Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

Nguyễn Du – Truyện Kiều và khát vọng hòa bình

Phạm Quang Ái

1. Hòa bình là khát vọng của nhân loại từ bao đời nay. Chiến tranh, dù là thứ chiến tranh nào thì cũng là một sự kiện bất thường của của cuộc sống xã hội mà không một người dân nào mong muốn. Vì chiến tranh bao giờ cũng đưa tới cảnh tượng sát phạt, đổ nát, chết chóc kinh hoàng. Trong chiến tranh, con người luôn sống trong trạng thái khổ đau, mất mát, bất an từ ngoại cảnh đến nội tâm. Có thể nói, trong các thứ tai họa mang đến đại bất hạnh cho con người thì chiến tranh thực sự là một thảm họa gây đau khổ cho xã hội con người một cách rộng lớn, sâu sắc và lâu dài nhất. Nhân loại từ khi hình thành xã hội thị tộc, sắc tộc, dân tộc, quốc gia đến nay đã trải qua biết bao nhiêu là cuộc chiến tranh lớn nhỏ khác nhau. Từ các cuộc chiến huynh đệ tương tàn của các thế lực, phe phái trong nội bộ một cộng đồng cho đến các cuộc chiến tranh của các dân tộc, quốc gia nhằm tranh chấp quyền lợi. Lịch sử nhân loại hiện đại ở thế kỷ XX đã xảy ra hai cuộc chiến tranh thế giới sát hại hàng trăm triệu mạng người, gây ra đói nghèo, dịch bệnh kéo dài. Có những cuộc chiến ngắn thì tính bằng tháng, bằng năm; có những cuộc chiến dài tới hàng chục, hàng trăm năm. Kẻ thắng trận hay người thua trận, tất cả, đều chịu thiệt thòi, đau khổ. Và tầng lớp chịu đau khổ nhiều nhất không phải ai khác mà là nhân dân lao động. Kết thúc một cuộc chiến tranh bao giờ cũng là những hành động vì hòa bình của giới cầm quyền như thương lượng, ngoại giao, bồi thường chiến phí, xây dựng lại hạ tầng vật chất xã hội, cấp phát các chế độ cho những người trực tiếp tham chiến bị thương vong, ổn định cuộc sống của người dân.

Vì thế, vào giai đoạn cuối Thế chiến thứ II, với mục đích ngăn chặn các cuộc xung đột quy mô toàn cầu trong tương lai, một tổ chức liên chính phủ của 50 quốc gia được thành lập gọi là Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện sự hợp tác quốc tế, làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế và các mục tiêu chung. Tuy mức độ hiệu quả nhiều ít khác nhau và tùy thuộc vào từng giai đoạn, nhưng từ đó đến nay, về cơ bản, Liên Hiệp Quốc đã chứng tỏ là một lực lượng quan trọng cho hòa bình và phát triển con người của nhân loại. Ngày nay, trên thế giới, đã có 193 quốc gia được kết nạp vào tổ chức này. Sự ra đời của Liên Hiệp Quốc cùng với sự nỗ lực hoạt động trên nhiều phương diện của nó cho thấy tầm khát vọng hòa bình của nhân loại cao cả, cấp thiết đến nhường nào.

2. Lịch sử hơn 2000 năm được ghi chép của nước ta có không ít trang bi tráng, thấm đẫm máu và nước mắt vì các cuộc chiến chống ngoại xâm và nội chiến. Đó là các cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của các thế lực phong kiến phương Bắc như Tần, Hán, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh; các đế quốc tư bản như Pháp, Nhật, Mỹ; các cuộc chiến tranh biên giới Tây-Nam, biên giới phía Bắc. Dân tộc ta, nhân dân ta đã phải nhiều năm đổ máu để giành độc lập, hòa bình.

