Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Chù Mìn Phủ và tôi (kỳ 2)

Truyện Vũ Ngọc Tiến

Vì sao tôi ký tên vào “Bản tuyên bố về chuyến thăm Việt Nam của ngài Tập Cận Bình”? Vì cái hiện thực xảy ra trong truyện ngắn này đây. Vào thời điểm đó ông Tập Cận Huân cũng nằm trong cái tập đoàn bành trướng bá quyền của Đặng Tiểu Bình, đẩy dân lành hai nước vào cuộc chiến đẫm máu, biến họ thành dã thú. Giờ nói như nhà văn Phạm Lưu Vũ trong bài “Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh”, anh đã phải thốt lên: “Sao có những kẻ đang ngồi ở Bắc Kinh hay Hà Nội lại có thể thản nhiên coi đó chỉ là vụ va quệt xe trên đường nhẹ hều?”.

… Đầu năm 2006, một chị bạn đã chuyển tận tay truyện ngắn này cho cố văn sĩ Nguyễn Xuân Hoàng đăng trên tạp chí Văn số 3&4, số tân niên năm 2006 (California - Mỹ) và tình bạn giữa tôi với Nguyễn Xuân Hoàng bắt đầu từ đó. Đến năm 2008 tôi cho in vào cuốn Rồng Đá, nhưng sách bị thu hồi không hiểu vì sao?…

Vũ Ngọc Tiến

6.

Chiếc xe của đài truyền hình đến đón tôi lúc mờ sáng. Gã đạo diễn nhìn bộ dạng phờ phạc của tôi nói móc: “Ái chà, ông bác đêm qua chắc làm việc nhiều, lử cò bợ còn gì. Ta khẩn trương chạy đến Vĩnh Yên ăn sáng, rồi vòng theo đường tắt sau lưng Tam Đảo, qua Sơn Dương đi cầu Nông Tiến đến thị xã Tuyên Quang ăn trưa. Cả đoàn cố gắng có mặt ở thị xã Hà Giang đầu giờ chiều, bắt tay vào việc luôn. Phỏng vấn chớp nhoáng các sếp trên tỉnh một buổi chiều nay thôi, tối hoặc sớm mai ta về tuyến huyện”.

Gã vừa nói vừa nháy mắt cho cả đoàn, ngầm ý đe doạ cái thân già tội nghiệp sau một đêm mất ngủ – đôi mắt thâm quầng của tôi mách bảo gã thế. Những ánh mắt tò mò, những nụ cười mỉm của đoàn làm phim cho thấy họ ngờ vực quan hệ giữa tôi và Chúc. Đời bây giờ sống cho tử tế, nói lời thanh cao đều là sự xa xỉ…

Cả cuộc hành trình dài đường núi và kế hoạch làm việc trên tỉnh bị gã đạo diễn gói trọn trong ngày. Nó không phải nhằm đe doạ tôi, như gã võ đoán đã dốc cạn thứ nước tình suốt đêm mệt nhoài, mà đó là thực tế nghiệt ngã của cái nghề mang danh nghệ thuật.

Mỗi bộ phim tài liệu 30 phút ở đài đã được khoán trắng là 15 triệu, thanh toán sau khi duyệt và phát sóng. Hay dở, khó dễ đều như nhau tất. Tội gì gã phải nắn nót từng khuôn hình, tâm đắc với chủ đề. Gã phải “mì ăn liền”, đi nhanh, quay nhanh, phỏng vấn chớp nhoáng, nhặt nhạnh thêm các cảnh quay cũ hay của đồng nghiệp càng nhiều càng ít, miễn sao đủ thời lượng, phim tạm coi được để lĩnh tiền.

Hắn từng bảo: “Vợ em là con sư tử cái, mỗi phim phát lên sóng là nó về nắn ví, moi đủ hai triệu tiền công đạo diễn. Không giảm tối đa các chi phí, em lấy tiền đâu ném cho các ả điếm. Mẹ kiếp! Chuyến đi nào không bắn được vài phát kể như em mất hứng. Với kiểu thù lao cá mè một lứa này, đời nghệ sĩ của em đã bị con sư tử cái ở nhà và các ả điếm dọc đường cầm tù từ lâu rồi”.

Nghe mà khiếp, nhưng tôi đâu có hơn gì gã. Kịch bản nào của tôi dù đề tài có được ấp ủ, dù hình tượng có được mài chuốt thì đến khi vào tay gã thảy đều bị vặt trụi thui lủi, phần vì phim phải được duyệt, phần vì tiết kiệm chi phí. Phản đối ư? Sẽ có anh khác chen vào ngay tắp lự và tôi sẽ mất toi một triệu nhuận bút, gấp mấy cái truyện ngắn trên báo văn chứ bỡn.

Phim dựng xong, nhìn vào tôi không nhận ra là của mình, vẫn phải bấm bụng, căng mắt ra đọc băng mà viết nốt lời bình, nhận thêm nửa triệu nữa để mà tồn tại, nuôi thêm một miệng ăn là Chúc. Lâu rồi thành quen, nhất là từ khi nhận nuôi Chúc, tôi viết kịch bản theo gu của gã để nhanh có tiền.

Từ chỗ bị gã cầm tù, tôi phải chủ động tự cầm tù ngòi bút của tôi để có đủ tiền cầm tù đời đàn bà của Chúc, cũng như gã đạo diễn chấp nhận sự cầm tù của vợ và điếm để cầm tù cây bút của tôi.

Cuộc đời này là xâu chuỗi những cá thể tự cầm tù, bị cầm tù hay cầm tù kẻ khác mới là cuộc đời ư? Sao phũ phàng thế?

Tôi đi tìm Chù Mìn Phủ để giải thoát cho Chúc hay đang tìm đường giải thoát cho chính mình?...

7.

Xe lắc lư chạy trên con đường tắt quanh co sau lưng núi Tam Đảo. Lúc dừng lại ở Vĩnh Yên ăn sáng, tôi không sao nuốt nổi, miệng đắng ngắt, khí đầy, dạ chướng. Tôi nhắm mắt, ngả người vào thành ghế, muốn ngủ một giấc sâu để quên đi sự việc hồi đêm, quên đi mọi nỗi dày vò và cả những ánh mắt hoài nghi, những lời nói móc của đám bạn trẻ trong đoàn làm phim.

