Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2023

1956- 2016: kỷ niệm 60 năm Giai phẩm, Nhân văn

Đặng Tiến

LTS. Rất nhiều sách báo đã viết về vụ đàn áp những văn nghệ sĩ chủ trương tạp chí "Nhân văn" và các "Giai phẩm" văn thơ ở Miền Bắc Việt Nam năm 1956, tới nay là đúng 60 năm. Góc cạnh chủ yếu trong phần lớn các bài viết là sự đàn áp trí thức trong một chế độ toàn trị. Điều này không sai, và bài viết mà chúng tôi đăng lại mới đây của nhà văn Lê Hoài Nguyên, tên thật là Thái Kế Toại, nguyên Đại tá công an, công tác tại A25 (chuyên theo dõi văn nghệ sĩ và văn hóa), nhấn mạnh tới khía cạnh  "NVGP trước hết là một trào lưu tư tưởng, một cuộc cách mạng văn học đòi hỏi dân chủ hóa ở miền Bắc Việt Nam năm 1954-1960" góp thêm những chứng từ trong chiều hướng đó của một người trong bộ máy. Tuy nhiên, có phải đó là khía cạnh duy nhất (hay duy nhất đáng lưu ý) về vụ án văn học - chính trị này? Kinh nghiệm cho thấy ta luôn luôn cần cảnh giác với những thông điệp mà Đảng Công sản muốn đưa ra, nói một chuyện nhưng đằng sau lại ẩn giấu nhiều chuyện khác, thường là quan trọng hơn. Bài viết dưới đây của Đặng Tiến phân tích vụ án dưới một "góc nhìn khác" (mượn chữ của nhà báo Trương Duy Nhất), gợi cho người đọc những câu hỏi lý thú liên quan tới cuộc tranh giành quyền lực ở chóp bu ĐCSVN, những câu hỏi không phải không liên quan tới tình hình đất nước hiện nay. Bài viết đã được đăng trên mạng Talawas năm 2007, tác giả hiệu đính lại và gửi Diễn Đàn nhân kỉ niệm 60 năm vụ án. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Giai phẩmNhân văn là tên hai ấn phẩm khác nhau. Giai phẩm là một tuyển tập thơ văn, phát hành đầu năm 1956 tại Hà Nội, ra được năm kỳ; Nhân văn là một tờ báo không định kỳ, xuất bản cuối 1956, ra được 5 số. Nhiều người có tên trong tuyển tập trước hợp tác với tờ báo sau. Nhưng cụm từ "Nhân văn Giai phẩm" ta thường nghe, tự thân nó là một thành ngữ vô nghĩa.

clip_image001

Báo Nhân Văn Giai phẩm 1956

Đảng quyền Hà Nội, cuối năm 1956 đã gôm hai tên lại với nhau thành một bản án văn học và chính trị. Thời đó "bọn", "phần tử " Nhân văn-Giai phẩm là một lời buộc tội nặng nề. Nhưng đồng thời ở miền Nam – khoảng 1960 – và ở toàn quốc cùng với hải ngoại sau này, Nhân văn-Giai phẩm, ngược lại, là một danh xưng cao đẹp, tượng trưng cho tầng lớp trí thức tài năng, sáng suốt, dũng cảm và bất khuất trước cường quyền và bạo lực.

image

Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần

Câu chuyện nay đã đúng 60 năm, cái gút văn học đã từ từ được tháo gỡ: các tác giả được khôi phục, được xuất bản tác phẩm, được giải thưởng. Trần Đức Thảo được giải thưởng Hồ Chí Minh từ 2000; Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm được Giải thưởng Nhà nước. Phải chăng là "vụ án" văn học đã được xếp lại? Thế sao trong tang lễ Nguyễn Hữu Đang, 10/2/2007, đại diện chính quyền, trong điếu văn còn nhắc lại "sai lầm Nhân văn Giai phẩm"? Phải chăng là thành ngữ Nhân văn Giai phẩm có nhiều nội hàm khác nhau?

*

Tôi khởi thảo bài này, đúng lúc báo mạng talawas ngày 20-3- 2007, đăng bài của nhà văn Nhật Tiến cùng một đề tài. Anh cũng mờ mờ nhân ảnh như tôi, nhưng dũng cảm hơn, và kết luận về việc Hoàng Cầm và Lê Đạt nhận giải thưởng: "Phải chi các ông tuyên bố được rằng: sẵn sàng nhận giải với điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam minh bạch công nhận đã sai lầm trong công cuộc đàn áp phong trào Nhân văn Giai phẩm".

