Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

Vu Gia với Tự Lực văn đoàn

Phạm Phú Phong

Tên thật là Phạm Ngọc Phúc, sinh 1952, tại Thanh Vân, Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam. Sau trận lụt Giáp Thìn (1964), rời quê ra phố học. Lập nghiệp bằng nghề làm báo tại Sài Gòn (cho đến trước lúc nghỉ hưu là phóng viên, biên tập viên báo Người lao động của Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh). Tiểu thuyết đầu tay Vùng đất dữ (1988). Năm 1990, vào học cao học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh (khi đã có 9 đầu sách được xuất bản). Năm 1992, tốt nghiệp cao học. Công trình nghiên cứu đầu tiên được công bố là Khái Hưng-nhà tiểu thuyết (1993, từ luận văn cao học Những nhận định bước đầu về tiểu thuyết Khái Hưng). Nay đã nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm chính: Tiểu thuyết: Vùng đất dữ (1988), Có những cuộc tình (1989), Khúc dân ca cho người dưới mộ (1989), Đời ca sĩ (1989), Giọt nước mắt cho tình yêu (1989), Mộng đẹp tàn phai (1990), Niềm say mê của con người (1990), Khi sống họ đã yêu (1990), Người mẹ cô đơn (1990), Trên đỉnh tình sầu (1991), Hoàng hôn tím (1995). Truyện danh nhân: Nho tướng Nguyễn Công Trứ (1996, 2001), Phan Châu Trinh – người khởi xướng dân quyền (2002, 2008). Thơ: Ta và Em (2001). Biên khảo: Địa chí Đại Lộc (đồng chủ biên với Huỳnh Ngọc Trảng, 1992, 2000), Khái Hưng – nhà tiểu thuyết (1993), Thạch Lam – thân thế và sự nghiệp (1994), Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học (1995), Hoàng Đạo – nhà báo, nhà văn (1997), Hải Triều – nghệ thuật vị nhân sinh (1998, 2002, 2005), Làm thế nào để viết luận văn, luận án, biên khảo (2002, tái bản nhiều lần), Phan Khôi – tiếng Việt, báo chí và thơ mới (2003), Địa chí Đại Cường (chủ biên, 2005), Trần Tiêu – nhà văn độc đáo của Tự Lực văn đoàn (2006), Địa chí Đại Nghĩa (viết chung với Huỳnh Ngọc Trảng, 2007), Tú Mỡ – người gieo tiếng cười (2008), Thế Lữ – một khách tình si (2009), Khái Hưng – người đổi mới văn chương (2011), Xuân Diệu – một đời “Gửi hương cho gió” (đăng báo mạng vansudia.net). Phần tiểu sử này do chính tác giả Vu Gia viết, xin phép biên tập lại để phù hợp với nội dung cuốn sách.

Là người cả một đời kiếm sống bằng nghề làm báo, còn văn chương chỉ là niềm đam mê, thỉnh thoảng ghé chơi thôi, thế mà, chỉ trong vòng khoảng hơn hai mươi năm, Vu Gia đã có ngót nghét 30 tác phẩm, gồm nhiều thể loại khác nhau, đã được công bố: 11 tiểu thuyết, 2 truyện danh nhân, 1 tập thơ, còn lại là các công trình nghiên cứu, biên khảo về địa chí, phê bình chân dung tác giả, mà tập trung nhất là bộ “toàn tập” 9 cuốn về 8 thành viên của Tự Lực văn đoàn. Văn đoàn là một tổ chức văn học để lại dấu ấn quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa văn học nước ta, dù chỉ hoạt động và tồn tại chưa đầy mươi năm (1933-1941), nhưng đã đưa nền văn học nước ta, nhất là về văn xuôi, tiến một bước dài hơn nửa thế kỷ so với trước đó, kể từ khi có văn chương quốc ngữ. Tổ chức văn đoàn chỉ có 8 thành viên, Vu Gia khắc họa mỗi người một công trình (mỏng nhất cũng hơn 150 trang, dày nhất lên đến gần nghìn trang sách), riêng Khái Hưng có đến 2 công trình, lần lượt như sau: Khái Hưng – nhà tiểu thuyết, Thạch Lam – thân thế và sự nghiệp, Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, Hoàng Đạo – nhà báo, nhà văn, Trần Tiêu – nhà văn độc đáo của Tự Lực văn đoàn, Tú Mỡ – người gieo tiếng cười, Thế Lữ – một khách tình si, Khái Hưng – người đổi mới văn chương, Xuân Diệu – một đời “Gửi hương cho gió”. Có lẽ, Khái Hưng được tác giả quan tâm “vẽ đi vẽ lại” nhiều như thế là bởi vì Khái Hưng – nhà tiểu thuyết thực chất chỉ là sự nhuận sắc/ biên tập lại luận văn cao học của anh có tiêu đề là Những nhận định bước đầu về tiểu thuyết Khái Hưng, được anh bảo vệ đạt loại xuất sắc trước đó một năm (1992), sau này ngẫm lại vẫn thấy chưa hả, chưa đủ, chưa “đã”, chưa nói hết những điều cần nói, anh mới viết thêm công trình dài gần cả nghìn trang sách Khái Hưng – người đổi mới văn chương. Xin được nói ngay rằng, tình trạng chung đáng buồn ở nước ta là nhiều công trình nghiên cứu cấp tỉnh, cấp bộ, thậm chí có cả cấp nhà nước, và nhiều, rất nhiều luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ bảo vệ xong là cất vào ngăn tủ, lưu trữ ở thư viện, không nhiều các trường hợp in ấn, công bố rộng rãi như luận văn thạc sĩ của Vu Gia.

