Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

Đức Mẹ Lái Tim là ai?

Hà Nhật

Tình cờ sao, mùa hè năm đó, tôi đạp xe ra Hà Nội, nhưng đến Vinh thì không thể theo quốc lộ 1, đành phải hướng về phía Tây, lần mò theo đường núi mà đi.

Trong cái rủi có cái may. Nhờ chuyện này mà tôi được đi qua những nơi tôi chưa từng biết: Dốc Bò Lăn (chắc vì cao quá, bò đi cũng ngã lăn ra!). Theo đường thượng đạo, tôi đi ngang qua tỉnh Thanh Hoá, viếng Đền Sòng nơi hiển linh của Bà Liễu Hạnh Công chúa, chiêm ngưỡng đàn cá thiêng vẫy vùng…

Rồi Nho Quan, Ninh Bình, Phát Diệm…

Mù trời những con đường đất đỏ.

Lúc tôi đổ dốc từ Nho Quan xuống đến thị xã Ninh Bình thì trời đã xế, chân đạp xe đã rã rời. Tuy nhiên, khắp nơi trong thị xã này không có một ánh đèn ánh lửa. Chỉ có những ngôi nhà đổ nát câm lặng. Người trong thị xã không biết đã đi đâu về đâu!

Đành phải đi tiếp thôi.

Gần tối thì tôi dừng lại một vùng quê ven đường, vào xin nghỉ nhờ qua đêm nơi nhà một người dân.

Hỏi ra, hoá ra đây là trung tâm một miền đất mà nếu một ngày bình thường như trước đây, chắc chắn không bao giờ tôi dám ghé vào: xứ Phát Diệm!

Ngay phía trước ngôi nhà của người nông dân đang chứa chấp tôi, chính là một cơ ngơi mà nhắc đến tên thì chắc chắn nhiều người biết: Nhà thờ Phát Diệm!

Hoá ra tôi đang dừng chân đúng vào một trong những cái nôi của đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, là nơi được ví như Kinh đô của đạo Thiên Chúa Việt Nam! Đúng là trúng số độc đắc!

Cũng hơi lo mình đã nhỡ mồm tự giới thiệu là cán bộ đang đi họp ở “trung ương” (Bộ Giáo dục). Một anh cán bộ Cộng sản vào đúng một vùng lâu nay vẫn bị cho là “trung tâm chống…”!

Đúng là một thứ lo… ngu.

Có ai chống ai đâu chứ! Chỉ những thằng ngu mới cứ lo chống hết người này đến người khác.

Ông chủ nhà, một người nông dân “thứ thiệt” đã ân cần bảo tôi ra giếng tắm rồi vào cùng ăn cơm. Lại còn mời cùng uống rượu nữa chứ!

Chủ nhà còn khoe:

- Mời anh! Không phải rượu quốc doanh đâu. Thứ ấy nhạt nhẽo lắm. Đây là “cuốc lủi” tự tôi nấu nhé!

Tôi khá ngạc nhiên vì đó là thứ “quốc cấm”, bèn hỏi:

- Giỏi quá, nhưng làm sao mà anh nấu được thứ này?

Ông chủ nhà cười ha hả rồi tiết lộ:

- Thì mình cũng phải có cách chứ anh. Này nhé, khi tôi ủ men thì tôi để trong buồng đóng kín cửa. Đến ngày nấu thì buổi chiều tôi quét rác dọn vườn. Rồi tôi đốt rác, thả thêm mấy cái đế dép lốp cho khói um lên, toàn mùi lốp khét lẹt khắp vườn. Ai mà ngửi thấy mùi rượu thơm đang nồng khắp trong nhà!

Suýt nữa thì tôi cười phá lên. Đúng là không ai khôn bằng dân! Không có gì có thể ngăn cản được dân khi dân đã muốn. Đúng như người ta đã nói: Ý dân là ý Trời!

Chén chú chén anh một lúc, tôi nhìn ra khu vườn rộng thênh thang, thầy làm dân cũng sướng thật, chẳng bao giờ phải lo phấn đấu, chẳng phải lo ai phê bình kiểm thảo, tắm thì có giếng trong nhà, thèm rượu thì tự mình nấu lấy…

Ai ngờ hôm nay tôi gặp được một người bạn như thế này.

Ngắm nghía khu vườn một lúc, tôi chợt hỏi:

- Này anh, cái vườn nhà rộng thế, sao anh không trồng tre bao quanh? Vừa kín đáo, vừa có tre để dùng?

Ngẩng mặt lên, có vẻ hơi ngạc nhiên, rồi ông chủ nhà nhẹ nhàng đáp lời:

- Tôi không lồng le, bởi lồng le thì le ăn hết đất, còn lồng cái gì được nữa!

Suýt nữa thì tôi ngã bổ nhào!

Tôi đã tìm ra cội nguồn! Vì sao mà tôi từng phải học một câu mà không hiểu gì cả: “Hỏi Đức Chúa Lời là đí gì?”.

Thì ra cội nguồn là đây! Chính nơi tôi đang ngồi đây, mấy trăm năm trước, mấy ông linh mục phương Tây đã ngồi, rồi ngày này qua ngày khác, dịch những câu kinh, những bài kinh ra tiếng An Nam, phiên ra chữ Quốc ngữ, mà truyền cho người An Nam vào đạo Chúa.

Những ông Tây viết văn tiếng An Nam!

Cái tiếng An Nam mà họ dùng lại là thứ tiếng của những người nông dân ở đây, sau những luỹ le này đây!

Không phải Đức Chúa Trời, mà là Đức Chúa Lời!

Không phải Đức Mẹ Trái Tim, mà là Đức Mẹ Lái Tim!

Hay quá!

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, ăn một bát cơm rồi từ biệt lên đường. Từ đây đến Hà Nội, tôi chỉ còn phải đi một ngày nữa thôi.

Cầu mong Chúa Lời cho tôi sẽ gặp được một “lái tim”!

Chỉ cần một lái tim!

Cầu mong Đức Chúa Lời ban cho tôi sức mạnh và một lái tim.

Cả đời người chỉ mong có được một lái tim!

Đã cách xa hơn nửa thế kỷ, nhưng trong lái tim tôi vẫn còn vẹn nguyên hình bóng những con người nơi cái làng quê bên đường ấy!

Cầu mong lái tim những con người ở đây luôn luôn được bằng an! Amen!