Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Viết tự truyện

Liễu Trương

Khi nghĩ về thời gian, nhà thơ Nicolas Boileau của thời văn học cổ điển Pháp thốt lên:

Hãy vội vàng lên: thời gian trốn khuất và kéo chúng ta theo,

Khoảnh khắc tôi đang nói đã xa tôi rồi.

(Hâtons-nous: le temps fuit et nous traîne avec soi,

Le moment où je parle est déjà loin de moi.)

Quả thật thời gian là một vấn đề làm cho con người trăn trở, khắc khoải. Thời gian trôi nhanh và không bao giờ trở lại. Cho nên nhiều nhà thơ, nhà văn muốn vội vàng níu kéo thời gian, muốn ghi chép những sự kiện của những thời đã qua, những trải nghiệm, những cảm xúc riêng tư ngõ hầu để lại cho đời một dấu vết. Do đó trong văn học dần dà có một thể loại mới: thể loại tự truyện. Tự truyện là truyện kể bằng văn xuôi về cuộc đời đã qua của một tác giả và do chính tác giả viết.

I. Tự truyện trong văn học Việt Nam

Trong văn học Việt Nam thời tiền chiến đã có những tác phẩm tự truyện có giá trị như Những ngày thơ ấu (1938) của Nguyên Hồng, Quê mẹ (1941) của Thanh Tịnh, Chân trời cũ (1942) của Hồ Dzếnh.

Qua các truyện ngắn trong Quê mẹ, Thanh Tịnh đưa độc giả về làng Mỹ Lý. Mỹ Lý là cái tên do tác giả đặt ra chăng? Dù sao làng Mỹ Lý cũng là làng quê của tác giả mà mỗi nhân vật được tác giả nâng niu qua ngòi bút. Thanh Tịnh kể lại thời thơ ấu, khi cùng mẹ đến trường lần đầu tiên, vào ngày khai giảng, không khí nhà trường làm cậu bé xúc động, lo âu (Tôi đi học), cậu bé Thanh lớn dần và khám phá những tập tục của dân làng (Ra làng), sự tàn tạ của Nho học (Chú tôi) và tình yêu của người lớn (Tình thư).

Chân trời cũ của Hồ Dzếnh thì đưa độc giả vào một thế giới khác: một gia đình có hai dòng máu, hai văn hóa. Tác phẩm bắt đầu bằng sự gặp gỡ của một cô lái đò với một người Trung Hoa đi buôn; thế là cây gia phả của Hồ Dzếnh đã được vẽ lên, một gia đình được xây dựng để rồi tất cả mọi người đều mang tâm trạng đau khổ: người mẹ, người con trai cả, người chị dâu, người con trai thứ, người em gái tên Dìn.

Theo lời kể của một nhà thơ miền Bắc, ông Mai Ngọc Thanh (1), thì khi ông còn học tiểu học ở Thanh Hóa, một hôm Hồ Dzếnh cùng đi với Xuân Diệu đến thăm lớp học để giới thiệu với các học sinh cuốn Chân trời cũ của ông. Hồ Dzếnh nói với các học sinh: Thân sinh tôi là người Trung Hoa, vậy tôi là người Trung Hoa. Nhưng tôi chưa hề biết quê nội tôi. Mẫu thân tôi là người Việt Nam, làm nghề chèo đò ngang bên bờ sông Ghép của Thanh Hóa. Tôi chỉ biết và thân quen cùng quê ngoại. Vậy tôi cũng là người Việt Nam… Mỗi người đều có thời thơ ấu. Cuốn sách này tôi viết về thời thơ ấu của chính tôi, thời thơ ấy trong tình thương của mẫu thân tôi nhưng nghèo và buồn lắm.

Những ngày thơ ấu là tự truyện của Nguyên Hồng, viết khi ông chưa đầy 20 tuổi, đăng trên báo Ngày Nay của Tự Lực Văn đoàn, năm 1938. Đứa trẻ thơ tên Hồng trong truyện khám phá thế giới phức tạp và cay nghiệt của người lớn. Cha mẹ không lấy nhau vì tình mà do sự sắp đặt của gia đình đôi bên. Giữa cha mẹ là sự im lặng, sự hững hờ. Người mẹ trẻ hơn bố nhiều và có nhan sắc, luôn dịu dàng, phục tùng chồng và bà mẹ chồng. Nhưng tâm hồn người mẹ khao khát yêu đương, bà phải lòng một người cai thổi kèn, đứa em gái của cậu bé Hồng sinh ra không phải là đứa em cùng cha. Mặc cho những lời gièm pha, miệt thị của người cô, cậu bé Hồng vẫn yêu mẹ thắm thiết và buồn khổ khi mẹ phải tha phương cầu thực. Khi người mẹ ở xa về thăm hai con, cậu bé kể: Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường. (Nguyên Hồng, Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Nxb Văn hóa Thông tin, tr. 268). Người cha thì đâm ra nghiện thuốc phiện, khiến gia đình sa sút, cuối cùng ông chết. Tuổi trẻ của Nguyên Hồng thiếu tình thương cha mẹ, phải nương tựa vào bà nội, sống lăn lóc giữa những đứa trẻ bất hạnh. Thầy giáo ở trường thì quá khắc nghiệt, tàn nhẫn, chỉ vì thầy hiểu lầm một câu nói mà giáng cho cậu học trò Hồng một trận đòn chí tử và phạt quỳ trong lớp ngày nọ qua ngày kia. Dù cảnh đời đen tối, đầy uất ức, cậu bé Nguyên Hồng vẫn ấp ủ những giấc mơ êm đẹp của trẻ con.