Nhìn vào thời gian công bố tác phẩm của Vu Gia, dễ nhận ra anh là người trưởng thành, là sản phẩm của thời kỳ đổi mới. Nhưng đổi mới gì thì đổi mới, cho đến bây giờ sau hơn ba mươi năm đổi mới, nói đến văn chương Tự Lực văn đoàn cho đến tận cùng một cách rốt ráo, vẫn còn không ít điều/ người nghi ngại, huống là, vào đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, Vu Gia đã chọn tiểu thuyết Khái Hưng, rồi tiếp tục trong vòng gần hai mươi năm trời, anh đánh cược ngòi bút, cùng với bản lĩnh và tài năng văn chương của mình, vào những tác giả đã một thời âm thầm đi vào quên lãng ấy, nếu có nhắc đến cũng chỉ để phê phán hoặc để... thở dài, bắt đầu từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai (7.1948). Cơ duyên có lẽ là do anh đi học, do thầy giáo hướng dẫn (PGS.TS Trần Hữu Tá), do vấn đề anh chọn lựa xuất phát từ cốt tính và bản lĩnh của dân Quảng... đã quàng vào anh, khiến anh bỏ đường quang đâm quàng vào bụi rậm: từ một nhà tiểu thuyết chuyển sang thành người nghiên cứu, biên khảo. Cũng lạ, dường như Quảng Nam là đất sinh ra con người hay nói ngược, không chấp nhận những gì đã có, thích khám phá những điều mới mẻ. Vu Gia từng thố lộ rằng: “Khi bước vào nghiệp dĩ, những nhà văn trong nhóm Tự Lực văn đoàn là những nhà văn làm tôi nhớ và tìm đọc tác phẩm của họ. Đọc những tác phẩm của họ để lại, đọc hầu hết những gì đã viết về họ, tôi thấy càng nên có những lý giải riêng về từng tác giả, nhằm góp phần làm sáng tỏ thêm những gì họ đã đóng góp cho lịch sử văn học Việt Nam”. Đến như một người trong nghề, được coi là chuyên gia hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại như Phong Lê, cũng phải đôi phần nể phục và coi đây là “một công việc mà tôi và nhiều đồng nghiệp không thể không vị nể”.

Viết về tác giả, trong tư duy khoa học của Vu Gia luôn có sự kết hợp giữa nghiên cứu và phê bình, nên các công trình của anh không chỉ là biên khảo, là ký chân dung mà còn nồng nàn sức cảm thụ, đồng cảm, phê bình, thẩm định, thậm chí có cả tính chất luận chiến với những nhận định xám xịt của nhiều cây đa cây đề đi trước. Về phương diện nội dung, có thể coi đây là những công trình nghiên cứu đầy đủ nhất về tác giả, từ nguồn gốc xuất thân, hành trạng cuộc đời, sự nghiệp sáng tạo và những giá trị văn chương để lại, mỗi người một cách thế, cùng chung tay xây nên một lâu đài văn chương mới, uy nghi, tráng lệ, có tên là Tự Lực văn đoàn. Tùy điểm sáng lấp lánh của mỗi người mà tác giả chú tâm đặc tả, như đặt Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, gọi Khái Hưng – người đổi mới văn chương, hoặc Hoàng Đạo – nhà báo, nhà văn hay với Thạch Lam lại quay về với thân thế và sự nghiệp,... nhưng xét cho cùng, anh luôn dõi cái nhìn theo đường bay vòm cong của những vì tinh tú ngang qua bầu trời còn để lại những vầng sáng long lanh tỏa rạng sắc màu. Cuốn đầu tiên viết về Khái Hưng mỏng nhất, chỉ 150 trang, gồm có 3 chương. Những cuốn viết sau dày gần cả nghìn trang như cuốn về Thế Lữ (12 chương), Tú Mỡ (23 mục), hoặc cuốn thứ hai viết về Khái Hưng (10 chương),... tất cả, đều bắt đầu từ nguồn gốc xuất thân đến những đóng góp về hoạt động báo chí và sáng tạo văn học với nhiều thể loại, đặc biệt là tác giả nào cũng được người viết nhấn mạnh đến vai trò của họ đối với Tự Lực văn đoàn, trong đó, nhất là những người trọng yếu như ba anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam và cả Khái Hưng. Không hiện ra thành câu chữ, nhưng xuyên suốt cả mấy cuốn sách, bàng bạc nơi này nơi khác, Vu Gia nhiều lần có ý nhấn đi nhấn lại, rằng không có hoạt động báo chí thì sẽ không có Tự Lực văn đoàn; không có Tự Lực văn đoàn thì không có những thành tựu về các thể loại; không có thành tựu các thể loại thì không có một bước tiến dài trong quá trình hiện đại hóa/ đổi mới văn chương của đất nước, mà chủ yếu và quan trọng có ý nghĩa quyết định là sự thay đổi về hệ hình tư duy nhận thức và sáng tạo.

