Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2022

Thương nhớ Ngô Vĩnh Long, nhà sử học chân chính (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 141)

Tương Lai

clip_image002Bàng hoàng nhận tin nhắn của Huỳnh Tấn Mẫm: “Anh Ngô Vĩnh Long đã qua đời hôm qua vì bệnh đau gan”. Vừa trả lời Mẫm: “Đau đớn quá, thế là một người bạn thương mến của chúng ta lại ra đi. Mẫm ơi, cố gắng giữ gìn sức khoẻ nhé” thì nhận được tin nhắn tiếp của Mẫm: “Dự tính sáng thứ hai làm lễ truy điệu tại Tịnh xá Ngọc Phương”.

Ngô Vĩnh Long là người bạn gần gũi và tin cậy của chúng tôi. Mỗi dịp từ Mỹ về anh đều dành thì giờ gặp chúng tôi; những buổi gặp ấy đều rất thân tình, ấm áp, cởi mở, hết sức xúc động.

Hôm mấy anh em chúng tôi gặp nhau bên tách trà ở nhà tôi thì Huỳnh Kim Báu đến muộn, và gọi điện: “Tôi sẽ đến cùng với một người khách quý mới từ Mỹ về muốn gặp anh Tương Lai và tất cả chúng ta”. Thì ra, anh đưa xe đón ông khách quý của chúng tôi từ khách sạn về đây. Anh Ngô Vĩnh Long bước vào với nét mặt hiền từ, nho nhã và nụ cười thân tình: “Tôi là khách không mời mà đến chắc là các anh cho phép chứ”. Tôi đứng dậy ôm lấy anh: “Quá cho phép ấy chứ, rất vui là được đón anh, người mà tôi mong được gặp từ lâu”. Mà đúng thế thật.

clip_image004Tôi vốn ngưỡng mộ Ngô Vĩnh Long từ lâu. Quá trình tìm tòi tư liệu để chuẩn bị cho tiểu luận về nông dân và nông thôn Việt Nam, tôi được anh Việt Phương cho biết là anh có nghe nói có một cuốn sách của một tác giả người Việt Nam ở nước ngoài về đề tài này. Nếu tìm đọc được chắc sẽ có những thông tin bổ ích. Mãi về sau tôi mới được biết đó là cuốn Before the Revolution: The Vietnamese Peasants under the French (Trước Cách mạng: Người nông dân Việt Nam trong chế độ Pháp thuộc) của Ngô Vĩnh Long. Khi gặp được tác giả tôi mới được biết anh viết cuốn sách này khi còn là sinh viên. Lần gặp anh tại New York trong dịp Hội thảo Hè hàng năm cũng chỉ kịp bắt tay trao đổi vài câu, rồi bị hút vào những câu chuyện rôm rả của các anh chị khác từ nhiều nơi đến nên chưa kịp hỏi han gì thêm.

Sau đó, nhiều lần tôi được gặp anh tại nhà tôi, cũng có lần tôi đến đón anh tại một khách sạn nhỏ ở góc đường Lê Thánh Tôn và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nơi anh hay đặt phòng ở đó. Buổi họp mặt vui nhất là hôm Ngô Vĩnh Long nhận lời mời của tôi đến trình bày những nhận định của anh về mối quan hệ Mỹ Việt và những trở ngại cần phải vượt qua. Bằng sự uyên bác của một sử gia và một tầm nhìn sắc sảo, trung thực với bản lĩnh một nhà khoa học có uy tín trên nhiều giảng đường và diễn đàn khoa học và quốc tế, vững bước trên sự nghiệp dấn thân cho một lý tưởng cao cả mà anh đã không một lần chùn bước, Ngô Vĩnh Long đã đem lại cho buổi sinh hoạt của chúng tôi hôm ấy thật sự lý thú và bổ ích. Lúc nghỉ giải lao, anh kéo tôi ra ban công, thân tình nói “Đọc những dòng anh viết khi trao đổi với Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS) trên Mênh mông thế sự, tôi cũng nghĩ như anh”. Xúc động tôi trả lời: “Giá như trước đó tôi được gặp anh thì tôi đã không day dứt viết: ‘Nhớ lại tôi vẫn còn ngượng’”.

