Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Vĩnh biệt nhà thơ - dịch giả Dương Tường

Nhà thơ - dịch giả Dương Tường, thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, cộng tác viên của Văn Việt, đã từ biệt chúng ta vào lúc 20 giờ 8 phút ngày 24/2/2023 tại Hà Nội.

Cả cuộc đời say mê, tận tuỵ, hết tâm lực với CHỮ, ông đã góp phần quan trọng mở ra đại dương văn học thế giới cho người đọc Việt Nam, đã sáng tạo thi pháp ÂM BỒI trong thơ Việt. Kiến thức uyên bác của ông về các bộ môn nghệ thuật đã góp phần thúc đẩy sự cách tân, hiện đại hoá trong nghệ thuật Việt Nam, nhất là trong hội hoạ. Nguyện “ĐỨNG VỀ PHE NƯỚC MẮT”, ông đã sống trọn vẹn con người mình, với trái tim rộng mở cho những người yếu thế và những người trẻ trên con đường sáng tạo gian nan. Ông là người bạn chân thành của đông đảo người sáng tác.

Văn Việt vô cùng thương tiếc nhà thơ - dịch giả Dương Tường. Xin thành kính phân ưu cùng tang quyến.

Nhân đây, xin trân trọng giới thiệu một bài viết về quan niệm Thơ cùng một số bài thơ của Dương Tường.

VĂN VIỆT

Ai đầu tiên gọi chích chòe là chích chòe?

Tháng 11/1995, trong chuyến thăm trường Đại học Columbia ở New York, tôi có dịp gặp P. Gordon, một nhà nghiên cứu Việt Nam học. Thật là một ngạc nhiên thú vị được bàn luận về thơ Việt Nam với một người Mỹ trên đất Mỹ. Trong cuộc trò chuyện, Gordon hỏi tôi đôi điều liên quan đến “cây diêu bông”: nó thuộc họ thực vật nào, hình dáng ra sao? tên khoa học của nó là gì? v.v. Bởi lẽ ông đã đọc và đã mê bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm và, cũng như khá nhiều độc giả khác, nhất định tin rằng có một loài cây gọi là “diêu bông” thật trong thiên thiên. Ông nói đã tra tất cả các loại từ điển tiếng Việt mà không ra. Tôi bèn nhân danh là bạn của nhà thơ xin lỗi đã để ông mất công đuổi theo một cái bóng bởi lẽ loài cây bí ẩn kia chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của nhà thơ mà thôi. Diêu bông, tôi giải thích, thuộc loại từ “bịa”, tương tự như nonce-word (từ đặt ra để dùng trong một trường hợp đặc biệt) của Anh/Mỹ, nó còn quá mới để được đưa vào từ điển “chính quy” trong tình hình ngành từ điển học sơ sinh của Việt Nam chưa phát triển đủ mức để soạn ra những từ điển đặc chuyên kiểu Dictionary of Nonce-words của Anh/Mỹ hoặc Dictionaire des Neologisines của Pháp.

Do đâu mà nẩy ra cái từ diêu bông phi ngữ nghĩa song lại đầy biểu năng trực cảm ấy? Nói cách nào đó, diêu bông không biểu nghĩa, mà chủ yếu là biểu âm. Một trong những đặc thù của cái đẹp nơi chữ thơ, tôi nghĩ, là sự lên ngôi của con âm thay vì con nghĩa. Hãy một lần nữa nghe bà cô tổ Hồ Xuân Hương của chúng ta biểu âm sự nứt ra của một động Hương Tích:

Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm

Cái động từ phòm (hình như chỉ được dùng hai lần trong thơ Hồ Xuân Hương, ngoài ra không gặp ở đâu khác) cũng thuộc loại từ “bịa” phi ngữ nghĩa mà biểu năng trực cảm của nó kỳ diệu đến nỗi ai cũng hiểu tác giả định nói gì. Không có khả năng như tạo hóa “bịa” ra, chẳng hạn, một động Hương Tích thì nhà thơ “bịa” ra chữ! Những chữ tinh khôi tự nhiên như bản thân sự sống, vừa ra đời đã trở thành những thực thể.