Trong văn học miền Nam, có Võ Phiến cũng viết về tuổi thơ của mình, nhưng chỉ trong khuôn khổ của một truyện ngắn: truyện Về một xóm quê. Tác giả vẽ lên khung cảnh của một làng quê, nơi đó gia đình ông là một gia đình ly tán. Cậu bé (tức Võ Phiến, tên thật: Đoàn Thế Nhơn) sinh ra và lớn lên mà không biết mặt người cha đi làm nơi xa và không hề có thư từ về nhà. Cậu bé sống với ông bà và người mẹ, đến lúc được bảy tuổi thì người cha làm ăn khá trở về với gia đình. Nhưng chỉ hai năm sau, người cha lại ra đi, lần này đem theo người mẹ và đứa em mới sinh. Thế là cậu bé ở lại sống với người ông và người bà, rồi bà cũng ra đi, chỉ còn lại hai ông cháu. Tác giả miêu tả vẻ hiu quạnh của ngôi nhà vắng lặng và nỗi buồn cô đơn của hai ông cháu.

Tự truyện chỉ có thế: một tuổi thơ cô đơn, thiếu tình thương cha mẹ.

Sau này người ta được biết đứa em mà cha mẹ đem theo vào Nam tên Đoàn Thế Hối. Đoàn Thế Hối trở thành nhà văn với bút danh Lê Vĩnh Hoà, làm cách mạng và chết vì bom đạn năm 1967.

Nói chung, các nhà văn Việt Nam viết tự truyện đặc biệt về thời thơ ấu, về một tuổi thơ có khi đầy lưu luyến như ở Thanh Tịnh, nhưng phần nhiều là một tuổi thơ mang thương tích và đau buồn.

II. Lịch sử và định nghĩa của tự truyện

Lối viết tự truyện có rất sớm ở Tây phương. Vào thời César (100 hay 10-44 trước Công nguyên), Hoàng đế La Mã Marc-Aurèle (121-180), thánh Augustin (354-430), đã xuất hiện những văn bản tự truyện. Phải chờ đến nhà văn Pháp Montaigne ở thế kỷ 16, với tác phẩm Les Essais (Tiểu luận) của ông, mới có cái mẫu đầu tiên của tự truyện hiện đại. Montaigne viết: Chính tôi là chất liệu cuốn sách của tôi (Je suis moi-même la matière de mon livre). Montaigne mở đầu cho một truyền thống tự truyện được các nhà văn nổi tiếng đến sau tiếp nối.

Tự truyện là một thể loại rất gần với tiểu sử, với nhật ký riêng tư. Còn hồi ký là một thể loại hướng về đời sống công khai của tác giả, như cuốn Mémoires de guerre (1954-1959) (Hồi ký chiến tranh) của tướng De Gaulle.

Trong văn học Pháp, sau Montaigne, có thể nói cuốn Les Confessions (Tự thú) của Jean-Jacques Rousseau, viết từ năm 1765 đến 1770, được xem như một cái mẫu của tự truyện hiện đại, vì sự cách tân của nó: viết về mình bằng cách tiết lộ cái nội tâm và nguồn gốc của cá tính.

Đặc điểm của tự truyện là mọi người đều có một lịch sử, một tuổi thơ. Như thế tự truyện trở thành một văn bản của cá nhân, của huyền thoại về nguồn gốc. Một đặc điểm khác nữa là khả năng của tác giả tự quan sát nội tâm của mình và làm cho sự quan sát đó trở nên phong phú. Chỉ có tôi mới tự hiểu được tôi, và những điều tôi sắp khám phá trong tôi sẽ là những điều quan trọng đối với kẻ khác.