Có thể nói, viết về Tự Lực văn đoàn, Vu Gia đã đem hết tâm huyết, gan ruột để dốc ngược ngọn đèn thời gian soi tỏ mọi bình diện liên quan đến văn chương, đối diện với những vấn đề gai góc liên quan đến chính trị, bởi văn phái này thực chất là một tổ chức, “một Hội Nhà văn có rất ít người mà làm nên cả một thế kỷ văn chương, theo anh là một cuộc cách mạng văn chương, đáng để một phần đời người để phác họa, nghiên cứu”. Vu Gia đã tìm cách tiếp cận đối tượng và giới hạn phạm vi nghiên cứu một cách năng động, phù hợp với từng tác giả. Với cách tiếp cận đa góc/ điểm nhìn ấy, tác giả đã dẫn dắt người đọc nhìn theo cái nhìn đa phương/ chiều của tác giả. Không chỉ ở tựa sách như đã nói, mà còn ở tiêu đề các chương, mục cũng có khi được gọi tên “đúng với sự vật” một các minh bạch, nhưng cũng có lúc mơ hồ, ẩn dụ bởi tư duy hình tượng, buộc người đọc phải lần giở từng trang mới tiếp cận được nội dung. Ví như Thạch Lam - thân thế, Thạch Lam - thời cuộc, Thạch Lam - báo chí, Thạch Lam - tiểu thuyết, Thạch Lam - truyện ngắn...; tương tự Trần Tiêu - truyện ngắn, Trần Tiêu - truyện vừa, Trần Tiêu - truyện dài, Trần Tiêu - truyện loài vật...; hoặc đối với chủ soái của văn phái thì Nhất Linh - vấn đề cải cách báo chí xuất bản, Nhất Linh - vấn đề giải phóng phụ nữ, Nhất Linh - vấn đề cải cách xã hội, Nhất Linh - vấn đề làm cách mạng... Lơ lửng ở khoảng giữa minh bạch và mơ hồ, vốn có nhiều lấp lửng: Khái Hưng - văn chương nết đất, Khái Hưng - đoạn trường ai có qua cầu mới hay, Khái Hưng - cũng trong một tiếng tơ đồng, Khái Hưng - truyện ngắn, nhưng đời không ngắn; hoặc với một trong những chủ soái của phong trào thơ mới: Thế Lữ - non nước đang chờ gót lãng du, Thế Lữ - ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ, Thế Lữ - cùng nàng thơ lựa chọn những màu thơ, Thế Lữ - ta mơ thấy đang nằm trên vũng máu, Thế Lữ - tai vẳng nghe tiếng gió mơ hồ... Ở chiều ngược lại, hoàn toàn mơ hồ, phải đọc rồi mới hiểu, tác giả “lẩy” Kiều một cách nhuần nhuyễn dành cho những trang viết về Hoàng Đạo: Đốt lò hương cũ, Sống nhờ đất khách, chết chôn quê người, Chơi hoa nào dễ mấy người biết hoa, Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành... hoặc với Tú Mỡ: Mấy lời vội giãi tâm can, Mỗi năm tai hại kể hàng bạc muôn, Bàng hoàng nửa tỉnh nửa mê, Công lênh với giặc, ai người chuộng đâu, Lấp lánh vàng gieo ngấn nước, Tiếng reo dậy đất, cờ bay rợp trời... Mỗi vấn đề nêu ra, đều có nhiều luận điểm để phân tích, đều có dẫn ý kiến nhiều người đi trước để làm luận chứng, được phân tích một cách mạch lạc và chứng minh bằng nhiều luận cứ một cách xác đáng, đầy sức thuyết phục.

