Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

Chúc chị mãi là người dũng cảm

Phạm Xuân Hùng

clip_image002

Hơn 500 trang sách, mười sáu vạn con chữ chưa phải là công trình khảo cứu đồ sộ nhưng “Dám ngoái đầu nhìn lại” của Nguyễn Thị Tịnh Thy (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021) thực sự để lại trong tôi niềm ngưỡng vọng với người viết. Ngưỡng vọng về phương pháp khoa học, tinh thần học thuật và thái độ nghiêm cẩn qua từng con chữ.

Chọn lựa 5 tác gia tên tuổi của Trung Quốc: Lý Nhuệ, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện, Dư Hoa và Diêm Liên Khoa, nghiên cứu sâu hơn 20 tác phẩm của họ không phải là điều đơn giản. Càng thách thức hơn trong bối cảnh lịch sử Trung Hoa tồn đọng nhiều mảng xám tối và khó khăn nữa, là tự thân mỗi nhà văn cũng đầy rẫy những ngã rẽ hội tụ và phân ly, trong hiện thực được diễn ngôn và hành trình tư tưởng của họ qua tác phẩm. Nhưng, dám vượt qua khó khăn, thách thức, tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy tìm đến và chọn lựa đề tài nghiên cứu bởi các nhà văn kể trên là những đại diện xuất sắc cho dòng “văn học vết thương”, là những tiếng nói phản tư, phản tỉnh nhất trong số hàng triệu, hàng chục triệu... trí thức của Trung Hoa đương đại. Hơn thế, họ là những tiếng nói trung thực với thời đại như Nguyễn Thị Tịnh Thy đã nói trong Lời mở đầu: “Trong năm tác giả kể trên, phong cách sáng tác mỗi người một khác, nhưng họ có một điểm chung là đều có mối quan hệ “căng thẳng với hiện thực”. Đó có thể là hiện thực trong quá khứ, có thể là hiện thực trong hiện tại; có thể thuộc các chủ nghĩa “hiện thực yêu tinh”, “hiện thực dữ dội”, “hiện thực hoang đường”, “hiện thực huyền ảo”, “hiện thực thần bí hoang tưởng”... nhưng chắc chắn không phải là “hiện thực giả dối””. Với sự khách quan, công tâm, Nguyễn Thị Tịnh Thy đặt mình trong mối quan hệ với những kẻ dám “ngoái đầu nhìn lại” đó là “chọn những vấn đề chung nhất thuộc về lịch sử, hiện thực, nhân tính, sinh mệnh qua sự tham chiếu với các lý thuyết văn học hiện đại để giải mã sức hấp dẫn của tác phẩm và sức hấp dẫn của tác giả. Xuất phát điểm và mục đích tối thượng của cuốn sách là khoa học văn chương...”.

Sự nặng lòng của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy trong “Dám ngoái đầu nhìn lại” là không quá bám chặt vào các “lý thuyết văn học hiện đại”. Nói cho cùng, nếu xem “mọi thứ lý thuyết đều là màu xám” thì con đường cải ngộ những thiên kiến, lay tỉnh thức nhận cần có trái tim thao thức với cõi người, với muôn một kiếp người. Cái hay của “Dám ngoái đầu nhìn lại” là ở chỗ đó, sự hoà quyện biện chứng đầy thuyết phục giữa lý luận khoa học với cảm nhận duy tình gặt hái từ tham chiếu tác phẩm với đời sống hiện thực đã và đang diễn ra. “Dám ngoái đầu nhìn lại” như một khu vườn mà mỗi tác giả hiện ra trong đó sừng sững, uy nghi như “cây cô đơn”, với phẩm tính đặc hữu: Lý Nhuệ phản tư, Mạc Ngôn dấn thân, Cao Hành Kiện hồi cố, Dư Hoa phẫn nộ và Diêm Liên Khoa nghịch dị. Và bên trên khu vườn, những cành lá đan cài vào nhau, chạm vào bầu trời lịch sử Trung Hoa trong khát vọng “đỡ dậy ký ức của một dân tộc”, “quan tâm và yêu thương đến đau đớn đối với mảnh đất và dân tộc này”.

