Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

Những giọt ký ức đẹp lấp lánh bỗng biến mất khó hiểu trong tuổi thơ của tôi (1): Nhà văn Phùng Cung với con búp bê của tôi

Nguyễn Thị Hiền

Tôi muốn ghi lại những kỷ niệm vô cùng khó hiểu, không bao giờ quên trong tuổi thơ của mình.

Tôi không viết về sự nghiệp văn chương và cuộc đời của họ. Tôi chỉ muốn nhớ tới những giọt ký ức lấp lánh tuyệt đẹp mà họ đã dành cho tôi trong những năm thơ ấu của đời mình.

clip_image002

Một hôm chú Phùng Cung lên đồi (khi đó gia đình tôi tản cư ở đồi Cháy, ấp Cầu Đen, Nhã Nam - Bắc Giang). Chú mang cho tôi một con búp bê to như một em bé, có hai răng cửa trắng lấp lánh, mắt xanh biếc, biết nhắm mắt mở mắt, tóc vàng bồng bềnh. Búp bê mặc váy như một cô tiên, lại biết khóc, biết cười…

Cúi xuống đưa búp bê cho tôi, chú nói:

- Chú tặng cháu Hiền này.

Tôi ôm búp bê trong tay, mắt ngước nhìn chú, nghẹn ngào sung sướng nói không nên lời. Ôi món quà đẹp tuyệt vời đầu tiên tôi có trong đời, trên quả đồi chỉ có nắng, gió, cây cối, chim chóc, ruộng vườn… Lần đầu tiên một cô tiên búp bê giáng trần nằm trong tay tôi, chú Phùng Cung cho tôi, là của tôi. Tôi ôm ghì búp bê vào lòng, ăn ngủ lúc nào cũng bế nó.

Rồi bỗng nhiên tôi thấy nhiều người đi lại suốt ngày đêm. Âm thanh rầm rì, rầm rì… Các đoàn dân công. Bộ đội đi lại rậm rịch trên đường đất đỏ. Bụi hồng cuốn mịt mù. Lạ quá. Sao mọi người đi lại rậm rịch suốt ngày đêm. Lại có cả ô tô chở kín người ngồi trên đều đi về một hướng.

Thế rồi tôi lại thấy mẹ tôi chuyển xuống chân đồi trên đường đất đỏ, mở một quán nước. Cô tiên búp bê của tôi mẹ bày trong tủ kính, sáng rực cả một góc trời. Các đoàn người, xe cộ đi lại nườm nượp. Bụi hồng cuốn tung trời. Mọi người ghé váo quán uống nước, ăn kẹo bánh ở quán của mẹ tôi. Ai cũng trầm trồ khen ngợi sao lại có một cô tiên búp bê đẹp đến như vậy.

Tôi tự hào quá. Búp bê của tôi đấy! Chú Phùng Cung tặng tôi đấy!

Con búp bê đầu tiên của tôi mà chú Phùng Cung tặng. Khi tôi được bố cho về Hà Nội tiếp quản thủ đô cùng các cô bác ở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, tôi đã xin bố mua một cuộn len hồng đan cho em chiếc áo gửi về quả đồi để mẹ mặc cho em.

Khi mẹ tôi và các em chuyển về Hà Nội, mẹ tôi đã cho ai ở trên đồi, một cô bé nào giống tôi thích búp bê hay sao mà tôi không thấy mẹ mang búp bê về Hà Nội. Tôi đã khóc mãi vì nhớ nó. Tôi đã không bao giờ gặp lại nó, con búp bê đầu tiên trong đời của tôi. Cũng như tôi đã không bao giờ gặp lại được chú Phùng Cung nữa.

Mãi sau này tôi mới biết trong đợt đấu tranh chống "Nhân văn Giai phẩm", chú Phùng Cung đã bị đi tù 12 năm. (Ông bị bắt năm 1961. Năm 1973 ông được phóng thích).

Lúc đó tôi còn bé quá không biết tin này. Chỉ thấy chú đã bặt vô âm tín trong tuổi thơ của tôi. Nhưng đáy sâu trong lòng tôi, chú cao cao, gầy gầy, mắt trìu mến nhìn tôi, tay đưa con búp bê ra cho tôi trong sự sung sướng đến thảng thốt của tôi, trong tuổi thơ nghèo khổ của những đứa trẻ tản cư theo kháng chiến. Như một câu chuyện cổ tích, có một bà tiên hiện ra lộng lẫy sáng bừng trong suốt tuổi thơ của tôi không bao giờ tôi quên được.