Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Đã thiếu vắng Dương Tường

Ngô Thị Kim Cúc

Vừa đọc thấy tin buồn trên FB của Phạm Xuân Nguyên: “Nhà thơ - dịch giả Dương Tường đã rời cõi tạm vào 20h 08 phút hôm nay (24/2/2023) hưởng thọ 92 tuổi”, trong tôi một nỗi buồn vô hạn lặng lẽ dâng lên.

Con người này, khi sống không phải kẻ quảng giao, không quá nhiều bằng hữu, nhưng tôi tin trong lòng mỗi độc giả Việt Nam vẫn giữ lại hình ảnh ông, con người tần tảo/tận tụy mang tới cho cuộc đời này nhiều nhứt có thể những gì tinh sạch đẹp đẽ trong chọn lựa của ông.

Tôi cũng không phải người quảng giao nhưng trong ký ức của tôi luôn có gương mặt buồn của ông, đôi mắt to và thăm thẳm của ông, trong một góc tối nào đó, cứ lặng lẽ nhìn ra, quan sát và cất giữ mọi thứ.

Trong tập chân dung văn học Ngọt như cà phê của tôi (NXB Văn Nghệ, 2010), từ trang 23 tới trang 33 là phần dành cho Dương Tường với hai bài viết, một là bài trả lời phỏng vấn của ông: Tôi đứng về phe nước mắt, và một là bài về tập sách mà ông là dịch giả (Vì một thế kỷ quá ít nước mắt, về tiểu thuyết Cái trống thiếc của Gunter Grass).

Đây là những dòng chapeau cho 10 trang sách trên:

“Nếu thiếu vắng Dương Tường thì mảng văn học dịch của Việt Nam sẽ lộ ra một khoảng trống đáng kể. Người đàn ông rất gầy với cặp mắt quá buồn này lại có được một sức chịu đựng và sức làm việc thuộc loại phi thường.

Với một lý lịch chẳng chút thuận lợi, nhưng ông hầu như chẳng hề để tâm, vẫn phăm phăm tiến tới bằng sức lao động bền bỉ không gì ngăn cản được. Trong con người ông có một nguồn năng lượng đồi dào và một tính kỷ luật kỳ lạ, giúp ông bao giờ cũng là một người đứng ở hàng đầu...”.

TÔI ĐỨNG VỀ PHE NƯỚC MẮT

* một dịch giả kỳ cựu hoạt động đã nhiều năm, ông có thể nói gì về đóng góp của văn học dịch đối với người cầm bút trong nước? Và đối với người đọc?

-Tôi nhớ khi dịch tập truyện ngắn đầu tiên, trong đó có máy truyện của Tchékhov, cách đây khoảng nửa thế kỉ, í nghĩ chủ đạo của tôi là: những tác phẩm như thế này mà không được phổ biến cho nhiều người đọc thì phí quá. Cho đến nay tôi vẫn luôn nghĩ thế. Dịch văn học là cái cầu nối bạn đọc (trong đó có cả những người viết) không biết ngoại ngữ với kho tàng trí tuệ và minh triết của nhân loại. Và người dịch văn học có tâm huyết là kẻ tự nguyện làm một thứ ống thông để hấp thụ và truyền đạt những tinh túy đó cho những ai muốn đón nhận.

Hiển nhiên là sự tiếp xúc với văn học thế giới đã mở ra những chân trời mới với người đọc nói chung và có tác động thúc đẩy mạnh mẽ đối với người cầm bút nói riêng. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, sau khi đọc Cái trống thiếc của Günter Grass, đã nói: “Đọc xong cuốn này, thấy mình không thể viết như cũ”.

*So với thời bao cấp chỉ toàn dịch tác phẩm phe xã hội chủ nghĩa, nhưng được in với số lượng lớn, sách văn học dịch hiện nay có những lợi thế nào và những bất lợi nào?

-Nói cho công bằng, đâu phải thời bao cấp chỉ toàn dịch tác phẩm phe xã hội chủ nghĩa, Khá nhiều tác phẩm cổ điển của các nền văn học lớn – Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Mỹ… – đã được dịch trong thời kì này đấy thôi. Có điều văn học hiện đại của các nước phương Tây thì bị “lườm” nặng, coi như mang mầm mống tư tưởng độc hại nên bị “bịt” kín, khó lọt vào.