Tôi cùng một suy nghĩ với anh, nhưng không dám ngay thẳng đòi hỏi như thế. Vì giá dụ lỡ như hai ông ấy, trong thâm tâm, không cho rằng Đảng sai lầm, thì sao?

Vì không hiểu rõ nội vụ, tôi thử đưa ra một "giả thuyết thao tác", bắt đầu bằng một hình ảnh: các nhà văn trong hai đợt Giai phẩmNhân văn là nạn nhân của một hiện tượng đông đá (glaciation), từ nước, hay tuyết, đông đặc thành băng giá. Nôm na là: Giai phẩmNhân văn là một phong trào văn học tự phát năm 1956 nhưng gặp phải lúc Đảng Lao động đang chuyển từ chính sách mềm dẻo sang một chế độ chuyên chế cứng rắn, từ 1957, để chuẩn bị thống nhất đất nước bằng vũ lực. Nghĩa là, vừa phải trực diện với Mỹ và khối tư bản, vừa phải đối phó với đàn anh Liên Xô sau diễn văn Khrushchev, chủ trương Sửa sai, Xét lại và Chung sống hoà bình; và đàn anh Trung Quốc chống hữu khuynh, chống xét lại và phát động chính sách Đại Nhảy vọt.

1956, năm bản lề cho Liên bang Xô Viết và các Đảng Cộng sản toàn thế giới [1], sử gia Pierre Brocheux đã viết như thế để mở đầu cho chương, rất uyên bác, ông dành cho Nhân văn-Giai phẩm (trong cuốn sách viết về Hồ Chí Minh, xem chú thích [1] - DĐ). Toàn thế giới căng thẳng như vậy, Việt Nam còn có nghịch cảnh riêng, nhức nhối hơn: dự án thống nhất đất nước trù tính vào tháng 7-1956 theo Hiệp định Genève đã không thành. Chính quyền Hà Nội quản lý miền Bắc cầm chừng trong hai năm 1955-1956 về mặt chính trị, xã hội, văn hoá lẫn kinh tế, đến thời điểm nào đó, phải dứt khoát. Thậm chí Lưu Thiếu Kỳ, trước Đại hội Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 25-3-1963, còn cho rằng "Hồ Chí Minh xưa nay vẫn là tay hữu khuynh (…) Sau chiến cuộc (1954) hắn vẫn còn chần chờ, không chọn chế độ tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa. Chính chúng ta (Trung Quốc) phải quyết định cho hắn" [2]. Ngày 12-11-1954, Phạm Văn Đồng hỏi Jean Sainteny: "Ai bảo các anh chúng tôi là chế độ cộng sản?" [3]

Brocheux còn viết: "Cùng một giai đoạn này, Trung Quốc và Bắc Việt Nam thiết lập chế độ Sta-li-niêng, độc tài đảng trị, tập thể hoá nông thôn, áp dụng phương pháp toàn trị để tiêu diệt đối kháng, đàn áp mọi lệch lạc trí thức và văn nghệ, phát triển kinh tế theo kế hoạch nhà nước. Sự trùng hợp về niên biểu giữa các biến cố xảy ra cùng năm 1956 hiển nhiên đến độ chúng ta khó bề phủ nhận quan hệ nhân quả, hiệu ứng ảnh hưởng, dây chuyền và phản động lực, dù Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp có giảm bớt hay phủ nhận. Trả lời ký giả Tibor Mende hỏi tự nhiên: khi sửa sai việc cải cách ruộng đất, ‘Việt Nam có tham dự vào cuộc xáo trộn trong thế giới cộng sản không?’ Hồ và Giáp trả lời lấp lửng: chỉ có những yếu tố địa phương quyết định đường lối". [4] Như vậy, trong "các yếu tố địa phương", đặc biệt của Việt Nam, phải nói quyết tâm thống nhất đất nước là quan trọng hàng đầu.

Brocheux là sử gia ngoại quốc, lại không phải là dân văn nghệ, có thể khách quan hơn chúng ta, người chìm trong cuộc, dễ chủ quan.

