Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Đêm giữa ban ngày (kỳ 27)

39

Nguyễn Xuân Cao được ra trại bất thình lình.

Một sáng, toàn trại đang ngồi ngoài sân chờ đi lao động thì phó giám thị kiêm cán bộ phụ trách giáo dục gọi tên Cao.

Cao lững thững đi lên trước hàng. Bao giờ cậu ta cũng lững thững như thế, mặc dầu cán bộ trại uốn nắn nhiều lần. Cái dáng đi ngang tàng như có ý nói: "Tao đây! Chúng mày muốn gì?"

Tôi ngồi ở hàng không nghe được họ nói gì với nhau. Chỉ thấy Cao quay lại nhìn tôi rồi đi theo cán bộ giáo dục. Lát sau, từ phía nhà giam Cao cắp quần áo chạy như bay về phía tôi. Một quản giáo chặn Cao lại.

- Em đi nhááá! - Cao kêu lên từ xa.

- Đi đâu? - tôi hỏi với.

- Em được thaaa... !

Viên quản giáo nắm lấy tay Cao, lôi tuột về phía cổng.

Từ đó tôi không gặp lại chàng trai đáng mến nữa.

Tôn Thất Tần trở nên đăm chiêu.

- Tui không tin cậu ta được tha. - ông nói, mấy hôm sau - Anh có nghĩ rứa không?

Tôi hơi ngạc nhiên trước ý nghĩ của ông.

- Tha là chuyện bình thường. có gì lạ đâu? Cậu ta có thể bị oan, hoặc có những tình tiết giảm nhẹ...

- Tha chi mà mần rứa - ông nhăn trán - Cao lại chưa hết một lệnh. Cũng không tha theo đợt, mà gọi ra một mình. Có khi nó bị chuyển đi trại khác cũng nên.

Tôi thì tôi tin Cao được tha. Có gì lại đâu, người ta xác minh xong rồi thì người ta tha. Chuyện xác minh kéo dài hàng nhiều năm là chuyện thường. Đã từng có những chiến sĩ cách mạng bị vu oan có khai báo bị ngồi chơi xơi nước cả chục năm. Giờ đây người ta đã biết chiến sĩ trinh sát Nguyễn Xuân Cao đúng là đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi bị bắt, trên lưng cõng đồng đội bị thương. Báo cáo tỉ mỉ của Cao về khu biệt kích Long Thành cũng chính xác. Nó rõ ràng là một chiến tích. Chẳng lẽ một việc dễ như vậy mà lại không xác minh được? Với tất cả sự giỏi giang của ngành quân báo.

Cách tha kỳ cục, không dám cho người được tha tiếp xúc với ai, không làm tôi ngạc nhiên. Trong một xã hội mắc bệnh sân khấu cuồng thì mọi sự đều có thể. Chẳng qua người ta thấy Cao thân với tôi, không muốn trước khi Cao ra về tôi nhắn Cao làm hộ việc gì đó, chuyển lời tới ai chẳng hạn. Có thể là như thế.

Cao để lại tất cả tài sản: hai cái tô men, thìa, đũa. Tôi đem cho một bạn tù nghèo. Anh chàng gày còm da bọc xương có cái bát men đại lại thủng lỗ chỗ. Ngày nào tôi cũng thấy anh ta hàn vá bằng nhựa PE đốt cháy thành những giọt đen như nhựa đường. Có hôm được xuất canh trại nấu xương bò, vừa được chia nước đã chảy tong tong. Canh nấu xương là quý lắm, anh ta húp vội húp vàng nhưng không kịp, nước canh chảy ướt cả ngực áo. Vả lại, tôi không muốn nhìn thấy những kỷ vật gợi nhớ tới chú em đã chăm chút tôi trong những ngày tôi tưởng là cuối cùng của đời mình.

- Tui e thằng Cao bị đưa lên Cổng Trời - Tôn Thất Tần buồn rầu - Dễ rứa lắm!

Tội nghiệp, nếu Cao bị đưa lên đó.

Cổng Trời là một trại giam ở xa tít mù tắp mãi tận Hà Giang, giáp giới Trung Quốc.

Cổng Trời đi vào huyền thoại, là nỗi kinh hoàng của tù. Những người đã từng sống ở Cổng Trời thậm chí không muốn kể về nó, không phải chỉ vì sợ công an trừng phạt (nghiêm cấm nói tới bí mật của các trại), mà còn vì sợ người nghe cho rằng mình bịa đặt. Nghe nói có chuyến tù hơn bảy chục người bị đưa lên Cổng Trời chỉ còn có hai người trở về. Dường như Tôn Thất Tần đã ở cái trại kinh khủng đó, nhưng ông ngậm tăm. Những người tù nói rằng ai đã lên Cổng Trời mà còn về được coi như sống lần thứ hai. Không giống những trại khác, Cổng Trời là nơi chỉ có tù số lẻ, và là tù đặc biệt quan trọng, đặc biệt nặng. Chế độ giam giữ ở đây rất khe khắt. Hơi một tí là bị khóa cánh tiên, bị hạ huyệt, còn nếu bị cùm hộp thì coi như đời đi tong.

Khóa cánh tiên là thế nào thì khi chuyển tới trại Phong Quang ở Lao Cai tôi mới được biết. Người tù bị khóa cánh tiên phải dang hai tay ra, lòng bàn tay mở ngang với ngực, sau đó hai tay sẽ bị kéo vào từ từ cho tới khi cổ tay sát nhau, lúc bấy giờ mới bập khóa số 8 lại. Với cách khóa này, lồng ngực người tù bị căng ra hết mức, rất đau đớn. Có người chỉ chịu được vài phút là ngất xỉu, nhưng cũng có những người chịu được hàng tiếng đồng hồ liền.

Hạ huyệt thì mắt tôi chưa thấy. Mà hạ huyệt hoặc cùm hộp cũng chỉ có ở một trại Cổng Trời mà thôi. Hạ huyệt, theo người ta kể, là thế này: người tù nằm vào một mảnh ván, bị cùm, mảnh ván được hạ xuống một hố sâu như cái huyệt, sau đó nắp được đậy lại. Trong huyệt ngộp lắm, không khí chỉ rỉ vào qua những lỗ nhỏ, người tù ở dưới phải há mồm như cá ngão để đớp từng ngụm không khí.

Kinh khủng nhất là cùm hộp. Đó là hai thớt gỗ to được khoét lõm theo hình hai cẳng chân người. Người tù bị cùm hộp là chắc chết, bởi vì chỗ lõm vào rất nhỏ, khi thớt gỗ trên hạ xuống cũng là lúc người tù chỉ kịp hét lên một tiếng rồi ngất liền - xương cẳng chân đã vỡ vụn. Bị cùm hộp người tù sẽ chết sau một hai ngày, giỏi lắm thì được một tuần. Nhưng đã có người chịu được tới hơn hai chục ngày. Ban Giám thị báo cáo trước toàn trại: "Tên X. sau hai mươi ba ngày chịu kỷ luật đã đền tội!". Trong ngôn ngữ công an, đền tội có nghĩa là chết. Xác tù chết bị vùi nông trong các hố, đàn lợn trại thường ra nghĩa trang lấy mõm cầy lên, nhai rau ráu.

Tôi xếp những chuyện kinh khủng đó vào lĩnh vực huyền thoại. Thật khó tin rằng những người mà trước đây tôi gọi bằng đồng chí lại có thể tàn ác đến thế.

