Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2023

Tư liệu: Cuộc Thảo luận về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu đăng trên báo Văn nghệ tháng 7 năm 1985 (1)

Với nhận thức rằng các vụ án văn chương là một phần không thể thiếu của lịch sử phát triển văn học, ngay từ những ngày đầu tiên, Văn Việt đã mở chuyên mục Các tai nạn văn chương đương đại với mục đích hệ thống những vụ tiêu biểu từ khoảng những năm 1990 trở lại đây.

Từ số báo ra ngày 30/3/2015 đến nay, bạn đọc có thể tìm thấy tư liệu về các vụ án văn chương, như: tiểu thuyết Vào đời của Hà Minh Tuân; Vụ 79: từ Đề dẫn của Nguyên Ngọc và bài viết Văn học phải đạo của Hoàng Ngọc Hiến; tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; tiểu thuyết Miền hoang tưởng của Đào Nguyễn (Nguyễn Xuân Khánh); tiểu thuyết Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường; Trần Dần - Thơ; tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm; Những người con của đất của Đỗ Bàn…

Năm 2022, chuyên mục trở lại với trường hợp truyện ngắn Linh nghiệm của Trần Huy Quang (với những ghi chép trung thực của chính tác giả trong suốt quá trình xảy ra vụ việc) và vụ án tập truyện ngắn của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, thường được gọi là vụ Rồng vàng (tên của tác phẩm).

Dịp này, chúng tôi đưa lên trang tư liệu cuộc Trao đổi về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu những năm gần đây do Tuần báo Văn nghệ tổ chức vào tháng 6 năm 1985 và một tháng sau công bố trên hai số báo 27 (6/7/1985) và 28 (13/7/1985) của chính tuần báo này, với mong muốn làm sáng tỏ một câu chuyện văn chương đã bị thời gian làm mai một.

Nhiều độc giả của Nguyễn Minh Châu, khi đọc Bến quêNgười đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, không biết rằng, ông đã phải trải qua một thử thách cam go như thế nào, phải vượt qua một lực cản nặng nề như thế nào, trước những ý kiến phê phán, chỉ trích trong cuộc trao đổi ấy.

Văn Việt trân trọng gửi đến độc giả lời Dẫn giải của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, toàn bộ nội dung cuộc trao đổi trên Tuần báo Văn Nghệ và một số bài viết khẳng định giá trị truyện ngắn Nguyễn Minh Châu trong bước chuyển quan trọng của ông.

Không nghi ngờ gì nữa, sự đổi mới tư duy nghệ thuật trong những truyện ngắn giai đoạn này là sự chuẩn bị của Nguyễn Minh Châu cho việc ra đời một tiểu luận đặc sắc vào năm 1986: Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa.

VĂN VIỆT


Dẫn giải

Lại Nguyên Ân

Sau ngày thống nhất, Việt Nam sớm đối mặt những vấn nạn và thách thức. Miền Bắc kiệt quệ vì hao tổn sức người sức của sau hàng chục năm chiến tranh, lại gánh chịu thêm những tác động tiêu cực của mô hình sản xuất nông nghiệp hợp tác hóa và nền công thương quốc doanh. Miền Nam bất an vì những lệnh tập trung cải tạo viên chức, quân nhân chế độ cũ, vì việc cải tạo kinh tế tư doanh, đưa thợ giỏi đô thị đi khai hoang các “khu kinh tế mới” xa xôi. Kế tiếp hiện tượng di tản ngay trong và sau ngày 30/4/1975 là các đợt vượt biên những năm 1980 gây ra nạn thuyền nhân (boat people) và các trại tỵ nạn ở một số nước xung quanh khiến dư luận thế giới quan tâm, chất vấn. Rồi chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc gây thiệt hại và bất an xã hội tuy củng cố được tinh thần yêu nước. Đầu những năm 1980, khủng hoảng kinh tế trở nên gay gắt, trầm trọng; rồi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ, giới lãnh đạo phải chấp nhận giải pháp đổi mới về chính trị và quản lý kinh tế xã hội.

Về văn học nghệ thuật, sau ngày thống nhất, văn nghệ sĩ hai miền có dịp tiếp xúc lẫn nhau, công chúng hai miền dễ dàng tiếp cận các sản phẩm văn nghệ được tạo ra ở phía bên kia trong thời kỳ đất nước chia cắt. Ảnh hưởng của những xúc tiếp này không đơn dạng mà hết sức đa dạng, phức tạp, tác động đến tâm lý tiếp nhận của công chúng, đến tâm lý sáng tác của giới cầm bút “bên thắng cuộc”, đến chính các quá trình văn nghệ hiện tại.

