Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

Mưa trên sông Đăkbla

Truyện Nguyễn Lệ Uyên

Chân dung nhà văn Nguyễn Lệ Uyên

Trên đoạn đường dài hơn ba trăm cây số, nảy xóc, ngân ngất ổ gà ổ vịt khiến không mấy ai còn hứng thú để chuyện trò như lúc đầu hăm hở ngồi trên băng ghế nệm. Cách đây vài tiếng, khi vừa mới bước lên xe, đám hành khách ồn ào chuyện nói, chuyện kể. Mấy người đi buôn nói về giá cả lên xuống bất thường và chắc mẩm rằng mình sẽ bán được nhiều hàng với giá lời cao. Người phụ nữ đi xa nhà lâu ngày nói về sự nhớ nhung hai đứa con nhỏ, tự chị nói ra rằng chúng học rất giỏi, rất ngoan ngoãn. Sau những lời khen ấy, hẳn chị sẽ tưởng tượng rằng mình sẽ được chúng reo mừng đón ngay trước cổng. Vậy mà lúc này người đàn bà buôn đồ khô bỏ rớt những lời lẽ ba hoa về những con cá phơi trên bãi cát, những đêm trắng chờ chồng cỡi lưng sóng bão. Ông cán bộ thương nghiệp mập ú, cổ ngấn mỡ bốc phét về công việc điều hành buôn bán trong cơ quan của ông ta, đang như chiếc bị vải lăn qua, lăn lại trên ghế theo nhịp xe nghiêng võng, thỉnh thoảng lại ngã hẳn lên vai người phụ nữ ngồi kế bên, khiến chị ta phải khó nhọc lắm mới đẩy được ông trở lại vị trí cũ. Ở hàng ghế bên kia, ngang với ông cán bộ là cậu thanh niên mang kiếng đen, giống như những tay thám tử. May mà cậu ta không dòm ngó xoi mói ai, chỉ bông lơn khoe mẽ về bản thân với cô gái ngồi cạnh cười ngặt nghẽo mỗi khi anh ta pha trò. Còn lại là những người có tuổi và hai đứa bé. Họ yên lặng ngó trời nhìn đất, cây cối, nhà cửa… chạy vụt về phía sau, đang suy nghĩ những gì không ai biết.

Những người ngồi trong xe bên cạnh nhau có cớ để giải bày chút tâm sự trên đoạn đường dài, có khi sẵn sàng thổ lộ tâm can với nhau.

Lúc xe lên đèo qua những đoạn vòng vèo, lắc lư, gấp khúc nghe có tiếng giấy sột soạt, mùi dầu gió bay dạt, trôi lều bều trong lớp không khí oi nồng buổi xế chiều. Có giọng  đàn bà la lên: “Chạy từ từ, đừng có bẻ cua gắt quá, cơm cháo lộn lên tới cổ rồi nè”. Tiếng cười lục khục, lẻ loi chìm nghỉm đâu đó cùng mùi dầu gió lúc càng nồng nặc hơn. Lên tới đỉnh đèo, tài xế cho xe đậu dưới tán hàng keo lá tràm trồng dọc theo đường, chỗ gần vòi phun nước tự nhiên dẫn từ đỉnh xuống.

Mọi người lục tục xuống xe. Ông cụ ngồi cùng băng ghế, sau khi làm công việc vệ sinh cá nhân, bước đến chỗ tôi đứng, hỏi:

-Mấy tiếng nữa xe mới tới Kontum?

-Giờ mới trên đèo An Khê, chạy kiểu này chắc sẫm tối mới tới nơi.

-Khổ dữ đa. Không biết có tới được Tân Cảnh không đây? – Ông cụ thở dài, xa xôi.

Tôi chưa kịp hỏi han điều gì, ông cụ tiếp lời:

