Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Trái tim người lính

Vũ Thư Hiên

Ra khỏi taxi, Thành ngơ ngẩn nhìn toà thị chính. Nó quá đẹp làm anh ngần ngại bước vào. Không riêng nó, cả cái thị trấn trước mặt anh toát ra một vẻ quyến rũ đặc biệt – những ngôi nhà xinh xắn với ban công trổ ra đường, trên đó hoa nở tưng bừng. Thế mà anh mường tượng nơi mình sẽ tới là một vùng hẻo lánh.

Một ông lão chăm chú nghe Thành rồi bắc thang leo lên cái tủ nhiều ngăn chạy dài suốt bức tường rờ rẫm tìm. Bước xuống, ông đặt tập hồ sơ dày và nặng lên bàn.

Thành nhìn theo ngón trỏ cong queo của ông rê trên những trang giấy vàng xỉn màu thời gian.

- Alfredo Gonzales?

- Vâng, thưa monsieur.

- Gonzales… Gonzales… Gonzales Alfredo…

Thành nhìn theo ngón tay ám màu thuốc lá. Nhìn anh qua cặp kính trễ xuống cánh mũi, ông lão thở dài:

- Đây có tới bốn người trùng tên, ông ạ.

- Người tôi muốn tìm, thưa cụ… – Thành nói, giọng không quả quyết – Người tôi cần tìm khoảng hai mươi hai, hai mươi ba tuổi khi qua đời. Nếu còn sống thì phải trên bốn mươi.

Ông già tiếp tục dò dẫm. Thành kiên nhẫn chờ.

– Thế thì chắc là Gonzales này đây: Alfredo Gonzales, đăng lính 1951. Mất tích 1953 trong chiến tranh Đông Dương…

Thành thở phào:

- Có lẽ là người ấy. Phiền cụ vất vả.

- Không có chi. Việc của tôi mà.

Ông già chăm chú nhìn anh:

- Ông tha lỗi tôi tò mò, ông người nước nào?

- Việt Nam, thưa cụ.

Ông lão chìa tay:

- Một nước Đông Dương. Hân hạnh. Tôi có đọc về miền đất này… Một thiên đường nhiệt đới còn lại. Rất thú vị. Rừng thẳm, trăn, rắn độc, hổ báo, những con hắc tinh tinh đu dây leo, đàn voi đi rung chuyển đất…

Thành giấu một nụ cười. Cuốn sách ông già đọc là sách chỉ còn thấy trong những tiệm sách cũ. Cái thời đã xa lơ xa lắc.

- Làng ông muốn đến nhỏ, ông ạ. Địa bạ, danh bạ đều chưa được số hoá. Số hoá thì mới tiện cho việc tra cứu, họ bảo thế. Khốn tụi già chúng tôi còn phải học mới biết cách dùng… Thời hiện đại, cái gì cũng mới. Chỉ những người trẻ như ông mới biết cách.

- Tôi không còn trẻ lắm đâu, thưa cụ.

- Khí không phải, nhưng ông chắc chỉ trên bốn mươi?

- Hơn thế nhiều, thưa cụ.

- Trên năm mươi một ít?

- Tôi đã gần bảy mươi.

Ông già đẩy cho anh mảnh giấy vẽ nguệch ngoạc con đường anh phải đi.

- Còn cụ chắc cũng đã về hưu?

- Về bốn năm rồi. Tôi làm đây là làm thêm. Tụi trẻ bỏ đi hết khi vừa học xong đại học ở các thành phố lớn. Người ta còn cần tôi vì tôi gốc rễ ở đây.

2

Thành bước ra, ngồi xuống chiếc ghế xi măng duy nhất trước toà nhà. Anh quyết định nghỉ một lát rồi đi tiếp.

Anh thọc tay vào ba lô. Cái gói vẫn đấy, vẫn nguyên chỗ. Vì nó, anh lặn lội tới đây.

Gió từ cánh đồng oải hương tạt đến, mát rượi. Nó làm anh muốn ngủ.

Một ông già đến, ngồi xuống bên anh.

- Ông không phiền nếu tôi hút thuốc lá?

- Xin cụ cứ tự nhiên.

Sao mà vùng này nhiều người già thế, anh nghĩ.