Bây giờ mở cửa, sách văn học của phương Tây được dịch thoải mái nhưng lại tràn lan, lộn ẩu, chạy đua theo những best-sellers, cạnh tranh theo qui luật thị trường. Người không rành, giờ đây vào hiệu sách ắt hoa mắt, hoang mang không biết lựa chọn ra sao. Song hành với tình trạng ấy, nảy sinh một lớp dịch giả bất túc, ngoại ngữ võ vẽ, tiếng mẹ đẻ càng tệ, nhất là lại thiếu lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, chỉ hùa nhau dịch ào ào các loại sách ăn khách để kiếm tiền. Thật ngao ngán.

*Vốn ngoại ngữ của ông đã được tích góp từ những ngày trai trẻ, khi đang mặc áo lính. Ông cho biết cái gì đã xui giục một anh lính Việt Minh đi luyện tiếng của “kẻ thù”? Chuyện nhà văn Bùi Ngọc Tấn kể, rằng trong ba lô của Dương Tường lúc nào cũng thủ mấy quyển từ điển là có thật đến hơn 100% không? Mỗi thứ ngoại ngữ đã lấy đi của ông bao nhiêu thời gian và sức khỏe?

-Những điều đó là thật 100%, kể cả chuyện sục sạo tìm sách, xem như chiến lợi phẩm mỗi khi chiếm được đồn giặc. Đều là do “máu mê” văn chương, ham muốn được biết nhiều cái hay, cái đẹp của thế giới. 1955, giải ngũ, tôi tiếp tục tự học ở thư viện, có bao nhiêu thì giờ rảnh đều tiêu ở thư viện. Có thể nói thư viện là trường dại học của tôi.

*Từng có thời gian dài ông sống bằng cách bán máu. Chuyện nghe thật quá bi đát và khó tin. Làm sao một người chỉ có từng ấy xương và da lại có thể rút máu mình ra bán thường xuyên như thế? Cảnh sống gia đình ông lúc ấy bức bách đến mức nào? Và ông làm sao để sống sót cho đến lần bán máu kế tiếp?

(Kim Cúc ơi, anh xin lỗi không trả lời câu này. Anh đã hứa với Trinh, vợ anh, không bao giờ nhắc đến chuyện bán máu trên truyền thông nữa, vì đó là nỗi đau của Trinh. Trước đây, anh giấu kín chuyện này, quyết không để vợ con biết, cho nên khi anh Tấn đưa lên trong hồi ức của anh ấy, đó là một bất ngờ đau đớn cho Trinh).

*Chỉ qua những tập sách dịch được xuất bản của ông, người ta đã thấy được một khối lượng trang dịch đồ sộ chắc chắn phải kèm với cường độ làm việc cực cao. Ông đã phân bố sức khỏe và thời gian của mình thế nào để có thể đảm đương bằng ấy công việc?

-Thật thà mà nói, chính tôi cũng không biết nữa. Tôi chưa bao giờ nghĩ một cách nghiêm túc đến việc “phân bố sức khỏe và thời gian của mình”. Không ít người bảo tôi là “thằng ham vui”. Có lẽ tôi là kẻ ham sống thì đúng hơn – sống hiểu theo nghĩa: làm việc và vui bạn bè. Mà đã ham thì phải dốc hết mình. Vâng, tất cả những gì tôi đã làm, tôi đều dốc hết mình vào đó. Đơn giản thế thôi.

*Ngoài ra, ông lại còn hoạt động tích cực trong một số lĩnh vực khác (thơ, tranh, hiệu đính, la cà bè bạn...). Xin ông tự giới thiệu và giải thích đôi nét về những hoạt động ngoài dịch của mình. Nó đem đến cho ông điều gì để khiến ông phải phân thân như vậy?