Làm sao che được miệng thế gian hở Chù Mìn Phủ? Làm sao có thể tưởng tượng nổi đêm qua tôi lại nhìn thấy nốt ruồi đỏ hở Thào A Máy? Hễ nhắm mắt vào là tôi lại thấy hiện ra bao kỷ niệm chiến trường với hai người đồng đội. Cái đêm đi trinh sát tôi bị rắn cắn, anh xé áo, thắt ga rô vào bụng chân tôi rồi ghé miệng vào vểt thương hút hết máu và nọc rắn. Chị đi soi đèn tìm lá thuốc nhai và đắp vào vết thương.

Chân tôi sưng tấy, khắp người tê dại, không sao lê bước, trán vã mồ hôi. Hai người thay nhau cõng bạn dưới mưa phùn, leo dốc núi đường trơn, tìm nhà dân chạy loạn để ngủ tạm qua đêm. Qua mấy ngôi nhà cháy, xác người và xác trâu chết trương bốc mùi thối khẳm, chúng tôi mới tìm được chỗ trú.

Bữa đó, chị trổ tài đảm đang của cô gái người Mông, đãi tôi món đặc sản mèn mén quê mình. Chị đi lùng sục khắp xóm mới mang về một ít bột ngô, bắc chõ đồ lên thật khéo, nom như xôi vò dưới xuôi. Tôi ăn mèn mén, ăn cả tấm lòng thơm thảo của anh chị, bởi khi buông bát tôi chợt nhận ra hai người chỉ ăn nắm lá bí già, luộc lên nhai như nhai rơm.

Đêm ấy anh kể tôi nghe chuyện cách mạng văn hóa bên kia biên giới. Báo chữ to dán đầy các chợ đường biên, phái này vừa trương lên, phái khác bóc ra thay bài khác, toàn những từ ngữ dữ dằn: đả đảo, tiêu diệt, phanh thây, xé xác… Và họ làm thật bằng đấu tố, đánh đập, tử hình, kéo lê xác người trên đường trong tiếng gào thét tiêu diệt phần tử “hắc bang”.

Tôi hỏi: “Ai tiêu diệt ai?”. Anh đáp: “Vẫn là người Mông hay người Dao cả thôi. Hôm nay mày là bạn học, thầy giáo, đồng chí, người thân thì bỗng sáng mai thành “hắc bang”, phải đấu tố, phải giết hết để tao mới là cách mạng tới cùng”.

Tôi nghe như chuyện dưới âm ty địa ngục, nửa tin nửa ngờ, thấy vậy chị bảo: “Hồi ấy, nhiều phần tử “hắc bang” trốn sang bên này được cưu mang, nhưng cũng không thoát đâu. Hồng vệ binh tràn sang truy lùng, xâu tay họ vào dây thép rồi dẫn về bên kia chôn chung một hố”.

Chúng tôi lầm rầm bàn tán, cùng thở dài ngao ngán. Chao ôi cái kiếp nhân sinh giữa thời tao loạn! Bên kia cách mạng thời đó, bên này chiến tranh bây giờ, giống nhau cả thôi, bao giờ mới dứt?

Tôi thiếp đi giữa cơn đau rắn cắn dưới chân, nỗi buồn nhức nhối trong tim chuyện đời.

8.

Gã đạo diễn chọn con đường tắt vừa ngắn hơn vài chục cây số, lại vừa đẹp tuyệt vời. Con đường quanh co uốn lượn giữa khe núi, triền đồi. Màu lam của cánh rừng già trên vách núi phía xa xen lẫn màu xanh non của những búp chè trải ra mênh mông trước mặt, trên các quả đồi thoai thoải. Những mái nhà yên bình nép trong các vườn xoài trĩu quả và bóng cô sơn nữ hiện ra như trong cổ tích của miền gái đẹp “trà Thái gái Tuyên”.

Mấy năm gần đây, vùng này phát triển giống xoài xanh vỏ chín lòng, ngọt sắc hơn giống xoài Nam Bộ. Lần nào đi qua con đường này, gã đạo diễn cũng bắt lái xe dừng lại nhiều chặng để ghi hình những cảnh ngẫu hứng bắt gặp ở những thời điểm khác nhau. Công bằng mà nói, gã là một đạo diễn có tài. Trong lưu trữ cá nhân của gã có rất nhiều cảnh lạ ở góc quay và thời khắc độc đáo mà bạn cùng nghề không dễ gì có được.

Cũng một cảnh hoàng hôn trên rừng, bình minh dưới biển, hắn có thể tạo ra hàng trăm cảnh khác nhau, cái nào cũng mới, cũng lạ, làm tôi xao xuyến. Gã vặt trụi kịch bản của tôi là bởi có làm cũng chẳng được gì chứ gã thừa sức làm hơn thế. Thường thì chúng tôi dừng lại khá lâu ở quán vườn xoài của bà Ten người xứ đạo Nghĩa Hưng - Nam Định. Chúng tôi ngồi uống trà, ăn xoài, nghe bà kể chuyện cải cách ruộng đất ở quê.

Cha chết, anh bị đi tù, bà xách bị đi ăn mày rồi lấy chồng người Tày, lập nghiệp ở đây, con đàn, cháu đống vẫn không thoát được cảnh nghèo. Đứa vào Tây Nguyên khai hoang, đứa đi làm vú nuôi bên Đài Loan, mình bà mở quán nuôi mấy đứa cháu nội ngoại lít nhít, lê la trong vườn.

Cái lần đi Mèo Vạc tìm gặp cha xứ đạo Tin lành, tôi đã ghé quán, nhờ bà hỏi thăm tin tức Chù Mìn Phủ và Thào A Máy từ khách qua đường, may ra có kết quả. Bà Ten thấy tôi mừng quýnh, khoe đã gặp được Thào Mý Pảo, chị họ của Thào A Máy. Chị ta để lại địa chỉ ở thị xã Hà Giang, xác nhận tin Thào A Máy đã chết, muốn nhận nuôi đứa cháu gái. Trong tôi nhen lên một chút hy vọng. Có thể người đàn bà này sẽ giúp tôi đi tìm Chù Mìn Phủ. Chí ít thì tôi cũng có chỗ tin cậy để gửi Chúc về quê cho người thân của nó.