Ông lão coi hồ sơ nói đúng – bọn trẻ đã bỏ đi hết. Mà ở đâu chả thế. Lớp trẻ luôn hướng tới những thành phố lớn. Như những con thiêu thân lao tới ánh đèn.

- Ông đi đâu?

Thành chìa cho ông già mảnh giấy hướng dẫn.

- Tôi cũng đi về hướng ấy. Ông cứ đi theo tôi.

Xong việc, mình sẽ ra ga. Một ga xép, trên bản đồ thì nó rất gần. Nhưngkhông phải chuyến tàu nào cũng đỗ lại đấy. Nếu gặp may thì không phải chờ lâu.

Anh thả mình vào giấc ngủ thiêm thiếp. Nó đưa anh trở về quá khứ.

- Đồng chí Thành đây rồi – một người reo lên khi thấy anh.

- Tù binh đây hả?

Trước mặt anh là một cái xác bê bết bùn.

- Nó chết rồi.

- Nó còn sống mà.

Anh tát khẽ vào mặt cái xác. Nó mở mắt nhưng không nhìn.

- Maman… – miệng mấp máy, nó rên rỉ.

- Nó muốn nói gì đó mà chúng tôi không hiểu.

- Nó gọi “Mẹ” – Thành thở dài – Các đồng chí gọi tôi vô ích. Khai thác gì ở tên tù binh sắp chết. Nó còn quá trẻ để có thể khai những điều chúng ta muốn biết.

- Không sao. Nó nói được gì cũng hay.

- … parlez francais? – đôi môi tên tù binh mấp máy.

Thành gật. Người ta gọi anh vì anh là người duy nhất biết tiếng Pháp trong đơn vị.

- …Maman – nó nhắc lại, cố gắng móc túi áo chìa cho anh một cuốn sổ tay – Maman!

Anh đỡ cuốn sổ tay.

- Maman!

Tên tù binh hực lên một tiếng, người nhũn ra.

Thành vuốt mắt cho nó.

- Xong.

Nó đã chết.

3

Việc của anh bây giờ là trao cho người mẹ cuốn nhật ký của đứa con.

Anh bối rối – anh không biết việc anh đang làm là nên hay không nên. Chuyện đã qua, lâu lắm rồi. Mọi cái đã chìm trong quên lãng. Quá khứ đã lùi xa. Mọi vết thương dù đau đớn đến mấy rồi cũng được thời gian xoá nhoà, hoạ chăng chỉ còn lại vết sẹo.

Không, anh không thể trốn tránh ánh nhìn cầu khẩn của người lính chết. Nó là sự uỷ thác cho anh. Là lời trăng trối của một con người.

Chiến tranh kết thúc, anh ra khỏi quân đội, trở về đời sống dân thường. Những cuộc chuyển nhà đã quét đi rất nhiều những vật vô ích. Nhưng lần nào cũng vậy, anh không quăng đi cuốn nhật ký này. Tại sao, anh không rõ. Nó còn mãi trong những gì còn lại của một thời chinh chiến.

Đã nhiều năm anh giữ cuốn nhật ký với ý nghĩ đinh ninh rằng rồi đây, vào lúc nào đó, không biết khi nào, anh sẽ trao được nó cho người mẹ tên tù binh xấu số. Trong cuốn sổ không có lấy một địa chỉ. Chỉ có những mẩu kỷ niệm về một vùng đất. Một cái tên, không hơn không kém.

Anh giữ nó với ý nghĩ mơ hồ rằng rồi sẽ có lúc anh trao được di vật của đứa con cho người mẹ. Nhưng bằng cách nào?

Dịp may đến với anh bất ngờ. Một bà dì mà anh chỉ biết qua lời kể của mẹ lưu lạc nhiều năm tìm được họ hàng ở Việt Nam. Anh tới Paris theo lời mời của bà. Trong hành trang của anh có cuốn nhật ký nọ.

Ngôi nhà anh cần tìm không có trong thị trấn. Anh đi mỏi chân mới tìm được nó nằm ở bìa một khu rừng bạch dương. Trời tối dần.

Người mở cửa cho anh là một thiếu phụ tóc bạc.

- Ông tìm nhà người quen, thưa ông?

Anh lúng túng.