Thời gian này có giáo sư Pháp Gérard Tongas, sống tại Hà Nội (1953-1959) và viết sách dày cộm tựa đề dài dòng Tôi đã sống trong Địa ngục Cộng sản Bắc Việt Nam và đã chọn Tự do. Ông nhận định: "Chế độ cộng sản chỉ mới được thiết lập tại miền Bắc Việt Nam từ tháng chạp 1956"[5]. Ông nói thì chúng ta phải tin, vì một người ngoại quốc, trong một tác phẩm chống cộng thẳng thừng như vậy không có lý do gì biện hộ cho Việt Minh và cộng sản. Ông dành khoảng 15 trang cho phong trào Nhân văn-Giai phẩm (tr. 329-343). Theo ông, thì từ tháng 2-1957, báo cáo của Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ 2 tại Hà Nội đã vạch đường lối để cộng sản hoá miền Bắc và chuẩn bị thống nhất với miền Nam, rồi xích hoá luôn phía bên kia vĩ tuyến (tr. 334).

Ông còn mách, trong năm 1956, khoảng tháng 10-11 (thời điểm báo Nhân văn) có một luồng gió thông thoáng thổi qua Hà Nội: Đức cha Trịnh Như Khuê, Tổng Giám mục, được tự do đi lại và đã thừa cơ hội thăm các họ đạo. Đến cuối năm 1958, các tu sĩ người nước ngoài mới dần dần bị trục xuất vì "hoạt động chính trị phản động chống chế độ".[6]

Về 1956, "năm bản lề", sử gia Brocheux tường trình rất căn cơ, lý luận khúc chiết. Ông nhắc lại báo cáo mật ngày 24-2-1956 của Khrushchev, cuộc nổi dậy tại Poznan, Ba Lan tháng 6-1956, phát biểu của Chu Ân Lai bênh vực Ba Lan – xâm phạm độc quyền quốc tế của Liên Xô – cuộc nổi dậy của Budapest ngày 23-10-1956 bị Hồng quân đàn áp, và Mao Trạch Đông, có lẽ e sợ truyền nhiễm, đã ủng hộ Liên Xô. Sau đó là chính sách Trăm hoa đua nở, 1956 ở Trung Quốc, có lẽ để giải quyết những khó khăn nội bộ. Và ông dè dặt: "Tiếc rằng chúng ta không biết rõ rệt ảnh hưởng tại Việt Nam của báo cáo Khrushchev mà phái đoàn đại biểu đã mang về". [7]

clip_image005

Tố Hữu

Thì nay ta có lời giải đáp của Tố Hữu, do Đặng Phong trích dẫn [8]:

"Bản báo cáo của Khrushchev ở Đại hội XX đã gây thêm khó khăn cho Đảng ta và giúp cho bọn phản động ở miền Bắc thừa cơ gây rối loạn trong xã hội. Chúng đả kích chế độ xã hội chủ nghĩa, đòi xét lại vai trò lãnh đạo của Đảng, thậm chí đòi lật đổ chính quyền cách mạng!

Lợi dụng sự bất lực của cơ quan quản lý, chúng xuất bản báo Nhân văn, các tập Giai phẩm, tập hợp một số bất mãn và bọn thù địch giấu mặt. Nguy hiểm nhất là bọn gián điệp đội lốt ‘học giả’ nước ngoài đứng đằng sau bày mưu kế… Một số ít anh em văn nghệ trí thức vốn có những quan điểm lệch lạc, dao động trước tình hình khó khăn trong nước và trên thế giới, cũng ngây thơ chạy theo chúng… Báo Nhân văn và các tập Giai phẩm được lưu hành nhiều nơi, kể cả đưa vào Nam và ra nước ngoài."[9]

Lời lẽ Tố Hữu cần được giải thích:

Báo cáo Khrushchev lúc đó không nhiều người biết. Trong nhóm Giai phẩmNhân văn, Lê Đạt không biết, Nguyễn Hữu Đang có biết [10]. Nhưng đối với đảng quyền, rõ ràng là trầm trọng.

Những rối loạn trong xã hội nói trên đã xảy ra tại các vùng Công giáo Nghệ An, Nam Định, vài nơi đồng bào miền núi, tại nông thôn có nơi phản ứng lại việc Cải cách rộng đất. Trường Chinh thừa nhận những điều này trong báo cáo 13-3-1958, và cho rằng do cơ hội diễn văn Khrushchev [11].

