Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

Tây Nguyên (2)

Nguyên Ngọc

Pötao Gia Rai

bài 1 tôi đã có lời xin lỗi, “sẽ là chuyện sau lại nói lên trước, hoặc chuyện trước chuyện sau cứ xen kẽ lẫn lộn”. Lần này xin nói lại một chuyện còn cũ hơn, thời Đại Việt đi về Nam, thay thế vị trí và vai trò của Champa. Tất nhiên vẫn là chuyện ở trên ấy, Tây Nguyên.

Lúc đã hơi yên ở Champa, triều đình Việt liền phái các quan của mình lên núi. Tìm coi có gì trên đó, thăm dò và tính nước chinh phục, mở rộng thêm chiến quả lớn mới đạt được, vừa nhằm che giữ cái lưng phía Tây của Đại Việt nay đã dài thêm ra, lại ở đoạn khá eo của cái lưng ấy. Các quan đã lên đúng vùng trung tâm của xứ Gia Rai, tại Ayun Par, nơi hai con sông Ayun và Apar gặp nhau tạo nên một bình nguyên rộng rãi và trù phú. Ở đây họ bỗng thấy hóa ra trên này cũng có Vua, mà người Gia Rai gọi là Pötao. Tìm hiểu thì biết Pötao là một từ người Gia Rai mượn của tiếng Chăm có nghĩa là Vua, hay Lãnh chúa, hoặc Chủ tể. Thoạt đầu các quan có hơi lúng túng, thế thì là Vua hay Chúa? Rồi nhớ lại oai phong như Đại Việt cũng từng có Vua Lê Chúa Trịnh đấy thôi, Chúa từng át cả Vua. Còn Chủ tể thì hơi khó hiểu, để đấy tính sau. Thôi thì cứ coi là Vua đi cho tiện, Vua Chúa gì cũng quan trọng là qua họ mà nắm cho được dân và thâu tóm đất… Lại không chỉ có Vua, còn có tới những ba ông, Pötao Ia (Vua Nước), Pötao Apui (Vua Lửa), Pötao Anhin (Vua Gió). Thường hai vị Nước và Lửa được biết đến nhiều hơn, vị Gió, được coi là “Con” mà hai vị kia là “Mẹ và Cha”, ít được nhắc tới. Lạ là khi thấy đủ cả ba, khi chỉ còn hai thôi, cũng có khi chỉ còn một, cố tìm mãi mới hiểu ấy là bởi tam vị nhất thể, tuy ba mà là một, ba trong một, trong một đã chứa sẵn cả ba, chắc cũng gần như Cha và Con và Thánh thần của người Tây. Hơi phức tạp. Nhưng thôi vậy là được rồi, hiểu rồi, cũng chẳng rắc rối gì lắm, các quan Đại Việt vui vẻ nhận ra, bèn tìm gặp các Pötao Lửa và Nước (chính họ cũng không thật rõ còn có vị Gió), điều đình thương lượng, nghe ra đều ổn, hòa bình thuần phục, khôn khéo và được việc, nắm được dân lấy được đất qua Vua, còn gì bằng. Các quan rất lấy làm yên trí, bèn về tâu báo triều đình. Triều đình Đại Việt cũng lấy làm yên trí lắm, mừng có thêm một lúc hai nước chư hầu mà họ đặt tên là Thủy xá và Hỏa xá, gọi chung là xứ Nam Bàn, cõi Man, tức Mọi, ở trên núi phương Nam, đối xứng với Đồ Bàn mới chiếm được của Chiêm ở miền biển. Bèn ban sắc chỉ cấp áo mão cùng thẻ bài bằng ngà cho hai vị Vua Mọi. Đáp lại hai Xá cũng thuận một lệ triều cống, hằng năm cử sứ giả mang lễ vật miền Thượng gồm sừng tê giác, ngà voi, mật và sáp ong về Kinh đô. Cũng có năm đoàn triều cống quá mỏi chân (ai từng ở miền núi đều nhớ kinh nghiệm này: đi đường bằng lại chóng mỏi chân hơn đi dốc có lên có xuống), họ chỉ hạ sơn tới Phú Yên, nhờ các quan ở Tuy Hòa đưa tiếp mọi thứ ra Kinh, đoàn sứ Mọi đỡ lễ mễ đường xa, các quan Tuy Hòa thì có cơ nhón trộm ít sản vật miền núi quý hiếm mà họ vẫn thèm, hai bên đều rất vui lòng…

Rồi về sau các quốc gia lân bang trong giao tiếp, đặc biệt các chính quyền thống trị nối nhau, từ nhà nước Pháp, đến nhà nước Sài Gòn, rồi Mỹ nữa, đều hiểu và xử sự đúng hệt như vậy. Pháp thì thưởng mề đay, Bảo Đại thì tôn xứ đất của người ta là Hoàng Triều Cương Thổ vơ luôn thành của mình, cho xây ngay biệt thự nghỉ mát trên đó, thích thú đi săn thú rừng, Mỹ thì quà cáp ê hề. Người Campuchia dịch Pötao của Gia Rai thành Samdach, người Lào dịch là Sadet, người Pháp dịch là Roi, người Mỹ đến sau cùng cũng dịch luôn là King, đều có nghĩa là Vua, đều coi và ứng xử như với Vua thật.