Tôi ghi lại chuyện này để sau có ai nghiên cứu chế độ nhà tù Việt Nam thì tìm hiểu thêm - không có lửa sao có khói? Mặt khác, tôi cũng không nghĩ những người tù đã qua cái trại giam khủng khiếp này bịa chuyện. Họ, theo tôi nhận xét, là những người đứng đắn và có tư cách hơn những người lãnh đạo quốc gia rất nhiều.

"Jean Valjean gọi bằng cụ" yên trí với sự ở tù. Ông coi tù là nhà.

- Tui sẽ ở nơi ni cho tới chết! - ông nói.

- Bậy nào. Rồi cũng có lúc bác phải ra khỏi chốn này chứ! Nó đâu phải chốn vĩnh cửu cho con người.

- Đó là karma[1] của tui.

Mùa đông đến, gió bấc thổi ù ù, mặt người nào người nấy tím tái, nhưng chúng tôi vẫn phải ra đồng từ sớm. Cực hơn cả là đúng vào lúc giấc ngủ say sưa nhất thì quả bom chết treo lủng lẳng trên cổng trại bỗng đùng đùng thét lên làm chúng tôi giật bắn mình. Lồm cồm bò dậy, những người tù ngơ ngác nhìn thực tại - bóng người nằm, ngồi ngổn ngang, hoặc đang lồm cồm bò dậy từ những manh chiếu trải sát nhau trên hai tầng giường, khói thuốc lào khét lẹt.

Giấc mơ về cuộc sống khác đã rời xa. Tôi bất giác nhớ tới bài thơ Kèn La Vầy Ở Ngục Kontum của Hà Phú Hương[2]:

Kèn ai đó! Linh hồn đang cơn say đắm.

Kèn kêu, cố bừng mắt ngay,

Để cùng sắn tay, khúc đường chờ đây!

Bài này được in trong nhiều tập tuyển thơ ca cách mạng. Tác giả đọc nó cho tôi, một thằng bé con mặc áo lính, trong một đêm lạnh giữa rừng Việt Bắc.

Nhà thơ cách mạng cao ngồng, gày nhẳng, đung đưa trong ánh sáng lay động của đĩa đèn dầu lạc, mái tóc bạc xõa xuống trán, ngẩng cao đầu bắt chước điệu kèn Tây: "Tò te tí, te tò te te te tí! Tò te, tí tò tí te, tí tó tí te, tí tò tò te!" Nhìn ông hào hứng cất giọng trầm bổng "Nó rung lên gắt gỏng bỏ vào tai. Hơn cả tiếng mẹ chồng đay lúc dỗi. Trời chưa sáng, đây phòng lan bóng tối... ", tôi hình dung những bậc tiền bối cách mạng chân xiềng tay xích bừng tỉnh giấc nồng giữa một banh tù chật ních mà rùng mình. Tôi nghĩ mình mà phải ở tù thì eo ơi, chết mất, không sống nổi.

Nghe tiếng kẻng báo thức đinh tai, xoáy vào óc như một mũi khoan, làm sởn gai ốc tôi muốn bắt chước Hà Phú Hương làm một bài thơ về nó lắm. Phùng Mỹ nói đùa: "Âm mưu đế quốc gớm thật. Này nhé, đế quốc Mỹ làm bom. Đế quốc Pháp ném. Bom từ đại chiến thế giới lần thứ hai để lại quả nổ quả tịt. Quả này tịt hẳn rồi mà vẫn tiếp tục giết, không giết người được nữa thì nó giết tế bào não của người! Thù này muôn đời muôn kiếp không phai!". Một tứ thơ vui, đầy ngạo nghễ. Nhưng không được như tiếng kèn, quả bom chỉ phát ra một âm điệu đều đều. Nếu lúc đầu nó la hét thì ở đoạn cuối nó thở rốc vì mệt mỏi. Hoặc vì chán ngán. Bài thơ không thành. Nó cần âm điệu. Âm điệu lại không có.

Tiếng Việt có những từ "đói" và "rét", "đói" và "rách" hay đi liền với nhau thành cặp - đói rét, đói rách. Cái sự liên kết xem ra có lý lắm. Người tù rét vì đói. Chúng tôi người nào cũng gày, chẳng ai có lấy một lớp mỡ mỏng dưới da để ngăn cái lạnh luồn vào sâu trong cơ thể. Những ván cờ không làm chúng tôi quên được cái đói cồn cào. Tôi kiên trì tập lại hatha yoga mỗi đêm, trước khung cửa sổ mở toang, trong tiếng ngáy rầm rĩ của một trăm cuống họng.

Cái đói làm cho con người mụ mẫm đi, sinh ra những quái tượng. Chẳng hạn, ở bên số chẵn tù thường bắt chuột, nghóe, chão chàng, thằn lằn, nướng qua quít ăn tại trận. Có lần tôi thấy một anh tù bắt được ổ chuột con chưa mở mắt. Lại đúng vào lúc kẻng hết giờ làm, củi lửa phải rập hết, không nướng được nữa. Thế là anh ta nhai sống luôn mấy con chuột con, máu chuột chảy ròng ròng hai bên mép.

Lại có anh chàng mỗi ngày ăn hết hai tờ Nhân dân. Tôi xin thề rằng tôi không bịa. Nếu không thấy tận mắt chính tôi cũng không tin. Anh chàng này thấy ai có tiếp tế là sà đến xin. Không phải xin tiền, xin ăn, nghề hành khất không tồn tại trong trại, mà là xin giấy gói. Xin được rồi, bất kể giấy gì, phần nhiều là báo Đảng, anh ta ăn tại chỗ trước con mắt kinh hoàng của mọi người.

- Anh chàng ni mới là tay có lập trường cao nhứt trong chúng ta! - Tôn Thất Tần bình luận - Chúng ta năm thì mười họa mới được nghe cán bộ giảng giải đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Nghe thời cũng câu được câu chăng, tam sao thất bản. Hắn ta nuốt chửng lời của Đảng vào bụng, phỏng có ai bằng?

Ai cũng biết dạ dày không tiêu hóa được vỏ khoai lang. Thế nhưng đám lính vét bên số chẵn, vật vờ như những cô hồn, cứ đến bữa cơm lại mò sang các nhà số lẻ nhặt nhạnh bằng hết những vỏ khoai ở dưới đất. Tù “số lẻ” cũng đói, nhưng phần lớn đã đứng tuổi, giữ được sự tỉnh táo. Đám trẻ khi đói thì rơi vào cơn hôn mê.

Trong đám tù số lẻ có một nhân vật đặc biệt, người miền Nam tập kết tên Dần, biệt hiệu Dần Cụt. Anh ta có một bộ mặt kỳ dị. Tôi chưa từng gặp bộ mặt nào kỳ dị như thế. Nếu nhìn anh ta từ bên trái trong tư thế nghiêng ta sẽ thấy một con người hiền lành, phúc hậu, chân chất, nhưng chỉ cần bước một bước sang bên phải thì ta sẽ rùng mình thấy trước mắt mình một quái vật, một con quỷ. Tôi không nói ngoa: một cái sẹo lớn chạy từ đỉnh đầu xuống trán, bạt đi một nửa lông mày, kéo xệch mi mắt lên trên để lộ một con ngươi trợn trừng, lòng trắng nhằng nhịt những tia máu đỏ. Một cái sẹo khác trên má chạy xuống tới tận cổ, kéo khóe miệng bất động về phía mang tai, phô ra nửa hàm răng lởm chởm. Bên dưới cái vai lẹm vì một vết chém thứ ba là cánh tay cụt tới cùi chỏ.