Bà Ten nói xa: “Thời buổi thật giả lẫn lộn, ác nhân giả nghĩa nhiều như trấu, chẳng vội tin ai sất”. Tôi hỏi: “Sao thế?...”. Bà lẳng lặng nhai trầu, ngập ngừng nói: “Chị ta giàu lắm!... Người đẫy đà, ăn mặc diêm dúa, đi xe Nhật đời mới sang hơn cả ông Chủ tịch tỉnh…”. Tôi cười hỏi lại: “Giàu thì càng tốt chứ sao? Con bé càng được nhờ vả”. Bà đáp: “Ấy là tôi thấy bác mấy năm qua hết lòng vì con bé nên nói xa vậy. Bác tính, bây giờ người Mông như chị ta hay người Tày như ông lão và lũ con tôi vẫn khổ khác gì chó ngựa đâu. Kẻ giàu phất lên ở miền biên viễn này, không là quan tham thì cũng phường buôn thịt bán người, mèo mả gà đồng cả, tâm địa khó lường”.

Bà Ten nói rồi thở dài, hướng cặp mắt vào trong vườn xoài, nơi bầy cháu nội ngoại lẫn với đàn lợn con mốc meo, bẩn thỉu đang vầy đất, chửi nhau chí chóe. Con người nhân hậu đã qua kiếp trầm luân, bể khổ hơn sáu chục năm rất hiểu và thương bé Chúc vào cái ngày tôi đưa nó về Hà Nội, ghé quán xin nghỉ tạm và nhờ bà mua thuốc cho nó. Từ bữa ấy, nhất là sau chuyến đi Mèo Vạc, lần nào qua đây bà cũng hỏi thăm, gửi quà cho Chúc.

Mười bốn tuổi đầu, cha anh bị đấu tố, người bị tử hình ở gốc muỗm trước chợ làng, người bị đi tù ở Hà Giang nổi tiếng ma thiêng, nước độc. Cô Ten khi ấy có tên là Mơ, xách bị đi ăn mày, lần mò lên miền ngược hy vọng có cơ hội thăm và tiếp tế cho người anh. Qua đèo Khế thuộc địa phận Sơn Dương thì cô bị bắt. Lão chủ nhiệm và hai gã dân quân người Tày nghi cô là Việt gian, nhốt vào kho của hợp tác xã.

Đêm đêm, ba thằng giời đánh mò vào thay nhau cưỡng hiếp cô hết đợt này đến đợt khác. Ba cái của nợ to, dài, đen như dái ngựa cứ chọc ngoáy liên hồi làm cô đau rát, buốt đến lộng óc. Không có nước rửa, quần áo để thay nên sau mỗi lần như thế, máu của cô và tinh dịch của chúng ộc ra nhây nhớt trên đùi, khô lại, bốc mùi khăm khẳm. Cô muốn đập đầu vào tường chết theo cha, song phải cắn răng chịu đựng để tìm anh trai.

Sau đó, lão chủ nhiệm muốn phi tang, bắt cô phải lấy Sùng Ten, một con nghiện quanh năm sợ nước, người cáu bẩn, hôi như chuột chù. Cô làm vợ Sùng Ten, được đứa con trai đầu khỏe mạnh thì chẳng biết của ai, còn ba đứa con gái với lão chồng nghiện thuốc phiện thì ốm quay ốm quắt, xanh như tàu lá chuối…

Giờ anh con trai đưa vợ vào Tây Nguyên khai hoang, ba chị con gái chẳng đứa nào lấy chồng mà vẫn đẻ con. Tất tật chúng nó không ai bảo ai đều ném con lại cho bà chăm sóc, đi tìm miếng ăn ở nơi chân trời góc bể. Có lần bà nói mà như cật vấn tôi: “Bác sống gần trung ương, đi nhiều, hiểu rộng hơn mụ nhà quê, hãy chỉ vẽ cho chứ tôi thì chịu. Tôi sống gần trọn một kiếp người vẫn không hiểu nổi vì sao ba đứa con gái mình dứt ruột đẻ ra lại phải bán hết nhà cửa mới đủ tiền nộp cho công ty môi giới trên thị xã, ném con cho bà ngoại chỉ để đi làm đầy tớ bưng bô, hót cứt ở xứ người, hở giời? Ở cái xứ Đài Loan ấy làm kẻ tôi đòi cũng sướng hơn làm người tự do bên ta hay sao?”.

Có lẽ bằng sự trải đời của mình nên bà Ten đã giúp tôi hỏi thăm khách qua đường về lai lịch của Thào Mý Pảo. Hồi chiến tranh biên giới, chị ta không vào dân quân, cũng không đi sơ tán về Tuyên Quang hay Phú Thọ. Chị ta chạy sang bên kia biên giới với kẻ mạnh để làm ăn, buôn bán. Giờ chị ta giàu có, quay về bắt nhân tình với một ông cỡ bự bên này nên các lão bản Trung Quốc hay chủ nhỏ Việt Nam đều phải nhờ vả.

Cứ theo bà Ten thì tôi chưa thể cả tin giao gửi số phận Chúc cho chị ta vội. Tôi vẫn phải đi tìm Chù Mìn Phủ trước đã. Lý lẽ của bà chắc như đinh đóng cột, tôi đâu dám nhận mình đi nhiều hiểu rộng hơn bà. Lời bà Ten như gáo nước lạnh, dẫu sao tôi đã có một cái tên Thào Mý Pảo để mà bấu víu, để mà hy vọng. Cái tên rất đẹp, dịch từ chữ Hán nghĩa là Đào Mỹ Bảo vì tiếng Mông hai âm Mỷ và Pảo đứng liền sẽ đọc Mỷ thành Mý.

Chúc của tôi đã có được đám bèo khô giữa dòng đời cuộn xoáy từ một cái tên hoa mĩ ấy. Tôi cũng đâu dám thổ lộ với bà Ten về cuộc nổi loạn của Chúc hồi đêm.

Chia tay bà, tôi lên xe xốn xang, khấp khởi. Năm năm chờ đợi tôi mới có được nguồn tin quý giá.

Chúc ơi! Cầu trời con sẽ gặp may!...