-Tôi đi thăm mộ thằng con, chết hồi mùa hè đỏ lửa năm 72. Tôi có mình nó. Bao nhiêu lần định bốc mộ đưa về Diên Khánh, nhưng vợ nó không chịu, nói “Ảnh sống trên này với con, giờ chết đi ảnh cứ sống với con, ba đừng lo”. Con nhỏ đó gan ruột, mấy chục năm vẫn ở vậy nuôi con, mua được chục hecta cà phê, dựng vợ gả chồng cho hai đứa cháu. Mấy năm trước cà phê còn có giá, đời tụi nó lên hương chút đỉnh, nay thì sống dở chết dở. Lần này tôi lên bàn với nó, bán nhà, bán vườn cà phê đưa lũ cháu về dưới này. Tôi đã lên cố rồi mà nào có ai bên cạnh. Đứa con gái và lũ cháu ngoại thỉnh thoảng về thăm rồi biến mất. Chúng thoắt hiện thoắt biến như bầy chim ăn đêm. Còn đám cháu nội thì xa xuôi dặm trường, hiếm khi chúng về. Kiểu này mà kéo dài có khi máu mủ ruột thịt lại lẫn lộn với nhau. Tôi lên lần này là để bàn với chúng nó gom về một mối. Tôi chỉ còn sống nay chết mai thôi. Biết làm sao, chú? Già rồi, đâu ngủ nghê gì được. Đêm thức trắng, chỉ có bức ảnh của thằng con trên bàn thờ. Nó và tôi ngó nhau trong bóng tối, gần vậy mà không nói được lời nào!

Giọng ông cụ buồn buồn khiến tôi cũng buồn lây.

Mà thật ra, tâm trạng của tôi lúc này cũng không khác ông cụ mấy. Cũng một thứ cảnh ngộ khá bi hài. Tình yêu. Cuồng dại. Sự Chia ly. Nỗi nhớ thương khắc khoải đến dằn xé nỗi lòng, ngoi ngót những trông đợi kéo lướt thướt bên ngoài khung cửa, bay qua bầu trời chao động cõi lòng tan nát. Ông cụ nhớ con thương cháu, lo sợ sự gìn giữ huyết thống mai sau không trọn vẹn, còn tôi thì thương nhớ một cõi mênh mông rừng rú mộng mị. Cõi mộng mị ấy đã bị Siu B’Liêng mang tận lên rừng sâu núi cao, để giờ này tôi phải ngất ngư chạy theo một cái bóng vừa thật, vừa hư.

Trong những cơn sốt màu vàng tả tơi trên giường, tôi nghe tiếng nàng hát trên giòng Sésan chỗ đoạn ngoặt tiếp giáp giữa sông Poko với sông Đakbla, tiếng hát mang mang theo dòng nước ngầu đỏ đất bazan, lúc ầm ầm cuốn tung nỗi hân hoan của tiếng thác đổ, lúc rì rào lăn tăn, ve vuốt qua từng phiến đá hai bờ. Nàng như con nai, con hoẵng trên đồng cỏ ngút ngàn, như cánh cò trắng muốt, lặng lẽ bên các tum nước. Nàng ẩn hiện như thứ ráng chiều chói rực chao trong cơn nắng quái rồi trườn mất vào bóng đêm, đằng sau chỉ còn lại một vệt lờ mờ bay lên từ đất, từ muôn loại cỏ cây quấn thành cột khói hư huyền, kết tụ rồi tan nhanh rồi quay lại vất vơ trên những cành lá, như có như không.

Mười sáu năm rồi tiếp nối niềm hân hoan mệt lả, nỗi buồn nhớ mệt lả.

Và mỗi lần chợt nhớ những giây phút sum vầy, hạnh phúc bên nhau, con tôi lại hỏi:

“Tại sao mẹ không yêu con, yêu ba mà bỏ về với núi rừng?”.

Câu hỏi ấy tôi không giải thích nổi với nó, cũng như  Siu B’Liêng, nàng không sao giải nghĩa rành rọt cho con hiểu! Chúng tôi đành phải chấp nhận cứ mỗi sáu bảy tháng một lần làm cuộc hành hương về chốn tình yêu, hoặc với tiếng sóng lõa thể động ầm ầm trườn dọc theo bãi cát; hoặc trên cánh đồng cỏ xanh, mượt đến tận cùng mượt của những ngọn lông tơ. Chúng tôi vùi nỗi nhớ vào nhau như con thú hoang trong mùa trăng mật. Rừng núi thì níu kéo biển lên non và biển khơi mênh mông thì níu kéo rừng xuống thật gần, quấn cánh tay trần vào nhau không buông dứt. Nhưng sự cuồng say ấy rồi cũng tơi tả, tơi tả như cành lá bị cơn bão dữ quật nát búp non mởn, để mỗi người một bên cầu sông Đakbla nhìn nhau vẫy tay, rớt nước mắt.