Duy có người chỉ cười chứ chẳng chịu nói gì, ấy là nhân vật chính và duy nhất thực sự trong cuộc: người Gia Rai. Có lần một sĩ quan Pháp lang thang ở vùng Gia Rai gặp một ông Pötao Apui, Vua Lửa, thấy ông ta đeo toòng teng trên cổ, chứ không gắn trên ngực, một cái mề đay của Nhà nước Pháp, một cái bài ngà của Triều đình Huế, xâu chung với một chùm chìa khóa leng keng nhặt được đâu đó. Viên sĩ quan bèn cười chế giễu. Ngạc nhiên là ông Pötao cũng cười lại, và cũng ra bề chế giễu. Sao thế nhỉ? Viên sĩ quan Pháp không tự trả lời được, nhưng rồi phẩy tay thôi kệ, là tên vua mọi, như hề ấy mà, bận tâm làm gì!…

Có một linh mục, cũng là người Pháp, đã đến Tây Nguyên và muốn nghiêm túc tìm hiểu hiện tượng Pötao. Ông tên là Jacques Dournes, vừa thụ phong linh mục liền xin sang Sài Gòn năm 1946, được phái lên vùng Ka La thuộc Djiring (Di Linh) của người Stieng (ở Lâm Đồng ngày nay), được 8 năm thì bị chính đoàn Truyền giáo Paris đã cử ông đến đuổi trở về nước, vì tội “xao lãng mục vụ”, cứ chú mục say mê văn hóa bản địa mà bỏ bê truyền đạo. Đúng ra ông linh mục trẻ này có viết một quyển sách tên là Chúa yêu kẻ dị giáo (Dieu aime les païens), “dị giáo”, ông hiểu, là chủ nhân của cái văn hóa bản địa bị lên án kia. Trong cuốn sách nhỏ của mình ông bàn về những chuyện văn hóa trong truyền đạo ở vùng dân tộc thiểu số, làm thế nào để thâm nhập được vào một dân chúng với ta là hoàn toàn xa lạ; làm thế nào học được ngôn ngữ bản địa và hiểu đúng ý nghĩa thực sự của các từ; làm thế nào thấu hiểu tâm tính bản địa và tìm được những khái niệm thích hợp nhất để truyền đạt thông điệp ta có thể mang tới; khó khăn trong việc dịch và hoán đổi các từ ngữ mà nhà truyền giáo muốn lồng vào một nội dung mới, v.v. Rất may, bấy giờ còn có giám mục Paul Seitz ở Kontum đồng tình với những điều Dournes trăn trở và tâm đắc[1], ân cần mời ông trở lại, rồi phái ông về xứ Gia Rai. Dournes ở Tây Nguyên trước sau 23 năm, trong đó 15 năm liền ở vùng Gia Rai, trú sở chính tại Cheo Reo, thủ phủ của xứ Gia Rai, từ đó tỏa ra tìm biết các nhánh Gia Rai khác nhau cùng các tộc người lân cận. Ông có một câu nói nổi tiếng về niềm say mê của mình đối với Gia Rai và Tây Nguyên: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”. Tác phẩm quan trọng nhất trong số hơn 350 công trình lớn nhỏ về Tây Nguyên của ông là sách Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Gia Rai Đông Dương (Pötao, une théorie du pouvoir chez les indochinois Jörai)[2]. Dournes nhìn nhận hệ thống Pötao như là một lý thuyết về quyền lực được người Gia Rai sáng tạo ra để tồn tại bền vững trong trường kỳ lịch sử nhiều thách thức phức tạp và hung dữ.

image

Jacques Dournes

Có ba Pötao, Dournes giải thích, là do vũ trụ quan Gia Rai tin rằng mọi sự vật trong trời đất đều được bao gộp trong ba Yếu tố cốt lõi và biểu hiện qua ba Trạng thái cốt yếu: Nước, Lửa và Gió. Ba Pötao là ba Chủ tể[3] để chủ trì các Yếu tố hay Trạng thái ấy, giữ cho chúng luôn cân bằng và ổn định. Thì Tự nhiên mới tốt tươi, Xã hội bình an, Con người hạnh phúc.

Đối nội Gia Rai là vậy. Còn đối ngoại, thì người Gia Rai chủ động để cho mọi thế lực bên ngoài hiểu và coi Pötao là Vua. Họ mượn của tiếng Chăm một từ nhiều nghĩa để làm một công đôi việc đó, tạo nên chiến lược sống còn lâu dài của xã hội mình.

Tôi nhớ có lần cùng Andrew Hardy, trưởng đại diện Viện Viễn Đông bác cổ ở Hà Nội, trình bày về các Pötao Gia Rai trước một số bạn đọc, có người hỏi: Vậy chức năng của các Pötao là gì? Chúng tôi đã nhất trí trả lời: Chức năng của các vị ấy là Điều hòa. Điều hòa các Yếu tố và Trạng thái cốt yếu của vũ trụ. Nếu theo Nikolai Karamzin các dân tộc văn minh biết “không thể có trật tự mà không có quyền lực chuyên chế”, thì người Gia Rai duy trì trật tự ấy bằng cách của riêng mình, họ sáng tạo ra một thứ quyền lực khác, Quyền lực Điều hòa. Và trao nó cho các đại diện đặc biệt của mình mà họ gọi với nhau là các Pötao.