clip_image007Duyên do là hôm ấy, Murray Hiebert đến thăm tôi và đưa ra một câu hỏi làm tôi giật mình nhưng liền bộc lộ rõ chính kiến và phản ứng tức thì của mình. Ông im lặng không nói gì thêm rồi lái sang chuyện khác. Thế rồi quãng hơn tuần lễ sau, ông nhắn cho tôi biết rằng câu chuyện ông nói đã thu xếp xong và chắc rồi báo chí sẽ đưa tin.[1] Đó là chuyện Tổng thống Mỹ Obama sẽ đón Nguyễn Phú Trọng. Hình như Murray Hiebert lúc ấy là là Cố vấn cao cấp, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS), người có vai trò nào đó trong việc thu xếp chuyến thăm ấy. Ông đến tôi chắc cũng chỉ là để thăm dò dư luận, vì trước đó chúng tôi cũng đã có một số lần gặp nhau hoặc có dịp trao đổi, như lần cùng dự Hội thảo tại Chicago Mỹ và tôi trân trọng những ý kiến của ông.

Khoác vai tôi trở lại buổi thuyết trình, Ngô Vĩnh Long còn kịp mỉm cười nói với tôi: “Mẹ tôi là người Huế đồng hương với anh đấy”, vụt đến trong đầu tôi cũng câu nói ấy của anh Từ Chi, người bạn hơn tôi hai tuổi: “Này, ông với tôi thế mà cùng giây mơ rễ má đấy: Mẹ tôi cũng là người xứ Huế của ông đó”. Cảm động siết chặt tay anh, không biết nói gì trong mối thâm tình anh dành cho tôi. Trong niềm xúc động đó, tôi cứ vấn vương với câu nói của Marx: “Lịch sử sẽ mang tính chất thần bí nếu tất cả những cái ngẫu nhiên không có tác dụng gì cả”!

Sau buổi hội ngộ vui vẻ đó, Ngô Vĩnh Long để lại trong tôi một ấn tượng thật sâu đậm tại bữa cơm trưa ở nhà con gái của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Duyên do là, đồng hương với Thủ tướng quê ở tỉnh Vĩnh Long nhiều lần về nước giảng dạy, Ngô Vĩnh Long hay đến thăm ông Kiệt. Ông Sáu Dân cũng rất quý Ngô Vĩnh Long. Hôm ấy, tiện thể có việc cần trao đổi, ông bảo Hiếu Dân cho xe đón tôi sang nhà để cùng dùng bữa cơm ông mời Ngô Vĩnh Long. Bữa cơm thường rất thân mật và thú vị.

Vui chuyện Ngô Vĩnh Long nhắc lại một câu hỏi động trời mà có lần ông Sáu Dân đã tâm sự với anh. Ông Sáu cười: “Thì lúc ấy tôi nghĩ như vậy đấy”. Tôi đã có dịp kể chuyện này trong một lần ngồi uống cà phê với Huỳnh Kim Báu và Huỳnh Tấn Mẫm, nay nghĩ cũng không tiện nhắc lại nữa, mà chỉ muốn nói đến sự quý mến và tin cậy thật lòng của ông Sáu Dân đối với một trí thức hiện đang sống ở Mỹ, người mà ông rất gần gũi và yêu mến. Với sự nghiêm cẩn của một nhà khoa học, Ngô Vĩnh Long đưa ra những nhận định sắc sảo về Trung Quốc qua những thời kỳ Mao, Chu Ân Lai, Lâm Bưu và “bè lũ tứ nhân bang” đến thời Đặng Tiểu Bình và rồi tham vọng của Tập Cận Bình. Tuy có những dị biệt, song đều là đồng nhất trong tham vọng bành trướng. Là chuyên gia về Châu Á, về Trung Quốc, về Đông Á, và đương nhiên là về mối quan hệ giữa Việt Nam và Châu Á, Ngô Vĩnh Long đưa ra những nhận định rất sớm về Tập Cận Bình.

