Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Hành động trong chân trời khả thể

Inrasara

1. Tôi biết gì?

Thuở Trung học, tôi rất trung bình. Đất nước thống nhất, như chuột sa chĩnh gạo, tôi cầm được suất “ưu tiên” cho ngồi giảng đường. Tôi hết cử nhân, rồi qua Liên Xô lấy phó tiến sĩ hữu nghị. Tôi được cho vào lò đào tạo một chiều, như thể loài ngựa bị che hai bên mắt để cứ thẳng đường mà đi. Tôi chẳng thấy cái gì khác ngoài tri thức quý ngài ông giáo sư [cũng bị che mắt] từ mấy giáo trình bị tẩy sạch đến không còn đất cho tự do suy tư, phản biện. Vậy thì, hỏi tôi có đáng ưỡn ngực không?

Vì hoàn cảnh, tôi buộc thôi đại học dở chừng. Nhưng bởi tình yêu tri thức, tôi mày mò đọc thêm. Tôi như ếch đáy giếng, được con trùng nào rớt xuống là tôi đớp không chút ngại ngần. Gặp sách nào cũng ngấu nghiến, bắt được thầy nào cũng học. Vài ngàn cuốn sách qua tay tôi, nhưng hoàn toàn không hệ thống. Kiến thức tôi bập bõm trúng trật, thì rõ rồi. “Chúng ta vỡ lòng mốc bụi dĩ vãng”, một nhà văn nói thế. Mốc bụi như vậy, ở đó mà tôi dám vênh mặt với người hàng xóm!

May mắn hơn, tôi sinh ra trong gia đình khá giả, thời cuộc thuận buồm xuôi gió được đào tạo trường Tây, qua đại học chính quy Mỹ, giật lấy bằng tiến sĩ chính hiệu. Tiếng Tây tiếng U đủ đầy. Nhưng tri thức có nghề kia có là cái biết đích thực không? Hay hỏi cách sâu thẳm hơn: tôi biết gì, ngoài chuyên môn của tôi? Mà ngay cả cái chuyên môn kia cũng ra từ một lò, theo một trường phái, qua kiến thức giáo sư hướng dẫn. Nghĩa là nó vẫn bị quy định. Nói một cách hình ảnh thì ngay cả thứ ếch ngồi đáy giếng kia, có thấy một góc trời nhỏ hẹp nào đó, thì góc trời kia cũng đầy mốc bụi, xộc xệch qua mắt nhìn méo xẹo. Cái biết đó mà vỗ ngực với đời thì ngực kia lép xẹp là cái chắc!

Tạm trưng ba trường hợp để hiểu rằng tri thức con người luôn hữu hạn giữa biển cả cuộc đời, luôn bị khuôn định, bị bó hẹp, bị uốn nắn méo mó, bị định hướng thô bạo… cùng chịu nhiễm ô bởi bao nhiêu hệ lụy của hỉ nộ ai lạc giữa cõi người. Cái biết luôn bị quy định bởi tạng của ta, nền giáo dục ta tiếp nhận, tôn giáo ta chịu đựng, môi trường tự nhiên và xã hội cùng nền văn hóa cộng đồng ta sống, các cuốn sách ta đọc; nhỏ hẹp hơn: nền nếp gia đình ta, ông thầy dạy ta, bạn bè ta, buồn vui hằng ngày của ta…

Tôi biết gì? – Câu trả lời chân thật nhất: tôi không biết gì cả!

Của đáng tội là tôi có xu hướng bám lấy mấy thứ danh vị vụn vặt đó: nhà văn, tiến sĩ, nhà nghiên cứu với cái ghế, mớ công trình, mấy tập thơ, vài cuốn tiểu thuyết… Tôi bám, và triển khai và bảo vệ. Rồi khuếch trương chúng ra và bảo vệ chúng quyết liệt hơn nữa. Tôi cần bám cứng vào chúng để tôi được là cái gì đó. Bởi thực sự tôi không biết gì cả, không là gì cả, nếu thiếu chúng, nếu người ta lấy mất chúng đi khỏi tôi.

2. Tôi là gì?

Đó là nói chuyện tri thức. Ngay cả công trình nghiên cứu của tôi có phải là độc sáng riêng tôi? Văn học Chăm khái luận - văn tuyển chẳng hạn, nó có vẻ oai đấy, đã giật hai giải lớn, cũng chỉ là của cóp nhặt đây một ít, kia một xíu. Lượm nhặt và gom lại, ra đầu đuôi gốc ngọn. Nó lại được nhận diện qua kiến thức bất toàn của tôi, được thể hiện qua ngôn ngữ cũng chẳng có gì là của riêng tôi nữa, nên nó luôn là sản phẩm lệch lạc, méo mó, đầy chủ quan. Chủ quan còn đỡ, nó dính đầy bùn đất từ dấu chân của bao người đi trước.