Với những nhà nghiên cứu chuyên sâu, “Dám ngoái đầu nhìn lại” xứng đáng là tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học dày dặn học thuật. Sự vận dụng linh hoạt các lý thuyết soi rọi xuống tác phẩm mỗi nhà văn đã cho thấy tư tưởng của họ hiện lên như những phức thể đồng nhất. Lý Nhuệ nhất quán với thái độ phản tư nhưng đó là sự đan cài của cái nhìn lịch sử “như một nhân vật” mang bản chất đầy “dục vọng của thời đại”, bằng cảm nghiệm sâu sắc rằng lịch sử còn là “sự đổ vỡ dục vọng”, và theo ông “tính ngẫu nhiên quyết định lịch sử” để rồi cuối cùng chính “lịch sử vô lý quyết định sinh mệnh con người”. Mạc Ngôn, nhà văn xuất thân tầng dưới của xã hội dấn thân vào văn chương bằng sự “đối mặt với cuộc đời khinh bạc”, sẵn sàng nhìn đời bằng “đôi mắt chó” để xuyên thấu tnhững thân phận sống đọa thác đày, “chết thì dễ, sống mới khó, càng khó càng phải sống”. Dư Hoa thì khác, tác phẩm của nhà văn này là tiếng nói phẫn nộ nhưng uất chứa trong đó nhiều nỗi niềm, đó là “sinh mệnh cá nhân” đầy “mặc cảm bị bỏ rơi và cô đơn”, những trang viết của Dư Hoa tuôn chảy hình ảnh bạo lực, chết chóc, máu me nhưng dòng chảy ngầm sau mỗi con chữ là nỗi niềm về nhân sinh, thế sự. Nhà văn Cao Hành Kiện với những trang viết miên man dòng chảy hồi ức chất chứa nỗi buồn cô đơn, lưu vong nơi xứ người mà vẫn không quên một cố hương xa khuất, một Tổ Quốc đầy rẫy những khúc quanh bi kịch, mất mát và tha hoá. Nhà văn cuối cùng, Diêm Liên Khoa, khác với Mạc Ngôn, những nhân vật trong tác phẩm của ông đa phần trí thức-lưu manh là hiện thân của sự đê tiện, bỉ ổi. Ở phía ngược lại, những người cách mạng mang bóng dáng của kẻ đốt đền lại khoác hình ảnh của Đấng Chăn chiên trên cây Thập giá đời mang tên lịch sử.

Điểm nổi bật qua những trang viết của Nguyễn Thị Tịnh Thy trong “Dám ngoái đầu nhìn lại”, ở góc độ nghiên cứu, là đã làm rõ phong cách, thi pháp và những sáng tạo nghệ thuật ở những nhà văn mà chị đã lựa chọn. Vận dụng nhiều lý thuyết văn học và cận văn học như: lý thuyết về loại thể, về ngôn ngữ, xã hội học, ký hiệu học, tâm lý học hành vi, văn bản học, liên văn bản.., các trào lưu văn học hiện đại và hậu hiện đại..., trên nền tảng lịch sử Trung Hoa hiện đại còn vương tử khí của những cuộc cách mạng về Văn hoá, Kinh tế, Xã hội, Nguyễn Thị Tịnh Thy đã đưa ra những chỉ dấu nghệ thuật riêng biệt với từng nhà văn, ít nhất là về cách xây dựng tác phẩm và ngôn ngữ. Một Lý Nhuệ có cách xây dựng tác phẩm “phi trung tâm hoá nhân vật” dựa trên kết cấu phân mảnh, ghép mảnh và phong cách ngôn ngữ trong sáng, giàu cảm xúc. Mạc Ngôn xây dựng tác phẩm từ những “điểm nhìn” đa chủ thể, người kể chuyện đa tầng bậc và giọng điệu ngôn ngữ giàu chất tự sự. Cao Hành Kiện là nhà văn thể hiện kỹ năng tự sự, tự thuật xuất sắc của dòng tiểu thuyết hiện đại, với lối viết sử dụng ngôn ngữ của hồi ức, hồi tưởng theo trục dọc thời gian bằng kỹ thuật siêu hư cấu. Dư Hoa mang dấu ấn của dòng tiểu thuyết hậu hiện đại khi sử dụng trong tác phẩm đan xen nhiều kỹ thuật tự sự (độ không, trùng phức...), đa dạng bút pháp (nghịch dị, trò chơi) và phong phú giọng điệu ngôn ngữ theo một kiểu riêng “Dư Hoa”. Diêm Liên Khoa với đặc trưng bút pháp nghịch dị trong cách xây dựng nhân vật nghịch dị, thậm chí đến mức quái dị bằng “trò chơi” ngôn ngữ vừa quen, vừa lạ, không giống ai.