Điều hòa cụ thể bằng cách nào? Người nghe còn tra vấn thêm. Theo chỗ tôi được biết thì xem chừng có vẻ cũng đơn giản thôi. Hằng năm, khi ở chân trời xa nghe có ầm ì tiếng sấm, gọi mùa canh tác sắp bắt đầu, các Pötao liền chia nhau tuần du qua khắp các làng trong xứ, ở đấy họ cúng cầu mưa, xin Yang, Thần linh, cho được mưa thuận gió hòa. Vậy thôi. Song nghĩ lại các Hoàng đế Việt tế Nam Giao ở Huế, là lễ tế lớn nhất thường niên của triều đình, tự Vua phải đích thân đứng chủ tế, thì cũng thế, nào khác. Là sống còn đối với các xã hội nông nghiệp. Và từ khi nhận ra hiểm họa biến đổi khí hậu, nhân loại mới sực tỉnh, rằng không chỉ với xã hội nông nghiệp. Lúc có đủ ba Pötao thì mỗi vị đi một vùng, vị Nước lo sườn phía Đông, vị Lửa, vị Gió sườn Tây, khi còn hai vị thì chia đôi, chỉ còn một, thường là vị Lửa, thì vất vả hơn, tuần du kéo dài, phải đi cho khắp.

Tại mỗi làng trên Tây Nguyên thường có đến hai người đứng đầu, một người gọi là Khoa Bbon (Khoa = Trưởng; Bbon = Làng), mà trong sách Pötao, một lý thuyết… thấy Jacques Dournes dịch luôn rất xẵng Trưởng bù nhìn, vị này do chính quyền của Nhà nước bổ nhiệm. Còn có một trưởng khác gọi là Khoa Yang, Trưởng Thiêng, một kiểu đại diện của Pötao ở làng, là người chăm nom đời sống tâm linh hằng ngày của dân làng, và khi Pötao cùng các phụ tá của ông tuần du đến thì đứng ra huy động dân làng đón đoàn hành hương, phục vụ Pötao tiến hành lễ cúng quan trọng nhất trong cuộc sống Gỉa Rai, cầu mưa. Tại sao Dournes lại gay gắt với ông Khoa Bbon của Nhà nước thế? Trong một cộng đồng xã hội mà cho đến tận hôm nay mỗi người bản địa, dù đã cải theo đạo mới nào nữa của phương Tây du nhập, vẫn âm ỉ tận chỗ sâu nhất trong tâm khảm niềm tin lâu đời vạn vật hữu linh, mọi sự vật đều có linh hồn, thì chỉ người chăm nom đời sống tâm linh hằng ngày của con người mới có thể là trưởng thật của họ, khác đi thì chỉ là bù nhìn thôi, họ có ừ à đấy chứ bụng thực sự coi chẳng ra gì. Như vậy hệ thống Pötao dệt chặt khắp cộng đồng bản địa Gia Rai, ở cấp độ toàn xã hội là Pötao, xuống tới làng là các Khoa Yang. Gia Rai đã tồn tại như thế hàng nghìn năm, bằng “lý thuyết về quyền lực” do họ sáng chế ra, không cần, không có Nhà nước với cảnh sát và quân đội.

Ở trên tôi vừa dịch Yang là Thần linh, chắc không hoàn toàn đúng. Yang là phương diện Thiêng của mọi thứ, trong mọi thứ, hữu cơ và vô cơ, cụ thể sờ mó được và trừu tượng chỉ trong ý tưởng hay cảm nhận, do vậy cả Tự nhiên và Xã hội ở trên này đều có hồn và luôn là Một. Pötao là Chủ tể của cái Một ấy. Điều hòa Mưa Gió tức Tự nhiên với điều hòa Xã hội thực sự chỉ là Một.

♣♣

Tôi có may mắn gặp một ông Vua Gia Rai Chủ tể như vậy, Pötao Apui, Vua Lửa, hồi năm 1997, tại làng Plei Öi, vùng Ayun Par. Ông tên là Siu Nhót (các Pötao Apui, Lửa, phải là người họ Siu, tức thuộc thị tộc Siu, và phải lấy vợ thuộc tộc Röchăm). Nhà ông Siu Nhót nằm về phía Tây của làng và hơi tách ra khỏi làng, thực tế là nằm hẳn bên ngoài rìa làng. Nên biết ở Tây Nguyên hướng Tây bị coi là hướng xấu, hướng ma, đường đi ra nghĩa địa, và giữa làng với nghĩa địa bao giờ cũng phải có một con suối, dù chỉ là một lạch rất nhỏ, có khi còn khô nữa kia, người từ nghĩa địa trở về làng đều phải được rửa sạch bởi con nước đó. Khi chỉ có con rạch khô thì đi qua người ta khua khua chân, người Tây Nguyên vốn còn giữ được óc tưởng tượng rất sinh động. Nhà ông Siu Nhót nằm về hướng Tây, lại tách khỏi làng, bởi ông là người dính dấp nhiều với cõi âm, cõi ma, đúng hơn ông là người giữ mối kết nối ở trên này là rất thiết yếu giữa cõi người với cõi yang, tức dẫu thuộc trên cao thì vẫn là cõi âm, người ta rất cần có ông, kính trọng, tôn thờ, tin yêu nữa, nhưng cũng lo sợ, ở gần ông quá, bị lây, bị ám “hơi” phả ra từ ông nhiều là không hay, có thể có hại, cho sức khỏe, cả cho sự sống của mình và người thân. Nghĩ kỹ mà xem, nếu ta ở quá gần một người nào đó mà ta biết họ vừa là người thường như ta lại vừa là người vẫn đi lại với “thế giới bên kia” thì hẳn cũng đáng ngại quá. Vậy đó, để hiểu thêm chút nữa về Pötao. Ông vừa là người Gia Rai nhất, tiêu biểu cho sự độc lập của xã hội nay, lại vừa lãng đãng thực hư, điều đúng ra cũng lại rất Gia Rai, rất Tây Nguyên.