Anh Nguyễn Hữu Muôn, cũng dân tập kết, nhà báo, bị tập trung cải tạo (vì một cuốn tiểu thuyết chưa kịp viết, theo anh kể, hoặc do dám nói xấu lãnh tụ, theo những người khác) cho biết Dần Cụt tham gia cách mạng suốt từ tổng khởi nghĩa cho tới khi tập kết. Hồi mới tham gia cách mạng anh ta làm đao phủ, nghe nói chém nhiều người lắm. Những vết sẹo trên mặt Dần Cụt là do một tội nhân chết hụt ném lựu đạn để trả thù. Một người Nam bộ khác, anh Thạch Mười, tín đồ Hòa Hảo, làm nghề đánh xe trâu trong trại, nói rằng Dần Cụt bị tù là do các oan hồn báo oán. Chứ anh ta nông dân, trình độ chính trị thấp tè, văn hóa mới thoát nạn mù chữ, chẳng có lý do gì để trở thànhsố lẻ cả.

Tôi ngạc nhiên gặp quá nhiều người Nam bộ tập kết trong tù. Cái đó giống như một điều không thể tin là có thực: là những cán bộ, chiến sĩ cách mạng trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, sau khi chiến tranh chấm dứt họ tập kết ra Bắc theo những điều khoản của Hiệp định Genève. Ở miền Bắc họ sẽ tiếp tục công tác theo sự phân công mới. Chẳng ai bỏ quê hương ra Bắc để vào tù.

Tiểu sử của Thạch Mười có tính chất đại diện cho nhiều người tù gốc Nam bộ. Anh cho rằng anh bị bắt là phải – anh bị buộc tội chạy theo địch. Đó là một tội bịa đặt. Thạch Mười không hề có ý đó. Chẳng qua là chờ đợi đã hai năm mà không thấy vân mòng cuộc tổng tuyển cử, ở miền Bắc khổ quá, nhớ nhà quá, anh tìm đường về Nam, để rồi bị bắt khi bơi qua sông Bến Hải. Xử tù anh không được, người ta cho anh đi tập trung cải tạo. Dần Cụt chắc cũng mắc tội tương tự, nhưng khi tôi hỏi thì nửa mặt bên trái anh ta nở nụ cười trừ, nửa bên phải căng ra, nhâng nháo, đầy vẻ khiêu khích.

Dần Cụt thuộc toán lâm sản chuyên khai thác nứa. Mất một tay nhưng Dần Cụt có sức khoẻ lạ thường – không một người lành lặn nào trong toán khoẻ bằng anh. Ăn cũng khỏe vô cùng. Có lần anh em tù đố Dần Cụt ăn hết một thùng cháo sắn (nghĩa là lưng thùng sắn, còn lại là nước). Trước con mắt ngạc nhiên của mọi người, kể cả cán bộ quản giáo, Dần Cụt điềm nhiên từ từ ăn cho tới khi cái thùng gánh nước còn trơ đáy. Sức khỏe kỳ lạ của Dần Cụt chỉ mất đi sau một tai nạn lao động. Anh ta thường bó nứa đẵn ở trên núi thành bè, rồi ngồi lên trên cái bè ấy cho nó trượt dốc, chứ không lao nứa xuống rồi xuống dưới chân núi mới bó lại như người khác. Cái bè lần ấy không tuân theo tay lái của Dần Cụt. Nó băng băng theo lối mòn rồi bất thình lình chồm lên, bay qua một hướng khác, nơi dốc núi dựng đứng vách thành, quăng Dần Cụt từ trên cao xuống đất. Anh ta ngất đi, người đẫm máu. Khi Dần Cụt được khiêng về trạm xá, mọi người đổ đến xem, ai cũng cho rằng anh ta khó qua khỏi. Thế mà Dần Cụt vẫn sống cho mọi người được thêm một lần ngạc nhiên.

Trong những ngày Dần Cụt lâm nạn Tôn Thất Tần thường đến thăm anh cựu đao phủ Việt Minh. Thấy ông năng lui tới trạm xá để theo dõi diễn biến bệnh tình Dần Cụt tôi nói đùa: "Bác Tần không bao giờ vào Đảng được. Bác có khuyết điểm rất lớn là không có lập trường bạn thù rõ rệt".

Không hiểu Tôn Thất Tần kiếm đâu ra những kiến thức y học trong đời tù, nhưng ông góp được nhiều ý kiến hay cho anh y sĩ nửa mùa rất lóng ngóng trong việc điều trị không riêng cho Dần Cụt mà cả cho những người tù khác. Anh y sĩ tù rất khâm phục "Jean Valjean gọi bằng cụ". Gặp ca hiểm nghèo bao giờ anh cũng hỏi ý kiến ông. Những người tù cũng vậy, họ thường tìm đến "Jean Valjean gọi bằng cụ" trước khi trao mình cho y sĩ.

Cái đói cũng đẻ ra những phát hiện, tốt có xấu có.

Nguyễn Xuân Cao tìm ra rau cần dại mọc ven suối. Cần dại cũng có mùi cần, nhưng kém hăng. Khi đi làm ngoài trại thể nào Cao cũng tha về khi rổ rau má, khi vài bó cần dại. Rau má, rau xương cá, rau muối, rau tàu bay chỉ còn ở những nơi xa trại, những cây mọc gần bị tù vặt sạch, mọc không kịp. Chỉ từ ngày Cao được tha, những rổ rau cải thiện mới vắng bóng trong bữa cơm của chúng tôi.

Một hôm người ta khiêng về trạm xá hai tù số chẵn bị ngộ độc. Được vào toán lâm sản tự giác hai tay này trong khi đi làm tình cờ gặp trong rừng một cây vải dại, có quả giống như quả chôm chôm, lông tua tủa, ăn ngọt lịm. Chẳng hiểu thứ chôm chôm nọ có độc tố gì, chỉ biết đến giờ không thấy hai người trở về, công an đi tìm thì thấy cả hai nằm dưới gốc cây, bọt mép sùi ra, bên cạnh là một đống vỏ thứ quả nọ.

Mùa đông đến. Không đành lòng nhìn ông bạn già mặt xám ngoét run rẩy trong cái áo bông mỏng với sợi dây chuối thắt ngang lưng cho gió rét sắc như dao khỏi luồn vào trong, tôi biếu Tôn Thất Tần đôi bát-kết vợ tôi vừa mang lên cho. Tôi vẫn còn giữ đôi giày da Mông Cổ - nó chưa hỏng. Đã mấy lần toan quẳng đi cho nhẹ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại: quẳng làm gì, cứ để đấy có lúc dùng đến, biết tương lai thế nào? Không được đánh xi một lần trong bốn năm, da giày trở nên cứng như mo nang, nhưng đi vào chân một lát da lại mềm ra, đi vẫn được. Tôi chỉ dùng giày vào mùa đông. Mùa hè tôi có đôi dép lốp “chác” được bằng hai bao Tam Đảo. Thời gian cuối vợ tôi không mang cho tôi thuốc lá Điện Biên nữa. Nhìn những bao Tam Đảo loại 2 mực in nhợt nhạt, tôi biết gia đình tôi còn khốn khó hơn trước - vợ tôi phải tiết kiệm không phải từng đồng mà từng hào.

