc như thuở bé nữa. Nó không còn là trò chơi giải mã ký tự để bước vào thế giới siêu tưởng tự do nữa. Chữ, bằng một cách nào đó, lại gắn chặt vào những giáo khoa, giáo điều — những luật lệ cuộc đời thật mệt mỏi. Tôi từng có cảm giác, chữ nó giống như một cái ống cống để qua đó thiên hạ đổ tấn tấn phế thải vào cái bãi rác là cái óc não bé nhỏ của tôi. Trong một thời gian khá dài, thứ chữ duy nhất tôi còn chút khoái cảm đó là chữ trong thơ, mà phải là thơ siêu thực, thơ tượng trưng — thơ càng khó hiểu càng tốt. Có một dạo, tôi say mê đọc Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế. Tôi đọc mà chẳng hiểu gì mấy, nhưng sao tôi lại thấy khoái chá như khi vừa mới biết mặt chữ. Tôi cảm thấy như mình được thả rông trên cánh đồng cỏ dại. Tôi chỉ thích chơi với chữ như chơi với cỏ cây, đất đá mà thôi. Tôi không muốn bị giáo huấn gì cả. Hoặc nếu tôi tự muốn nghe giáo huấn, tôi sẽ tìm đến những Kahlil Griban, Tagore, Hermann Hesse…, để được nghe những lời giáo huấn bằng thơ ca rỗng rang và bay bổng. Để còn giữ được tình yêu với chữ, tôi đã tự cách ly mình với những thứ chữ phục dịch cho giáo điều, công thức, chuyên chế.

Thứ Bảy vừa rồi, khi các em bé vào vườn chơi với tôi, chính các em đã nhắc tôi nhớ về một thứ tình yêu và niềm vui đơn sơ tôi từng có với chữ thuở thiếu nhi. Và có lẽ các em cũng cảm nhận được từ tôi còn nguyên xi “bất tuân bất trị” hệt như các em nên đã chẳng có một cuộc xung đột nào xảy ra cả. Tôi chẳng muốn các em phải tuân theo điều gì cả, chẳng có bài học nào để bắt các em phải thuộc hay phải trả cả. Chỉ có những cuộc trò chuyện nghiêm túc như những người trưởng thành và những lựa chọn tự nguyện. Kết quả là các em bé dưới 10 tuổi có thể chăm chú đọc sách cho nhau nghe say sưa không biết chán, cùng nhau thảo luận về nhiều thứ trong cuộc đời và luyện tập khí công suốt cả ngày. Đến cuối ngày, cháu nào cháu nấy nằng nặc đòi các bà ngày mai cho vào chơi với thầy tiếp.

Với các bà thì điều dễ thấy nhất là các cháu vào vườn là quên tiệt TV, điện thoại, nước ngọt, bimbim. Những cháu ở nhà và ở lớp chẳng bao giờ chịu mở miệng và đọc bài thì hôm đó đã mạnh dạn nói chuyện ríu ran không ngớt và đọc to dõng dạc từng đoạn trong các tiểu thuyết thiếu nhi.

Ôi, có vẻ một bài tường thuật vắn tắt của tôi lại trở thành một chuyện kể kha khá dài. Hôm nay đã là thứ Tư rồi, chỉ còn chưa tới ba ngày nữa là đến buổi sinh hoạt thứ hai. Tôi đang chờ chiếc tủ sách đàng hoàng đầu tiên cùng loạt sách cũ và mới cập cửa nhà. Xây dựng một thư viện chẳng khác nào chăm sóc một khu vườn, chỉ khác là hoa trái của nó nở tràn ra tới những miền vô biên vô cực và có thể nuôi nấng tâm hồn con người đời đời kiếp kiếp.

Nếu bạn cũng hân hoan để ươm tạo khu vườn sách này, chúng tôi rất hoan hỷ đón nhận những hạt giống quý của bằng hữu muôn phương. Xin chân thành cảm tạ.

Mọi đóng góp xin gửi về địa chỉ:

Nguyễn Khánh Duy

Khu dân cư Phú Lợi, phường Bến Tắm, thành phố Chí Linh, Hải Dương

Sđt: 0559396585

Stk: 1018492425

Vietcombank

Nguyen Khanh ​Duy

 

 

clip_image002

 

 

clip_image004

clip_image006

clip_image008

Nguồn: FB Nguyễn Khánh Duy