9.

Tửu lầu đặc sản Hoa Việt nằm ở mé Tây Bắc thị xã, giữa một khuôn viên rộng, án ngữ hai mặt phố chính. Mấy năm trước tôi qua, nơi đây còn là những dãy nhà lụp xụp, tường đất, ngói ống. Nay những người dân ở đó bị giải tỏa đi đâu không rõ, chỉ nghe đồn bà chủ dự án khu đô thị mới Thào Mý Pảo đầu tư một vốn trăm lời, chia lô bán đất là chính, còn tửu lầu liên doanh với lão bản Trung Quốc toạ lạc trên mười lô đất đẹp nhất. Tầng một là nhà hàng đặc sản, tầng hai là các phòng tắm hơi và chơi bài mạt chược, từ tầng ba trở lên là các phòng ngủ, thảy đều nguy nga, tráng lệ, ngang tầm khách sạn ba sao ở Hà Nội. Văn phòng của bà chủ Thào Mý Pảo đặt ở ngôi biệt thự xinh đẹp, nằm giữa khuôn viên của tửu lầu Hoa Việt.

Chị ta lướt nhìn vẻ bần hàn của tôi, khẽ nhếch miệng cười, lạnh lùng hỏi khách dùng cà phê Trung Nguyên hay trà Long Tỉnh. Tôi cám ơn, muốn dùng tách trà xanh Quản Bạ rồi đi ngay vào việc, muốn chị ta kể rõ về mối quan hệ huyết thống với Thào A Máy. Câu chuyện của chị ta gieo trong tôi nỗi nhớ dòng sông một thời đỏ máu, mường tượng lại cảnh chia tay của hai chị em con thúc bá người Mông, thôn Sủa Cán Tỷ.

Vào đêm thứ hai sau ngày khai hỏa cuộc chiến tranh biên giới, họ ngồi trên chiếc cầu treo, nhìn xuống dòng sông Miện lượn lờ quanh xóm nhỏ. Cô chị bảo: “Em đi với chị sang bên ấy mới thực an toàn. Cuộc chiến này khủng khiếp quá! Xác người trôi tanh cả nước sông Miện. Mới loạt đạn pháo đầu của bên ấy bắn sang, hai nhà ta chết chẳng còn ai, may chị em mình đi hát lượn mà thoát”. Cô em vừa khóc vừa nói: “Chị đi một mình thôi. Nhớ đi thật xa biên giới, vào hẳn huyện lỵ Mai Pho nương nhờ người quen, chờ hết chiến tranh hãy về. Em là dân quân phải ở lại thôi, kỷ luật mà. Lỡ mai em chết họ Thào ở Sủa Cán Tỷ vẫn còn có chị”.

Họ chia tay trong nước mắt và đạn pháo hai bên biên giới bắn sang nhau đỏ lòe, chíu chíu xé rách trời đêm…

Thào Mý Pảo rót trà ân cần: “Anh uống thêm một chút trà cho ấm dạ”. Tôi nâng tách trà, cay mũi, nghèn nghẹn trong cuống họng. “Làm sao chị biết Thào A Máy đã chết?” – tôi hỏi. Thào Mý Pảo kể tiếp, giọng trầm hẳn xuống: “Nhiều năm tôi về tìm em không thấy. Sủa Cán Tỷ vẫn nghèo xơ xác, người khổ như chó ngựa, chỉ so với người thị trấn Tam Sơn, cách nhau một quả núi đã như một kiếp sống khác thì tôi ở lại quê làm gì. Tôi trở lại Mai Pho buôn hàng lậu qua các huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc. Một lần tôi ở Mèo Vạc nghe chuyện về người đàn bà điên, linh tính mách bảo, tôi thuê người đào mộ, tìm thấy đôi hoa tai bằng bạc có khắc chữ Thào nên nhận ra nó. Tiếc rằng, khi đến nhà thờ Tin lành, con nó lại vừa bị lừa bắt đi ít ngày. Năm ngoái tôi gặp bà Ten, nhưng bà ấy cũng đánh mất tờ giấy ghi địa chỉ của anh”.

Lại một lần nữa tôi nhòa lệ, mường tượng ra hình ảnh Thào A Máy. Có lẽ cha xứ đã không muốn kể lại cho tôi cái chết bị thảm của cô, nhưng Thào Mý Pảo đã kể rành rõ.

Cô đi tìm chồng bị tù, lạc đường, kiệt sức nằm chết ở bờ ruộng ngô, phân cách đất của hai nhà người La Chí. Nhà này bế con cô về nuôi, nhưng lén hắt xác cô sang ruộng bên cạnh vì sợ chôn ở ruộng mình con ma sẽ về bắt mất đứa bé. Nhà kia thấy vậy chửi bới một hồi, hắt xác cô sang ruộng của người nhận nuôi con cô. Cứ thế cái xác hắt qua hắt lại, kiến bu đầy, áo quần tơi tả. Chuyện đến tai cha xứ nhà thờ Tin lành, ngài ra phân giải, bỏ tiền thuê người chôn xác cô ở nơi khác, xa ruộng của hai nhà và đem Chúc của tôi về nuôi.

Thế là ngần ấy năm tôi và những con người bất hạnh kia đau đáu tìm nhau, ngơ ngác giữa đời.

Không còn nghi ngờ gì nữa, ngoài Chù Mìn Phủ ra, Thào Mý Pảo là người thân gần nhất của Chúc. Tôi đưa ảnh của Chúc ra, chị ta trầm trồ khen nó đẹp, giống Thào A Máy như tạc. Chị ta thật lòng biết ơn tôi đã che chở, đùm bọc cháu mình suốt năm năm, hứa sẽ bù đắp cho tôi xứng đáng, nhưng tôi đâu cần được trả ơn. Lời nói xa của bà Ten làm tôi áy náy phân vân. Tôi biết, tài sản của Thào Mý Pảo ở Mai Pho bên kia biên giới còn lớn gấp nhiều lần ở Việt Nam. Tôi còn nghe, tiền, vàng của chị ta đủ mua nửa cái thị xã vùng biên này. Chúc về với chị ta sẽ một bước lên ngôi quận chúa, bởi chính chị ta đã nói: “Thào A Máy và cả họ Thào ở Sủa Cán Tỷ đã chết thảm vô ích để bây giờ một lũ ác nhân có nhà to, xe đẹp, thịt cá nhờn môi, gái đĩ bu đầy. Bao năm làm ăn tôi lạ gì chúng nó, điếm mồm, đen ruột tất. Tôi phải đòi lại công bằng, phải làm bà chúa người Mông để tất cả lũ ác nhân ở cả hai bên biên giới phải chui qua háng tôi mà đớp hít. Cháu tôi cũng phải thành quận chúa vùng biên mới hả”.

