Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

Người Hát Đồng Dao và Kẻ Đốt Thuyền

Vĩnh Quyền

Zac Herman. (Hình: Rizwan Mujeebuddin)

Zac Herman. (Hình: Rizwan Mujeebuddin)

Từ lâu trên thế giới đã vang dội những cái tên sáng tác bằng ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ như Vladimir Nabokov (Nga), Joseph Conrad (Ba Lan), André Brink (Nam Phi), Elif Safak (Thổ), Jack Kerouac (Pháp-Canada), Samuel Beckett (Ai-len), Agota Kristof (Hungary), Rolando Hinojosa-Smith (Mỹ), Anna-Kazumi Stahl (Mỹ-Nhật)… Ngôn ngữ thứ hai họ sử dụng là những ngôn ngữ phổ biến nhất trên trái đất: Anh, Pháp và Tây Ban Nha.​

Trường hợp song ngữ Zac Herman

Zac Herman là trường hợp khác: một nhà văn trẻ người Mỹ viết truyện, làm thơ song ngữ, mà ngôn ngữ thứ hai là tiếng Việt, đăng trên báo Việt (Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động), xuất bản tại các nhà xuất bản Việt Nam.

Trước Zac tôi từng biết hai người nước ngoài giỏi tiếng Việt như tiến sĩ ngôn ngữ học Ivo Vasiljev (Tiệp Khắc), dịch giả Việt-Tiệp, và Joe Ruelle (Canada). Với bút danh ‘Dâu’ hoặc ‘Dâu Tây’, Joe thường xuất hiện trên các báo Việt những bài viết tiếng Việt thông minh, dí dỏm và đã xuất bản hai đầu sách: Tớ là Dâu (2007) và Ngược chiều vun vút (2012), thiên về văn truyền thông, tiểu phẩm.

Trong khi đó Zac hướng đến tiếng Việt trong môi trường văn chương. Nhìn vào mối quan tâm và hoạt động của anh đối với tiếng Việt chắc nhiều người Việt sẽ thấy quý mến anh và không khỏi băn khoăn về bản thân: Dịch 10/16 truyện ngắn trong tập The Dusk Wolf / Sói Hoàng Hôn của Vĩnh Quyền (NXB Hội Nhà văn, 2015) – sáng tác tập truyện song ngữ Who Can Fly? / Ai Biết Bay? (NXB Hội Nhà văn, 2016) – ba năm đọc và dịch bộ truyện cổ Việt Nam sang tiếng Anh (NXB Thế Giới, tập I, 2017) – sáng tác tập thơ song ngữ Dragon Beach / Bãi Biển Rồng (xuất bản vào cuối năm 2017) – đang nghĩ đến việc đọc tiếng Việt cổ trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi và dịch sang tiếng Anh…

Đôi khi tôi không biết rồi Zac sẽ chuyên tâm dịch văn học Việt-Anh hay sáng tác song ngữ Anh-Việt, hoặc song song. Nhưng tôi biết chắc một điều: những gì Zac dành cho tiếng Việt khởi từ tình yêu và niềm vui sáng tạo.

Người hát đồng dao cuối cùng và kẻ đốt thuyền trong mơ

Thơ giới thiệu trong tập Bãi Biển Rồng được sáng tác những năm gần đây, là những năm Zac Herman chọn Việt Nam làm nơi sống và yêu thương. Chúng đứng cạnh nhau mà khác đến mức đối lập về cấu tứ cũng như hình thức thơ.

Đôi khi giản dị như ghi chép một mẩu chuyện ngày thường gặp tình cờ trên đường phố.

Người bán vé số, bố trẻ
Có con gái nhỏ hơn tuổi.
Bố đưa xấp vé số
Thả bé yêu như thả cún
Vào quán cà phê ngoài trời.

Bé ngây thơ đến bên khách
Lẽ tự nhiên, khách mua vé

(Người bán vé số)

Đôi khi như tường thuật một chuyến đi đáng nhớ với những con người cụ thể trong không gian thời gian cụ thể.

