Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Nguyễn Sáng trong tôi

Vũ Thư Hiên

Tôi không có trí nhớ thời gian. Bù lại, trời cho tôi trí nhớ hình ảnh.

Nhớ Nguyễn Sáng là hiển hiện trước mắt anh chàng mặt bạc, tóc bơ phờ, áo quần lôi thôi lốc thốc, ghếch bánh trước cái xe đạp Liên Xô cà tàng lên vỉa hè:

- Đi Lâm đi!

Tôi ở tầng hai ngôi nhà số 3b phố Phan Chu Trinh. Nghe gọi tôi biết là Sáng. Đi Lâm vào giờ tinh mơ, tôi còn đang ngủ nướng, điên thế, thì chỉ có Nguyễn Sáng.

- Đợi tí.

Tôi hét xuống, huơ chân tìm đôi dép.

Vợ túm tôi lại:

- Nhớ về ăn cơm nhá.

Tôi gật, lao xuống đường.

Ngôi lên cái đèo hàng ọp ẹp, tôi ghé vào tai Sáng:

- Lần sau đừng đến sớm thế nhá!

Nguyễn Sáng quay lại lườm yêu tôi cộng với một cái cười trừ. Rồi gò lưng đạp.

“Đi Lâm” có nghĩa là đến “cà phê Lâm Toét” gần Cột Đồng Hồ. Đi với Nguyễn Sáng thì yên chí lớn. Tôi sẽ có một bữa sáng theo kiểu nửa ta nửa Tây – hai cái lạp xưởng rán giòn nằm thườn thượt bên hai quả trứng ốp la.

Thời bấy giờ chúng tôi đều nghèo. Nguyễn Sáng còn có cái để mà bán. Tôi thì không. Văn là thứ không có giá, vô giá theo nghĩa trần tục, tức là người bán không được ra giá, người mua thì tuỳ hỉ, trả cách nào cũng được. Người ta duyệt, cho đăng là phúc rồi.

Nguyễn Sáng có tranh bán cho XUNHASABA. Tranh của anh bán đầy ắp lập trường – mấy nàng du kích xinh gái súng đeo vai. Công ty xuất nhập khẩu sách báo mua tranh theo hai tiêu chuẩn: một là tác giả phải nổi tiếng, hai là tranh phải cỡ lớn hoặc đủ lớn để có thể bán ra nước ngoài. Loại tranh bé tẹo của Bùi Xuân Phái công ty này không mua. Căn cứ số tranh bán được thì Nguyễn Sáng hơn Bùi Xuân Phái nhiều.

Giá tranh bèo lắm. Nhưng XUNHASABA không mua thì bán cho ai?

Ở Hà Nội có nhà sưu tập tranh Đức Minh, nhưng không phải hoạ sĩ nào, tranh nào cũng lọt vào mắt xanh của ông ta. Tôi không biết nhà Đức Minh có mấy bức tranh của Nguyễn Sáng. Tôi nhớ và rất ấn tượng về một bức chân dung của Nguyễn Sáng. Nó nhỏ, chỉ nhỉnh hơn cái bảng đen học trò – gương mặt một cô gái màu hồng với cặp mắt lạ, chúng cách xa nhau một chút, gợi cảm giác về một cái gì đó nguyên sơ, hơi man dại, nhưng lại rất hút hồn.

Các hoạ sĩ không đến với nhà sưu tập. Họ đến Lâm Toét. Ông chủ quán cà phê nghèo, nhưng rất hào phóng với khách hàng, nhất là với các hoạ sĩ. Đã đến Lâm Toét thì cứ việc gọi món, gọi cà phê, gọi thuốc lá. Muốn nội có nội, muốn ngoại có ngoại. Sang nhất là Gold Flake, nghe đồn từ lãnh sự quán Indonesia tuồn ra. Ăn uống ở quán Lâm Toét có thể ghi nợ. Nợ có thể gán bằng tranh. Hoạ sĩ nổi tiếng hay chưa nổi tiếng bất thành vấn đề đối với ông. Lâm Toét không biết gì về lý thuyết hội hoạ. Lâm Toét cảm tranh bằng trái tim, nhưng rất biết phân biệt tranh sáng tạo với tranh đường mòn.

Nguyễn Sáng ở trên tầng hai ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học. Sống một mình. Không phải do Sáng theo chủ nghĩa độc thân mà là do cái số. Tôi đồ rằng Sáng có một tình yêu, một mê say thì đúng hơn, với một bóng hồng có đôi mắt xa nhau nói trên.

Cái số của con người luôn là điều khó hiểu.

Các ông thầy bói đều khoe biết được cái số của con người. Nhưng với Nguyễn Sáng, ông nói gà bà nói vịt, chẳng ông nào biết cái cóc khô gì hết.

Cũng là nghe nói, nghe nói thôi, cô gái biết tình yêu ấy, cô cũng có cảm tình với anh chàng hoạ sĩ vẽ chân dung cô. Cuộc tình không thành do những kẻ độc miệng. Những kẻ độc miệng thì lại chẳng bao giờ thiếu trên đời.

Số là một hôm mấy ông bạn cha cô đến chơi nhà, hỏi cô:

- Cháu định khi nào mới cho các bác ăn kẹo đây?

Kẹo thời ấy hiếm. Bỏ ra ngoài mấy thứ kẹo bột, kẹo vừng truyền thống hay kẹo “đầu Tây” làm bằng mật đặc rót xuống mâm đồng mà thành hình cái mũ sắt đen bóng, chỉ có kẹo Hải Châu, Hải Hà làm từ mạch nha mềm xèo, rất dính răng, bán theo phân phối. “Ăn kẹo” có nghĩa là ăn cưới.