Văn chương Vu Gia mang đậm phẩm chất văn hóa tranh luận. Cố nhiên là vậy, bởi vì, khi lật lại những vấn đề phức tạp của lịch sử văn học như Phan Khôi hoặc Tự Lực văn đoàn, người viết không bằng lòng với những định kiến một chiều, trong đó có cả thiên kiến chính trị nằm bên ngoài văn học. Ngoài những tác giả ít có những vấn đề phức tạp, lâu nay hầu như được dư luận tương đối đồng thuận như Thạch Lam, Trần Tiêu, Tú Mỡ, Thế Lữ (và cả Hải Triều), còn lại đều là những “thứ” gai góc, cần đến máu “hay cãi” của người xứ Quảng. Chẳng hạn, Vu Gia đã khẳng định vai trò của Phật giáo thời Lý-Trần trong việc phá Tống, bình Chiêm, nhiều lần đánh tan giấc mộng xâm lược của quân Mông-Nguyên... để công khai bác bỏ những quy kết nặng nề, coi “phần nguy hại” của Hồn bướm mơ tiên “đã gián tiếp phục vụ cho chủ trương chấn hưng Phật giáo của thực dân”, hoặc là “Khái Hưng và Nhất Linh tước hết mọi vũ khí đấu tranh về mặt tinh thần của con người, bắt con người quỳ mọp trước tôn giáo và mọi quy luật tự nhiên và xã hội”. Đối với sự phủ nhận văn chương mà chỉ khẳng định những đóng góp về lĩnh vực báo chí của Hoàng Đạo trong học giới lâu nay, thì ngay từ tựa đề cuốn sách Hoàng Đạo – nhà báo, nhà văn, tác giả đã khẳng định cái tư cách nhà văn của Hoàng Đạo, rồi dành hẳn chương Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành (94 trang), để minh định những đóng góp về văn chương của Hoàng Đạo, nhất là về giá trị nội dung và thi pháp biểu hiện góp phần hiện đại hóa văn chương quốc ngữ qua tập truyện ngắn Tiếng đàn, tiểu thuyết Con đường sáng và tập tiểu luận Mười điều tâm niệm. Đối với con người có hành trạng cuộc đời đầy mâu thuẫn và phức tạp như Nhất Linh, người mà trong suốt một thời gian dài dư luận xã hội và các nhà chuyên môn mặc nhiên xếp vào loại phản động, chống lại chủ trương của Đảng và chính quyền cách mạng, “có không ít người khuyên tôi nên bỏ qua phần này”, Vu Gia dành hẳn chương Nhất Linh - vấn đề làm cách mạng (58 trang), không chỉ phản bác mà còn phân tích lý giải một cách xác đáng những hạn chế lịch sử, bản chất con người, đưa đến sự chọn lựa có tính chất định mệnh của Nhất Linh... Ngay cả đối với một tác giả “hiền lành” một cách thuần thành, đã từng có “sự đồng tình trong đánh giá của của hầu hết những nhà nghiên cứu, phê bình văn học qua nhiều thế hệ” như Thạch Lam, cái con người “lý sự” Vu Gia cũng không buông tha cho những “vuốt ve ba phải” của Phan Cự Đệ, Đinh Quang Tốn, thậm chí cả những lời ngợi ca một cách xu thời của Lãng Nguyên, hoặc Thế Uyên, coi “Thạch Lam mới là người viết văn hay hơn cả trong Tự Lực văn đoàn”, mà khẳng định một cách khách quan, trung thực và đúng mực, đúng phẩm chất của nhà lý luận, phê bình văn học, bởi “nếu ta đánh giá vội vàng một chút, dù những lời đánh giá tốt, theo tôi là điều không nên. Dĩ nhiên, khen một chút, đề cao một chút, những người đi trước, nhất là những người đã khuất, ta chẳng mất gì, trái lại phần lớn chỉ có được, được nhiều thứ. Song làm như vậy, tôi nghĩ, mình không những có lỗi với người đã khuất mà còn có lỗi với bạn đọc hôm nay”.