Hôm ấy tôi đi cùng mấy anh bạn làm phim, trong đó có anh Y Yơn nhạc sĩ người Gia Rai bạn thân của tôi (cũng là một nhân vật rất đặc biệt, chắc rồi tôi còn có dịp kể nhiều về anh). Khi chúng tôi đến, ông Siu Nhót không có nhà, ông đi làm rẫy chưa về, nhà ông đóng cửa, cửa buộc hờ một sợi dây rừng nhỏ, chúng tôi không dám tự tiện gỡ ra, chỉ ngồi chờ ở hiên. Và có dịp ngắm kỹ ngôi nhà. Chẳng có gì để nói nhiều về nhà của một ông Vua Lửa. Nhà ông rất nhỏ so với các nhà khác trong làng, chỉ độc một gian trong khi nhà người Tây Nguyên thường nhiều gian nối dài. Vách ghép gỗ tạp, mái lợp tôn, vì ở Tây Nguyên ngay cả hồi ấy, khoảng những năm 1990, tranh đã hiếm lắm, nhà còn lợp được bằng tranh, đẹp và mát hơn nhiều, phải là nhà rất sang. Nhà ông Siu Nhót nghèo nhất làng, nhìn thôi đủ biết.

imageÔng Vua Lửa vừa từ rẫy về

Chúng tôi chờ khoảng một tiếng thì thấy ông Vua Lửa về. Một người đàn ông đã đứng tuổi, tóc còn đen, trông đậm người, lực lưỡng và trầm tĩnh. Ông đóng khố và mặc áo cụt tay, lưng đeo gùi. Khố của đàn ông Tây Nguyên rất đẹp, được các bà các chị dệt công phu, chăm chút và tài hoa, thường còn được coi như một thứ trang sức, nhưng khố ông Siu Nhót đang đóng là khố lao động, mặc đi làm rẫy, khá lùi xùi. Ông lại đang mặc áo phông đỏ đã bạc màu trông hơi lạc lõng chứ không ở trần, để phô ra toàn bộ hình vóc, nhưng tôi vẫn cảm giác đoán được một cơ thể đàn ông Tây Nguyên thời Jacques Dournes còn ở trên này (tức khoảng những năm 50 thế kỷ trước) và từng hào hứng mô tả, nay gần như đã mất hết rồi: “Cơ thể nhịp nhàng… cao lớn, khỏe mạnh và mềm mại, gợi nhớ đến những lực sĩ trẻ từng làm mẫu cho các nhà điêu khắc Hy Lạp… hình thể thanh nhã, đường nét tinh tế, cơ bắp dài, nước da mịn, đầu ngẩng cao kiêu hãnh, đôi mắt thông minh… khối nổi hằn nơi cánh tay mà lối ăn mặc của người Tây Nguyên để lộ trần đến vai… làn da rám đều, ướt đẫm mồ hôi hay lúc tắm, ánh lên tựa đồng thau…[5]. Có thể chắc không ai đặc biệt chú ý nhiều đến hình thể con người khi chọn bầu một vị Pötao Apui mới thay người tiền nhiệm vừa qua đời, nhưng vậy đó, bằng tiềm thức và tâm hồn Gia Rai người ta đã tìm ra đúng người đàn ông Gia Rai điển hình của Lịch sử còn sót lại, cả về hình dạng, cho vai trò này trong trường tồn của xã hội mình.

Ông Siu Nhót thong thả lên cầu thang, hơi gật đầu chào chúng tôi, không hề tỏ chút ngạc nhiên khi nhìn mấy bạn tôi linh tinh đủ các dụng cụ làm phim, máy quay phim nhựa kềnh càng, đèn đuốc lỉnh kỉnh, cả tấm phản quang bọc giấy bạc rất vướng và đủ thứ phụ tùng lôi thôi khác. Có vẻ ông đã quen với chuyện những đám người kiểu này đến quấy nhiễu ông, biết phải nói gì làm gì để thỏa mãn những tọc mạch vớ vẩn của họ. Ông thản nhiên bước vào nhà, đặt gùi xuống, đi thẳng vào sau tấm màn bằng chăn treo ở góc nhà, một lúc thì bước ra. Đã là một ông Siu Nhót khác. Thật đẹp và trang trọng. Khố Gia Rai bây giờ sang đến vương giả, áo Gia Rai tay dài với lối phối màu đen và đỏ cực đối nghịch chỉ có ở Ê Đê và Gia Rai nhưng Gia Rai thường đằm hơn, cả mảng trang trí trước ngực cũng không quá chói như Ê Đê, thêm khăn đen chít đầu hơi lạ ở đàn ông. Gia Rai, cũng như Ê Đê, thuộc ngữ hệ Nam Đảo, là tộc người mẫu hệ, nơi do vị trí trong gia đình lẫn ngoài xã hội của họ đàn bà thường cao lớn và oai vệ hơn đàn ông, xét theo tiêu chí ấy thì ở đây ông Pötao Apui lại là đàn bà. Còn nghe nói điều lạ: ở Tây Nguyên lao động giữa đàn bà đàn ông thường phân biệt rõ rệt, nghề rèn, đan đát, đi trước chọc lỗ trên rẫy (để đàn bà theo sau tra hạt giống vào), lại hay lang thang rong chơi… là riêng đàn ông. Thật sự nội tướng, coi giữ chăm nom nhà cửa, bếp núc, thêu thùa, dệt vải, thuộc và biết tìm đúng lá, vỏ, rễ cây trong rừng làm men đặng ủ rượu cần sao cho thật say… chỉ có đàn bà. Vậy mà một người đàn ông mỗi khi trở thành Pötao bỗng tự nhiên biết may vá, thêu thùa, canh cửi, lại mó tay pha chế rượu cần… như đã biến thành đàn bà, vai chính trong các xã hội mẫu hệ.