Tôi nghe cũng hả, song cảm thấy rờn rợn, phấp phỏng lo cho số phận của Chúc sau này.

Rời tửu lầu Hoa Việt, tôi thầm nhủ lòng hãy cứ nghe lời bà Ten, thử đi tìm Chù Mìn Phủ lần cuối xem sao.

10.

Trời sẫm tối. Gã đạo diễn nổi hứng quyết định cho xe đưa đoàn lên huyện Quản Bạ. Gã nói: “Đây lên Quản Bạ chỉ hơn bốn chục cây số. Ta ngủ ở đó, mai kịp làm việc sớm”. Cả đoàn miễn cưỡng ra xe vì ở mỗi đoàn làm phim lệnh của đạo diễn là bất khả kháng, nhưng ai cũng ngán đi đêm lên dốc Sum. Quả thật từ thị xã đi Quản Bạ chỉ có 45 cây số, nhưng riêng dốc Sum đã dài hơn 20 cây số, quanh co gấp khúc. Lên khỏi dốc Sum đã là Cổng Trời cơ mà.

Họ đưa mắt sang tôi cầu cứu, chờ đợi tôi dẫu sao cũng là khách mời sẽ dám bàn ngang. Thật lòng tôi nửa muốn đi nhanh lên Quản Bạ, nửa cũng ngán dốc Sum. Tôi ghé tai gã đạo diễn bông phèng đón ý: “Đã bắn phát nào chưa? Muộn rồi. Hay ta ở lại thị xã đêm nay, mình cũng muốn thử cho biết”. Gã ôm bụng cười ngất: “Bác nhà văn cuối cùng cũng nhiễm độc tụi em này rồi. Đời là mấy tý. Vợ bỏ đi Nga tội gì bác phải ép xác tu hành. Nhưng hãy gượm đã, đợi lúc quay về hẵng thử, bác ạ! Em mới tia được một động cao cấp, trên cả tuyệt vời”. “Ở đâu thế?”. Tôi hỏi. Gã ghé tai tôi thì thầm: “Tửu lầu Hoa Việt có vài chục ả, con nào cũng ngon lành, phòng ốc sang trọng, có bảo kê nên an toàn tuyệt đối. Mụ chủ là bà chúa ở đây, không ai dám đụng. Nghe nói, hàng lậu bên kia sang, việc đầu tư đất đai bên này, kể cả buôn bột trắng hay cơm đen mụ ta làm tuốt”.

Tôi choáng váng trước tin giật gân, lảo đảo lên xe, chỉ mong thoát nhanh ra khỏi thị xã. Tôi vừa tìm thấy người thân cho Chúc lại bồn chồn lo cho chính Thào Mý Pảo. Cái tham vọng làm bà chúa người Mông kia lớn quá, khiến chị ta bất chấp tất cả.

Đi đêm nhiều ắt gặp ma, luật đời là thế. Gã đạo diễn biết thì thiên hạ đều biết. Người ta đang nuôi béo một con mồi để úp nơm cho đầy giỏ đó thôi, sẽ có lúc chị ta trắng tay vào tù, lúc đó đời Chúc sẽ ra sao? Ác nhân gặp ác nhân, biết đâu có ngày những thằng chui qua háng của chị ta đớp hít kia lại ngồi phán xét tôi trạng bà chúa người Mông. Vả chăng cái ngôi vị quận chúa xây đắp bằng những đồng tiền nhơ nhớp, nếu Chúc có được hưởng nào có sung sướng gì…

Bao nhiêu ý nghĩ, phỏng đoán dồn dập trong đầu, khiến lòng tôi như có kiến đốt. Xe đưa tôi leo dốc Sum lúc nào không rõ. Chân dốc này còn in đậm trong tôi kỷ niệm khó phai.

…Chia tay Chù Mìn Phủ và Thào A Máy, tôi như người chơi vơi rơi giữa khoảng không. Cuộc chiến này thật vô nghĩa và tôi cũng chán ngán sự bắn giết, dù để tự vệ vẫn cứ là tội ác.

Đôi chân vô định theo bản năng sinh tồn đưa tôi vượt qua Cổng Trời, xuống dốc Sum về xuôi. Đến chân dốc, tôi bị quân cảnh giữ lại hỏi giấy tờ, bắt giam tức khắc. Hồi đó, đám lính biên giới chúng tôi đảo ngũ rất nhiều.

Bọn tôi thường đặt lại lời một bài hát thời chống Mỹ: “Ta là con của bố ta, mẹ ta. Nhớ nhà là ta cứ ta về. Ta không cần ba lô, không cần hăng gô... quê nhà ta đó, em yêu đợi ta…”. Vì vậy từ chân dốc Sum đến thị xã có vài trạm gác của quân cảnh đón lõng những lính đảo ngũ. Tôi cũng đảo ngũ như Chù Mìn Phủ, nhưng anh về với rừng đại ngàn của anh, tự do tự tại, còn tôi chỉ có một con đường độc đạo qua dốc Sum thì thoát sao nổi.

Họ giam tôi nửa tháng ngồi viết kiểm điểm rồi giáng cấp từ hạ sĩ xuống binh nhì, điều đi đơn vị khác. Tôi phải xa mặt trận ở Quản Bạ, càng mờ mịt tin tức về Chù Mìn Phủ và Thào A Máy…

Xe khựng lại, chết máy ở ngay Cổng Trời. Gã đạo diễn bảo vẫn còn may vì nếu ở lưng chừng dốc mới thật khốn nạn, giữa dốc không có nơi trú nhờ qua đêm, cũng khó tìm được xe đủ sức kéo lên dốc trong đêm tối. Cổng Trời có trạm tiếp sóng của đài truyền hình tỉnh và trạm vi ba của ngành bưu chính viễn thông, nằm trên hai đỉnh núi ven đường. Mỗi trạm chỉ có ngót chục người, sống gần như tách biệt với thế giới xung quanh nên rất hiếu khách.