Nhiều nhà văn nhận rõ cần phải viết khác những gì đã viết trong thời chiến.

Nguyễn Minh Châu là một trong số đó.

Từ sau ngày thống nhất, bên cạnh những truyện dài viết về những năm chiến tranh (Lửa từ những ngôi nhà, Nxb. Văn học, 1977) hoặc về cuộc sống ngay sau chiến tranh (Miền cháy, tiểu thuyết, Nxb. QĐND, H., 1977; Những người đi từ trong rừng ra, tiểu thuyết, Nxb. QĐND, 1982), Nguyễn Minh Châu còn viết nhiều truyện ngắn về cuộc sống hiện tại, về con người trong đời sống hàng ngày với những vấn đề đạo đức; đồng thời, ông cũng viết khá nhiều tiểu luận về con người và cuộc sống đời thường, những tiểu luận về văn học, về nghề văn trong thời kỳ mới, sau chiến tranh.

Những truyện ngắn và tiểu luận đó của Nguyễn Minh Châu, đăng trên các báo như tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí Văn nghệ quân đội của Tổng cục chính trị QĐNDVN, sau đó được in trong các tập truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành  (Nxb. Tác phẩm mới, 1983), Bến quê (Nxb. Tác phẩm mới, 1985), v.v. vừa được công chúng hoan nghênh, nhưng cũng vừa gây nên những bàn luận không ngớt trong ngoài giới văn nghệ. Một viên chức cấp cao trong giới quản lý đồng thời là một nhà phê bình, ông Hà Xuân Trường, có lúc nói tại một hội nghị văn nghệ rằng sáng tác gần đây của Nguyễn Minh Châu là đáng chú ý ở chỗ viết về đời sống hiện tại, nhưng theo ông, những sáng tác ấy mới chỉ “hiện thực xã hội chủ nghĩa một nửa” thôi! Đương thời kỳ hiện thực xã hội chủ nghĩa là tiêu đích Đảng đặt cho văn nghệ thì nhận xét như trên là một lời phê không hề nhẹ đối với Nguyễn Minh Châu, ảnh hưởng khá nặng nề đến tâm trạng nhà văn. Những đánh giá chê khen khá khác biệt nhau của các đồng nghiệp vừa ít nhiều cổ vũ nhưng cũng không ít hoài nghi đối với Nguyễn Minh Châu. Tuy vậy, nhà văn đã rất tự kiềm chế, hết sức lắng nghe và lên tiếng đối thoại.

Cuộc thảo luận về “truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu những năm gần đây”, do tuần báo Văn nghệ tổ chức, ngày 4/6/1985 là biểu hiện tập trung những va chạm về quan niệm về cuộc sống, con người và việc thể hiện chúng trong tác phẩm văn học. Những ý kiến phê phán đến mức gần như không chấp nhận loạt tác phẩm này của Nguyễn Minh Châu, như ý kiến Quyền Tổng biên tập báo Văn nghệ Đào Vũ, hay ý kiến một biên tập viên báo này, Triều Dương, tuy không phải số đông, nhưng gây ra những ngờ vực không đáng có. Song những ý kiến tán đồng và cổ vũ cách viết của Nguyễn Minh Châu, thật ra, đều chưa thực sự hiểu ra mức độ mới mẻ, khác biệt của những sáng tác mới này của Nguyễn Minh Châu.

Không lâu sau thời gian cuộc thảo luận này, khi công cuộc đổi mới đã được phát động, khi giới lãnh đạo kêu gọi “nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng ra sự thật”, Nguyễn Minh Châu sẽ lên tiếng kêu gọi giới văn nghệ “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa”, và các đồng nghiệp sẽ dần dần nhận ra Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiên phong của phong trào đổi mới văn học.

Đọc lại những ghi chép cuộc thảo luận hồi tháng 6/1985 về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, những người từng tham dự không gian “văn nghệ bao cấp”, – nhưng không chỉ có họ, – được dịp nhớ lại và nhận ra, chúng ta đã đi được những bước đi dài, dù rằng chân trời một văn nghệ đáng mơ ước vẫn còn ở phía trước.

Tháng Năm 2023