Dòng sông Đakbla là một thứ định mệnh khắc nghiệt trói chặt cuộc đời chúng tôi lại với nhau, để sau đó, mỗi người một đầu mố cầu nhìn nhau lặng lẽ lúc chia tay.

Cái định mệnh tơi tả ấy là tôi đã vít cong cần rượu, cong đến tận cùng cơn say tuổi trẻ để sau đó theo chân đám con trai trong làng mang đàn gông đứng dưới chân cầu thang nhà nàng, nghêu ngao hát, như con thỏ con đang tập ăn cỏ non, con chìa vôi đang tập hót

thau ddơi dơi

ih bblac jiong tỏnia

em ơi anh quá biết

nước da em rạng ngời như gỗ cây  knia

em mượt mà như cây cẩm hương

thân hình em đẹp quá

thấp thoáng  bắp chân em

như tia chớp tháng hai

thấp thoáng cặp đùi em

như sét đánh tháng ba

để trần cặp vú em

cả làng ta bốc cháy

tỏlũk phun tỏsau

ja’bung sang…

Cái giọng hát ngật ngưỡng la đà câu say câu tỉnh của tôi khiến những tiếng cười không thể nén lại, chợt bật ra đâu đó trên sàn nhà cao, ba hay bốn gì đó không thể phân biệt được trong đêm tối nhập nhòa bên đống lửa sáng rực dưới hiên. Những tiếng cười trong veo của gió núi đại ngàn, của dòng suối sáng bạc dội đập vào cõi lòng hoang mang, ngơ ngẩn…

Tụi con trai tiếp tục đàn và nhảy múa. Còn tôi thì mồ hôi rớt thành hột dài bởi tiếng cười, kích động nỗi háo hức ham muốn chưa định hình, chưa có tên gọi.

Những mắt củi nổ lép bép, toé những hạt đỏ li ti trong trẻo, reo vui với đêm xuống sâu, với tiếng đàn thánh thót ngân xa và cả tiếng cười rúc rích nửa xua đuổi chế giễu, nửa mời gọi. Các cô gái vẫn núp đâu đó trên sàn. Đám con trai nhảy quanh ngọn lửa bập bùng, hát mãi không thôi, như cơn mưa đầu mùa làm bay động những con mối từ tổ bay ra và quấn quít trên không trung.

Bất chợt từ trên sàn nhà cao, tiếng hát lướt nhẹ như tơ như gió, phả vào mặt đám trai làng, phả vào tôi đến ngất ngây còn hơn men rượu cần đang loanh quanh trong cơ thể bắt đầu nóng dần lên:

ơi anh bạn xinh xinh

anh rình theo vết chúng em

vết chân con gái bên bờ suối

vết chân anh bị xóa đi trên cát

và anh cũng mất cả

dấu chân chúng em

chân chúng ta cùng gặp

theo một điệu

tay chúng ta cùng uốn

theo một nhịp

đôi má ta chạm vào nhau

và nhận ra nhau.

Tiếng hát bay lượn quanh đống lửa, trên đầu chúng tôi mang theo mùi hương của trăm ngàn loài hoa rừng trộn lẫn với mùi đất thơm lừng lựng. Tôi nhận ra nàng qua tiếng hát khói sương. Chính cô ta, người con gái của núi rừng đại ngàn sâu thẳm, chứ không thể là ai khác vừa cất tiếng hát như suối trong, thác reo đó.

Thằng K’lưng Đrăck khều tay tôi:

- Mày bắt nó về làm vợ đi. Nó đẹp nhất trong số con gái đẹp trên cao nguyên này. Nó học chữ nhiều. Nó nói được tiếng Tây, ăn cơm bằng muỗng, bằng nĩa chớ không bốc như bọn tao. Nó giống tụi bây.

Tôi gật đầu nghe K’lưng nói chứ không thấy mặt mũi “Nó” ra sao. K’lưng tiếp:

- Mày ưng, nó sẽ cưới mày ngàn con bò, trăm ché túc và nhiều thứ nữa.

- Tao không biết. Tao chỉ đi hát với tụi bây thôi. Mà sao “nó” không bắt đứa nào trong đám bọn bây làm chồng?

- Con mắt nó không chịu ngó tới ai. Bụng nó không ưng tụi tao. Mày chưa thấy nó đâu. Nó đẹp đến nỗi những con báo cái đẹp nhất xứ này cũng lồng lên mà ghen với nó. Nó nói chuyện được với mấy ông Tây về thăm làng. Nó rất thương người già và lũ con nít. Cái bụng nó rộng rãi mà…

Đống lửa tàn dần.