Bắt xe đi Ninh Bình; bầu trời mù xám
Thuyền chèo lắc lư, trôi vào động Tam Cốc
Chùa Bái Đính khôi nguyên, Hoa Lư đổ nát
Cúc Phương lặng xanh. Quay về phố lạnh
Ăn tôm và dứa, uống trà gừng nóng
Cà phê ngoài trời. Cô chủ lúc đầu e dè
Mở lòng ra khi tôi nói tiếng Việt

(Một chuyến đi, một bạn cũ)

Và nếu ta chưa biết nhà thơ người Mỹ đã và đang dành nhiều thời gian đọc Thơ mới Việt Nam (1932-1945) hẳn sẽ ngỡ ngàng khi gặp dòng ghi chú phong cách ‘cổ điển’ ngay dưới tựa đề bài thơ trên.

Cảm hứng bài Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vỹ.

Thậm chí trong Bãi Biển Rồng ta còn gặp Zac Herman như một trong những kẻ hát đồng dao cuối cùng với cái nhìn trẻ thơ trong veo và nhân ái trước thế giới chung quanh.

Voi sở thú
Già cằn cỗi
Da khô nẻ
Bụi phủ đầy
Gầy trơ xương

(Voi sở thú)

Thật ra cái mà ta thoáng tưởng gần gũi, thậm chí ‘cổ điển’ kia là một trong hình thức mở của thơ hiện đại, hướng đến nghệ thuật tối giản. Cảm giác đó càng rõ khi đọc những bài thơ không có câu chuyện nào của Zac.

Một giọng nói
Đầy căn phòng
Không biết chắc
Có hay không

(Giọng nói)

Không bất kỳ không gian, thời gian.

Một nơi nào không tên
Không thể gọi tên, tồn tại
Trong đầu

(Trong đầu)

Nhân vật ngôi thứ nhất cũng không hẳn là cái tôi tác giả.

Một giọng nói
Đầy căn phòng
Tôi biến mất
Có đôi lần
Tôi là tường
Có đôi lần
Tôi khoảng không

(Giọng nói)

Thơ Zac thuần túy sinh ra từ suy tư hay cảm giác.

Ngón tay vô dụng
Cảm giác
Không còn liên lạc
Bàn tay bẻ vụn
Những thỏi đất

(Quay về)

Từ cơn mê sảng.

Mê sảng trên sàn tôi tự hỏi
Cơ may nào tôi hiện hữu lúc này

(Bóng ma)

Và cả từ nỗi ám ảnh cái chết.

Người ta sẽ đến mang ghế đi
Buông rèm, lần nữa phòng lại tối
Mấy trang ghi chép, xâu chìa khóa
Ví da đã cũ để trên bàn
Chỉ có thế còn lại của tôi

(Còn lại)

Có thể nhận ra thơ Zac hầu hết là kết quả của quá trình khép kín giữa quan sát suy ngẫm – thăng hoa cảm xúc – và hội nhập chủ thể với khách thể. Nhà thơ được đánh thức bởi khoảnh khắc diệu kỳ, hoặc đắm chìm vào chi tiết nhỏ nhặt, quen thuộc đến mức ta thường trượt qua trong đời sống. Chẳng hạn ba ô cửa sổ trên bờ tường một ngôi nhà cao tầng.

Ba ô cửa trên góc tường
Vài chậu kiểng héo tô điểm
Bồ câu trắng, hồng bay đến
Tìm chỗ trú vào ban mai

Rồi đến một lúc chính người quan sát-nhà thơ biến thành ô cửa thứ tư trong toàn cảnh.

Ba ô cửa trên góc tường
Từ ô cửa nhà, tôi ngắm

(Ba ô cửa)

Thơ Zac lắm khi như lạc vào cõi giới tịch mịch Đông phương, cả tứ lẫn lời, nhưng cuối cùng vẫn là một căn cước thơ hiện đại Mỹ, khác chăng là một người Mỹ tha hương – American expatriate, rong ruổi khám phá cái tôi trong một nền văn hóa dị biệt. Và ta lạnh người khi nhà thơ dự cảm nơi ban đầu chọn làm điểm dừng sẽ là miền an nghỉ vĩnh cửu.