2.1. Thời Nguyễn Du (1765-1820) sống là một giai đoạn đất nước vô cùng động loạn, nhân dân rên xiết trong chiến tranh. Cuộc nội chiến Lê-Mạc (1533-1677) kéo dài 144 năm. Trong lúc cuộc chiến này chưa kết thúc, thì năm 1627 lại nổ ra cuộc nội chiến thứ hai, Trịnh-Nguyễn phân tranh, chia đôi đất nước, với 8 lần đại chiến và kết thúc vào năm 1775. Như vậy, với hai cuộc nội chiến này thì máu xương người Việt đã phải đổ trong một thời gian dài khủng khiếp là 292 năm. Đó là chưa kể các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Đàng Ngoài như các cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất, Nguyễn Tuyển - Nguyễn Cừ, Nguyễn Danh Phương, Nguyễn Hữu Cầu,… chống lại triều đình phong kiến Lê-Trịnh. Có những cuộc khởi nghĩa kéo dài 30 năm như cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất (1739-1769), kéo dài 10 năm như cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương (1740-1750), Nguyễn Hữu Cầu (1741-1751),… Nhìn chung, trong vòng gần 300 năm nội chiến đó, khoảng khắc hòa bình mà người dân được hưởng rất ít ỏi. Chưa hết, sau năm 1775, là cuộc chiến của nhà Tây Sơn với chúa Trịnh Đàng Ngoài và tàn dư chúa Nguyễn Đàng Trong, chiến tranh chống sự xâm lược của nhà Thanh ở phía Bắc và chống sự can thiệp của các thế lực phong kiến Xiêm La, thực dân phương Tây ở phía Nam kéo dài 27 năm (1775-1802).

Trong khoảng thời gian nội chiến dài dằng dặc đó, dòng họ của Nguyễn Du bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh một cách mãnh liệt; nhiều gia đình tan nát, nhiều nhân vật bị tru diệt. Trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng của những cuộc “bể dâu” đó, Nguyễn Du đã đi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Thậm chí, có lúc ông chán nản, tuyệt vọng đến mức gần như không biết tin vào cái gì nữa:

Cổ kim vị kiến thiên niên quốc,

Hình thế không lưu bách chiến thanh

(Xưa nay chưa thấy triều đại nào đứng vững ngàn năm.

Nơi đây chỉ còn lại cái tiếng đã trải qua trăm trận đánh.)

Vị Hoàng doanh (Quân doanh Vị Hoàng)

Cái cơ nghiệp “thiên niên quốc” đó do nghĩa quân Lam Sơn “nằm gai nếm mật” 10 năm trời dựng nên và bậc minh quân Lê Thánh Tông từng hy vọng trong bài thơ Minh lương (Vua sáng, tôi hiền) rằng nó sẽ là: “Bát bách Cơ Chu lạc trị bình” (Vui hưởng trị bình như nhà Chu dài tám trăm năm).Tuy nhà Hậu Lê kéo dài được 362 năm (1427-1789) nhưng thời gian thực sự “lạc trị bình” cũng chỉ được trong ngoài 50 năm và chủ yếu là dưới thời Lê Thánh Tông trị vì (1460-1497).

Trong cái thời buổi rối loạn, nhiễu nhương đó, Nguyễn Du thấy mình quá bất lực và đau buồn tột độ:

Tráng sĩ bạch đầu, bi hướng thiên,

Hùng tâm, sinh kế lưỡng mang nhiên

(Tráng sĩ đầu bạc ngửng nhìn trời, lòng bi đát,

Hùng tâm, sinh kế cả hai đều mờ mịt.)

Tạp thi 1

Vì thế, trong thơ chữ Hán và thơ văn quốc âm của Nguyễn Du luôn vang vọng sự khát khao hòa bình, hạnh phúc. Cũng trong bài thơ Tạp thi 1 nói trên, ở bốn câu thơ cuối bài tuy vẫn tiếp tục nói về cuộc sống nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật của bản thân ở nơi lánh ẩn chốn quê nhà, với một sự chua chát nhất định, nhưng câu thơ vẫn cứ ngân lên niềm khát khao được sống yên bình trong cái nghèo khổ đó:

Hoàng khuyển truy hoan Hồng Lĩnh hạ,

Bạch vân ngoạ bệnh Quế Giang biên.

Thôn cư bất yếm tần cô tửu,

Thượng hữu nang trung tam thập tiền.

Dắt chó vàng đi săn, mải vui dưới chân Hồng Lĩnh,

Trong mây trắng, nằm bệnh bên bến sông Quế.

Ở thôn quê, thích nhất là được mua rượu uống luôn,

Trong túi hãy còn ba mươi đồng tiền đây.)

Khi cô độc, sầu tủi trong ngày xuân chốn đất khách quê người giai đoạn “mười năm gió bụi”, Nguyễn Du lại càng khát khao cảnh đoàn viên, yên ấm, thái bình:

Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc,

Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên

Một trời xuân hứng rơi vào nhà ai?