Trước lúc bấm phím viết bài tưởng nhớ Ngô Vĩnh Long, đọc lướt qua email, tôi giật mình với bài báo của Katsatusuji Nakazawa trên Nghiên cứu quốc tế/ Nikkei Asia ngày 6.10.2022 cứ như lặp lại câu chuyện Ngô Vĩnh Long nói hôm ấy: Tranh giành quyền lực diễn ra khốc liệt ở Trung Quốc năm 1972, và giờ cũng vậy. Tập đã vươn lên để giành lấy chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo tiếp theo. Và cuộc ganh đua này vẫn tiếp tục tồn tại trong tâm trí Tập suốt 15 năm qua.

Cũng như vậy, với “Tập và sự trở lại của Chủ nghĩa Mác Lênin”, đài RFI ngày13.10.2022 đưa tin: “Phải chống tham nhũng, chống nạn bè phái. Đây chính là những gì ông Tập thực hiện từ năm 2012. Ông ấy làm điều đó như thế nào? Người ta thường nói đó là sự trở về với chủ nghĩa Mao. Không hề. Đó không phải là sự trở lại của chủ nghĩa Mao. Ông ấy làm giống như Stalin thì đúng hơn, nghĩa là ông ấy sử dụng ủy ban kiểm soát và kỷ luật trung ương như NKVD (tiền thân của KGB) để loại bỏ tất cả những kẻ tham nhũng. Nhưng tất cả các cấp lãnh đạo của Đảng Cộng sản đều tham nhũng. Câu hỏi đặt ra là chúng ta đang tấn công ai? Nếu quý vị nhìn vào những người bị tấn công kể từ năm 2012, quý vị thấy có rất ít “thái tử đảng”, tức là những thế hệ thứ hai, con cháu của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản.

Trong các cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Quốc, không ai biết được tương lai sẽ ra sao. Đằng sau hậu trường là rất nhiều trò chơi chính trị chết người. Mối quan hệ Mao và Chu Ân Lai là một trong những ví dụ thật tàn nhẫn ấy: Giữa tháng 5 xét nghiệm cho thấy Chu Ân Lai đã bị ung thư bàng quang. Mao là người có quyền biết về kết quả chẩn đoán trước Chu, và cũng cần phải có sự chấp thuận của ông thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới có thể nhận bất kỳ phương pháp điều trị hoặc phẫu thuật nào. Mao đã ra lệnh rằng Chu không được biết về căn bệnh ung thư của ông.

Chu là sếp của Mao trong những ngày đầu thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Mao luôn quan ngại về sự nổi tiếng và năng lực của Thủ tướng. Chu trẻ hơn Mao 5 tuổi và đã trở thành nhân vật số 2 trong đảng sau cái chết của Lâm Bưu, người được chỉ định kế nhiệm Mao. Mao sợ rằng nếu Chu sống lâu hơn ông ta, những thành tựu của ông từ Cách mạng Văn hóa có thể bị đảo ngược.clip_image009

Makiko Tanaka, con gái của Thủ tướng Nhật Tanaka từng đến thăm Mao, cũng là cựu Ngoại trưởng Nhật đã phát biểu trong buổi tiệc chiêu đãi tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo nhân dịp kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ. Bà kể lại rằng vào buổi sáng Tanaka lên đường đến Bắc Kinh, ông nói với con gái: “Bố có thể bị đầu độc – bố thực sự đang liều mạng đấy... Ngày 27/09, Mao gặp Tanaka trong căn phòng làm việc đầy sách của ông ta ở khu Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Rất có thể Chu, người ngồi bên cạnh ông, vẫn chưa hay biết về căn bệnh ung thư đang phát triển bên trong cơ thể mình. Nếu được điều trị kịp thời, ông có thể đã sống lâu hơn. Ông chết trước Mao tám tháng.Trong khi đó, Tanaka đã đặt cược sự nghiệp chính trị của mình vào chuyến thăm Trung Quốc.