Tôn Thất Tần không bao giờ có “tắc”. Nhưng ông quen rồi. Hai mươi bốn năm không có liên lạc với gia đình, không ai tiếp tế cho ông. Những thứ ông có đều là thứ trại phát, còn lại là của anh em bạn tù cho. Ông là người khí khái, không phải ai cho ông cũng nhận. Nhớ hồi mới gặp nhau, nhân gia đình tiếp tế, tôi mời ông ăn một bữa tươi cùng tôi (xôi gà, bánh xốp, bánh quy...) nhưng ông nhất định từ chối, làm tôi phát giận.

Ông xúc động ra mặt khi nhận đôi bát-kết. Thường các thứ bạn tù cho ông đều là đồ dùng rồi, gia đình họ nghèo, chính họ cũng chẳng nhận được đồ mới. Đàng này lại là đôi bát-kết Trung Quốc mới tinh, thơm mùi cao su lưu hóa. Thế mà đến một ngày trời rét căm căm, mọi người có gì đều đắp lên người hết,ông vẫn cứ diễn đôi dép cao su muôn thuở, lỗ xỏ rộng hoác, quai luôn tụt. Tôi trách ông sao có giày mà không dùng thì Tôn Thất Tần nói:

- Tui biết anh thương tui. Nhưng đôi giày quý lắm. Bây chừ tui còn khỏe, còn chịu được. Thôi thì để đấy, dành cho một mùa đông nào tui không còn sức...

Chao ôi, ông còn nghĩ tới những năm nào nữa, những mùa đông nào nữa, khi sau lưng ông đã có một phần tư thế kỷ bên trong song sắt!

Năm 1976, tôi ra tù, Tôn Thất Tần vẫn chưa dùng tới đôi bát-kết.

Những năm tù cho tôi một nhận xét là không có sự cân bằng giữa số tù được tha và số tù nhập trại - những đợt tha lẻ tẻ, thường chỉ vài chục người, đa số là tù có án, thoảng hoặc mới có vài dân “boọc”, số tù bổ xung thì ngày một đông. Lâu lâu lại có một cuộc chuyển trại, tù cũ đi, được chở tới trại khác hoặc trại mới xây dựng, nhường chỗ cho tù mới bị bắt. Ngay ở những trại tù cũng thấy có sự xây dựng thêm, hết phân trại này tới phân trại khác. Nếu có một biểu đồ thì đường biểu diễn số lượng tù chắc chắn ngày một vươn cao. Cái đó cho thấy trong xã hội vô sản chuyên chính con người không tốt lên mà xấu đi.

Người ta cũng không để tù ở lâu một chỗ, như thế tù ít trốn trại. Ở lâu thì quen nơi chốn, thuộc địa hình địa vật chỗ bị giam, mới tính kế trốn được, những người tù lâu năm giải thích như vậy.

Tôi được biết vài cuộc trốn tù của dân số chẵn, số lẻ thì chưa thấy lần nào. Những người tù số lẻ thuộc dân “boọc” không trốn bởi họ chẳng có nhu cầu ra ngoài xã hội để tiếp tục làm chuyện số lẻ của họ, nói cách khác phần đông họ chẳng hề là phạm nhân chính trị, họ bị vào tù chẳng qua vì tính cẩn thận thái quá của chính quyền mà thôi. Những người số lẻ không phải “boọc”, mà được xử án hẳn hoi như người trong một số vụ nổi dậy của tín đồ Thiên Chúa giáo cũng không trốn vì nhiều người trong đám họ, các ông chánh trương trùm trưởng các họ đạo xứ đạo, là những người đã có tuổi, có muốn trốn cũng không trốn nổi. Những người trẻ tuổi trước theo chân các vị trong cuộc nổi dậy thì nay phải ở lại trại để trông nom các bậc trưởng lão gần đất xa trời. Những người Hoa dù có mở cổng trại cho họ trốn họ cũng không trốn. Trốn về Tàu thà ở tù Việt Nam còn hơn.

Tù trốn cũng nhiều kiểu kỳ lạ. Chẳng hạn, một tên số chẵn đã lách được qua một thanh gỗ chắn ở đầu hồi nhà giam ra ngoài. Lúc đầu, người ta không hiểu y trốn bằng đường nào. Cứ như thể tên tù đã thăng thiên hoặc độn thổ vậy. Sau chính tù phát hiện ra đường trốn, thấy kẽ hở giữa hai thanh chắn lớn hơn bình thường. Công an cho mấy người tù gày nhất lên thử, nhưng không ai chui lọt. Tù số chẵn còn kể có tên trộm trèo tường theo cách của thạch sùng, cứ ép cả người vào tường mà bò lên, không biết có thật hay không?

Vụ vượt ngục của Thắng Hòa đáng được kể lại vì tính chất bi hài của nó. Hơn nữa, một nhân vật trong cuộc vượt ngục về sau này lại có liên quan tới nhân vật Hán Còi đã được nói tới ở trên.

Thắng Hòa là một lính đột có tên tuổi. Tầm thước, ít nói, lễ độ, y có tính cách khá độc đáo trong đám số chẵn. Là dân “boọc” không biết ngày về, Thắng Hòa âm thầm chuẩn bị cuộc vượt ngục, không cho ai biết. Bằng cách cổ điển dùng muối trộn nước tiểu mà Thành đã kể cho tôi nghe, y kiên trì đợi cho đến khi chân chấn song mục ruỗng - mất tháng rưỡi, hai tháng gì đấy. Biết đã chắc ăn, một hôm vào nửa đêm, đợi cho các bạn tù ngủ thật say y mới bẻ cong chấn song trườn ra. Đúng lúc y sắp chui cả người ra khỏi thì có đứa nào nắm lấy chân. Ngoảnh lại thì ra Nhân, một lính vét.

"Anh ơi, cho em đi với!", Nhân khẩn khoản.

Thắng Hòa ngán quá, nhưng đã đến nước ấy thì không thể từ chối được nữa, kẻ không được cho theo có thể trở thành kẻ phản bội, nó có thể làm rầm rĩ lên và cuộc vượt ngục thế là hỏng. Bẻ chấn song lại nguyên như cũ, lấy cơm nguội trộn với bột tro bịt vào chỗ đứt để cho nó trông hệt như chấn song bình thường, Thắng Hoà và Nhân bò ra ngoài tường rào. Thắng Hòa đã để sẵn ở chân tường một thanh tre đực dài. Hôm trước trại sửa nhà, chẳng ai chú ý tới mấy thanh tre lăn lóc ở đó - tù làm việc có bao giờ gọn gàng đâu. Uốn thanh tre lại, buộc hai đầu với nhau, Thắng Hòa được một cái vòng dẻo, quăng lên cột dây thép gai là đã có thể bám vào nó mà đạp chân vào tường leo lên.

Đi bộ dọc theo đường sắt cách trại được một quãng xa, Nhân mỏi chân, kêu đói. Gần đấy có một thị trấn nhỏ, Thắng Hòa mới sai Nhân đi kiếm cái ăn và quần áo. Nhân mò vào một quán phở, thó được hai bộ. Tiện thể, nó quơ thêm một con gà và một chai rượu, quên khuấy không lấy muối, không lấy nước mắm. Hai đứa đành nhắm rượu với thịt gà nhạt. Rượu vào, đâm buồn ngủ. Nhân nằm ngay trên đường sắt đánh một giấc say sưa. Tàu chạy tới, Thắng Hòa tỉnh thức hơn, chỉ còn kịp lăn Nhân ra ngoài, chính y lại bị chắn sốc của đầu tàu chạm phải. Nhân không bỏ bạn, cõng Thắng Hòa vào bệnh viện tỉnh. Không hỏi giấy tờ lôi thôi, người ta cấp cứu cho y. Sau cơn choáng vì say rượu bị tàu húc, Thắng Hòa tỉnh dậy trong bệnh viện, nhưng y vờ mê man, cho tới khi “đột” được quần áo, tiền nong, cộng thêm một cái đồng hồ báo thức Liên Xô của bệnh nhân cùng phòng, nó mới đào tẩu đi tìm Nhân. Hai đứa nhảy tàu về Hà Nội.