Phê bình văn học vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật; là quá trình nhận thức lại, sáng tạo lại tác phẩm. Nhà phê bình là đồng tác giả với tác giả sáng tạo ra tác phẩm. Vì vậy, những gì được tác giả sáng tạo ra chỉ mới là văn bản, phải thông qua người đọc và sự thẩm định của người phê bình mới trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh, theo lý thuyết tiếp nhận. Phương pháp luận nghiên cứu của phê bình văn học là phương pháp đồng đại. Nghĩa là nhà phê bình sống ở một thời đại nhất định, phải có cái nhìn đồng thời với tác giả, không chỉ nghiên cứu, khám phá và thẩm định những tác phẩm đương đại, mà còn quay ngược cái nhìn chăm chú với cả những tác phẩm, tác giả và hiện tượng văn học trong quá khứ, và chính nhờ bình diện tư tưởng của thời đại mình mà phát hiện ra những cái/ giá trị mới. Cũng từ phương pháp luận chung nhất ấy, Vu Gia có con đường tiếp cận cụ thể của riêng mình. Trong tác phẩm Người chở đò thời đại Hoài Anh cho rằng: “Vu Gia đã phối hợp phương pháp phê bình tiểu sử tác giả với phương pháp phê bình văn bản tác phẩm như vậy là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam”. Cái “phương pháp phê bình văn bản tác phẩm” mà Hoài Anh muốn nói đến có lẽ là phương phái thi pháp học, ở Vu Gia cũng có ít nhiều nhưng không được rõ như phương pháp văn hóa - lịch sử. Và, chính sự phối hợp với phương pháp văn hóa - lịch sử mới “hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam”. Vu Gia đúng là nhà phê bình tiểu sử. Đây là “một trong những phương pháp phê bình được coi là kết quả của kinh nghiệm cuộc sống thực tiễn và cuộc sống khoa học chứ không phải được hình thành từ các lý thuyết, các chủ nghĩa”. Ngay ở phần đầu mỗi công trình, đã xuất hiện hình tượng “cái tôi” chủ thể như một lời dẫn nhập, tạo một cái cớ đậm tính tự sự, mang đầy dấu vết dẫn truyện của một nhà tiểu thuyết. Mở đầu gần 950 trang viết về Khái Hưng, anh viết rằng: “Khi lập gia đình, tôi được về ở cùng chung cư với nhiều nhà văn, nhà thơ trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến, thậm chí có người thành danh trước Cách mạng tháng Tám” để dẫn đến việc thọ giáo PGS.TS Trần Hữu Tá, người hướng dẫn luận văn thạc sĩ về Khái Hưng. Mở đầu cho gần 800 trang viết về Thế Lữ, anh kể rằng: “Tết Mậu Tý (2008), tôi đến thăm người bạn. Chuyện thuở học trò cứ níu chúng tôi” và câu chuyện loanh quanh dẫn đến câu thơ hào sảng “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt” trong bài Nhớ rừng của Thế Lữ. Mở đầu những trang viết về Thạch Lam, anh ngồi tính tuổi đời: “Ngày nay có thời gian và có điều kiện để bấm đốt ngón tay, thì Thạch Lam mất gần chục năm tôi mới sinh ra đời” ; hoặc trực tiếp hơn: “Ngày Hoàng Đạo mất, thì tôi chưa ra đời. Thời gian đi qua và tôi cũng lớn lên. Bước vào đẳng tuổi trưởng thành, tôi mới được nghe cái tên Hoàng Đạo qua những bài giảng của thầy. Tôi mến ngay tác giả này qua tác phẩm Mười điều tâm niệm. Với tôi ngày ấy, chính Hoàng Đạo là người hướng dẫn tuổi trẻ chúng tôi những điều hay lẽ phải một cách thiết thực nhất”. Xa xôi hơn, để dẫn đến tính chất hoạt kê trong tiếng cười Tú Mỡ, anh mở đầu bằng việc kể chuyện quê mình: “Quê tôi thuộc vùng bán sơn địa và là đất sính lễ của Công chúa Huyền Trân nhà Trần. Hằng năm, đồng đất quê tôi được nhận phù sa của sông Thu Bồn và sông Vu Gia từ những trận lụt; thế nhưng bao đời qua, cái nghèo cái đói luôn đe dọa cuộc sống của những con người một lòng một dạ bám đất bám làng, dù ngày ngày họ rất chịu khó bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Những người lớn tuổi cho biết, trước năm 1975, phần lớn bà con quê tôi cơ cực lắm. Cơm không đủ ăn, áo quần không đủ mặc. Hạt gạo cõng chín mười lát sắn, lát khoai là chuyện bình thường, nhưng nhà nào cũng có được ngày ba bữa như vậy cũng là diễm phúc, vì không ít người phải ăn rau dại ven đường (rau trai, rau dệu, rau nương, rau má...), hoặc khóm mít trừ cơm. Nhiều cô gái tuổi cập kê mà suốt ngày vẫn mặc áo tơi thay cho quần áo... Phải chăng từ sự khổ cực ấy mà bà con quê tôi có tính hoạt kê” ... Và cứ thế, nhân vật tôi cứ trực tiếp, công khai, minh bạch, ngang nhiên đi xuyên suốt từ đầu đến cuối các tác phẩm, chứ không phải ẩn mình, thác lời, thậm chí vô hình như thường thấy trong các công trình nghiên cứu phê bình khác. Cái lối nhập đề của Vu Gia, làm ta nhớ lại người đồng hương của anh trước đây, học giả Nguyễn Văn Xuân với công trình nổi tiếng Khi những lưu dân trở lại: “Hồi còn nhỏ, nghe ai nói đến văn chương, báo chí Nam kỳ là tôi mỉm cười, cũng như khi nghe hát bộ, cải lương”. Trước khi nghiên cứu văn học, Vu Gia là người sáng tác, nên đã đem tất cả những trải nghiệm cuộc sống và tâm thức sáng tạo của mình vào việc thấu cảm thế giới nghệ thuật, nhất là thơ (mới) và tiểu thuyết của các tác giả. Thời đại của Tự Lực văn đoàn với sự phát triển của ý thức cá nhân, đặc biệt là cá nhân lãng mạn, người ta hết sức quan tâm đến chủ thể sáng tạo. Một con người cá nhân cụ thể nào đó là tác giả đích thực đã sáng tạo ra tác phẩm cụ thể nào đó. Tác phẩm, xét cho cùng là con đẻ của nhà văn, nên nó phải in dấu những đặc điểm của người làm ra nó, như khẩu khí, hơi thở, khí chất, tính tình, thiên hướng, tình cảm, tư tưởng.