Còn "gián điệp đội lốt học giả", ám chỉ Maurice Durand, giám đốc trường Viễn đông Bác cổ, bị trục xuất thời đó. Phải chăng vì ông đã "cho mượn" báo France ObservateurLes Temps Modernes trình bày tình hình thế giới. Trong những người được đọc các báo này, có Trần Đức Thảo. Nhưng rõ ràng là đảng quyền đã dao động trước các cuộc nổi dậy ở Ba Lan, Hungary và nhất là trước chính sách Xét lại, Chung sống hoà bình mà Khrushchev mới đưa ra.

Trong báo cáo 13-3-1958 nói trên, Trường Chinh đã lên án báo Nhân văn "đề xướng những tư tưởng của chủ nghĩa xét lại" là phá hoại chế độ trên bốn diện: chính trị, kinh tế, văn hoá và ngoại giao: "Về chính sách ngoại giao và quốc tế (nhóm Nhân văn) đề nghị đứng trung lập và nhận viện trợ của hai phe; đòi xét lại vai trò lãnh đạo của Liên Xô trong phe ta và cho rằng giai cấp công nhân không lãnh đạo thì cách mạng thuộc địa vẫn có thể thắng lợi được" [12].

Lời buộc tội nghiêm trọng như vậy, nhắm vào ai? Không lẽ chỉ quy chụp một nhóm lèo tèo dăm ba nhà văn nhà thơ lớ ngớ quy tụ chung quanh báo Nhân văn? Muốn "đề xướng" một chính sách nội trị và ngoại giao lớn lao như vậy, phải là một chính đảng lớn, hoặc có thẩm quyền phát ngôn, hoặc đang cầm quyền, muốn đề xuất chính sách mới.

Ngày nay, chúng ta tiếp xúc dễ dàng với Hoàng Cầm, Lê Đạt, và biết rằng các ông ấy, thời điểm 1956, có hiểu biết "chính sách ngoại giao và quốc tế" là cái mô tê ất giáp gì đâu!

Lê Đạt tâm sự: "Lúc đó phải nói thật là chúng tôi chưa suy nghĩ gì sâu xa lắm đâu. Lúc đó tôi còn quá trẻ, mới 26, 27 tuổi, tôi chỉ nghĩ rằng anh em bây giờ trong điều kiện hoà bình thì phải chống lại vấn đề kiểm duyệt, nó khắt khe quá, và hai là chống thứ văn nghệ độc tôn, thực hiện tự do sáng tác… Nếu nói đến một cái ảnh hưởng gì đó của Nga, thì không phải là ảnh hưởng của phong trào nào của Nga, mà là ảnh hưởng một nhà thơ Nga mà tôi rất yêu mến, đó là Mayakovski. Như thế không thể gọi là ảnh hưởng phong trào này kia được. Hoàng Cầm, nhất là Văn Cao cũng chả ảnh hưởng gì của Maya cả, lại có cả anh Nguyễn Sáng và Sỹ Ngọc là những người của hội hoạ. Cho nên anh em là vui với nhau để chứng tỏ rằng những người nghệ sĩ, những người sáng tác có quyền sáng tác một cách tự do". [13] Không có bằng cớ gì chứng tỏ các ông ấy muốn thành lập những câu lạc bộ Pê-tô-phi như ở Hungary 1956.

Khi xảy ra vụ án Nhân văn-Giai phẩm, nghe đâu Hồ Chí Minh có nói: không nên dùng dao mổ trâu để mổ gà. Sử gia Georges Boudarel, một chuyên gia đáng tin cậy về Nhân văn-Giai phẩm, đã sống tại Hà Nội thời gian này, mách Brocheux: trên báo Nhân dân ngày 16-9-1958, dưới bút danh Trần Lực, Hồ Chí Minh có lên án nhà văn nữ Trung Quốc Đinh Linh theo đà vụ án Trăm hoa đua nở chống hữu khuynh của Bắc Kinh giữa năm 1957.

Sử gia Brocheux đâm ra băn khoăn: "Hồ Chí Minh trích dẫn một tiểu thuyết gia nữ Trung Quốc mà không nhắc tên một tác giả Việt Nam nào, thậm chí cả tên Nhân văn, đưa chúng tôi đến thắc mắc: liệu ông có thật sự tán thành đợt đàn áp trí thức phản kháng?" [14].