-Tôi là một kẻ “mê” đủ thứ: văn, thơ, nhạc, họa, điện ảnh, bóng đá, và tất nhiên cả đàn bà nữa. Trên thực tế, tôi dành nhiều thời gian nhất cho công việc dịch, nhưng ưu tâm lớn nhất của tôi, điều làm tôi mất ngủ nhiều nhất vẫn là thơ, là những khắc khoải muốn cách tân, mở ra những hướng mới cho thơ. Cũng với tâm nguyện khai phá những con đường mới, bằng vốn kinh nghiệm và kiến thức gom góp và cập nhật được trong nhiều năm, tôi luôn cổ vũ những tìm tòi sáng tạo của lớp trẻ thời Đổi Mới, kể cả trong lĩnh vực mĩ thuật, sân khấu. Tôi tự ý thức mình thuộc một thế hệ lỡ dở, chỉ còn tốt cho việc lót đường cho những thế hệ kế tiếp, và tôi đã hơn một lần khẳng định như vậy. Những hoạt động đó mang lại niềm vui cho tôi, khiến tôi cảm thấy mình còn có ích.

*Thời kỳ khó khăn nhất cho ông là lúc nào? Cái gì đã giúp ông vượt qua được?

-Khoảng từ 1965 đến 1975. Điều giúp tôi vượt qua được là sự chia sẻ của vợ tôi cùng một số bạn chí thiết, và sự đam mê văn chương nghệ thuật đến độ sẵn sàng đặt cược cả cuộc đời mình vào đó.

*Dương Tường có phải là một “thương hiệu không”? Và độ tin cậy mà người ta có thể đặt vào?

-Tôi phải nói ngay rằng tôi rất ớn cái cách người ta thuận theo cái xu thế kì quặc muốn qui mọi thứ thành thương phẩm, đem gắn từ “thương hiệu” như một cái “mác” đính giá lên một tác giả hay tác phẩm văn học nghệ thuật. Không, Dương Tường không bao giờ là một “thương hiệu”. Còn độ tin cậy người ta có thể đặt vào hắn ắt tùy thuộc vào giá trị thực của những gì hắn đã làm ra. Thế thôi.

*Tôi đứng về phe nước mắt” là một phát ngôn nổi tiếng của Dương Tường. Ông nghĩ, có cách nào khiến cho nước mắt đỡ phải chảy không?

-Vâng, đó là bài thơ “Để ghi trên mộ chí sau này”. Nó giống như một tuyên ngôn. Cái ẩn dụ “phe nước mắt” hàm chỉ tất cả những gì là khổ đau, yếu đuối, bị áp bức, chà đạp… Muốn làm cho “nước mắt đó đỡ phải chảy” là chuyện chung của nhân loại và cũng là nhiệm vụ của mỗi chúng ta, trong cố gắng xây dựng một thế giới không còn hận thù mà chỉ có yêu thương.

*Ông bao giờ cũng rất gần với đám trẻ “rắc rối”. Vì ông thấy mình cũng trẻ, cũng rắc rối như họ, hay vì ngược lại?

-Vâng, lớp trẻ có một sức hút mạnh mẽ đối với tôi, nhất là những người trẻ năng nổ khám phá những con đường mới, háo hức lao vào những cuộc phiêu lưu đi tìm cái mới. Mà đã dấn thân vào cái mới, cái-chưa-biết thì đương nhiên tránh sao khỏi “rắc rối” nhiều bề. Bởi đã từng “rắc rối” như vậy, tôi ủng hộ cái í chí mạo hiểm ấy và muốn “điếu đóm” một cách hiệu quả cho lớp trẻ say mê cái mới ấy. Ứng xử nhất quán của tôi là như vậy.

*Thế hệ ông, những Bùi Ngọc Tấn, Mạc Lân, Nguyên Bình, Dương Tường... có điều gì để nhắn gởi, chia sẻ với lớp trẻ?

- Hãy gắng làm những gì chúng tôi chưa làm được.

*Ông có thì giờ để đọc văn học trong nước không? Ông có thể nói điều gì?

-Tôi cố gắng cập nhật và dành thì giờ đọc những tác giả và tác phẩm được những nhà phê bình đáng tin cậy đánh giá cao. Tình hình văn học của ta trong mấy năm gần đây, tuy chưa có những tác phẩm sáng chói, nhưng tôi thấy vẫn có những tiềm năng tiệm phát đáng trông đợi.

