Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Tình xưa là gì? (Chuyện vui cuối năm)

Hà Nhật

Hình như ai cũng nghĩ: tình xưa là một cái gì đó thật nên thơ, lãng mạn.

Thế mà không phải.

Trước hết, chuyện của Phùng Quán. Lúc ấy Quán vừa in xong Vượt Côn Đảo, vừa có tiếng vừa có tiền, thuộc loại giàu trong số bạn bè. Quán có một cái đồng hồ Movado, cái xe đạp Sterling, còn có tiền gửi ngân hàng để rút dần. So với bạn bè, Quán thế là giàu.

Thật ra thì Quán vốn không phải là nhà văn, mà là một người của một đoàn văn công quân đội, dưới quyền ông nhà văn Thanh Tịnh.

Lần đó, Quán ốm phải nằm viện. Ra viện thì Đoàn chuyển, đi phục vụ mừng Hoà bình (1954). Không tìm được đơn vị, Quán được ghép vào quân số phục vụ đón tiếp tù binh từ Côn Đảo được địch trao trả về Sầm Sơn. Thế là Quán gặp được vận may lớn của đời mình: viết tác phẩm Vượt Côn Đảo, in đi in lại đến mấy lần!

Quán trở thành nhà văn, nổi tiếng nhất lúc bấy giờ.

Hồi ở Đoàn Văn công, Quán chỉ là một anh lính trơn, mặc áo hai túi, có chần “ba mươi sáu đường gian khổ”, chân đi giày vải…

Thế mà cậu lại mê một cô diễn viên dáng đẹp, mặt xinh, hát hay. Tất nhiên là thất bại. Người của cô ta phải là một người có chức tước đàng hoàng, “áo bốn túi, chân chì”, phải người “đứng trong đoàn thể”! Cô ấy đã chọn đúng thế.

Kết hôn xong, đôi vợ chồng ấy xin chuyển ngành, đưa nhau về một tỉnh miền Trung gần quê nhà. Cô văn công trở thành người đọc các bản tin hàng ngày của cái Đài truyền thanh của tỉnh ấy. Cô tên là H.

Quán rồi dần cũng quên chuyện xưa.

Thế mà bỗng có một ngày, không biết cái gì xui khiến, Quán băn khoăn:

- Hình như mình có một tuổi trẻ bỏ quên ở đâu đấy… Có lẽ ở cô H. nhỉ? Biết đâu?

Nói là làm, hôm sau Quán ra ngay bến xe, mang theo cả xe đạp, hồi hộp chờ gặp lại “tuổi trẻ” của mình.

Xuống xe, Quán đạp xe ngay đến cái đài truyền thanh của tỉnh. Dễ thôi. Nhưng ở đó, người ta cho biết là cô H. đã về nhà ở ngoại ô. Họ còn chỉ cho Quán cách hỏi đường để đến. Thế là tiếp tục đạp xe, lòng vui như mở hội.

Cuối cùng thì cũng đến được nơi cần đến, nhưng chân mỏi rã rời, bụng đói như chưa bao giờ ăn.

Dắt xe vào cổng, mệt nhọc tiêu tan. Giữa sân là dáng hình thân thuộc thiêng liêng. Chỉ kịp dựng xe bên rào tre, Quán kêu to, chỉ một tiếng, như trời long đất lở:

- H… …!

Người phụ nữ trong sân, sau mấy giây ngạc nhiên:

- À, tôi biết rồi. Anh là Phùng Quán.

Thế là biết rồi, tuổi trẻ đây.

Tất nhiên con đường trở về Hà Nội mới nặng nhọc làm sao!

Đó là chuyện của Quán, bây giờ là chuyện “tình xưa” của tôi.

Hồi đó tôi đang học năm 1. Vừa học tôi vừa nhận làm nửa ngày cho toà soạn báo Trăm Hoa, chủ bút là nhà thơ Nguyễn Bính, nghĩa là có tiền tiêu vặt.

Không biết ai xui khiến, tôi gặp rồi mê một cô diễn viên múa của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Doanh trại của cô ở trong thành, lối ra ở phố Lý Nam Đế. Cô khá đẹp, lại có dáng đúng là diễn viên múa.

Thế là một sáng chủ nhật, tôi đến đón cô. Lững thững dạo qua mấy phố, tôi mới cô đi ăn.

Tất nhiên nơi ăn phải sang: một quán Tàu trên phố Hàng Buồm. Lâu quá không nhớ tôi đã gọi món gì, chỉ nhớ là một món sang. Ăn xong, đến món tráng miệng, người ta dọn ra một đĩa bánh lớn, gồm 6 cái, mỗi cái là một thứ bánh khác nhau.

Có vẻ cô rất khảnh ăn. Cô cầm những cái bánh, lần lượt cắn mỗi cái một miếng nhỏ rồi đặt xuồng, tất cả đĩa bánh.

Hôm ấy, chi cho bữa ăn sang, tôi đã trả hết đúng nửa số tiền lương tháng mà ông Nguyễn Bính đã trả cho tôi hôm qua.

Sau cuộc gặp này, chúng tôi không gặp nhau lần nào.

Hơn 60 năm đã trôi đi, mọi chuyện hầu như không còn để lại dấu tích gì trong tâm hồn tôi.

Vậy mà cách đây mấy hôm thôi.

Tôi ghi lại cuộc hội thoại như sau qua Messenger của tôi:

- Chào anh. Anh cho hỏi: anh Lương Duy… con ông Lương Duy… bây giờ ở đâu không? Anh ấy từng là bạn học của tôi.

- Anh ấy là anh con ông bác ruột tôi.

- Thế à! Sao tôi không biết nhỉ?

- Cô có phải là cô N từng là văn công quân đội không?

- Đúng rồi. Anh biết tôi à?

- Ôi, tình xưa của tôi đây rồi!

- Anh nói gì tôi không hiểu.

- Tôi từng đưa cô dạo phố Hà Nội, từng đưa cô vào một nhà hàng người Tàu…

- Ô, tôi không nhớ gì cả.

- Đúng là trí nhớ của phụ nữ, nhất là phụ nữ đẹp!

Andersen có một truyện ngắn rất vui, trong đó có câu kết:

Khi ta đứng từ trên cao mà nhìn xuống nỗi đau buồn, dù là nỗi đau buồn của chính mình, ta cũng chỉ mỉm cười!

Sau hơn sáu mươi năm, kể lại chuyện xưa, tôi chỉ còn biết mỉm cười!