Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Xin thắp 25 ngọn nến giỗ nhà văn / nhà thơ Mai Thảo

Nguyễn Thị Thanh Bình

image

Bạn bè nhắc lại một chút tưởng nhớ về Mai Thảo, và khi lòng tôi cũng đang chợt nghĩ một chút gì về ông. Một nhà văn yêu thơ, thuộc thơ, đọc thơ rất có hồn và làm được những bài thơ hay vào cuộc đời bóng xế, với một tập thơ duy nhất Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, mà hầu như ai trong chúng ta cũng biết.

Điểm đặc biệt của Mai Thảo khi làm lại tờ Văn ở hải ngoại và khi chăm sóc cho tờ tạp chí này, Mai Thảo có thể rất dễ dãi khi chọn đăng những bài về văn xuôi, nhưng về văn vần, về Thơ, nhà văn chủ bút này tỏ ra rất ư là kén chọn. Tôi từng biết có nhiều nhà thơ có tiếng gởi thơ cho ông, nhưng một cách nào đó vẫn khó lòng hợp thể tạng của nhà văn giàu chất thơ khi viết văn xuôi này, nên vẫn bị Mai Thảo ‘dìm hàng’như thường.

Có lẽ nhiều phần với ông, Thơ thuộc dạng ở tầng đầu tầng cao, tuyệt đỉnh của ngôn ngữ. Tôi ngờ rằng cho dẫu bạn có chế tạo Thơ để mang đi biếu cho châu chấu, chuồn chuồn như thi sĩ đốn ngộ Bùi Giáng từng nói thì cái mà chúng ta gọi là Thơ cũng phải là Thơ, hay ít là phải mang vóc dáng Thơ chăng.

Mấy dòng này tôi viết đúng 10/1 đêm qua, trong váng vất của lòng mình với một chút rượu vang lai rai từ lúc chiều xuống. Rồi khi không lại quên chia sẻ với quý bạn. Rồi bỗng thấy để làm gì nữa không biết, khi mới đó mà nhà văn tôi yêu mến và có nhiều kỷ niệm nhất đã là vầng mặt trời vắng bóng suốt 25 năm. Bàn-viết-lữ-thứ là chữ dùng của Mai Thảo dành riêng cho chính mình và những người con tha hương cầm bút ở hải ngoại.

Vâng, khi chính ông trong những lần trò chuyện, tác giả của Đêm Giã Từ Hà Nội đã trả lời vỏn vẹn ba chữ: ‘Không bao giờ!’, khi tôi hỏi nhà văn Mai Thảo liệu Mai Thảo có còn muốn và còn dịp để về thăm Hà Nội một lần nào đó chăng. Mai Thảo đã dựng lại một bàn viết trên đất khách dù không ‘nguy nga tráng lệ’, nhưng chính trong căn phòng nhỏ được gọi là toà soạn của tạp chí Văn ở Cali, Mai Thảo đã trở về với con người Thơ đích thực của mình, để sau 50 tác phẩm văn xuôi với bút pháp có thể gọi là bay bướm, làm dáng, kiểu cách và ngồn ngộn chất thơ nên rất riêng Mai Thảo, và vì thế không khiến chúng ta ngạc nhiên, cuối đời Mai Thảo cho ra đời tập thơ xuất sắc Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền.

Phải nói đây là tập thơ được nhiều nhà phê bình văn học và nhiều người chú ý nhắc nhở tán thưởng nhất, lại vừa bán chạy nhất, và là tập thơ duy nhất được GS Đỗ Đình Tuân của nhà xuất bản Văn Khoa trả nhuận bút ngang hàng với một tác phẩm truyện dài hay truyện ngắn.

Tôi cũng đặc biệt yêu tập truyện Ngọn Hải Đăng Mù, do Làng Văn xuất bản, của Mai Thảo, và chính Hồ Trường An trong cuốn bút khảo Mười Khuôn Mặt Văn Chương (do Tiếng Quê Hương in 2018) cũng đã chọn tác phẩm tiêu biểu này để tán tụng những cảnh đời, những nỗi niềm bỏ nước tìm đường vượt biên, ly hương hội nhập thâm trầm, sâu lắng của Mai Thảo.

Nghĩ về Mai Thảo, không hiểu sao với tôi lúc này bỗng nhớ đến Con Người Mai Thảo nhiều hơn.

Con người ấy có thể khá vui chuyện, hoà đồng trên chiếu rượu nhưng kỵ nhất là sử dụng ngòi bút chữ nghĩa văn chương để chỉ trích, phê phán, chửi mắng ‘lên lớp’ bất cứ ai.