Câu chuyện bí mật nửa thế kỷ trước đã nêu bật ba khía cạnh của các cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Quốc mà cho đến nay vẫn không thay đổi. Một là các quyết định chính sách đối ngoại quan trọng có thể liên quan đến tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong đảng. Hai là Thượng Hải thường là chiến trường của các cuộc đấu đá nội bộ, trong đó những người thua cuộc bị thanh trừng không thương tiếc. Ba là ngay cả những người có quyền lực tuyệt đối cũng vẫn thường xuyên nghi ngờ cấp phó của họ.

Và rồi 16.10.2022, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 khai mạc, liệu mâu thuẫn căng thẳng vẫn tồn tại suốt 15 năm qua giữa Tập và Lý Khắc Cường nhân vật số 2 được dàn xếp hoặc xử lý thế nào vẫn còn tù mù nhưng vẫn thấy họ Lý ngồi trên “chủ tịch đoàn” cũng như dạo nào họ Giang cũng vậy. Và rồi những Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai... và bao nhiêu nhân vật sừng sỏ cộm cán khác cũng thế, để từ ghế “chủ tịch đoàn Đại hội” đi thẳng vào nhà tù đấy thôi.

Tôi còn nhớ hôm ấy, trong câu chuyện về Trung Quốc, Ngô Vĩnh Long nói với tôi: “Nhân đọc một bài viết của anh trên mạng, tôi thấy anh có trích một câu của M. Gorky trong Những ý kiến không hợp thời viết ngay sau Cách mạng tháng 10 Nga”. Ngô Vĩnh Long dè dặt nói: “Các cuộc thanh trừng nội bộ diễn ra ở Trung Quốc là ví dụ nóng hổi cho điều đó, và sức nóng của nó cũng sát sườn với nước ta. Đó là câu: “Chính trị là miếng đất trên đó các loại cây gai của sự thù địch độc hại, các nghi kỵ xấu xa, các sự lừa dối trơ trẽn, vu khống, các thói háo danh bệnh hoạn và sự khinh thường nhân cách phát triển nhanh chóng và um tùm. Nếu đếm hết những cái xấu chứa trong con người – thì tất cả những thứ đó đều phát triển đặc biệt rất nhanh trên miếng đất của cuộc đấu tranh chính trị”.

Ông Sáu Dân dừng đũa, trầm ngâm nhìn nhà sử học vừa từ Mỹ về. Câu chuyện đang rôm rả bỗng chững lại. Y hệt như dạo nào, tôi nhớ là đã có lần ông cũng trầm ngâm như vậy khi tôi đưa ông đọc “Những ý kiến không hợp thời” được đăng trên nhật báo Novaja Žizn (Đời Mới) trong những năm 1917-1918. Hồi ấy ở ta, phần lớn những người nghiên cứu, thậm chí cả một số trí thức, chỉ nói đến M. Gorky như là “ông tổ” của “Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Đó là hệ luỵ đáng sợ nhất của thói “độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tuỳ tiện quy kết” bằng sự bưng bít những thông tin được cho là “độc hại”. Chúng được liệt vào loại “xét lại, phản động”.

Ông Sáu Dân đã tỏ ra rất day dứt, phẫn nộ hệt như lần ông muốn tìm hiểu ngọn ngành vấn đề “Nhân văn - Giai phẩm” và rồi đã trách cứ tôi đã không chủ động đưa ông đến thăm luật sư Nguyễn Mạnh Tường khi ông còn đương nhiệm Thủ tướng và Luật sư Tường vẫn còn ở đường Tăng Bạt Hổ gần nhà tôi ở Hà Nội. (Chuyện này tôi đã có dịp kể trên “Mênh mông thế sự”).