Đêm sâu hun hút những xao động vu vơ.

Tôi nhập vào đám trai làng quàng vai nhau, chân thấp chân cao trở về, kéo theo những cần rượu say, những câu hát say, lửa hồng và đêm rưng rưng trên mặt cỏ đẫm sương. Tôi kéo “nó” theo trên những cọng cỏ đẫm sương đêm, kéo theo những âm thanh như thật như hư, thênh thênh trong đêm khuya khoắt.

đôi má ta chạm vào nhau

và nhận ra nhau

Câu hát vời vợi mời gọi đó ám theo đầu óc tôi, rưng rưng bước chân tôi liêu xiêu như bay như lướt trên con đường đất đỏ say nhè, trên đồi cỏ sũng sương đêm bên kia bờ Đakbla.

Và trên con đường đất đỏ ấy, trên bãi cỏ hoang ngậm sương ấy, tôi đã nhận ra nàng trong cõi thênh thang tiếng hát ngọt ngào, ngây ngất như vừa được uống thêm chén rượu bồ đào.

Mãi về sau này, khi đã là vợ tôi, nàng mới hé lộ cái đêm đầu tiên và thần tiên “chạm vào nhau”.

“Nghe cái giọng anh hát buồn cười thật, y như mấy ông nước ngoài tập hát tiếng Việt. Em để bụng thương anh cũng chỉ vì bài hát bọn trai làng bày cho anh, cái giọng hát ngọng nghịu, đơ đớ nghe ngồ ngộ, như con chim non mới tập hót, con gà tập gáy vậy. Điều này giống như đám con nít hồi nhỏ tụi em cố chứng minh mình là người lớn”.

Từ đó chỉ có nàng hát cho tôi nghe, rồi cho con gái tôi nghe bên tao võng. Nàng không bày tôi thêm bài nào nữa cả, nói “Đủ rồi, để em giữ mãi giọng hát lần đầu anh tập hát”.

Biển động dữ dội, ầm ì suốt ngày đêm. Đài trực canh báo có bão gần. Mây đen vần vũ và mưa tối đường. Mưa và gió quần nhau như trẻ con chạy cút kiếm, lúc hất bên này, lúc tạt bên kia, xoáy tròn tròn trên mái.

Hạ Cơ thỉnh thoảng lại giật mình khóc thét sau tiếng sấm động. Siu B’Liêng bước tới ôm con vào lòng ru ấp, mắt buồn vời vợi. Mưa bão và sấm chớp khiến nàng chạnh lòng nhớ những quả đồi thoai thoải, tiếng con mang tác, con công tố hộ, gà rừng te tát trên ngọn cây? Đầu óc tôi nghĩ vậy, nhưng thầm mong chuyện ấy không bao giờ là sự thật. Chúng tôi thật sự yêu nhau, người này không thể thiếu người kia. Hạnh phúc của chúng tôi tròn đầy. Nhưng thỉnh thoảng nàng lại xa xôi nhìn những đám mây trôi về hướng mặt trời lặn. Nhiều lần tôi gặng hỏi, nàng một mực không có gì. Bữa nay, điệu bộ ấy được lặp lại trong một thoáng xa xăm cuối đáy mắt, khiến tôi chạnh lòng.

- Hay em về trên đó vài tuần, với mẹ, với làng?

- Em mới đi ba tháng trước đây. Thôi, để mùa trăng cúng cơm mới, em và anh và Hạ Cơ cùng về thăm làng luôn.

Buông câu nói, tôi nhìn sâu vào đôi mắt nàng, thấy long lanh một niềm vui vàng vọt như cánh hoa bồ xít vàng ngoài tường rào.

Biển đập ầm ầm. Sấm chớp xòe sáng mọi ngóc ngách trong nhà.

Nửa đêm Siu B’Liêng ngồi bật dậy, kéo cả tôi theo như một thứ phản xạ tự nhiên.

- Anh nói đúng, sấm chớp thế này khiến em nhớ rừng quá đỗi là nhớ.

- Anh cũng vậy. Anh nhớ chân cầu thang dưới hiên nhà em, nhớ những đốm lửa nổ tí tách, nhớ dòng sông đỏ quạch màu son, chảy ngược lên dãy Trường Sơn trước khi đổ ra biển Đông.

