Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

Người thợ rèn

Nguyễn Đức Tùng

image

 

Tôi thấy tôi đứng giữa gian nhà trống, đăm đăm nhìn ngọn lửa, nhưng hóa ra đó không phải là ngọn lửa, đó là bức tranh trên tường vẽ ngọn lửa, linh động như một ngọn lửa, nhảy múa như một ngọn lửa, tôi tiến lại gần, bức tranh nóng dần lên, tôi bước chậm lại, thận trọng, tôi nhận ra sức nóng mỗi lúc một tăng, như bức tường vô hình ngăn tôi lại, tôi cố gắng đến gần bức tranh, bây giờ sức nóng quạt vào mặt, da mặt tôi nóng ran, mắt hoa lên, tim đập nhanh, có một bàn tay kéo tôi lại, một người nào ôm tôi vào lòng, tôi lùi lại, tôi ngước mặt lên, tôi nhìn thấy một khuôn mặt, những khi cha tôi có việc đi tới đó, ông dẫn tôi đi theo, nhà người thợ rèn ở bên đường mòn, rẽ từ quốc lộ xuống bến đò, sâu trong ruộng bắp, đường mòn rộng, cao ráo lát sỏi, trước đây người ta định làm đường nhựa chạy thẳng tới bờ sông, bên kia sông là chợ, nhưng rồi chiến cuộc lan rộng, phải dừng, những người đi vào ruộng bắp ấy chỉ có mỗi việc là đến thuê rèn liềm hái, lưỡi cày, dao, búa, dụng cụ nhà nông, nhà tranh nhỏ lụp xụp như túp lều, cha tôi đến đó vì ông thích rèn dao rựa để chặt cái này, tỉa cái nọ, nhưng ông khó tính, chỉ ở đây ông mới đặt hàng được loại rựa cứng cáp vừa ý, chặt cây lớn nhưng lưỡi mỏng tang, sắc như lá lúa, chẻ tăm được, trong căn lều ấy có hai vợ chồng, người thợ rèn nổi tiếng khéo tay, lực lưỡng, hiền hậu, ít nói, suốt ngày ở trần phơi bộ ngực nở, những thanh sắt nóng bỏng trong tay anh đỏ rực trên lửa, anh làm việc nhanh thoăn thoắt, rút thanh sắt từ lò ra, cho vào thau nước lạnh sôi xèo xèo, đặt lên cái đe, nện những nhát búa đanh gọn, rồi lại cho vào lò, khuôn mặt rắn rỏi của anh sáng bừng lên thứ ánh sáng hồng tươi rói, thời ấy người ta dùng than củi nhóm lửa, để đạt độ nóng cần thiết, đun nóng các loại thép tốt đỏ lên trong suốt nhìn qua được, thợ rèn bao giờ cũng có hai ống thổi lửa lớn đạp bằng chân để giữ cho ngọn lửa lên cao, đều, ngồi sau ống thổi lửa là vợ anh, người phụ nữ trẻ, tươi vui, mau mắn, khi nào tôi cũng thấy chị xắn ống quần lên cao, bày bắp đùi trắng muốt, mặt lấm tấm mồ hôi, tóc vấn cao, khuôn mặt chị hồng hào, tuy không đẹp, nhỏ người, nhưng mạnh khỏe, duyên dáng, họ có một đứa con gái ba hay bốn tuổi chơi luẩn quẩn trước thềm, trong sân, đó là một gia đình hạnh phúc, tôi nghĩ, sau này khi tôi lớn lên học trung học, mỗi buổi chiều đạp xe trên đường số một vẫn nhìn thấy ánh lửa lập lòe trong nhà người thợ rèn, một lần xe đạp bị sút xích, loay hoay không sửa được, trời mưa to, tôi bị ướt hết, đành dắt xe vào núp nhờ, trong bóng tối chập choạng, mưa, sấm chớp rạch trời, căn nhà nhỏ của họ thật ấm áp, chị buông ống thổi lửa, xem xét chiếc xe đạp của tôi một hồi rồi đưa nó cho chồng, anh bỏ việc giữa chừng, cặm cụi sửa lại cái xích xe cho tôi, thấy hai tay tôi đen nhẻm dầu nhớt, người vợ dẫn tôi ra chái nhà sau bên ảng nước, đưa cho cái khăn lau mặt, cái khăn lông cũ sờn rách, nhưng sạch sẽ, cọ rửa xong, tôi úp mặt vào đó, có mùi thơm lạ thường làm tôi nhẹ người, thoảng mùi lá bưởi, lá chanh, vừa lúc dọn cơm, trời mưa sầm sập trở lại, chị rủ tôi ở lại ăn bữa tối với anh chị, một nồi cơm bốc khói, trên dĩa lèo tèo mấy con cá cơm kho mặn ngọt với đường ngào, trái cà pháo lớn cắt nhiều mảnh, dầm nước mắm ớt, bát canh lá lốt nước xanh lơ, tôi đói bụng, thèm chảy nước miếng, nhưng dù sao đã lớn, tự ý thức, nên chỉ ngồi ghé mâm bên cạnh, ăn một bát, bấm bụng đứng lên, đi rửa chén đũa của mình bên ảng