Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Từ đây người biết yêu người...

Lưu Trọng Văn

Tối qua, gã chở Hoàng Hưng 81 tuổi trên chiếc xe cùi luồn và lách dòng người kìn kịt trên các con phố Sài Gòn. Thỉnh thoảng Hồ Quốc Hùng và Nguyễn Duy lại nhéo gọi: “Tới đâu rồi?”. Hoàng Hưng gào giữa ồn ào xe và cộ: “Kẹt quá” với “Vẫn còn kẹt”.

Hàng ngàn người trẩy xe về nhà sau một ngày mưu sinh, đâu có biết hai tên dính thòng lọng văn chương nghệ thuật đến dự chương trình kỷ niệm 100 năm sinh của Văn Cao mà nhường đường? Hỳ, gã có mà mơ, thời buổi văn... cao đâu bằng thịt cao, điện cao, thuế cao, xăng cao, cái gì cũng cao trừ lương trừ tình người cứ là đà ổ gà, sức mấy mà nhường.

Gã lẩm nhẩm hát Mùa xuân đầu tiên:

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người.

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về

Từ đây người biết yêu người.

Từ đây, từ đây

Đây ấy là nao?

Thôi sắp đến đường tàu hoả cắt đường Đặng Thuỳ Trâm mà cụ Nguyên Ngọc cứ tiếc cho cuộc tình của nàng với một hoạ sĩ trong đạn bom đất Quảng. Đại học Văn Lang kia rồi.

Hội trường Trịnh Công Sơn nêm chặt 1500 sinh viên. Hoàng Hưng và gã đến trúng lúc bài Tiến quân ca kết thúc. Nguyễn Thuỵ Kha đang lêu nghêu trên sân khấu. Kha nói: “Cảm ơn các bạn sinh viên Văn Lang đã hát Tiến quân ca cả hai lời như lúc bài hát được Văn Cao sinh ra chưa mang sứ mệnh là quốc ca. Lúc đấy không cần ai hô chào cờ-chào! mà Đoàn quân Việt Nam vẫn đi, vẫn chung lòng cứu quốc”.

Thế rồi gã tự say đắm thế giới riêng mình những Thiên thai, Suối mơ, Bến xuân, Trương Chi

Ngôi nhà bên suối với ngồi đây ta vỗ mạn thuyền

Hoàng Hưng bảo: “Tài đến thế lúc 16 tuổi đã sáng tác Buồn tàn thu với giai điệu mượt mà với ca từ:

Ai lướt đi ngoài sương gió

Không dừng chân đến em bẽ bàng

Ôi vừa thoáng nghe em

Mơ ngàу bước chân chàng

Từ từ xa đường vắng

Đêm mùa thu chết

Ɲghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng…”

Phạm Duy vốn kiêu ngạo xưa nay đã phải thốt lên: Văn Cao mới là nhạc sĩ lớn nhất Việt Nam.

Quả thực khó nhạc sĩ Việt Nam nào có được những tác phẩm âm nhạc để đời như Văn Cao. Không chỉ Bến xuân, Trương Chi, Thiên thai, Buồn tàn thu, Suối mơ, không chỉ Tiến quân ca, Làng tôi, Ngày mùa mà còn Trường ca sông Lô vĩ đại, mà còn Tiến về thủ đô, mà còn Mùa xuân đầu tiên.

Tài! Tài đến thế là cùng. Công! Công dày đến thế là cùng. Ấy vậy mà bao năm lận đận, bao năm bị bỏ rơi hất ra rìa.

Hoàng Hưng bảo, thời gian nhanh thật, bây giờ chỉ còn mình tôi là còn dây dưa với các cụ Nhân văn, những Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Trần Dần, Văn Cao…

Gã lặng nghe Tiến quân ca bao lần, mỗi lần hát Đoàn quân Việt Nam đi lại tưởng tượng từng bước chân gầy guộc Văn Cao lết trên cầu Long Biên ngày bị hắt hủi, muốn nhảy xuống cầu cho sông Hồng cuốn trôi ra sông Lô. Văn Cao từng kể gã nghe mấy lần lết chân lên cầu Long Biên như thế nhưng vì thương vợ, thương con lại lết chân về.

Mỗi lần gã và Văn Cao gặp nhau, toàn chuyện… buồn. Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Ông bảo, nhiều lúc uống rượu một mình nghĩ đến câu “chung lòng” mà tứa nước mắt, nghĩ câu “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng” mà bật cười đau… ruột. Ai? Còn ai?

Văn Cao viết Mùa xuân đầu tiên khi đất nước thống nhất 1975, không được dùng vì cái câu này: Từ đây người biết thương người. Tại sao lại từ đây? Vậy bao năm nay trước đó người không biết thương người ư? Ám chỉ gì? Chê bai ai?

Từ đây…

Đau đớn lắm Văn Cao gửi vào câu hát ấy hy vọng, khát vọng, ước mơ Nhân văn của mình: Người biết thương người.

Người biết yêu người.

Từ đây ấy, khi Văn Cao viết, cuộc đời ông vẫn chìm nổi kiếp bên lề và cô độc.

Ông không viết nhạc nữa, ông tự mình treo cổ những nốt nhạc mà cả cuộc đời ông đau đáu yêu. Lúc buồn ông chỉ vẽ và làm thơ.

Thơ cho vợ:

KHUÔN MẶT EM

Giữa những ngày dài dằng dặc

Chỉ còn khuôn mặt em

Sáng trong và bình lặng

Dù hai đứa chúng ta

Chưa lúc nào sung sướng

Những ngày đau khổ ấy

Khuôn mặt em

Như mảnh trăng những đêm rừng cháy

Trên đường đi

Anh đặt em trên đồng cỏ

Thấy đẹp mãi màu xanh cỏ dại

Trên đường đi

Anh đặt em trên dốc núi

Ðể tìm lại những đường mềm của núi

Trên đường đi

Khuôn mặt em làm giếng

Ðể anh tìm làm đáy ngọc châu

Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng

Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng.

Và ông mang khuôn mặt ấy đi đến phút cuối đời của mình để cố tình giấu khuôn mặt của ông đi.

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008