Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

Đọc Pravda

 Hoàng Dũng

 

image

Có một anh buồn đời, không biết vì cái gì, nghe đồn là do bị bồ đá, bèn tìm cách tự tử.

Sống mới khó, chứ chết thì quá dễ. Anh ra trạm xá, mua thuốc ngủ, loại mạnh nhất, về tọng vào họng cả vốc, rồi nằm vật ra, chờ chết. Chỉ vài phút sau, anh chìm vào cõi mê.

Sáng hôm sau, tỉnh dậy, anh nhìn quanh, vẫn cái giường cũ, vẫn cái phòng cũ. Không lẽ lên thiên đường hay xuống địa ngục, mà cái giường, cái phòng lại đi theo mình? Một lúc sau, anh biết mình vẫn sống, còn khỏe mạnh hơn trước, nhờ được ngủ đẫy giấc.

Nhưng cái ý quyết chết vẫn mạnh mẽ trong anh. Lần này, anh đến hợp tác xã mua bán, mua một sợi dây thừng, loại to, chuyên dùng để buộc trâu. Vừa về đến nhà, anh treo dây lên trần, thò hẳn cổ vào, chân đẩy cái ghế bên dưới lăn ra.

Huỵch! Anh rơi xuống đất như trái mít rụng. Đau thấy ông thấy cha. Tuy thế, anh cố nhìn vào sợi dây, xem có phải vì vô ý, buộc không chặt, mà dây tuột ra không. Rõ rành rành, dây đứt. Không kìm được, anh văng một tiếng rất tục.

Anh không còn tin vào trạm xá làng anh, vào hợp tác xã mua bán làng anh. Toàn bán đồ đểu! Lần này anh chịu khó đạp xe mấy chục cây số lên tỉnh, vào cái cửa hàng bách hóa to nhất, mua một con dao nhỏ, chọn con dao nào trông có vẻ bền chắc nhất, bóng loáng nhất. Nhà anh toàn dao to đùng, chặt to kho mặn thì được, mà dùng để tự tử thì không!

Về đến nhà, anh vứt chiếc xe chỏng chơ ngoài sân, vào phòng đóng sập cửa. Rút con dao ra, ngắm nghía một chốc, nghĩ đến hình ảnh một võ sĩ trước giờ thực hiện cú harakiri Nhật Bản. Rồi anh thản nhiên vung dao đâm mạnh vào bụng.

Rắc! Dao gãy! Lại đồ đểu! Bụng anh có một vết thủng nhỏ, đau nhưng không đủ chết.

Quá tam ba bận. Sống đã khó, mà chết còn khó hơn.

Mấy hôm sau, có anh bạn đến chơi. Anh rầu rĩ kể cho anh bạn chuyện của mình, nhưng nói thác là của người khác. Anh bạn cười lớn, nói không biết đùa hay thật, nhưng mặt rất nghiêm trang: “Dễ lắm! Cứ đọc báo Pravda [báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên Xô, như Nhân dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc] đúng ba ngày!”.

Nửa tin nửa ngờ, mà ngờ nhiều hơn tin. Nhưng hết cách, anh tìm mua Pravda. Đi hết quầy bán báo này đến quầy bán báo khác, báo nào cũng có nhưng Pravda thì tuyệt nhiên không. Có bà bán báo thương tình mách anh: “Có ai mua Pravda đâu mà chúng tôi bán! Cậu muốn mua thì đến chỗ bán giấy lộn, thế nào cũng có!”. Bà nói không sai tẹo nào, anh mua về được một đống to.

Anh đọc Pravda. Đọc nghiêm chỉnh, không bỏ sót dòng nào.

Quả nhiên anh được toại nguyện. Đúng ba ngày sau khi đọc Pravda liên tục, anh chết.

(Chuyện tiếu lâm này tôi nghe thầy Cao Xuân Hạo kể, chỉ đổi một cái tên, do "nhạy cảm"!!!)