nước, rồi tôi lớn lên bận bịu việc học, có nghe tin anh bị gọi nhập ngũ cùng với nhiều người khác, do lệnh tổng động viên ngay sau tết Mậu Thân, đi lính bộ binh, đóng quân ở Tây nguyên, rồi một thời gian ngắn sau, tôi lại nghe tin anh tử trận trong một trận đánh lớn, trước sau chỉ hơn một năm, người vợ một mình, không thể tiếp tục công việc của chồng, đành dời qua thị xã bên kia sông để làm lụng sinh sống, thỉnh thoảng tôi có dịp xuống bến đò, đạp xe ngang qua ruộng bắp, để ý nhìn vào, căn nhà xiêu vẹo của người thợ rèn còn đó nhưng không bóng người, một hôm lúc trời đã tối, cũng đi ngang qua như thế, tôi ngạc nhiên thấy ánh lửa hắt ra, mừng quá, hồi hộp, tôi vòng xe đạp lại, mơ hồ tưởng rằng người thợ đã sống lại, hay người vợ đã tìm ra được người thay thế từ đâu đó, tôi không kịp suy nghĩ, đêm trong suốt như thủy tinh, mới đầu vài ngôi sao hiện ra, rụt rè, lấm tấm, rồi cũng như tuổi trẻ, mỗi lúc chúng một bạo dạn hơn, hàng ngàn hàng vạn ngôi sao cùng nhấp nháy, khung cảnh im vắng, đứa bé gái hay bày trò chơi một mình trước thềm tôi không thấy đâu, có lẽ đã đi ngủ, tôi dựng xe, đứng hồi lâu trước sân, cánh cửa chỉ mở hé, tôi đẩy thử, không cài then, lửa cháy bừng bừng, hắt ra ngoài thềm và sân, lửa nhảy múa, tôi bước vào nhà như trở về chốn thân quen, tôi nhìn thấy người đàn bà ngồi sau hai ống thổi lửa, hai chân chị đạp vòng chầm chậm, đều đều, quần xắn cao lên quá đầu gối, khuôn mặt hồng loang loáng, bắp chân tròn căng cứng, mạnh mẽ, nhễ nhại mồ hôi, có lẽ chị đạp như thế đã lâu lắm, chị nhìn thấy tôi, nhưng cặm cụi tiếp công việc, gió phụt ra từ ống thổi lửa mạnh, than đỏ hồng rực rỡ, những cục than vuông vức bằng đầu ngón chân cái lăn đi trong suốt, thỉnh thoảng chạm nhau lách ta lách tách, bắn ra các tia lửa nhỏ nhọn như sao băng, tôi nhìn quanh, không còn ai, không có người đàn ông nào, đứa bé gái cũng không, trên ngọn lửa không có gì cả, không có thanh sắt đang cháy đỏ lên hay lưỡi dao nào đang uốn cong đi, sắp trở thành mềm mại, tôi đứng đó, trong góc nhà thật lâu, cuối cùng chị cũng khẽ gật đầu, vẫn không nói gì, khuôn mặt chị vui tươi hào hứng, khoé miệng thấp thoáng nụ cười, như đang mỉm cười với ai, tôi nhìn quanh bốn vách tường, để ý tìm cái kệ gỗ ngày trước anh chị bày bán các thứ đã rèn xong, như liềm, hái, dao, rựa, cuốc, xẻng, và một cái kệ thấp hơn để những thanh sắt còn thô, tất cả chúng đều biến mất, không còn ai tới đây để rèn dao búa gì nữa, chiến tranh lan rộng, du kích về nhiều hơn, giật cầu, bắn pháo vào thị trấn, mùa màng bỏ hoang, chỉ có cái đe lớn làm từ một khúc của đường rầy xe lửa và cái búa nặng của người thợ rèn vẫn còn đó, tôi nhận ra dễ dàng, người đàn bà lặng lẽ đạp theo vòng quay của ống thổi lửa, lên xuống nhịp nhàng, nhưng đã chậm lại, tóc vấn cao, mồ hôi nhỏ giọt trên mặt trên trán, hai ống quần Mỹ Á đen của chị xắn cao bay phần phật, tôi đứng lên khẽ gật đầu chào, rồi sửa soạn bước ra ngoài, khi tới cửa, quay người lại, tôi nhìn thấy ngọn lửa bỗng cháy cao hơn, không phải là ngọn lửa mà là một bức tranh trên tường vẽ ngọn lửa, đỏ rạo rực, đẹp lạ thường, bức tranh chiếu ra một thứ ánh sáng huyền ảo, tỏa khắp gian nhà trống, như tình yêu của người vợ trẻ, như ký ức của chị về một hạnh phúc trong thanh bình không trở lại, phản ứng đối với số phận, tôi bước lại gần nhưng ngọn lửa mỗi lúc một nóng quạt vào mặt tôi bỏng rát, mắt tôi hoa lên, tim đập mạnh, tôi không thở được nữa, tôi phải bước lùi lại, tôi bước ra ngoài và khép cửa.

NĐT

6. 2023 (trong NOTES- BẢN THẢO)