Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Quê hương và nhà phê bình văn học Đặng Tiến

Lê Học Lãnh Vân

Trước nay, mỗi khi có người quen biết mất tôi thường viết mấy dòng về người đó.

Gần đây, nhiều người quen mất quá, một năm ba bốn người. Khi anh Đặng Tiến mất tôi định không viết gì hết. Không chỉ vì đã nhiều người viết về anh, mà còn bởi vì ngồi im ngắm nghía nỗi buồn có những nỗi niềm lặng lẽ đặc biệt riêng.

Tuy nhiên, sau khi quan sát các sự việc tiếp theo sự ra đi của anh Đặng Tiến, tôi lại muốn có đôi dòng về anh.

Tôi qua Pháp trễ so với tuổi của mình, sau một năm đầu sống tại tòa nhà dành riêng cho sinh viên và thực tập sinh nước ngoài tại Massy-Palaiseau, tôi không thuê giường ngủ trong Nhà khách Sứ quán theo đề nghị của Sứ quán, mà thuê một căn hộ (appartement) trong khu người Pháp, sống tương đối cách biệt với người Việt. Bởi vì tôi muốn học, học nói tiếng Pháp lưu loát, học nếp sống, văn hóa Pháp…

Sau đó tôi mới trở lại giao thiệp với cộng đồng người Việt tại Paris… Lúc này Hội Người Việt Nam tại Pháp và Nhà Việt Nam là những địa chỉ thân thuộc.

Khoảng năm 1988-1989 gì đó, tại cuộc nói chuyện về văn chương Việt Nam tại Nhà Việt Nam, một người tầm thước lên tiếng từ hàng ghế giữa phòng. Cũng không nhớ rõ chủ đề anh nói, chỉ nhớ anh nhắc tới Xuân Diệu với hai câu “Bắt ở trần phải ở trần / Cho may-dô mới được phần may-dô…”. Với tư cách người mới tham gia sinh hoạt, một câu hỏi được đặt ra cho tôi, tôi đọc những câu thơ tôi thích của Xuân Diệu…

Tôi có nhà có cửa

Nhưng không vợ không con

Sợ cái bếp không lửa

Sợ cái cửa không đèn

Những câu thơ ấy được đọc với cảm xúc, bởi người đọc cũng “có nhà có cửa, nhưng không vợ không con”, và ánh đèn xanh của người yêu chờ đợi mình thì đang ở rất xa…

Sau buổi nói chuyện, anh Đặng Tiến, vâng, người đàn ông trung niên ấy là anh Đặng Tiến, mời tôi uống nước tại khu Latin. Lần đầu tiên gặp anh, được anh cho biết những góc cạnh của Xuân Diệu thời Nhân Văn Giai Phẩm, cũng được anh đồng ý rằng những câu thơ Xuân Diệu tôi vừa đọc đi thẳng vào lòng người. Thơ cần thi pháp, thi pháp là phương tiện đưa thơ vào tim, óc, anh nói. Buổi nói chuyện đầu tiên với anh Đặng Tiến có thể tóm lại bao nhiêu đó ý chính, ngoài việc thăm hỏi nhau và thăm hỏi về những người quen chung mà chúng tôi có không ít: Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Nhật Tiến…

Quen anh nhiều hơn, được nghe nhiều chuyện hơn. Những chuyện anh Tiến kể hồn hậu, có khi anh không vui về việc, về người, nhưng anh xét việc, xét người từ nhiều góc độ, tự đặt mình trong vai trò của nhiều người khác nhau nên cách ứng xử của anh với những chuyện ấy an hòa, trung dung.

Anh Đặng Tiến giao du không ít với ông Huy Cận. Trước khi trực tiếp quen ông Huy Cận, tôi nhờ anh giới thiệu để hỏi thăm vài chi tiết về buổi bàn giao ấn kiếm tại Huế năm 1945. Anh Tiến nói sẵn lòng giới thiệu, nhưng cho biết ông Huy Cận sẽ không nói chuyện ấy đâu. Tại sao? Vì anh Vân đã nghe ông Hoàng Xuân Hãn kể quá nhiều về chuyện đó, ông Huy Cận sẽ không kể thêm. Sau đó, không phải nhờ anh Tiến giới thiệu, tôi quen ông Huy Cận bằng một lối khác và nhờ đó biết anh Đặng Tiến đã đoán đúng: ông Huy Cận không nói.