Thật hú vía, xe chết máy ở ngay chân núi có trạm viba, ở đó có kỹ sư trạm trưởng quen biết với gã đạo diễn. Chúng tôi hò nhau đẩn xe ra vệ cỏ, áp sát chân núi.

Đường lên trạm vi ba dựng đứng, có đến hơn ngàn bậc xi măng, lại phải mang vác đồ nghề, hành lý làm chúng tôi thở dốc, đầu gối run run muốn khuỵu xuống. Tôi leo được đến cái sân rộng, có đặt cột thu sóng tưởng mệt đứt hơi. Trưởng trạm là chàng trai chừng ngoài ba mươi tuổi. Anh hớn hở ra sân, chầm vập ôm chặt từng người, luôn miệng: “Khách quý!... Khách quý!...”. Đoàn chúng tôi như sứ giả đem niềm vui đến với những con người cô đơn.

Trưởng trạm la hét mọi người bật hết các ngọn đèn trong nhà, ngoài sân sáng trưng như đêm hội hoa đăng. Trong lúc mọi người tỏa đi tất bật bắt vịt nấu cơm đãi khách, tôi lững thững ra sân ngắm vườn phong lan của trưởng trạm. Anh có cả một bộ sưu tập khá phong phú, nhiều giò lan quý: tai trâu, vẩy rồng, đuôi chồn, quế hương, kiều đạm thanh, nữ hoàng, hồ điệp…

Anh bảo: “Chúng em ở đây như kiếp tù giam lỏng, chỉ có công việc, hoa lá, chim muông và gió trời làm bạn”. Hay thật, chuyến đi này tôi gặp toàn những số phận bị cầm tù hay cầm tù kẻ khác. Tôi động viên anh: “Chính sách có rồi, tuổi trẻ các bạn gắng chịu cực vài năm, tích lũy kinh nghiệm rồi Nhà nước sẽ điều chuyển”. Anh nhếch miệng cười buồn đáp: “Chính sách do con người đặt ra thì con người cũng có quyền tùy tiện áp dụng. Những thằng kỹ sư ra trường bị cầm tù ở các trạm lẻ như em chỉ có hai loại, một là thiếu tiền lo lót, hai là có tài thì mang vạ”. “Thế như cậu thì thuộc loại nào?” – tôi hỏi. Anh nói, gằn giọng: “Đời bây giờ toàn thằng bất tài mỏng đức nắm quyền nên họ chỉ ưa dùng dưới trướng đứa nào dễ bảo hoặc ngu hơn mình mới mong ngồi vững ghế. Một thằng oắt con như em, dám to mồm phê các sếp lập nhiều dự án vô tích sự hay mua mấy phần mềm vớ vẩn mà mình cũng làm được thì bị bắn đi xa, giam lỏng ở trạm lẻ còn là may, có khi còn bị vu cáo hay lừa cho vào tròng rồi ngồi bóc lịch trong nhà đá là đằng khác”. “Và vì thế cậu có dịp làm bộ sưu tập phong lan tuyệt vời!” – tôi vỗ vai anh thông cảm.

Anh kể rằng, mấy năm nay nếu không có ông lão khùng khùng điên điên người Mông đến bán phong lan, có lẽ anh sẽ buồn nẫu ruột vì nhớ nhà. Ông ta cũng đã từng ngồi tù vì tội đảo ngũ và chống người thừa hành công vụ. Bà vợ điên bế đứa nhỏ bỏ nhà đi mất tích. Ra tù, nhà cửa, trang trại ở Bát Đại Sơn bị vào tay kẻ khác, đi khắp nơi tìm vợ con không thấy, ông lang thang làm nghề kiếm lan rừng mang ra chợ bán, lúc say lúc tỉnh, khùng khùng điên điên, chẳng ai dám dây vào. Mỗi lần có giò lan quý, ông đều mang lên trạm vi ba vì được giá hời, lại được uống rượu say bét nhè, thổi khèn và nằm khóc tu tu.

Anh trạm trưởng không biết tên ông là gì vì ông không chịu nói, cứ bảo gọi “lão khùng” là được rồi. Tôi mừng như bắt được vàng, cuống quýt hỏi thăm xem có cách nào tìm gặp ông già bán phong lan. Anh dắt tay tôi đến bên gốc cây có treo giò phong lan lạ và bảo: “Đây là lan liễu tím, còn một loại nữa là lan liễu trắng, thứ lan chỉ gặp ở rừng Cao Bằng hay Hà Giang mà thôi. Lan liễu mọc thành chùm như cỏ dại, trên các chạc cây cổ thụ. Lan liễu tím thân mảnh, xõa tóc dài hàng mét, còn lan liễu trắng thân mập hơn một chút và xõa tóc ngắn hơn. Cả hai loại ra hoa khi nở nom như chiếc hài, tỏa hương thơm rất dịu. Trưa nay ông lão gùi đến khá nhiều phong lan, chỉ có một giò lan liễu tím, hứa sẽ tìm thêm lan liễu trắng cho đủ bộ. Mai bác nhà văn cứ ra chợ huyện, chắc sẽ gặp vì còn nhiều giò lan khác em không lấy, nhưng vẫn trả tiền để ông mang ra chợ bán lần nữa lấy tiền uống rượu.”

Đêm ở trạm vi ba tôi nằm thao thức, không sao chợp mắt nổi, mong trời sáng ra chợ huyện tìm ông lão bán phong lan.

Lại thêm một kiếp tù tôi sẽ gặp, liệu có phải là Chù Mìn Phủ?...

11.

Chợ huyện Quản Bạ nằm trên đường phố nhỏ, ở mé Tây thị trấn Tam Sơn. Vì không phải ngày phiên nên chợ vắng hoe, chỏng trơ mấy phản thịt, dãy hàng xén và mấy dãy hàng rau. Người Mông, người Dao ở các xã chỉ lên chợ huyện vào buổi sáng phiên chợ ngày chủ nhật. Tôi đi miết chưa tìm thấy ông lão theo mô tả diện mạo của anh trưởng trạm vi ba. Ở dãy hàng rau cuối cùng có dăm người bán phong lan, tôi hỏi thăm, họ chỉ lắc đầu.