imageĐã là một ông Siu Nhót, Vua Lửa khác hẳn

image

 

Lát sau thấy có mấy người đàn ông đến, đều đóng khố và diện áo đặc Gia Rai, hơi khác thường vì ở trên này bây giờ người ta ăn mặc giống hệt dưới Kinh rồi. Những người mới đến còn mang cả cồng chiêng cùng mấy chiếc trống nhỏ và dài. Đấy là các phụ tá của ông, ông Siu Nhót giới thiệu, tháp tùng ông trong các cuộc tuần du, luôn phải có mặt những khi ông Vua Lửa làm lễ.

image

 

Rượu cần tất nhiên đã sẵn trong nhà, hai người phụ tá khiêng ra một ché lớn. Ông Siu Nhót ngồi xếp bằng trước ché rượu, tay cầm một cái bát sứ rót nước vào ché, bắt đầu làm lễ. Qua anh Y Yơn dịch hộ ông bảo có đoàn phim đến, ông cúng Yang chúc sức khỏe đoàn, tiện thể cho chúng tôi quay luôn. Ra ông đã tính mọi thứ khi từ rẫy về và nhìn thấy chúng tôi, chủ động đến bất ngờ. Tôi hơi thất vọng nghĩ phải chứng kiến một cảnh diễn như vẫn thường bày ra khắp nơi trên này bây giờ. Tuy nhiên chỉ một lúc sau cảm giác khó chịu đó đã biến mất. Bắt đầu có gì đó gần như một buổi lên đồng. Nhưng rồi cảm giác ấy cũng qua đi rất nhanh. Tiếng chiêng đánh nhẹ âm u và trống nhỏ thủ thỉ cất lên từ bao giờ. Một người phụ tá của ông Vua Lửa đứng dậy và bắt đầu múa, áo khố của ông ta uốn lượn đẹp theo người đung đưa. Y Yơn, không biết thay áo khố từ lúc nào, cũng vào cuộc và múa theo. Tôi đã ở kha khá trên này tôi biết, không phải lối múa Tây Nguyên, người Tây Nguyên múa không bao giờ cong vút bàn tay theo cách ấy, rất Ấn Độ hay Champa, gốc Champa của Gia Rai hiển hiện. Vừa quen vừa lạ, cuốn hút. Ông Vua Lửa vẫn chầm chậm châm nước vào ché rượu và bắt đầu lầm rầm khấn giọng nghe như hát rất nhỏ và hoàn toàn theo nhịp chiêng. Một không khí yang, thiêng đặc sệt trong căn nhà nhỏ.

image

 

Ông Vua Lửa cho phép chúng tôi chụp ảnh, quay phim, cả ghi âm nữa khi ông làm lễ, và đến lúc đó chúng tôi mới nhận ra điều đặc biệt: tất cả những can thiệp bên ngoài thô lậu và trần tục của đoàn chúng tôi mang đến không hề ảnh hưởng được chút nào tới ông và lễ cúng Yang của ông, ông chẳng quan tâm, ông ngồi đấy, đang ở trong một không gian, một thế giới nào đó khác, của riêng ông, không gian Gia Rai, thế giới Tây Nguyên, mà chúng ta, người ngoài, không thể thâm nhập vào được, tuy chẳng có sự kháng cự nào. Sự lạ Gia Rai, sự lạ Tây Nguyên, dễ mà khó, thật mà hư, mềm mà rắn, cứ thế trường tồn. Trong lễ cúng nhỏ này mà ông Vua Lửa đang dắt chúng tôi vào, cũng như trong đời sống hằng ngày bây giờ ở trên ấy, Tây Nguyên, vừa ồn ào cái thực và thô do Nhà nước tổ chức, rất Khoa Bbon (mà Jacques hẳn sẽ dịch thật xẵng “rất bù nhìn”), vừa vẫn cứ hư ảo đặc sệt Khoa Yang, cứ Gia Rai, cứ Tây Nguyên, thậm chí có thể còn có mặt ông Pötao hay không. Và chúng tôi cứ thế chìm đi lúc nào chẳng hay trong cái sự lạ Gia Rai, sự lạ Tây Nguyên ấy…