Để xua bớt đi không khí nặng nề, tôi nói thêm với Ngô Vĩnh Long: “Đấy là anh đã bỏ qua câu cũng trong Những ý kiến không hợp thời’ tôi dẫn ra trước đó:Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần. Mà chính vì thế phải nhớ rằng công việc văn hóa là quan trọng hơn công việc chính trị... Gieo cái hợp lý, cái thiện và cái vĩnh cửu trên các miếng đất đầm lầy của nước Nga’, đó là một công việc vô cùng khó khăn... Mặc dù thế chúng ta vẫn phải gieo, và đó là nhiệm vụ của những người trí thức, những người hôm nay bị loại ra khỏi cuộc sống bằng bạo lực, và ngay cả bị liệt vào những kẻ thù dân tộc. Nhưng chính họ phải tiếp tục công việc đã được bắt đầu lâu rồi, công việc tẩy sạch và đổi mới về tinh thần cho đất nước, bởi vì chúng ta không có lực lượng nào khác ngoài họ.

image

 

Nói về nhiệm vụ của người trí thức, Ngô Vĩnh Long nhắc đến cuộc trao đổi với Trần Quốc Vượng về mối quan hệ giữa văn hoá với chính trị và vai trò của người viết sử trong dịp nhà sử học đáng kính ấy đến Mỹ. Dâng trào trong tôi nỗi tiếc thương những người “những người tử tế”cứ lần lượt bỏ chúng ta mà vội vã ra đi trong nỗi niềm xót xa nhớ tiếc khôn nguôi. Tôi khắc ghi câu Trần Quốc Vượng viết trong tham luận đọc tại Hội thảo về Vua Gia Long tại Huế năm 1996 và Tạp chí Xưa & Nay vừa đăng lại: “Lịch sử bao giờ cũng có một sự gián cách giữa lịch sử - thực tại [Histoire-Réalité] và lịch sử - nhận thức [Histoire-Conscience]. Mà cái lịch sử nhận thức thì luôn luôn gắn liền với chủ quan nhà sử học nhưng trách nhiệm của và bổn phận của nhà sử học chân chính là luôn luôn cần cố gắng có cái nhìn khách quan đến mức cao nhất… Lịch sử chính trị và lịch sử văn hoá có cái chung và cũng có cái riêng. Quy mọi thứ vào chính trị hay vào kinh tế là cái nhìn đã lỗi thời lâu rồi, quá lâu rồi!...”.

Bùi ngùi nhớ lại buổi chuyện trò với nhà sử học quá cố đáng kính ấy bên tách cà phê cách nay dễ đã hơn ba mươi năm. Chẳng là gặp nhau trước thềm cơ quan Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam 27 Trần Xuân Soạn, anh mở lời: “Nghe ông Từ Chi nói là ông vừa có cuốn sách nghiên cứu xã hội học về gia đình Việt Nam, muốn được xem”. Tôi vội nói: “Không phải tôi mà là chúng tôi trong đó có anh Từ Chi. Cuốn sách ấy, đại khái nói như câu của Từ Chi viết trong ấy: ‘Để xem thử thực ra có gì, bên dưới một lớp sơn phủ ngoài gồm những ý niệm có sẵn’”.[2]