Thi sĩ, tôi quan niệm, là kẻ đầu tiên kéo thế giới ra khỏi vùng khuyết danh. Mà khuyết danh có nghĩa là chưa tồn tại. Thi sĩ cho sự vật một cái tên mà trước đó nó chưa có – tức là đưa nó vào tồn tại. Ai đầu tiên gọi chích chòe, khi nó còn khuyết danh, là chích chòe, người ấy đích thị là một nhà thơ. Loài chim ấy ắt đã có từ rất lâu trước đó, người ta hẳn đã nhiều lần thử đặt cho nó một cái tên nhưng không đậu và chỉ đến khi ai đó, trong một lóe chớp thần hứng, bật thốt lên hai âm tiết chích chòe trúng pắp, không gì thay thể nổi, thì nó mới thực sự tồn tại, thêm cho trời đất một cái gì không chỉ đơn thuần là một loài chim.

Hoàng Cầm đã “bịa” ra một loài cây cho ai kia bỏ một đời đi tìm lá dẫu biết chẳng bao giờ thấy được. Hư ảnh đã ngự vào đời thực, trở thành một thực thể trường tồn, chí ít cũng dài lâu hơn đời nhà thơ.

 

THƠ DƯƠNG TƯỜNG

 

Để ghi trên mộ chí

 

Tôi đứng về phe nước mắt


1968

 

 

      Romance 1

 

những ngón tay mưa
dương cầm trên mái

những ngón tay mưa
kéo dài tai quái
một nỗi nhớ siêu hình
nhạc nhoè đường xanh
đêm lập thể

những ngón tay mưa
truồi theo phố lạnh
màu nâu cảm tính
đường parabole tư duy
điệp khúc u hoài
những chuyên tàu di

những ngón tay mưa
trời sao bạc
tím mộng Scheherazade
đêm ngàn-lẻ-hai

ngã tư
cột dèn
ô kính
những ngón tay mưa
xập xoè kỉ niệm

em
mười chín
mưa
bụi sao

ngả nghiêng trời nào
một chớp mi
thăm thẳm

*

đừng hát nữa em
những ngón tay mưa
những ngón tay mưa...


1963

 

 

Noel 2

 

Nôel
đèn
môi em
za em
jêruzalem
pha phem
hang/hem Ðức Mẹ
jọt
jọt
hé he
mùi quen
mà quên

Nôel
bụi sáng
bạch lạp ngực rằm
năm nắm
ngực rằm
nem nén
ngực rằm
bạch lạp
Avê
Mariem

mười bảy
đồng trinh
hai mươi
đồng trinh
phi lí
đồng trinh
chuông            lá khói
chìm

requiem
mưa nhem
lọ lem
hài em
phi lí
bạch lạp ngực rằm
sao Bethlê-em
để
chuông            lá khói
chìm

*

Nôel
Nô-elle
Nô-em
trót quen
thành quen

phố nêm
phonème
kèm kem
đèn ren
đùi ren
lụa len
phố nêm
mà im
thèm
men

nhá nhem
lối khói
lá khói
bohème
boong
boong
chuông em
lá khói
thèm em
thềm êm
đường đêm
tràn im
khuya thêm
rộng thêm
mùi thêm
buồn thêm

sao em
phi lí
ngực rằm
phi lí
đồng trinh
phi lí
kèn đen
tình đen
tình điên
pòm pem
mưa đêm
cột đèn
chờ em
mõm dêm

Nôel
Nô-elle
Nô-em
Nô-men
No man’s land
N-mô m-nen x-len
leng beng
lang ben
ma lem
Mariem
x-em x-em
hem em
đồng trinh
Amen


1967

 

 

Tình khúc 24

 

24 phím cầm chiều
24 nhành sương mím
24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư

Gửi lại em
cầu thang 24 bậc
tờ thư 24 gác mưa
làn menuet 24 âm xưa

Gửi lại em
mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm
ga khuya 24 lần đưa đón
bài huê tình 24 lối sân sau