Tìm quanh quẩn mãi, tôi mới phát hiện ra ở ngoài chợ, áp mặt tường phía Bắc có dãy hàng ăn. Một ông lão say rượu đang thổi khèn cho đám trẻ con thị trấn nghe. Từ xa tôi đã nghe thấy điệu khèn quen thuộc. Bên tai tôi vẳng lên điệp khúc mà Thào A Máy đã hát năm nào: “Xi tùa, nể tùa, mi dầu tùa…”. Tôi len vào giữa đám đông nhìn kỹ.

Chù Mìn Phủ đấy ư? Một ông già tóc bạc trắng phau, buông xõa ngang vai, râu dài chấm ngực. Thân hình ông teo tóp chỉ còn bộ xương, da đen nhẻm, nhăn nheo, mốc thếch như da trâu. Áo quần ông rách mướp, bệt bợt bùn đất, bốc lên mùi chua chua khăm khẳm.

Đúng lão khùng đây rồi. Gương mặt ấy, điệu khèn quen thuộc ấy và cả thói quen gãi đít bằng ngón tay giữa, các ngón khác vểnh ra kia cũng đích thị là Chù Mìn Phủ. Bao năm rồi, dù cuộc đời tàn phá thân xác, tôi vẫn nhận ra anh, huống chi còn cả điệp khúc “Xi tùa, nể tùa, mi dầu tùa…” của Thào A Máy luôn ám ảnh đời tôi và anh.

Tôi đứng lặng đi cho đến lúc anh ngừng thổi khèn, lừ đừ vào quán đòi mua thêm chai rượu ngô, ngửa cổ uống cạn rồi nằm lăn ra đất mà khóc tu tu. Chẳng cần hỏi rõ họ tên, bởi có hỏi lúc này cũng vô ích, tôi thuê người vực lão khùng dậy, cõng về khách sạn, thả vào bồn tắm nước nóng trong phòng tôi.

Tôi tin lão khùng là Chù Mìn Phủ, vất vả lắm tôi mới tắm rửa, mặc cho anh bộ quần áo mới của mình rồi để yên cho anh nằm ngủ li bì trên giường đến tận chiều tối.

Đêm, tôi nhoà lệ nằm nghe anh kể chuyện…

12.

Mày muốn nghe chuyện đời, chuyện tình của tao với Thào A Máy ư? Chết hết cả từ lâu rồi, còn gì mà kể. À… mày bảo sao? Con tao, con bé Chù Thào Mỷ vẫn còn sống, đang ở với mày giữa thủ đô Hà Nội ư? Láo toét!... Mày muốn an ủi cái thân tàn ma dại này thôi chứ gì?... Đời là địa ngục trần gian, toàn những kiếp tù, rặt bầy ác quỷ. Cả tao với mày và Thào A Máy năm ấy qua bên kia biên giới cũng thành ác quỷ nên giời quả báo. Tao muốn chết mà ông giời vẫn còn quả báo, hành hạ chưa tha. “Xi tùa, nể tùa, mi dầu tùa…”, mày thấy không? Thào A Máy đã báo trước cho tao rồi, sao mày còn cứu cho con tao sống giữa cõi người độc ác này, để ông giời hành hạ tiếp cái đời của nó?...

Chuyện đời của tao ư? Dài và khốn nạn lắm! Chia tay mày, tao cõng Thào chạy một mạch như điên vì sung sướng. Tao mê nó từ lâu mà không dám nói cái lời yêu. Nó như bông hoa rừng, còn tao như bãi cứt chó, nói lời yêu ra sợ nó không ưng bụng thì buồn thối cái ruột mình, chỉ còn nước chui xuống đất thôi.

Lúc tao với mày vật lộn với nó để đưa vào lán, hễ đụng vào chỗ nào trên người nó là tao như bị điện giật. Tao trách nó hở hang, ghen cả với mày. Giờ tao được một mình cõng nó trên lưng, băng băng trong đêm giữa rừng đại ngàn, nhẹ và thơm như đang gùi một giò lan rừng. Giời ơi! Chiến tranh khủng khiếp, toàn sự giết chóc mà tao lại được có hạnh phúc bất ngờ. Nó gục đầu vào vai tao, rên ư ử như mèo con, nghĩ thương và tội lắm, mày ạ!

Tao đi một mạch suốt đêm, vừa đi vừa nghĩ ngợi lung tung. Người nhà tao, nhà nó đạn pháo Trung Quốc giết sạch cả rồi, đi đâu về đâu cũng chỉ còn có hai đứa với nhau thôi. Nếu về bản làng cũ tao sẽ mang tiếng là lính đảo ngũ, khó sống với dân quân và chính quyền. Tốt nhất chúng tao vào ở thật sâu trong rừng, trên đỉnh núi Bát Đại Sơn ấy, chẳng ma nào biết, lính ta hay lính Trung Quốc cũng không mò đến, an toàn tuyệt đối.

Trước lúc đi khiêng cáng với mày, tao đã thủ sẵn dao găm Liên Xô, bật lửa cối Trung Quốc và một bịch muối, thế là đủ sống. Người Mông chúng tao có rừng là có cái ăn, không thể chết đói được. Chúng tao đi miết đến bờ một con suối nước trong và sâu. Thào bấm vào vai tao ra hiệu ngồi nghỉ lấy sức đi tiếp. Lần đầu tiên tao nói cái lời yêu với nó, giữa lúc nó điên mà vẫn hiểu, gật đầu cười ngu ngơ, nhìn càng thêm thương. Tao vứt mẹ nó cây súng cho suối cuốn đi thật xa, giã từ đời lính bắn giết con người. Thào sợ hãi lao xuống nước giữ súng lại không được, bưng mặt khóc. Có lẽ nó sợ tao bị tử hình hay đi tù chăng.