Quan điểm chúng tôi: hai tờ báo Giai phẩmNhân văn, những truyện, thơ, chính luận, chính kiến xuất hiện trên đó, trong năm 1956 chỉ là cái cớ, cơ hội cho những phe phái cầm quyền tranh chấp và răn đe nhau. Báo cáo của Trường Chinh, 13-3-1958, đưa ra những lời lên án nặng nề và trầm trọng không thể chỉ nhắm vào đám nhà thơ cỡ Trần Dần, Phùng Quán. Còn Thuỵ An thì nghĩa lý gì? Trường Chinh và phe cánh ông, mà Tố Hữu là cái loa ồn ào nhất, nhắm vào cái gì khác, và ai đó khác. Cái gì khác thì ta có thể suy đoán ra. Còn ai khác là ai với ai? Quyền lực cao cấp nhất là cấp bực nào trong guồng máy?

Mười năm sau, sự kiện tiếp theo là vụ án “Xét lại chống Đảng” 1967, sẽ hé thêm một ít tia sáng, nhưng cũng không nhiều. Nói như vậy là phần nào đó giải mã cho vụ án Nhân văn-Giai phẩm, giải oan cho những anh em làm văn nghệ có bài đăng trên hai tờ báo đó: họ là những con dê tế thần trên bàn thờ quyền lực. Bi thảm hơn, có khi, có người chỉ là con giun, cái kiến dưới gót sắt của một vài quan chức cơ hội – những thợ câu luôn luôn có mặt ở những khúc quành nước đục.

*

Vụ án Nhân văn-Giai phẩm là phông cảnh cho một cuộc tranh chấp quyền lực trong nội bộ Đảng Lao động Việt Nam vào khoảng 1957, giai đoạn quá độ từ nền hành chánh tạm thời hoà hoãn, đến một chế độ chuyên chính toàn trị: đây là một tiền đề có cơ sở lịch sử và duy lý.

Nhưng hệ luận của nó, mà chúng tôi muốn đề xuất, là quá trình chuyên chế hoá này gắn liền với quyết định võ trang thống nhất đất nước, đánh vào miền Nam, thì khó chứng minh hơn.

Trên giấy trắng mực đen, chế độ chuyên chính miền Bắc được xác định trên cơ sở Đại hội Đảng lần thứ 3, tháng 9-1960. Đại hội được dự trù vào năm 1958, so với dự kiến cuối năm 1956. Vụ việc Nhân văn-Giai phẩm rơi đúng boong vào thời điểm này: đối với Lê Đạt, Hoàng Cầm, và các bạn, là một tình cờ (contingence) nhưng với người cầm quyền là một quy luật (nécessité). Người biết và sử dụng được quy luật – tạm gọi là biện chứng – thì thăng quyền tiến chức, như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi; người biết, nhưng chỉ né tránh thì tồn tại như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng; hay xa lánh như Nguyên Hồng. Người không biết, đành phải sa hầm sẩy hố, như Phùng Cung, Nguyễn Hữu Đang.

Bài này chỉ khoanh vùng nghị luận: đảng quyền, hay một bộ phận quyền lực Hà Nội đã quyết định đánh vào văn nghệ, cùng một lúc, hay trước khi đánh xuống miền Nam. Một mặt trận nhỏ để chuẩn bị tư tưởng cho trận tuyến lớn, dài hơi, phát xuất từ một chế độ thuần nhất, toàn trị và đảng trị.

Những chuyến xe tăng sẵn sàng chuyển bánh vào Nam, bắt đầu trên những trang giấy Giai phẩmNhân văn.

Bên trong thời điểm trùng hợp, thì hai mặt trận, một nhỏ một lớn, có quan hệ hữu cơ: không thể đánh vào miền Nam mà vẫn tôn trọng những báo Giai phẩmNhân văn phía sau lưng – với những đòi hỏi tự do, dân chủ, và… quyền biểu tình! Đây không những là việc thực tế hiển nhiên, mà còn là việc chọn lựa cơ chế chính tri, hệ luận của Hiệp định Genève. Có Tổng tuyển cử 1956, thì dù ít dù nhiều, phải thực thi dân chủ, và cũng là cơ hội để uyển chuyển cơ chế chính trị. Không có Tổng tuyển cử thì đành chọn con đường khác.

Theo văn kiện chính thức của Đảng, lệnh võ trang giải phóng miền Nam được ban hành từ Hội nghị Trung ương lần thứ 15, vào tháng 1-1959. Nhưng ý định và quyết tâm phải có trước đó.