Do đó Mai Thảo thật ‘duyên dáng’ khi soạn Bảng Vàng Văn Nghệ cho chúng ta trong một số báo đầu năm của Văn, Giai Phẩm Xuân. Tôi được nhà văn ưu ái tặng cho mấy chữ ‘yểu điệu thục nữ nhất’, còn nhà thơ Trần Mộng Tú thì ‘người giàu mơ mộng nhất’... À, chỉ có nhà thơ Trân Sa thì Mai Thảo phán nhẹ ‘bụi đời nhất’, và Nguyễn Thị Ngọc Nhung thì ‘Người hay họp mặt trễ nhưng lại chuồn sớm nhất’... Đại khái tất cả câu chữ đều nhẹ nhàng như thế! Chả bù ở ngoài đời, Mai Thảo gặp Trân Sa có thể la toáng lên: ‘Gớm, con cái nhà ai mà hút thuốc cứ xoành xoạch liên tục như thế. Sau này ai mà yêu cô, hắn cũng phải biết yêu luôn cái gạt tàn thuốc của cô chắc’. Vui, chỉ vui thôi mà nên Trân Sa không hề giận Mai Thảo mà còn khen Mai Thảo viết chữ đẹp, thơ hay (chính Mai Thảo mỗi tháng vẫn tự tay nắn nót phong bì dán tem và gởi báo cho bạn đọc và bạn viết của tạp chí Văn tục bản ở hải ngoại).

Một điểm khác cũng không lạ gì với người đàn ông dong dỏng cao như Mai Thảo, là chỉ thích uống chứ không thích ăn. Mỗi năm Mai Thảo vẫn có thói quen thích trở lại ghé thăm Miền Đông vào lúc Virginia... ảo diệu với nàng Thu nhất. Ở đó nhà văn có dịp gặp lại họa sĩ Ngọc Dũng của một thời góp mặt với Sáng Tạo, để cùng cụng ly hơn là nhậu nhẹt nhấm nháp, dù bà xã của Ngọc Dũng nấu ăn đãi khách rất cừ khôi (chủ tiệm nhà hàng một thời). Còn nhớ hôm nào đó tôi được gặp cả nhà thơ của Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy Thanh Tâm Tuyền và vợ chồng nhạc sĩ Cung Tiến từ Minnesota xuống chơi, nhưng nhà văn của chúng ta chỉ uống và uống, và hầu như không đụng một chiếc đũa làm con nhỏ cũng chỉ dám giả vờ ‘yểu điệu thục nữ’ kiểu ‘nữ thực như miu.’

Những lần nào khác có dịp gặp Mai Thảo, bạn bè em út cũng sẽ khó lòng quên người thuộc thơ và đọc thơ có hồn nhất chính là nhà thơ hào sảng Mai Thảo.

Nói về tập thơ để đời của Mai Thảo, thì cũng có khá bộn người thích bài thơ được chọn làm tựa sách Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, và bài thơ này đã được nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ nhạc và Khánh Ly trình bày rất hay.

Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản cho biết 'thd-tho -thd mai thảo ta thẩy hình ta những miếu đền văn khoa xuất bản 1989'

Có lẽ, tôi thích chất men ngầy ngậy thân phận lữ thứ của Mai Thảo trong bài thơ Một Mình:

Ngồi tượng hình riêng một góc quầy

Tiếng người kia, uống cái chi đây?

Uống ư? Một ngụm chiều rơi lệ

Và một bình đêm rót rất đầy

Hoặc chỉ mấy câu tứ tuyệt sao chừng như vẫn cứ bám mãi trong đầu tôi, không dứt. Thường, chỉ có những câu thơ hay mới có thể đọng lại trong tâm trí bạn lâu như vậy mà thôi:

Mỗi ngày một gạch một ngày giam

Lên bức tường câm lệch chỗ nằm

Gạch miết tới không còn chỗ gạch

Gạch vào trôi giạt tới ngàn năm

Thật ra tôi cũng đã có dịp nói về những Khoảng Trống cô liêu rợn người ấy trong Thơ Mai Thảo, trong một số báo Tưởng Niệm Mai Thảo của Hợp Lưu.

Tập thơ chỉ có khoảng 44 bài mà chúng ta có thể gọi là của 44 nguồn xúc cảm, nhưng mỗi bài đều để lại một dấu ấn riêng, đến từ một cõi nào vô hình vô ảnh của nhà thơ Mai Thảo.

Lúc này tôi chỉ muốn tặng Mai Thảo mấy câu về Nỗi Không rợn ngợp ấy của chúng ta, trong những cô đơn tột cùng không cách chi lấp đầy, ngoài những vay mượn dàn trải của bàn viết lữ thứ:

Giữa cõi thinh không giữa cõi lòng

Nửa ngày mộng mị nửa ngày không

Tuyết rơi qua những bàn tay trống

Xác thân không còn khoảng vắng trông.