Trên bãi biển rồng, tôi cắm trại
Tự nhủ ‘từ hôm nay
Mình sống giữa các con rồng’

Lặng yên, trong những hàm rồng, lìa đời

(Bãi biển rồng)

Lựa chọn này không là thoáng chốc mà được nuôi dưỡng, lớn dần một quyết định, bình thản và giản dị dẫu vẫn có nước mắt trong lòng kẻ đốt thuyền, ở lại.

Giản dị. Như tôi đã muốn
Phải nhắc mình khi đứng dậy bước đi
Rằng tôi chẳng thể rời xa bãi biển
Là điều tôi biết
Từ khi đốt thuyền
Và khóc thầm lặng

(Giản dị)

Một lựa chọn vừa hạnh phúc vừa mất mát hệ quả như vậy hẳn lời nói ngày thường sẽ không diễn đủ, nên phải nương đến đôi cánh của thơ. Nhưng nếu thơ cũng bất lực, thì sao hở Zac?

***

TRÍCH TỪ TẬP THƠ SONG NGỮ DRAGON BEACH / BÃI BIỂN RỒNG

BÃI BIỂN RỒNG

Trên bãi biển rồng, tôi cắm trại
Tự nhủ ‘từ hôm nay
Mình sống giữa các con rồng’.
Rồng ngủ ở dưới cát
Vào ban ngày.
Đêm, khi trời dịu mát–
Khi trời êm đềm, chúng hiện ra.
‘Mày không sợ bọn tao sao?’ Chúng nói,
Xúm quanh lều, chúng thở
Hơi thở gầm gừ sưởi ấm người tôi;
Tôi trả lời khẽ như một thở dài.
Lặng yên, trong những hàm rồng, lìa đời.

DRAGON BEACH

On Dragon Beach I staked my tent
And told myself, ‘From today
You live among the dragons.’
The dragons slept beneath the sand
During the day.
At night, when it was cool–
When it was calm, they would appear.
‘Are you not scared?’ They said to me,
Gathered round my tent. They breathed
Heavy bellowed breaths that kept me warm;
I answered softly, almost like a sigh.
Quietly, cradled in their jaws, I died.

CÒN LẠI

Chiều muộn ngày nắng hanh tháng Sáu
Đong đưa vàng hoa thêu mẫu đơn
Tán cọ bồng lên cơn gió cuốn
Sàn trống, ghế anh đào ngập sáng
Tầng hai biệt thự một thư phòng.
Tôi đã rời đi trong phút giây
Áo choàng lưng ghế vẫn còn đấy
Như thể một mai tôi sẽ về.
Người ta sẽ đến mang ghế đi,
Buông rèm, lần nữa phòng lại tối
Mấy trang ghi chép, xâu chìa khóa
Ví da đã cũ để trên bàn
Chỉ có thế còn lại của tôi.

WHAT’S LEFT

The late afternoon on a sunny June day
Sways in the embroidered gold peonies
A gust heaves the palm canopy
Light floods the bare floor and cherrywood chair
In the second floor workspace of the villa.
I am gone from the chair, gone recently
Since the striped collared shirt is
Still draped on its back, as if I’d return.
Someone will come and take out the chair,
Close the curtain making the room dark again
A few handwritten notes, ring of keys,
And an old wallet on the table is
What’s left of me.

GIẢN DỊ

Giản dị. Hải âu bay vút miền lạnh
Nơi tôi ngủ đêm qua
Ngoài tầm đầu ngọn triều
Chờ cái chạm của biển
Hạt cát trôi vào miệng
Vốc nước mặn, uống
Với lòng biết ơn.
Giản dị. Như tôi đã muốn
Phải nhắc mình khi đứng dậy bước đi
Rằng tôi chẳng thể rời xa bãi biển
Là điều tôi biết
Từ khi đốt thuyền
Và khóc thầm lặng.

SIMPLE

Simple. Gulls dart over cold land
Where I slept last night
Beyond the reach of the sea
A touch I sought in the dark
Sand between my teeth
I drank a palm of salt water
Swallowed it gratefully.
Simple. Like I wanted to be
I reminded myself as I stood up to go
Since I could no longer exit the beach
I had made sure of that
When I burned the boat
And wept quietly.