Dùng lý thuyết liên văn bản để chi ra đặc điểm nghệ thuật về nội dung, cách đặt nhan đề tác phẩm của Diêm Liên Khoa, Nguyễn Thị Tịnh Thy đã viết: “Trong sáng tác nghệ thuật, việc đặt nhan đề liên quan mật thiết với ý thức sáng tạo cá nhân và ý thức sở hữu của người nghệ sĩ... Nhan đề phải khái quát ở mức cao về nội dung tư tưởng của văn bản, của tác phẩm; phải cô đọng được cái “thần”, cái “hồn” của tác phẩm” (trang 484). Nhận xét đó không chỉ đúng với người sáng tác mà còn cả với những cây bút phê bình, khảo cứu. Viết về Diêm Liên Khoa là vậy, hẳn Nguyễn Thị Tịnh Thy đã phải lao lực mới đặt định được các tiêu đề, chương mục cô đọng hết mức, súc tích hết mực, thấu suốt cái “tinh hoa” của mỗi nhà văn. Hãy cùng đọc lại và suy ngẫm: Chương 1. Ghét cái lịch sử vô lý - Lý Nhuệ phản tư; Chương 2. Gây chấn động hồn người - Mạc Ngôn dấn thân; Chương 3. Cởi hết sự trói buộc - Cao Hành Kiện hồi cố; Chương 4. Căng thẳng với hiện thực - Dư Hoa phẫn nộ; Chương 5. Sứ mệnh với bóng tối - Diêm Liên Khoa nghịch dị. Đặt 5 nhà văn cạnh nhau và chỉ ra căn cốt, phẩm tính văn chương từng người đã là khó, việc xác tín “điểm nhìn” duy nhất của họ để rồi đặt tên cho tác phẩm ‘Dám ngoái đầu nhìn lại” là một sự hay không dễ mấy ai làm được.