Nhưng Vu Gia không chỉ dừng ở việc lấy con người để cắt nghĩa tác phẩm như cha đẻ của phương pháp này là Sainte-Beuve, mà còn phối hợp với phương pháp phê bình văn hóa - lịch sử, nghĩa là lấy cả hoàn cảnh lịch sử, môi trường văn hóa để cắt nghĩa tác phẩm, nhằm phá vỡ tính bất biến của cá thể nhà văn. Phương pháp phê bình văn hóa - lịch sử là “cách tiếp cận ngoại quan, lấy yếu tố bên ngoài như một thứ nhân để giải thích quả tác phẩm. Có điều, ở phê bình tiểu sử học thì nguyên nhân ấy là tác giả, sát hơn con người xã hội và tâm lý của tác giả, còn ở phê bình văn hóa - lịch sử thì một trạng thái văn hóa, văn minh của một dân tộc nào đó ở vào một thời điểm lịch sử nào đó. Như vậy, tác giả đầu là một cá thể, còn “tác giả” sau xét cho cùng là một tập thể, một cộng đồng cư dân, một dân tộc. Hơn nữa, cái tâm lý của tác giả trước mang tính bất biến, tồn tại ngoài không-thời gian, còn cái tâm lý của “tác giả” sau thay đổi tùy theo từng không-thời gian cụ thể”. Trong hệ hình nghiên cứu của Vu Gia, có thể được coi là phê bình khách quan, bởi có sự giao thoa giữa phê bình tiểu sử và phê bình văn hóa - lịch sử, anh luôn khảo sát đến tận cùng những vấn đề có liên quan đến cuộc đời tác giả, đặt trong môi trường văn hóa, xã hội, lịch sử và bình diện tư tưởng của thời đại, thể hiện đậm đặc nhất trong các chương Khái Hưng - văn chương nết đất, Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam, Trần Tiêu - phong tục thôn quê, Thạch Lam - thân thế... Ở những chương này, nhà phê bình không chỉ thể hiện tầm kiến văn, sức cảm thụ tác phẩm văn chương, mà còn huy động cả những vốn tri thức rất rộng về văn hóa, lịch sử, địa lý, phong thủy, sinh thái, ngôn từ..., và có cả chất phóng sự báo chí. Nhà văn Xuân Cang từng cho rằng, trong phê bình của Vu Gia, thể hiện rõ tư duy của một nhà khảo cứu địa chí: “Chương Trần Tiêu - phong tục thôn quê theo tôi là hay nhất, lôi cuốn nhất trong cuốn sách này. Vu Gia làm nổi bật Trần Tiêu một nhà văn về phong tục nông thôn Việt Nam. Thông qua toàn bộ tác phẩm của nhà văn, từ truyện ngắn đến truyện dài, cả truyện loài vật như Ký ức của con Vện, Vu Gia cho thấy rõ Trần Tiêu đã hiểu sâu và mô tả rất sống động các loại hình phong tục, tục lệ, tập quán đã thấm đẫm trong cuộc sống hằng ngày những con người bình dân ở làng quê như thế nào. Tất cả chỉ qua một làng quê thôi, nhưng nó đã bao hàm cả một nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ. Có sự đồng cảm giữa nhà phê bình và nhà văn. Trước khi viết về Trần Tiêu, Vu Gia đã từng là đồng tác giả (và là chủ biên) một cuốn địa chí về làng quê mình: Địa chí Đại Cường [...], ghi chép về lịch sử, địa lý, cuộc làm ăn, phong tục, tập quán một làng quê Trung bộ, nhưng là hình ảnh thu nhỏ một nông thôn rộng lớn miền Trung. Một điều thú vị, đan xen với những trang bình luận nhà văn Trần Tiêu tả phong tục là những ký ức của của nhà phê bình Vu Gia lấy phong tục quê mình trong Địa chí Đại Cường minh họa thêm và làm sáng tỏ cái hay trong văn chương của người mình bình luận. Đọc văn lý luận phê bình mà có lúc nôn nao cảm động. Một cái nhìn xuyên suốt mang dấu ấn cá nhân. Đây chính là tiêu chí để ta nhận biết giá trị một tác phẩm biên khảo, phê bình”. Sự đan xen và sức cuốn hút này, không chỉ ở cuốn viết về Trần Tiêu, hay những công trình viết về Tự Lực văn đoàn, mà còn thể hiện ở tất cả các công trình chân dung văn học của Vu Gia, làm nên phong cách phê bình của riêng Vu Gia – luôn có sự giao thoa, dung hợp giữa phê bình tiểu sử và phê bình văn hóa - lịch sử. Và, cũng chính từ sự dung hợp này mới mở ra những tia sáng lấp lánh trên con đường đã chi chít dấu chân, để tác giả xâm nhập vào cả đời riêng và đời chung của nhân vật, đưa lại chân trời rộng mở cho việc phát hiện ra những giá trị mới, trong đó có cả những điều chưa ai đề cập tới, trong di sản quá khứ. Ví như, đọc các công trình của Vu Gia mới biết Thạch Lam là nhà phê bình văn học tài hoa và trung thực; Hoàng Đạo là người viết truyện ngắn và tiểu thuyết không thua bất kỳ nhà văn nào cùng thời; Trần Tiêu là nhà văn xuất sắc viết về nông thôn nước ta... Chính những khám phá, phát hiện mới mẽ trong các thao tác nghiên cứu của một nhà phê bình, đã khiến cho tác giả không dừng chân ở lĩnh vực phê bình, mà bước sang lãnh địa nghiên cứu biên khảo.