Đến Gia Lâm, chúng xuống. Nhân lên cơn nhớ mẹ, nằng nặc đòi về nhà. Thắng Hòa can không được, bỏ mặc nó, một mình nhằm hướng Vinh đi tiếp.

Về tới nhà Nhân chỉ được nhìn thấy mẹ sau khi bị còng tay. Một quản giáo trại đã phục sẵn ở trong nhà. Bà mẹ lạy van anh công an, xin cho con ăn cùng một bữa cũng không được, khóc ngất nhìn theo con bị giải đi.

Thắng Hòa bị bắt ở một nhà ga. Cái mũ cối vừa “đột” được úp trên mặt, y đang ngủ vùi trên ghế dài dành cho khách đợi tàu thì có ai đó càu nhàu bảo y nằm dịch vào dẹp chỗ cho người khác.

Thắng Hòa gầm lên:

- Đi chỗ khác! Có muốn ông xin tí tiết không thì bảo?

Mắt nhắm mắt mở vùng dậy, y thấy trước mặt mình là... viên quản giáo coi đội.

Hai tên tù vượt ngục lập tức được giải về trại cho chúng tù thấy: đã bảo mà, lưới công an lồng lộng, thưa mà chẳng lọt, có đứa nào vượt mà thoát đâu!

Từ sau cuộc vượt ngục này, ban đêm lính gác đi qua bất cứ cửa sổ nào cũng cầm que sắt lia một dọc các chấn song – nếu có tiếng dộng khác thường lập tức phải kiểm tra cửa sổ ngay. Thành thử anh tù nào khó ngủ lại nằm gần cửa sổ thì khổ lắm, mỗi đêm bị tiếng khua leng keng dựng dậy cả chục lần.

Tôi bị chuyển từ biệt giam ra trại chung ít lâu thì Hán Còi cũng được chuyển từ trại B qua trại Ạ

Tôi đến chỗ tù vừa được chuyển tới, tìm Hán Còi. Lần đầu tiên tôi nhìn rõ nó ở khoảng cách gần. Đó là một thằng bé còi cọc, đúng với biệt hiệu bè bạn đặt cho. Nó đi qua mặt tôi, không biết tôi là ai. Mấy ngày sau, tôi tới gần nó khi nó đứng một mình.

- Hán Còi phải không?

Nó ngẩng lên, gườm gườm nhìn tôi:

- Chào anh giề[3]. Anh giề cần gì nào? Ken tẩy hở?

Tôi im lặng.

- Ờ, tớ nhớ ra rồi, anh giề hỏi cái choáng[4]. Đẩy[5] mẹ nó hôm qua rồi còn đâu.

Tôi mỉm cười. Thì ra thằng bé còn kiêm mua bán đổi chác nữa.

- Chào cháu!

Nó giương mắt nhìn tôi. Miệng nó há ra.

- Cháu chưa nhìn thấy chú – tôi nói - Chú thì thấy cháu rồi. Cháu vẫn đi học đấy chứ?

Nó reo lên:

- Chú đấy ư? Cháu tưởng các chú đi hết rồi.

- Không, chú ở đây.

- Chú kia đi sau chú độ nửa tháng.

Như vậy Phùng Mỹ không còn ở đây nữa. Không biết anh bị chuyển đi đâu? Sau mới biết anh bị đưa đi một trại khác ở ít ngày rồi được thả ra, nhưng phải đi lao động ở một hợp tác xã. Hình thức lưu đầy này được áp dụng cho tất cả tù trong vụ "nhóm xét lại chống Đảng", trừ tôi.

Thằng bé có vẻ thất vọng. Nó thích tôi là con người bí ẩn nằm trong biệt giam hơn một người tù thường, trong bộ quần áo giống hệt bộ quần áo của nó. Khi ở biệt giam tôi có nhiều thứ để cho nó, ở đây tôi chẳng có gì.

Tuy nhiên, rồi nó cũng quyến luyến tôi, như thể tôi là một người thân gặp được trong tù. Sau vụ chém Tín Lác, Hán Còi được nhập bọn với đám sĩ quan[6], không được ngang hàng cho lắm, nhưng cũng không đến nỗi kém vế. Trong vai trò tên liều mạng, tên không sợ cho tóe mebất cứ đứa nào, Hán Còi luôn phải lên gân cho đúng vai, và sự lên gân thường trực làm nó mệt. Những lúc mệt nó chạy sang chỗ tôi, nằm bên tôi mà nỉ non chuyện này chuyện nọ. Trong nó còn một đứa trẻ, con người thật của nó.

Hán Còi rất thương mẹ. Mọi câu chuyện giữa hai chú cháu có lan man tới đâu rồi cũng quay về với mẹ Hán Còi. Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh một cô giáo hiền lành, có gương mặt cam phận, vừa buông bút chấm bài đã cặm cụi đan len để kiếm thêm vào đồng lương còm cõi. Không hiểu sao Hán Còi không nhắc tới bố, như thể ngoài mẹ ra nó không còn ai nữa. Chắc bố mẹ nó bỏ nhau, hoặc bố Hán Còi đã bỏ mẹ nó một cách thế nào đấy làm cho nó hận. Chứ những đứa khác bằng tuổi Hán Còi thì nói khoác lác về bố mẹ dữ lắm - nghe chúng nói thì nhà đứa nào cũng giàu có, bố mẹ đều làm chức to. Cũng có trường hợp như thế thật, nhưng hãn hữu, con cái các ông to được nuông chiều hư hỏng rất nhiều, có điều chúng ít bị rơi vào tù, - thường chúng được gia đình xin cho về giáo dục tại gia đình, hoặc xin cho đi học ở nước ngoài.

- Anh không nên cho bọn số chẵn lên nằm chơi trên chỗ anh! - Tôn Thất Tần khuyên - Trong toán người ta không thích!

- Tại sao họ không thích?

- Bọn lưu manh trước sau vẫn là lưu manh. Xểnh ra cái gì là chúng nó nẫng liền.

- Nó là cháu tôi.

- Rứa thời khác!

Đến chơi với tôi không phải chỉ có Hán Còi. Đám sĩ quan bên số chẵn thỉnh thoảng cũng đáo qua, nhưng không lên chỗ tôi nằm tán gẫu mà để mời tôi qua uống trà (nhặm xà, bắt chước lối nói của người Quảng Đông hoặc Phúc Kiến, dấu ấn cuộc sống chung với họ). Bắt quen với tôi đầu tiên là một sĩ quan có học, từng đọc tôi, là Châu Bún, sau đó mới tới các sĩ quan khác như Quang Coóng, Minh Bò... Những nhân vật này bao giờ cũng có tên kép, tên thật đi kèm với đặc điểm do đồng bọn đặt. Cứ như thế dần dà tôi quen được khá nhiều nhân vật trong giới giang hồ. Về những nhân vật loại này, rất thú vị, nếu ghi chép lại những gì được nghe họ kể phải được một cuốn sách dày.