Những học giả đáng kính như Trần Quốc Vượng, Nguyễn Từ Chi, Phan Ngọc rồi Ngô Vĩnh Long... không bao giờ dừng lại “ở lớp sơn phủ ngoài” của những sự kiện và những lời phẩm bình có sẵn, mà luôn tìm tòi, phát hiện... những gì còn ẩn giấu bên trong lớp sơn ấy. Mãi nhiều năm sau, tôi vẫn có mối quan hệ thân tình với anh Từ Chi khi tôi mời anh đến trình bày những vấn đề dân tộc học tại phòng làm việc của tôi trong Viện cho một số anh chị em cán bộ nghiên cứu xã hội học có quan tâm đến cùng dự. Sau này khi anh Từ Chi đã yếu quá không thể leo lên cầu thang, tôi phải nhờ tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu, học trò của Từ Chi, hàng tuần đèo anh bằng xe đạp đến thẳng nhà tôi ở ngay tầng trệt, để tụt khỏi xe là có thể dìu anh vào nhà. Tiến sĩ Thiệu cũng là một trong những tác giả của bài viết in trong cuốn sách này, về sau là Giám đốc Viện Bảo tàng Dân tộc học, nay đã về hưu vẫn thường xuyên trao đổi với tôi qua email.

Những bài giảng của nhà dân tộc học Từ Chi cho chúng tôi dạo ấy thật bổ ích với công việc nghiên cứu xã hội học, kể cả có lúc chỉ một thầy một trò là tôi, với Nguyễn Duy Thiệu ngồi cạnh, để lại đèo thầy về chắc anh vẫn nhớ rõ. Trong đáy sâu của hoài niệm, đây là một kỷ niệm thật ấm lòng cũng như với ông bạn thân – học giả Phan Ngọc – mà tôi kính làm thầy, từng mời anh đến giảng bài cho chúng tôi và có lần cho riêng tôi về tác phẩm anh vừa dịch “Hàn Phi Tử”. Đặc biệt là lời anh khuyên mà tôi nhớ mãi là nên đọc Tư Mã Thiên, sử gia vĩ đại thời cổ đại, là người duy nhất nói về đương thời còn những sử gia về sau chỉ viết về một triều đại khi triều đại ấy đã chấm dứt. Họ sợ hiện tại và lẩn tránh nó. Phải chăng vì thế màTư Mã Thiên tự định nghĩa mình là một con người “bất cơ[3]. Bất cơ tức là không chịu trói buộc mình theo tập tục, vượt ra ngoài mọi trái buộc. Sử ký của Tư Mã Thiên “viết cho những người của nó[4]. Đương nhiên làm được điều đó thật gian truân nhưng không phải không làm được. Cho dù, “mỗi thời kỳ lịch sử đều có những quy luật riêng của nó... Một khi cuộc sống đã vượt qua một thời kỳ phát triển nhất định, đã từ giai đoạn này bước sang giai đoạn khác, thì nó cũng bắt đầu bị những quy luật khác chi phối[5].

Tìm đọc những bài viết của Ngô Vĩnh Long, tôi hiểu phải chăng anh cũng là “người bất cơ” của thời đại mới. Ngòi bút của anh sống động với những sự kiện đang diễn ra liên quan đến một lĩnh vực rộng lớn mà anh nghiên cứu và dĩ nhiên, những dòng tâm huyết nhất vẫn là dành cho đất nước thân yêu của mình. Bình thản vượt qua những ứng xử tồi tệ của nhà cầm quyền đã nhiều lần ngăn cản, gây khó dễ cho anh, nhà sử học chân chính ấy vẫn không bỏ qua bất cứ cơ hội nào có thể đóng góp cho quê hương mà anh nặng lòng thương nhớ.