Tự truyện là một hình thức văn học, nhưng cũng là một hành động có tính xã hội. Người đọc tự truyện biết kẻ viết không phải là một nhân vật hư cấu mà là một con người hiện thực, do đó người đọc tò mò muốn biết những trải nghiệm riêng tư của tác giả để suy nghĩ, so sánh với những trải nghiệm của chính mình. Tự truyện là một tác phẩm nghệ thuật, tác giả phải làm thế nào để có một ngôn ngữ, một lối viết hấp dẫn ngõ hầu đưa người đọc đến với sự thật của mình.

Tự truyện của Rousseau không phải là cái mẫu duy nhất. Ngày nay bất cứ ai cũng có thể viết về mình và cho xuất bản. Do đó độc giả có thể biết được nhiều hoàn cảnh sống. Tại sao viết về đời mình? Câu hỏi này cả nhà văn và người đọc đều tự đặt. Câu trả lời nằm trong văn bản. Nhà văn Pháp Georges Pérec viết: Dự án viết chuyện của tôi đã nảy sinh gần như cùng một lúc với dự án viết. Lời tuyên bố này quan trọng khi ta đọc một nhà văn đã viết tự truyện song song với truyện.

Trước sự xuất hiện của nhiều tự truyện ở thế kỷ 20, học giả Philippe Lejeune đưa ra định nghĩa như sau: Tự truyện là truyện kể bằng văn xuôi về quá khứ mà một người có thật viết về đời tư của mình, khi người đó nhấn mạnh về đời sống cá nhân, đặc biệt về lịch sử cá tính của mình (2). Định nghĩa này mở đầu cho một công trình nghiên cứu rất dài về tự truyện.

Bởi vì tự truyện là một truyện kể cho nên nhà phê bình Jean Starobinski cho rằng tự truyện ngầm có một tiến trình trong cách kể truyện, ông viết: … phải có một sự tiếp diễn trong thời gian đủ để đường nét một cuộc đời hiện lên. (Jean Starobinski, La Relation critique, Gallimard, 1970).

Theo Philippe Lejeune, phải có tính đồng nhất giữa tác giả, người kể truyện và nhân vật thì truyện kể mới là một tự truyện. Philippe Lejeune gọi đó là điều ước (pacte) của tự truyện. Mọi tác giả của tự truyện phải khẳng định sự đồng nhất đó.

III. Những chức năng của tự truyện

Chức năng của tự truyện rất đa dạng mà các nhà chuyên môn chưa nắm hết. Tuy nhiên những chức năng thường có trong tự truyện là những chức năng sau đây.

1/  Chức năng lịch sử

Cuốn Les Mémoires d’outre–tombe (Hồi ký từ bên kia thế giới) (1849-1850) của Chateaubriand trình bày, song song với cuộc đời của một cá nhân, những cuộc đổi thay của nền văn minh, những biến chuyển của lịch sử trải dài trên ba mươi năm gây nên cảm giác chóng mặt.

Mỗi đời người là một mảnh của lịch sử. Đọc tự truyện L’Amant (Người tình) của Marguerite Duras cũng là khám phá Đông Dương thời Pháp thuộc giữa hai thế chiến, và mối tương quan giữa hai cộng đồng người Pháp và người bản xứ. Như vậy tự truyện chiếu rọi vào một thời kỳ, một xã hội.

2/  Chức năng tự thú

Trong trường hợp của Rousseau, ông viết cuốn Les Confessions trong một cơn khủng hoảng tinh thần, để giải thích mối tương quan giữa tác phẩm và cuộc đời của ông. Rousseau muốn tự biện hộ cho mình về những hành động trong quá khứ, để nói lên sự thật mà kẻ thù của ông đã xuyên tạc, để xin lỗi người đọc… và xin lỗi Thượng đế.

3/  Nói sự thật

Sự thật mà người đọc tìm thấy trong tự truyện phải tùy thuộc mỹ học của văn bản, cho nên là một sự thật có tính văn học, không phải là một sự thật có tính khách quan. Tuy nhiên nói lên sự thật vẫn là phương tiện tốt nhất để mời người đọc nghe lời thú của tác giả.

Trong cuốn L’Avenir dure longtemps (Tương lai lâu dài) nhà triết học mác xít Louis Althusser muốn kể lại chứng loạn thần kinh đã đưa ông đến việc giết vợ. Ông muốn người đọc trở nên chứng nhân về những tai hại của cơn bệnh thần kinh của ông và để người đọc có một ý nghĩ đúng về thảm kịch đó. Ông viết: Tôi không muốn đưa ra trước công chúng chỉ những yếu tố chủ quan của mình mà thôi. (tr. 24)