- Thưa bà, có lẽ tôi lạc đường – anh bịa một cái tên chợt nhớ trong bản đồ – Chả là tôi được chỉ đi về hướng này…

Thiếu phụ mỉm cười:

- Ông lạc ở ngã ba, chắc vậy. Nhiều người bị lạc ở đấy lắm.

- Vâng, chắc vậy. Tôi xin lỗi đã quấy quả.

- Không sao, ông đã đến đây thì vào nhà uống chén trà đã.

- Cảm ơn bà.

Đập vào mắt anh là mấy bức chân dung lớn trên tường. Anh nhận ra ngay lập tức người tù binh đã chết trong một bức. Từ trên cao anh ta nhìn anh bằng cái nhìn hồn hậu, vô tư. Đây hẳn là mẹ anh ta.

Anh bối rối. Anh không biết mình nên hành xử thế nào? Gợi chuyện bằng bức chân dung người đã khuất? Rồi trao cho người mẹ cuốn nhật ký nọ? Không, không thể làm như thế.

Anh ngồi, nghe thấy tiếng nước reo trong ấm điện ở phòng trong.

Trà được bưng ra. Trước mặt anh là chén trà ngào ngạt hương. Đối diện với anh là người mẹ mất con.

Anh thò tay vào ba lô đặt dưới chân. Cuốn sổ tay vẫn ở đấy. Nó làm sao có thể mất? Mình sẽ trao nó cho người mẹ này bằng cách nào? Sẽ có một câu chuyện dài với kết cục mình không thể đoán trước.. Anh là ai? Làm sao anh có cuốn nhật ký này trong tay? Hay anh chính là người đã giết con tôi?

Anh đã đọc cuốn nhật ký nhiều lần, gần như thuộc nó.

“Chiến tranh không hiện hình bao nhiêu, mẹ ạ. Chiến tranh là âm thanh. Những tiếng súng điếc tai. Nhiều nhất là tiếng đại bác của ta. Ở phía quân địch chỉ là những cột khói bốc lên. Họ không có súng lớn để bắn trả, trận nào cũng thế. Chiến tranh ở đây giống như trò đánh trận giả của chúng con ngày bé. Chúng con đi trận như đi du ngoạn. Mẹ yên tâm nhé. Chẳng bao lâu nữa con sẽ về bên mẹ. Con nhớ những phiên chợ mẹ dẫn con đi. Nó thật là vui, mẹ nhỉ?...”

Không, anh không thể trao tận tay cuốn nhật ký nọ vào lúc này. Nhưng anh không thể không làm việc mà vì nó anh lặn lội tới đây. Không lúc này thì lúc nào?

- Ông là người Nhật?

- Không, thưa bà. Tôi người Việt Nam.

Mắt người đàn bà tối sầm.

Tên gọi miền đất xa xôi hẳn nhắc bà tới đứa con không trở về. Nhưng mình sẽ trao cho bà ta bằng cách nào? Anh nghĩ lung, nhưng mãi vẫn không nghĩ ra.

Cách trao lại cuốn nhật ký của đứa con xuất hiện vào phút cuối. Anh lén lút rút cuốn sổ tay trong ba lô, nghĩ ngợi một lát rồi nhẹ nhàng thả nó xuống gầm bàn.

Người mẹ sẽ tìm thấy những lời cuối cùng của con mình vào hôm sau.

- Cảm ơn bà rất nhiều – anh nói – Và xin từ biệt bà.

- Khuya rồi. Ông còn định đi đâu?

- Tôi sẽ ra đường cái bắt xe quá giang.

Trước khi rời căn nhà anh nhìn lâu vào bức chân dung người lính trẻ. Tội nghiệp thằng bé. Nó chết quá xa nấm mồ của mình.

Anh là người tham gia cuộc chiến. Anh phải bảo vệ đất nước mình. Nó chết có thể là do anh. Ai biết được đường đi của những viên đạn?

Chiến tranh nào rồi cũng qua.

Mỗi kẻ thù ngã xuống đều có một bà mẹ.

Như giờ đây anh thấy. Như giờ đây anh thương họ đến xót xa.

Ra khỏi cửa, anh đi như chạy.

Anh sợ một tiếng gọi với.