Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2023

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 261): Phạm Duy: Tuyển tập Dân ca – Bài 14: Người Về

`T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2023)

clip_image002

clip_image004

Người Về – Dân ca do Phạm Duy sưu tập

Trình bày: Thái Thanh

Đọc thêm:

NGƯỜI VỀ

Quỳnh Giao

Thông thường, đi du lịch có thể là thăm thú một nơi xa lạ để nhìn, nghe, tìm hiểu hoặc sinh sống trong một không gian khác.

Vốn không dạn dĩ, Quỳnh Giao ngại đi vào những nơi quá xa lạ nên thường chọn địa điểm du lịch theo ký ức của mình. Tìm đến những nơi lạ mà quen và du lịch là trở về dĩ vãng!

Cảm nghĩ ấy lại tái hiện khi có dịp đi chơi bên Pháp.

Chương trình là thăm viếng các lâu dài cổ trong thung lũng sông Loire rồi qua tới Mont St. Michel và về đến Paris. Không có kiến thức hay kỷ niệm sâu xa gì với Vương triều Pháp trong lịch sử, với vua Francois Ðệ Nhất, nàng Diane de Poitiers hay vua Henri Ðệ Tứ và nàng Margot. Quỳnh Giao là du khách chính hiệu. Tức là lơ đãng hay trầm trồ như mọi người trước kiến trúc nguy nga, mặt hồ im ắng và những chân dung hay giai thoại về một thế giới khác.

Nhưng đến Paris thì bỗng như “người về”! Chỉ vì nhờ nhạc mà mình nhớ đến Chopin, đến Nguyên Sa, và nhất là Phạm Duy.

Kể thì cũng lạ…

Chẳng là hôm đó tới Place Vendôme của Paris tráng lệ và sang cả và đứng trước căn phố số 12 ở nơi đó thì thấy cửa tiệm kim hoàn Chaumet nổi tiếng. Không thuộc thành phần vào đó mua nữ trang, người du khách này ngước nhìn lên dẫy cửa sổ ở lầu trên rồi nhớ đến Chopin. Ông đã sống ở nơi đó cho đến cuối đời mà chẳng thể quên được quê hương Ba Lan.

Rồi tưởng tượng là trên căn gác này, ngày xưa Chopin ngồi viết nhạc trước cây bạch lạp, hình như là bằng bút lông ngỗng chấm mực. Ông viết ra sao nhỉ? Mùa Ðông Paris lạnh lắm,với lá phổi yếu ớt, Chopin có đủ củi và áo ấm không? Ðấy là lúc nhớ đến bài “Polonaise Héroique,” nhưng trong một giai điệu của Gilbert Bécaud, lần đầu nghe thấy ở… California.

Bài “Le Pianiste de Varsovie“…

Bài hát là truyện kể về người nhạc sĩ nhớ đến thầy dương cầm năm xưa là người Ba Lan phải lưu vong khi quê hương bị dày xéo, và ca khúc kết thúc trong tiếng vùng dậy của bài Polonaise mơ hồ. “Tay dương cầm đất Varsovie” chính là để vinh danh Chopin… Thích bài hát này nên tìm hiểu thì biết là Gilbert Bécaud viết vào năm 1956, khi Ba Lan lại nằm dưới ách ngoại xâm sau khi đã bị Ðức quốc xã đầy đọa.

Từ Chopin mới nhớ đến những ông thầy phải lưu vong…

Có lẽ hai chục năm sau ca khúc của Bécaud, có một ông thầy cũ đã lại quay về Paris làm người lưu vong. Ðó là Nguyên Sa Trần Bích Lan sau 1975. Năm xưa, chắc là cậu sinh viên Trần Bích Lan đã mòn gót tại khu Latin…

Cứ thế, khi lên métro đi đến Quartier Latin, dạo trên hè phố của khu sinh viên, mình lại nhớ đến Phạm Duy và bài “Người Về“… Bài hát viết năm 1954 khi ông được du học bên Pháp hai năm, từ 1954 đến 1956. Cảm ra lời từ, có lẽ ông cũng bách bộ khu Quartier Latin mà mong ngày về với vợ con. Năm đó Phạm Duy mới ở tuổi 33.

Người Về” là ca khúc nối tiếp “Nhớ Người Ra Ði,” bài dân ca kháng chiến viết năm 1947 tại Thái Nguyên, Bắc Việt. Cũng là hình ảnh bộ ba người Mẹ, người Vợ và người Con. Hãy cũng nhẩm lại ba lời ca của “Nhớ Người Ra Ði...”