Đến với tôi còn có những “dũng sĩ diệt Mỹ” từ miền Nam ra Bắc. Đó là những cháu trẻ măng nhưng chiến đấu rất anh dũng, được ban chỉ huy chiến trường tặng danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”. Trung úy Dứa, với tư cách cán bộ miền Nam tập kết, được phân công phụ trách các cháu. Một hôm Dứa sai trật tự trại[7], một anh trung úy biên phòng phạm tội giết vợ vì ghen tuông, nhắn tôi đi khám bệnh lấy một ngày nghỉ để tới gặp anh.

- Tội nghiệp sắp nhỏ. Chúng ra Bắc, đứa gặp công an nạt nộ nổi xung lên uýnh liền, đứa đi học chịu cực không thấu tìm đường chuồn về trỏng, bị bắt lại... - Dứa bàn với tôi - Cũng là dòng cách mạng cả...

Tôi hiểu anh muốn gì ở tôi:

- Tôi có thể làm gì được cho các cháu?

- Anh qua chơi với các cháu luôn, giúp các cháu học.

- Biết chúng nó có chịu học không?

- Nhiệm vụ chung mà, anh Hiên. Chẳng lẽ khoanh tay nhìn các cháu biến thành những tên đầu trộm đuôi cướp.

Tôi nhận lời. Chiến tranh đã làm hư lũ trẻ - chúng không thích học nữa, chúng quậy ở ngoài đời, chúng quậy trong trại giam, theo đòi đám lưu manh.

- Học làm chi, chú ơi - các cháu nói với tôi - Chúng cháu đi đánh Mỹ, ra ngoài nầy tưởng ngon lắm, đứa nào cũng háo hức, hóa không phải. Chúng cháu chỉ muốn về thôi.

- Trước khi về Nam, dù không muốn, các cháu bắt buộc phải sống ở đây một thời gian đã. Trong thời gian ở nơi này các cháu nên tiếp tục học văn hóa để trở thành người hiểu biết.

- Người ta “boọc” chúng cháu, chứ chúng cháu đâu có khoái ở đây. Để coi, nếu không cho chúng cháu ra, chúng cháu sẽ tự ra cho mà xem. Ba cái hàng rào kẽm gai đối với chúng cháu có nhằm nhò chi...

Tôi không dạy được chúng học, nhưng cứ vài ngày một lần tôi sang chơi với các cháu, kể những câu chuyện lấy từ kho tàng văn học thế giới mà tôi còn nhớ được cho chúng nghe. Những câu chuyện có tính chất giáo dục của tôi có tác dụng phần nào trong việc ngăn các “dũng sĩ diệt Mỹ” không phá phách, không trốn trại, ít nhất thì cũng trong thời gian tôi còn ở đó. Sau số phận các cháu thế nào tôi không rõ. Đó là những đứa trẻ trong sáng, rất đáng yêu. Tôi thương chúng vô cùng. Chúng cũng quấn quít tôi.

Một lần cháu Điền, người Thừa Thiên, bị bí đái, lăn lộn kêu khóc. Y sĩ trại chữa không khỏi. Tôi nhắn Dứa:

- Anh xin Ban Giám thị cho áp giải tôi lên núi kiếm thuốc. May chăng chữa được.

Dứa đề nghị Ban Giám thị. Ban Giám thị đồng ý. Không những không cần Dứa áp giải mà cho tôi đi một mình, không có sự áp giải nào.

Tôi trèo lên mấy ngọn đồi gần đấy đào rễ cỏ tranh, lấy cỏ thài lài, cây cúc áo. Trở về trại, đi ngang suối tôi xuống tắm một bữa thỏa thích. Cả ba thứ sao vàng sắc đặc lên cho cháu uống. Một tiếng đồng hồ sau, Điền chạy sang, bẽn lẽn:

- Chú ơi, cháu đái được rồi!

Sau vụ chữa cho cháu Điền tôi cũng nổi tiếng biết chữa bệnh.

Hán Còi không thích các “dũng sĩ diệt Mỹ”. Nó ghen. Thấy tôi hay qua với lũ trẻ từ miền Nam ra, nó tỏ ra không bằng lòng. Về sau. khi các “dũng sĩ diệt Mỹ” đã hòa nhập với đám lưu manh, được bọn đầu gấu kính nể sau vài lần đụng độ, chính Hán Còi lại chơi với chúng.

Đứng bên ngoài những mối quan hệ này là một thằng bé đen đủi, cóc cáy, cao hơn Hán Còi, nhưng lại đi theo Hán Còi như một đệ tử tự nguyện. Khi nào Hán Còi lên chỗ tôi, nó không dám lên theo, mà lảng vảng bên ngoài.

- Cháu với nó là thế nào? - tôi hỏi Hán Còi.

- Thằng vét đĩa í mà. Nó bị đánh quá, cháu bênh nó một lần, thế là nó theo cháu. Bây giờ cháu lại đánh nó.

- Chết, sao lại đánh nó?

- Cháu đánh nó là cháu dạy nó. Yêu cho vọt, ghét cho chơi. Thằng này ngu lắm!

- Thì lựa lời mà dạy.

- Ở đây khác, cứ phải “tiu”[8] mới xong.

- Nó có gia đình không?

- Không. Tội nghiệp, đã vét đĩa còn “dạt vòm”.[9]

Đùng một cái, thằng bé có người nhà lên thăm. Quả “tắc” không lớn, nhưng sự kiện lớn - đã năm năm có lẻ, nó bị coi là thằng sống vô gia cư chết vô địa táng, bị dày đạp, bị khinh rẻ, bây giờ nó là thằng có gia đình hẳn hoi, như mọi người.

Tôi được thằng bé mời ăn bánh chưng, bánh rán, bánh quy, “nhặm xà” và hút “ken tẩy”. Hai món sau không phải gia đình mang cho. Nó lấy bánh đem “chác”. Đàng hoàng lắm. Trong bữa ăn ngoài Hán Còi còn có Châu Bún, Ba Xuyên, Quang Coóng. Châu Bún cũng là thiếu nhi miền Nam ra Bắc tập kết năm 1954, một thứ dũng sĩ diệt Tây, vào thời kỳ chưa có danh hiệu đó. Ba Xuyên và Quang Coóng là đàn anh lừng danh đất Cảng.

- Anh cháu lên thăm cháu - thằng bé nói.

- Anh cháu làm gì?

- Anh cháu nhà báo - nó ngẩng nhìn mọi người, giọng tự hào.

- Thật đấy! - Hán Còi nói.

Thằng bé đưa ra một tờ giấy bẩn thỉu. Tôi đỡ lấy, trải xuống chiếu. Đó là một bài báo với một tên ký không quen. Bài báo chán ngắt, loại văn sản xuất hàng loạt, nhưng đúng anh nó là nhà báo thật.

- Thế tại sao bằng ấy năm anh cháu không thăm cháu?

Nó nhoẻn cười rất tươi:

- Anh cháu nỏ biết! Cháu ở đây nhà cháu nỏ ai biết!

Nó kể cho tôi nghe tường tận chuyện nó đi tù thế nào.