Có thể là có từ lâu, nhưng thành hình cụ thể có lẽ vào 1957, khi Lê Duẩn từ Nam Bộ ra Hà Nội, dần dà nắm quyền lãnh đạo. Có lẽ vì dự án Tổng tuyển cử không thành, nên bang giao Việt-Pháp trở nên gay gắt: trường Viễn đông Bác cổ, tên tiếng Pháp là trường Pháp quốc Viễn đông (Ecole Française d’Extrême Orient) bị đóng cửa; giám đốc, chuyên gia về văn hoá, văn học Việt Nam là Maurice Durand bị trục xuất vì cái tội mà Tố Hữu gọi là "gián điệp đội lốt học giả nước ngoài".

Tô Hoài được học tập và được "phổ biến": "vấn đề phức tạp cả trong nhiều tầng lớp xã hội, không phải mấy truyện ngắn, mấy bài thơ là tất cả. Trong những anh em ấy không phải ai cũng biết tác động nhuốm màu chính trị lan truyền trong hoạt động Đảng Xã hội Pháp cũ. SFIO… Lại ông Đuy-răng ‘con’, tay chơi đồ cổ có hạng, nói tiếng Việt như ta… Những người nước ngoài vi phạm an ninh đất nước đã bị trục xuất" [15].

(Sao lại xen chuyện SFIO [16], Đảng Xã hội Pháp, vào đây? Có quan hệ gì đến hai chính đảng Dân chủ và Xã hội lúc đó?)

Gọi là "Đuy-răng con" để phân biệt với Gustave Durand "bố", giáo sư Hán học tại Hà Nội [17]. Cũng trong giữa năm 1957 này, Jean Sainteny, Tổng Đại diện Cộng hoà Pháp, thân thiết với Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, được "mời khéo" không trở lại Hà Nội, theo một nguồn tin riêng của Gerard Tongas;[18] sau đó là các nam nữ tu sĩ nước ngoài phải ra đi.

Trong nhật ký ngày 3-14 tháng 3-1958, nhật ký riêng, không phải bản kiểm thảo, Trần Dần viết: "bọn gián điệp vẫn liên lạc với Sainteny, là Thuỵ An" [19]. Cũng như Tô Hoài, Trần Dần chỉ "nghe phổ biến" và nói lại vậy thôi. Cho đến nay chưa ai đưa ra tư liệu gì chứng tỏ Durand và Thuỵ An là gián điệp – mà chuyện ấy cũng khó tin.

*

Phong trào Giai phẩmNhân văn khởi thuỷ từ tháng 3-1955, khi hai nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt đầu têu phê phán tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, và được nhiều người tán thành. Tập thơ ê a hoài cựu, dòng thơ lục bát không có gì mới, nội dung vân vê kỷ niệm không lấy gì làm sâu sắc. Nhưng rồi tập thơ lại được giải nhất đầu năm 1956.

Khi đánh vào Tố Hữu - Việt Bắc, nhóm phản kháng không dè là đụng phải một đối tượng khác, đụng phải Tố Hữu – "Ta đi tới". Ông Tố Hữu trước hồi cố: mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng; ông Tố Hữu sau nhìn về tương lai, phía Nam – ta đi tới, trên đường ta bước tiếp, trong một bài thơ có lẽ là tác phẩm được học tập, truyền tụng sâu rộng nhất thời đó.

Đường ta rộng thênh thang tám thước

Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên

Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên

Đường Cách mạng dài theo kháng chiến

(…)

Ai đi Nam Bộ

Tiền Giang, Hậu Giang

Ai vô thành phố

Hồ Chí Minh

Rực rỡ tên vàng

(…)

Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp

Rắn như thép, vững như đồng

Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp

Cao như núi, dài như sông

Chí ta lớn như biển Đông trước mặt

Ta đi tới không thể gì chia cắt

Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau...

Có cái gì báo hiệu chiến dịch mùa xuân 1975, đã bắt đầu ào ạt từ mùa xuân 1972?

Ta đi tới, láy đi lặp lại, là nhịp bước, điệp khúc quân hành, một leitmotiv?

Phê phán Tố Hữu, chủ yếu về nghệ thuật, Trần Dần cao hứng đã có những lời rất nặng “cái nhìn Tố Hữu thật nhỏ bé quá. Nhìn vấn đề gì, vấn đề ấy thu hẹp lại. Yêu ai, người ấy nhỏ đi[20]. Bài viết tháng 5-1955, vô hình trung đã đụng chạm đến một chính sách còn đang ở thế tiềm năng, qua cá nhân Tố Hữu?