Thời gian sau ông Siu Nhót mất. Người thay thế ông cũng thuộc thị tộc Siu, tên là Siu Luynh, đến năm 1999 thì ông Siu Luynh cũng mất, sau đó chỉ còn một ông tên là Rơlan Hleo nguyên là phụ tá của Pötao Siu Luynh nay chuyên kể về các Pötao cho khách du lịch đến thăm làng Plei Öi. Tôi không được gặp ông Siu Luynh cũng như ông Rơlan Hleo. Và chỉ mãi gần đây đọc trên mạng mới biết ngay từ năm 1993, tức 4 năm trước khi tôi được gặp ông Vua Lửa Siu Nhót ở làng Plei Öi của ông, làng này, Plei Öi, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Nghĩa là, nói theo Jacques Dournes, đã bắt đầu muốn có can dự kiểu Khoa Bbon vào sự thể Khoa Yang trong chuyện hệ thống Pötao Gia Rai. Tuy vậy khi đến gặp ông Vua Lửa Siu Nhót tôi chưa thấy ở làng và ông Pötao có gì khác, như đã kể. Song đọc tiếp tài liệu trên mạng thì biết tới năm 2015 cũng chính cái Bộ ấy, đã đổi tên thành Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, lại có quyết định công nhận “Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui [6]” (sic) là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Kèm theo còn có ảnh làng Plei Öi đã rõ là làng rất chi là du lịch, cả ảnh ông Rơlan Hleo dù chỉ là phụ tá của Vua Lửa lại ăn mặc đẹp sang hơn chính ông Vua Lửa Siu Nhót tôi từng gặp nhiều, đang múa chắc cho khách ta hay Tây đến tham quan.

image

 

Như thế từ sau ông Siu Luynh không có Pötao thay thế nữa, vậy đối với Gia Rai có sao không? Thật sự tự tôi không rõ. Tôi chỉ chợt nhớ và nghĩ tới điều này: hồi cuối thế kỷ 19 đầu thể kỷ 20 khi người Pháp đến chiếm Tây Nguyên, đã có những cuộc nổi dậy kháng chiến chống ngoại xâm quyết liệt ở nhiều nơi, nổi tiếng như của Nơ Trang Lơn ở vùng Mnông nay thuộc tỉnh Đak Nông, của Ama Jhao, N’Trang Gưh, Öi H’Mai ở vùng Ê Đê, hay phong trào Nước Xu rộng lớn và kéo dài ở vùng Ba Na Xơ Đăng Bắc Tây Nguyên mà ông Núp hồi trẻ có tham gia, v.v. Ở vùng Gia Rai, tộc người bị người Pháp coi là ương ngạnh hơn cả, lại không thấy những cuộc chiến tương tự. Chỉ có một vụ bùng nổ, đột ngột và rất dữ, nhưng theo tôi thuộc tính chất khác, liên quan đến hệ thống Pötao, diễn ra vào năm 1904 dưới thời Vua Lửa Siu At. Nạn nhân là Prosper Odend’hal, một sĩ quan Pháp trẻ đặc sắc, cử nhân văn chương và tốt nghiệp học viện quân sự Saint-Cyr danh tiếng, sang Đông Dương năm 1889 khi nơi này đã được chinh phục nhưng còn chưa dẹp yên. Theo Louis Finot, giám đốc đầu tiên của Viện Viễn Đông bác cổ ở Hà Nội, Odend’hal là người giàu óc tò mò và năng nổ, ham thích sự mới lạ và hiểm nguy. Anh ta đã tham gia các đoàn khảo sát ở các miền thượng Việt Nam và Lào, có vợ Lào, từng làm quan cai trị ở Savannakhet, ở Thừa Thiên, rồi Bình Thuận, Khánh Hòa…, năm 1903 nhân chuyến về Pháp nghỉ phép có tranh thủ học một khóa tiếng Sanskrit với giáo sư Sylvain Lévi, khi trở lại Việt Nam được công nhận là cộng tác viên của Viện Viễn Đông bác cổ, được Viện này phái đi thực hiện một chuyến “khảo sát về ngôn ngữ học, dân tộc học và khảo cổ học ở vùng Trung Lào”[7]. Ngày 23 tháng 2-1904 Odend’hal đến Buôn Ma Thuột, ngày 6 tháng 3 đến Bản Đôn, một tuần sau đến vùng Gia Rai tại Cheo Reo, rồi Plei Chu trên bờ sông Apar. Ở đây anh đi thăm hai di tích Chăm, có gỡ lấy một tấm đá khắc chữ Chăm ở một tháp di tích. Nhờ một Già làng tên là Miurong liên hệ, ngày 27 tháng 3 anh ta được Vua Nước tiếp. Odend’hal ghi trong Nhật ký hành trình của mình về cuộc gặp đó như sau: “Một đoàn lê thê những người man di. Đi đầu là một ông già chống gậy, mặc áo khoác có họa tiết đỏ và vàng. Chân dung ông Sadète[8]: 55 tuổi, không còn cái răng nào, hơi điếc, trông hay hay nhưng đần… Tôi bảo tôi muốn trả cho làng một con trâu. Phải hỏi ý kiến làng… Nghe đề nghị, ông ra mặt lạnh nhạt, rõ là ông ta sợ phải trả bù lại món gì đó khác…”. Ông Sadète nướng một con gà, xẻ làm đôi, đưa cho Odend’hal một nửa, anh cầm lấy nhưng không ăn mà chuyển lại cho người An Nam tùy tùng, ông Sadète lại uống rượu cần xong thì chuyển cần cho anh, anh cũng đỡ lấy cần nhưng không uống mà chuyển lại cho người tùy tùng. Ngày 1 tháng 4 anh trở lại gặp ông Sadète, lần này tại làng của ông ấy, nhận thấy thái độ thù nghịch âm ỉ của dân chúng. Ngày 5 anh trở lại lần nữa thì thấy làng hoàn toàn hoang vắng tuyệt không bóng người, ngạc nhiên vì cuộc tẩy chay đột ngột, anh cho người đi tìm, nhưng vô hiệu… Odend’hal bèn quay sang tìm liên lạc với Vua Lửa bấy giờ là Pötao Siu At. Thì nhận được trả lời từ chối, lấy cớ sẽ chịu thuần phục chính quyền Pháp nếu điềm báo thuận lợi, nhưng trên đường đi chim lại hót phía tay trái (là điềm xấu). Tuy nhiên làng sẵn sàng đón tiếp quan Pháp tới uống rượu, lại còn gửi đến một chiếc vòng đồng đeo tay ở xứ này có giá trị như giấy thông hành. Ngày 7 tháng 4 năm 1904 Prosper Odend’hal đến làng Plei Mé của ông Siu At, yên trí sẽ được nhấm rượu cần và nhận sự thuần phục của Pötao Apui nổi tiếng. Rất đông người man di Gia Rai đã chờ anh ở đấy. Họ dùng dây rừng trói anh lại, dùng củi gộc đánh chết, rồi đâm tiếp bằng giáo và kiếm… Nhật ký hành trình của Odend’hal sáng sớm hôm ấy chỉ thấy ghi một câu dở dang: “Ngày 7 tháng 4 - Miurong và Luang bảo tôi đừng làm…”.  