Hồi cách mạng văn hóa, chúng tao đã từng rủ nhau sang bên kia xem người ta tử hình một chị cán bộ người Mông chỉ vì tội vứt cuốn ngữ lục của lãnh tụ vào sọt rác, không chịu đặt ở đầu giường như mọi người khác, nữa là tao bây giờ dám vứt súng đi, tội tày đình chứ bỡn. Thây kệ đời, việc đến đâu thì đến. Tao nhảy xuống suối, bế Thào lên bờ, cả hai cùng ướt sũng, phải cởi hết quần áo vắt cho khô. Đêm trong rừng vắng, hai thân xác đực cái tồng ngồng đứng gần nhau thì phải quấn vào nhau thôi. Nó ưỡn cong người khi cái của tao đi sâu vào cái của nó. Mắt nó sáng ngời lên, không còn lờ đờ như lúc điên. Miệng nó cười tươi như hoa lan rừng, không ngu ngơ như điệu cười lúc tao nói lời yêu ban nãy. Người tao cứ bồng bềnh như trôi giữa trời đêm, khi nó co hai chân đập gót vào mông tao, tay nó ghì chặt lưng tao lắc lắc mà rên và thở gấp. Thần núi, thần sông, ma rừng chắc cũng phải ghen tức trong cái đêm tao được làm chồng thật sự của nó.

Chúng tao biết ơn mày lắm vì sau đêm ấy bệnh điên của nó bớt dần. Không có thần dược nào tốt bằng thứ nước tình của tao đổ vào chỗ ấy của nó đâu, mày ạ! Những ngày đầu, chúng tao kiếm măng rừng, củ mài, củ sắn, rau dại về ăn, đêm ngủ trong một hốc cây cổ thụ, tự do đi sâu, thật sâu vào trong người của nhau mà hưởng cái sung sướng tuyệt trần. Sau đó, tao lén về các thôn xã gần đó, tìm đồ đạc, lương thực của các nhà đi chạy loạn bỏ lại. Chúng tao làm nhà, cuốc đất, trồng cây, sống đời tự do trên thung lũng lòng chảo của Bát Đại Sơn cho đến ngày chiến tranh kết thúc, chẳng phiền lụy ai, cũng không ai nhòm ngó hay hạch sách gì.

Tao chỉ buồn một nỗi mình ở xa, mỗi lần Thào sinh nở chỉ sau vài ngày là con tao đều bị chết vì bệnh uốn ván. Tao đỡ đẻ cho nó, dùng dao bẩn cắt rốn cho con nên ma rừng xui bệnh uốn ván đến bắt con chúng tao đi, nhưng Thào lại tin ông giời quả báo cái tội nhóm trinh sát chúng mình sang bên kia biên giới giết hại người Mông nhiều quá. Thế là bệnh điên của nó tái phát ngày thêm nặng, lại trần truồng ra suối tắm, trần truồng đứng giữa nhà hát “Xi tùa, nể tùa, mi dầu tùa…”.

Tao không dám cho nó mang thai nữa, mua về một nắm bao cao su OK để dùng, đợi lúc có đủ tiền đưa vợ về bệnh viện thị xã đẻ sẽ vứt quách thứ bao OK của nợ ấy đi. Nghe nói, người điên ra bệnh viện thị xã đẻ tốn tiền gấp mười người thường cơ, mày ạ! Biên giới mở cửa, người bên kia sang lùng mua hồi, quế, sa nhân, thảo quả rất đắt. Vợ chồng tao âm thầm vỡ đất, biến thung lũng lòng chảo trên đỉnh Bát Đại Sơn thành trang trại trồng thảo quả và thử gây thêm vài trăm gốc quế, tính chuyện lâu dài.

Trâu, ngựa, gà, vịt của tao nuôi nhiều không đếm xuể. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ vào thung lũng lòng chảo và cách mấy năm không sinh đẻ, lại uống thuốc của thầy lang ở tận Mai Pho do tao lặn lội mua về đã giúp Thào nguôi ngoai, bệnh điên thuyên giảm. Vụ thảo quả năm ấy tao thu về hơn trăm triệu, rừng quế cũng sắp đến tuổi đốn cây bóc vỏ. Thào mang thai con bé Chù Thào Mỷ làm tao như sống lại kiếp người khác, đặt tên con từ lúc vợ mới tắt kinh, hí hửng mang vợ ra bệnh viện thị xã nằm trước hai tháng chờ đẻ. Đúng hôm tao chuẩn bị hành lý, gói cục tiền to đi đón mẹ con nó về thì một lũ người đột nhiên ập đến nhà, hạch tội tao ở đâu đến chiếm đất, chiếm rừng Bát Đại Sơn làm giàu bất chính.

Chúng nó đòi dỡ nhà, tịch thu trang trại. Tao uất quá, nổi điên vác dao đuổi và chém bị thương mấy đứa vào đầu, vào vai, thế là bị bắt. Ra tòa chúng nó còn moi thêm tội tao và Thào đảo ngũ từ thời tám hoánh, dễ bề xử tao án bảy năm tù giam để cướp không trang trại. Khốn nạn thân tao, có tội thì chịu ngồi tù, nhưng Thào mới sinh con, bệnh điên vừa mới đỡ đã tái phát trầm trọng hơn cả mấy lần sinh con trước đây. Nó lang thang bế con đi tìm tao trong tù, làm sao tìm được, hở giời! Mày bảo gì cơ? Cha xứ nói nó chết khi Chù Thào Mỷ lên năm tuổi à? Sao nó không chết ngay mà ông giời còn cho sống khổ, sống nhục năm năm nữa để giời hành hạ?

Quả báo, giời ơi, quả báo! Ra tù, tao lại đi khắp nơi tìm mẹ con nó. Gót chân tao đi mòn các ngả đường bên này, bên kia biên giới vẫn chỉ như con thỏ, con nai ngơ ngác giữa rừng đại ngàn tìm con bị loài người độc ác bắn giết. Giờ tao thành lão khùng thân tàn ma dại, lang thang đi kiếm lan rừng lấy tiền mua rượu để hủy hoại cho mau chết cái thằng tao. Có ai trên đời thèm biết đến cái tên Chù Mìn Phủ sống giữa cõi người nên mày vất vả đi tìm cũng phải thôi.

Con của tao, con bé Chù Thào Mỷ vẫn còn sống thật ư?

Đời nó liệu có đỡ khốn nạn hơn tao với mày không, hở giời...........

Hà Nội 21/2/2006