Anh Tiến thực thà và trình bày quan điểm mình rõ rệt. Quen biết gần hơn, anh kể tôi nghe về Xuân Diệu thời sau năm 1956 với những chi tiết khiến tôi bất bình người “Gửi hương cho gió”. Anh Tiến chia sẻ bất bình đó, nói Xuân Diệu làm vậy là quá tệ, tuy nhiên anh khuyên tôi không nên để bất bình dẫn dắt suy nghĩ và hành động. Mình biết để mình không hành động như vậy, nhưng nên thông cảm với họ, anh nói. “Mà không thông cảm thì mình làm gì họ? Những lúc không hành động như vậy, họ cũng có những điều hay!”

Anh Tiến giao thiệp với Phạm Duy. Năm 1989, khi Phạm Duy qua Pháp, anh khuyên tôi gặp Phạm Duy. “Chắc nhiều chuyện Phạm Duy nói với anh tôi đã biết, nhưng anh sẽ có nhận xét của riêng anh”. Anh Tiến mến tài Phạm Duy và cũng cho biết Phạm Duy qua Pháp không với tư cách khách mời của Hội Người Việt Nam tại Pháp. Hội không bao giờ mời Phạm Duy vì nhiều lý do!

Anh Tiến không có thiện cảm với một nhân vật nổi tiếng trong giới người Việt tại Pháp. Anh cho rằng nhân vật ấy kể nhiều điều không có thật. Do tên tuổi lớn, thành tựu cao, “lời nói của nhân vật đó được nhiều người nghe, điều ấy không có lợi cho dân trí, nhất là đối với giới trẻ trong nước”. Tuy nhiên anh không lên tiếng công khai và chính thức vì theo anh điều đó không có lợi cho cộng đồng. Về việc này, ông Hoàng Xuân Hãn có cùng quan điểm với anh Tiến!

Sau ngày rời Pháp, bặt hai mươi năm mới giao thiệp lại với anh bằng cách mời kết bạn Facebook. Lần đầu tiên gặp mặt lại nhau, tình cờ thay, là trong WC của rạp hát Nam Quang góc Cách Mạng Tháng Tám - Võ Văn Tần, nơi tổ chức giỗ đầu của Phạm Duy. Sau hai mươi lăm năm vẫn nhận ra nhau ngay, vẫn bắt tay giản dị, tình anh em đi thẳng vào tim! Lần anh về Việt Nam đó, cùng hai lần sau nữa, tôi và anh có dịp gặp nhau giữa tiếng cười của nhiều bằng hữu trong giới văn chương. Có một lần gặp riêng thì cũng chỉ nói chuyện văn chương xưa và nay. Tôi lắng nghe anh chăm chú như nghe kho văn học sử. Anh nhắc bài văn hoạ sĩ Trịnh Cung viết về Trịnh Công Sơn, tỏ ý không vui, rồi nói rất nhiều bạn bè của họ là bạn tôi, tôi là một người của bọn họ mà!

Ngày 14/12/2022, anh Tiến nhắn tin ý muốn về Việt Nam dưỡng già và hỏi thăm thủ tục chuyển lương hưu, thủ tục an sinh xã hội và y tế. Thật khéo tình cờ vì tôi đang lo cho hai người cô lớn tuổi quốc tịch Pháp sống đời hưu trí tại Việt Nam. Người chị là công chức cho Pháp vô ngạch từ năm 1954, về hưu năm 1986, người em sau chị bảy tám năm. Cả hai về Việt Nam sống từ năm 2014, có lương hưu, có bảo hiểm y tế của Pháp, mỗi lần bệnh đi bệnh viện Pháp-Việt được bảo hiểm thanh toán toàn phần. Anh Tiến yên tâm, hẹn sau khi ổn định sức khỏe sẽ nhờ tôi lo cho anh về Việt Nam. Tôi nói có hai lựa chọn cho anh Tiến về Việt Nam sống vui đời viết lách, hoặc một miếng đất ở Củ Chi với căn nhà nhỏ tứ vi thông hành, hoặc một căn hộ giữa Sài Gòn nơi có nhiều phương tiện y tế. Anh nói một câu mà tôi thấm…

- Tôi vui khi viết về văn chương Việt Nam, mai mốt về Việt Nam mà viết được tôi càng vui hơn. Nơi ấy bạn hữu ngày xưa từng sống, những người bạn ấy tôi từng viết về họ. Bây giờ, rời Pháp, tôi chỉ có một chốn để về…

Bài viết này được kết thúc trong câu hỏi vẩn vơ Quê Hương là gì! Trong thời ChatGPT, Quê Hương có ý nghĩa gì? Một con người như Đặng Tiến, suốt đời làm việc sống ở ngoại quốc vẫn liên tục học hỏi và viết về văn chương Việt, người ấy có mang trong lòng Quê Hương không? Quê Hương đối xử với Đặng Tiến và những người như ông ra sao? Thế hệ sau thế hệ Đặng Tiến có mang Quê Hương trên bước đường tha hương không?

Ngày 19 tháng 4 năm 2023