*Nếu có một người trẻ tuổi muốn trở thành một dịch giả với một sự nghiệp đích thực, ông sẽ khuyên họ điều gì?

-Tôi không có thói quen đưa ra những lời khuyên, nhưng nếu kinh nghiệm bản thân có thể giúp ích được cho những bạn trẻ “muốn trở thành một dịch giả với một sự nghiệp đích thực”, thì những kinh nghiệm đó là thế này: học, học thật nhiều, học thầy, học bạn, học mọi người, học trong sách vở, trong thực tế cuộc đời… Và trước hết, dốc lòng làm trung gian truyền đạt rộng rãi những cái hay cái đẹp của văn hóa nhân loại, coi đó là mục đích công việc của mình. Cái đó, tôi gọi là văn đức của người dịch.

*Nếu được quyền làm lại nhiều thứ, ông sẽ thực hiện thế nào?

-Chúng ta ai mà chẳng ước ao chí ít là một lần có thể làm lại nhiều điều trong cuộc đời, thường là những lầm lỡ đáng tiếc. Vâng, nếu có một phép mầu khiến tôi có thể bắt đầu lại từ đầu, chắc tôi cũng muốn sửa lại những sẩy chân, nhưng với hai lựa chọn lớn quyết định hướng đi của toàn bộ cuộc đời tôi, thì dù có cơ hội, tôi cũng sẽ không thay đổi. Đó là: chọn lựa đi theo cách mạng và sự nghiệp văn chương.

*Xin hãy nói về mình, trong một câu ngắn gọn.

-Tôi đã nói rồi đấy. Trong bài thơ Để ghi trên mộ chí sau này.

..........................................

TIỂU SỬ NHÀ THƠ - DỊCH GIẢ DƯƠNG TƯỜNG

Họ tên: Trần Dương Tường

Sinh: 4/8/1932 tại Nam Định

Bộ đội thời Kháng chiến chống Pháp: 1950-1955

Đã dịch trên 50 tác phẩm của Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Hy Lạp, Brasil, Nhật Bản, Na Uy... trong đó có:

Anna Karenina của L. Tolsstoy

Cuốn theo chiều gió của M. Mitchell

Người dưng của A. Camus

Con đĩ biết lễ nghĩa của J.-P. Sartre

Con đường xứ Flandres của Cl. Simon

Đồi gió hú của E. Bronte

Alexis Zorba của N. Kazantzaki

Bức thư của người đàn bà không quen của S. Zweig

Cái trống thiếc của G.Grass

nhiều vở kịch của Shakespeare ...

SÁNG TÁC

36 bài tình (Thơ, in chung với Lê Đạt)

Đàn (Thơ ngoài lời)

Mea culpa và những bài khác (Thơ)

Chỉ tại con chích chòe (Tạp luận)

Thuyền trưởng (Truyện ký, dưới bút danh Nguyễn Trinh)...

……………………………

DSC_0044.1

Giải Văn Việt lần thứ nhứt 2016, anh Dương Tường nhận Giải Đặc biệt thay người đồng hành/đồng đội của anh – Bùi Ngọc Tấn – (với Chuyện kể năm 2.000) từ anh Nguyên Ngọc.

Ngày đó sức khỏe anh hãy còn rất khá so với sau này.
Nguyên Ngọc, Hà Thủy Nguyên, Dương Tường (từ trái qua)

DSC_0157 (2)

Sau lễ phát Giải Văn Việt 2016: Nguyễn Quang Thân, Dương Tường, Kim Cúc Ngô Thị, Nguyen Thi Khanh Tram, Tiet Hung Thai (từ trái qua)
Hai trong năm người giờ đã ra đi: anh Thân trước, anh Tường sau...

DSC_0161

Sau lễ phát Giải Văn Việt 2016: Nguyen Thi Khanh Tram, Dương Tường, Nguyễn Quang A, Kim Cúc Ngô Thị (từ trái qua)

DTUONG - Sao chép

Một lần cà phê ở Sài Gòn: Kim Cúc Ngô Thị, Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên, Phan Triều Hải