Viết nghiên cứu, phê bình văn học nói riêng và khảo cứu các lĩnh vực chuyên sâu nói chung thường khô cứng bởi thao tác khoa học nhưng trong “Dám ngoái đầu nhìn lại” Nguyễn Thị Tịnh Thy đã có những trang văn, đoạn văn hấp dẫn, không chỉ thuyết phục người đọc bởi hàm lượng học thuật mà còn lay động trái tim độc giả bằng chính sự tuôn trào cảm xúc của tác giả. Hãy ngẫu nhiên đọc một vài trích đoạn: “Chuyển tải sự bi thương đến cùng cực, khốn quẫn đến cùng cực, nuối tiếc đến cùng cực của con người trong lịch sử bằng một lối viết nhẹ nhàng, không làm dáng, không kiễng chân, Lý Nhuệ mang đến cho chúng ta một cách nghĩ khác về tiểu thuyết tân lịch sử, về văn chương hậu hiện đại, Hậu hiện đại nên bắt đầu từ trong cảm thức, từ trong “cốt cách” của mỗi nhà văn, mỗi dân tộc, chứ không nên bắt đầu bằng những mảnh vỡ kỹ xảo nhặt nhạnh được đâu đó từ trong bờ biển của văn chương thế giới”; “Như sử gia Tư Mã Thiên của thời cổ đại, qua các tác phẩm, Mạc Ngôn cũng cho rằng mỗi người dân, dù là người cùng đinh, mạt hạng cũng có vai trò nhất định trong lịch sử. Chính họ đã có công đẩy bánh xe lịch sử quay nhưng chính họ cũng là cái túi chứa đựng tai ương của lịch sử”; “Lịch sử được làm nên từ những con người biết “đuổi theo” và “thay sắc mặt” như thế chắc chắn là lịch sử của bi kịch với nỗi đau vô bờ mà phải dũng cảm lắm, các nhà văn đương đại nói chung và Cao Hành Kiện nói riêng mới dám tái hiện trong văn chương, hình thành nên một dòng văn học vết thương mãi vẫn còn rướm máu”; “Trong tiểu thuyết của Dư Hoa, đám đông không còn mờ nhạt, không chỉ là phông nền cho sân khấu lịch sử như trong tiểu thuyết của các nhà văn cùng thời, mà hiện hữu rõ rành hơn. Họ có tiếng nói, có tiếng cười, có hành động, có điểm nhìn,... nhưng tất cả chỉ để thêm lần nữa khắc sâu những nhược điểm tinh thần của người Trung Quốc mà Lỗ Tấn từng rất lạnh lùng và đau đớn phơi bày trong sáng tác của mình”; “Bóng tối và ánh sáng, chân thực và giả dối, tỉnh táo và điên dại,...các mặt đối lập ấy đã đảo ngược các giá trị của nhau, trong thế giới mà các nhân vật của Diêm Liên Khoa tồn tại. Là sản phẩm dị thường của thời đại, thế giới ấy dù mang lại hạnh phúc hay khổ đau cho con người cũng đều không thể và không nên tồn tại. Bởi vì, nó chỉ có thể đẩy con người đến với những giá trị ảo trên cơ sở huỷ diệt những giá trị thật”.

Nhưng điều quan trọng nhất, xin nhấn mạnh điều quan trọng nhất, vượt lên trên câu chữ trong “Dám ngoái đầu nhìn lại” là một Nguyễn Thị Tịnh Thy đầy Bản lĩnh và Dũng cảm. Bản lĩnh khi dấn thân vào nghiên cứu các tác gia lớn của nền văn học thuộc quốc gia lân bang, một Trung Hoa có những tương đồng, tương thông, tương liên, tương quan với Việt Nam. Dù muốn cũng không thể né tránh, rằng có những “file” ảnh gốc hiện thực xã hội trong lịch sử hiện đại Trung Hoa đã được nhân bản hoặc cắt dán trên nền lịch sử Việt Nam hiện đại. Một “hiện thực kép” như thế dễ làm nản lòng hoặc lung lay ý chí của giới nghiên cứu, phê bình, nhất là trong lĩnh vực văn chương, vốn mơ hồ, nhạy cảm và đầy định kiến. Về mặt học thuật, để “khoan sâu vào tầng lõi tiểu thuyết đương đại Trung Quốc” (chữ dùng của TS Nguyễn Thị Minh Thương trong “Lời giới thiệu”) Nguyễn Thị Tịnh Thy dùng các công cụ lý thuyết khác nhau nhưng khi “mũi khoan” đã chạm đến đáy thì không thể “nhắm mắt làm ngơ” trước Con người và Lịch sử. Và điều đó đã được Nguyễn Thị Tịnh Thy dũng cảm nói ra.