- Những năm em học ở Couvent des Oiseaux, thầy J. Dupont vẫn thường nói với tụi em, nói trong giờ ra chơi, rằng có sống chung, sinh hoạt chung với đồng bào cao nguyên mới hiểu thế nào là tình yêu đất, yêu rừng, và rồi ông phát hiện vô số những định kiến mà người kinh dưới xuôi, người châu Âu đã và đang tiếp tục đối xử với đồng bào cao nguyên bằng sự so sánh không công bằng, thiên lệch.

- Ai nói với em những điều này?

- Thầy J. Dupont. Thầy chỉ phát hiện nói ra, chứ còn dân tộc tụi em thì đã nhìn thấy các vấn đề từ sự bày biện có sẵn trước mặt, từ đời này qua đời nọ mà các anh gọi là tập quán. Chẳng hạn, tự đáy lòng sâu thẳm, mà nền văn minh chữ nghĩa các anh gọi là Tâm Thức thì núi rừng đối với tụi em là ngôi nhà chung. Rừng là hơi thở, là mạch máu, là đường gân thớ thịt không thể thiếu, không bao giờ chia cắt được. Sống thiếu rừng, thiếu sông suối chẳng khác nào cây lúa, cây bắp nhổ gốc phơi trần trên mặt đất khô khốc, như xua đuổi bầy thú ra khỏi cánh đồng cỏ, sông suối vậy.

- Điều này đã quá rõ ràng – tôi nói.

- Hẳn nhiên. Nhưng những điều không rõ ràng chính là cái nhìn lỗi phạm khi cho đồng bào thiểu số mê tín, văn hóa ăn và văn hóa ở bất cập. Họ sinh sống ở giữa lòng những cánh rừng đại ngàn thì họ phải cất nhà sàn, phải nấu ăn ngay trong nhà, lửa cháy suốt đêm ngày… để nòi giống còn tồn tại tới ngày nay. Những ông tây bà đầm và người miền xuôi dạng hai chân trên nền văn hóa của dân tộc này để ném một cái nhìn lệch chiều về một nền văn hóa của dân tộc khác là điều không thể chấp nhận. Văn minh và văn hóa là hai khái niệm, hai phạm trù khác biệt nhau. Văn hóa của người Mỹ là gì?

- Anh hiểu rồi. Anh hiểu đất, rừng và sông suối kể từ khi anh có em. Anh cũng đang bắt đầu thuộc về rừng như em. Thôi ngủ đi. Không biết bão có vào hay quay hướng đi xa?

Siu B’Liêng chảy nước mắt trên ngực tôi.

- Tại vì quá yêu anh nên em đã phản bội rừng, phản bội con sông, con suối.

- Em đã biết rồi mà, anh chưa bao giờ có định kiến với cao nguyên. Nếu vậy anh đã không lấy em từ lâu rồi. Cả em cũng vậy, phải không?

- Em không biết. Nhưng chắc chắn xứ sở em là rừng núi, sông suối thác ghềnh, là bầy thú hoang, là những cánh đồng cỏ mênh mông rờn xanh từ phía mặt trời mọc sang bên mặt trời lặn, từ đỉnh chân trời này giáp đỉnh cong trời đất kia.

- Thì em và anh không ở chỗ giáp đỉnh cong trời đất kia là gì?

- Không phải vậy. Ở đây chỉ có sự gào rú suốt ngày đêm. Biển gào rú. Phố xá gào rú. Tất cả đồng thanh cất lên một thứ âm thanh thật dễ sợ. Những lúc anh đi vắng, em cố lắng nghe tiếng thì thào như ru, như hát, những âm thanh mỏng như dòng nước vuốt ve hòn đá xanh rong rêu… nhưng chẳng bao giờ em nghe được. Anh còn nhớ không? Hãy nói lại cảm giác của mình khi lần đầu em đưa anh vào khu rừng P’lick Jar?

- Anh không chú ý gì cả giữa khu rừng trùng trùng cây to cây nhỏ, vì em đã choán hết chỗ trong khu rừng đó. Trước mắt anh chỉ có em mà thôi. Duy nhất một mình em.