Mặc dầu có thư của Toàn quyền Đông Dương Paul Beau gửi các quan chức Pháp tại chỗ cẩn thận dặn dò: “Tôi dành cho quý ngài cân nhắc các biện pháp để tóm bắt những kẻ đã sát hại ông Odend’hal. Tuy nhiên nên tránh buộc toàn bộ một dân chúng phải gánh chịu hậu quả của một tội ác chỉ có thể giải thích là sự trả thù chống lại những bạo lực đã xảy ra trước đó… Chúng ta phải tránh gieo thêm những chất men hận thù mới sẽ làm chậm trễ hơn nữa công cuộc thâm nhập hòa bình (của chính qtyền thuộc địa Pháp) vào các bộ lạc man di…”, đúng như ai cũng đoán được, một loạt vụ khủng bố đáp trả tàn bạo và tràn lan đã diễn ra. Đã có ít nhất ba đoàn quân Pháp hùng hổ kéo về vùng đất của hai Pötao Ia và Apui, một do đồn trưởng Cheo Reo Stenger dẫn đầu, một từ Darlac kéo ra do đích thân công sứ Bardin chỉ huy, đoàn thứ ba do viên thanh tra Vicilioni từ Tuy Hòa kéo lên, hàng ngàn người Gia Rai bị giết, hàng chục làng bị đốt…

Đã có rất nhiều giả định về cái chết của Odend’hal, vì sao anh ta bị giết? Vì thái độ khinh thị, thiếu chân thành của anh ta khi từ chối nửa con gà tự tay ông ông Pötao nướng và đưa mời cũng như cần rượu ông chuyển mời, đều là biểu tượng của giao hòa và đồng thuận? Vì hành động gỡ phiến đá thần ở di tích Chăm tại Cheo Reo? Vì đúng ngày 17 tháng 3 khi anh đặt chân tới đất Gia Rai lại trùng với nhật thực một phần là điềm rất kiêng kị? Vì anh nằng nặc đòi Vua Lửa phải cho xem Lưỡi Gươm Thần hô phong hoán vũ của ông vẫn giấu ở núi Čư Tao Yang?…

Tôi có đọc được một bài viết có tên là “Thâm nhập thuộc địa và Kháng cự ở người Gia Rai” (Pénétration coloniale et résistance chez les Jarai) của hai tác giả Mathieu Guérin ở Đại học Pháp và Jonathan Padwe ở Đại học Yale Hoa Kỳ[9]. Bài viết đặc biệt lưu ý đến quan hệ thù nghịch gay gắt và dai dẳng giữa giáo xứ Công giáo ở Kontum, đứng đầu là Cha cố Guerlach, với người Gia Rai láng giềng sát ngay phía Nam của họ, mà họ mô tả là một lũ côn đồ xảo trá và chuyên cướp bóc, một đám man di đạo tặc. Nhà lịch sử dân tộc học người Hà Lan Oscar Salemink, chuyên gia về Tây Nguyên, nhấn mạnh “tầm quan trọng của các giáo sĩ trong việc định hình những hiểu biết về cư dân miền thượng”, những đánh giá cực xấu về người Gia Rai được định hình từ các giáo sĩ Kontum trước, sau đó mới đi vào các văn kiện của nhà nước Pháp và chi phối nặng nề tư tưởng cùng thái độ các quan chức cai trị tại chỗ. Trong bài viết của mình Mathieu Guérin và Jonathan Padwe kể một câu chuyện liên quan đến Vua Lửa Siu At, trưởng đồn binh Cheo Reo Stenger và một viên thực dân tên là Céleron de Blainville, người thấy được ghi ở chú thích là tác giả một bài nghiên cứu “Về người Mọi ở vùng sông Ba và Darlac” đăng trên tạp chí Địa Lý năm 1903. Chuyện xảy ra ba năm trước khi Odend’hal đến vùng Gia Rai. Céleron có gửi đến cho ông Pötao Apui Siu At một số quà để nhờ ông mua một con ngựa. Tới khi nhận ngựa, thấy ngựa không đủ đẹp so với quà đã gửi, ông ta bèn yêu cầu nhà chức trách bắt ông Pötao. Đồn trưởng Stenger liền đem quân tấn công và đốt cháy làng Plei Mé của Vua Lửa, giết chết nhiều người. May mà ông Vua Lửa kịp chạy trốn vào rừng của ông. Guerin và Padwe viết: “Với người Gia Rai, việc trao đổi quà biếu và con ngựa là cuộc trao đổi tạo nên một mối liên minh chính trị chứ không đơn giản là một vụ dàn xếp mua bán, một mối liên minh chính trị đã bị người Pháp hung bạo đập nát”. Cho nên, hai tác giả kết luận: “Việc Odend’hal đến gặp ông Pötao với đề nghị trả một con trâu cho làng và gợi ý thuần phục chẳng có gì để mà tin ở ý đồ của người Pháp”.