Điểm đồng quy của cả 5 nhà văn trong “Dám ngoái đầu nhìn lại”, ở những góc độ khác nhau, đều xoay quanh những biến cố hệ trọng của Trung Hoa trong thế kỷ qua: Cách mạng điền địa, Cách mạng văn hoá, Cách mạng kinh tế “Đại nhảy vọt”... Đó là những trang phục để Lịch sử Trung Hoa trong vai diễn Đấng Cứu thế khoác lên sân khấu, làm con người tha hoá, xã hội phi nhân tính và đời sống trượt dài đến chỗ phi lý. Khởi điểm của cách mạng, những con người như Lý Nãi Chi (trong tác phẩm “Chốn xưa” của Lý Nhuệ) “Từ trong thế giới cô đơn bởi bốn bức tường Cửu tư đường, anh đã bước ra, làm “con của vạn nhà, làm “em của vạn kiếp phôi pha”, làm anh của “vạn đầu em nhỏ”, hoà mình vào “tiếng đời lăn náo nức”. Từ ấy, trên con đường anh đi luôn có một “mặt trời chân lý” soi sáng, đưa đường dẫn lối. Kiên định với phương châm “trung thành với sự nghiệp của Đảng,... quyết tâm phấn đấu vì sự nghiệp cộng sản chủ nghĩa”, Lý Nãi Chi đã hăng hái hoạt động và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”, bởi vì “Nãi Chi và những đồng chí của anh rất tin vào sự nghiệp mà họ xả thân cống hiến nhất định sẽ loại trừ cái thế giới đang chết rũ này, sẽ đưa lại niềm tin hy vọng và tương lai tốt đẹp cho nhân dân Trung Hoa” (trang 33). Nhưng rồi cơn bão đen của Cách mạng văn hoá đã đưa anh đến cái chết tức tưởi và oan khuất: “Lúc thu thập di vật của Lý Nãi Chi, tổ chuyên án và đại diện quân đội đã phát hiện một tờ Nhân dân nhật báo, ông viết kín lên những chỗ còn trắng trên tờ báo, tất cả chỉ có một từ cách mạng, cách mạng, cách mạng, cách mạng, cách mạng, cách mạng, cách mạng...” (trang 35).

Những trích đoạn phân tích như trên khá nhiều trong “Dám ngoái đầu nhìn lại”. Rõ ràng, đó là thao tác khoa học trên nền “văn bản học” tác phẩm của các nhà văn là đối tượng khảo cứu. Nhưng ngay cả khi nghĩ và viết ra điều đó, trong bối cảnh xã hội còn đeo đẳng những điều cấm kỵ thành văn và bất thành văn, như Nguyễn Thị Tịnh Thy, cũng đã là điều dũng cảm. Ở đây, xin mở ngoặc thêm, còn có sự dũng cảm đồng hành với Nguyễn Thị Tịnh Thy là Nhà xuất bản, biên tập viên của Nhà xuất bản, người viết Lời giới thiệu tác phẩm.