Có lần về lại Sài Gòn sau một quãng thời gian bị ngăn cấm, anh vẫn hồn nhiên thoải mái nhắc lại câu nói của Martin Luther King – chủ nhân giải Nobel Hòa bình thế kỷ XX – và cười vui với chúng tôi: “Lịch sử là câu chuyện dài và bi thương về sự thật rằng nhóm người có đặc quyền hiếm khi tự nguyện từ bỏ đặc quyền của họ. Vui chuyện tôi đế thêm vào điều Ngô Vĩnh Long vừa nói bằng sự phân tích của Gustave Le Bon mà tôi đã dẫn ra trong bài “Mênh mông thế sự” vừa đưa lên mạng: “Trong đám đông, tư tưởng, tình cảm, niềm tin có một khả năng lây nhiễm mãnh liệt như khả năng của vi trùng… Chính bằng cơ chế lây nhiễm, chứ không bao giờ bằng cơ chế suy luận, mà những ý kiến và niềm tin của đám đông được truyền bá[6]. Nghĩ đến hệ luỵ của thói “độc quyền chân lý và áp đăt tư duy” tôi láy lại nhận định của nhà tâm lý xã hội Pháp “Trước những vấn đề xã hội, nơi bao gồm vô vàn ẩn số, thì tất cả những dốt nát đều ngang nhau[7] để minh hoạ ý kiến Ngô Vĩnh Long vừa dẫn ra. Đơn giản chỉ vì, như Cicero – chính khách của La Mã cổ đại – người có ảnh lớn đến văn học nghệ thuật châu Âu hơn bất cứ nhà văn nào, với bất kỳ ngôn ngữ nào từng khuyến cáo: “Dốt nát về những chuyện xảy ra trước khi ta sinh chẳng khác nào luôn luôn mãi là đứa trẻ. Thế mà, chính “ý tưởng định hình dòng chảy lịch sử. Đó là kết luận của John Maynard Keynes, người khai sinh kinh tế học vĩ mô hiện đại và là nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX!

Trong dòng chảy ấy, gần đây, đáng buồn thay, xuất hiện những “công trình” phủ định sạch trơn sự thật lịch sử. Họ nói khơi khơi theo suy diễn chủ quan, bất chấp những sự thật lịch sử đã được ghi chép và phân tích khách quan, trung thực của nhiều học giả trong nước và thế giới có uy tín. Thì ra, ở thế kỷ XXI này, không còn nàng Artemis xinh đẹp con của thần Zeus mà người dân thành thành cổ Ephesus dựng nên một ngôi đền thiêng liêng – một trong 7 kỳ quan của nhân loại – là nơi con người cầu nguyện nguyện thần linh, cũng là nơi thần linh truyền ý, những lời nhắc nhở, cảnh báo loài người. Nhưng rồi ngôi đền thiêng liêng ấy đã bị thiêu rụi bởi Herostratus! Để gì? Để mong được nổi tiếng! Nhắc lại chuyện “kẻ đốt đền” vì xem ra, hình tượng Herostratus phóng hỏa đền thờ thần Artemis ở Ephesus vào ngày 21 tháng 7 năm 356 trước Công nguyên vẫn thấm đẫm tính thời sự!

image

Như một luồng gió độc phả vào đời sống xã hội, đúng vậy, nhưng có lẽ tai hại nhất là với khá nhiều những người trẻ tuổi thích “lướt sóng” trên mạng mà ít dành thì giờ đọc và học lịch sử, lịch sử đất nước và lịch sử thế giới. Dĩ nhiên là những sự thật lịch sử chưa bị đánh tráo hoặc xuyên tạc theo những ý đồ chính trị nông cạn và dốt nát. Ấy vậy mà, “trong lịch sử, vẻ bề ngoài luôn đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với cái thực chất. Ở đó, cái phi thực luôn trội hơn cái thực” như nhà tâm lý xã hội học người Pháp Gustave Le Bon đã lý giải và tôi đã có dịp dẫn ra. Đó là những “công trình” phủ định sạch trơn. Lối nói “lấy được” ấy, như vừa trình bày, “có một khả năng lây nhiễm mãnh liệt như khả năng của vi trùng”.

Thì ra, ở thế kỷ XXI này, không còn nàng Artemis xinh đẹp con của thần Zeus mà người dân thành thành cổ Ephesus dựng nên một ngôi đền thiêng liêng – một trong 7 kỳ quan của nhân loại – là nơi con người cầu nguyện nguyện thần linh, cũng là nơi thần linh truyền ý, những lời nhắc nhở, cảnh báo loài người. Nhưng rồi ngôi đền thiêng liêng ấy đã bị thiêu rụi bởi Herostratus ngông cuồng đáng nguyền rủa. Để gì? Để mong được nổi tiếng!