Cái tư chất của nhà nghiên cứu biên khảo thể hiện ở Vu Gia đầu tiên là ở việc sưu tầm tư liệu. Công việc này chỉ là thao tác luận, nhưng nó có ý nghĩa quyết định đến thành công hay thất bại của một công trình nghiên cứu. Có thể nói, Vu Gia là người có trong tay đầy đủ nhất những tư liệu liên quan đến đối tượng nghiên cứu, trở thành người có quyền phát ngôn chính đáng nhất về vấn đề mà mình quan tâm, theo kiểu “nói có sách, mách có chứng”. Vì vậy “những ghi chép về cuộc đời của các nhà văn khiến con cái họ phải thú nhận là nhờ có anh họ mới hiểu rõ cha ông họ hơn”. Với nhiều người, tư liệu đôi khi vẫn chỉ là tư liệu, nó nhiều như một đàn kiến vô cảm lạnh lùng bò ngang qua dưới mắt, nhưng với Vu Gia, những gì anh có đủ đã được nghiền ngẫm, dung hợp và tiếp biến, thành máu thịt đầy sức sống, được anh hong phơi bằng hơi nóng của lòng nhiệt thành, qua những luận cứ để luận bàn một cách tự tin, mạch lạc, chặt chẽ và đầy sức thuyết phục. Trong lời tựa cho tập thơ Tôi và Em của Vu Gia, một trong những cây bút cự phách trong giới nghiên cứu lý luận, phê bình văn học là Lê Ngọc Trà đã đánh giá rất cao tác phẩm thuộc nhiều thể loại của Vu Gia, và viết như một lời tâm sự chân tình nhưng đầy trân trọng: “Hồi mới quen nhau, tôi biết Vu Gia là người hay viết báo. Sau này thấy anh viết cả truyện, tiểu thuyết. Nói thực, nể tình anh cho, nhưng tôi cũng ít đọc. Rồi mấy năm gần đây anh bỗng chuyển sang làm khảo cứu. Lúc đầu tôi ngờ ngợ, không biết anh định làm thật hay chơi. Nhưng sau khi đọc hết cuốn thứ nhất rồi đến cuốn thứ hai, thứ ba, thứ tư... viết về Khái Hưng, Thạch Lam, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Hải Triều..., thì tôi thực sự khâm phục. Phục cái chí của người viết, phục cái nhìn khôn khéo và táo bạo của tác giả khi chọn những nhân vật mà đời riêng và đời chung đều có nhiều chỗ trống, nói ra công khai, bày tỏ thiện cảm hay bất đồng không phải đã hết phiền phức và ai thảy cũng đều dễ chịu. Đó là những cuốn sách có đóng góp thật sự. Mỗi lần đọc những quyển khảo cứu của Vu Gia mang đến tặng, tôi lại biết thêm những chuyện gì đó, những tư liệu rất quý giá mà anh đã sưu tầm được trong nhiều tháng nhiều ngày làm việc ròng rã, cực nhọc. Tôi lại càng cảm động hơn vì biết rằng anh đã viết như chạy đua với thời gian, như thách đố bệnh tật, như tìm chỗ dựa để vượt qua những lúc tưởng như đã nản lòng...”.

