Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2022

Những điều kỳ ảo trong đời sống

Hồ Anh Thái

Giữa biển sách mới, đôi khi người đọc có nhu cầu tìm đọc lại những tác phẩm hay, được xuất bản đã lâu. Những hiệu sách cũ có thể cho người ta cảm giác phiêu lưu rồi bất chợt phát hiện ra châu Mỹ. Thực sự là châu Mỹ, và là Mỹ Latinh, khi tìm được và đọc lại cuốn Lửa và hủi, bốn mươi năm sau khi sách được dịch và in lần đầu, năm 1982. Đọc lại, vẫn thấy đầy đủ sự hấp dẫn của văn chương Mỹ Latinh.

 

Agusto Roa Bastos (1917-2005), nhà văn kiệt xuất của đất nước Paraguay, là bậc thầy của nhiều nhà văn kiệt xuất trong dòng văn chương hiện thực kỳ ảo độc đáo của châu Mỹ Latinh ở thế kỷ XX. Trong Lửa và hủi, Bastos đã cấu trúc chín truyện ngắn liên hoàn thành một tiểu thuyết. Tên sách trong văn bản gốc tiếng Tây Ban Nha là Đứa con trai của người đời (Hijo de hombre), bản tiếng Việt được dịch qua tiếng Pháp Lửa và hủi (Le Feu et la Lèpre). Giữa các truyện ngắn có liên quan về bối cảnh, về nhân vật, và liên quan nhờ một số chi tiết đã được nhắc đến trong những truyện khác.

Một làng quê nào đó ở Paraguay đầu thế kỷ XX, nơi người ta chuẩn bị huấn luyện lực lượng để nổi dậy chống chính quyền độc tài. Chính quyền đàn áp, bắt và giết và giam cầm đám binh lính làm binh biến cùng những nông dân tham gia nổi dậy. Những người lính trở thành tù nhân, rồi khi có chiến tranh biên giới với nước láng giềng (Bolivia) thì họ lại từ tù nhân trở thành người lính đi bảo vệ tổ quốc. Sau chiến tranh, có những người chết như anh hùng (chẳng hạn anh lái xe chở cả một xe nước băng qua bom đạn đến chi viện cho người lính đang khát ở mặt trận, đi cùng một cô gái điếm trở đã trở thành y tá chiến trường…). Những người sống sót trở về phải chịu hội chứng như mọi người lính hậu chiến: người cụt tay, người còn sợ tiếng nổ của lửa đạn, người tưởng mình vẫn ở chiến trường, ném hết mười quả lựu đạn vào một căn nhà hoang giữa rừng mà tưởng mình đang đánh đồn giặc... Quá khứ đẫm máu mà tương lai mờ mịt.

Những câu chuyện tưởng như hoàn toàn hiện thực, nhưng Bastos là nhà văn Paraguay và không đi chệch chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo Mỹ Latinh. Một toa tàu còn sót lại khi nhà ga bị chính quyền đánh bom để đàn áp cuộc nổi dậy. Cả nhà ga tan hoang, một cái hố sâu hoắm và to như lỗ đen còn mãi ở đấy. Toa tàu ở gần đó vẫn còn lại trên đường ray, cứ mỗi ngày nó lại lừ lừ tiến lên một đoạn, cứ thế dần dần nó tiến về phía rừng rồi biến mất trong rừng. Khi ấy dân làng không hiểu nổi toa tàu như ma biến mất đi đâu. Thực ra có một gia đình người khởi nghĩa còn sống sót đang trú trong ấy, ngày ngày họ đẩy toa tàu xa dần ra khỏi tầm mắt con người.

Một họa sĩ bị hủi, tự bỏ vào rừng sống gần những người hủi. Trong cơn đau đớn vì bệnh tật, anh tạc một pho tượng gỗ Chúa Jesus tuẫn nạn. Sau khi anh chết, pho tượng gỗ loang lổ vết máu được dân làng ngưỡng mộ mang về đòi đặt trong nhà thờ. Nhưng vị cha xứ phản đối…

Một ông bác sĩ hình như chạy khỏi nước Nga những năm đầu Xô Viết, không biết tiếng địa phương. Trong chuyến tàu đi qua làng ấy, ông bị hiểu nhầm là người đánh cắp một đứa trẻ. Ông bị đánh đập, bị ném xuống ga xép giữa đường, rồi trở thành cư dân trong làng, chữa bệnh cho dân. Về sau ông còn chữa bệnh cho những người hủi trong trại giữa rừng, để lại một đứa con cho cô gái làng, rồi biến mất, đi đâu không rõ.

Ngay trong đời sống hiện thực vẫn có rất nhiều điều kỳ ảo, đấy cũng là lời khẳng định của nhà văn kiệt xuất người Paraguay, A. Rosa Bastos.

 

------

* Lửa và hủi, A. Roa Bastos, Nguyễn Vĩnh và Trịnh Như Lương dịch, NXB Tác Phẩm Mới 1982.