Muôn dặm Quỳnh Châu đêm nay trăng tròn)

Quỳnh Hải nguyên tiêu (Rằm tháng giêng ở Quỳnh Hải)

Chính vì mong muốn có cuộc sống hòa bình, nên trong Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Du đã kịch liệt phê phán những kẻ hiếu chiến:

Kìa những kẻ bài binh, bố trận,

Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung;

Gió mưa, sấm sét đùng,

Giải thây trăm họ, làm công một người.

Bởi rất yêu hòa bình, nên trên đường đi sứ sang Trung Quốc (1813), qua Quỷ Môn Quan (tức là ải Chi Lăng), nhà thơ đã nói lên sự ghê rợn khi hình dung về cảnh chiến tranh, chém giết ở đây và trực tiếp đả kích bọn đầu sỏ gây chiến tranh xâm lược nước ta:

Như thử hữu danh sinh tử địa,

Khả liên vô số khứ lai nhân.

Tắc đồ tùng mãng tàng xà hổ,

Bố dã yên lam tụ quỷ thần.

Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt,

Kỳ công hà thủ Hán tướng quân

(Là nơi nổi tiếng nguy hiểm đến tính mạng.

Bụi gai lấp đường, mãng xà, hổ báo tha hồ ẩn nấp.

Khí độc đầy đồng, quỷ thần mặc sức tụ họp.

Từ thuở xa xưa, gió lạnh đã thổi bao đống xương trắng.

Chiến công của tướng nhà Hán có gì đáng khen!)

Quỷ Môn Quan

2.2. Đặc biệt, trong Truyện Kiều, khi mô tả nhân vật Thúy Kiều qua những biến cố “bể dâu”, thì ý hướng thể hiện khát vọng hòa bình, hạnh phúc là ý hướng chủ đạo của ngòi bút tác giả. Thúy Kiều đang sống trong cảnh thanh bình, hạnh phúc: xã hội thì “Bốn phương phẳng lặng/ Hai kinh vững vàng”, bản thân và gia đình thì “Êm đềm trướng rủ màn che/Tường đông, ong bướm đi về mặc ai”, bất chợt cơn gia biến ập xuống. Gia đình tan nát, hạnh phúc tình yêu đổ vỡ, bản thân phải bán mình chuộc cha. Từ đó, nàng trải quan mười lăm năm lưu lạc “Khi Vô tích, khi Lâm Truy/Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”, “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần/Trong vòng giáo dựng gươm trần/Kề răng hùm sói, gửi thân tôi đòi”. Trước số phận ngang trái, đau khổ của nàng, lúc thuật chuyện, Nguyễn Du đã không kìm được, nhiều lần bất bình lên tiếng. Kể chuyện gia biến, ông thể hiện sự đau xót của mình trong lời thơ:

Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ,

Tiếng oan dậy đất, oán ngờ lòa mây

Ông đay nghiến bọn sai nha tàn ác:

Người nách thước, kẻ tay đao,

Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.

Ông chỉ mặt bọn chúng mà mắng:

Một ngày lạ thói sai nha,

Làm cho khốc hai chẳng qua vì tiền

Có thể nói, càng yêu cuộc sống hòa bình, hạnh phúc mà nhân vật Thúy Kiều từng có bao nhiêu thì Nguyễn Du càng căm giận bọn quan lại bất lương, tàn ác bấy nhiêu. Thậm chí, khi số phận của Kiều đã lên tới đỉnh điểm của bất hạnh, đau khổ, Nguyễn Du còn chửi cả thế lực siêu nhiên đã xô đẩy nhân vật của mình đến bước đường cùng:

Chém cha cái số hoa đào,

Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!

2.3. Trong chặng đường 15 năm “oan khổ, lưu ly” của Kiều, có một sự kiện đã khiến nhân vật Kiều cũng như tác giả Nguyễn Du bị không ít ý kiến của hậu thế lên án là ích kỷ, bạc nhược, đầu hàng. Đó là việc nàng khuyên Từ Hải bó tay chịu hàng triều đình để đến nỗi Từ phải chết đứng khi bị Hồ Tôn Hiến phục binh đánh úp và nàng phải nhảy sông Tiền Đường tự vận.