Một nền văn học lớn là cộng sinh của những nhà văn lớn và các nhà nghiên cứu, phê bình văn học lớn. Trong không ít trường hợp, những lập thuyết, lập ngôn của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học là chìa khoá để các nhà văn mở ra cánh cửa huyền bí của phương pháp sáng tác. Trong một số trường hợp khác, là liều doping để các nhà văn can đảm chọn lựa một thái độ sống và viết. Trong “Dám ngoái đầu nhìn lại” Nguyễn Thị Tịnh Thy đã nhiều lần riết róng và thành tâm bày tỏ: “Nếu nhà văn chỉ quẩn quanh với các giải thưởng chia phần và những bình luận phải đạo, hoặc chỉ phản tư và phê phán ở mức độ phải đạo, thì vẫn mãi hoặc chưa thực sự bước ra khỏi quỹ đạo của nền “văn học phải đạo”. Và nếu như thế, ký ức của họ vẫn là thứ ký ức phải đạo của “kẻ ăn mày dĩ vãng”, họ không thể và không nên truyền lại ký ức cho thế hệ tương lai” (trích in ở bìa 4). Độc giả có quyền tin vào sự chân thành của tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy bởi lẽ, ở góc nhìn trực diện, văn học Việt Nam đương đại còn thiếu khuyết những tiếng nói văn chương tầm cỡ, dù đang đi tới hay “ngoái đầu nhìn lại”. Vẫn có đó, một Bảo Ninh sống đọa đày trong ký ức chiến tranh, một Nguyễn Quang Lập dằn vặt với những mảnh đời đen trắng của thời đã qua, một Tạ Duy Anh nhỏ máu xuống những trang viết về những ngày cải cách ruộng đất,… Trong văn chương phi hư cấu, gần đây có Phan Thuý Hà cũng đã cùng nhân vật “ngoái đầu nhìn lại” để tái tạo một lịch sử như nó đã từng, đau thương, bi tráng. Tuy nhiên, những tiếng nói đó vẫn còn lẻ loi, chưa đủ để hình thành một dòng văn học tầm cỡ, tác phẩm chưa đủ bút lực để xuyên thấu trái tim độc giả, đáp ứng yêu cầu về một nền văn học tương xứng với thời đại. Cũng vì lý do đó, Nguyễn Thị Tịnh Thy ước vọng: “Ngay từ trong sâu thẳm nhất, tôi muốn trao đến nhũng người quan tâm tới văn chương Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn. Tôi mong họ dám ngoái đầu nhìn lại, mong họ có những đột phá về đề tài và bút pháp, có thể dùng ngòi bút của một người “đỡ dậy ký ức của một dân tộc” (Lời mở đầu).

Cách đây chừng hơn ba thập kỷ, khi nhà văn Nguyễn Minh Châu viết lời ai điếu cho một nền “văn học minh hoạ” cũng là lúc nở rộ vài ba tác phẩm dám “bước qua lời nguyền” khiến nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến tuyên bố văn học Việt Nam đã đến lúc chia tay với nền “văn học phải đạo” như Nguyễn Thị Tịnh Thy nhắc lại. Nhưng có vẻ như lời chia tay bao giờ cũng khó nói, và chặng đường đã qua cho thấy các nhà văn Việt Nam vẫn còn ở tâm thế lưỡng phân “dùng dằng kẻ ở, người đi”. Sự dùng dằng đó phải chăng cũng đã được Hoàng Ngọc Hiến tiên cảm khi nhận định về con đường văn chương của Nguyễn Huy Thiệp: “Tôi không chúc anh thuận buồm xuôi gió”. Nhắc lại để thấy, “Dám ngoái đầu nhìn lại” của Nguyễn Thị Tịnh Thy vẫn còn nguyên giá trị nhân văn và thời sự tính văn chương.

Đủ bản lĩnh để ngoái đầu nhìn lại thì sẽ đủ dũng khí để bước tới. Khi đã nghiệm sinh “máu của nhà văn còn quý hơn máu kẻ tử đạo”, chắc hẳn Nguyễn Thị Tịnh Thy còn ấp ủ, nuôi dưỡng tinh thần quyết liệt hơn nữa trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học, nói và viết ra sự thật, cho dù có những sự thật phải “viết dưới giá treo cổ”. Cũng xin nói thêm, đây là tác phẩm thứ ba của Nguyễn Thị Tịnh Thy sau hai tác phẩm đã in, tái bản và được độc giả đón nhận tích cực (“Tự sự kiểu Mạc Ngôn”, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Nxb. Văn học, 2013 và “Rừng xanh, suối cạn, biển độc... và văn chương”, Nxb. Khoa học Xã hội, 2017).

Mượn ý của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến, chúc Nguyễn Thị Tịnh Thy “thuận buồm xuôi gió” trong lĩnh vực mà chị đang theo đuổi, mãi bản lĩnh và dũng cảm để ngòi bút luôn “viết như là một phép ứng xử”./.

28.7.2021

P.X.H.