Rồi mấy tập thơ, tiểu thuyết của tôi nữa. Tôi đã gọi đó là sáng tạo, nhưng có thật như thế? Sức mấy! Mọi văn bản đều là tấm khảm của những trích dẫn mosaic of quotations. Đó là nói theo sách. Cụ thể hơn: nhịp điệu, hình ảnh, ngôn từ, tứ thơ, rồi ngay cả dấu phẩy, dấu chấm than… tất cả có phải của riêng tôi đâu. Công việc của tôi chỉ là ráp nối đầy vô thức hay ý thức, sao cho khéo để thành một văn bản “sáng tạo”. Mà mỗi văn bản lại là một liên văn bản intertext, dính vô vàn dấu vết của văn bản và liên văn bản từng tồn tại trước đó.

Hỏi tôi có còn tuyên bố to tát Tháp nắng, Lễ Tẩy trần tháng Tư, Chân dung Cát… là tác phẩm độc sáng của mình nữa không? Ngay bản thân tôi, nó cũng chỉ là một văn bản không hơn kém. Như là tấm áo vá chằng chịt từ bao miếng giẻ rách khác.

Tôi là một văn bản. Chị là một văn bản. Anh là một văn bản. Và em và bác và chú kia và cô nọ… tất cả.

Mỗi văn bản là một mặt nạ. Cho rằng tinh thần con người như tờ giấy trắng miễn trừ khỏi mọi điều kiện hóa hay bao xác tín có sẵn, là lối nghĩ ngây ngô. Vừa ló mặt vào đời, tôi đã mang mặt nạ. Mỗi ngày mặt nạ càng dày thêm, chồng chất lên, tô đậm hơn. Mặt nạ di động, nhìn, nói, cười, làm dáng... mặt nạ tương giao với những mặt nạ. Bạn bè, cha mẹ, bà con lối xóm nhìn mặt nạ tôi qua mặt nạ họ. Đồng ý hay chống đối, hùa theo hay khích bác, ca tụng hoặc bôi nhọ. Mặt nạ cá nhân là một truyền thống nhỏ trong một truyền thống lớn hơn là văn hóa dân tộc, ý thức hệ chính trị, học thuyết tôn giáo…

Kêu đòi: ‘hãy là mình’ là kêu đòi trở về bản thể ảo, bởi thực tại ‘mình’ kia không gì hơn thứ thực tại ảo. Là maya, là “ảo ảnh”. Theo Çankara, đó là ảo ảnh về tính đa dạng, và bởi đa dạng nên nó còn là “sức mạnh thần diệu” khởi động “đà sống” – thứ élan vital, nói theo ngôn từ của Bergson. Maya làm nên tiến bộ, khoa học, tạo dựng văn minh, điều động thế giới. Maya là thực và ảo, ảo mà thực.

3. Làm sao tôi có thể hành động mà không bị thao túng bởi mặt nạ?

Vì mặt nạ luôn mang ở tự thân sự bạo động. Truyền thống [hay mặt nạ lớn] không là gì hơn tập hợp những định kiến ngày càng đậm đặc theo thời gian của đa số áp đảo từ cộng đồng văn hóa. Không thể hô hào cộng đồng nhất tề giải tán mọi mọi truyền thống [hệ thống những cái biết, nghĩa là những định kiến]. Họ chỉ có thể thay đổi, chuyển di từ truyền thống này sang truyền thống khác. Từ từ và tiệm tiến, qua cuộc cách mạng xã hội, bởi cá nhân hay nhóm người. Và không ngừng làm bạo động. Trước, trong và sau cuộc xác lập truyền thống. Ở mọi hình thức, cấp độ. Bởi truyền thống luôn ý hướng bảo thủ, [khi yếu thì] co cụm tự vệ, hay [lúc mạnh thì] khuếch trương thanh thế. Khi truyền thống này va chạm truyền thống kia, xung đột nổ ra. Đối thoại giữa các truyền thống là vấn đề cấp thiết với thế giới toàn cầu hóa.

Cá nhân tôi, làm sao thoát khỏi mặt nạ [hay văn bản] trong một mặt nạ lớn? Đây là câu hỏi mang tính quyết định. Đòi hỏi xóa hết dấu vết lịch sử bị/ được viết lên trang đời mình là điều bất khả. Câu hỏi định mệnh buộc tôi vận dụng toàn bộ sự thông minh tinh thần vào cuộc. Không phải sự lanh lẹ khôn ngoan của lí trí mà là, toàn bộ con người tôi. Tôi cần định tâm để dõi theo các biến trình vô cùng phức tạp của mặt nạ lên tâm thức tôi, tác động tinh thần tôi, quy định hành động tôi. Tôi không chống đối hay đè nén nó, cũng không cố tâm bảo vệ hoặc hùa theo nó. Tôi dõi theo, vậy thôi. Từng mảng mặt nạ tự lật mở và tróc ra, rớt xuống và bay đi. Tôi không còn vướng bận vào bất kì thứ gì nữa. Freedom from the Known giải thoát tri kiến toàn triệt. Thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông… Tôi hết còn đối kháng mặt nạ, mà nhìn mặt nạ như là mặt nạ. Có thể nói, mặt nạ là bản chất đồng thời là hiện tượng của tôi. Tôi và nó hết còn mâu thuẫn gay cấn, thông lưu vô ngại.