Gửi lại em
doi sông 24 nhịp cầu
tình khúc bãi ngô 24
sương dâng 24 nẻo đi về

Nhâm nhâm 24 hàng đèn
mênh mênh 24 ngã tư mắt

Gửi lại em
chiêm bao 24 chợt hiện tan
cung đàn 24 lần đứt nối
vũng im đêm 24 mạy sao chìm

Gửi lại em
24 phố dài thơm
24 xêrênađ
24 vibratô
24 khung trời tím
24 lối công viên
24 vầng trăng goá

Gửi lại em
gửi lại em tất cả
kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ

Riêng đêm em xoà bóng nốt ruồi
24 quầng

anh giữ


1967

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

 

 

Chợt thu

 

một thoáng rợn tên là heo may
một hương cây tên là kỷ niệm
một góc phố tên là hò hẹn
một nỗi nhớ tên là không tên


1968

 

 

 

Chợt thu 2

 

Chiều se sẽ hương
Vườn se sẽ sương
Đường se sẽ quạnh
Trời se sẽ lạnh
Người se sẽ buồn


1969

 

 

 

Serenade 3

 

Chờ em đường dương cầm xanh
dạy thì nõn dương cầm phố

Chờ em đường dương cầm sương
chúm chím nụ dương cầm biếc

Chờ em đường dương cầm xiêm
vằng vặc ngực dương cầm trinh

Chờ em đường dương cầm khuya
ôi cái im đêm thơm mọng

Chờ em đường dương cầm trăng
ứa nhuỵ lạch dương cầm xuân

Chờ em đường dương cầm mưa
giọt giọt lá buồn dạ khúc
xào xạc lòng tay khuya

anh về lối dương cầm lạnh


1973

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát Dương cầm lạnh.

 

 

America

 

I call you Miss Diagonal, babe

*

I met you, Miss Diagonal
in Broadway
the only artery which runs diagonal
in the whole grid-like Manhattan
and I realize
you’re Broadway so mesmerisingly long

*

I look at America
through
your perversely di tenderness
your vulnerably    a     gynecology
your frustratingly     g      sensuality
your waywardly            o       friendliness
your hopelessly                 n        dynamism
your puzzlingly                      al         pussy

*

I met you, diagonal girl
in diagonal Broadway
and I realize
you’re America


8/11/1995
New York City

A-mê-ri-cơ

 

bé em à, tôi gọi em là Nàng Chéo

*

tôi đã gặp em, Nàng Chéo
ở Broadway
con đường duy nhất chạy xiên chéo
trong cả khu Manhattan ngang dọc bàn cờ
và tôi chợt hiểu
em là Broadway
dài đến lạc hồn

*

tôi nhìn nước Mĩ
qua mềm mại em phi lí   chéo
qua phụ khoa em hơ hớ      chéo
qua nhục dục em ngao ngán    chéo
qua thân tình em ngạo ngược       chéo
qua  năng  động  em   vô  vọng           chéo
qua    nụ   bè   he   em   bối    rối               chéo

*

tôi đã gặp em, kiều nữ chéo
ở đường chéo Broadway
và tôi chợt hiểu
em là a-mơ-ri-cơ


New York City 8/11/1995

Bản dịch của tác giả.

 

 

Mea culpa (trích tổ khúc 5 chương)

 

1

 

Ðâu phải tại tôi
a -------------------- z
tôi đâu chọn
buổi sinh

nào ai hỏi tôi í kiến trong ti tỉ vi ti
vu trụ chiều zọc - zài - ngang - đáy
thẳm không /thút lút/ bến sương quên

tôi mắc vào bẫy sống
để tháng ngày thây lầy một cục thịt
thừa là nỗi nhớ ngược hoang sơ thuở
còn đủ zại khờ để biết tắm mát lên
ngọn con sông thơ (iếm) đào


vẫn ngày
lại ngày

nhật trình zài

Ðâu phải tại tôi
a ------------------- z
tôi đâu chọn

                 e
k ể   c ả     o     m i ề n
                  i
                 a

cửa sổ một mảnh trời mất máu zòm
tôi ngồi chênh xà-lim-án-sống
bầy nhầy từng vũng ảo vọng kiệt cạn
màu mận chín
và áp thấp nhiệt đới tâm linh
chân jường lạnh

đâu phải tại tôi...