Bài “Ta đi tới” được sáng tác ngay sau Hiệp định Genève, vào tháng 8-1954. Ngay lúc đó, hội nghị Xứ uỷ Nam Bộ do Lê Duẩn, bí thư Xứ uỷ, triệu tập tháng 10-1954, đã kết luận: “Có hai khả năng phát triển: có thể Mỹ Diệm buộc phải thi hành Hiệp định Genève và cũng có thể Mỹ Diệm không thi hành. Cách mạng miền Nam cần phải có kế hoạch đối phó với cả hai tình huống trên”. [21]

Sau 1956, bước sang 1957, chính quyền miền Bắc đã cạn kiệt mọi kế hoạch thương thảo, chỉ còn một chọn lựa là vũ lực. Nhưng chần chờ và chuẩn bị, phải đợi đến giữa 1959 mới mở đường Trường Sơn 559. Hạ hồi, thì lịch sử sẽ hùng hồn phân giải - bằng xe tăng và đại pháo.

Cần nói: Tố Hữu không thể là nhân vật chủ chốt trong kế hoạch võ trang giải phóng miền Nam. Bài “Ta đi tới” không phải là cương lĩnh; nó có thể biểu hiện một ý nguyện bị chèn ép, một ẩn ức theo nghĩa Freud; hoặc là một khát vọng dự phóng; hay một thị lực tiên tri. Trong việc đàn áp Nhân văn-Giai phẩm ông đã đọc ba tham luận dữ dội, đại cà sa. Dĩ nhiên đây là việc làm của Tuyên huấn. Nhưng lời lẽ hằn học, nhỏ nhen, chì chiết và chi tiết làm ta băn khoăn: phải chăng bản thân ông bị xúc phạm? Vì những phê phán tập thơ Việt Bắc? Vì báo cáo Khrushchev, việc hạ bệ Stalin? Cơn hoảng hốt sợ mất quyền chức? Ân oán giang hồ?

Hay là bên ngoài nhiệm vụ tuyên huấn, bên ngoài những lý do nói trên, ông phát ngôn thay cho những “phần tử” cứng rắn trong guồng máy? Và những “phần tử” này sẽ dần dần nắm trọn quyền bính khi quyết định tiến chiếm miền Nam? Vụ án Nhân văn-Giai phẩm thì ta đã biết, nhưng đằng sau, hay bên cạnh câu chuyện văn chương, còn có gì khác? Có cuộc tranh giành ảnh hưởng, tranh chấp quyền hành trong nội bộ Đảng Lao động hay không, và vụ án chỉ là một triệu chứng biểu hiện?

Trả lời kiểu nào đi nữa, thì cũng cần ghi nhận: sự kiện Nhân văn-Giai phẩm đã xảy ra ở giai đoạn cực kỳ tế nhị trong nội bộ Đảng Lao động Việt Nam, trước nhiệm vụ bức bách là thống nhất đất nước, gặp phải cơn dao động và hoang mang, mà báo cáo Khrushchev 1956 đã bất ngờ gây ra cho toàn thế giới cộng sản.

Phong trào Giai phẩm-Nhân văn, nếu chỉ xem như là câu chuyện văn học, thì có nhiều tình tiết ta không hiểu rõ, về mặt nội dung lẫn nội vụ, và diễn biến trồi sụt trong ba năm 1956-1957-1958, án lệnh đầu năm 1960. Rồi hậu trình kéo dài hơn nửa thế kỷ, nay vẫn chưa chấm dứt, thăng trầm theo thái độ hư hư thực thực của chính quyền, ở nhiều giai đoạn và cấp bực khác nhau. Vậy Nhân văn-Giai phẩm là cái gì? Nếu là “vụ án” thì nó không phải là văn học, nểu là văn học thì không có gì đáng trở thành “vụ án”.

Giả thuyết chúng tôi đề xuất: Nhân văn-Giai phẩm là mặt nổi của một tảng băng mà phần chìm khuất quan trọng hơn nhiều: là sự tranh chấp quyền lực nội bộ của Đảng Lao động với những răn đe, chuẩn bị, che chắn, áp đặt chiến thuật và chiến lược, trong một thời điểm cực kỳ khó khăn và tế nhị.