Thiết nghĩ, kết tội Nguyễn Du như thế là oan, bởi trước hết sự kiện và diễn biến của sự kiện này là có trong lam bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân. Trong thời đại Thanh Tâm tài nhân và Nguyễn Du sống, các cuộc khởi nghĩa chống triều đình phần nhiều là thất bại. Thảng hoặc có cuộc khởi nghĩa nào thành công, lật đổ được triều đại phong kiến này rồi thì cũng lại lập ra triều đại phong kiến khác, nhân dân lao động vẫn bị áp bức, bóc lột, chịu khổ trăm bề. Đó là chưa nói việc nhân vật Từ Hải của Thanh Tâm tài nhân bản chất là một tên cướp biển liên kết với bọn nụy khấu (bọn cướp biển Nhật Bản) cướp bóc, tàn sát người dân vô tội. Nhân vật Từ Hải của Nguyễn Du tuy anh hùng và có khí độ chính nghĩa nhưng dù sao cũng là một kẻ “giang hồ quen thói vậy vùng”, một anh hùng phong kiến trong cuộc tranh bá đồ vương, tàn sát sinh linh, gây đau khổ cho dân lành. Tuy sự mô tả nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều khác nhiều so với Từ Hải trong Kim Vân Kiều truyện, Từ Hải hiện lên không như một tướng cướp mà là như một anh hùng nhưng Nguyễn Du cũng không thể dấu được thái độ, cảm nghĩ tiêu cực của mình về một cảnh tượng đáng sợ khi tả cảnh Từ Hải trở về gặp Kiều sau một thời gian đi chinh chiến:

Đêm ngày luống những âm thầm,

Lửa binh đâu đã ầm ầm một phương,

Ngất trời sát khí mơ màng,

Đầy sông kình ngạc, chật đường giáp binh.

Trước sức mạnh “vẫy vùng bốn phương” của Từ Hải, quân triều đình do Tổng đốc Hồ Tôn Hiến chỉ huy phải “Đóng quân làm chước chiêu an/Bạc vàng, gấm vóc sai quan thuyết hàng”. Vì “Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn” nên Hồ Tôn Hiến đã “Lại riêng một lễ với nàng/Hai tên thể nữ, ngọc vàng ngàn cân”. Mặc dù tác giả nhận xét lúc kể là:

Nàng thời thật dạ tin người,

Lễ nhiều nói ngọt, nên lời dễ xiêu

Nhưng thực chất động cơ tư tưởng sâu xa khiến Kiều khuyên Từ Hải đầu hàng lại là:

Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,

Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân.

Bằng nay chịu tiếng vương thần,

Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì!

Công tư vẹn cả hai bề,

Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.

Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,

Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha.

Trên vì nước dưới vì nhà,

Một là đắc hiếu hai là đắc trung.

Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,

E dè gió dập, hãi hùng sóng va.

Như vậy, xuất phát từ lòng mong mỏi muốn có sự bình an nên Kiều đã khuyên Từ ra hàng. Đời nàng như “cánh bèo mặt nước”, “đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân”, dù được Từ Hải che chở, được sống sung sướng trong bạc vàng, nhung lụa nhưng nàng vẫn cảm thấy bất an như “chiếc bách giữa dòng”, luôn “e dè gió dập, hải hùng sóng va”, một cuộc sống “kề nanh hùm sói” thì nàng không thể an lòng mà sống. Hơn nữa, tha phương lưu lạc đã quá lâu, nỗi nhớ gia đình, cha mẹ, các em và người tình cũ luôn day dứt lòng nàng. Do đó, khát vọng được yên thân, được đoàn viên với gia đình để thỏa lòng mong nhớ luôn cháy bỏng trong Kiều. Đối với nàng, được vậy mới là hạnh phúc. Nói cách khác, hạnh phúc không phải là có nhiều quyền uy, nhiều vàng bạc, châu báu nhưng lại sống trong cảnh tranh giành, chém giết, bạo lực; hạnh phúc là được sống yên ổn thân tâm trong hòa bình, được đoàn viên ấm cúng trong vòng tay người thân. Đời nàng trải qua nhiều biến cố kinh thiên động địa, nhiều năm liền sống trong cô đơn, sầu tủi, khổ đau do các thế lực tàn bạo gây ra. Vì thế, nàng chỉ mong được sống bình an, yên ấm.

Nguyện vọng tha thiết, chính đáng đó của Thúy Kiều chính là động cơ để nàng dứt khoát khuyên chồng chịu chiêu an của triều đình. Động cơ đó lại còn được củng cố thêm bằng suy nghĩ về những hậu quả thảm khốc, ghê gớm của cuộc chiến tranh do chồng mình gây ra mà đồng loại phải gánh chịu, qua lời khuyên Từ Hải:

Ngẫm từ gây việc binh đao,

Đống xương Vô định đã cao bằng đầu.