Thằng bé từ một làng heo hút ở Nghệ An ra Hà Nội. Nó nghe nói thủ đô đẹp lắm, có Hồ Hoàn Kiếm, có Tháp Rùa, tàu điện chạy leng keng, ô tô đầy đường, người đi lại như nêm cối, sắp tới là lễ Quốc Khánh còn đẹp hơn, đêm đến đèn điện lung linh, phố xá sáng như ban ngày, đánh rơi cái kim cũng thấy. Bèn ăn cắp tiền của bố đi ra Vinh, mua vé leo lên tàu hỏa.

Hà Nội đẹp thật. Còn hơn cảnhư thiên hạ đồn. Nhưng ngày lễ Quốc Khánh Hà Nội đông người quá, nó lạc lung tung, thành thử không được nhìn thấy Bác Hồ.

- Hoài! - Hán Còi nói - Năm í tao cũng đi theo anh Thiện Bò với anh Lộc Tàu, cả chị Huyền Rô nữa thì phải. Tao được nhìn thấy Bác Hồ hẳn hoi. Mít-tinh đông, tụi tao đá mấy quả đẹp lắm, hôm í “dầm láng”[10]. Anh Châu Bún ơi, hồi í anh có ở Hà Nội không?

- Không! Hồi ấy tao đi “bè dài”[11] với anh Bút Miền[12].

Thằng bé kể tiếp. Nó tiêu hết tiền. Đói quá, liều vào một hàng bún riêu. Ăn một bát, vẫn thòm thèm, ăn hai. Đứng dậy, vờ móc túi trả tiền, móc hết túi này đến túi khác, mếu máo nói mất sạch tiền rồi, xin bà hàng cho gán đôi dép. Gặp phải bà hàng đanh đá, bà ta tru tréo lên, túm chặt thằng bé, rêu rao nó ăn cắp. Người đi đường ùa lại. Công an thổi còi chạy tới, giải luôn về đồn.

Thằng bé sợ mất mật. Nó sợ nhất là bị trả lại gia đình. Bố nó sẽ đánh chết vì cái tội ăn cắp tiền của nhà. Nó khóc thút thít. Một đàn anh ngồi bên cạnh thương tình dạy nó cách khai. Nó bèn khai bịa tên Mỗ, quê quán Lông bông tỉnh, Lang bang huyện, Lung tung xã, Linh tinh thôn. Tra không ra nơi ở của thằng bé, công an kết luận nó là lưu manh chuyên nghiệp, không nơi cư trú nhất định, cho đi “boọc”.

Vốn không hề là lưu manh, thằng bé trở thành “lính vét”[13]. Năm đầu nó còn ngồi khóc ti tỉ. Năm sau nó quen. Cuộc sống trong tù đối với nó cũng chịu được. So với cuộc sống ở nông thôn có khi còn khá hơn, nhất là về mặt ăn uống. Ởnông thôn có khi còn đói dài. Chỉ khổ nỗi bị bọn đàn anh bắt nạt, bắt giặt quần áo hầu chúng, bắt tẩm quất cho chúng mỗi tối. Nhưng nó chẳng sá chi mấy chuyện vặt, ở đâu mà chẳng phải làm. Cuối năm thứ ba, xảy ra một vụ ẩu đả. Một tên đầu gấu hành nó quá, nó nổi khùng, đánh lại. Nó bị tên đầu gấu nện cho một trận nhừ tử. Hán Còi can, rồi bao bọc nó, thu nạp làm đệ tử.

Hết một lệnh nó không được tha. Không ai tha một tên tù không biết quê quán ở đâu, đã thế còn cải tạo không tốt. Tha cho nó ra ngoài xã hội để ngựa quen đường cũ à?

Cho đến một ngày kia, nó bắt gặp một mảnh báo có tên anh nó. Nó mang mảnh báo đi khoe. Bọn lưu manh cười ha hả: "Mày mà có anh là nhà báo!! Đừng có bốc láo". Nó tức lắm, nhưng không biết làm thế nào. Nó khóc tức tưởi. Bọn lưu manh lại càng cười.

Viên quản giáo trẻ trông toán nó là người có học, anh ta đã học hết trung học, hơn hẳn các quản giáo khác. Thấy nó khóc, anh ta hỏi chuyện, cầm bài báo đọc. Nhân dịp nghỉ phép, anh ta tìm đến tòa soạn, gặp tác giả. Hóa ra đúng - chính là anh ruột thằng bé. Người anh, và cả nhà, tưởng nó chết đường chết chợ đâu rồi, được tin nó còn sống, mừng quá, vồ lấy người báo tin, coi như ân nhân cứu tử. Người anh vội vã mang giấy chứng nhận cơ quan lên trại xin nhận em về. Mấy lần đi lại chưa được. Lần thì người ta đòi giấy xác nhận của địa phương, kèm theo hình chụp thằng bé khi nó còn ở nhà. Lần thì Cục chưa xác minh xong. Lần thì xác minh xong rồi nhưng chưa hết lệnh, chưa tới kỳ xét tha.

Là nhà báo xã hội chủ nghĩa, anh ta không dám cãi lại Đảng, cãi lại chính quyền. Anh một lòng cảm ơn Đảng và Nhà nước, yên tâm chờ đợi. Lần này anh lên thăm em với một quả “tắc” dầm.

Chiến tranh ngày một ác liệt. Trên bầu trời Tân Lập vốn yên tĩnh bắt đầu xuất hiện những máy bay tiêm kích Mỹ, phần lớn là loại Thần Sấm và Con Ma[14]. Nhiều đêm chúng vọt qua rất thấp. Tôi và Tôn Thất Tần nằm yên ở tầng trên, tiếp tục ngủ. Quản giáo soi đèn pin thấy chúng tôi không chịu xuống đất như những người tù khác, càu nhàu:

- Quy định có máy bay phải xuống đất sao hai anh không xuống?

Tôn Thất Tần chắp tay lễ phép:

- Thưa ông cán bộ, máy bay chi mà bay nhanh rứa không biết, mới vừa nghe kẻng báo động chúng hắn đã tới rồi. Già cả như chúng tôi, vội vàng quá có khi lợi bất cập hại, lập cập leo trèo lỡ gãy tay gãy chân, lại phiền cán bộ phải thuốc men...

Ban Giám thị quyết định để tránh địch oanh tạc, hàng ngày tù phải dậy sớm, đi ra khỏi trại, làm lao động rồi nghỉ trưa tại chỗ, tối mịt mới được về. Thời gian này gần như cả trại đan tranh nứa, kể cả mấy toán số lẻ. Không hiểu người ta cần tranh làm gì mà nhiều thế?

Một buổi trưa, tôi nằm trên đống tranh vừa đan, đang thiu thiu ngủ thì bị Tôn Thất Tần lay dậy:

- Anh Hiên! Thằng Hán Còi chết rồi!

Tôi bật dậy:

- Sao? Hán Còi sao?

Mặt tái mét, ông thông báo:

- Thằng Hán Còi bị chém chết rồi!

- Ai chém nó?

- Không biết. Nhưng đúng là Hán Còi! Ông cán bộ vừa từ đàng nớ về nói rứa!

Từ đàng xa, trong rừng cây, những bóng áo vàng thấp thoáng. Mấy anh bộ đội gác cũng bỏ toán chạy đi xem đã trở về. Tôi nghe họ loáng thoáng:

- Thằng này chắc chết. Máu chảy một vũng, khiếp quá!

- Đứt động mạch ở cổ là dứt khoát toi.

- Gọi là động mạch cảnh...

- Không biết. Toán ông Thạch. Thằng chém tên chi, há?