4. Nỗi thiếu Quê hương trở thành định mệnh của thế giới. Bởi vậy, định mệnh đó cần được suy tư trên bình diện lịch sử Tính thể. Điều mà khởi từ Hegel, Marx đã thức nhận theo một nghĩa tinh yếu và quan trọng như là sự vong thân của con người, điều ấy cắm rễ thật sâu trong nỗi thiếu Quê hương của con người thời hiện đại Homelessness is coming to be the destiny of the world. Hence it is necessary to think that destiny in term of the history of Being. What Marx recognized in an essential and significant sense, though derived from Hegel, as the estrangement of man has its roots in the homelessness of modern man.

Quê hương của ngụ cư mang tính lịch sử này là sự cư lưu gần gũi Tính thể The homeland of this historical dwelling is nearness to Being… Chỉ như thế, khởi từ Tính thể, mới có thể khởi động sự vượt bỏ nỗi thiếu vắng Quê hương, một thiếu vắng nơi đó chẳng những con người mà cả bản thể của con người đang trượt dài vô phương hướng Only thus does the overcoming of homelessness begin from Being, a homelessness in which not only man but the essence of man stumbles aimlessly about (Martin Heidegger, Letter on Humanism in Basic writings, translation of David Farrell Krell, Harper Perennial – Modern Thought, London, 2008).

Để tiếp cận Quê hương, kẻ tư tưởng đã phải rong ruổi cùng nỗi luân lạc của Quê hương, kiên trì giữ ngọn lửa âm ỉ cháy qua bao nguôi ngoai của tháng ngày biền biệt mà không bị khấu trừ bởi lợi lộc nào bất kì đến từ đời sống, không hãi sợ trước dọa nạt của thời cuộc. Đồng thời kẻ tư tưởng cần đến dũng cảm cùng độ, một dũng cảm sẵn sàng phó mình, đốt cháy mình cho nỗi linh hiển của bóng sáng Quê hương.

Khi đã định, đã cư ngụ tại Quê hương như là ở nhà, kẻ tư tưởng dự phóng và hành động trong chân trời khả thể. Hành động trong chân trời khả thể thì cách biệt cả vực thẳm với “hoạt động trong điều kiện và hoàn cảnh”. Nghĩa là tự do khỏi mọi giới hạn. Cư trú tại nhà nhưng hắn cưu mang cả thế giới bên trong mình. Hắn cùng vạn sự vật tương liên với cái nhà – chấp nhận nó, và yêu thương nó. Khi hiểu như thế, hắn “trở về” sống chung với người xung quanh, với thế giới sự vật xung quanh. Không chọn lựa. Hắn học yêu nó, mỗi ngày!

5. Tôi là Cham sinh ra tại Chakleng trong đất nước Việt Nam cư lưu giữa hai thế kỉ XX và thế kỉ XXI. Tôi nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ Cham, sáng tác thơ tiếng Việt và tiếng Cham, phê bình trong nỗ lực khai mở vùng đất cho nhiều trào lưu thơ ca cùng tồn tại và phát triển. Vô nghĩa, có khi vô ích - trong vô cùng tháng năm giữa mênh mông vũ trụ. Hölderlin:

Lâu dài là / Thời gian…/ Chúng ta là Con ma, tước mất ý nghĩa.

Long est / Le Temps…/ Nous sommes un Montre, privé du sens.

Hiểu sâu thẳm như thế, nhưng tôi vẫn nỗ lực hết mình. Và vui thú với ý nghĩa của vô nghĩa kia. Cuối cùng, hơn nửa đời hư, tôi có trong tay lưng vốn sự nghiệp. Tuy nhiên…

Hölderlin nói tiếp:

Đầy tràn công danh sự nghiệp

nhưng con người cư lưu một cách thơ mộng trên trái đất này

Full of merit,/ yet poetically, man dwells on this earth.

Ngoảnh lại, tôi hỏi: chúng có phải là công trình của tôi không, hay đó chỉ là thứ tiền văn bản trùng trùng duyên khởi sẵn sàng tạo tác nên các văn bản khác, như thể tuồng ảo hóa vô tận của kiếp chữ và kiếp người?

Tôi làm gì? Tôi là gì? Tôi biết gì? Tôi không biết gì cả! Tôi không là gì cả! Tôi cũng không thể làm gì cả! Nhưng dẫu sao đi nữa, tôi vẫn phải hành động trong chân trời khả thể của định mệnh vô nghĩa mình xẹt qua lâu dài thời gian.

Hành động và yêu thương như là một cư lưu đầy thơ mộng.

Sài Gòn, 2-4-2015