Những khó khăn nội trị do Hiệp định Genève và dự án Tổng tuyển cử 1956 không thành, chồng chéo lên trên khó khăn đối ngoại do báo cáo 2-1956 của Khrushchev và mối bất hoà trầm trọng trong khối Nga-Hoa. Chưa kể đến các cuộc nổi dậy tại Ba Lan và Hungary, hậu quả Cải cách ruộng đất, và nhiều yếu tố khác mà chúng ta không biết hết.

Nhưng quan trọng hàng đầu, theo chúng tôi, là dự án võ trang giải phóng miền Nam đang thành hình.

Vì là giả thuyết, bài này không có kết luận.

Đặng Tiến

Orléans, ngày 24-3-2007

Hiệu đính 07- 3- 2016.

Nguồn: Bài đã đăng trên Talawas ngày 5.4.2007 với tiêu đề: "1956, Việt Nam, Giai phẩm, Nhân văn". Tác giả gửi Diễn Đàn đăng lại nhân kỉ niệm 60 năm vụ "Nhân văn - Giai phẩm".

© 2007 talawas (Bài đăng đồng thời trên Thế kỷ 21, số đặc biệt về Nguyễn Hữu Đang, tháng 4.2007).

[1] Brocheux (Pierre), Hồ Chí Minh, tr. 230, nxb Biographie Payot, 2003, Paris

[2] Brocheux, sđd, tr. 245, trích dẫn Yang Kuisong trong "Mao Zedong and the War in Indochina", tham luận hội thảo tại Hồng Kông, 11-12 tháng 1/2000

[3] Devillers P, Lacouture J: Le Vietnam de la Guerre française à la Guerre américaine, tr.377, nxb Le Seuil, 1969, Paris

[4] Devillers P, Lacouture J, sđd, tr. 231

[5] Gérard Tongas, J’ai vécu dans l’Enfer Communiste au Nord Vietnam et j’ai choisi la Liberté, tr.193, nxb Les Nouvelles Editions Debresse, 460 trang, 1960, Paris.

[6] Gérard Tongas, sđd, tr. 431, 423

[7] Gérard Tongas, sđd tr. 230

[8] Đặng Phong, Lịch sử kinh tế Việt Nam, tập II, tr. 97, nxb Khoa học Xã hội, 1200 trang, 2005, Hà Nội.

[9] Tố Hữu, Nhớ lại một thời, tr. 321-322 ; nxb Chính trị Quốc gia, 2000, Hà Nội, trích theo Đặng Phong, tr. 97.

[10] Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang trả lời phỏng vấn, Hợp Lưu, tạp chí, số 81, tháng 2/3-2005, tr.34 và 77, California.

[11] Trường Chinh, báo cáo trước Mặt trận Tổ quốc ngày 13-3-1958

[12] Trường Chinh, như trên; trích theo Bọn Nhân văn-Giai phẩm trước toà án dư luận, tr.368, nxb Sự thật, Hà Nội, 1959.

[13] Trả lời Thuỵ Khuê, Hợp Lưu, số 81 đã dẫn, tr. 34-35

[14] Brocheux, sđd, tr. 234

[15] Tô Hoài, Cát bụi chân ai, tr. 117, nxb Hội Nhà văn, 1992, Hà Nội

[16] SFIO = Section Française de l’Internationale Ouvrière (1905-1969), Phân bộ Pháp của Quốc tế Lao động.

[17] Maurice Durand (1914-1966), sinh tại Hà Nội, mẹ Việt, là một học giả uyên thâm, đã viết: Chùa Một Cột (1949), Chinh phụ ngâm (1953), Kiến thức Việt Nam (Connaissances du Vietnam, 1954), Lên đồng (1959), Cảm từ (Impressifs) trong tiếng Việt (1961), Phan Trần (1962), Tranh tượng dân gian Việt Nam (1969), v v. Gần đây, Hà Nội có xuất bản công trình Thế giới truyện Nôm (L’Univers des truyện Nôm) của ông, nxb Văn hoá, 1998. Đinh Gia Khánh đã viết tựa đại cà sa, hết lời ca ngợi. Ông ấy thôi làm gián điệp?

[18] Gerard Tongas, sđd, tr. 206

[19] Trần Dần, Ghi 1954-1960, tr 240, nxb tdmemoire, 450 trang, 2001, Paris.

[20] Trần Dần, Ghi, sđ d, tr.144

[21] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II, tr.80, nxb Chính trị Quốc gia, 1955, Hà Nội

Nguồn: https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/ky-niem-60-nam-giai-pham-nhan-van