Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Ngẫm nghĩ trên giường bệnh

Lê Học Lãnh Vân

Trong cuộc sống thường ngày, khi mạnh khoẻ, người ta có thể thực thi nhiều hành động không cần suy nghĩ. Không suy nghĩ theo nghĩa người thực thi hành động đó không cần phải tính toán, cân nhắc coi phải làm gì để ngồi dậy, đứng lên, chỉ cần biết hễ muốn đứng lên là đứng lên một cách tự nhiên. Ấy là nhờ biết bao nhiêu phản xạ của cơ chân, tay, bụng, lưng, cổ… được hình thành từng bước từ giai đoạn đứa trẻ chập chững tập đi cho tới khi các phản xạ ấy thành thục, phối hợp với nhau rất nhuần nhuyễn. Một hành động thông thường cần sự phối hợp của rất nhiều mô, cơ quan.

Những người đã trải qua bịnh nặng hay một cuộc mổ lớn chắc dễ biết rằng, trong thời gian hồi phục, một số hành động thông thường như ngồi dậy, nằm xuống, đi… được tiến hành rất khó khăn cho dù chân, tay không tới nỗi yếu ớt như thế. Ấy là do một số cơ quan không thể hoạt động bình thường, một số phản xạ bị loại khỏi chuỗi dây chuyền các phản xạ phối hợp. Thí dụ người mới bị mổ ở vùng bụng sẽ bị đau khi cơ bụng hoạt động tạo một áp lực chèn ép lên vết thương gây đau, và nếu hoạt động quá mạnh tạo nguy cơ bung mối nối khi vết thương chưa lành hẳn. Các cơ ấy cần thiết cho sự ngồi dậy, đứng lên nên khi chúng không thể vận hành theo phản xạ bình thường thì các hành động kia được thực hiện một cách đau đớn, khó khăn.

Có thể nhiều người biết điều này, nhưng trong cuộc sống bình thường họ chỉ biết chứ chưa cảm nhận trực tiếp. Do đó đa số chúng ta không quý những gì chúng ta đang có, chỉ khi đã mất, khuyết một chức năng nào đó người ta mới tiếc… Chức năng càng quan trọng càng tiếc xót xa.

Mười ngày nằm bệnh viện, mỗi sáng thức giấc sớm, có khi thấy những tia nắng đầu ngày, có khi nghe tiếng mưa, lòng vui nhẹ nhàng vì biết vài bữa nữa lành bịnh mình sẽ bước ra trời rộng mưa nắng ngoài kia, sẽ hoạt động như ngày vui trẻ cũ…

Mở báo online, mạng xã hội. Giáo dục, Y tế, Giao thông công chánh, Công thương… đầy sự việc tồi tệ mà chỉ cần một việc xảy ra nơi xứ người là bộ trưởng mất chức hoặc từ nhiệm ngay. Nhiều quan chức mà sự tham nhũng và bất xứng được người dân lên tiếng vạch ra hàng chục năm trước giờ vẫn yên vị hay mới bắt đầu “chuyển sang nhiệm vụ khác” sau khi gây tổn hại rất lớn cho quốc gia. Lại nghe các thành viên quốc hội, nơi tự vỗ ngực là đại biểu nhân dân, họp, bàn và phát biểu nhiều điều rất linh tinh, mà có người cho là xàm xí, không liên quan gì tới quốc kế dân sinh, tới định vị và chiến lược quốc gia trước các biến chuyển cực kỳ lớn của thế giới…

Những chức năng trên của quốc gia, chức năng nào đang vận hành tốt? Hình như chức năng nào cũng có vấn đề, lại là vấn đề không nhẹ! Quốc gia có giữ được năng lực ngồi dậy, đứng lên một cách tự nhiên không?

Trong hoàn cảnh các xung đột, hợp tác chính trị và kinh tế trên thế giới đang ngày càng nặng nề và phức tạp hơn, các quốc gia như Việt Nam nếu vạch được chiến lược thích hợp có thể nương thời thế mà thoát khỏi cái bẫy phát triển trung bình, tìm lại vị trí sánh vai với Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… Sau bao nhiêu cơ hội bị phung phí, không khỏi lo âu khi nhìn các động thái của Việt Nam hiện nay hình như vẫn còn loay hoay trong vòng ứng phó thụ động! Hình như vẫn là một Việt Nam mờ nhạt, thu hình, cam chịu số phận chiếu dưới, chậm tiến, không tương xứng với tiềm năng quốc gia trăm triệu dân có vị trí rất chiến lược này?

Việt Nam ơi, người có tiếc không khi những chức năng ngày trước hoạt động bình thường nay đã bị tổn thương hay mất đi? Chừng nào Việt Nam phục hồi các chức năng đó để bước vào thế giới rộng rãi, sánh vai cùng các quốc gia văn minh, cường thịnh ngoài kia?

Ngày 14 tháng 1 năm 2021