- Chưa đâu – ông bố nói – Nó còn õng ẹo còn chán.

- Ơ, sao bảo sắp rồi – một ông khách nói – Đứa nào có phúc được làm rể nhà này đấy?

- Tớ biết tỏng – ông khác nói – Là thằng Sáng.

Mấy ông khác nhao nhao:

- Thằng Sáng? Thằng Sáng nào?

- Không biết nó à? Thằng này có tiếng đấy, hoạ sĩ.

- Ra thế. Là thằng Sáng cánh ta ấy mà.

Cánh ta có nghĩa là bằng vai phải lứa với chủ nhà và chư vị có mặt.

Thế là một cuộc tình có thể nảy sinh bay biến. Như gió thoảng.

Nguyễn Sáng luôn mơ về hương vị gia đình.

Không có gia đình thì phải tạo ra nó.

Trong căn phòng của người đàn ông không vợ, ngoài hàng chồng tranh và các thứ lộn xộn làm ra tranh – giá vẽ, bút lông to nhỏ, còn có một con nghê bằng sứ vỡ đầu chẳng hiểu Sáng tha ở bãi rác nào về dùng làm thạp gạo. Gạo bán phân phối, nhân suất đồng loạt: 13,5kg. Sáng chẳng nấu cơm bao giờ, tôi đồ thế. Gạo đầy ắp tận cái miệng vỡ.

Một hôm, Sáng kéo tôi về nhà:

- Hôm nay ta ăn cuốn.

Cuốn hoá ra là bánh đa nem cuộn rau diếp. Trong không có gì hơn, thậm chí một con tép.

Tôi ăn uể oải. Sáng buồn:

- Nước chấm tớ pha đến Nguyễn Tuân cũng phải khen đấy.

Thì ra nhà văn Nguyễn Tuân cũng biết khách sáo.

Nguyễn Sáng bế con nghê lên, cho nó chúc đầu xuống cái túi vải. Gạo tuôn ra ào ào.

- Ta ra chợ Cửa Nam – Sáng nói, giọng quả quyết.

Thì ra.

Chợ có quản lý thị trường. Những hung thần của người bán tinh lắm, khó mà qua được con mắt cú vọ của họ. Bán gì cũng phải đóng thuế.

Chúng tôi ra chỗ một bức tường lớn có khẩu hiệu: HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM to tướng và bên dưới CẤM ĐÁI BẬY, cũng to tướng. Dưới hai khẩu hiệu cóm róm mấy bà buôn gà, mắt láo liên. Quản lý thị trường là ma quỷ giữa ban ngày. Gà các bà không để trong bu, mà trong túi vải. Chúng tỏ ra biết điều, chỉ im lặng lục xục.

Sáng bảo tôi:

- Cậu đổi đi.

Tôi giãy nảy:

- Tớ có biết đổi chác bao giờ đâu.

- Tớ cũng thế. Nhưng cậu là nhà báo, cậu khôn ngoan hơn tớ.

Thấy hai chàng trai đùn đẩy cho nhau, các bà cười rũ. Rồi sờ nắn trong túi vải, lôi ra một con mái tơ béo nẫn, mào tươi như hoa.

Chúng tôi được một bữa khoái khẩu. Nhưng tiếc rẻ:

- Con gà đẹp quá!

Sáng nhìn nó bằng con mắt hội hoạ. Tôi nhìn bằng mắt trần: con gà này mà nuôi thì mắn đẻ lắm. Tôi biết xem tướng gà từ khi còn là một nhóc tì ở nhà quê.

Trang Wikipedia viết về Nguyễn Sáng:

“Tranh của ông gồm nhiều thể loại, ở thể loại nào ông cũng đều thành công. Về thể loại chiến tranh, ông có các tác phẩm Giặc đốt làng tôi, Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ, Hành quân đêm mưa, Bộ đội nghỉ trưa trên đồi, Thành đồng Tổ quốc. Về thể loại tranh chân dung, ông có hai tác phẩm nổi tiếng là Tự hoạ và Không gian. Ông là bậc thầy về mô tả, làm nổi bật cả tính cách lẫn đặc điểm của nhân vật. Ngoài ra, ông còn vẽ theo nhiều đề tài khác nhau, như phụ nữ và hoa (thiếu nữ bên hoa sen), cảnh đẹp vừa cổ kính vừa lộng lẫy của chùa chiền (Tháp Phổ Minh), cảnh núi rừng thâm u mà hùng vĩ (Pác Bó), cảnh nông thôn bình dị, hiền hòa (thiếu nữ trong vườn chuối), cảnh ghi lại những trò chơi dân gian (Chọi trâu, Đấu vật), v.v.”.

Nói về người đã khuất thiên hạ ưa những lời ồn ào, những lời có cánh.

Tôi biết và nhớ Nguyễn Sáng như nhớ một người bạn, không nhớ một hoạ sĩ.

Bùi Xuân Phái bảo tôi:

- Ông xem có đám nào giới thiệu cho nó một đám.

Tôi cười trừ, đánh trống lảng. Trong đời mình tôi chỉ biết làm mai một lần – cho chính tôi.

Thế rồi đùng một cái, Nguyễn Sáng ra đi.

Ở Sài Gòn, tôi đến đưa chân Nguyễn Sáng.

Anh nằm đấy, cô đơn như hằng cô đơn.

Tôi nhìn bạn, nói thầm:

- Đi nhé Sáng. Cậu đã sống hết mình theo cách của cậu. Và rời đi cũng theo cách của cậu. Nhiều người nghĩ rằng cậu bất hạnh khi không có gia đình.

Họ nhầm.

Cậu hạnh phúc theo cách của cậu – luôn là chính mình.

(trích trong tập Chân Dung)