Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Văn Dương Thu Hương

Lại Nguyên Ân

image

Đây là đoạn trích bài Mấy nhận xét về một số tác giả văn xuôi lứa “tứ tuần” (viết 1985, tham luận gửi Hội nghị những người viết văn trẻ, 1985) nói về thời kỳ Dương Thu Hương mới xuất hiện trong làng văn Việt Nam ít lâu.

image

 

[…] Nếu Nguyễn Mạnh Tuấn bạo nói những chuyện tiêu cực trong quản lý sản xuất và tổ chức xã hội, thì Dương Thu Hương cũng bạo nói không kém, nhưng là trong những chuyện đời thường, những quan hệ thế sự thông thường. Hương viết khỏe và táo bạo, không sợ thô, không sợ trơ. Văn xuôi Hương như là muốn lật tẩy sự đạo mạo.

Cảm quan nổi bật ở văn xuôi này là: trong đời thường, con người ta không hoàn thiện, con người ta rất dễ thay đổi, mà lại hay thay đổi theo hướng xấu đi; quan hệ con người, nhất là quan hệ yêu đương, vợ chồng, – là không bền chặt, từ đó ít nhiều toát ra cảm giác thất vọng trước tình trạng đạo đức và nhân cách hiện tại.

Có thể nói sau một thời gian dài các cây bút văn xuôi các cỡ thi nhau nói hay nói tốt về con người cùng thời thì giọng Dương Thu Hương xuất hiện như là báo hiệu một cách nói khác, một giác độ nhìn khác. Thử nhìn thử nói khía cạnh xấu của người đời bằng tiếng Việt, bằng văn chương xem có được không? – Văn xuôi này như muốn thử làm theo hướng đó. Chẳng hạn, để tả vẻ kệch cỡm ở một người nào đó trong đời thường, một người đàn ông chẳng hạn, Hương đã thể hiện người đó qua cảm nhận của người đàn bà đã hết yêu anh ta, đã ngán anh ta. Tâm lý thất vọng, “tâm lý ngoại tình”, ở đây, thành một phương tiện. Đặt dưới cái nhìn của người đàn bà đã ngán chồng mình thì từ đôi bàn tay, cái gáy, cho đến các thói quen thông thường của người đó đều bị “lạ hóa” trước độc giả, nó trở nên “biểu cảm” theo hướng gợi ra sự nhờm tởm.

Nhưng nếu bảo văn xuôi Hương “nói xấu” người ta thì sẽ không đúng. Cái chính, theo tôi, là văn xuôi Hương đi vào dòng tâm lý-sinh hoạt, thậm chí vào dòng tâm lý-đạo đức. Là vì sự phê phán này đưa tới những yêu cầu cao hơn về nhân cách, phẩm giá của mỗi con người, chẳng những trong công việc, công tác, mà còn cả trong sinh hoạt, trong mọi quan hệ đời thường.

Trong văn xuôi Dương Thu Hương, dù sặc sỡ, táo tợn, vẫn âm ỷ một giọng buồn nhớ quá khứ, nhớ một thời đẹp đẽ nào đó: một thời thơ ấu thần tiên, một người yêu cũ đẹp đẽ trong mối tình cũ đẹp đẽ… Chép một đoạn cho cụ thể (tuy đây là tình cờ lật trang mà thấy, vì giọng điệu này không hiếm trong các truyện):

“Cái ngày xưa, cuộc sống mới thật là cuộc sống… Trong ánh mắt cô, tôi tìm thấy bóng dáng những cơn mưa thời thơ ấu. Những con mưa như không phải là mưa mà là cuộc vui bất tận tràn trề. Chúng gieo trong tim ta những âm thanh dạt dào và những màu sắc lung linh huyền ảo. Chúng lưu lại trong tâm hồn ta làn hơi nước mát trong. Và nhờ đó, ta thấy lại ngọn khói xanh, vị cá nướng ngon lành, chân trời mùa thu trong như mời mọc… Những con cá tự tay ta vớt lên dưới hồ, đó là hạnh phúc…” (“Chuyện một cô gái”).

Đến chỗ này thì có thể thấy văn xuôi Hương cũng có hơi hướng văn xuôi Paustovsky qua sự diễn đạt lại trong tiếng Việt của Vũ Thư Hiên cũng như qua cách cảm nhận và làm lại ở văn sáng tác của Đỗ Chu.

Nhưng phải nói, văn Đỗ Chu và văn Dương Thu Hương là hai dòng ngược chiều nhau. Văn xuôi Chu thì làm cho người ta tin rằng có thể tìm ra, – trên đường lang bạt của công tác, của chiến đấu – những chỗ ấm cúng, có thể tìm ra hoặc tạo ra sự thân tình giữa những người dưng, do những run rủi tốt đẹp, những ngẫu nhiên may mắn trên đường đời. Văn xuôi Hương thì cho người ta cái cảm tưởng chỉ có hạnh phúc ở sự nhớ về một kỷ niệm đã qua. Thật ra, trong văn xuôi Hương cũng ngầm chứa cái yêu cầu “đời phải như một cuộc vui bất tận, tràn trề”, nhưng nhìn vào hiện tại thì không thấy sự vui ấy, nó đành nói cái buồn để đòi hỏi cái vui. Và nhân thể, nhưng quan trọng, là đòi hỏi sự trong sáng, thanh cao, chính trực trong nhân cách mỗi con người, trong các quan hệ con người. […]

• Lại Nguyên Ân, “Mấy nhận xét về một số tác giả văn xuôi lứa “tứ tuần” (tham luận gửi Hội nghị nhà văn trẻ, 1985, tài liệu đánh máy, chưa tìm thấy bản thảo)

• Theo sách: “VĂN HỌC 1975-1985, TÁC PHẨM VÀ DƯ LUẬN”, [mục dư luận về “Những bông bần ly”, tập truyện ngắn, Dương Thu Hương, Nxb. Tác Phẩm Mới, Hanoi, 1981], Nxb. Hội Nhà văn, H., 1997, tr. 120-122.