- Đó chỉ là tình yêu anh dành cho em. Còn P’Lick Jar là một thế giới mê hoặc níu giữ bước chân người, bởi nó là cánh rừng già đẹp nhất của em, đẹp từ tuổi ấu thơ cho mãi đến giờ. Chính nó chứ không ai khác đã che chở em và dân làng, nuôi dưỡng, phả hơi thở thơm ngọt mùi mật ong vào thớ thịt mọi người. Rồi những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi xoay tròn tán lá trong gió và nắng trên một thảm cỏ mượt như nhung. Cả con người và chim thú đều gặp nhau trên mảnh đất ấy, rất bình yên, một nơi chốn mà có nằm mơ cả thế giới văn minh cũng không tìm được nơi thứ hai trên trái đất này.

- Ngay ngày mai, anh có thể đưa em về thăm núi rừng. Em biết là anh sẽ làm bất cứ điều gì để em vui, để anh không mất em, chúng ta vĩnh viễn bên nhau.

- Em cũng vậy. Em yêu anh như con nai yêu đồng cỏ của nó, như con chim yêu cành cây của chúng, như con cá lúi cá mương lượn lờ bên khe nước trong soi mặt. Em không thể thiếu anh, nhưng nếu phải xa cách rừng núi quá lâu ngày, thì nỗi nhớ nhung ấy sẽ dày vò đến làm em chết mất, chứ chưa nói chi đến sự trừng phạt của Yang.

- Khi người ta yêu nhau, thánh thần không nỡ bắt tội.

- Nhưng rừng núi bắt tội em. Mà tại sao anh không dám bỏ biển lên rừng với em, như em đã từng làm cho anh? Nền văn minh cơ khí luôn có cái nhìn khắt khe với người khác, ngắm nghía văn hóa của dân tộc khác theo cái nhìn một chiều của mình.

- Chẳng lẽ huyền sử Âu Cơ và Lạc Long Quân lại rơi đúng vào trường hợp của chúng mình? Tổ tiên ta có những trăm người con để chia nhau đồng đều. Còn em và anh chỉ có mỗi một mình Hạ Cơ, chúng ta phải làm sao đây, cho rừng núi không bỏ em, cho đồng bằng, biển khơi không quay lưng lại với chúng ta, hỡi Siu B’Liêng?

Nàng im lặng không nói gì, vùi đầu vào ngực tôi khóc như mưa bão đổ sầm sập ngoài kia.

Tôi vuốt ve khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt nàng. Thân thể nàng rung bần bật từng cơn dài như những cây bằng lăng cong oằn dưới gió bão. Một sự chịu đựng phi thường đến quá mức đối với nàng, một đứa con của rừng, dần dần lạc mất lối về, rơi tõm vào xứ sở mông muội hồ đồ hổ lốn những khói bụi phi nhân văn.

Hạ Cơ, đứa con duy nhất của chúng tôi vẫn ngủ say trong chiếc nôi ấm, không hề hay biết cõi lòng tan hoang của cha và mẹ. Bao nhiêu lần, tôi muốn nhổm dậy, bồng Hạ Cơ đặt giữa hai chúng tôi, để tấm thân nhỏ bé ấm áp ấy, tâm hồn trong trắng ấy sưởi chút hơi ấm tinh nguyên cho sự chia lìa sắp vỡ toang.

B’Liêng càng lúc càng khóc dữ dội hơn bằng sự kìm nén âm thanh trong lồng ngực, âm thanh không bật thành tiếng mà chuyển động khắp cơ thể, rung lên từng hồi, chuyền hẳn qua ngực tôi những thỏi đá lạnh băng, lạnh não nề như thể mọi giác quan bị thỏi lạnh băng kia làm co quắp lại.

Tôi chỉ còn biết ôm chặt nàng, ve vuốt nàng thay những lời an ủi không thể thốt ra thành lời.

Lát sau, B’Liêng gỡ tay tôi, ngồi dựa lên thành giường.

- Anh tha lỗi cho em. Em không muốn làm vậy. Ngàn lần em không muốn vậy. Nhưng em không thể cưỡng chống lại tiếng thì thào của rừng núi, nơi chốn tụ hội hàng ngàn, hàng vạn thứ trên mặt đất này đã thấm đẫm trong thịt da em mà anh chỉ mới hiểu, mới len vào một cõi nhỏ trong em.

- Anh hiểu nỗi nhớ thương quay quắt của em. Giờ thì em hãy ngủ đi, hỡi con sóc bé nhỏ của anh.