Làm chi để tiếng về sau,

Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!

Lúc khuyên Từ, tuy nàng có nói đến ơn vua, lộc nước, quyền cao, chức trọng mà vợ chồng nàng sẽ được hưởng khi ra hàng triều đình nhưng những điều đó dù sao cũng chỉ là lý do phụ, là nói để được việc. Cái sâu xa trong tâm ý của nàng là muốn Từ đừng tiếp tục gây chiến để tránh thảm họa cho chúng sinh, tránh tiếng xấu cho chồng mình. Được vậy mới là hạnh phúc, mới là vẻ vang. Bởi nàng chịu khổ đã nhiều, không để người khác phải chịu khổ vì sự tranh đoạt quyền lợi nữa.

Tuy ý định tốt đẹp đó của Thúy Kiều bị Hồ Tôn Hiến phản bội một cách đê hèn, độc ác, khiến nàng đau khổ đến mức phải tự vận theo chồng nhưng lý tưởng hòa bình, khát vọng hạnh phúc của nàng và cũng là của Nguyễn Du thì không một thế lực hắc ám nào giết chết được. Do đó, Kiều được Giác Duyên cứu sống. Giác Duyên cứu sống Kiều cũng có nghĩa là cuộc sống hòa bình được phục sinh. Và sự phục sinh đó được hóa thân trong màn đoàn viên của gia đình Kiều mà Thanh Tâm tài nhân đã sáng tạo ra và Nguyễn Du đã làm cho tươi da thắm thịt trong tác phẩm của mình. Trong màn đoàn viên, Kiều không những được sống trong hạnh phúc sum họp, mà hơn thế, quá khứ khổ đau với những dơ bẩn tanh tưởi của cuộc đời đã vấy lên thân nàng, đã được “Thân tàn gạn đục khơi trong”, khiến cho “Hoa tàn mà lại thêm tươi/Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”. Quan trọng hơn, trong cuộc sống gia đình êm ái, yên bình đó,tâm hồn nàng đã hoàn toàn đổi thay, thực sự đã đạt đến độ an nhiên, tự tại. Cái tâm bình an đó được thể hiện qua tiếng đàn nàng gảy cho Kim Trọng nghe trước lúc cuốn giây treo đàn:

Khúc đâu đầm ấm dương hòa,

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.

Khúc đâu êm ái xuân tình,

Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?

Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

3. Có thể nói, trong toàn bộ văn chương gửi lại cho hậu thế, Nguyễn Du đã phổ vào trong đó những tư tưởng nhân sinh cao đẹp, những nội dung hiện thực sắc nét, sinh động. Và trong nội dung nhân đạo rộng lớn, sâu sắc của văn chương Nguyễn Du, tư tưởng hòa bình, khát vọng hạnh phúc là một trong những nội dung cốt lõi. Hòa bình và hạnh phúc gắn bó với nhau như hai mặt của một vấn đề. Cá nhân, xã hội muốn có hạnh phúc thì phải có hòa bình, hòa bình chính là tiền đề của hạnh phúc. Hơn thế, trong bối cảnh đặc thù, hòa bình cũng chính là hạnh phúc.

Cuộc đời của Nguyễn Du “như thân cỏ bồng bị gió bụi cuốn đi” nhưng tự đáy sâu cõi lòng ông, ngọn lửa hy vọng vẫn le lói: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”. Cũng vậy, tư tưởng hòa bình, khát vọng hạnh phúc của ông tuy gặp phải muôn vàn khó khăn, cản trở trong cuộc đời hắc ám nhưng chúng chưa bao giờ lụi tắt trong ông. Cuộc sống càng đen tối, điêu linh thì khát vọng hòa bình, hạnh phúc càng rực cháy.

Từ thực tế lịch sử, chúng ta cũng thấy rõ điều này. Với Việt Nam trải qua bao cuộc chiến tranh khốc liệt, tang thương trong quá khứ hay với Ukraine đang bị tắm máu trong cuộc chiến chống người Nga hiện nay, thì khát vọng hòa bình, hạnh phúc của những con người lương thiện không bom đạn nào có thể dập vùi nổi! Không có chính nghĩa, không có khát vọng hòa bình thì làm sao có thể chiến thắng, có thể tồn tại trong một cuộc chiến tranh?!