Lời người mẹ:

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già…
Cầu cho đứa con trai
Ở đâu đó con ơi, được vui…

Lời người vợ:

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người vợ hiền…
Rồi em nhớ em mong
Chờ chiến sĩ xa xăm lập công…

Lời đàn con:

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ…
Rằng: Cha chúng con đâu?
Về mua bánh cho con, mẹ ơi…

Cũng trên âm giai trưởng trong sáng để nói về niềm hy vọng trong nỗi buồn. Cũng chia làm hai đoạn, đoạn kể chuyện người đi xa, và tâm tình của người trong cuộc. Và cũng viết thành ba lời cho người mẹ, người vợ và người con.

Khó tưởng tượng là mình đi bộ trên đường phố Paris mà lại nhớ đến một ca khúc ở nhà!…

Về nhạc thuật thì “Người Về” phong phú hơn “Nhớ Người Ra Ði.” Viết trên cung Ré Trưởng, nét nhạc Phạm Duy thật uyển chuyển, tha thiết. Mỗi câu bắt đầu sau nữa phách, không vững nhạc lý thì ca sĩ dễ hát “rớt” lắm! Khi trình bày loại ca khúc này, ca sĩ phải hát đủ ba lời, không thể chỉ hát một hay hai lời mà thôi.

Hình ảnh người mẹ:

Me có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng im để nghe
Nghe gió trong tim tràn trề
Nụ cười nhăn nheo bỗng rưng lệ nhòe…

Me ơi, me ơi chuông chùa nào la đà
Nhớ tới, nhớ tới những linh hồn vắng nhà
Một vòng hương trắng xóa
Tình nồng trong thương nhớ
Gửi người chiến sĩ chết trong xa mờ…

Tuyệt chiêu Phạm Duy là những nốt nhạc và câu láy lại (me ơi, me ơi, và nhớ tới, nhớ tới) nghe càng thiết tha quyến luyến. Quỳnh Giao thích nhất câu “nụ cười nhăn nheo bỗng rưng lệ nhòe.” Còn gì cảm động hơn hình ảnh ấy?

Ðây là hình ảnh người vợ trong tâm tưởng:

Em có hay chăng anh về
Thoạt nhìn người yêu ngỡ trong mộng mê
Ai dám mong chi Xuân về
Nào ngờ vườn đêm có bông hoa kề…

Em ơi, em ơi xích lại gần đây nào
Nhớ tới, nhớ tới những duyên và số nghèo
Trời làm cơn mưa bão
Tình người như tơ liễu
Buồn vì ai đó khóc ai trong chiều…

Quỳnh Giao xin mượn chữ của thầy tử vi mà ghi rằng “đắc địa” nhất là ẩn dụ hoa nở trong vườn đêm, khi Xuân chưa về. Xuân đây không là mùa của đất trời, mà là đêm Xuân của lòng người vợ trẻ. Rồi cũng thương cho những ai đang khổ đau chia cách, vì tình như tơ liễu mong manh…

Hình ảnh người con:

Con có hay chăng cha về
Lời ca hồn nhiên líu lo ngoài kia
Chinh chiến đã qua một thì
Tuổi thơ nở trên biết bao ê chề…

Con ơi, con ơi tiếng cười nở chan hòa
Nhớ tới, nhớ tới biết bao trẻ thiếu nhà
Ngoài đường trời Ðông giá
Một đàn chim nhỏ bé
Gọi về chia sớt miếng cơm khoanh cà…

Phạm Duy viết tiểu đoạn ba lên một cung rưỡi, từ Ré Trưởng qua cung Fa Trưởng, tươi tắn như hy vọng lóe sáng. Quỳnh Giao yêu hình ảnh đàn chim nhỏ bé gọi nhau chia sớt miếng cơm khoanh cà. Ðơn sơ, mộc mạc, cảnh nghèo nàn mà cũng vô cùng ấm áp.

Ca khúc này ngày xưa trên đài phát thanh, cô Thái Thanh hát lời một của người mẹ, chị Mai Hương hát lời hai của người vợ, và người viết bài khi mới 17 tuổi hát lời ba của con trẻ ngây thơ, phải lên cao một cung rưỡi, với một chuỗi bốn nốt Fa 5…. Bao nhiêu năm rồi nhỉ?

Cứ thế mà mình bị ký ức vây bủa và tiếng là du lịch ở Paris mà nhớ đến những người thầy cũ, những nghệ sĩ phải lưu vong. Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Khắc Cung, Phạm Ðình Chương… Viết rồi, Quỳnh Giao bần thần vì nhớ không khí ca hát ngày xưa, nhớ những người đã đi xa, những người vắng mặt, còn lại những ai?…

Quỳnh Giao
24.8.2011

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=136056&