Ông cụ muốn đi ngay Tân Cảnh, mà bến thì vắng hoe. Ông loay hoay với chiếc túi vải trên tay, vẻ mặt căng thẳng và đầy lo lắng. Ông nhìn sững vào mặt người tài xế như muốn cầu cứu một sự hóa phép nào đó để ông có thể có mặt ngay tại Tân Cảnh lúc này. Người tài xế còn trẻ có vẻ bối rối. Tôi thì càng lúng túng hơn. Mấy lần định mở miệng mời ông về nhà B’Liêng nghỉ qua đêm, mai đi sớm. Nhưng chiếc túi vải cứ sang vai liên tục, ý hẳn ông muốn đi ngay đêm nay.

Người tài xế rút thuốc mồi lửa, ngửa cổ rít một hơi thật dài, nói gì đó với ông già rồi cả hai lên xe, đóng sập cửa chạy hút về phía chợ. Tôi không nghĩ người tài xế có tấm lòng rộng mở đến thế để đưa ông già đi tiếp 70 cây số đường rừng, nhưng rất có thể anh ta tìm cách nào đó để gửi ông già đi nhanh nhất. Và vô tình, người tài xế lại nhiệt tình tham gia vào sự thương nhớ nao nao của ông cụ già cô độc. Tôi ngó sững chiếc xe khách mất hút ở cuối phố vắng hoe. Chiếc xe dường như cũng hăm hở rung lên, chờ đợi giây phút trùng phùng giữa cha con, ông cháu.

Nhưng liệu sau đó, những người thân yêu nhất có thực hiện đúng theo sự khao khát mãnh liệt của ông? Hay rừng núi đã níu chân họ lại, để ông già lầm lũi quay về đoạn đường dài gần bốn trăm cây số, không biết lấy ai chia sớt nỗi buồn?

Ông già đã mất hút trong niềm hân hoan chen lẫn nỗi buồn.

Còn tôi? Và B’Liêng?

Đường phố Kontum heo hút những con đường nhỏ, dài, nhà cửa núp sâu dưới những tàn cây, vườn tược rộng thênh. Tôi giống như người lạ mặt, ngập ngừng trên phố, ngập ngừng bước về phía làng Đak Jar.

Tôi đã đến với em thật gần. Tôi như kẻ tội đồ bạc mệnh bước về phía giáo đường, nơi em đang đắm hồn trong chốn mênh mông của đất trời, cây cỏ, chim muông. Tôi đang đuổi theo bóng em chìm dần vào bóng hoàng hôn nhòa nhạt. Mặt trời của em giấu tia sáng đâu đó, nơi em gọi là đỉnh cong của trời đất kia.

Tôi đang bước về phía em, như con nai bước tới thảm cỏ, như đàn voi bước tới con suối. Tôi nhìn thấy đôi mắt lung liêng của em trên bậc cầu thang dõi theo tôi và Hạ Cơ. Tôi lao tới với tất cả nỗi nhớ nhung rực lửa, reo cùng tiếng đàn gông quấn quít bên hiên nhà và bay vút lên chóp cây. Còn tôi và em thì bay vút về phía mặt trời mọc.

Tôi đang đứng bên bờ Đakbla, dòng sông đã thít chặt đời tôi và em vào nhau, rồi bất ngờ xô ngã chúng ta dạt qua hai bờ.

Đakbla ơi! đến ngươi cũng bắt đầu bi lụy nhỏ những giọt nước mắt xuống đời ta, phủ một lớp bụi mỏng trùng trùng trước mặt? Ngươi hay Mưa bắt đầu đổ. Ban đầu chỉ là những hạt li ti như bụi phấn bay. Rồi càng lúc càng dày thành sợi.

NLU

Làng Đak Jar nhòa trong nước mắt mưa và bóng hoàng hôn. Rừng đen thẫm ở phía xa và em như đội cơn mưa, hình như không phải bước về phía tôi, giang đôi tay thương nhớ ôm choàng lấy tôi mà bước qua bên kia, sâu vào cánh rừng, với một chút dịu dàng gió núi, một chút ngập ngừng của dòng nước chảy rẽ hai. Em bước về với rừng không ngoảnh lại.

Trong cơn mưa, đất thơm nồng, níu chặt bước chân tôi vội vã lao về phía em…

Và tôi chợt hiểu rằng, em là cô gái rừng, người con gái của rừng, đẹp nhất trần gian.

Kontum, 6/2003