- Nó ác thật! Mà trông hiền như đất!

- Thằng mô trông hiền, nổi nóng lên là cục lắm!

Tôi muốn chạy ngay tới với Hán Còi. Nhưng làm sao đi được. Hán Còi ơi, chú thương cháu lắm, chú muốn biết cháu bị làm sao, may chăng có giúp được cháu chút gì, nhưng thân chú cũng là thân tù, biết làm thế nào.

Về sau tôi ân hận mãi đã không xin phép quản giáo chạy tới đó. Có khi anh ta cho phép cũng nên.

Câu chuyện xảy ra như sau:

Sau vụ vượt ngục với Thắng Hòa bị bắt trở lại, Nhân bị cùm một tháng. Ở kỷ luật ra, Nhân sống vật vờ trong đời “lính vét”. Thắng Hòa cũng trở nên nhũn nhặn, mặc dầu trước nó từng nổi danh đầu gấu. Trong cộng đồng tù kẻ vượt ngục không thành lập tức bị xuống giá.

Một hôm Nhân nhặt được một con gà chết. Các gia đình cán bộ đều nuôi gà tăng gia. Gặp trận dịch Tân Thành, gà chết la liệt, ăn không kịp. Những con gà rù đi lang thang, chết rụi ở mọi xó xỉnh. Con gà mà Nhân nhặt được là một con gà chết như thế. Nó đã hơi trương, nhưng với miệng người tù đói, con gà vẫn là con gà, dù nó có bốc mùi thum thủm. Nhân vặt lông, xé con gà ra ấn vào hăng-gô nổi lửa lên sột sệt.

Hán Còi đi qua:

- Người lính[15]! Sột sệt gì đấy?

Nhân cười:

- Em nhặt được con qué[16].

- Nhặt gì? Bắt của Ban hả?

- Em không dám. Nó chết toi trong bụi nứa.

- Thối chưa?

- Chưa, còn tốt.

- Thế à?

Hán Còi bỏ đi, huýt sáo miệng.

Hán Còi chuyện trò với đám sĩ quan một lát rồi quay lại:

- Được chưa, người lính?

- Sắp được rồi, anh Hán ạ.

Hán Còi mở nắp hăng-gô ra xem, giật cái que trong tay Nhân chọc thử:

- Được rồi đấy!

Nói rồi cầm lấy quai hăng-gô xách đi:

- Tụi tao đang có liên hoan, người lính sẽ được tính bốn suất cơm lấy sau, bở nhá!

Nhân bầm gan tím ruột, nhưng gượng cười:

- Hôm nay hai nhớ?

- Hai có hai. Đến thằng Bình thọt, bảo anh Hán đòi. Nó còn nợ tao hai chục suất.

Bình thọt là một con ma đói. Khi nào đói quá nó sẵn sàng chịu nợ một gấp đôi, gấp ba, miễn lấp được cái dạ dày trống rỗng. Cả tuần nay nó bị cúp cơm, đang nằm ép rệp, làm sao đòi được nó. Có thể giã cho nó một trận, nhưng cái đó phỏng có ích gì?

Nhân mài con dao chẻ tranh cho tới khi nó sắc như nước. Hán Còi đang ngủ trưa. Nhân đến, xoạc chân trên ngực kẻ thù:

- Hán Còi!

Hán Còi choàng tỉnh.

- Nhìn tao trả thù này!

Nhân chém một nhát, như bổ củi. Đó là nhát quyết định.

Hán Còi bật dậy, ôm lấy cổ:

- Ối Nhân ơi, sao mày ác thế?

- Ác này!

Nhân gầm lên, bổ tiếp nhát thứ hai vào bàn tay ôm cổ của Hán Còi.

Người ta xô tới, giằng lấy dao. Bộ đội gác khóa tay Nhân. Nó ngồi ở gần đấy, mặt bất động, không nhìn đám đông vây quanh kẻ thù của nó đang hấp hối.

Hán Còi nằm trên vũng máu, da trắng bệch. Nó không nói được. Từ vết thương máu phun ra từng tia theo mạch đập. Y sĩ trại chạy tới, lấy khăn mặt bông áp vào chỗ bị chém, băng bó mấy ngón tay gần đứt lìa. Chẳng mấy chốc cái khăn mặt băng cổ Hán Còi đã ướt đẫm. Ban Giám thị điều ngay một xe com-măng-ca đưa nạn nhân đi cấp cứu. Bệnh viện huyện cách đó chừng mươi cây. Chưa tới nơi Hán Còi đã trút hơi cuối cùng.

- Trường hợp ni phải lấy miếng ni-lông mà bịt, lấy lòng tay khum khum mà giữ. - Tôn Thất Tần giảng giải cho tôi về cái chết của Hán Còi - Máu phun ra sẽ đông lại, làm thành một màng bùng nhùng nhưng ở bên trong máu vẫn không bị đông, vẫn lên óc, vẫn nuôi được óc. Để cái khăn bông thấm máu là nhà quê. Máu con người có được là bao nhiêu, thấm hết vô đó còn lấy chi nuôi óc. Óc chết là sự sống không còn.

Sau vụ hạ sát Hán Còi, Nhân bị xử hai mươi năm. Nó rời hàng lính vét để trở thành một sĩ quan.

Tôi nhìn thấy thằng bé em ông nhà báo. Mất Hán Còi, nó lủi thủi trong sân trại, mặt mũi phờ phạc. Nó trở thành đưa bé mồ côi.

Từ trong xà lim kỷ luật Nhân nhắn ra:

- Ông đã cho tóe me một thằng, ông không ngán thằng nào hết!

Nó nói, y như Hán Còi đã nói.

(Còn tiếp)


[1] Karma là nghiệp, gốc tiếng Phạn.

[2] Kèn báo thức, la-vầy là tiếng Tây bồi từ réveille của tiếng Pháp, nghĩa thức giấc. đánh thức. Tác giả, một nhà cách mạng thuộc thế hệ 30, sau cách mạng giữ một chức vụ nhỏ bé, không được ai biết đến. Tôi có gặp ông trong rừng Việt Bắc, thời kháng chiến chống Pháp.

[3] Tiếng lóng: giề (già).

[4] Tiếng lóng: choáng (kính).

[5] Tiếng lóng: đẩy (bán).

[6] Tiếng lóng: sĩ quan (dân anh chị trong tù hình sự.

[7] Một chức sắc trong bộ lạc tù, do Ban giám thị lựa chọn để giúp việc các quản giáo, từ việc trông nom trật tự hằng ngày, mở cửa đóng cửa các phòng giam, cho tới việc đưa cơm cho tù bị cùm trong khu kỷ luật. Thường một trại có vài trật tự, lấy trong tù “số chẵn”“số chẵn” và cả trong tù “số lẻ”. Có trại người ta không dùng tù ”số lẻ” làm trật tự, chỉ có trật tự số chẵn.

[8] Tiếng lóng: đánh.

[9] Tiếng lóng, bỏ nhà đi lang thang.

[10] Tiếng lóng: nhiều tiền.

[11] Tiếng lóng: kiếm ăn đường dài, trên tàu hỏa.

[12] Trong những tên hiệu có thêm chữ Miền là chỉ người miền Nam tập kết.

[13] Tiếng lóng; như vét đĩa.

[14] Thần Sấm (Thunderchief, loại F05), Con Ma (Phantom, loại F4).

[15] Cách dân lưu manh gọi nhau.

[16] Tiếng lóng: con gà.