Tác giả tự truyện có ý muốn nói lên sự thật. Phải hiểu đây là sự thật của một con người, tức một sự thật chủ quan. Ngoài ra có nhiều cản trở cho sự thật, đó là sự thiếu trí nhớ, sự xâm nhập của vô thức, tính không thành thực, ý muốn tự kiểm duyệt và tô điểm bút pháp. Có khi vô thức làm cho trí nhớ khiếm khuyết. Ví dụ trong cuốn Les Confessions của Rousseau, tác giả chép lại bài hát mà khi nhỏ ông nghe bà dì Suzon hát. Bài hát ông chép không đầy đủ. Philippe Lejeune cho rằng sự thiếu sót đó là do vô thức xua đi những lời của bài hát nhắc nhở đến người mẹ đã chết. Còn về vấn đề tự kiểm duyệt thì một trong những lý do là tránh động chạm đến những người thân, vấn đề tiền bạc là một lý do khác, tác giả không bàn đến vì cảm thấy ngượng ngùng hay vì tính kín đáo. Vậy những khoảng trống, những khoảng im lặng trong tự truyện cần được các nhà chuyên môn giải thích.

4/  Trình bày cái tôi

Viết về đời mình là để tự hiểu mình thêm. Đây là chức năng được dùng nhiều nhất. Người duy nhất có thể nói thật về tôi là tôi. (P. Lejeune). Tự hiểu mình là một việc mà cả tác giả và người đọc đều muốn. Người đọc biến thành khán giả của cuộc điều tra về một cá thể, điều này giúp người đọc hiểu được chính mình qua sự trải nghiệm của một kẻ khác.

Tự hiểu mình, nhưng cũng tự rèn luyện qua sự viết.

5/ Sống lại quá khứ và thắng thời gian

Mục đích của tự truyện là gạt bỏ sự trôi qua của thời gian, cho nên lắm khi tự truyện có tính luyến tiếc.Tác giả thường có cái nhìn lưu luyến về một thời đã qua và được kỷ niệm làm đẹp thêm. Tuy nhiên bên trong của tự truyện thường có cái ý muốn làm cho thời gian trở nên sinh động, vượt khỏi sự luyến tiếc. Cuốn La vie de Henry Brulard của nhà văn Stendhal là một tự truyện uyển chuyển, người kể truyện không ngừng gợi lên những khoảng thời gian đã tạo nên cái tôi để làm nổi bật cái ý tưởng rằng sự thật của cá thể gắn liền với sự thật của khoảnh khắc, của cái lúc mình trình bày sự việc: chính người kể truyện nắm trong tay cái sự thật nhất thời của cá thể, nếu không sự thật đó sẽ bất động, mơ hồ hay sai lầm.

Tác giả cũng có thể có cái nhìn phê phán về quá khứ, giải thích sự hình thành của cá tính hay năng khiếu của mình, chứ không mân mê một kỷ niệm tuổi thơ. Đó là trường hợp của Sartre trong tác phẩm Les Mots (Chữ nghĩa) (3).

Qua tự truyện tác giả muốn để lại cho hậu thế dấu vết của mình. Trong những trang đầu của cuốn Les Mémoires d’outre-tombe, Chateaubriand viết: Cuốn hồi ký này sẽ là một ngôi đền của cái chết được dựng lên nhờ ánh sáng kỷ niệm của tôi. Và ông kết luận: Tôi chỉ còn ngồi xuống bên huyệt; sau đó, tay cầm cây Thánh giá tôi mạnh mẽ đi xuống cõi vĩnh hằng. Đối với nhà văn, viết ngôi đền của mình cho phép mình mãi mãi ở trong ký ức của loài người.

Tự truyện là một truyện nhìn lại quá khứ, là đối chất với thời gian, một thời gian đã qua không vãn hồi được. Vậy viết tự truyện là một cách muốn thắng thời gian và cái chết; thời gian đã mất nhưng tìm lại được nhờ sự xây dựng tác phẩm. Tự truyện không phải là sự thỏa mãn tính tự si (narcissisme), thể văn này có những chức năng như vừa nói trên, những chức năng đa dạng, xếp chồng lên nhau hoặc tréo nhau. Văn bản tự truyện trước tiên là văn bản thuộc văn học, trong đó hình thức là quan trọng nhất, viết về đời mình là chọn cho lối viết một hình thức có thể lôi cuốn người đọc.

Chú thích:

(1) Vũ Tiến Quỳnh, Phê bình, Bình luận Văn học – Trương Vĩnh Ký, Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn, Hồ Dzếnh, Nxb Văn Nghệ, T.P. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 328.

(2) “Récit rétrospectif en prose qu’une personne réelle fait de sa propre existence lorsqu‘elle met l’accent sur sa vie individuelle, en particulier sur l’histoire de sa personnalité.” Philippe Lejeune, Le Pacte autobiographique, Nxb Le Seuil, 1975, tr. 14.

(3) Xem Liễu Trương, Tiếp cận văn học Pháp, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2007.