Còn ông Linh mục dân tộc học Jacques Dournes thì nói: “Chẳng mấy nghi ngờ rằng Odend’hal đã bị giết vì anh ta là tiêu biểu cho mối uy hiếp đối với nền độc lập Gia Rai”.

Đúng hơn nữa ở đây hẳn không chỉ là chuyện chính trị nghiêm trọng với chuyện buôn bán lèm nhèm. Còn là một xung đột văn hóa sâu sắc hơn nhiều, nếu ta nhớ đến nhân vật Baap Can trong cuốn sách tuyệt vời Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gô của Georges Condominas. Cái ông già Baap Can thuộc tộc người Mnông Gar bé tẹo chỉ đếm được vài trăm người ở cái làng Sar Luk cũng bé tẹo và xa lắc xa lơ bên bờ con sông Krông Nô hoang vắng, dưới chân ngọn núi khổng lồ Čư Yang Sin, cái ông già tên là Can ấy đã dám lẩm cẩm cặm cụi suốt cuộc đời dài của mình nhọc nhằn làm ăn cho thật giàu, ở Mnông Gar cũng như ở toàn Tây Nguyên được tính là có được thật nhiều trâu, đặng mà có thể hiến sinh trong một lễ kết nghĩa thật to, to nhất xứ Mnông, tức to nhất thế giới vì ông không còn biết thế giới nào khác ngoài xứ Mnông Gar của ông, với một ông bạn già khác cũng đã cặm cụi lao động suốt đời để có được thật nhiều trâu mà hiến sinh như ông, với ông, trong một lễ kết nghĩa thật to, to nhất. Bởi đối với người Mnông Gar, cũng như với người Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Dẻ Triêng, Cơ Tu và tất cả người Tây Nguyên, trên toàn bộ cuộc đời này không còn gì to lớn, trọng đại, hạnh phúc, tạo nên uy tín lớn nhất xã hội cho bằng tình bạn thiêng liêng được tạo nên qua một cuộc kết nghĩa thật to, to nhất đời.

Thế đấy, Odend’hal đã bị giết vì người Pháp đã tàn bạo đập nát một liên minh có thể tốt đẹp suýt được thiết lập qua một cuộc trao đổi mang ý nghĩa kết nghĩa với người Gia Rai được đại diện bởi các Pötao.

11- 2023


[1] Về sau Jacques Dournes có đi theo giám mục Paul Seitz dự Hội nghị Công đồng Vatican 2 nổi tiếng. Ở Hội nghị này Dournes tham gia đoàn thư ký biên tập Văn kiện Vatican 2.

Linh mục Liên ở nhà thờ gỗ Kontum có lần nói với tôi: “Chúng tôi truyền bá niềm tin Thiên Chúa thông qua văn hóa bản địa”.

[2] Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt, NXB Tri thức, Hà Nội, 2005.

[3] Chủ tể (Maitre).

[4] Trong cuốn Марфа-Посадница, или Покорение Новагорода (Nữ vương Marfa, hay là cuộc chinh phục Novagorod), 1802.

[5] Jacques Dournes, Miền đất huyền ảo. Nguyên Ngọc dịch. NXB. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003, tr. 17.

[6] Gọi “Yang Pötao Apui” là cách gọi sai, ở Gia Rai không ai gọi như thế, Pötao là người giữ mối quan hệ giữa cõi trần với cõi Yang, chứ tự ông không phải là Yang.

[7] Trích báo cáo của Toàn quyền Beau với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp.

Cần chú ý: Khi vào chiếm Đông Dương cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Pháp chia bán đảo này ra làm năm “nước” Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Cao Miên, riêng Lào cũng chia đôi thành Bắc Lào (thủ đô ở Luang Prabang) và Nam Lào (thủ đô ở Khôn). Tây Nguyên được chia về Nam Lào. Đến tháng 11 năm 1904 Toàn quyền Đông Dương mới có quyết định ghép hai nước Lào lại làm một (thủ đô tại Viên Chăn) và đưa Tây Nguyên về thuộc Trung Kỳ. Cho nên gọi là “Trung Lào”, đến cuối năm 1904 đã là An Nam (Việt Nam).

[8] Cách gọi ông Pötao theo tiếng Lào.

[9] Mathieu Guérin & Jonathan Padwe. “Pénétration coloniale et résistance chez les Jarai”. Outre-Mers, Revue d’Histoire, 2011, tome 99 (n°370-371), p. 245-272.