Nhắc lại chuyện “kẻ đốt đền” vì xem ra, hình tượng Herostratus phóng hỏa đền thờ thần Artemis ở Ephesus vào ngày 21 tháng 7 năm 356 trước Công nguyên để được nổi tiếng ấy vẫn đang thấm đẫm tính thời sự. Cũng chính vì thế, hơn lúc nào hết cần có tiếng nói trung thực và quyết liệt của những nhà sử học chân chính như những Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Đức Từ Chi, Nhữ Thành - Phan Ngọc... Đó là những học giả, những sử gia đích thực mà tôi được làm bạn và kính làm thầy đã vội rời bỏ chúng ta để về với thế giới “người hiền”, để lại một khoảng trống khó có thể khoả lấp. Phải chăng chỉ có thể khoả lấp phần nào bằng nỗi nhớ thương vô hạn những người bạn đã ra đi. Những bản lĩnh và nhân cách với “Bể học dẫu vô cùng, sự nghiệp ấy sẽ ghi cùng sông núi, cuộc đời tuy ngắn ngủi, nhân cách này vẫn sống giữa anh em” như nội dung lời khóc tiễn đưa Nguyễn Đức Từ Chi của Nhữ Thành - Phan Ngọc.

Trong nỗi đau thương nhớ, tôi nghiệm ra một điều, hạnh phúc của đời mình chính là được tiếp cận rồi kết thân với những nhà sử học, trở thành bạn và kính họ làm thầy mà “nhân cách [của họ] vẫn sống giữa anh em”.

Dĩ nhiên là bên những nhà sử học ấy còn là những nhà khoa học đáng kính. Nhưng trong quá trình tự học, tự tích luỹ kiến thức để nâng cao trí tuệ của mình, thì tri thức về lịch sử chính là cái nền tảng của nhận thức, đó chính là “cái chân móng”, nói theo ngôn từ của nhà văn Nguyễn Khải. Cái “chân móng” ấy mà không vững thì những gì xây trên đó sẽ không bền. Trong cảm nhận và suy tư suốt cả chiều dài nhiều năm nghiên cứu, tôi hiểu “Lịch sử của thế giới chính là tiến trình của ý thức tự do” như khẳng định của Hegel.

Và đó cũng là nỗi niềm thôi thúc tôi viết bài “Thương nhớ Ngô Vĩnh Long, nhà sử học chân chính”.

Ngày 17.10.2022

Ảnh, từ trên xuống dưới, trái qua phải:

1. Ngô Vĩnh Long

2. Ngô Vĩnh Long, Tương Lai, Huỳnh Kim Báu

3. Murray Hiebert và Tương Lai

4. Ngô Vĩnh Long với Võ Văn Kiệt

5. Trần Quốc Vượng, Nguyễn Đức Từ Chi, Nhữ Thành - Phan Ngọc

6.Tượng nữ thần Ertemis;  cảnh hoang phế của đền thờ Ertemis sau hành động đáng nguyền rủa của Herostratus


[1] Mênh mông thế sự để gió cuốn đi năm 2018, tr. 86.

[2] Rita Liljestrom và Tương Lai (chủ biên), Những nghiên cứu xã hội học về gia đình Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội, 1991, tr. 69.

[3] Sử ký Tư Mã Thiên. NXB Văn Học, 1988, tr. 14.

[4] Sử ký Tư Mã Thiên. NXB Văn Học, 1988, tr. 17.

[5] C. Mác và Ph. Angghen, Toàn tập, tập XIII. NXB Chính trị Quốc gia, 1993, tr. 34.

[6] Gustave Le Bon, Tâm lý học đám đông. NXB Tri thức, 2008, tr. 187.

[7] Gustave Le Bon, sđd, tr. 270