Khảo cứu, phê bình của Vu Gia còn thể hiện phẩm chất của ký chân dung như một chỉnh thể nghệ thuật một cách nhất quán. Qua tác phẩm, người đọc có thể hình dung được chân dung tinh thần của từng nhân vật, sống động tạc vào bức phù điêu của từng thời đại lịch sử. Dõi theo hành trạng cuộc đời và sự nghiệp văn chương của từng người, lúc đậm lúc nhạt khác nhau, anh không chỉ đặc tả đậm nét chân dung nhân vật trung tâm, mà còn thông qua đó phác thảo chân dung của cả một thế hệ, đôi khi cả một dòng họ, một miền quê, một vùng đất, đan xen vào những câu chuyện dân gian truyền miệng, mang đậm chất dựng truyện của của một nhà tiểu thuyết. Người ta có thể chỉ nhìn một cây mà thấy được cả rừng, nhưng mỗi cây lại có một dáng vẻ riêng góp phần làm nên sự đa dạng sinh thái của cánh rừng. Nhưng quan trọng hơn là người đọc luôn đứng ở thời đại mình để mà so sánh, đối chiếu rút ra những vấn đề có ý nghĩa thời sự. Đó chính là nhờ người đọc luôn nhìn theo cái nhìn đồng đại của tác giả. Là người từng viết tiểu thuyết, anh hiểu rõ sức mạnh của những chi tiết khi đặt đúng chỗ, để nêu bật sự kiện và để cho bản thân các chi tiết nói lên sự thật một cách đáng tin cậy, ngay cả khi anh dẫn các số liệu có tính chất văn chương thông tấn để so sánh, đối chiếu. Khi đọc Tú Mỡ - người gieo tiếng cười, Phạm Xuân Nguyên có lý khi nói rằng: “Vu Gia viết về Tú Mỡ vẫn theo lối viết quen thuộc của anh trong dạng sách này là vừa biên khảo vừa ký sự, lại xen cả những đoạn như tường thuật báo chí. Đọc hơn 800 trang sách Tú Mỡ - người gieo tiếng cười ta biết và hiểu được cuộc đời và sự nghiệp của một cây bút cười nổi tiếng đi từ Tự Lực văn đoàn đến với cách mạng, ta liên tưởng đồng cảm được với tiếng cười trong thơ Tú Mỡ ngày trước với thực tại cuộc sống hôm nay, ta gặp lại nhiều gương mặt văn nhân của một thời đại văn học soi chiếu nhau qua trường hợp nhà thơ trào phúng. Đặc biệt, gương mặt Tú Mỡ đưới ngòi bút Vu Gia được đặt trong khung cảnh ra đời và hoạt động của Tự Lực văn đoàn – cái nôi sinh ra cho văn học Việt Nam một cây bút cười như ông. Vu Gia đã làm sáng tỏ lại một sự thật lịch sử, không có Tự Lực văn đoàn thì đã không có Tú Mỡ”.

Chưa kể đến 11 tiểu thuyết, 2 truyện danh nhân, 1 tập thơ mà chỉ nhìn vào 15 công trình nghiên cứu biên khảo công phu, nghiêm túc có giá trị học thuật, là một đóng góp đáng ghi nhận của Vu Gia đối với nền văn học nước nhà. Trong công cuộc đổi mới đất nước, yêu cầu bức thiết có ý nghĩa sống còn là bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc, nên không thể không đọc lại toàn bộ tác phẩm của những thế hệ trước. Một nền văn học muốn phát triển theo xu hướng dân tộc và hiện đại không thể bỏ qua di sản mà thế hệ trước đã gầy dựng, vun đắp. Học tập và tiếp nối những gì cha ông đã khám phá, tạo dựng chính là đạo lý làm người. Vì vậy, những gì Vu Gia làm được thật đáng quý biết bao. Càng đáng quý hơn, ngoài việc nghiên cứu các tác giả quê hương ở xứ Quảng (Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Phan Khôi), anh còn có ba công trình nghiên cứu về địa chí quê hương (huyện Đại Lộc và các xã Đại Nghĩa, Đại Cường), đó là một nghĩa cử cao đẹp mà không phải ai cũng có thể làm được. Cũng có thể dẫn ra đây một đôi chỗ, đôi nơi anh sa vào tiểu tiết, mà quên đưa người đọc đến với sự cảm thụ những giá trị văn chương độc đáo của các tác giả, hoặc vì quá yêu nhân vật của mình mà có khi không tránh khỏi những nhận định chủ quan hay cãi cố..., nhưng một vài nhược điểm nhỏ nhặt này bị khuất lấp đằng sau ánh sáng rực rỡ của những thành công đáng trân trọng của mười mấy công trình nghiên cứu biên khảo mà anh đã thực hiện. Đọc Vu Gia, dù chỉ trong phạm vi những công trình về Tự Lực văn đoàn, không chỉ nhận ra sức lao động miệt mài, lòng yều nghề, sự mê đắm văn chương mà còn có cả ý chí, nhiệt huyết, tình cảm, cảm xúc ấm nóng lan tỏa trên từng con chữ.

* Phạm Phú Phong. Đất Quảng – 25 nhà văn thế kỷ XX. NXB Đà Nẵng, 2022